Quan hệ Mỹ-Iran: Duyên hay nợ

Vietsciences- Nguyễn Trường            06/11/2008
 

Những bài cùng tác giả

Kể từ ngày CIA lật đổ chế độ dân cử ở Iran, do thủ tuớng Mohammad Mossadeq lãnh đạo, và tái lập chính quyền Shah Reza Pahlavi, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran luôn là một bí ẩn. Phần lớn những vấn đề hiện nay của thế giới và Hoa Kỳ ở Trung Đông và Trung Á đều phát xuất từ động thái kiêu căng mang tính đế quốc vừa nói . Trong suốt 26 năm triều đại Shah (1953-1979), Iran luôn được các Tổng Thống Hoa Kỳ xem không những như một cường quốc đang lên cấp khu vực mà còn là một tiền đồn của Mỹ . Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ , Shah Palahvi tăng cường quân lực và đội ngủ cảnh sát ngầm đáng kinh ngại.

Trong khuôn khổ chương trình "Nguyên tử cho Hòa Bình"(Atoms for Peace) của T T Dwight Eisenhower, Iran khởi đầu bước vào con đường nguyên tử -- một quá trình mà hiện nay Hoa Kỳ đang lớn tiếng lên án, mặc dù nguyên tư lệnh Centcom John Abizaid trước đây đã cho rằng một Iran với bom nguyên tử không có nghĩa nhân loại đang tiến gần đến ngày tận thế . Tuớng Abizaid nói "Có nhiều cách để chung sống với một Iran có bom nguyên tử... Phải thực tế , chúng ta đã từng chung sống với một Liên Bang Xô Viết nguyên tử , chúng ta đã chung sống với một Trung Quốc nguyên tử , và chúng ta cũng đang chung sống với nhiều cường quốc nguyên tử khác"[1].

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Tòa Bạch Ốc đã ngấm ngầm chấp thuận một số hoạt động bí mật gây bất ổn, và rõ ràng đã hậu thuẫn những vụ tập kích khủng bố cở nhỏ, bên trong Iran; trong khi ảnh hưởng của Iran đối  với cộng đồng Shiite Iraq luôn sâu đậm. Cùng lúc, cuộc khẩu chiến tiếp tục leo thang. T T Bush, trong diễn từ tiếp theo sau cuộc điều trần của tuớng Petraeus ngày 13-9-2007, đã chỉ trích Iran với những lới lẽ hằn học. Đồng thời, chiến dịch lên án các hoạt động của Iran và đội Vệ Binh Cách Mạng của xứ nầy ở Iraq tiếp tục gia tăng cường độ, bên cạnh tin tức Ngũ giác Đãi đang xây thêm một căn cứ mới ở Iraq, sát ngay biên giới Iran. Vấn đề Iran tiếp tục làm giàu uranium vẫn luôn sôi bỏng.

Nhiều tin tức- úp mở nhưng đều đặn- cho biết văn phòng Phó T T Cheney đang ra sức thúc đẩy một "chiến dịch không kích gây sốc và kinh hoàng" (a shock-and-awe air campaign) chống lại Iran. Ngược lại, Iran cũng đã nhiều lần "ăn miếng trả miếng". Tuớng Mohammed Hassan Koussechi, một tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng cao cấp, đã đe dọa trả đũa bất cứ hành động gây hấn nào của Hoa Kỳ vào Iran bằng các hỏa tiễn có tầm xa trên 1.200 dặm, nhằm những mục tiêu của Hoa Kỳ và Tây Phương ở Trung Đông, kể cả những căn cứ quân sự khổng lồ của Ngũ giác Đài phân tán trên khắp lãnh thổ Iraq. Koussechi nói:"Ngày nay người Mỹ đang có mặt chung quanh xứ sở chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa họ đang bao vây chúng ta. Chính họ đang bị bao vây và đang ở trong tầm đạn của chúng ta"[2].

Trong khi hàng không mẩu hạm và tàu chiến Hoa Kỳ thường xuyên ra vào  Vịnh Ba Tư, một cuộc không kích thầm kín của Do Thái vào một địa điểm bên trong sa mạc Syria, phối hợp với một câu chuyện nguyên tử kỳ quặc và khó tin dính líu đến người Bắc Hàn, đã làm cho tình hình thêm phần huyền hoặc. Theo báo Haaretz của Do Thái, John Bolton, nguyên đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đã cho rằng cuộc không tập của Do Thái phải được hiểu như "một thông điệp rõ ràng cho Iran ...là những nỗ lực liên tục nhằm thủ đắc vũ khí nguyên tử của Iran sẽ không tránh khỏi phản ứng đối nghịch tương ứng"[3].

 TT Bush đã nhiều lần nói rõ là sẽ không để cho người kế nhiệm phải giải quyết vấn đề nguyên tử Iran. Ngay cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, một người hiểu rõ những hiểm tai của một cuộc tấn công vào Iran, vẫn tiếp tục duy trì lập trường: đối với Iran, "mọi sự lựa chọn đều rộng mở"(all options are on the table). Trong bối cảnh đó, từ nay cho đến tháng 01- 2009, quan hệ Hoa Kỳ-Iran, như đang dàn trải trên địa bàn Iraq, sẽ là một đấu trường thử thách mang tính tai họa toàn cầu.

1.Chiến Tranh Iraq và Hai Khối Hồi Giáo Shiite và Sunny:

Trong nỗ lực củng cố hậu thuẫn cho cuộc chiến Iraq, ngày 28-8-2007, T T Bush đã đến Reno, Bang Nevada, để nói chuyện trước đại hội thường niên của Hiệp Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh đến hiểm họa Iran nếu Hoa Kỳ rút khỏi Iraq. Bush nói: "Đối với những ai đang nghi ngờ tính chính đáng của cuộc chiến Iraq, cứ thử tưởng tượng phần lớn xứ Iraq nằm trong vòng kiểm soát của các nhóm dân quân được Iran yểm trợ"[4].

Cùng ngày, ở thành phố Karbala, miền Nam Iraq, Đội Quân Mahdi, nhóm dân quân trung thành với giáo sĩ Shiite cực đoan Moqtada al-Sadr, đã đụng độ với lực lượng an ninh của chính phủ chung quanh ngôi đền Imam Hussein, một trong những noi thiêng liêng nhất của Hồi giáo dòng Shiite. Trong số một triệu người hành hương hiện diện, 51 người đã thiệt mạng.

Người Mỹ không trực tiếp can thiệp. Nhưng phản lực cơ chiến đấu của Hoa Kỳ bay lượn trên không để hỗ trợ cho lực lượng an ninh của chính phủ. Trong thực tế, lực lượng an ninh trong phần lớn miền Nam Iraq đều bị khống chế bởi Tổ Chức Badr, một tổ chức dân quân được xây dựng, huấn luyện, trang bị, và tài trợ bởi Iran. Khi quân đội Mỹ hất chân chế độ Saddam ra khỏi miền Nam vào đầu tháng 4-2003, Tổ Chức Badr từ Iran đã xâm nhập điền vào chỗ trống do Chính quyền Bush thiếu kế hoạch vản hồi an ninh và quản trị Iraq trong giai đoạn chiếm đóng.

Trong những tháng tiếp theo, Chính Quyền Liên Hiệp Lâm Thời do Hoa Kỳ tạo dựng và điều hành (US-run Coalition Provisional Authority -- CPA) đã chỉ định các lãnh tụ của Tổ Chức Sadr vào các địa vị then chốt trong quân đội và cảnh sát Iraq, cũng do chính người Mỹ dựng lên. Cùng lúc, duới sự chỉ huy của Toàn Quyền L. Paul Bremer, CPA cũng bổ nhiệm các quan chức trong Hội Đồng Tối Cao Cách Mạng Hồi Giáo Iraq (Supreme Council for Islamic Revolution in Iraq -- SCIRI) vào các chức vụ thống đốc trong các hội đồng thống đốc trên toàn bộ miền Nam Iraq. SCIRI, sau đó đổi tên thành Hội Đồng Hồi Giáo Iraq Tối Cao (Supreme Islamic Iraqi Council -- CIIC), cũng được thiết lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồi giáo Tối cao Ayatollah Khomeini ở Tehran năm 1982. Tổ Chức Badr là nhóm dân quân liên kết với SCIRI.

Trong những cuộc bầu cử tháng 1-2005, SCIRI đã trở thành một bộ phận quan trọng trong liên hiệp Shiite cầm quyền. Thay vì nắm giữ chức vụ Thủ Tuớng, SCIRI đổi lấy quyền chỉ định những bộ trưởng then chốt, kể cả bộ nội vụ. Nhờ đó, SCIRI đã có cơ hội sắp xếp các thành viên dân quân vào guồng máy cảnh sát quốc gia.

Nói một cách khác, ngay từ đầu, George W. Bush vô hình chung đã dọn đường cho chính điều ông luôn cảnh cáo là hậu quả nghiêm trọng nếu Hoa Kỳ rút khỏi Iraq: sự kiểm soát phần lớn Iraq bởi phe dân quân được Iran yểm trợ. Trong khi Bush luôn khoa trương một Iraq hứa hẹn dân chủ  ngược hẵn với một Iran chuyên quyền, trong thực tế thế giới nhận thấy hiện nay có nhiều tự do cá nhân ở Iran hơn là miền Nam Iraq.

Ảnh hưởng của Iran trong sinh hoạt chính trị Iraq rất sâu rộng và tế nhị. Năm 2005, đại sứ Mỹ đã quyết liệt dấn thân vào quá trình soạn thảo hiến pháp. Trong khi đó, bên sau hậu trường, đại sứ Iran đã can thiệp hữu hiệu vào việc loại bỏ những điều khoản bất lợi theo quan điểm Iran. Rút cuộc, cả người Mỹ lẫn người Iran đều muốn củng cố chính quyền trung ương Iraq. Trong lúc Hoa Thịnh Đốn bám víu lấy ảo ảnh một dân tộc Iraq duy nhất , Tehran chỉ nỗ lực đem lại cho phe Shiite thân Iran - lúc đó đã nắm trọn chính quyền Iraq - càng nhiều quyền lực càng tốt.   Tuy nhiên, do sự kiên trì chống đối của người Kurdish ở phía Bắc Iraq, Hoa Kỳ cũng như Iran đều không đạt được mục đích.

Từ năm 2005, chính quyền Iraq do phe Shiite lãnh đạo đã đạt được nhiều thỏa ước kinh tế, chính trị, quân sự với Iran. Thỏa ước quan trọng nhất đã liên kết trữ lượng dầu khí mang tính chiến lược giữa hai xứ với sự lắp đặt đường ống dẫn dầu từ miền Nam Iraq đến Iran; Iran cam kết chi viện quân sự rộng rãi cho chính quyền Iraq là một thỏa ước quan trọng khác. Theo một viên chức cao cấp trong Bộ Dầu Khí Iraq, mỗi ngày vào khoảng 150.000 thùng dầu - gần 10% số sản xuất - đã được xuất khẩu lậu qua ngả Iran. Riêng về cam kết chi viện quân sự, Iran chưa thấy cần thiết phải xuất tài nguyên riêng đầu tư vì đã có Hoa Thịnh Đốn hiện đang cung cấp 160.000 quân và hàng trăm tỉ mỹ kim để hỗ trợ chính phủ Iraq thân Iran.

Cuộc chiến Iraq đã đem lại nhiều hậu quả bất ngờ. Thắng lợi chiến lược của Iran là hậu quả sâu rộng nhất. Khi ấn định ranh giới giữa Đế quốc Ottoman và Đế quốc Ba Tư năm 1639, Hiệp Định Qasr-i-Shirin đã phân ranh hai vùng lãnh thổ trong vòng ảnh hưởng dòng Sunni và dòng Shiite. Với cuộc chiến tàn khốc trong thập kỷ 1980s, Iran đã tìm cách xóa bỏ đường ranh vừa nói, nhưng không thành công. Vào thời điểm đó, chính quyền Reagan hậu thuẫn Saddam Hussein chỉ vì e ngại những hậu quả chiến lược bất lợi của một Iraq khống chế bởi Iran và đồng minh. Cuộc tiến chiếm Iraq năm 2003 đã giúp lãnh tụ Hồi giáo Khomeini hoàn thành điều mà quân đội của ông đã không làm được. Ngày nay, khu vực ảnh hưởng của dòng Shiite đã mở rộng tới tận biên giới Kuwait và Saudi Arabia. Bahrain, một vương quốc vùng Vịnh Ba Tư với người Shiite chiếm đa số và một quốc vương người Sunni, bị ảnh hưởng nhiều hơn hết; Tỉnh Phía Đông (Eastern Province) của Saudi Arabia, quê hương của đa số người Shiite trong vương quốc, cũng vậy. Rất có thể người Shiite chiếm đa số ngay cả ở Tỉnh nầy, một điều không ai biết chắc vì Saudi Arabia đã không dám thực hiện một cuộc kiểm tra dân số. Hải quân Hoa Kỳ có một căn cứ quan trọng nhất vùng Vịnh Ba Tư ở Bahrain và hầu hết trữ lượng dầu hỏa của Saudi Arabia nằm bên trong địa giới của Tỉnh Phía Đông.

Với sự kiện Hoa Kỳ sa lầy ở Iraq, Bashir Assad, đồng minh Syria của Iran, cũng đã được vực dậy. Năm 2003, chế độ Baathist ở Syria hiện diện như một thực thể lỗi thời trước những đổi thay kinh tế chính trị trong khu vực. Ngày nay, Assad chẳng những nắm vững tình hình, mà đã phục hồi được cả danh dự sau việc nhúng tay vào vụ ám sát Rafik Hariri, nguyên thủ tuớng Lebanon. Bên trong Lebanon, lực lượng Hezbollah đã lên uy tín sau khi chận đứng được Israel trong cuộc chiến 2006. Iran, qua sự bảo trợ và cung cấp vũ khí cho Hezbollah, ngày nay đã giành được uy tín trong hai vụ xung đột Levant (Đông Địa Trung Hải) và Arập-Do Thái, uy tín trước đó Iran chưa hề có.

Tầm cỡ sai lầm trong toan tính của Hoa Thịnh Đốn thật sự vô cùng lớn lao. Trước khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, nhóm làm chính sách phái Tân Bảo Thủ lập luận, đem lại quyền lực cho dòng Shiite ở Iraq sẽ làm suy yếu Iran, vì hệ phái Shiite Iraq - như lời Paul Wolfowitz, thứ trưởng quốc phòng lúc đó- kiểm soát cả hai thành phố Shiite thiêng liêng nhất, sẽ  trở thành "nguồn quyền lực độc lập của giáo phái Shia trong một quốc gia dân chủ và thân Tây phương". Xa hơn nữa, họ lập luận, Iran không bao giờ có thể khống chế Iraq, bởi lẽ người Shiite Iraq có gốc Arập trong khi người Shiite Iran có nguồn gốc Ba Tư. Không may,  lý thuyết đó đa không có căn bản thực tế.

Quan hệ thân tình giữa người Shiite Iran và Iraq còn đi xa hơn là sự hỗ trợ Iran dành cho các lãnh tụ Shiite ở Iraq trong cuộc đối đầu với Saddam Hussein. Nhiều thập kỷ đan áp đã khiến bản sắc tôn giáo trở nên quan trọng đối với người Shiite Iraq hơn cả bản sắc chủng tộc Arập của họ. (Vả chăng, tổ tiên nhiều người Shiite Iraq cũng đã đến từ Thổ Nhỉ Kỳ, Ba Tư, Kurdistan). Trong khi người Sunni tự nhận có gốc Arập, người Shiite Iraq lại tìm bản sắc của mình trong thế giới Shiite, nhất là Iran.

Cũng cần nhắc lại di sản không mấy tốt đẹp 15-2-1991, khi T T George H.W. Bush công khai khuyến khích dân chúng Iraq nổi dậy lật đổ Saddam Hussein. Hai tuần lễ sau, người Shiite Nam Iraq đã nghe theo lời kêu gọi đó. Khi Saddam gửi lính Phòng Vệ Cộng Hòa xuống phía Nam dẹp cuộc nổi loạn, T T G.H.W. Bush lại mãi đi câu chẳng màng quan tâm giúp đỡ. Riêng Iran đã bày tỏ cảm thông. Hàng trăm nghìn người đã phải bỏ mạng và không một ai trong cộng đồng Shiite có thể nghi thái độ của T T Bush là không có chủ tâm. Khi lượng định lòng trung thành của người Shiite Iraq trước cuộc chiến, những người làm chính sách thường nhấn mạnh quân đội Iraq đã từng chiến đấu kiên cường vì Iraq trong cuộc chiến Iran-Iraq trước đây. Nhưng họ không bao giờ nhắc đến sự phản bội 1991. Điều nầy cũng dễ hiểu: vào lúc cuộc chiến 1991 chấm dứt, Wolfowitz là người số 3 trong Ngũ giác Đai, Dick Cheney là Bộ Trưởng Quốc Phòng, và Bush "cha" là Tổng Thống.

Iran và phe đồng minh ở Iraq kiểm soát một số trữ lượng dầu lớn thứ ba và thứ hai ở Trung Đông. Ảnh hưởng của Iran hiện nay đã mở rộng đến tận biên giới của Tỉnh Saudi Phía Đông với trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Giờ đây, T T G.W.Bush lại phải đối phó với những đổi thay chiến lược do chính sách của chính ông đem lại, bằng cách hỗ trợ một chính quyền thân Iran ở Baghdad và trang bị và huấn luyện những thành phần thân Iran nhất trong quân đội và cảnh sát Iraq.

2. Chiến Tranh Iraq và Quan Hệ Mỹ-Iran:

Khởi đầu với phúc trình Tình Trạng Liên Bang năm 2002, TT Bush đã đua ra hai mục tiêu chính ở Iran::

       (1). Thay thế chế độ thần quyền bằng một chế độ dân chủ tự do;

       (2). Ngăn ngừa Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử.

Khi cuộc chiến Iraq gặp nhiều sự cố không thuận lợi, Bush thêm vào mục tiêu thứ ba: phải giành được sự hợp tác của Iran ở Iraq.

Ở đây thành tích của chính quyền Bush không mấy khả quan.

Viễn tượng một nền dân chủ tự do ở Iran gần như tiêu tan khi Tổng Thống có khuynh huớng cãi cách Mohammad Khatami được thay thế bởi Mahmoud Ahmadinejad, một nhà lãnh đạo quyết đoán, không nhân nhượng, và ít nhiều bất định vào tháng 8-2005. Trước đó, Khatami đã hai lần đắc cử vẽ vang với một chương trình hành động ôn hòa nhằm làm dịu bớt giọng điệu giới lãnh đạo thần quyền; nhưng, vì sự chống đối của giới giáo si bảo thủ, chẳng ghi được thành tích nào đáng kể.

Vào thời điểm T T Bush lần đầu tiên tuyên bố quyết tâm không để vũ khí nguyên tử lọt vào tay Iran, Iran không có phương tiện chế biến vật liệu nguyên tử. Tuy nhiên, sau đó,  Iran- làm ngo trước mọi chống đối từ Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IAEA) và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (UNSC)- đã lắp ráp và sử dụng các máy ly tâm để làm giàu uranium. Bên trong Iraq, chính quyền Bush tố cáo Iran cung cấp bom mìn cài vệ đường với sức công phá cực mạnh cho dân quân Shiite và kháng chiến quân Sunni.

Nhằm cưỡng ép Iran ngung chương trình làm giàu uranium, chính quyền Bush đã dùng nhiều phương cách: chế tài của Liên Hiệp Quốc (LHQ), các thương thuyết gia Âu châu, và những lời cảnh báo răn đe của chính Tổng Thống Hoa Kỳ. Cuộc chiến sai lầm ở Iraq đã vô hiệu hóa tất cả các phương cách vừa kể.

Sau khi chứng kiến Hoa Kỳ xác quyết trước LHQ về những bằng chứng "không thể chối cãi" là Iraq sở hữu vũ khí hóa sinh, và một chương trình nguyên tử bí mật, chính quyền các nước ngoài và quần chúng trên thế giới không còn tin vào tính xác thực của những lời tuyên bố về Iran của chính quyền Bush. Kinh nghiệm Iraq đã khiến nhiều quốc gia ngần ngại trong việc ủng hộ các biện pháp chế tài thực sự hữu hiệu không những vì nghi ngờ tính xác thực trong những lời tuyên bố của chính quyền Hoa Kỳ, mà còn e ngại T T Bush sẽ giải thích bất cứ nghị quyết nào của UNSC lên án Iran như một sự cho phép khai chiến.

Với một số lớn lực lượng quân sự bị buộc chân ở Iraq, người Iran tin Hoa Kỳ không còn đủ tài nguyên để tấn công Iran và đối phó với hậu quả sau đó. Họ cũng tin một cuộc tấn công Iran của Mỹ sẽ được rất ít người Mỹ ủng hộ, khó thể được Quốc Hội Mỹ cho phép, và chẳng được một ai trên thế giới đồng tình. Ngay cả người Anh có lẽ cũng không tán đồng một cuộc tấn công quân sự vào Iran. Những lời cảnh cáo răn đe của T T Bush cũng chẳng có mấy tác dụng đối với Tehran vì từ lâu những lời lẽ đanh thép của ông đã không hề được minh chứng qua hành động. Chừng nào người Iran còn tin Hoa Kỳ không có sự lựa chọn quân sự, họ sẽ không có lý do gì để thỏa hiệp, nhất là với người Âu châu.

Những nỗ lực thay đổi chế độ ở Iran của chính quyễn Bush chẳng có chút giá trị nào. Lời rao giảng tự do của T T Bush chỉ được hỗ trợ bởi Radio Farda, một đãi phát thanh tiếng Ba Tư được Mỹ bảo trợ, và một ngân khoản 75 triệu USD dành tài trợ các hoạt động chống đối Iran kể cả phát hình qua vệ tinh do các phần tử sống luu vong ở Los Angeles. ước gì thay đổi chế độ cũng dễ dàng như thế!

Danh tánh những người Iran nhận tiền của Mỹ di nhiên được giữ kín; nhưng các đồng minh tân bảo thủ của chính quyền Bush đã lớn tiếng cổ súy Hoa Kỳ cần yểm trợ quân sự và tài chánh cho những nhóm Iran chống đối, như con trai của Shah Reza Pahlavi, những người Kurdish-gốc-Iran ly khai, và Mujahideen-e-Khalq (MEK) - những nhóm có tên trong danh sách những tổ chức khủng bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Một vài người sống luu vong ở Los Angeles, hiện đang được trợ cấp từ ngân khoản 75 triệu USD, hợp tác với con trai của Shah Reza Pahlavi; nhưng hình như MEK và nhóm người Kurdish ly khai thì không. Động thái bí mật của Hoa Kỳ khiến Iran nghi là người Mỹ đang yểm trợ các nhóm nầy qua chương trình dân chủ hoặc các hành động bí mật riêng rẻ khác.

Các nhóm trên chẳng lợi ích gì cho kế hoạch thay đổi chế độ. Con trai của Shah Pahlavi chỉ đại diện cho một vương quyền thối nát chẳng còn được ai tin. Người Kurdish gốc Iran gồm toàn những thành phần bất mãn, chống đối, đã nhiều lần bị lực lượng an ninh Iran khống chế. Chủ nghĩa quốc gia Kurdish ngoại vi của Iran không làm suy yếu chế độ Iran ở trung ương. Trong khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xếp phiến quân Kurdish ở Turkey (PKK) vào danh sách các tổ chức khủng bố, Pejak - nhánh PKK ở Iran - lại không có tên trong danh sách, và thậm chí lãnh tụ của nhánh nầy còn được phép viếng thăm Mỹ quốc.

MEK là một trong những nhóm chống đối Iran mạnh mẽ và bền lâu nhất. Sau thời gian ban đầu ủng hộ cuộc cách mạng Iran, MEK đã ly khai với Khomeini và quyết định di dời qua căn cứ Ashraf vùng đông bắc Baghdad, Iraq, khi cuộc chiến Iran-Iraq mới khởi đầu. Hợp tác chặt chẻ với Saddam, MEK không những hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến Iran-Iraq, mà còn giúp Saddam dẹp cuộc nổi dậy của người Kurdish năm 1991. Mặc dầu tự xem là dân chủ và thân Tây phương, MEK trong thực tế hành động như một giáo phái cực đoan (cult) sùng bái hai lãnh tụ Massoud và Maryam Rajavi. Để làm nổi bật sự khác biệt với các lãnh tụ thần quyền ở Tehran, MEK chỉ định một phụ nữ làm tư lệnh căn cứ Ashraf và duy trì một tiểu đoàn thiết giáp gồm toàn nữ quân nhân. Vị tư lệnh rỏ ràng chẳng chỉ huy được ai, và các thợ máy phụ nữ có nhiệm vụ bảo quản đầu máy xe tăng luôn bận đồng phục sạch sẻ tiêm tất.

Cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lẫn Iran đều xem MEK như một nhóm khủng bố. Tuy nhiên, trong thực tế, chính quyền Mỹ lại hành động trái ngược. Trong cuộc tiến chiếm Iraq năm 2003, quân đội Hoa Kỳ có ném một quả bom duy nhất xuống căn cứ Ashraf. Doanh trại nữ quân nhân bị trúng bom nhưng vào một thời điểm chẳng có quân nhân nào hiện diện trong trại. Về sau, quân xa Mỹ ra vào căn cứ Ashraf nhưng chẳng bắt giữ một ai và cũng chẳng ngăn cản MEK thu lượm vũ khí của Iraq. Đã hẵn, Iran cũng biết rõ điều nầy vì sau khi Saddam bị lật đổ, tai mắt của họ cũng có mặt ở đây. Do đó, người Iran tin người Mỹ đang hỗ trợ nhóm khủng bố nầy để gieo rắc bạo loạn bên trong Iran.

Trong thực tế, chận đứng chương trình nguyên tử và thay đổi chế độ ở Iran là hai mục tiêu trái ngược. Iran khó thể chấp nhận một giải pháp thương thảo với Hoa Kỳ hay Âu châu trong khi Hoa Thịnh Đốn luôn tìm cách lật đổ chính quyền của họ. Một cuộc không tập có thể phá hủy các cơ sở nguyên tử nhưng lại giúp cho chính quyền Iran dễ dàng củng cố hậu thuẫn trong quần chúng Iran và đan áp các thành phần chống đối.

Từ gốc độ chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ, sự lựa chọn khá dễ dàng. Các nhà hoạt động dân chủ tiếng tăm ở Iran đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng là họ không cần đến sự hỗ trợ của Mỹ. Trong một thư ngõ gần đây gửi Tổng thư Ký LHQ Ban Ki-moon, nhà bất đồng chính kiến Akbar Ganji đã đồng thời chỉ trích chế độ Iran lẫn sự giả dối của Mỹ. Ông viết: "Chẳng những không giúp ích gì cho sự phát huy dân chủ, chính sách của Hoa Kỳ trong hơn 50 năm qua luôn di hại cho những ai hoạt động cho tự do dân chủ ở Iran...Về phía Mỹ, chính quyền Bush- khi lập quỹ trợ giúp dân chủ ở Iran, thực ra, chỉ để chi tiền cho các định chế công và các nhóm truyền thông liên kết với chính quyền Mỹ- đã làm dễ dàng cho chế độ Iran lên án những thành phần chống đối như những kẻ đánh giặc thưê cho Mỹ, và ngang nhiên đan áp họ không một chút e dè bị trừng phạt"[5].

Mặc dù không thành công, chính quyền Bush vẫn không chịu từ bỏ mục tiêu thay đổi chế độ. Những người cổ súy mục tiêu nầy so sánh nỗ lực của họ với sự hỗ trợ Hoa Kỳ đã dành cho các nhà hoạt động dân chủ bên sau bức màn sắt mấy thập kỷ trước. Nhưng ở đây có một sự khác biệt căn bản .Các thành phần bất đồng quan điểm trong khối Xô Viết và Đông Âu muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đôi khi phương hại cho cá nhân của họ, nhưng họ vẫn đón nhận vì lý do chính trị. Điều đó không hề khiến các người làm chính sách trong chính quyền Bush quan tâm. Họ luôn theo đuổi những chính sách đem lại cho họ khoái cảm thay vì những chính sách đem lại kết quả tốt. Nếu muốn hỗ trợ phe đối lập Iran, Quốc Hội nên cắt bỏ quỹ yểm trợ các chương trình dân chủ ở Iran.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang ở trong vị thế quá tệ hại. Hoa Kỳ vừa bị đồng hóa với những thành phần xấu xa trong phe chống đối ở Iran, mặt khác bị tránh né bởi những phần tử chủ trương cãi cách có uy tín đối với quần chúng Iran. Nhiều người Iran tin người Mỹ đang gây rối trong xứ sở của họ, và điều đó khiến họ có thêm lý do để tấn công quân đội Hoa Kỳ ở Iraq. Và Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt hại mà chẳng được lợi ích gì.

3. Hoa Kỳ và Chương Trình Nguyên Tử Iran:

Trong vòng 18 năm qua, Iran đã theo đuổi một chương trình bí mật nhằm thủ đắc kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử. A.Q. Khan, người đứng đầu chương trình nguyên tử Pakistan, đã cung cấp máy ly tâm để làm giàu uranium và thiết kế bom. Khi mạng luới Khan bị tiết lộ, Iran đã phải phúc trình chương trình làm giàu uranium cho IAEA vào tháng 10-2003, báo cáo chi tiết các hoạt động nguyên tử, và đồng ý đinh chỉ chương trình. Sau khi Ahmadinejad đắc cử Tổng Thống năm 2005, Iran loan báo sẽ tái tục các hoạt động làm giàu uranium. Trong hai năm qua, Iran đã lắp ráp một chuổi máy ly tâm và hình như đã làm giàu một số lượng nhỏ uranium lên mức 5 phần trăm, cần thiết cho một vài loại lò phản ứng năng lượng nguyên tử (vũ khí đoi hỏi phải làm giàu uranium đến mức 80 đến 90%, nhưng điều nầy về mặt kỹ thuật không khó một khi đã nắm vững tiến trình chế biến sơ khởi).

Hoa Kỳ có hai cách đối phó với các cơ sở nguyên tử của Iran: hoặc không  kích để phá hủy hoặc thương thảo để trung hòa hóa các cơ sở nầy. Giải pháp thứ nhất đầy bất trắc và giải pháp thứ hai có thể không đem lại kết quả. Cho đến nay, chính quyền Bush chẳng theo giải pháp nào, chỉ trông chờ ở các biện pháp chế tài của LHQ (cho đến nay chỉ mang tính tượng trung hơn là trừng phạt) và các cuộc thương thảo của Âu châu. Nhưng cả hai đều vô hiệu. Chừng nào Hoa Kỳ còn là mối lo chính của Iran, con đường thương nghị của Âu châu khó lòng đạt được thỏa hiệp.

Một chiến dịch không tập liên tục có thể chận đứng chương trình nguyên tử Iran. Trong khi một vài cơ sở có thể được dấu kín, và một số khác được bảo toàn sâu duới lòng đất, người ta đã biết rõ vị trí những cơ sở lớn. Ngay cả khi không thể phá hủy toàn bộ các cơ sở , các khoa học gia, kỹ thuật gia, kỹ su, nhân viên Iran, khó thể tiếp tục đến làm việc ở các cơ sở mục tiêu của các cuộc không kích.

Tuy nhiên, chiến dịch không tập sẽ gặp nhiều bất trắc khó tiên liệu. Nhiều mục tiêu nằm trong những khu đông dân cu, đe dọa sinh mạng dân thường không những với bom roi sai mục tiêu mà còn với các vật liệu phóng xạ tung tóe ra bên ngoài. Di nhiên, công luận thế giới sẽ lên án, nhất là phản ứng chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo thật khó lường. Để trả đủa, Iran có thể ngung xuất khẩu dầu khí, và hành động quân sự nhằm đóng cửa những tuyến đường chuyên chở dầu trong Vịnh Ba Tư.

Bất trắc lớn nhất đối với Hoa Kỳ là ở Iraq. Nếu phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Iran, rất có thể chính quyền Iraq sẽ không đứng về phía Mỹ. Ngay cả trong trường hợp chính phủ Iraq không công khai hợp tác với Iran, các thành phần thân Iran trong quân đội và cảnh sát (do Hoa Kỳ trang bị) hầu như chắc chắn sẽ giúp phe dân quân Iraq thân Iran hay lực lượng quân sự Iran thâm nhập qua nhiều kẻ hở dọc theo biên giới, dễ dàng tấn công  quân Mỹ. Ngay sau bài nói chuyện của Bush ngày 28-8-2007, Rahim Yahya Safavi, một tuớng lãnh Iran, đã nhấn mạnh khả năng trả đủa của Iran khi nói về quân đội Mỹ trong vùng: "Chúng tôi đã định vị đúng đắn các noi đóng quân của họ"[6]. Trừ phi hành động mà không quan tâm đến sự an nguy của quân Mỹ ở Iraq, T T Bush chắc phải từ bỏ biện pháp quân sự như một giải pháp cho chương trình nguyên tử của Iran.

Một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng nguyên tử Iran rõ rệt tốt hơn, nhưng cũng không nhất thiết có thể hữu hiệu. Nói chung, nhiều xứ muốn có vũ khí nguyên tử vì hai lý do: an ninh và uy tín. Duới thời Shah Pahlavi, Iran đã từng có một chương trình nguyên tử. Sau cách mạng, lãnh tụ tối cao Khomeini giải thể với lý do vũ khí nguyên tử trái với đạo Hồi. Khi chương trình được bí mật tái tục giữa thập kỷ 1980s, Iraq là mối lo hàng đầu cho an ninh Iran. Vào thời điểm đó, Iraq cũng sở hữu một chương trình nguyên tử bí mật. Hơn nữa, Iraq cũng đã từng đe dọa tấn công các thành phố Iran với vũ khí hóa học. Vũ khí nguyên tử của Iran có thể được dùng để ngăn ngừa vũ khí hóa học và nguyên tử của Iraq.

Với sự thất trận của Iraq trong cuộc chiến Vùng Vịnh thứ nhất (1991), mối đe dọa Iraq đã giảm đi nhiều. Mối đe dọa giờ đây không còn nữa, sau khi đồng minh của chính Iran đã nắm được chính quyền, tiếp theo sau ngày quân Mỹ tiến chiếm Iraq vào đầu năm 2003. Ngày nay, Iran xem Hoa Kỳ là đe dọa chính cho an ninh của họ. Quân đội Mỹ vây quanh Iran - ở Afghanistan, Iraq, Trung Á, và ngay trên Vịnh Ba Tư. T T Bush và các phụ tá hàng đầu nhiều lần lên tiếng giúp dân Iran chống lại chính quyền của họ trong khi Hoa Kỳ yểm trợ nhiều chương trình nhằm lật đổ chính quyền Iran. Báo chí Hoa Kỳ và thế giới nói nhiều về việc Phó T T Cheney luôn thúc đẩy T T Bush tấn công Iran trước khi mãn nhiệm kỳ. Từ gốc độ Iran, duới lớp khói dày đặc đó, ngọn lửa chắc vẫn còn tiếp tục được nhen nhúm.

Trong năm 2003, như đã được Trita Parsi ghi lại trong cuốn "Đồng Minh Bội Bạc" (Treacherous Alliance), đã có nhiều dấu hiệu thuận lợi cho một giải pháp thương nghị. Tháng 5-2003, qua trung gian của đại sứ Thụy Si ở Tehran, Tim Guldimann, chính quyền Iran gửi đi một gói đề nghị theo đó Iran sẵn sàng đóng băng chương trình nguyên tử để đổi lấy sự từ bỏ thù nghịch về phía Mỹ. Đề nghị của Iran bao gồm "hoàn toàn minh bạch để bảo đảm Iran không theo đuổi khai triển hoặc chấp hữu vũ khí tiêu diệt hàng loạt (WMD) và hợp tác đầy đủ với IAEA trên cơ sở Iran chấp nhận mọi phương cách thanh tra thích ứng. Người Iran cũng thỏa thuận hỗ trợ các định chế dân chủ và một chính quyền thế tục (non-religious government) ở Iraq; hợp tác đầy đủ trong việc chống khủng bố, nhất là al-Qaeda; chấm dứt hỗ trợ lực lượng Hamas ở Palestine. Đổi lại, Iran đoi hỏi Hoa Kỳ phải rút tên Iran khỏi danh sách các tổ chức khủng bố hay một thành viên trong "trục ma quỷ"(axis of evil); chấm dứt mọi chế tài; sự yểm trợ của Hoa Kỳ trong việc Iran đoi bồi thường chiến tranh trong cuộc chiến Iran-Iraq như một phần trong việc giải quyết nợ Iraq; Iran có quyền tiếp cận các kỹ thuật nguyên tử hòa bình; và Hoa Kỳ phải trừng trị các tổ chức khủng bố chống Iran, nhất là MEK. Các thành viên của MEK phải được trả về Iran.

Choáng ngợp bởi hào quang "Sứ Mệnh Hoàn Thành"(Mission Accomplished) ở Iraq, chính quyền Bush bác bỏ đề nghị của Iran và chỉ trích đại sứ Guldimann đã hoài công chuyển đạt. Vài năm sau, khi hiểu rõ việc bác bỏ một cách phủ phàng đề nghị của Iran là một sai lầm lớn, Bush tìm cách dìm tắt câu chuyện. Flynt Leverett, phụ trách Iran vụ trong NSC, tìm cách viết về sự kiện nầy trong báo The New york Times. NSC, được yêu cầu minh xác, đã thẳng tay kiểm duyệt. Tuy nhiên, trước đó Guldimann đã chuyển cho Bob Ney, dân biểu Cộng hòa bang Ohio (Chủ tịch Tiểu ban Hành chánh Hạ Viện, hiện đang bị tù về tội biển thủ và cũng là người đã đổi tên "khoai chiên Pháp" thành "khoai chiên tự do") một bản đề nghị của Iran. Ney đã từng sống ở Iran trước cách mạng, nói được tiếng Farsi, và mong muốn một quan hệ tốt giữa Iran và Mỹ. Trita Parsi, lúc đó (2003) làm việc cho văn phòng Bob Ney, đã mô tả một cách lý thú đầy đủ chi tiết đề nghị của Iran và sự bác bỏ trịch thượng của chính quyền Bush trong cuốn "Đồng Minh Bội Bạc: Những chuyện Đi Đem Giữa Do Thái, Iran, và Hoa Kỳ"[7].

Năm năm sau, Iran đã hùng mạnh hơn trong khi những sai lầm trong việc tiến chiếm Iraq đã khiến vị thế của Hoa Kỳ suy yếu đi nhiều. Trong khi lập trường thương thuyết 2003 chắc chắn đã được đề nghị với sự đồng tình của hàng giáo phẩm- những người thật sự là chủ nhân ông đất nước Iran-, Tổng Thống Iran hiện nay, Mahmoud Ahmadinejad, đã xem việc làm giàu uranium là mục tiêu chính yếu của nhà nước và biểu hiện tinh thần quốc gia Iran. Mặc dù Ahmadinejad không phải là người toàn quyền quyết định chương trình nguyên tử (và sử dụng bom nếu có), trên bình diện chính trị, ông cũng đã đặt các giáo si vào địa vị khó có thể trở lại lập trường thương nghị 2003.

Tuy nhiên, đề xuất 2003 của Iran vẫn có thể dùng làm khởi điểm cho một giải pháp thương nghị giữa Iran và Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, nhiều đề xuất đã xuất hiện nhằm đáp ứng lập trường kiên định của Iran là họ có quyền tiếp cận kỹ thuật nguyên tử, và ý muốn của cộng đồng quốc tế phải có những bảo đảm chắc chắn là Iran sẽ không chuyển huớng kỹ thuật qua chế taọ vũ khí. Đó là đề nghị của Liên Bang Nga: Iran làm giàu uranium trên lãnh thổ Nga; và đề xuất của Mỹ và các chuyên viên Iran: việc làm giàu uranium ở Iran phải do một tập đoàn Âu châu đảm trách duới sự giám sát quốc tế. Iran đã bác bỏ đề xuất của Nga, nhưng nếu sự thù nghịch giữa Iran và Hoa Kỳ giảm bớt, đề xuất của Nga vẫn có thể vực dậy trở lại. (Đề xuất dùng tập đoan Âu châu hiện không có chỗ đứng). Mặc dù có đủ lý do để nghi ngờ chương trình của Iran hoàn toàn mang tính hòa bình, Iran hiện vẫn còn là thành viên của thỏa ước cấm phổ biến nguyên tử và các cấp lãnh đạo Iran, kể cả Ahmadinejad, luôn quả quyết Iran không có ý định chế tạo vũ khí nguyên tử. Chừng nào lập trường đó không thay đổi, Iran vẫn có thể đạt được thỏa hiệp hạn chế chương trình nguyên tử mà vẫn giữ được thể diện.

Từ ngày bắt đầu chương trình nguyên tử duới thời Shah Reza Pahlavi, uy tín và ý muốn được chuẩn nhận luôn là động lực thúc đẩy. Người Iran muốn thế giới, nhất là người Mỹ, phải nhìn họ như chính họ thấy họ - như một xứ đông dân,  hùng mạnh, có trách nhiệm, thừa kế một đế quốc vi đại, với một nền văn minh trên 2.500 năm. Trong nhản quan người Iran, Hoa kỳ luôn có lối ứng xử kiêu căng, khinh thường xứ sở họ. Nhiều người Iran vẫn còn sục sôi hờn giận về việc người Mỹ đã nhúng tay vào việc lật đổ chính quyền dân cử của Thủ Tuớng Mohammad Mossadegh năm 1953 và tái lập chế độ Shah Reza Pahlavi. Bị xem như một nhà nước khủng bố và thành viên của "trục ma quỹ"là một điều si nhục đối với người Iran. Trên nhiều phương diện, cuộc khủng hoảng con tin 1979-1981 và chương trình nguyên tử của Iran là những chiến lược khác nhau nhằm buộc người Mỹ phải tôn trọng họ. Một cử chỉ  mở cửa ngoại giao đối với Iran cần phải bao gồm những phương cách tỏ rõ sự tôn trọng nền văn minh của Iran, và một lời xin lỗi công khai về vai trò của Hoa Kỳ trong vụ đảo chính  năm 1953, một lỗi lầm tai hại cho quyền lợi của người Mỹ.

Trong khi T T Bush nhấn mạnh thời gian không thuận lợi cho phía Hoa Kỳ, tiến trình thương thuyết - ngay cả một thỏa ước tạm thời - cũng có thể đem lại cho các thành phần Iran ôn hòa thời gian cần thiết để tự khẳng định. Trong chừng mức an ninh đoi hỏi, sở hữu vũ khí nguyên tử là một việc làm tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Tầm vóc và khả năng đề kháng mạnh mẻ của Iran cũng đủ ngăn ngừa bất cứ ý định xâm lăng nào của Mỹ - một việc mà Hoa Kỳ, ngay cả trong thời điểm hậu Saddam lạc quan nhất, cũng chưa hề xem xét một cách nghiêm túc. Khai triển vũ khí nguyên tử chẳng những không đem lại một tác dụng ngăn ngừa phụ trội nào, mà chỉ có thể tạo thêm lý do cho cơ nguy bị tấn công.    

Nếu al-Qaeda hay một tổ chức khủng bố nào đó thành công cho nổ bom nguyên tử trong một thành phố Hoa Kỳ, bất cứ ai làm T T Mỹ cũng sẽ tìm cách trả đủa xứ nào đã cung cấp vũ khí. Nếu không xác định được nguồn cung cấp, một Iran với vũ khí nguyên tử - một nhà nước có tên trong danh sách các xứ bảo trợ khủng bố- rất dễ trở thành mục tiêu trả đủa, mặc dù Iran khó thể là xuất xứ, vì lẽ al-Qaeda là một tổ chức Sunni cực đoan.

Với đồng minh của mình đang kiểm soát chính quyền ở Baghdad, Iran đâu còn cần đến vũ khí nguyên tử để đề phòng một Iraq thù nghịch như trước đây.

Ngoài ra, một Iran sở hữu vũ khí nguyên tử rất dễ xô đẩy Saudi Arabia đi vào con đường nguyên tử, như vậy, cũng sẽ làm trung hòa lợi thế nhân lực lớn lao của Iran đối với đối thủ Vùng Vịnh của mình. Những lãnh tụ thực tế hơn, như nguyên Tổng Thống  Akbar Hashemi Rafsanjani, hiểu rất rõ điều đó. Rafsanjani, thất cử Tổng Thống trước Ahmadinejad năm 2005, đang dần dà lấy lại ảnh hưởng, đã đánh bại đối thủ cứng rắn để trở thành chủ tịch Hội Đồng Chuyên Viên Lãnh Đạo (Assembly of Experts for the Leadership -- Majles-e Khobrgran Rahbari), cơ quan nắm quyền chỉ định hay bải chức Lãnh Tụ Tối Cao.

Đến thời điểm nầy, hình như cả Hoa Kỳ lẫn Iran chưa sẵn sàng nói chuyện trực tiếp về những vấn đề song phương, ngoại trừ vấn đề Iraq. Ngay cả khi hai bên trực tiếp hội đam, cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy có thể đạt được thỏa hiệp. Và nếu đạt được thỏa hiệp thì chắc chắn cũng chẳng mấy thuận lợi cho phía Mỹ. Nhưng thử thách của một hội đam Hoa Kỳ-Iran không phải là liệu có đạt được một sự giàn xếp lý tưởng hay không, mà là có tốt hơn những giải pháp thay thế như không tạc Iran hay chẳng làm gì hết.

 

4.Thay Lời Kết Luận:

Tin tức tình báo trước cuộc chiến 2003 ở Iraq đã có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vấn đề then chốt - Iraq với WMDs, và TT Bush đã cố tình làm ngo trước những tin tức tình báo trái ngược để xác quyết một cách sai lầm mối liên hệ khả di giữa Saddam Hussein và biến cố 11-9. Chỉ riêng điều nầy cũng là lý do đủ cho mọi người nghi ngờ về những lời tuyên bố của Bush về Iran.

Một vài lời buộc tội Iran của chính quyền Bush rõ rệt vô nghĩa. Trong bài nói chuyện ở Reno, T T Bush lên án Iran đã cung cấp vũ khí cho cả hai phe dân quân Sunni và Shiite ở Iraq. Phe Taliban là nhóm thánh chiến Salifi (Salifi jihadis), và phe Sunni cực đoan, luôn xem phe ly khai Shiite đáng tội chết. Khi cầm quyền , Taliban đã từng đan áp dã man phe Shiite ở Afghanistan và suýt  gây chiến với Iran khi phe Taliban ám sát các nhà ngoại giao Iran bên trong lãnh sự quán Iran ở Mazar-i-Sharif, một thị trấn miền Bắc Afghanistan. Phe dân quân Sunni Iraq, hoặc thuộc tổ chức Salafi jihadis hoặc thuộc đảng Baathist, là đảng chính trị khởi xuớng cuộc chiến Iran-Iraq trong thập kỷ 1980s.

Rất có thể chính quyền Iran xem sự kiện quân đội Hoa Kỳ bị sa lầy ở Iraq như một quà tặng bất ngờ nằm trong quyền lợi chiến lược của mình, vì điều nầy, theo cách nhìn của họ, khiến cho một cuộc tấn công vào Iran khó thể xẩy ra. Những cuộc đụng độ giữa quân đội Mỹ và quân Mahdi gây rắc rối thêm cho nỗ lực quân sự Hoa Kỳ ở Iraq. Chính vì lẽ đó, Iran có thể cung cấp vũ khí, kể cả mìn chống chiến xa IEDs, cho quân Mahdi và các nhóm ly khai. Tuy nhiên, nói chung, Iran chẳng lợi lộc gì nếu để cho quân Mahdi thành công ở Iraq. Moqtada al-Sadr lấy chủ nghĩa quốc gia Iraq làm chương trình hành động: Ông ta đã tấn công tổ chức SIIC vì nhóm nầy thân Iran, và đã thách thức lãnh tụ tối cao Sistani, một công dân Iran. Được hỏi về lời tố cáo Iran đã tổ chức quân nổi dậy ở Iraq, Phó Ngoại Trưởng Iran, Abbas Araghchi, đã trả lời báo Financial Times ngày 10-5-2007: "Ý tưởng đó hoàn toàn bất hợp lý. Tại sao chúng tôi lại phải làm như vậy? Tại sao chúng tôi phải làm suy yếu một chính phủ Iraq mà chúng tôi ủng hộ hơn bất cứ ai?"[8]

Ngày nay, Hoa Kỳ không thể đảo ngược quà tặng chiến lược do TT Bush dành cho Iran. Nhưng điều quan trọng hơn là đảng chính trị Shiite thân Iran nhất cũng là đảng ít thù nghịch với Hoa Kỳ nhất. Trong trận tuyến hiện nay giữa SIIC và Moqtada al-Sadr nhằm kiểm soát miền Nam Iraq và chính quyền trung ương ở Baghdad, Hoa Kỳ và Iran đều có quyền lợi để cùng đứng chung một phía. Hoa Kỳ có đủ lý do để lo ngại về các hoạt động của Iran ở Iraq. Nhưng trái với những lời tố cáo của chính quyền Bush - được sự ủng hộ của tuớng David Petraeus và đại sứ Ryan Crocker trong cuộc điều trần gần đây trước Quốc Hội - Iran không chống đối trật tự mới ở Iraq. Trong thực tế, Iran là nước thủ lợi nhiều nhất trong những đổi thay do Hoa Kỳ đem lại ở Iraq từ năm 2003.

Khi xua quân xâm chiếm Iraq tháng 3-2003, chính quyền Bush ôm ấp một tham vọng lớn lao: đem lại cho Iraq một chế độ dân chủ, và từ đó, mở đường cho một Trung Đông thay đổi thuận lợi cho quyền lợi chiến lược dài lâu của Hoa Kỳ. Nhưng thực tế lại quá phủ phàng và cay nghiệt.

Sau khi ra lệnh xâm chiếm Iraq tháng 3-2003, chính quyền Bush không những đã loại bỏ Saddam Hussein, mà còn đập nát và giải thể toàn bộ các định chế nhờ đó hệ phái Sunni thiểu số trước đây đã nắm được quyền lãnh đạo một quốc gia Iraq thống nhất: quân đội, lực lượng an ninh, và đảng Baath.

Với sự tan rã của các định chế quốc gia khó lòng thay thế nầy, cơ sở của guồng máy quốc gia Iraq đã hoàn toàn tan biến. Bên cạnh những toan tính quá chủ quan, nông nổi, trong chiến lược, và những sai lầm trong giai đoạn chiếm đóng, chính quyền Bush còn tỏ ra thiếu hiểu biết về văn hóa và không ý thức được cường độ của sự phân hóa, của những dị biệt chủng tộc và giáo phái ở Iraq. Tình trạng trở nên ngày một phức tạp bi đát hơn, với những sách lược rời rạc, bất nhất về quản trị trong các chương trình đầu tư tái thiết, trong nỗ lực xây dựng quân đội và lực lượng an ninh quốc gia, trong việc trao quyền quản lý điều hành cho những đảng viên Cộng hòa trung tín thay vì các chuyên gia đầy đủ khả năng.

Kết quả là giờ đây Iraq đã vỡ làm ba mảnh rời rạc, khó lòng hàn gắn hòa giải, nói gì đến dân chủ tự do: một Kurdistan thân Tây Phương ở phía Bắc, một tập thể Iraqi-Shiite chịu ảnh hưởng Iran ở phía Nam, và khối Sunni gốc Arập hỗn độn  ở ngay chính giữa. Các lực lượng chống đối nổi dậy khắp noi; và Iraq đang ở trong cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn- giai đoạn đầu của một cuộc nội chiến thảm khốc.

Trong tình huống hiện tại, như Peter W. Galbraith đã gợi ý trong cuốn The End of Iraq: How American Incompetence Created A War Without End (Chung Điểm của Iraq: Bằng Cách Nào Sự Bất Cập của Hoa Kỳ Đã Tạo Ra Một Cuộc Chiến Không có Dứt Điểm), Hoa Kỳ phải chú tâm không phải vào việc duy trì hay tái tạo một Iraq thống nhất, mà vào việc tránh né một cuộc nội chiến ngày một lan tràn, nguy hiểm, và tàn khốc. Người Mỹ phải chấp nhận một sự thật là Iraq đã tan vỡ, và phải hợp tác với người Kurds, người Shiites, người Sunni gốc Arập trong nỗ lực củng cố ba vùng lãnh thổ ít nhiều đang tự trị. Được vậy, cả ba vùng may ra có thể vãn hồi được an ninh trật tự, mặc dù có thể không phải cả ba đều dân chủ.

Theo Galbraith, không thể có một con đường rút khỏi Iraq một cách dễ dàng cho người Mỹ. Hoa Kỳ phải từ bỏ chiến lược sai lầm hiện nay- tìm cách xây dựng những định chế quốc gia trong khi một nước Iraq thống nhất trong thực tế không còn tồn tại. Chiến lược hiện nay chắc chắn thất bại, và chỉ đua Hoa Kỳ lún sâu vào một cuộc chiến không có dứt điểm trong những trạng huống hổn loạn thóat khỏi khả năng kiểm soát của Hoa Kỳ.

Trong viễn tượng đó, sự hợp tác của Iran trong nỗ lực tìm một lối thoát cho cuộc chiến Iraq là một điều tối thiết đối với Hoa Kỳ. Và một giải pháp ngoại giao- thay vì một cuộc phiêu luu quân sự mới đầy bất trắc- cho vấn đề Iran rõ ràng hợp lý và có lợi hơn cho người Mỹ.

Trái với sự mô tả của chính quyền Bush thường xem Iran như một chế độ độc tài (a dictatorship) và một tiền đồn chuyên chế (An outpost of tyranny), áp lực của cử tri vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị của Cộng Hòa Hồi Giáo nầy. Lịch sinh hoạt chính trị của Iran đầy dẩy những cuộc bầu cử: các Hội Đồng Địa Phương, Quốc Hội, Tổng Thống, và Hội Đồng Chuyên Viên (Assembly of Experts). Vì vậy, giành và duy trì được sự ủng hộ của cử tri vẫn luôn là mục đích các chính trị gia Iran theo đuổi. Chính các cử tri - ôn hòa và quá khích, bảo thủ và cấp tiến, thực tiển và giáo điều - là lực lượng chính chi phối đời sống chính trị Iran.

Trong guồng máy chính quyền, những xung đột giữa Bộ Ngoại Giao luôn nặng về thương nghị và Bộ Quốc Phòng luôn nghiêng về biện pháp quân sự, là điều dễ hiểu. Suốt nhiệm kỳ đầu của TT George W. Bush, sự va chạm thường xuyên giữa Colin Powell và Donald Rumsfeld là một "bí mật lộ liểu"(open secret). Duới thời T T Ronald Reagan, quan hệ giữa Bộ trưởng Ngoại giao George Shultz và Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger cũng đầy sóng gió.

Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi lập trường các quan chức ngoại giao Iran và các tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo (Islamic Revolutionary Guard Corps -IRGC) có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ quốc gia, có nhiều dị biệt.

Vụ khủng hoảng Anh-Iran tháng 3-2007 là một ví dụ điển hình. Lúc đầu,  các nhân viên ngoại giao giữ một vai trò không đáng kể. Việc bắt giữ 15 thủy thủ công dân Anh xẩy ra trong thời điểm các cơ quan chính quyền Iran đóng cửa nghỉ "Tết" (Tân Niên) 10 ngày, kể từ 21 tháng 3. Ngược lại, Vệ Binh Cách Mạng- IRGC- vẫn luôn túc trực. Vì vậy, lúc đó chính sách cứng rắn đã thắng thế.

Nhà cầm quyền Iran lúc đầu đã cho phát hình và lời nhắn của các thủy thủ Anh bị bắt, qua hệ thống vệ tinh Al Alam Iran. Với động thái đó, họ muốn chuyển tải đến người dân Iraq và các xứ Arập Trung Đông thông điệp : quân lực Iran đã tự bảo vệ một cách cẩn mật và thành công biên giới của mình trong khi nhà cầm quyền các xứ Arập đã khoán trắng trách nhiệm bảo vệ xứ sở cho người Mỹ và người Anh bằng cách cho Hoa Kỳ và Anh Quốc thiết lập các căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ của họ.

Lập trường cứng rắn ban đầu của Iran cũng nhằm đáp lại những lời lẽ đe dọa của Tony Blair và việc Blair tìm cách quốc tế hóa vấn đề bằng cách đua nội vụ ra Hội Đồng Bảo An LHQ.

Điều đáng ghi nhận ở đây, là sau khi trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Margaret Beckett, Blair đã tỉnh ngộ và hiểu rằng những động thái đe dọa từ các thế lực bên ngoài chỉ giúp củng cố lập trường cứng rắn của các lãnh tụ tinh-thần-ý-thức-hệ Iran (Lãnh đạo Iran luôn có khuynh huớng lấy đá chọi đá, nhưng vẫn tỏ ra ôn hòa với những đối tác mềm dẻo) . Và Tony Blair đã thay đổi phương thức đối phó.

Tony Blair từ chối các đề nghị của Ngũ giác Đài- từ cho chiến đấu cơ xâm phạm không phận Iran đến phát động các phi vụ tuần tra trên các căn cứ Quân Phòng Vệ Cách Mạng IRGC; Blair còn yêu cầu Tòa Bạch Ốc đứng ra ngoài vụ tranh chấp và giảm thiểu các cuộc tập trận trong vùng Vịnh.

Kết cục, sau 40 phút thương nghị qua điện đam giữa Sir Nigel Sheinwald, cố vấn ngoại giao của Tony Blair, và tổng thu ký Hội Đồng An Ninh Tối Cao Iran Ali Larijani, ngày 3-4-2007, tình trạng căng thẳng đã dịu lại và ánh sáng đã lấp ló ở cuối đường hầm.

Suốt quá trình cuộc khủng hoảng, chính quyền Iraq- do lãnh hải của mình là gốc rễ của vụ xung đột- đã cẩn trọng giữ im lặng. Khi lên tiếng vào ngày 3-4-2007, Hoshyar Zebari, ngoại trưởng Iraq gốc Kurd, đã giải thích, bên sau hậu trường, ông đã tích cực vận động trả tự do cho năm viên chức Iran- được biết như vụ Irbil-5- bị quân Mỹ bắt giữ vào trung tuần tháng 01-2007 ở Irbil- thủ phủ của Iraqi Kurdistan.

Mặc dù đây là vụ việc quan trọng đối với Iran, khi thương nghị với Anh Quốc, người Iran đã khôn khéo không liên kết Irbil-5 với vụ thủy thủ Anh đang bị Iran giam giữ. Nhờ đó, hai chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã có thể tuyên bố không hề có sự trao đổi khi giải quyết hai vụ việc.

Trong khi đó, Rassoul Movahedian, đại sứ Iran ở Luân Đôn, đã tuyên bố: "Nếu họ [người Anh] muốn giúp và dùng ảnh hưởng của họ [với Hoa Thịnh Đốn], chúng tôi sẽ hoan nghênh"[9]. Mavahedian còn nói thêm:" Nói chung, chúng tôi sẽ hoan nghênh bất cứ động thái nào làm dịu bớt tình hình căng thẳng trong vùng [Vịnh]"[10].

Đã hẳn, tìm giải pháp làm dịu bớt tình hình ngày một căng thẳng do việc Iran làm giàu Uranium là một việc làm phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với việc tìm giải pháp cho vụ Iran giam giữ các thủy thủ người Anh. Tuy nhiên, các yếu tố như lòng tự hào dân tộc, các tính toán chính trị quốc nội, và phản ứng của nước ngoài liên hệ đến việc giải quyết các cuộc khủng hoảng con tin, trong bản chất, cũng chẳng mấy khác khi tìm cách giải quyết vấn đề nguyên tử Iran.

Yếu tố cốt lỏi ở đây là liệu Tehran và Washington có rút tỉa được bài học đúng đắn từ kinh nghiệm giải quyết vụ khủng hoảng con tin vừa kể , và tìm kiếm những phương cách mới mẻ và sáng tạo nhằm thành đạt một giải pháp qua trực tiếp thương nghị !

Nguyễn Trường

Irvine, California

23-3-2008

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Treacherous Alliance: The Secret Dealings of Israel, Iran, and The United States, Trita Parsi, Yale University Press, 2007.

2. The End of Iraq: How American Incompetence Created a War Without End, Peter W. GAlbraith, Simon and Schuster, 2007.

3. Peaceful Resolution of the Iran-UK Crisis: Could It Be a Precedent? The latest Iranian hostage crisis offers a key lesson in diplomacy, Dilip Hiro, Yale Global, 9-4-2007.


 

[1] There are ways to live with a nuclear Iran... Let's face it, we lived with a nuclear Soviet Union, we've lived with a nuclear China, and we're living with [other] nuclear powers as well, Centcom commander John Abizaid.

[2] Today the Americans are around our country but this does not mean that they are encircling us. They are encircled themselves and are within our range, Iranian Revolutionary Guard Commander General  Mohammed Hassan Koussechi.
[3] A clear message to Iran... that its continued efforts to acquire nuclear weapons are not going to go unanswered, ex-UN American Ambassador John Bolton.
[4] For those who ask whether the fight in Iraq is worth it, imagine an Iraq where militia groups backed by Iran control large parts of the country, President Bush's speech at the annual convention of the American Legion, Reno, Nevada, 8-28-2007.
[5] Far from helping the development of democracy, U.S. policy over the past 50 years has consistently been to the detriment of the proponents of freedom and democracy in Iran... The Bush administration, for its part, by approving a fund for democracy assistance in Iran, which is in fact being largely spent on official institutions and media affiliated with the U.S. government, has made it easy for the Iranian regime to describe its opponents as mercenaries of the U. S. and to crush them with impunity, Iranian dissident Akbar Ganji.

[6] We have accurately identified all their camps.

[7] Treacherous Alliance: The Secret Dealings of Israel, Iran, and the United States, Trita Parsi, Yale University Press, 2003.

[8] The whole idea is unreasonable. Why should we do that? Why should we undermine a government in Iraq that we support more than anybody else?, Iran's Deputy Foreign Minister Abbas Araghchi, Financial Times, 5-10-2007.

[9] If they [the British] want to be helpful and use their influence [with Washington], we will welcome that, Rassoul Movahedian, Iranian ambassador to Britain, 3-4-2007

[10] We will welcome, in general, any steps that could defuse tensions in the region, Rassoul Movahedian, Iranian ambassador to Britain, 3-4-2007.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường