Nhật Bản bại trận và Hòa ước San Fransisco

Vietsciences- 浦野起央著—Urano Tatsuo - Lê Hoàng dịch                 20/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

Đảo Hoàng Sa

 

1. Phản ứng của các nước về vấn đề chủ quyền ở các quần đảo trên biển Đông sau khi NB bại trận

Nhật bản bại trận và việc trả lại các quần đảo ở biển Đông

Khi dự đoán trước được sự thất bại của Phát xít Đức, tháng 11/1943, TT Mỹ Roosevelt đã hội đàm với Thủ tướng Anh Churchill và tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch tại Cairo (Ai cập). Tuyên ngôn Cairo được công bố sau đó xác nhận “Mục đích của các nước đồng minh trong hội nghị nầy là thu hồi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà quân đội NB đã chiếm đóng hay cưỡng đoạt kể từ khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, đồng thời trả lại cho Trung Hoa Dân quốc tất cả  khu vực của Nhà Thanh mà NB đã cướp đoạt  như đảo Bành Hồ, Đảo Đài Loan, Mãn Châu;  rút sạch bóng dáng của NB  ra khỏi tất cả các khu vực mà nước nầy đã cưỡng đoạt bằng võ lực và lòng tham trước đây”(1). Tuy nhiên đối với việc trao trả các quần đảo trên biển Đông (Nam Trung Hoa—South China Sea) thì Tuyên bố Cairo chỉ đề cập đến việc trao trả “khu vực mà NB đã cướp đoạt của Nhà Thanh”, không  trao đổi cụ thể  là có bao gồm cả những quần đảo trên biển Đông hay không, mặt khác, các bên liên quan cũng chẳng xác nhận rõ rệt việc NB sáp nhập “Tân Nam Quần Đảo” (xem giải thich ở cuối bài)  vào địa lý hành chính thuộc thành phố Cao Hùng Đài Loan trước đây vào ngày 30/3/1939 nay có thuộc về đảo “Đài Loan” hay không. Sau đó, vào ngày 17/7/1945 cuộc Hội đàm ở Postdam 3 nước gồm Tổng thống Mỹ Truman, thủ tướng Anh Clement Attlee và TBT đảng CS Liên Xô Stalin , đưa ra Tuyên ngôn Postdam yêu cầu NB phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 26/7. Điều 8 của tuyên ngôn nầy qui định “Những điều khoản của Tuyên bố Cairo phải được thực thi đầy đủ, chủ quyền của NB giới hạn  ở Honshu, Hokkaido, Kyushu và các đảo nhỏ thuộc vùng Shikoku”(2) mà không đề cập gì đến việc trao trả các quần đảo trên biển Đông. Ngày 14/8/1945 NB tuyên bố chấp nhận Tuyên ngôn Postdam nhưng việc trao trả các quần đảo gọi là “Tân nam quần đảo”(Shinnan Guntoo) vẫn không được xác định.(3) Theo hàng chữ ghi trên tường cơ sở hành chính đảo vào lúc bấy giờ, lực lượng quân đội NB trú đóng ở những hòn đảo trên Thái Bình Dương cho thấy họ biết được tin vào ngày 27/8, một ngày sau khi NB ra lệnh đầu hàng, qua những dòng chữ bi ai ghi lại trên tường hay bức thư để lại sau khi tự sát.(4)

Kể từ khi NB lui quân ra khỏi các quần đảo trên biển Đông, các nước chung quanh bờ biển Nam Trung hoa cũng lần lượt tuyên bố chủ quyền của mình, bắt đầu tiến hành việc tiếp quản. Trước tiên, Cục khí tượng tỉnh Đài Loan đã đưa tàu “Narita” ra quần đảo Tây sa (Hoàng Sa) vào ngày 8/12/1945. Tàu Narita ghé đậu ở đảo Lâm Khang ( đảo Đông) để sửa chữa, ngày 11/8 và hôm sau đến đảo Vĩnh Hưng( Phú Lâm) treo cờ xem như tiếp quản đảo nầy. Họ đã cắm cọc gỗ, mặt trước ghi “Cục khí tượng thuộc hành chính Đài Loan hoàn thành việc tiếp thu” phía sau ghi “ngày 12 tháng 12 năm Dân Quốc thứ 34” sau khi điều tra thực trạng và chụp ảnh trên đảo Phú Lâm. Chiếc tàu nầy tiếp tục đi thăm các đảo nhỏ chung quanh đến ngày 3/1/1946 quay lại đảo Phú Lâm và trở về Đài Loan. Đảo Tây sa trở thành đảo thuộc quản lý hành chính của tỉnh Quảng Đông theo điện lệnh của Chính phủ THDQ vào tháng 7/1946.

Mặt khác, chính phủ Pháp đã cử tàu chiến mang tên “Savorgan de Brazza ” chiếm lại quần đảo Tây Sa(HS) vào tháng 5/1946. Sau khi giành được độc lập vào ngày 4/7/1946, Philippines cũng ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao vào ngày 23/7 xác định chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa và phạm vi phòng thủ chung quanh sau ngày giành được độc lập vào ngày 4/7/1946.(7)

Tình hình nầy đã làm thay đổi những hoạt động “tiếp quản” của Bộ tư lệnh hải quân và Bộ quốc phòng của Trung Hoa Dân Quốc.

Thu hồi của Trung quốc và sự can dự của Pháp

Ngày 2/8/1946, theo  yêu cầu của chính phủ thành phố Cao Hùng và Bộ Nội Vụ, chính phủ tỉnh Quảng Đông đã quyết định điều tra tình hình thực tế và rà soát những biên bản trước chiến tranh của hai quần đảo Đông Sa và Tây Sa, các bộ thuộc  chính phủ trung ương thảo luận về thời điểm cụ thể tái chiếm hai quần đảo Tây sa (HS) và Nam Sa(TS).(8)  Hội nghị bàn về việc tiếp quản quần đảo Nam sa do Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao vào Nội Vụ được tổ chức vào ngày 13/9/1946, kết quả là Bộ quốc phòng hợp tác với chính phủ Quảng Đông ra quyết định tiếp  thu nhanh chóng  “Đoàn Sa quần đảo”( Tân Nam quần đảo và Nam Sa quần đảo) theo phương án của Bộ Nội vụ đề xuất. Bộ nầy đã xác định  tọa độ, đặt ra danh xưng hành chính trực thuộc cho những đảo  nói trên kèm yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ quốc phòng, Tư lệnh hải quân  thu gom tư liệu cần thiết  gửi cho Bộ Ngoại  giao, chuẩn bị cho những cuộc đàm phán với nước ngoài(9) Cuối cùng, Chính phủ Trung ương đã quyết định cho Tư lệnh Hải quân cử tàu chiến, các bộ Quốc phòng, Nội Vụ, Tư lệnh Không quân, Hậu Cần cử đại diện tham gia đoàn tiếp quản đồng thời chính phủ Quảng Đông cử thêm cán bộ quản lý hành chính đi theo. Lâm Tôn được đề cử làm Tư lệnh hạm đội chiếm đóng hai quần đảo Tây Sa (HS) và Nam Sa (TS), thực hiện chiến dịch tái chiếm quần đảo Tây Sa (HS), đồng thời giao cho  chỉ huy phó Đào Nhữ Ngọc triển khai đoạt lại Nam Sa (TS). Các chỉ huy quân đoàn liên quan đã lần lượt đến các vị trí chiếm đóng bằng 4 chiến hạm, trong đó “Thái Bình” và “Trung Nghiệp” tiến vào Nam Sa (TS) và “Vĩnh Hưng”, “Trung Kiến” vào chiếm Tây Sa (HS)(10). Sau khi Pháp chiếm lại quần đảo Tây sa (HS) vào tháng 9/1946 (11), 4 chiến hạm bầy lần lượt rời cảng Nam Kinh vào ngày 2/10 (11) nhưng kết cuộc “Vĩnh Hưng” và “Trung Kiến” mãi đến 29/11 (có báo đưa ngày 24/11/) mới tiến hành đổ bộ lên đảo Vĩnh hưng thuộc Tây Sa (HS). Ngày 4/12 chiến hạm Vĩnh Hưng đi lòng vòng thị sát ở các đảo trong quần dảo nầy như Đảo San Hô, Cam Tuyền v.v… (12).Trong thời gian nầy, Pháp đã cử chiến hạm Sivolet đến các đảo Nam Uy, Thái bình thuộc quần đảo Nam Sa (TS) và đựng bia đá trên đảo Thái Bình vào ngày 5/10 (13).thì ngày 9/12 tàu “Thái Bình” và “Trung Nghiệp” mới đến Nam Sa(TS) và ngày 12 thì đổ bộ lên đảo nầy. Ngày 15 chiến hạm Thái Bình đi khảo sát quanh các đảo Nam Hồ( đảo Lôi Ý Thái, đảo Đế Đô( Đảo Trung Nghiệp), Đảo Song Tử, Đảo Nam Cực và nhiều đảo khác thuộc vùng biển Trường Sa. Tàu chiên bỏ neo cách các đảo 1 hải lí, cho lực lượng thám thính tiền tiêu chia nhau đột nhập bằng thuyền nhỏ,  lên đảo sau khi xác nhận không có kẻ địch mới bắt đẩu đưa người, vật tư, cột cờ và pháo nổ chúc mừng lên đảo tiếp thu, đặt tên gọi mới và dựng bia để đánh dấu trên một số đảo (15) , việc nầy hoàn tất vào ngày 4/21947.(16) Trước động thái tiếp quản liên tục của TQ, ngày 9/1/1947 Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố Tây sa (HS) là lãnh thổ của VN (17), sau đó, ngày 13/1 chính phủ Pháp chính thức phản đối việc quân đội TQ tiếp tục chiếm đóng Tây Sa (HS) với cớ là để giải giới quân đội NB (18). Mặt khác, ngày 16/1/47 dưới sự chủ trì của Bộ Quốc Phòng, TQ đã mở hội nghị xây dựng hai quần đảo Tây-Nam sa (HS-TS), lập ra đơn vị hành chính đặc biệt, quyết định gộp hai quần đảo nầy lại thành một, dựa theo đó Viện hành Chính đã ra thông cáo số 1117 ngày 27/1/1947 cho các nơi biết.(19) Ngày 16/1 Pháp cho máy bay thám thính quần thảo trên quần đảo Tây Sa (HS)(20) và liền ngày 17/1 cử tàu chiến “Tonkin”(F-43) ra đảo Vĩnh Hưng thuộc Tây Sa (HS)(21) lập kế hoạch cử 10 lính Pháp và 17 lính An-nam đổ bộ lên đảo Phú Lâm (Vĩnh Hưng)(22) nhưng thất bại vì đụng độ với lực lượng TQ đang đóng ở đây , sang ngày 18 binh đội Pháp sang chiếm đảo San Hô(Pattle) , xây dựng trạm thông tin liên lạc vô tuyến ở đây(23).

Trước những hành động của Pháp ngày 19/1 Chính phủ TQ đã thông báo cho ĐSQ Pháp ở Nam Kinh rằng Chủ quyền quần đảo  Tây Sa (HS) là thuộc về TQ(24), kế dến  Bộ trưởng quốc phòng TQ Bạch Sùng Hỷ ra công bố chủ quyền của TQ trên quần đảo Tây Sa , yêu cầu Bộ Ngoại Giao TQ phát công hàm phản đối việc quân Pháp đổ bộ lên quần đảo Tây Sa (HS)(25). Bộ trưởng Ngoại Giao Vương Thế Kiệt ra tuyên bố chủ quyền Tây sa (HS) của TQ(26) , ngày 26/1 Cục trưởng Cục tình báo bộ ngoại giao TQ Hà Phong Sơn phát biểu bác bỏ việc Pháp cho rằng chủ quyền Tây Sa  là của VN (27). Ngày 28/1  BNG TQ kháng nghị việc Pháp cho tàu chiến đổ bộ lên Tây sa (HS) với ĐSQ Pháp (28) sang ngày 29/1 Thứ trưởng ngoại giao Diệp Công Siêu lại ra tuyên bố về chủ quyền trên đảo Tây Sa (29), tỏ thái độ phản đôi mạnh mẽ những hành động của Pháp. Từ một loạt động thái nầy, ngày 15/3/1947 Bộ Nội vụ TQ công bố chỉ thị số 442 thành lập “Khu hành chính đặc biệt Nam Hải”, chuyển việc quản lý hai quần đảo HS-TS sang cho Hải quân(30).. Ngày 1/4/1947, “Khu hành chính đặc biệt Nam Hải” chính thức ra đời, hai quần đảo nầy được sáp nhập vào đây (31).

  

    Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa của VN(1930)

Thống Trị của TQ và Điều tra thực địa

Ngày 12/4/1947 Bộ Nội Vụ Trung Hoa Dân quốc quyết định đổi tên các đảo tiếp quản với sự tán thành của tư lệnh hải quân, đổi đảo “Vũ Đức” thành đảo “Vĩnh Hưng”(Woody) ở Tây Sa (HS) và đảo “Trường” ở Nam Sa  (TS) thành đảo “Thái Bình”(32). Ngày 14/4/1947 tại Bộ Nội Vụ, một hội nghị có tên “Bàn về việc xác định chủ quyền và phạm vi của hai quần đảo Tây-Nam Sa” với sự tham dự của đại diện các bộ Quốc phòng, Ngoại Giao, Nội Vụ và tư lệnh hải quân. Hội nghị nầy ra quyết định xác nhận phạm vi lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa  mà cực nam là kéo dài đến Tăng Mẫu Ám Sa (James Shoal-- ở tọa độ 3.58 độ kinh bắc 112.17 độ kinh đông—người dịch chú), sau khi Bộ Nội vụ quyết định đổi tên quần đảo Tây Sa và Nam Sa là đảo thuộc “Tiêu Sa châu”, công bố rộng rãi chủ quyền lãnh hải của TQ trong khi đó Hải quân quyết định cho quân tiến chiếm các đảo thuộc hai quần đảo nầy (33).Vì thế, tư liệu liên quan đến lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc do bộ Nội vụ đề xuất cho Sở thống kê chính phủ để biên tập trong “Niên giám thống kê Trung hoa dân Quốc” vào tháng 10/1947, chính thức xác nhận cực Nam là Tăng Mẫu Ám Sa ở quần đảo Nam Sa (TS) nằm ở 4 độ kinh bắc (34). Ngày 14/4 sau khi có quyết định nầy, Tàu chiến “Trung Cơ” đã được điều đến hiện trường để tiến hành điều tra Tây Sa (HS) (35) Có thể nói cuộc điều tra ở Tây Sa lần nầy là  cuộc điều tra qui mô lớn thứ hai sau lần điều tra học thuật của Trầm Bằng Phi thực hiện vào năm Dân Quốc thứ 17. Đã có 8  chuyên gia của nhiều ban ngành như Chỉ huy hạm đội thuộc bộ tư lệnh hải quân, tham mưu, giám đốc sở điện thuộc hải quân, sở thí nghiệm, sở điều tra địa chất thuộc bộ kinh tế, sở khoáng sản tài nguyên, viện nghiên cứu thực vật trung ương, đài điện từ và các cán bộ trực thuộc ban ngành, ngoài ra còn có các giáo sư địa lý, sinh vật thuộc đại học Trung Sơn và một số nhà báo được phép đặc biệt của hải quân đi theo.

Chào cờ trên đảo Hoàng Sa(Pháp-Việt)

Bản đồ biển Đông của Trung Hoa Dân Quốc(Đài Loan) ấn hành

 

Về quần đảo Nam Sa(TS) năm 1947, TS Mã Đình Anh , giám đốc Viện nghiên cứu Hải Dương tỉnh Đài Loan kiêm chủ nhiệm khoa địa chất đại học quốc gia Đài Loan đã cùng ba vị giáo sư  khác thuộc khoa địa chất và hải dương học thuộc đại học Đài Loan đã được cử đến quần đảo Nam Sa (TS) để thực hiện điều tra, thăm dò địa chất, hải dương theo tàu “Trung Nghiệp”, và hai giáo sư Tuyên Quế Thanh và Phạm Truyền Đề đã ở lại đảo để tiến hành điều tra sâu hơn. Sau chuyến điều tra thực địa nầy, để kêu  gọi sự quan tâm về tầm quan trọng của đường biên giới phía Nam của tỉnh Quảng Đông trong nhân dân, từ ngày 11/6, với sự chủ trì của “Ủy ban Biên soạn tài liệu  quần đảo ở Tây-Nam sa thuộc chính phủ Quảng Đông” tổ chức triển lãm về “Đặc sản ở quần đảo Tây-Nam Sa” tại nhà trưng bày Tỉnh Quảng Đông và đã có trên 4 vạn người tham quan. Ngày 4/9, bộ Nội Vụ ban hành mệnh lệnh số 0880 gộp 4 quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa lại đặt dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Đông đồng thời công bố trong ngoài nước tên gọi của 4 quần đảo nầy cũng như những đảo đá ngầm, dãy san hô, những bãi cát phụ thuộc. Không có nước nào phản đối việc làm nầy (37). Ngày 1/12 chính phủ ban hành “Bản đối chiếu danh xưng mới của các quần đảo ở Nam Hải”. Như vậy Trung Hoa Dân Quốc lập ra các sở quản lý Đông Sa, Tây Sa , Nam Sa , năm 2 lần chuyển lương thực và một lần thay đổi cán bộ quản lý đảo để liên tục lưu trú sau khi tiếp quản quần đảo trên biển Nam Trung Hoa.(38) Hơn thế nữa, ngày 24/3/1948 Bộ Hải quân đã cử chiến hạm “Trung Hải” chở nhân viên thay thế đồn trú gồm  thiếu úy Trương Quân Nhiên sở quản lý đảo Tây sa, Thiéu úy Bành Vận Sinh  chủ nhiệm sở quản lý Nam sa và thiếu úy Phiên Từ Thắng Ủy ban pháp chế hải quân với 104 lính chiến đấu đến nhiệm chức(39).

Can thiệp của Philippines , Pháp và điều lệ về tổ chức công sở của Bộ trưởng đặc khu hành chính Nam Hải

Để chống lại những hoạt động của TQ, tháng 1/1947 sau khi chiếm đóng đảo Pattle (đảo San hô), kể từ năm 1948 Pháp đã xây dựng thiết bị cấp nước cho dân cư trên đảo, cấm ngư dân TQ đánh cá ở cùng biển nầy.(40) Về phần Philippines, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải dương Tomas Kroma đã tổ chức đội thám hiểm ra đảo Thái Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Nam Sa (TS) vào năm 1948 để thăm dò.(41) Hơn thế nữa, ngày 12/4/1949  báo Bagio ở địa phương đưa tin, chính phủ Philippines đã họp nội các quyết định cử chuấn đề đốc Hose. V. Apin ra đảo Itu Apa(đảo Thái Bình). Ngày hôm sau, 13/4 Công sứ Trần Chất Bình của ĐSQ THDQ ở Manila đã xác nhận thực hư với BNG Philippines đồng thời thông báo đảo nầy thuộc lãnh thổ của THDQ(42). Trong công hàm phúc đáp ngày 7/5 của Philippines, thứ trưởng ngoại giao Ferrino Rina chính thức xác nhận tại cuộc họp nầy rằng để bảo vệ ngư dân hoạt động ở vùng biển thuộc đào Ipaba nầy và họ đã lưu trú tại đây đồng thời cho biết  chính phủ Philippines đã bắt tay vào việc di dân ra ở trên đảo vào tháng 4 và tổng tư lệnh hải quân cũng đã ra thăm đảo Nam Sa, tổ chức đo đạc là sự thật mặc dù có thông tin cho  biết là đã có sự dị nghị (phản đối của TQ).(44), yêu cầu phía TQ đưa ra tư liệu xác minh quan hệ giữa TQ với  đảo nầy. Tháng 4 năm 1949 Pháp đưa tàu chiến pháo kích vào đảo Robert (Cam Tuyền) ở Tây Sa, đuổi ngư dân TQ, cho quân đổ bộ lên 4 đảo Drummond(Phổ soái đảo) Duncan( Thẩm Hàng đảo), Money(Kim Ngân đảo) xây dựng bia đá khẳng định chủ quyền ở các đảo nầy.(45)

Đối với hành động của hai nước Pháp và Philippines, ngày 6/6/1949 Tổng thông THDQ Tưởng Giới Thạch đã ban bố “Điều lệ về Tổ chức  Bộ hành chính đặc khu Nam Hải (46)“ trong đó qui định “Đặc khu Nam Hải gồm Đông Sa,Tây Sa, Trung Sa, Nam sa và các bãi san hô, đá ngầm, cát…trên biển Nam Trung Hoa”(47) nhưng do tình hình ở đại lục luôn thay đổi đột biến, ngày 8 tháng 6 năm 1949 tuyên bố bãi bỏ Sở quản lý quần đảo Nam sa, rút quân về , sau đó rút ra khỏi quần đảo Tây sa (đảo Vĩnh hưng) trở về Đài Loan, chỉ giữ lại quần đảo Đông Sa duy nhất. Khi nước  Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH )được thành lập 1.10/1949, chính phủ Quốc dân đảng rút lui về Trùng Khánh vào ngày 15/11 sau đó thoát ra đảo Đài Loan vào ngày 7/12/1949,. vì vậy vấn đề nắm giữ các quần đảo trên biển Nam trung Hoa đã trở thành một vấn đề lớn cho TQ.

Sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng rút ra Đài Loan, tháng 4/1950 quân Pháp huy động hơn 600 quân ra chiếm lại quần đảo Vĩnh Lạc(Crescent )(48). Theo đó, ở Philippines, Bộ quốc phòng và Bộ Ngoại giao thảo luận về khả năng chiếm đóng Nam Sa vào ngày 17/5/1950. Tổng thống Philippines Elpidio Kirino nói rằng “nếu kẻ địch(CHNDTH) chiếm đóng quần đảo Nam sa thì an ninh của nước Philippines sẽ bị đe dọa” trong một buổi họp báo.

Việc tiến quân chiếm đóng quần đảo Tây Sa(HS) của nước TQ mới và tuyên bố của VN và Philippines đối với hành động nầy

Ngày 15/5/1950,  Nước CHNDTH cho quân chiếm đóng quần đảo Vĩnh Hưng (Woody, Phú Lâm)  (50) . Ngày 19/5/1950 lần đầu tiên nước CHNDTH ra tuyên bố chủ quyền quần đảo ở biển Nam Trung Hoa khi phản đối phát biểu của Tổng thống Philippines E. Kirino trong ngày 17 trước đó. Nôi dung bản tin như sau:

(Tân Hoa Xã ngày 19/5/1950)

 

Một số nhân vật trong chính phủ tay sai Philippines do Mỹ nắm giữ gần đây đang có âm mưu tạo ra bầu không khí xâm phạm quần đảo (Nam sa) và Đoàn sa thuộc lãnh thổ nước ta. Theo nguồn tin ở Manila, trong buổi họp báo ngày 17/5 TT Philippines Kirino đã công khai tuyên bố với lời lẽ khiêu khích, rằng “Nếu  quân đội của Quốc Dân Đảng đang chiếm giữ quần đảo trên biển đông thì về phía Philippines, chúng ta không cần phải chiếm đóng nhưng giả như những quần đảo nầy đang ở trong tay của kẻ địch (ý muốn ám chỉ Chính quyền Bắc Kinh—người dịch chú) thì đây là vấn đề đe dọa đến nền an ninh của nước ta”. Vì sẵn có ý đồ xâm lược, TT Kirino đã nặn ra một luận điệu thật hoang đường vô lối  “dựa theo Luật quốc tế, nước gần với những quần đảo nầy nhất phải là nước có quyền quản lý,  nước gần với các quần đảo “đoàn sa” nầy là Philippines”. Một quan chức quan trọng trong chính phủ ở Bắc Kinh nói rằng lối tuyên truyền hoang tưởng của Philippines về quần đảo thuộc lãnh thổ của TQ là rõ ràng do chính phủ Mỹ ủng hộ, những kẻ khiêu khích, và Mỹ là người ủng hộ họ phải vứt bỏ kế hoạch mạo hiểm nầy, nếu không thì sẽ phải gánh những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nước CHNDTH khẳng định rằng sẽ không tha thứ cho bất cứ nước nào xâm phạm đến những quần đảo thuộc TQ nằm trong biển Nam Trung Hoa kể cả  quần đảo “Đoàn Sa”.

 

 

Ở Đông dương, Pháp tiến hành việc dựng nên chính quyền Bảo Đại, nước Việt nam được thành lập vào ngày 1/7/1949. Ngày 1/10/1950 Thủ hiến Trung phần Phan Văn Nghĩa đã tổ chức lễ tiếp quản chủ quyền Tây Sa và Nam Sa về cho VN trên đảo San Hô (thuộc quần đảo Nam Sa(52). Ngày hôm sau thủ tướng Pháp, Henry Cuillet đã công bố chính thức việc nầy(53). Như vậy VN là nước làm chủ thay Pháp kế thừa chủ trương chủ quyền các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa mà Pháp là nước đã can dự vào những quần đảo nầy từ trước thế chiến. Như vậy từ việc bỏ trống sự chi phối về chính trị của NB, các đảo trên biển Đông các nước TQ, Pháp và Philippines đã tuyên bố chủ quyền của mình và mỗi nước đều tiếp quản một số hòn đảo, trong đó chính quyền Bắc kinh của Đảng CS TQ  và chính quyền Quốc dân Đảng ở Đài Loan chia nhau thi hành chủ quyền đối với các quần đảo. Miền Nam kế thừa sự thống trị của Pháp, đươc trao trả chủ quyền của Tây Sa (HS) và Nam Sa (TS) tiến hành việc tái chiếm . Lập trường của các nước chung quanh bờ biển Nam Trung Hoa khác thì không có thay đổi gì lớn. Trong tình huông như thế việc xử lý vấn đè lãnh thổ của các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa đành phải chờ quyết định theo Hòa Ước San Francisco.

Tổng thống Philippines trong tháng 5/1951 sau đó cũng không có thái độ rõ ràng mặc dù vẫn chủ trương chủ quyền quần đảo Nam Sa (TS) thuộc về mình.(54)

 

2.Xử Lý vấn đề chủ quyền trên biển Đông theo Hòa Ước San Francisco

Xử Lý lãnh thổ theo điều ước hòa bình với Nhật bản

Hòa ước hòa bình đói với Nhật bản đã được kí kết vào ngày 8/9/1951 tại San Francisco. Theo điều (2)-(f) của Hòa Ước nầy thì ” NB phải từ bỏ mọi quyền lợi, quyền tranh chấp và quyền đòi hỏi đối với quần đảo Tây Sa (HS) cũng như quần đảo Tân Nam(shinnan Guntoo--TS)(55) nhưng trao trả các đảo trên biển Đông cho ai thì không rõ rệt,   lại rơi vào một tình huống rắc rối.

Trước khi khởi thảo Hòa ước nầy, nguyên tắc giảng hòa của nước Anh đối với NB  theo bản tin của AFP từ Luân Đôn ngày 8/3/1950 có ghi rõ là NB phải từ bỏ quần đảo Tân Nam(Spatly—TS)(56) Trong 7 nguyên tắc liên quan đến Hòa Ước đối với NB của Mỹ đưa ra ngày 24/1/1951, thì nguyên tắc về chủ quyền và lĩnh vực địa lý “Nhật bản phải, một là thừa nhận nền độc lập của Triều Tiên, hai là, phải đồng ý việc nước Mỹ là nước cai trị các đảo Ryukyu cũng như các đảo ở Ogasawara theo ủy nhiệm của tổ chức LHQ và hơn nữa,  ba là giao cho LHQ, Liên bang Xô Viết, TQ(Đài Loan) và nước Mỹ quyết định trong tương lai về  “địa vị” của quần đảo Senkaku, Etorofu , các đảo Bành Hồ, Đài Loan. Trong vòng một năm kể từ khi hòa ước nầy có hiệu lực vẫn chưa đạt được quyết định thì sẽ phải giao lại cho Đại Hội đồng LHQ quyết định, những quyền lợi đặc biệt của TQ sẽ bị xóa bỏ(57) nhưng dự thảo nầy cũng không ghi rõ sẽ trao trả ở biển Đông gồm cả các đảo Shinnan(TS) cho ai. Trong điều 3 bản dự thảo của Mỹ liên quan đến Hòa Ước đã được trao tay cho chính phủ Nhật bản, chỉ còn ghi “ Nhật bản từ bỏ mọi quyền lợi, quyền tranh chấp, và quyền khiếu nại đối với đảo Bành Hồ, Đài Loan và Triều Tiên, chấp nhận những biện pháp của Hội Đồng Bảo Án LHQ ngày 2/4/1947 liên quan đến chế độ thống trị ủy thác các quần đảo ở Thái Bình Dương vốn đã bị NB cai quản(58)

Những phát ngôn cụ thể liên quan đến những quần đảo trên biển Đông là bản thảo Hòa ước đối với NB do Mỹ-Anh soạn, được công bố ngày 12/7/1951 với điều (2) mục (f) “Nhật bản phải từ bỏ mọi quyền lợi, quyền tranh chấp, khiếu nại ở các đảo Tây Điểu cũng như Tây Sa”(59) được đưa thêm vào theo yêu cầu của Pháp(60). Đảo “Tây Điểu “ ở đây là quần đảo Nam sa (Tân Nam quần đảo—TS của VN). Từ Spratly Islands(số nhiều) thành  Spratly Island( số ít), nhưng thực chất không thay đổi khi hiểu Tân Nam Quần đảo là quần đảo Trường Sa.

Tuyên bố của nước CHNDTH về các đảo trên Biển Nam Trung Hoa

“Sau khi sát nhập các đảo ở Biển Nam Trung Hoa vào tỉnh Quảng Đông ngày 15/8/1951 trước bản thảo Mỹ-Anh, thủ tướng Chu Ân Lai của nước CHNDTH tuyên bố “Một là Bản thảo của hòa ước do Mỹ-Anh soạn thảo là sản phẩm của Mỹ và các nước chư hầu nhằm soạn ra một hòa ước đơn độc đối với NB” Hai là, đối với vấn đề lãnh thổ, Ông ta nói như sau:

Vào ngày 12/7/1951 Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và chính phủ Liên Hiệp Anh đã cùng công bố bản dự thảo hòa ước đối với Nhật Bản ở Hoa thịnh Đốn và Luân Đôn. Kế đến, để chuẩn bị việc kí kết Hoà ước đơn độc với Nhật bản vào ngày 10/7  Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã gửi thư thông báo mở hội nghị tại San Fransisco. Tôi được phép thay mặt chính phủ nước CHNDTH ra tuyên bố như sau…

…Hai là về điều khoản lãnh thổ trong bản dự thảo Hòa Ước đối với NB của hai nước Mỹ-Anh là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của chính phủ Mỹ trong việc mở rộng xâm lược và chiếm đóng. Một mặt, Bản dự thảo đặt việc thống trị NB dưới sự ủy nhiệm  của LHQ , đảm bảo cho nước Mỹ quyền thống trị những đảo mà trước đây NB chiếm đóng ở Thái Bình Dương và cả các đảo Ryukyu, quần đảo Ogasawara, quần đảo Kazan, Tây Điểu, Okinotori, Minamitori. Việc tách rời các đảo nầy khỏi NB mặc dù chưa có một qui định quốc tế nào nhưng vẫn để cho Mỹ chiếm đóng, tiếp tục chi phối các đảo nầy nhằm tăng thêm quyền lực và lợi ích của họ. Mặt khác, bản dự thảo nầy còn phá bỏ các thỏa thuận đã đạt được trong Tuyên Bố Cairo, Hiệp định Yalta và Tuyên Bố Postdam, chỉ qui định là NB phải từ bỏ mọi quyền lợi của mình đối với Đài Loan, các đảo ở Bành Hồ, quần đảo Senkaku , Etorofu và  các đảo vùng phụ cận, không hề đề cập một lời nào về việc trao trả Đài Loan, các đảo Bành Hồ cho nước CHNDTH cũng như về thỏa thuận cho phép Liên bang Xô Viết tiếp tục nắm giữ quần đảo Senkaku, Etorofu và các đảo chung quanh. Điểm sau là nhằm tạo ra một quan hệ căng thẳng hơn nữa với Liên Bang Xô Viết nhằm che dấu ý đồ tiếp tục chiếm đóng của Mỹ. Điểm trước  nhằm mục dích kéo dài việc chiếm đóng của Mỹ ở Đài loan thuộc lãnh thổ của TQ. Nhưng nhân dân TQ nhất dịnh không cho phép sự chiếm đóng nầy, dù trong bất cứ trường hợp nào  nhất định không từ bỏ trách nhiệm thần thánh là giải phóng đảo Bành Hồ và Đài Loan.

Đồng thời bản dự thảo còn cố ý buộc Nhật bản phải từ bỏ mọi quyền lợi đối với quần đảo Tây Sa(HS) và Tây Điểu, không có điều khoản nào đề cập đến việc trao trả chủ quyền của những quần đảo nầy cho TQ. Thực tế Quần đảo Tây sa và Tây Điểu hoàn toàn tương tự như quần đảo Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa, từ xưa đến nay vốn là lãnh thổ của TQ. Khi Đế quốc Nhật bản gây chiến tranh xâm lược, có lúc các đảo nầy bị bỏ rơi, nhưng khi Nhật Bản đầu hàng thì chính phủ TQ đương thời cũng đã tiếp quản tất cả. Chính phủ nước CHNDTH nay xin tuyên bố như sau: chủ quyền không thể xâm phạm đối với quần đảo Tây Điều và Tây sa sẽ không chịu một ảnh hưởng nào của bất cứ điều qui định cho dù có hay không trong bản dự thảo Hòa Ước với Nhật Bản (61).

Bản đồ của Trung quốc(1958)

 

Thủ tướng Nhật bản Yoshida Shigeru kí hòa ước San Francisco ngày 8/9/1951

Phản ứng của các nước

Đại điện cho Liên Bang Xô Viết, ông Andrei Gromyko  đã đọc diễn văn vào ngày thứ hai Hội nghị toàn thể San Francisco mở ra vào chiều ngày 5/9/1951 trong đó Ông đề cập đến vấn đề lãnh thổ như sau:

Hòa ước đối với Nhật Bản tất nhiên là phải quyết định vấn đề lãnh thổ của nhiều nơi liên quan đến việc giảng hòa với Nhật bản. Các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc(THDQ) và Liên bang Xô viết phải chịu trách nhiệm một cách rõ ràng về điểm nầy. Những trách nhiệm nầy đã được ghi trong Tuyên bố Cairo, Tuyên bố Postdam, Yalta. Những hiệp định nầy công nhận quyền lợi của TQ rằng “nước CHNDTH ngày nay không có gì để tranh luận  về quyền lợi  tuyệt đối” về chủ quyền lãnh thổ bị tách ra khỏi lãnh thổ TQ. Đài Loan, các đảo Bành Hồ, Tây Sa(HS) lẫn các nơi thuộc lãnh thổ TQ đã bị tách rời trước đây nay phải hoàn trả lại cho nước CHNDTH. Đây là điểm không cần phải tranh luận… Về phần nói đến vấn đề lãnh thổ của bản dự thảo Hòa Ước của Mỹ-Anh, người đại diện Liên bang Xô Viết  cho rằng phải nhấn mạnh bản dự thảo đã xâm phạm đến quyền lợi không thể tranh cãi của TQ đối với vùng đã bị quân phiệt Nhật cắt tách ra khỏi lãnh thổ TQ, cũng như các quần đảo Đài Loan, Bành Hồ, Tây sa và các đảo nhỏ khác. Bản dự thảo  chỉ đề cập đến việc buộc NB phải từ bỏ quyền lợi đối với các vùng lãnh thổ nầy , đã cố tình lược bỏ việc đề cập đến vận mệnh của những vũng lãnh thổ nêu trên. Tuy nhiên trên thực tế, Đài Loan và các đảo đang bị quân đội Mỹ chiếm đóng, nước Mỹ muốn hợp pháp hóa hành động xâm lược trong bản dự thảo Hòa Ước đang bàn cãi. Những vùng nầy phải trao trả lại cho nhân dân TQ là người chủ của nó.

Rút cuộc trước những phê phán gay gắt đối với bản dự thảo, liên quan đến phần nói về chủ quyền ” bản dự thảo đã xâm phạm một cách trắng trợn quyền lợi chính dáng của TQ về vấn đề chủ quyền trên những phần bị tách ra, hậu quả của việc NB xâm lược, đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Tây Sa và các vùng thuộc lãnh thổ của TQ.  Yêu cầu phải thay đổi nội dung của  điều (2), khoản (b) và (f) “Nhật bản phải hoàn toàn công nhận chủ quyền nước CHNDTH ở Mãn Châu, Đài loan, tất cả những đảo tiếp cận với vùng nầy, quần đảo Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa, Macclesfield bank, các quần đảo Tân Nam  bao gồm cả Tây Điểu, từ bỏ mọi quyền lợi, tranh chấp và  đối với những khu vực nêu trên”.

Về phía Philippines, ngày 7 trong phiên họp toàn thể của Hội nghị lần thứ sáu vào buổi sáng, ngoại trưởng Romulo đã lên đọc điễn văn nhưng đã không đụng chạm gì đến vấn đề chủ quyền các quần đảo trên biển Đông.

Đại biểu Trần Văn Hữu của Việt nam trong phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 vào ngày 7/9 đã tuyên bố chủ quyền đôi với hai quần đảo nầy như dưới đây:

Việt nam nhiệt liệt tán thành công việc đem lại hòa bình mà chúng ta đang làm.Tranh thủ mọi cơ hội để thẳng thắn gạt bỏ mọi mầm mống gây bất hòa vì vậy chúng tôi xác nhận quyền lợi của nước VN trên hai quần đảo Tân nam và Tây sa vốn thuộc về chúng tôi

Thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu ký hòa ước San Francisco(1951)

Hòa Ước đối với Nhật bản và vấn đề xử lý quần đảo ở biển Nam Trung Hoa

Như thế, trong Hòa ước San Francisco, mặc dù trong quá trình thương thảo có đề cập đến vấn đề lãnh thổ  nhưng rút cuộc chỉ ghi lại rõ ràng trong văn bản chính thức là “NB phải từ bỏ quần đảo Tân Nam và Tây Sa” mà thôi. Về mặt chiến lược, Mỹ cũng muốn tránh đề cập đến việc  trao trả quần đảo trên biển Đông cho ai. Hội nghị kết thúc đã không ghi thành văn bản rõ ràng hơn được nữa về vấn đề trao trả hai quần đảo HS-TS trên biển Đông.(65). Tại Hội nghị, liên quan đến quyền đại biểu của TQ , hai nước Mỹ-Anh đã không đồng thuận, rút cuộc cả hai, đại diện của chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh lẫn chính quyền của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan cũng không được mời dự hội nghị San Francisco.

Hội nghị kết thúc nhưng việc hoàn trả các quần đảo trên biển Đông không đề cập, quyền kế thừa lãnh thổ của TQ cũng không được xác định một cách cụ thể.

Chú thích (tạm lược bỏ, độc giả biết tiếng Nhật có thể xem phần chú thích trang 405-408)

Nguồn:南海諸島国際紛争史 (研究・史料・年表), chương 14. (p.391-408)

浦野起央著—Urano Tatsuo

http://www.tousuishobou.com/kenkyusyo/4-88708-200-2.htm

Vài nét về tác giả:

GS Urano Tatsuo sinh năm 1933 là tiến sĩ về chính trị học, tham gia giảng dạy ở Đại Học Nhật Bản (Nihon Daigaku), Hàn Quốc, Đài Loan và Bắc Kinh. Ông là một chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. GS Urano bắt tay biên soạn tập khảo cứu “Lịch sử Tranh Chấp Quốc Tế Các Quần Đảo Trên Biển Đông” từ 25 năm trước, năm 1997 mới xuất bản lần đầu tiên. Sách dày 1200 trang, với nguồn tư liệu vô cùng phong phú, tuy nhiên quan điểm cơ bản nghiêng về phía TQ như chúng ta đã đọc. Mặt khác, qua  tập tư liệu nầy, ở bài viêt trên chúng ta có thể gạn lọc ra những chi tiết vô cùng quí báu như việc Trung Hoa Dân Quốc đã vội vã xâm chiếm các quần đảo hối hả đến thế nào với cái cớ giải giáp quân đội Nhật sau khi Nhật bản đầu hàng trong thế chiến thứ hai. Đây là kinh nghiệm mà sau nầy TQ đã áp dụng, ra tay cướp lấy thời cơ chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa khi chế độ ở miền Nam đi vào con đường sụp đổ. (Hồng Lê Thọ chấp bút )

Người dịch chú:

Nhật bản  gọi SHINNAM GUNTOO(Tân Nam Quần đảo) trong thời kì thế chiến 2 để chỉ Quần đảo Trường Sa

  • Tiếng Hoa(giản thể) - 南沙群岛 (Nánshā Qúndǎo)
  • Tiếng Việt- Quần đảo Trường Sa (群島長沙)
  • Tiếng Indonesia - Kapuluan ng Kalayaan
  • Tiếng Mã Lai -  Kepulauan Spratly
  • Tiếng Anh - Spratly Islands

また、第二次世界大戦中、日本は新南群島と呼んだ。

đảo Trường Sa

http://en.wikipedia.org/wiki/Cairo_Declaration

Generalissimo Chiang Kai-shek, President Franklin D. Roosevelt , and Prime Minister Winston Churchill met at the Cairo Conference in Cairo, 11/25/1943.

Hội Nghị Yalta

Winston Churchill, Franklin D. Roosevelt và Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta.

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_ngh%E1%BB%8B_Yalta

Tuyên bố Postdam

 Winston Churchill, Harry S. Truman, Joseph Stalin

http://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_b%E1%BB%91_Potsdam


Nguồn : Bauxite Việt Nam International http://bauvinal.info.free.fr  http://bauxitevietnam.free.fr

http://bauvinal.info.free.fr/songngu/nhatbanbaitran.htm

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Lê Hoàng