...Tôi thiết tha được
lên tiếng kêu gọi bà con ta ở thành phố hãy gửi đến
đây các bộ quần áo cũ mà lâu nay không dùng tới nữa.
Nơi tiếp nhận tại TP Hồ Chí Minh là trụ sở
Tạp chí Kiến thức ngày nay
( 68 Trần Hưng Đạo Quận 1)
và tại Hà Nội là Trung tâm Công nghệ Sinh học (ĐHQG
Hà Nội, 144 đường Xuân Thủy). Tôi sẽ trực tiếp giúp
chuyển giao nhanh nhất số quần áo này tới Bản Ón cho
cộng đồng người Rục anh em...
...Món Bồi
được đổ ra mẹt và người lớn, trẻ em chỉ bốc ăn
với...muối ớt (!) hoặc măng rừng, rau rừng. Thú
rừng, chim muông và tôm cá đâu còn dễ săn bắt như
khi còn ở trong hang động và khi rừng còn rậm rạp,
giàu có tài nguyên. Tôi mong ước được phổ biến cho
bà con công nghệ nuôi thỏ nhốt trong chuồng với kỹ
thuật phòng tránh được bệnh đường ruột cho thỏ. Cán
bộ thuộc Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT
vào hộ nông dân sẵn sàng tới Bản Ón để hướng dẫn
bà con, nhưng doanh nghiệp nào sẵn lòng bỏ vốn cho
bà con mua thỏ giống và sẵn lòng thu mua sản phẩm
lại từ khu rừng núi xa xôi này? Chúng tôi chờ đợi
các nhà doanh nghiệp giàu hảo tâm và có kế hoạch
chuyển hóa nguồn cây cỏ bạt ngàn ở vùng đồi núi
hoang vu này thành hàng trăm, hàng nghìn tấn thịt
thỏ đóng hộp cung cấp cho các siêu thị (chưa kể đến
nguồn da thỏ với màu lông rất đẹp).... |
Vietsciences
(Trích trong bài)
Từ lâu tôi đã nghe nói về người
Rục- nhóm dân tộc ít người nhất ở nước ta, có nguy
cơ diệt chủng và cũng là nhóm người vốn cách đây
không lâu còn sinh sống trong hang. Mãi lần này mới
có dịp đến tận Bản Ón, thuộc xã Thượng Hóa, huyện
Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để trực tiếp thăm hỏi bà
con người Rục.
Trong 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất
nước ta không thấy có tên dân tộc Rục. Họ chỉ là một
nhóm thuộc dân tộc Chứt (trong nhóm ngôn ngữ Việt-
Mường). Theo thống kê năm 2003 thì người Chứt ở nước
ta chỉ có 3787 người (giảm 42 người so với năm
1999). Trong dân tộc Chứt có 7 nhóm khác nhau, đó là
các nhóm Rục, Sách, Mày, Mã Liềng, A Rem, Xơ Lang, U
Mo. Trước đây hai nhà nghiên cứu người Pháp là A,
Cheon và T.Guignard đã từng nhận xét về người Chứt
là hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ thì lập
tức lẩn trốn. Họ không có quần áo,nam nữ đều che
mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang
hoặc trong lều. Họ ăn bột Nhúc và săn bắt tôm cá,
thú nhỏ trong rừng. Cả nam và nữ đều búi tóc đằng
sau.
Người Rục và người A Rem là hai nhóm
ít người nhất trong dân tộc Chứt và cũng là hai nhóm
nghèo khổ lạc hậu nhất. Từ xa xưa họ đã quen sống
cách ly với cộng đồng các đân tộc khác. Họ sống
trong hang và dựa vào nguồn thức ăn thu được do hái
lượm hay săn bắn thú vật, bắt cá trong suối. Nhúc
là loại thức ăn bột chủ chốt, thu được từ cây Đoác (Arenga
saccharifera) thuộc họ Cau dừa (Palmae).
Trước đây họ tự đan lấy quần áo từ sợi của vỏ cây
Sui (Antiaris toxicaria) thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Ngôn ngữ của người Rục và người A Rem là có gốc
Austroasiatic nhưng ít bị ảnh hưởng nhiều của tiếng
Thái, tiếng Hoa như ngôn ngữ Việt-Mường.
Lần đầu tiên bộ đội ta phát hiện thấy
người Rục là vào năm 1960 và phát hiện thấy người A
Rem vào năm 1962. Nhờ đi lại, gần gũi và thuyết phục
dần dần người Rục và người A Rem mãi đến năm 1971
mới chịu rời khỏi hang động để về sống trong các mái
nhà lụp xụp tự dựng lên gần các nguồn nước.
Tại xã Thượng Hóa, nơi có nhiều người Rục
nhất cũng chỉ có 324 người. Đường vào xã này hết sức
khó khăn cho nên mặc dầu đã ra khỏi hang nhưng hầu
như họ vẫn có cuộc sống tách biệt với toàn xã hội.
Chính phủ đã bỏ ra nguồn kinh phí 32 tỷ đồng để tập
trung phát triển kinh tế vùng người Rục. Nhờ nguồn
tiền quý giá này mà giờ đây ô tô có thể dễ dàng
lượn qua con đường xuyên rừng rất thơ mộng để đến
tận Bản Ó. Cũng tại đây những
ngôi nhà nhỏ bằng gạch
ngói dành cho từng hộ người Rục đã được dựng lên,
với hai buồng hẹp. Trường học và Trạm xá đã xuất
hiện. Điện đã được kéo dây về bản và một số hộ đã
được xem tivi qua các chảo nhỏ treo trước cửa. Trẻ
em và người lớn đã có quần áo, nhưng có lẽ là quần
áo quyên góp được của người Kinh nên có gì mặc
nấy. Nhiều đứa trẻ còn cởi truồng hoặc mặc những
chiếc áo dài tới đầu gối (!).
Tôi thiết tha được
lên tiếng kêu gọi bà con ta ở thành phố hãy gửi đến
đây các bộ quần áo cũ mà lâu nay không dùng tới nữa.
Nơi tiếp nhận tại TP Hồ Chí Minh là trụ sở
Tạp chí
Kiến thức ngày nay
( 68 Trần Hưng Đạo Quận 1)
và tại Hà Nội là Trung tâm Công nghệ Sinh học (ĐHQG
Hà Nội, 144 đường Xuân Thủy). Tôi sẽ trực tiếp giúp
chuyển giao nhanh nhất số quần áo này tới Bản Ón cho
cộng đồng người Rục anh em.
Điều đáng lo lắng nữa là việc suy dinh dưỡng của trẻ
em tại đây. Do không có chủ trương hạn chế sinh đẻ
với dân tộc quá ít người này nên trẻ con ở Bản Ón
rất đông. Trông cứ như trứng gà, trứng vịt và người
bế chúng tuy là mẹ nhưng chỉ như những thiếu nữ
15-16 tuổi. Thức ăn chính của họ hiện nay là món
Bồi. Một cụ bà biểu diễn cho chúng tôi xem cách chế
biến món ăn chủ lực này. Đầu tiên mài các củ sắn lưu
niên (to như bắp chân) thành bột. Sau đó chô vào ống
và nén bằng cách ngồi lên một đầu đòn (đầu kia cố
định lại bằng dây thép) để loại bớt nước trong sắn.
sau đó trộn với bột ngô và hấp cách thủy.
Món Bồi
được
đổ ra mẹt và người lớn, trẻ em chỉ bốc ăn
với...muối ớt (!) hoặc măng rừng, rau rừng. Thú
rừng, chim muông và tôm cá đâu còn dễ săn bắt như
khi còn ở trong hang động và khi rừng còn rậm rạp,
giàu có tài nguyên. Tôi mong ước được phổ biến cho
bà con công nghệ nuôi thỏ nhốt trong chuồng với kỹ
thuật phòng tránh được bệnh đường ruột cho thỏ. Cán
bộ thuộc Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT
vào hộ nông dân sẵn sàng tới Bản Ón để hướng dẫn
bà con, nhưng doanh nghiệp nào sẵn lòng bỏ vốn cho
bà con mua thỏ giống và sẵn lòng thu mua sản phẩm
lại từ khu rừng núi xa xôi này ? Chúng tôi chờ đợi
các nhà doanh nghiệp giàu hảo tâm và có kế hoạch
chuyển hóa nguồn cây cỏ bạt ngàn ở vùng đồi núi
hoang vu này thành hàng trăm, hàng nghìn tấn thịt
thỏ đóng hộp cung cấp cho các siêu thị (chưa kể đến
nguồn da thỏ với màu lông rất đẹp).
Bà con dân tộc Rục thực sự đang hồi sinh nhờ sự giúp
đỡ của Nhà nước, nhưng họ vẫn đang là một trong
những nhóm dân tộc nghèo nhất nước. Mọi sự giúp đỡ
dù lớn hay nhỏ đều là hết sức quý giá để góp phần
đưa họ trở nên có cuộc sống không còn cách biệt quá
xa với cộng đồng các dân tộc anh em
khác.

