Nước Úc như tôi thấy

Vietsciences-  Phạm Việt Hưng     21/08/2014

 

Thật khó giải thích tại sao Úc xưa kia vốn là một thuộc địa của Anh, đến nay vẫn nằm trong Khối Thịnh vượng chung do Anh đứng đầu, Nữ hoàng Anh vẫn là Nữ hoàng của Úc (có một Tổng toàn quyền thay mặt cho Nữ hoàng Anh), nhưng trong một số lĩnh vực tinh thần và hoạt động xã hội quan trọng, nước Úc đã “đi chệch” khỏi truyền thống Anh. Chẳng hạn như môn bóng đá,môn thể thao truyền thống Anh, thì ở Úc hầu như không có. Nhưng rõ rệt hơn cả là vấn đề tôn giáo: Anh giáo cũng có mặt ở Úc, nhưng công giáo chiếm đa số lấn át trong số những người theo Thiên Chúa giáo. Giáo hội Công giáo Úc chịu sự lãnh đạo của Tòa Thánh Vatican. Nhà thờ lớn nhất ở Úc là Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sydney, một Nhà thờ Công giáo. Úc có một Nữ Thánh duy nhất, đó là Thánh Mary Mackillop, một Nữ Thánh Công giáo…

Xin gửi tới quý vị độc giả một số hình ảnh nước Úc do tôi ghi lại qua ống kính. Hy vọng quý vị cảm nhận được một phần nào những nét đặc trưng của nước Úc như tôi thấy (xin click vào tất cả các ảnh để xem với kích thước lớn hơn).

NƯỚC ÚC NHƯ TÔI THẤY

1/ G’Day! Người Úc thường chào nhau ngắn gọn như thế, thay cho Good morning, Good afternoon. Đó là một kiểu chào rất Úc, tiện lợi và thân ái.

2/ Nếu hỏi tôi cái gì là đặc sắc nhất ở Úc, tôi trả lời ngay: vườn hoa và công viên! Vườn hoa và công viên ở khắp nơi, rộng bát ngát, đẹp, cỏ được cắt đều như trải thảm, cây cối được chăm sóc xanh rờn, mặc dù Úc là một xứ khô hạn. Nhiều vườn hoa có chỗ cho bạn ngồi ăn uống, đun nấu, nướng chả (người Úc gọi là BBQ). Và đặc sắc nhất là… ở đâu cũng có nhà vệ sinh. Đi picnic xong bạn sẽ có chỗ rửa tay rửa mặt sạch sẽ chứ không phải để tay chân mỡ màng mắm muối mà ra về. Nói rộng ra, môi trường Úc trong sạch, mặc dù bầu khí quyển Úc bị thủng tầng ozone. Nếu bạn có tiền, bạn có thể mua một căn nhà sang trọng, đắt tiền, nhưng không dễ gì mua được một môi trường trong sạch. Chẳng hạn ở Bắc Kinh, với tình trạng ô nhiễm được báo động như hiện nay, có nhà cửa sang trọng cũng bằng thừa, bởi môi trường trong lành là quan trọng nhất đối với sức khỏe. Bạn hãy đến thăm những khu nhà mới của Úc, bạn sẽ thấy những khu nhà này không chỉ đẹp về kiến trúc, mà cái đắt tiền khó mua của nó là môi trường xung quanh. Có người bảo những khu nhà mới đó là thiên đường. Nói thế hơi quá, nhưng cũng có phần đúng. Ngay giữa trung tâm Sydney, trong không gian lòng chảo của các cao ốc lộng lẫy là những công viên bát ngát, xanh rờn, đẹp như tranh vẽ, như Botanic Garden, Hyde Park, Centenial Park,… Nhiều người nói đến Úc mà chưa đến Sydney Opera House và chưa đi bộ trên cầu Harbour Bridge thì coi như chưa đến. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng tôi muốn bổ sung: đến Sydney mà chưa dạo chơi trong Botanic Garden và đi picnic trong Centennial Park thì cũng như chưa đến.

3/ Ở Úc có câu nói vui xếp hạng những thứ được chăm sóc ưu tiên nhất. Đó là: thứ nhất trẻ em, thứ nhìn phụ nữ, thứ ba là chó, và thứ tư mới đến đàn ông. Tất nhiên đó chỉ là nói vui thôi, nhưng xét kỹ thì cũng có phần đúng.

4/ Mặc dù có nhiều tôn giáo ở Úc, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo,… nhưng có thể nói Úc là một quốc gia công giáo. Khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, toàn thể các nghị sĩ cùng đọc Kinh Lạy Cha. Có những vấn đề lịch sử thú vị về Úc đáng nghiên cứu, chẳng hạn Úc từng là một thuộc địa của Anh, đến nay vẫn nằm trong Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) do Anh đứng đầu, nữ hoàng Anh vẫn là nữ hoàng của Úc, nhưng trong một số lĩnh vực tinh thần Úc lại “đi chệch” khỏi truyền thống Anh. Chẳng hạn, đó là môn bóng đá và tôn giáo. Môn “football” của Úc là môn bóng bầu dục, húc nhau là chính. Còn cái mà ta gọi là bóng đá thì ở Úc gọi là soccer. Bóng đá của Úc hiện nay đang nhen nhóm phát triển lên nhờ vào những người nhập cư thuộc các cộng đồng Ý, Serbia, Crotia… Về mặt tôn giáo, Anh giáo cũng có mặt ở Úc, nhưng công giáo chiếm đa số lấn át trong số những người theo Thiên Chúa giáo. Công giáo Úc chịu sự lãnh đạo của Tòa Thánh Vatican. Nhà thờ lớn nhất ở Úc là Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sydney, một Nhà thờ Công giáo. Úc có một Nữ Thánh duy nhất, đó là Thánh Mary Mackillop, một nữ thánh công giáo. Đền Thánh Mackillop ở North Sydney là một trung tâm du lịch và trung tâm tôn giáo: khách thập phương đổ về đây rất nhiều, kể cả người theo Công giáo và người theo các tôn giáo khác, hoặc không theo tôn giáo nào. Đa số đến đó là để cầu nguyện xin Ơn. Những người có đức tin xin Ơn thường được Ơn, vì thế số người đến cầu nguyện ngày càng đông. Tôi cũng thường đến đó cầu nguyện. Nhìn ngắm những người cầu nguyện, tôi cảm thấy một cái gì đó thật an bình. Đó là những hình ảnh quý hiếm trong thời buổi hối hả sống gấp và thực dụng ngoài đời hiện nay. Tôi mừng vì thấy số người có đức tin vẫn còn nhiều lắm. Đó là cái Phúc của nhân loại. Những người tin vào Chúa có sức mạnh nội tâm, giúp họ vượt qua những thử thách đắng cay trong đời, vì họ biết rằng “mọi sự đều thay đổi, nhưng Chúa không bao giờ đổi thay”…

5/ Úc là một quốc gia đa văn hóa (multicultural), đa sắc tộc (multinational), như độc giả có thể thấy trong những hình ảnh dưới đây: hôn nhân của những cặp vợ chồng khác biệt sắc tộc, những khu chợ Việt Nam ở Sydney giống y như ở Saigon,… Tiếng Việt được coi là một thứ ngoại ngữ được dạy ở trường phổ thông và trẻ em có quyền lựa chọn học môn ngoại ngữ mà mình yêu thích. Tất nhiên đa số người Việt ở Úc đều cho con cái học tiếng Việt để giữ gìn truyền thống của tổ tiên.

 

6/ Úc là một quốc gia văn minh, rất trân trọng các giá trị văn hóa. Bảo tàng nghệ thuật ở Sydney trưng bầy nhiều tác phẩm bất hủ của các bậc thầy nghệ thuật trên thế giới, như Les Bourgeois de Calais của Auguste Rodin, hay tranh về biển của Claude Monet, v.v. Đồ cổ, tranh cổ của Trung Hoa, Nhật Bản,… cũng có mặt ở đó. Điều ngạc nhiên thú vị đối với nhiều du khách là có thể vào xem Bảo tàng Nghệ thuật Sydney một cách tự do, không phải mua vé. Chỉ có những trường hợp trưng bầy đặc biệt, chẳng hạn như khi Úc phải thuê tranh từ Châu Âu sang để triển lãm thì khi đó khách mới phải mua vé. Chi phí bảo trì tác phẩm và bảo vệ nhà bảo tàng hoàn toàn do tài trợ của nhà nước. Về phương diện này phải nói Úc chính là một nước xã hội chủ nghĩa.

7/ Úc là nơi để cho tuổi trẻ đến học hỏi và có cơ hồi thực hiện “Giấc mơ Úc” (Australian Dream). Số sinh viên du học từ nước ngoài đến Úc ngày càng đông, trong đó du học sinh Việt Nam chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đến các trường đại học ở Sydney, chúng ta sẽ thường xuyên nhìn thấy những khuôn mặt trẻ nói tiếng Việt. Trong số đó đã có nhiều sinh viên thành đạt, ở lại Úc hoặc về Việt Nam làm việc, nhưng dù ở đâu cũng trở thành những khuôn mặt nổi bật với những đóng góp to lớn cho xã hội. Sinh viên Việt Nam du học ở Úc đã gây được ấn tượng là học giỏi, đặc biệt trong môn Toán, một môn học không cần có những thiết bị tối tân mà chỉ cần những bộ óc thông minh cộng với đức tính chuyên cần. Sinh viên Việt Nam nói chung có đủ những tố chất đó. Độc giả nào muốn tìm hiểu thêm về chất lượng giáo dục Úc, xin tìm đọc bài “Nền khoa học và giáo dục Australia: một kim tự tháp vững chắc” của Phạm Việt Hưng, đã đăng trong Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm – Kinh nghiệm Giáo dục Thế giới và Việt Nam do NXB Tri Thức ở Việt Nam xuất bản năm 2011 (trang 353). Cũng có thể tìm bài viết này trên các trang mạng như Vietsciences hay PhamVietHung’s Home.

8/ Vì Úc là quốc gia đa văn hóa nên kiến trúc ở Úc cũng mang tính đa văn hóa. Có những ngôi nhà, lâu đài cổ theo kiến trúc Anh. Điển hình là tòa lâu đài Queen Victoria ở trung tâm Sydney. Nhưng cũng có rất nhiều ngôi nhà theo kiểu thị trấn trong những phim cowboy miền Tây nước Mỹ thế kỷ 19. Vì thế văn hóa Úc cũng có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Mỹ. Kiến trúc mới thì Mỹ hóa đến 90%. Đôi khi tôi nghĩ Úc giống như một tiểu bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cũng có những ngôi nhà theo kiến trúc Tây Ban Nha, những ngôi chùa Trung Hoa… Ngôi chùa lớn nhất ở Úc là chùa Wollongong, cách Sydney khoảng 100km về phía nam, và đó cũng là ngôi chùa lớn nhất ở Nam Bán Cầu. Người Việt ở Úc khá đông, tổng số lên tới khoảng 20 vạn. Tại Sydney, người Việt sống rải rác khắp nơi, nhưng tập trung đông nhất ở miền Tây, khu Cabramatta, Bankstown, Canley Heights. Văn hóa Việt ở Úc làm phong phú thêm cho văn hóa Úc, đặc biệt trong lĩnh vực ẩm thực. Phở là một món ăn nổi tiếng được tất cả các sắc tộc ở Úc ưa chuộng. Trung tâm shopping ở Canley Heights trước đây có mặt nhiều sắc tộc, như Ý, Serbia,… nhưng gần đây “bị người Việt chiếm lĩnh”, và hiện đang trở thành một khu phố nổi tiếng về ẩm thực. Có tới hơn chục cửa hàng ăn ở đó mà cửa hàng nào cũng đông đúc tấp nập. Khách nhiều khi phải xếp hàng bên ngoài để chờ đến lượt. Đông khách nhất là cửa hàng Bún bò Gia Hội, Nhà hàng Hương Xưa, cửa hàng ăn Lào-Thái. Người Việt đến Sydney mà chưa đến Canley Heights để thưởng thức món ăn ở đây thì có thể coi như chưa đến Sydney. Khó có thể tin rằng tại Canley Heights bạn có thể được thưởng thức giò lụa, chả cá, thịt quay,… ngon hơn ở Việt Nam. Tôi thực sự biết ơn những nghệ nhân đã mang những món ăn Việt đó tới Úc. Nếu cần tìm một sự pha trộn văn hóa Đông-Tây thì có lẽ cộng đồng Việt ở Úc là một ví dụ. Một chuyên gia công nghệ thông tin ở Úc nói với tôi rằng, cô thích nghe nhạc cổ điển trong nhà hát Syney Opera House, sống trong những căn nhà kiến trúc hiện đại, xem tranh của Claude Monet hay Van Gogh, nhưng không thể thiếu… món nước mắm và những thứ rau thơm truyền thống. Hóa ra văn hóa không phải chỉ là những thứ có trong sách vở, mà là nhu cầu sống và thưởng thức hàng ngày hàng giờ. Nó là không gian sống của chúng ta.

9/ Úc là một quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện kiểu Anh, nhưng đồng thời cũng có mô hình nhà nước liên bang kiểu Mỹ. Tuy nhiên mô hình Anh là chủ yếu. Dân bầu ra quốc hội, đảng nào chiếm đa số ghế trong quốc hội thì có quyền đứng ra lập chính phủ. Nếu số ghế không đủ quá bán thì các đảng có thể liên minh với nhau để chiếm đa số ghế. Người đứng đầu đảng hoặc liên đảng thắng thế trong bầu cử sẽ làm thủ tướng. Đảng có số ghế đứng thứ hai sẽ đóng vai trò đảng đối lập, mà đôi khi được gọi là chính phủ trong bóng tối, tức là cơ quan theo dõi giám sát mọi hoạt động của chính phủ. Trong đợt bầu cử vừa qua, một ứng cử viên tự đi vận động bầu cử. Anh ta tới trước cửa nhà tôi, xin phép tôi cho anh ta treo một tấm biển vận động quảng cáo cho anh ta lên hàng rào nhà tôi. Tôi đồng ý, anh ta cảm ơn bắt tay tôi. Mấy hôm sau tôi lại gặp anh ta đứng ở cửa chợ trời, chào hỏi từng khách hàng đi vào chợ trời, vận động mọi người bầu cho anh ta. Tôi thấy tội nghiệp cho anh ta quá. Trông anh ta đẹp trai, tử tế, tôi có cảm tình, thế là tôi tiến đến vỗ vai chào hỏi anh ta, rồi nói: “Mày còn nhớ tao chứ?”. Anh ta trả lời: “Có, nhớ chứ”. Tôi liền bảo: “Tao sẽ bầu cho mày…”. Không ngờ anh ta trúng cử thật. Từ khi trúng cử, anh ta thường xuyên đến khu vực buôn bán gần nhà tôi, hỏi thăm người bán hàng, người mua hàng về tình hình chợ búa giá cả, thậm chí hỏi xem ai có vấn đề gì cảm thấy bất bình thì nói cho anh ta biết… Quả thật, một quan chức vì dân thì phải như thế. Nhưng buồn thay, chính phủ hiện tại không hợp lòng dân. Đây là chính phủ bảo vệ quyền lợi của bọn tỷ phú và giới chủ doanh nghiệp, một chính phủ không thương người nghèo. Việc đầu tiên họ làm là cắt giảm hàng loạt trợ cấp xã hội, tăng các chi phí dịch vụ xã hội chỉ cốt để làm đầy công quỹ. Dã man nhất là việc tăng học phí của sinh viên, cắt giảm trợ cấp của người già, bắt mọi người phải trả tiền khám bệnh mà trước đây là miễn phí. Trước đây Úc bị chê là thua xa các nước Châu Âu như Đức, Pháp vì ở các nước này sinh viên học đại học không phải đóng học phí, trong khi sinh viên Úc phải đóng, mặc dù được nhà nước cho vay. Nay Úc lại càng thua xa các nước Châu Âu đó vì không những phải đóng học phí đại học mà còn phải đóng nhiều hơn. Tư duy của nhà nước Úc hiện tại là tư duy con buôn, không phải tư duy trí thức. Thật đáng buồn cho giới trẻ, người già, người bệnh, người nghèo. Tình hình này dẫn tới sự bất mãn rõ rệt. Sinh viên đã đổ ra đường biểu tình rầm rộ chưa từng có. Tôi ngẫu nhiên gặp một cuộc biểu tình của sinh viên hôm 21/05/2014 vừa qua, lúc đang lái xe trên đường George street, ngay gần Đại học Công nghệ Sydney. Tôi ghi lại được nhiều hình ảnh của cuộc biểu tình đó, kể cả video. Rất tiếc tôi chưa biết cách upload video lên mạng. Nhưng tôi sẽ làm điều đó để độc giả cùng chia sẻ.

 

Sydney 01/06/2014

PVHg

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences2.free.fr