Những bài cùng tác giả
“Sông kia rày đã
nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm đêm tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”
(Thơ Tú Xương)
Vạn vật đổi thay theo ngày tháng, nhưng lịch sử vẫn khắc ghi lại
muôn đời. Địa danh Kauthara (tức Khánh Hoà bây giờ) đã được nhắc đến
từ năm 90 trước tây lịch do các nhà hàng hải Ấn Độ giao thương với
Trung Hoa qua hải trình từ Bengal, ghé Óc Eo (thủ đô nước Phù Nam,
nay là Hà Tiên, Châu Đốc), Kauthara và Sông Hồng để mua tiêu và gia
vị khác. Tại các hải cảng ở Kauthara, như Chutt (Chụt) và Kamran
(Cam Ranh), thương gia Ấn mua trầm hương, ngà voi, sừng tê giác và
đồi mồi để bán vào Trung Quốc. Thị trấn Ya-Tră, người Việt sau này
(kể từ 1653) phát âm thành Nha Trang, được lịch sử Chăm nhắc đến vào
năm 653 khi nữ hoàng Jagadharma mất, dân Chăm lập đền thờ bà trên
một ngọn đồi, bên cạnh một con sông, chính là tiền thân tháp Po
Nagar – Tháp Bà - ở Cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày nay
(1).
Lịch sử
Vào thế kỷ thứ 1 sau dương lịch, người bản xứ ở Nha Trang thuộc sắc
tộc hải đảo Malayo-Polynesien, thuộc nước Phù Nam, theo văn hoá Ấn
Độ, và đến khoảng thế kỷ thứ hai mới thuộc Chiêm Thành, tức Nam
Chiêm (Panduranga) có lãnh thổ từ Khánh Hoà đến Bình Thuận.
Kể từ thế kỷ thứ hai, dưới thời
Lâm Ấp (Chiêm Thành), hải
cảng Chutt và Kamran là nơi thuyền buôn từ Ấn Độ tấp nập đến buôn
bán, và truyền bá văn minh, văn hoá, tổ chức xã hội, kỷ thuật hàng
hải, thương mại, nông nghiệp của Ấn Độ. Đạo Bà La Môn và Phật Giáo
(Tiểu Thừa) thịnh hành ở Nam Chiêm. Như vậy, Phật Giáo đã có ở Nha
Trang từ thế kỷ thứ 2, và từ Nha Trang Khánh Hoà, văn hoá Ấn Độ được
truyền sang Bắc Chiêm, vốn bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa (nhà
Hán).
Vào thế kỷ thứ bảy, nhiều thuyền buôn từ Trung Đông như Iraq, Oman,
rồi Java và Mã Lai cặp bến Nha Trang và Cam Ranh để buôn bán và
truyền đạo Hồi Giáo. Các nhà hàng hải Âu Châu như Hoà Lan, Bồ Đào
Nha cặp bến Nha Trang buôn bán vào thế kỷ 15.
Như vậy, dưới thời Chiêm Thành, Nha Trang vừa là trung tâm tôn giáo
(Tháp Bà), vừa là hải cảng phồn thịnh tấp nập thuyền buôn ngoại
quốc, và cũng là căn cứ quân sự của Chiêm Thành. Nha Trang có một vị
trí chiến lược quan trọng. Năm 774, quân Nam Đảo (Indonesia) đổ bộ
vào Nha Trang đốt Tháp Po Nagar và cướp đi nhiều báu vật. Từ hải
cảng Nha Trang và Cam Ranh, vào những năm 803 và 808, Chiêm Thành
mang thuyền chiến tấn công vào Châu Hoan và Châu Ái của Đại Việt,
rồi đem thủy quân trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java, và Patani ở
Malaysia, rồi chiếm đất Đồng Nai Thượng của Khmer; năm 808 lại tấn
công Châu Hoan, Châu Ái; năm 817, tấn công Kambujas (Kampuchia). Năm
1600, các hải cảng Nha Trang và Cam Ranh được Chiêm Thành trang bị
đại pháo tối tân mua của Châu Âu để phòng thủ chống với Việt Nam.
Nha Trang
thuộc về Việt Nam từ năm 1653. Chúa Nguyễn đưa di dân từ Quảng Nam
Bình Định đến Khánh Hoà, và di dân Việt sống xen kẻ với người Chăm
từng cụm như da beo. Xung đột Việt Chăm thường xảy ra ở vùng đất
này, phần đông do tranh chấp ruộng đất, phần thua thiệt về người
Chăm. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu phải thoả thuận 5 điều khoản để
bảo vệ quyền lợi và đối xử công bằng với người Chăm. Vào thế kỷ 18,
nhiều nhà truyền giáo Âu Châu tường trình còn thấy nhiều làng người
Chăm ở gần Nha Trang.
Ngày nay không còn thấy làng người Chăm nào nữa.
Hiện nay, trong Vịnh Vân Phong, có một đảo nhỏ tên Hòn Điệp (hay Hòn
Bịp), cách bờ trên 10 km, trên đó có một sắc dân sống cô lập trong
vài chục căn nhà, không giao tiếp với thế giới bên ngoài, người Việt
ở Vạn Ninh gọi họ là “Dân Đàng Hạ” hay “Người Hạ”. Dân đảo có nước
da ngâm đen, tai tái, có đôi mắt trắng xác, ít nói; không khiêng
gánh như người Việt mà đội trên đấu. Vào đầu thập niên 30, quan
huyện Vạn Ninh gọi tất cả dân đảo này vào ghi danh lập sổ Bộ Đinh,
nhưng khi hỏi tên họ, thì chỉ có tên mà không có họ. Cuối cùng, quan
huyện bảo: “Thôi thì đàn ông lấy họ Đinh, còn đàn bà lấy họ Trần
vậy”. Xét qua phong tục, tập quán và hinh dáng con người, có lẽ đây
là những người Chăm còn tồn tại ở Khánh Hoà cho tới ngày nay.
Vào thời Chúa Nguyễn và Tây Sơn, Nha Trang là một hậu cần cung cấp
lương thảo với kho lương thực Phước Sơn và xưởng đóng tàu chiến tại
chân núi Trại Thủy (còn gọi Khô Sơn) ở Phương Sài ngày nay. Bến sông
Phương Sài ngày xưa gọi là “Trường Cá”.
Thành Diên Khánh ,
vào thời Nguyễn được gọi “Nha Trang Thành” (theo Phương Đình Dư Địa
Chí của Nguyễn Siêu đời Tự Đức), là nơi tranh chấp đẫm máu nhiều lần
giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn. Diên Khánh lọt vào Tây Sơn năm 1776.
Tháng 5 năm Quý Sửu (1793), chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng với Nguyễn Văn
Trương và Võ Tánh đem thủy quân vào cửa bể Nha Trang, đánh phủ Diên
Khánh. Một trận đánh khốc liệt giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn tại
Phương Sài tháng 5 năm 1793: “Thủy binh vào cửa Nha Trang, đánh
lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn chận lại tại bến sông Trường Cá. Hai
bên kịch chiến. Người chết, thuyền chìm đầy cả khúc sông”.
Nguyễn Ánh chiến thắng, tiến lên chiếm Diên Khánh (tháng 5, 1793),
sau đó tiến chiếm phủ Bình Khang (Ninh Hoà), Phú Yên, rồi tiến đánh
Qui Nhơn. Vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản, Tây Sơn), sai Ngô Văn
Sở đem 17,000 bộ binh và 80 con voi đi đường bộ, và Đặng Văn Chân
đem hơn 30 chiếc thuyền đi đường bể, cùng tiến vào cứu Qui Nhơn.
Nguyễn Vương, liệu thế chống không nổi, rút quân về hậu cứ Diên
Khánh, rồi về Gia Định, để Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Diên Khánh.
Tháng 11 năm 1793, chúa Nguyễn Ánh sai
hoàng tử Cảnh, giám mục Bá Đa Lộc,
Phạm Văn Nhân và Tống Phúc Khê đến Diên Khánh tăng cường phòng giữ.
Tháng ba năm Giáp Dần (1794) vua Tây Sơn sai Trần Quang Diệu vào vây
thành Diên Khánh. Nguyễn Ánh bèn đem đại binh đến đánh giải vây,
Trần Quang Diệu rút quân về. Nguyễn Vương thấy thế Tây Sơn còn mạnh
và lại đến mùa gió bắc, nên về lại Gia Định, để Võ Tánh giữ thành
Diên Khánh. Tháng giêng năm Ất Mão (1795) Trần Quang Diệu lại đem
thủy quân vào đánh Diên Khánh. Một trận chiến khốc liệt khác cũng
xảy ra tại Trường Cá (Phương Sài). Khi thủy binh của Trần Quang Diệu
vào Sông Cái thì bị quân Võ Tánh chận đánh tại Trường Cá, hai bên
tổn thất nặng nề “xác chết và ván thuyền hư chận đứng cả nước
sông”(3). Do bị thiệt hại nặng về nhân mạng, Võ Tánh rút quân
chạy vào thành Diên Khánh cố thủ. Trần Quang Diệu vây chặt thành.
Hay tin, tháng Hai năm 1795 Nguyễn Phúc Ánh liền đem thủy binh ra
cứu nhưng không lên nổi Diên Khánh nên đành phải đóng quân chận nơi
cửa sông Nha Trang và các nơi núi non hiểm yếu. Quang Diệu đánh mãi
không được cuối cùng phải lui về Phú Xuân, và Nguyễn Vương cũng rút
quân về Gia Định. Kể từ nay cho đến ngày thống nhất đất nước (1802),
Diên Khánh trở thành tiền đồn của chúa Nguyễn, lần lượt do Nguyễn
Văn Thành, Đặng Trần Thường, Võ Tánh cai quản, và sau này là nơi
xuất phát tấn công Tây Sơn ở phía bắc. Khu đất phía ngoài Cửa Nam
Thành Diên Khánh có tên Mả Xá, là nơi hàng ngàn chiến sĩ của hai bên
được chôn vùi tập thể, một thời có tiếng là ma oan hiện về khuấy
phá.
Sông Cái Nha Trang
 Sông Cái Nha Trang phát xuất từ ba nguồn thuộc dãy Trường Sơn. Sông
này tên Chăm là Ya-Tră (người Việt phát âm thành Nha Trang), hai bên
bờ toàn lau sậy nên còn gọi “Sông Lau”.
Ở
thế kỷ 17, sông này chảy ra biển theo ba nhánh, một nhánh có tên là
Ngư Trường từ Cầu Dứa chảy ra Cửa Bé Cù Huân, như ghi trong Đại Nam
Nhất Thống Chí. Hai nhánh kia chảy ra Cửa Lớn Cù Huân (sau này thành
Xương Huân). Sông Ngư Trường sau này đã bị bồi đấp và biến mất, chỉ
còn vài đoạn nhỏ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí: "Tấn Cửa Bé Cù Huân ở
cách huyện Vĩnh Xương 29 dặm về phía đông nam, cửa lạch rộng 190
trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước.
Ngoài cửa có hòn Lam Nguyên, hòn Tằm, hòn Ba La, hòn Lớn, hòn Môn,
các đảo nầy bao quanh, tàu thuyền tụ tập. Gió bắc thì tàu đổ phía
nam núi, gió tây thì đổ phía bắc núi, đều được an ổn. Gần đó có thôn
Trường Tây". Vì vậy, trứớc 1940, dân vùng Diên Khánh gọi Nha Trang
là “Cửa”, và “Cửa Bé” là địa danh Trường Đông, phía nam Cầu Đá. Sông
Cái đến địa phận Nha Trang thì chia hai nhánh, nhánh cầu Hà Ra và
nhánh cầu Xóm Bóng bên Tháp Bà. Ngày xưa nhánh sông bên Tháp Bà
"nước giữa dòng bên trong bên đục" bên nước trong xanh uống ngọt,
bên kia màu đục uống vô mặn chát nước muối.
Tổ chức hành chánh
Từ
thời vua Minh Mạng (1820-1837), tỉnh Khánh Hoà có Ty Bố Chánh và Ty
Án Sát, đặt dưới quyền của viên quan Tuần Vũ Thuận Khánh (kiêm nhiệm
cai quản từ Khánh Hoà đến Bình Thuận). Tuỳ theo tình hình chính trị,
chức vị đầu tỉnh khi mang tên Tổng Đốc, khi Tuần Vũ quan phòng, sau
này thành Tỉnh Trưởng. Hậu bổ Khánh Hoà năm 1842 là ông Trần Thiện
Chánh (mà ca nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, Nhật Trường, là hậu duệ).
Quân Pháp đặt chân đến Nha Trang lần đầu là năm 1862. Vị Án Sát Diên
Khánh năm 1867-1870 ở Diên Khánh là Nguyễn Thông. Năm Ất Dậu 1885,
chiếu theo hiệp ước Patenôtre, quân Pháp chính thức đến Nha Trang,
với viên Công Sứ Pháp đầu tiên là Lenormand, bắt đầu áp đặt chánh
sách cai trị Khánh Hoà. Viên Tuần Vũ Việt Nam của triều đình Huế ở
Thành Diên Khánh vào khoảng năm 1886 là Ông Trương Gia Hội. Các ông
Nguyễn Thông và Trương Gia Hội đều là những vị quan tài giỏi, liêm
khiết, có tâm huyết, của triều đình Huế ở Thuận Khánh (Khánh Hoà
Bình Thuận), có công phát triển nông nghiệp, lập dinh điền, và là
người có công khám phá vùng Di Linh Lâm Đồng mười năm trước khi Bác
sĩ Yersin khám phá vùng này và Đà Lạt.
Dưới thời vua Đồng Khánh, các tỉnh Bình Định, Phú yên, Khánh Hoà và
Bình Thuận được gọi là các tỉnh Tả Trực Kỳ, vào năm 1886 cai quản
bốn tỉnh này bởi vị Khâm Sai là Phan Liêm, con thứ ba của Phan Thanh
Giảng, và Phó Khâm Sai là Phạm Phú Lâm (con quan tả tham tri lại bộ
Phạm Phú Thứ trong phái bộ sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ).
Theo hiệp ước Patenôtre (06/06/1884) thì triều đình Huế - chính phủ
Nam Triều - trên danh nghĩa cai quản một lãnh thổ nhỏ hẹp từ Khánh
Hoà đến Đèo Ngang, trong thực tế mọi chuyện ở địa phương đều do Pháp
định đoạt. Vào năm 1890, Ông Phan Liêm được Pháp và triều đình Huế
cho làm Tổng Đốc Thuận Khánh.
Một trong những tổng đốc khét tiếng tàn ác ở vùng Bình Thuận Khánh
Hoà cho tới Bình Định, khoảng năm 1887, là Trần Bá Lộc. Ông theo
Pháp, giúp Pháp đắc lực trong việc dẹp tan và giết hại không biết
bao nhiêu chiến sĩ Văn Thân từ Bình Thuận đến Bình Định theo vua Hàm
Nghi và chống Pháp. Chỉ trong một năm (từ tháng 6 năm1886 đến tháng
6 năm 1887) cùng với thiếu-tá De Lorme và viên Công-sứ Aymonier,
Trần Bá Lộc dẹp tan được Văn Thân từ Bình Thuận đến Bình Định. Theo
“Sài Gòn Năm Xưa” của Vương Hồng Sển thì cả năm trời quân Pháp không
dẹp được quân Văn Thân ở hai tỉnh này (Bình Thuận và Khánh Hoà), khi
bắt được địch quân thì người Pháp chỉ nhốt vào khám. Ngược lại, khi
làm Tổng Đốc Thuận Khánh, chỉ trong vòng ba tháng thì Trần Bá Lộc
dẹp tan Văn Thân: khi bắt được địch quân thì chặt đầu tức khắc,
“chém người như chém chuối, chém không chừa một con đỏ”. Còn đối với
địch binh không chịu qui hàng, thì ông “sai bắt cha mẹ vợ con người
đó đóng gông cầm tù, ra hạn trong bao lâu đó nếu không qui hàng thì
cha mẹ và vợ sẽ bêu đầu, trẻ con thì bỏ vào lòng cối giả gạo, sai
lính dùng chày lớn quết như quết nem”. Vì vậy, Cầu Sông Cạn ở Diên
Khánh là nơi bao chiến sĩ anh hùng bị xử trảm. Trong cuộc thám hiểm
Đà Lạt năm 1893, Bác sĩ Yersin bị phục kích bắn bị thương ở rừng núi
Phan Rang. Nhóm phục kích là tù chánh trị vượt ngục ở Phan Thiết do
một người tên Thục cầm đầu. Một tuần sau, quân Pháp bắt được 40
trong số 56 người vượt ngục, trong số đó có viên chỉ huy Thục, giải
về Diên Khánh xử trảm. Trong bức thư gởi mẹ ở Pháp, Bác sĩ Yersin ca
ngợi kẻ tử tù này là “rất can đảm và trầm tỉnh khác thường” trước
nhát gươm kết liểu cuộc đời. Trần Bá Lộc xú danh muôn thuở. Trong
bài thơ “Viếng mộ Trần Bá Lộc” tại Cái Bè (Mỹ Tho) của nhà giáo Trần
Văn Hương (nguyên Thủ Tướng, Tổng Thống VNCH) năm 1919 có hai câu:
“Mặt bia rờ rỡ lời khen thế,
Nét mực ràng ràng giọt máu
dân...”
Địa danh Cầu Sông Cạn cũng là nơi xử trảm nhà ái quốc cách mạng
phong trào Duy tân Tiến sĩ Trần Quí Cáp (1870-1908) ngày 15 tháng 5
năm Mậu Thân (15/6/1908). Ông đang làm giáo thọ ở Ninh Hoà. Quan
tỉnh Khánh Hoà lúc bấy giờ là Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm
Ngọc Quát cùng với viên khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ là Lévecque đã ra
lệnh xử chém ông. Theo những hồ sơ lưu trữ tại Centre des archives
Outre Mer (CAOM) (Trung tâm Văn Khố hải ngoại) ở Aix-en-Provence
(Pháp), một quan chức Pháp tại phủ Ninh Hòa đến tận nhà bắt Trần Quí
Cáp ngày 16/4/1908, theo lệnh của khâm sứ Pháp Lévecque tại Huế và
của triều đình VN. Sau hai tháng không xét xử, ông bị chém ngang
lưng ngày 15/6/1908 tại Cầu Sông Cạn Nha Trang, vì người Pháp sợ
Trần Quí Cáp sẽ lãnh đạo dân chúng Khánh Hòa nổi lên gây xáo trộn,
sau khi những cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng bùng nổ ở Quảng
Nam, rồi lan dần xuống Quảng Ngãi, Bình Định. Về phía VN, người tham
dự từ đầu đến cuối trong vụ án này, và cũng là kẻ đóng vai trò chính
trong việc thúc đẩy nhanh chóng bản án tử hình Trần Quí Cáp là quan
bố chánh, phó đầu tỉnh Khánh Hòa, Phạm Ngọc Quát. Ông ta vốn nổi
tiếng là một kẻ gian tham, và đã được công sứ Khánh Hòa mô tả là “Il
est intelligent, très allant, on peut tirer beaucoup de lui quand il
est compromis. Il m’a rendu service ici, ce n’est pas douteux, dans
les dernières semaines de son séjour; mais, il a emporté beaucoup
d’argent, ...” (thông minh, rất hăng hái, có thể khai thác được
rất nhiều khi ông ta có liên lụy. Không có gì nghi ngờ về việc ông
ta đã phục vụ cho tôi trong những tuần lễ cuối cùng của ông ta ở
đây; nhưng ông ta ẵm theo nhiều tiền bạc) (6). Ngoài ra, một người
khác nghi có dính líu trực tiếp trong vụ xử tử Trần Quí Cáp là Án
Sát Khánh Hoà Nguyễn Văn Mại, mặc dầu sau này Ông ta chối tội. Tư
cách của Án Sát Nguyễn Văn Mại được truyền trụng khi làm Bố Chánh ở
Quảng Nam như sau “Thường ngày sau khi trống đánh ba hồi, quan
ngồi chễm chệ giữa công đường, xã dân đến hầu mỗi người bưng một mâm
lễ, đặt dưới đất ngoài sân cho quan ngó thấy rồi sắp hàng lạy. Đối
với dân thì quan hầm hét: nào giang nọc đánh, nào hăm chặt đầu, gông
cổ v.v... Đã thế nhưng điều đáng buồn là khi nghe có Tây nào đến thì
ôi thôi! Áo không kịp gài, giày không kịp mang, chỉ biết đứng nghe,
tên thông ngôn nói chi thì dạ nấy” (Theo Trần Huỳnh Sách, học
trò của Trần Quí Cáp). Xúc động với cái chết của Trần Quí Cáp, cụ
Huỳnh Thúc Kháng có bài thơ chữ Hán khóc bạn: “…Bồng đảo xuân
phong huyền viễn mộng, Nha Trang thu khảo khấp anh hồn…” dịch
“Bồng đảo gió thu đưa chờ giấc mộng, Nha Trang cây cỏ khóc hồn
thiêng”. Cụ Phan Bội Châu trong "Văn tế Thai Xuyên Trần Quí Cáp” có
viết: "Nhớ khi ông ra tới trường chém, dao đã kề cổ, còn thung
dung xin với quan giám trảm, cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm
trang, bái tạ quốc dân ngũ bái, rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in
như khi nhóm trò giảng sách!". Còn cụ Phan Châu Trinh, từ trong
nhà tù Côn đảo, cũng có bài thơ khóc Trần Quí Cáp:
Anh biết cho chăng hởi Dã Hàng!
Thình lình sóng dậy cửa Nha Trang
Lời nguyền trời đất còn ghi tạc
Giọt máu non sông đã chảy tràn
Tinh vệ nghìn năm hờn khó dứt
Đổ quyên muôn kiếp oán chưa tan”
Viên Công Sứ (tức Tỉnh Trưởng) năm 1930 và 1933, lần lượt là Ông
Bréda và Ông Destenay. Viên Tuần Vũ Việt Nam cùng thời là Ung Trinh
(hay Trinh Ung). Vị Tỉnh Trưởng người Việt đầu tiên ở Nha Trang là
ông Hoàng Phúc Hải.
Tỉnh lỵ Khánh Hoà đặt trong nội thành Diên Khánh – nên được gọi
Thành – cho đến 1945. Năm 1901, Ninh Thuận tách khỏi Khánh Hoà, và
từ đó đến 1945 tỉnh Khánh Hoà gồm hai phủ và bốn huyện, phủ Diên
Khánh có hai huyện là Vỉnh Xương (Nha Trang) và Phước Điền, và phủ
Ninh Hoà có hai huyện là Quảng Phước và Tân Định. Vào đầu thế kỷ 20,
ngoài hai địa hạt hành chánh biệt lập là tỉnh Khánh Hoà và thị xã
Nha Trang, còn có hai cơ quan hành chánh đặc biệt gọi là Đại Lý
(Délégation), như Délégation de Ba Ngòi và Délégation de Suối Dầu do
một viên chức người Việt điều khiển gọi là Bang Tá.
Về mặt hành chánh, Nha Trang, trước năm 1945, gồm nhiều đơn vị gọi
là Phường, đặt theo thứ tự là Phường Đệ Nhất, Phường Đệ Nhị (1er
quatier, 2 er quatier). Vùng ngoại ô Nha Trang gồm có Phường Sài
(thường gọi Phương Sài), Phường Củi, Trường Đông (Cửa Bé), Trường
Tây (Cầu Đá). Nghị định ngày 30/6/1924 của viên Toàn Quyền Đông
Dương thiết lập thị trấn Nha Trang với bốn làng là Xương Huân,
Phương Câu, Vạn Thạnh và Phương Sài. Nghị định ngày 15/3/1944, thị
trấn Nha Trang được nâng thành thị xã với năm phường là Xương Huân,
Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải. Phước Hải trước 1944
gồm có Xóm Giá (chuyên làm giá) và Xóm Dương, nhà cửa thưa thớt,
toàn là đồng cát, gò mả và cây ma dương. Năm 1945, tỉnh lỵ được dời
từ Diên Khánh tới Nha Trang. Thời Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh Khánh Hoà
gồm các quận Vạn Ninh, Ninh Hoà, Vĩnh Xương, Diên Khánh và Cam Lâm,
với tỉnh lỵ Nha Trang. Ngày 27 tháng 01 năm 1958, bãi bỏ qui chế thị
xã, chia Nha Trang thành hai xã, là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây,
đều thuộc quận Vĩnh Xương.
Cửa Bé
Theo Gabrielle Vassal (4), một phụ nữ Anh có chồng Pháp là bác sĩ
thú y làm tại Viện Pasteur, đã sống ba năm ở Nha Trang từ năm 1904,
thì Nha Trang là một làng đánh cá nghèo nàn với khoảng 3 ngàn dân,
đa số sống nghề đánh cá, nhà tranh, một ít là nhà ngói, có một khách
sạn nhỏ của người Tàu, con nít còn ở truồng chơi ngoài đường. Đa số
dân chúng bị bịnh mắt bét, mắt hột. Theo Gabrielle Vassal, so với
vùng phụ cận Sài Gòn thời đó, thì Nha Trang quá nghèo nàn. Cửa Bé là
cảng tàu tây phương cập bến, ở đó người Pháp có xây một hải đăng
hướng dẫn tàu bè. Cửa Bé cũng rất nghèo nàn, cứ mỗi 15 ngày có một
chuyến tàu bằng hơi nước chạy đường Sài Gòn Hải Phòng ghé cập bến
Cửa Bé. Đường từ Cửa Bé đến Nha Trang là đường mòn nhỏ hẹp đầy ổ gà,
với bụi cát và bùn lầy, với chiếc xe cọc cạch với con ngựa nhỏ thó.
Đoạn quốc lộ qua Nha Trang cũng tương tự như vậy. Cũng khoảng thời
điểm này, Nha Trang có khoảng từ 20 đến 30 người Âu Châu, đa số là
Pháp, gồm nhân viên hành chánh (đa số là thuế vụ) và quân sự Pháp,
kỹ sư Lục Lộ (Công Chánh), Hoả Xa (bắt đầu xây dựng) và các nhà
truyền giáo. Đứng đầu là vị Công Sứ (Résident Maire) Pháp. Về mặt
kiến thiêt, Nha Trang lúc đó (1904) đã có Avenue de la Plage (Đại lộ
Duy Tân) chạy dọc biển, dọc đó đã có Viện Pasteur (xây năm 1895),
dinh Công Sứ (khu Tỉnh Trưởng), dinh Quan Năm (tức Bác sĩ Yersin,
xây 1895) ở Xóm Cồn, vài nhà người Pháp, một khách sạn (có lẽ khách
sạn La Frégate) dành cho người Âu Châu và Bưu Điện. Nhà của người
Pháp xây bằng gạch tường quét vôi trắng, mái ngói nâu, nhà có 3
gian, mặt trước là hàng hiên, phía trước là một vườn hoa rộng. Mặt
sau là một nhà cách biệt gồm nhà bếp, phòng dành cho gia nhân người
Việt khoảng 4-5 người. Chợ Nha trang vừa được xây (chưa phải Chợ
Đầm), nền xi măng, mái ngói, còn nhỏ hẹp, chợ nhóm ngày hai buổi,
sáng và chiều, trái cây, rau cải, cá mắm bán la liệt chung quanh
chợ. Vào mùa khô thì chợ đầy bụi bậm, vào mùa mưa thì ngập nước phải
lội có khi tới đầu gối.
Chợ Đầm Nha Trang
được xây cất lại đầu thập niên 1930s, nền cao trên 1 m để tránh ngập
lụt, dài và rộng thoáng hơn trước, dọc theo đường phố và bờ hổ có
xây nhiều kiosks. Chợ này bị cháy hoàn toàn năm 1966, và được xây
cất lại trên khu đất kế cạnh, vốn là một cái đầm được lấp. Đó là Chợ
Đầm ngày nay. Con đường từ Lầu Quan Năm (Yersin) sát bờ sông, chạy
dọc bờ tường Khu Công Sứ, có tên “Rue de l’Observatoire”, sau 1950
đổi thành đường “Thiên Văn” rồi “Nguyễn Bỉnh Khiêm”. Cũng theo bút
ký của Gabrielle Vassal, thì năm 1904, Nha Trang có 3 đầm nước, đứng
ở Tháp Bà nhìn thấy rõ 3 đầm này. Hai đầm ở hai bên quốc lộ 1, nhỏ
và cạn, sau này dần dần bị lấp, canh tác rau muống (địa danh Rọc Rau
Muống), còn ít dấu vết đầm lầy khoảng 1950, và hoàn toàn không còn
dấu vết vì xây dựng nhà cửa như hiện nay. Đầm lớn nhất là vị trí Chợ
Đầm Nha Trang ngày nay, có một đoạn có bờ lát đá. Chung quanh Đầm là
“Quai du Marché” – đường Bến Chợ. Trứơc 1950, Đầm rất sầm uất với
ghe buôn bán tấp nập. Ở phía bắc Đầm có bến bán tre, lò o, nên có
Xóm Lò O (ở góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Chợ). Sau 1966, Đầm này
bị lấp để xây cất chợ Nha Trang ngày nay.
Y tế

Bệnh viện Nha Trang–
nhà thương thí- được thiết lập khoảng 1890 do Bác sĩ Yersin đề
xướng. Năm 1896, dịch hạch xuất hiện ở Nha Trang, nạn nhân chết đầu
tiên lại là Bác sĩ Thú y Pesas, viên trợ lý của Bác sĩ Yersin tại
Viện Pasteur Nha Trang phụ trách sản xuất huyết thanh tại Suối Dầu.
Tháng 6 năm 1899, dịch hạch tái phát ở Xóm Cồn, rồi đến tháng 12 năm
đó lan rộng đến hai làng khác ở Nha Trang. Để diệt trùng, nhà cửa
đâu đâu cũng đều được xịt nước vôi trắng xoá. Sau đó, chính quyền
phải cho đốt sạch nhà cửa (để tiêu diệt chuột), di tản dân chúng đến
vùng khác và tiêm ngừa huyết thanh toàn thể dân chúng Nha Trang mới
ngăn chận được dịch hạch. Cũng trong thời kỳ này, dân vùng quê Diên
Khánh mắc bịnh và chết vì sốt rét rất nhiều.
Công trình phát triển Nha Trang phải nói là nhờ Bác sĩ Yersin. Bác
sĩ Yersin đến Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 1890, đặt chân đến Nha
Trang ngày 29 tháng 7 năm 1891, và qua đời ngày 01 thảng 3 năm 1943,
chôn trên một ngọn đồi nhỏ trong vườn cao su Suối Dầu.
Viện Pasteur
đựợc xây năm 1895 do Bác sĩ Alexandre Yersin chủ xướng. Với 5000
đồng bạc do toàn quyền Đông Dương Chevassieux trợ cấp, Yersin lập
một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ bể Nha Trang, và cất tại Suối Dầu
một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ chuột, dùng cho việc thí
nghiệm. Năm 1896, ông được chánh phủ biệt phái một viên thú y nhà
binh là Pesas đến săn sóc thú vật. Năm 1896, thống chế Lyantey (lúc
bấy giờ là thiếu tá) đến thị sát Nha Trang và thăm viếng Viện
Pasteur. Cũng năm này, Yersin chọn cái lô-cốt hai tầng bỏ hoang gần
xóm Cồn tại cửa Sông Cái để xây nhà ông –Dinh Ông Năm. Theo Đại Nam
Nhất Thống Chí, nơi đây vốn là một đồn biên phòng rất lâu đời. Dinh
Ông Năm mỗi bề khoảng 7m50, có 3 tầng. Mỗi tầng có hành lang rộng
bao bọc, có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt
là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về
sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn. Ông cho
làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có
bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh
Trung để báo hiệu.
Năm 1897, Bác sĩ Yersin cho nhập nội giống cao su vào trồng thí
nghiêm ở Suối Dầu, và sau đó với sự cộng tác của kỹ sư canh nông
Vernet, hơn 100 ha cao su được trồng vào năm 1909. Năm 1915, Bác sĩ
Yersin cho trồng thí nghiệm cây kí ninh ở Hòn Bà để cung cấp thuốc
trị sốt rét trong thời đệ nhất thế chiến. Bác sĩ Yersin cũng mở hai
trại nuôi bò, một ở đảo Hòn Tre và một ở Suối Dầu. Về sau, bỏ đảo
Hòn Tre, và bò ở Hòn Tre trở thành bò rừng.
Trường học
Năm 1902, khi Ông Beau lên làm Toàn Quyền Đông Dương thay thế Toàn
Quyền Paul Doumer, Ông bãi bỏ Nho Học thay vào bằng chữ Pháp, lập Y
Tế Cục, lập nhà thương, bưu điện, sở công chánh. Vì vậy, Nha Trang
có một trường tiểu học kiểu mẫu dạy chữ quốc ngữ khánh thành năm
1906, đó là
Trường Nam Tiểu Học Nha Trang.
Toàn tỉnh Khánh Hoà vào năm 1906 có 24 truờng tổng.
Ông
Nguyễn Văn Hai đến nhậm chưc Án Sát tháng 11 năm 1905, là người có
công xây dựng các trường học ở Khánh Hoà. Về tình trạng văn học và
giáo dục ở Khánh Hoà đầu thế kỷ 20, Án Sát Nguyễn Văn Hai viết nhận
xét năm 1911 « Dân cư hai tỉnh Thuận Khánh phần đông làm nghề
nông, không chuộng văn học, sở xưng cư trú trong tỉnh phần nhiều là
Nghệ Tỉnh ngụ cư. Ngưới làm việc phần nhiều học trò người Quảng Nam,
Quảng Ngãi. Còn người bản tỉnh, ngoài những người làm ruộng và chăn
nuôi, toàn là những người ăn chơi. Lúc ấy, khuyến thị lập trường
được 24 trường, mỗi trường tốn 2-3 ngàn đồng, trong trường, bàn ghế,
vật dụng, màn trướng, khí mảnh đều đầy đủ. Ai nấy phấn khởi. Tại
Bình Thuận, có Tú Tài Nguyễn Hiệp Chi hội họp các bạn lập liên thành
thơ quán, uỷ người đến ta xin ta câu đối :
Dư ngã tẩy trừ ô nảo cựu
Vị quân diễn thuyết vũ đài tân
Tại Bình Thuận lập thơ xã, tại Khánh Hoà lập học trường. Cho nên một
độ nhân sỉ Nghệ An, Nam Nghĩa từ Bắc vào Nam rất đông. Phàm người
cựu học mà kiêm thông quốc văn, đến đó được một nghề giáo sư không
đến nổi thất nghiệp. Lúc đó trú kinh Khâm Sứ Khánh Hoà thăm, thấy
các trường chỉnh tề rất khen, liên tư về Cơ Mật thông tư cho các
tỉnh biết.
Tại Khánh Hoà lập trường như vậy nhưng học trò vào học thí là một
thời đại khác. Đáng cười. Nguyên nghĩ trẻ con được 8 tuổi đến số 30
trẻ thì thiết lập một trường Tổng. Lúc đó đi hiểu thị chỉ đến các
nhà phú hào để kê số trẻ có thể đi học, mà con nhà nghèo không kê
vào số ấy. Đến ngày mở trường thì phần nhiều con nhà nghèo đến học,
con nhà khá thì ít. Trẻ con trước kia phần đông kê khai không vào
học. Các giáo sư kê tên bẩm lên. Khi nghiêm sức lại thì một số con
nhà giàu thuê con nhà nghèo mạo tên đến học thế. Giá thuê mỗi tháng
3 đồng hoặc 5 đồng. Ấy là cũng một câu chuyện buồn cười lúc đầu mới
lập trường. Nhưng sau lại, nhà giàu thấy con nhà nghèo đi học chưa
được năm ba tháng đã biết đọc sách, đọc bài, viết thơ, v.v., mới
thấy học quốc ngữ có ích, khi đó mới cho con em đi học »
(Tư liệu của Trần Văn Tư, Đăc San Võ Tánh/Nử Trung Học Nha Trang 31
Năm Nha Trang Viễn Xứ Nam Cali 2006, trang 270-271).
Năm 1928, thầy Cung Giũ Nguyên đến dạy học ở đây với chức trợ giáo
(instituteur stagiaire). Muốn được làm thầy giáo, phải có bằng Thành
Chung và phải đậu thêm Bằng Khả Năng Sư Phạm (Brevet d’Aptitude
peùdagogique). Bằng này cần thiết để vào ngạch, nếu trong hai năm
không đỗ thì bị sa thải. Thầy giáo trong thời này mặc áo dài đen,
đầu đội khăn đóng, chân mang dày hạ bóng nhoáng. Ngay cả các thanh
tra người Pháp cũng khăn đóng, áo dài Việt nam.
College de Nha Trang,
tiền thân của Trung Học Nha Trang, sau này là Võ Tánh, thiết lập năm
1947 với một lớp duy nhất 1ère année (tức Đệ Thất) khoảng 30 học
sinh, mượn lớp học của Truờng Nam, dạy theo chuơng trình Pháp Việt.
Thầy Trương Văn Như làm hiệu trưởng đầu tiên (từ 1947 đến 1951). Về
sau, Thầy Như mở trường tư thục tức trường Kim Yến. Thầy Võ Thành
Điểm làm giáo sư hội hoạ từ 1947. Từ 1949, chọn được khu đất rộng,
với sự giúp đỡ đặc biệt của Ông Tỉnh Trưởng đương thời Trần Thúc
Linh trích từ ngân sách tỉnh, trường được xây cất và niên khoá
1952-1953, trường dời về vị trí ngày nay và mang tên Võ Tánh, gồm 8
phòng học (4 ở tầng trệt, 4 trên lầu) và dạy chương trình Việt.
Nha Trang có một
nguyệt san đầu tiên,
năm 1930, “Les Cahiers de la Jeunesse ” viết bằng tiếng Pháp do thầy
Cung Giũ Nguyên và Ông Raoul Sereone (nhân viên Hải Học Viện Nha
Trang) chủ trương.
Sân tennis trước Trường Nam cũng đã có vào năm 1903, dành cho người
Pháp.
Hải Học Viện Nha Trang
được thành lập tại Cầu Đá năm 1921. Giám đốc đầu tiên là Armand
Krempf. Công tác xây cất với đầy đủ trang bị khoa học và khánh thành
ngày 01/01/1930. Hải Học Viện Nha Trang đã nổi tiếng quốc tế vì
những nghiên cứu hải dương học kể từ năm này. Tháng Hai năm 1933,
vua Bảo Đại và
Nam Phương Hoàng Hậu đến thăm viếng. Ngày 01/01/1952,
Hải Học Viện được trao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, vị giám đốc
người Việt đầu tiên là Ông Ngô Bá Thành. Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ và
Giáo sư Nguyễn Hải có một thời làm việc ở đây. Thầy Nguyễn Hải cũng
dạy Võ Tánh khoảng 1956.
Dân số
Nha Trang vào năm 1905 khoảng 3,000 dân, tăng lên 40,000 dân năm
1943, 172,000 năm 1979, 213,500 năm 1989, và 340,000 năm 1998. Dân
số Nha Trang tăng nhanh sau 1945 do mất an ninh vùng thôn quê, 1954
do dân di cư từ Miền Bắc chạy trốn Cộng Sản sống tập trung nhiều ở
Xóm Mới Phước Hải, sau 1975 do di dân từ miền Bắc.
Diện tích thành phố chính của Nha Trang năm 1998 là 7,255 ha, nếu kể
phụ cận là 238,000 ha.

Theo bút tích của các nhà truyền giáo (5), Nha Trang vào đầu thập
niên 1930s còn nhiều nơi hoang vắng, không người ở, đêm đêm cọp lai
vảng dọc biển trên đường Avenue de la Plage khoảng gần Chụt. Khoảng
đất từ Nhà Thờ Núi tới biển còn hoang vu, chưa có dân cư, toàn là
cát trắng, mồ mả, và cây ma dương. Trong thành phố, dân sống thưa
thớt, nghề chính là đánh cá, nghề nông, một số ít là công chức. Phố
xá, chỉ tập trung trên một phố chính, vẫn là ngôi chợ cũ nhỏ (chưa
có Chợ Đầm). Trên Avenue De La Plage chỉ có một số biệt thự người
Pháp như đã có từ 1903.
Tôn giáo
Theo bia đá Võ Cạnh thì
đạo Bà La Môn
và
Phật giáo Tiểu Thừa
từ Ấn Độ du nhập vào Nha Trang từ thế kỷ thứ hai, và từ nơi đây
truyền bá đến Bắc Chiêm. Di tích Phật giáo nay không còn, nhưng di
tích Bà La Môn Ấn Độ Giáo là di sản văn hoá Chăm tồn tại và được dân
Việt bảo tồn. Theo lịch sử Chăm ghi năm 653 dân Chăm lập đền thờ
vinh danh nữ hoàng Jagadharma đã đưa đất nước Chăm thanh bình thịnh
trị. Đền thờ bẳng gỗ được xây trên một ngọn đồi, bên cạnh một con
sông có tên Ya-Tră. Đó chính là tiền thân của Tháp Bà ngày nay. Vào
thế kỷ thứ 7, Hồi giáo được các thuyền buôn Á Rập du nhập vào Nam
Chiêm qua các cảng Nha Trang và Cam Ranh, nhưng không thịnh hành,
mãi tới thế kỷ thứ 10 mới thành công nhờ các nhà truyền đạo Hồi giáo
ở Java. Tuy nhiên, đạo này chỉ thịnh hành với người Chăm ở vùng Phan
Rang trở vào mà thôi.
Phật giáo Đại Thừa và lễ cúng Ông Bà
được di dân Việt du nhập vào Khánh hoà kể từ năm 1653. Người Việt
đến đâu đều thành lập làng xã, ở đó dân Việt xây cất Đình, Chùa,
Miếu và Am. Đình là nơi thờ phượng các vị tiền hiền khai phá thành
làng xã, hay các vị có công, các anh hùng, hay công thần do Triều
đình chỉ định thờ cúng. Đình làng cũng là nơi chính quyền làng xã
làm việc, nơi hội họp của dân chúng, nơi đình đám, lễ lạc, hội hè,
hát bội, bài chèo v.v. được tổ chức. Đình xây với mái ngói âm dương,
tường gạch, nền cao, ở vị trí trung tâm của làng xã, trên mảnh đất
cao ráo nhất trong làng. Nha Trang có Đình Xương Huân, Phương Câu,
Phương Sài, Đình Ông (thờ cá Ông). Chùa là nơi thờ Phật, có vị sư
trụ trì, có cổng tam quan, thường xây cất ở nơi tôn nghiêm, trên đồi
cao, có nhiều cây cổ thụ. Miếu để thờ các oan hồn, tử sĩ, mỗi năm
chỉ làm lễ bái một lần. Am là nơi tu thiền của một vài cá nhân,
thường là nơi vắng vẻ.
Ở Ngọc Hội, có
chùa Kim Sơn
là cổ kính nhất, có lẽ xây dựng từ 1708. Năm Canh Thân (1740), Chúa
Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sắc cho đổi tên là Chùa Qui Tôn, lại
ban cho biển ngạch. Ngoài ra, chùa An Dưỡng ở Thái Thông do Ngài
Thiệt Phú xây dựng có lẽ cũng từ năm 1708.
Một miếu nổi tiếng và cổ xưa nhất Nha Trang còn tới ngày nay là một
miếu thờ thần linh xây dựng năm 1795 trên một ngọn đồi ở Sinh Trung.
Ngay sau khi lên ngôi năm 1802 vua Gia Long truyền lệnh xây dựng lại
quy mô miếu này -
Miếu Tinh Trung
-
để thờ các anh hùng, công thần, tử sĩ có công với Nhà Nguyễn. Địa
danh Sinh Trung bắt nguồn từ Tinh Trung. Năm 1852, vua Tự Đức cho
trùng tu lại và đặt tên Trung Nghĩa Miếu. Đức Từ Cung Thái Hậu (Mẹ
vua Bảo Đại) thường đến cúng lễ hàng năm. Năm 1950, ngài hiến dâng
miếu này cho Phật Giáo, và kể từ nay trở thành Chùa Kỳ Viên. Dân Nha
Trang còn gọi là Chùa Núi. Vị hoà thượng đầu tiên toạ trì là Hoà
Thượng Thích Thiện Minh.
Chùa Hải Đức
được Thiền Sư Sư Viễn Giác xây năm 1883, trong thành phố Nha Trang.
Đầu tiên chỉ là một ngôi chùa nhỏ, có tên Duyên Sanh Tự. Đến 1891,
xây chùa lớn trang nghiêm hơn mang tên Hải Đức Tự. Năm 1943, Đại sư
Bích Không dời chùa lên đồi Trại thủy, chùa hoàn tất năm 1945. Cũng
trên đồi Trại thủy, còn hai chùa nữa là Chùa Long Sơn và Chùa Bửu
Phong (hay Linh Sơn). Nổi tiếng là tượng Phật cao 9 m xây dựng năm
1963, cao 14 m kể cả bệ hoa sen. Leo 152 tam cấp.
Các nhà truyền đạo
Thiên Chúa Giáo
người Pháp đến Nha Trang từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Năm 1653
cha Dòng Tên là Phêrô Marques và năm 1655 một cha Giám Tỉnh Dòng Tên
khác là Phanxicô Rivas đến giảng đạo tại trấn Khánh Hoà. Năm 1664,
Hội Truyền Giáo Hải Ngoại (Société des missions étrangères) gởi Cha
Chevreul đến truyền đạo ở các tỉnh Miền Trung, nhưng gặp nhiều khó
khăn trong việc truyền đạo. Năm 1672, Cha Lambert de la Motte trên
đường đi họp Công đồng Ðàng Trong cùng với hai cha Miền Nam tiên
khởi là cha Giuse Trang và Luca Bền đến Chợ Mới giảng đạo.Thiên chúa
giáo phát triển mạnh ở Khánh Hoà kể từ năm 1793, khi giám mục Bá Đa
Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine) được chúa Nguyễn Ánh sai đến tăng
cường phòng thủ thành Diên Khánh cùng với hoàng tử Cảnh, Phạm Văn
Nhân và Tống Phúc Khê. Bá Đa Lộc bấy giờ là đại công thần của chúa
Nguyễn Ánh. Nhờ vậy, các làng đạo Thiên chúa giáo thành hình đầu
tiên ở Khánh Hoà là xóm đạo Hà Dừa (kế thành Diên Khánh), Bình Cang
(giữa Thành và Nha Trang) và Ngọc Hội (Chợ Mới). Từ các địa phận
này, Thiên Chúa Giáo được phát triển đến Nha Trang và các địa phương
khác ở Khánh Hoà. Vào những năm 1858-1862, phong trào “Sát Tả” chống
phá Thiên Chúa Giáo dưới thời Tự Đức, các làng này bị tổn thất khá
nhiều nhân mạng, một số dân theo đạo bị đem xử trảm tại Cầu Sông
Cạn. Tổng số con chiên của toàn tỉnh Khánh Hoà năm 1887 là 1210
người.
Nhà thờ Núi ,
năm 1929, Nha Trang chưa có nhà thờ, có khoảng 300 con chiên, đa số
làm nghề đánh cá, nông dân, một số ít là công chức. Tuy nằm trong
thị xã, nhưng Nha Trang lại là họ nhánh thuộc giáo xứ Chợ Mới. Ngày
Chúa Nhật, cha sở Chợ Mới lên Nha Trang làm lễ tại một ngôi nhà trên
Avenue De La Plage, hiện nay là trụ sở Tòa Giám Mục. Nha Trang lúc
bấy giờ trên phương diện kiến thiết cũng chưa có gì đáng kể ngoài
khu chợ với vài dãy phố buôn bán và một số biệt thự của Pháp cất dọc
theo bãi biển. Nha Trang vào năm này chưa có Chợ Ðầm và Nhà Thờ Núi.
Ngay sau khi được cử làm họ đạo Nha Trang, linh mục Vallet
(Louis-Agrève-Célestin, 1869-1945, tạ thế tại bịnh viện Nha trang)
chọn một ngọn đồi ở tây nam Nha Trang tức Núi Một để xây cất nhà
thờ. Bắt đầu khởi công vào tháng 2 năm 1929, mất gần 3 năm để làm
đường lên núi và chuẩn bị xây cất, năm 1932 mới thật sự xây cất, mãi
tới Phục Sinh 1933 mới hoàn tất, nhà thờ Núi được Ðức Giám Mục
Grangeon (Ðức Cha Mẫu) làm phép. Hơn một năm sau, nhà thờ Núi có
thêm hai chuông lớn và đồng hồ còn lại cho đến ngày nay. Về sau Núi
Một bị xẻ làm đôi thành con đường Nguyễn Trãi.
Giao thông
Đối diện với Tháp Bà bên kia Quốc Lộ 1, trên một ngọn đồi tuyệt đẹp
là nhà Tập Dòng Sư Huynh La San, Tu viện Phanxicô, Tiểu Chủng Viện
Hoa Mai (thành lập năm 1954), nhà Nữ Tu Kín (khánh thành tháng 9 năm
1961). Cha Maurice Bertin thuộc dòng Phanxicô đến Nha Trang bắt đầu
công việc xây dựng Tu Viên PhanXicô cùng với các cha Hugolin
Lemestre, André Durand và Léonard Ramon, vào khoảng tháng 6 năm 1938
và gần hai năm sau, tháng 7 năm 1940, tu viện Phanxicô hoàn tất.
Quốc lộ
xuyên Việt bắc nam đi qua Nha Trang đã có từ thời Chiêm Thành, nhưng
núi rừng ma thiêng nước độc, lắm đèo cao, nhiều sông rộng, đường bộ
chỉ dùng khi chinh chiến. Giao thông chính vẫn là đường biển, từ các
cảng Chutt, Cửa Bé và Cam Ranh thuyền bè tấp nập ra bắc vào nam. Sau
khi thống nhất đất nước (1802), vua Gia Long cho trùng tu lại quốc
lộ Bắc Nam (Route Mandarine – Đường Cái Quan hay Quan Lộ) từ năm
1803, và thành lập các bưu trạm liên lạc bằng ngựa. Đường bằng đất,
có nơi rải đá, mùa hè thì bụi bậm, mùa mưa thì lầy lội. Đến thời
Pháp (sau 1885), để đặt nền cai trị lâu dài và khai thác tài nguyên,
chính quyền Pháp ưu tiên trong việc thành lập dinh trại binh lính
địa phương (lính Khố Xanh, Khố Đỏ) ở các yếu điểm quân sự, đặc biệt
bảo vệ khu Công Sứ Pháp, thành lập cơ sở Lục Lộ để làm đuờng mới,
nới rộng và tráng nhựa. Sở Lục Lộ Nha Trang được thiết lập đầu thế
kỷ 20, dưới thời ông Toàn quyền Beau (1902), do các kỹ sư Pháp quản
lý, công nhân là Việt Nam. Năm 1936, một hoàng tử Lào, đậu kỹ sư
Công Chánh ở Paris, về Nha Trang làm ở sở Lục Lộ, cưới một cô gái
Nha Trang làm vợ. Vị hoàng tử này chính là Tiao Souphanouvong, có
một thời (1946-1949) cùng vua anh cai trị nước Lào.
Con đường chạy dọc biển từ Xóm Cồn tới Chutt mang tên “Avenue de la
Plage”.
Trên
đường biển,
từ những năm đầu 1900’s, cứ mỗi hai tuần là có một chuyến tàu chạy
Sài Gòn – Hải Phòng cặp bến Cửa Bé. Cửa Bé bấy giờ vừa có một hải
đăng để hướng dẫn tàu. Tàu phải đậu ngoài khơi, hành khách là các
công chức Pháp, lính Pháp, các kỹ sư lục lộ, v.v. phải chuyển qua
ghe nhỏ để vào cửa sông Cửa Bé, ở nơi này có sẳn người “bản địa” để
cỏng từ ghe vào bờ, và khiêng hành lý lên những xe nhỏ. Con đường
chạy từ Cửa Bé đến Nha Trang vào năm 1904 được mô tả là đầy ổ gà và
bụi bậm vào mùa khô, sình lầy vào mùa mưa.

Nha Trang có hai chiếc xe hơi đầu tiên vào năm 1901 là của Bác sĩ
Yersin: đó là chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément, và một
thuyền máy mua từ Pháp, trong khi công sứ tại Nha Trang chưa có xe.
Hai năm sau (1903), ông bán chiếc Serpollet năm mã lực này cho ông
công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu mã lực.
Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, để tậu
chiếc Serpollet mười một mã lực. Năm 1910, ông định mua một chiếc
máy bay, nhưng vì cả Việt Nam chưa có phi trường, nên bỏ ý định đó.
Air France mở chuyến bay dân sự đầu tiên Sài Gòn-Paris năm 1932,
phải mất cả tuần lễ mới tới nơi. Bác sĩ Yersin đáp chuyến bay đầu
tiên này để về Pháp.
Đường xe lửa xuyên Việt
bắt đầu thiết kế xây dựng ở Việt Nam năm 1904, đoạn Phan Rang - Nha
Trang hoàn tất năm 1912 với các ga Suối Dầu, Cây Cầy, Phú Vinh, Nha
Trang, Ngọc Hội, v.v.
Nhà nghỉ mát của vua Bảo Đại
xây cất năm 1923 trên một ngọn đồi ở Cầu Đá.
Grand Hotels trên Avenue de la Plage hoàn thành vào cuối thập niên
1920s.
Có hai
rạp hát cinê
đầu tiên của Nha Trang vào cuối thập niên 1930s. Trên đường Độc Lập
có rạp Abraham, năm 1953 ông Tôn Thất Đệ mua lại đổi tên thành rạp
Tân Tân. Kế gần đó là rạp Tân Tiến, chủ là một người Ấn Độ. Rạp hát
bội Thạnh Xương do ông Cò Xương thành lập khoảng 1940s để đáp ứng
nhu cầu xem hát bội của dân Nha Trang ngày trước.

Nha Trang nổi tiếng với phong cảnh đẹp tuyệt vời. Con dân gốc Nha
Trang, trong nước cũng như ngoài nước, đều hãnh diện về quê hương
của mình. Nha Trang còn nổi tiếng quốc tế. Tháng 6 năm 2003, Nha
Trang được Câu Lạc Bộ các vịnh đẹp trên thế giới công nhận là một
trong số 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Tin vui này đến trể. Hơn một
trăm năm trước (112 năm), vào một buổi sáng đẹp trời ngày 6 tháng 5
năm 1891, một thanh niên Pháp gốc Thuỵ sĩ, 28 tuổi, làm y sĩ trên
một tàu hàng hải đã sững sờ trước phong cảnh hùng vĩ và thơ mộng của
Vịnh Nha Trang. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những
dãy núi chập chùng trên đất liền, với các hòn đảo nhấp nhô trên sóng
biển xanh, với bãi cát trắng phau thấp thoáng xa xa. Chàng trai vội
viết vào nhật ký "Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới đến Nha
Trang tàu phải neo cách bờ một dậm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế
không lên bờ được. Thật đáng tiếc vì vùng nầy có nhiều núi non và
phong cảnh rất ngoạn mục”. Hai tháng rưởi sau, ngày 29/07/1891, khi
chuyến tàu trở lại vùng này, chàng xin phép lên bờ với chiếc thuyền
độc mộc. Phong cảnh quá hữu tình, với bờ biển, cửa sông, các đảo
ngoài khơi màu sắc rực rỡ của một vùng quê nhiệt đới, với khí hậu ôn
hoà, đã chinh phục chàng trai. Chàng quyết định bỏ làm y sĩ trên
tàu, và chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba. Chàng làm việc trên 50
năm tại thành phố biển này, và trước khi từ trần, ngày 01 tháng 3
năm 1943, đã trăn trối với người cọng sự thâm niên, Ông Bùi Quang
Chiêu của Viện Pasteur Nha Trang “hãy giữ tôi ở lại với Nha
Trang, đừng cho ai lấy tôi đi. Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu”.
Đó là Bác sĩ Alexandre Yersin, người đầu tiên đã mô tả vẻ đẹp của
Vịnh Nha Trang, và ông đã hiến dâng cả cuộc đời ở quê hương này, nhờ
đó thành phố Nha Trang mới có được nổi tiếng ngày hôm nay.

Cám ơn các anh Trần-Đăng Nhơn và Trần-Đăng Lộc bổ túc và cho ý kiến.
Vì thiếu nhiều tài liệu chính xác, một số thời điểm và địa danh có
thể sai lầm, mong các bậc uyên bác chỉ giáo.
Tài liệu chính tham khảo
1.
Nguyễn Văn Huy (2005). Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam.
www.thongluan.org ngày 27/02/2005.
2. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược.
3. Quách Tấn (1969). Xứ Trầm Hương.
Sài Gòn: NHB Lá Bối.
4.
Gabrielle M. Vassal (1912). Mes trois ans d’Annam. Paris: Hachette.
5. Nguyên Hương. Lịch sử Giáo Phận Nha Trang.
http://www.gpnt.net/giaophan/lichsugpthem.htm
6. Trần Gia Phụng (2000). Quảng Nam Trong Lịch Sử, Toronto: Non
Nước.
Reading (UK), 01 May 2006
Bổ túc thêm tài liệu cho Vietsciences
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Trần Đăng Hồng
|