Québec : Từ kẻ bại trận vùng lên đòi tự trị

Vietsciences-Ngô Khôn Trí               01/02/2010

 

Những bài cùng đề tài

 

 Hôm trước, trong lúc lái xe chở 2 đứa con đến trường, chúng hỏi tôi:

-Trên bảng số xe người ta có viết chữ : <Je me souviens>. Nghĩa là sao ? Có phải là người Pháp muốn ghi nhớ lại lúc bị người Anh xâm chiếm không?

Tôi trả lời:
   - Nghĩa là : Đừng quên nguồn gốc của mình.
  - Là câu đầu của bài thơ:
   “Je me souviens /Que né sous le lys / je croîs sous la rose
  " I remember / That born under the lily / I grow under the rose"
  
- Có nghĩa là: Tôi nhớ / Rằng sinh ra trên  đất Pháp / Tôi lớn lên trên đất Anh.
  - Hoa Lys (hoa huệ tây) tượng trưng cho vương quốc Pháp, còn Hoa Rose (hoa hồng) là của vương quốc Anh.

*  *

*

Québec nguyên thủy là vùng đất của người da đỏ (Amérindien) và người Inuit. Năm 1535, nhà thám hiểm đầu tiên đến Québec là Jacques Cartier, người Pháp. Sau đó, vào năm 1608, dưới thời vua Louis 12, Samuel de Champlain đến chiếm, thành lập nên thuộc địa cho Đế quốc Pháp, đặt tên là Nouvelle-France. Đến năm 1663, vua Louis 14 cử Quan quản lý (intenant) Jean Talon đến để cùng với Thống đốc đẩy mạnh phát triển và biến Québec thành 1 tỉnh của nước Pháp. Năm 1763, Pháp và Anh đánh nhau tranh giành thuộc địa. Pháp thua trận nên vua Louis 15 phải nhường Nouvelle-France cho Đế quốc Anh. Phần đất từ đó chính thức mang tên “Québec” cho đến ngày hôm nay.

Samuel de Champlain đến Québec năm1608

Sau khi chiếm lấy Québec, Đế quốc Anh muốn đồng hóa những kiều dân Pháp theo đạo Thiên Chúa Giáo và loại trừ chính quyền cũ nên đã lập ra bản tuyên ngôn với những điều kiện phân biệt đối xử như: Đòi phải tuyên thệ trước khi muốn trở thành công nhân viên nhà nước, gạt bỏ những thần dân Pháp ra khỏi vị trí trọng trách trong chính quyền, không được quyền làm ban bồi thẩm, ủng hộ việc lập trường học dòng đạo Tin Lành, tăng cường di dân người Anh vì 95 % dân số là người Pháp.

Năm 1774, tại Québec chỉ có 2000 người Anh, nhưng có tới 90000 người Pháp. Để tránh những cuộc nổi dậy của người Pháp và cũng để tránh người Pháp bị cám dỗ kết thân với quân phản nghịch Mỹ ngày càng mạnh ra. Đế quốc Anh đã phải đồng ý 1 Đạo luật Québec, trả lại luật lệ Pháp, đất đai, tài sản, bảo đảm quyền tự do theo tôn giáo của họ, bãi bỏ việc tuyên thệ khai trừ đạo Thiên Chúa Giáo của các nghị sĩ, quan tòa và viên chức chính quyền, Công nhận ngôn ngữ văn học Pháp và mở rộng lãnh thổ Québec. Đây là định mệnh và là một thành quả vô cùng quan trọng mà người Pháp đã giành được kể từ khi bị cai trị. Nó là bàn đạp để sau này tiến đến đấu tranh giành lại chủ quyền.

Năm 1783, khi Đế quốc Anh bại trận trong chiến tranh dành độc lập của Mỹ. Có khoảng 50 000 dân trung thành rút về Canada, phần lớn định cư vùng gần Lake Ontario, trong số đó có khoảng 7000 dân Anh đến tỵ nạn ở Québec, tại Sherbrooke, Drummondville, và Lennoxville. Những người Anh thiểu số này cảm thấy khó chịu trước ưu thế đa số của người Pháp nên đã làm áp lực với chính quyền Anh, tìm cách làm giảm bớt những ưu đãi đã nhường lại cho người Pháp bởi Đạo luật Québec ban hành trước đó.

Thành phố Québec

Năm 1791, để làm vui lòng những người trung thành, chính quyền Anh đã thông qua một Đạo luật Lập hiến, chia Canada thành 2 thực thể chính trị: Hạ Canada (Pháp) và Thượng Canada (Anh). Hiến pháp này dẫn vào 1 số yếu tố của nền dân chủ sơ khai trong chính trị của Canada.

Vào mùa hè năm 1792, lần đầu tiên tổ chức tuyển cử nhưng chỉ dành cho người làm chủ, trên 21 tuổi, có lên hệ với Anh, bầu bằng cách phát biểu trước quần chúng chứ không viết giấy bỏ vô thùng phiếu kín như hiện nay, chọn ra được 50 nghị viên, gồm 34 Pháp và 16 Anh. Trong thời gian đó, quốc hội trên thực tế không có quyền lực, bởi vì Thống Đốc do vua Anh chỉ định, Thống Đốc tự quyết định chọn 9 người Pháp và 9 người Anh vào cơ quan lập pháp, 4 người Pháp và 5 người Anh vào cơ quan hành pháp. Ngoài ra Thống đốc có quyền phủ quyết mọi quyết định của quốc hội và cũng có quyền giải tán quốc hội. Mọi đề án luật đều phải đưa lên cho cơ quan lập pháp xem xét, nếu được chấp thuận mới được trình lên Thống đốc phê chuẩn. Ngôn ngữ dùng trong quốc hội cũng là 1 đề tài tranh cãi rất gây gắt. Chính vì những bất công đó, vào năm 1834 đảng Patriote (Người yêu nước) ra đời, lãnh tụ đảng Patriote là Louis-Joseph Papineau đã gởi 1 văn kiện gồm 92 nghị quyết nói lên những bất mãn tích tụ của người Canada gốc Pháp cho Luân Đôn. Mãi đến năm 1837 (4 năm sau) Luân Đôn chỉ đáp lại bằng 10 nghị quyết của Russell, không những từ chối mà còn chứa đựng 1 sự tăng cường quyền lực. Thống đốc giải tán quốc hội. Trước tình thế như thế, đảng Patriote triệu tập hội nghị quần chúng và yêu cầu tẩy chay sản phẩm của Anh. Phong trào đấu tranh được thành hình. Vào năm 1837, lãnh tụ của đảng Cải Cách lợi dụng nhóm nỗi loạn của đảng Patriote để lật đổ chính phủ của đảng Bảo Thủ, nhưng lực lượng vũ trang của đảng Patriote bị quân đội Anh dẹp tan 1 cách nhanh chóng. 750 đảng viên bị bỏ tù, 12 người bị treo cổ và hơn 60 người bị đày đi Úc. Năm 1838, Thống đốc của tất cả thuộc địa ở Bắc Mỹ, ông Durham đến Québec để điều tra tình thế của thuộc địa. Đầu năm 1839, Ông trở về Anh đề nghị sữa đổi Đạo luật Lập hiến, vì chính đạo luật này đã khêu gợi ra những xung đột chính trị giữa các nghị viên được dân bầu với cố vấn do Thống đốc chỉ định. Một bên muốn được thêm quyền hạn và một bên muốn bảo vệ quyền lực. Hơn nữa, 2 bên Anh và Pháp có nhiều cá tính khác nhau và thù ghét nhau nên thường xảy ra xung đột dân tộc.

Năm 1840, dựa trên bản báo cáo của Tổng thống đốc Durham, chính quyền Anh đã thông qua một Đạo luật Liên minh để ghép 2 Canada Thượng và Hạ vào 1, Mỗi bên đều có 42 nghị sĩ và phải vô chung 1 nghị viện, mặc dù dân số của bên Thượng Canada (Anh) ít hơn bên Hạ (Pháp), bên Thượng (phía tây) có 450 ngàn dân; bên Hạ (phía đông) có 650 ngàn dân. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong các cuộc hội thảo, Thống đốc vẫn được quyền chỉ định những cố vấn lập pháp và hành pháp. Do đó, nghị sĩ gốc Pháp trở thành thiểu số và bị đồng hóa trở lại.

Nhà thờ Notre Damme

 

Lúc bầu cử năm 1841, lãnh tụ của nhóm gốc Pháp tại nghị viện, ông Louis-Hippolyte Lafontain đã liên minh với lãnh tụ của đảng Cải Cách gốc Anh. Nhờ đó đảng liên minh thắng cử.

Năm 1848, Thống đốc Lord Elgin thừa nhận thực tế một chính phủ có trách nhiệm do 2 đảng thành hình. Lafontain đọc diễn văn bằng tiếng Pháp tại nghị viện., tiếng Pháp được thừa nhận, nhiều tù nhân phản nghịch được ân xá và đền bù tiền. Nhờ đó vị trí của người Pháp được đảm bảo, đặc quyền chính trị và văn hóa được bảo tồn. Đây cũng là bước tiến quan trọng cho số phận tương lai của người Pháp.

Vào năm 1851, khi bộ kiểm tra dân số nêu lên rằng dân số của vùng thượng (952 ngàn) bây giờ nhiều hơn vùng hạ (890 ngàn) thì đảng Clear Grits, theo chủ nghĩa cải lương, yêu cầu áp dụng “Rep by Pop” (viết tắc của chữ Representation by population), tức là đại diện theo tỷ lệ dân số của 2 vùng. Cách này có lợi cho dân gốc Anh.

Năm 1864, tình hình chính trị rất nguy cập. Trong 2 năm, 5 chính phủ nối tiếp nhau không đạt được đa số ủng hộ, làm tê liệt chính quyền Canada. Về chính trị thì dân số người gốc Pháp ngày càng tăng nhanh và không bị đồng hóa, hệ thống chính trị chỉ đẻ ra chính quyền thiểu số, hoạt động khó khăn do liên minh, không thỏa mãn cho cả người Anh lẫn người Pháp. Về mặt kinh tế thì chậm phát triển những ngành công nghiệp chủ yếu, do bởi chính sách thực dân của Hoàng gia Anh, dân số không đủ đông để giúp đẩy mạnh hiệu quả kinh tế trong bối cảnh Bắc Mỹ. Chính vì thế ý tưởng tách Canada ra thành 2 tỉnh: Ontario (Anh) và Québec (Pháp) rồi kết hợp 2 tỉnh đó với 2 thuộc địa khác là Nouveau-Brunswick và Nouvelle-Écosse để thành lập ra Liên bang Canada.

Đây là sự ra đời của nước Canada mới bởi Đạo luật Amerique du Nord britanique được công bố chính thức tại Ottawa ngày 1 tháng 7 năm 1867.

Chính phủ Liên bang làm luật trong phạm vi đối ngoại, trong khi đó chính phủ tỉnh bang quản lý việc địa phương. Mỗi chính phủ được quyền tự trị trong lĩnh vực của mình. Cả 2 bên gốc Anh và gốc Pháp đều thỏa mãn vì:

-Người Anh có được đa số trong những tỉnh bang của họ.

-Người Pháp cũng có được đa số trong tỉnh bang của mình với những quyền hạn cần thiết để bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa của mình.

-Nước Canada mới tạo ra 1 môi trường kinh tế lớn nhất, nơi mà tất cả có thể phát triển.

Manitoba gia nhập vào Canada năm 1870, British Columbia năm 1871, Saskatchewan và Alberta năm 1905.

 

Vào cuộc bầu cử năm 1867 ở Québec, giới giáo sĩ thiên chúa giáo xúi giục quần chúng chấp nhận hiến pháp mới. Nhóm Bảo thủ đại diện cho tầng lớp thợ, công nhân, thắng 45 trong 65 ghế trong Hôi đồng Lập pháp.

Sau năm 1867, mặc dù làm chủ về tài chính, thương mại và chính trị đối nội nhưng Canada cũng chưa có chủ quyền vì quyền lực còn nằm trong tay Nữ Hoàng Anh.

Thể chế chính trị của Canada năm 1867:

Nữ Hoàng Anh --> Thống đốc --> Thượng viện
Dân chúng --> Hạ viện --> Nội các--> Thủ tướng

*Ngày nay, Thủ tướng thay quyền Nữ Hoàng, chỉ định Thống đốc và Thượng viện.

Thể chế chính trị của Québec năm 1867:

Nữ Hoàng Anh --> Thống đốc tỉnh --> Cố vấn lập pháp
Dân chúng --> Hội đồng lập pháp --> Nội các --> Thủ hiến

*Ngày nay, Thủ hiến cùng với Thủ Tướng chỉ định Thống đốc tỉnh. Từ năm 1968, Cố vấn lập pháp được hủy bỏ và Hội đồng lập pháp đổi thành Quốc hội.

Từ năm 1879 đến năm 1896, nhờ vào chính sách đẩy mạnh kinh tế của chính phủ liên bang như thiết lập mức thuế nhập cảng nhầm nâng đỡ công nghiệp, nối dài đường xe lửa xuống phía tây, ủng hộ di dân đến mở mang phía tây, năng suất nông nghiệp tăng nhanh, nhiều ngành công nghiệp phát triển tại thành phố lớn Montréal. Từ đó xuất hiện ra giai cấp tư sản công nghiệp và ngân hàng, phong trào công đoàn phát triển mạnh. Tuy nhiên, về mặt chính trị, xảy ra nhiều bất đồng giữa 2 chính phủ Liên bang và Tỉnh bang. Năm 1887, Honoré Mercier, Thủ hiến của Québec (từ 1887 đến 1891) đã tổ chức 1 buổi gặp mặt của 5 Thủ hiến, yêu cầu liên bang tăng tiền viện trợ và đề nghị không can dự vào phạm vi tòa án của tỉnh bang.

Thành phố Montréal

Từ năm 1896 đến năm 1918, Québec bắt đầu phát triển những tài nguyên thiên nhiên phong phú của mình. Để có thể phát triển những công nghiệp lớn như thủy điện, bột giấy, nhôm, hoá chất, chính phủ Québec phải ưu đãi những nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn là người Anh và người Mỹ. Trong giai đoạn nầy, có rất nhiều dân di tản từ nông thôn vào thành phố, nhiều di dân đến từ Anh, Ý, Hy Lạp, và Ba Lan. Năm 1896, Ông Wilfrid Laurier, là người Pháp đầu tiên đắc cử Thủ tướng Canada.

Năm 1900, Canada vẫn còn là thuộc địa của Anh, mặc dù hưởng quyền tự trị rất lớn trong chính trị đối nội, lệ thuộc Anh trên phương diện đối ngoại. Nhưng sự tham gia của Canada trong chiến tranh Anh có hệ quả thúc đẩy bước tiến đến tự trị. Bởi vì tính ưu thế quân sự của nước Anh đang bị 2 sức mạnh mới của Đức và Mỹ hăm dọa. nên chính phủ Anh cần đến sự giúp đỡ của các thuộc địa. Tuy nhiên, phần lớn người Canada gốc Anh bị chia rẽ về tính trung thành với Đế quốc Anh. Người gốc Pháp không muốn gởi quân đôi tham chiến với Anh.

Từ năm 1919 đến năm 1928, Nước Anh bận tái kiến thiết đất nước nên không còn tài trợ cho Québec. Thay vào đó, Mỹ đã cung cấp những tư bản cần thiết cho việc công nghiệp hóa của Québec. Do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế sau chiến tranh, 130 000 người Québec đã di cư qua Mỹ để tìm việc làm. Trong giai đoạn này đã xảy ra nhiều xung đột giữa 2 hệ tư tưởng của đảng Tự do cầm quyền, chủ trương phát triển công nghiệp, với đảng đối lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ trương phát triển nông nghiệp là chính, coi trọng gia đình và tôn giáo.

Từ năm 1929 đến năm 1945, Québec cũng như tất cả các tỉnh bang khác đều bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc đại suy thoái lớn nhất (1929-1933) bùng nổ ra tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3% đến 25%. Lương giảm 40%.

Năm 1931, Canada độc lập với Đế quốc Anh, làm chủ chính sách đối ngoại và tự trang bị quân đội, chọn quốc kỳ (1964), quốc ca(1980) cho chính mình.

Năm 1939, Thủ tướng Mackenzie King gởi quận đội đi giúp các nước đồng minh với trách nhiệm giới hạn trong việc tiếp ứng thực phẩm và dụng cụ. những người gốc Anh được ưu tiên trong chiến tranh ở Âu châu. những người gốc Pháp thì không bị gọi tòng quân. Thế nhưng, năm 1942, trước nhu cầu tăng quân số, Mackenzie King phải thông qua 1 cuộc bỏ phiếu toàn dân, xin quyền động viên cả người Canada gốc Pháp. Mặc dù 71% người Québec từ chối nhưng không được chấp thuận, vì nó là thiểu số trong tỷ lệ 80% đồng ý của các tỉnh bang khác. 600 000 lính Canada đã được gởi đi tham dự Đệ nhị thế chiến, 42 000 chết và 53 000 bị thương.

Từ năm 1945 đến 1960, thời kỳ này được đánh dấu bởi sự ngự trị lâu dài của Thủ hiến Maurice Duplessis. Đây là thời kỳ thịnh vượng cho Québec, lương bổng được tăng nhanh, điều kiện làm việc được cải thiện, Người Québec theo cách sống của người Mỹ (l’American Way of Life), tăng thêm xe hơi, tủ lạnh, radio, tv, điện thoại. Duplessis ý thức được rằng sự phát triển kinh tế Québec phải được hướng theo trục sản phẩm công nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên., ông muốn kéo Québec trở nên giàu có về công nghiệp và tài chánh như Mỹ. Ông là 1 chính trị gia gây nhiều tranh luận trong lịch sử của Québec. Năm 1948, Chính phủ Maurice Duplessis thừa nhận lá cờ Québec, được gọi là “le Fleurdelisé).

Lá cờ của Québec

Năm 1960, Jean Lesage của đảng Tự Do nắm chính quyền, sau đó là Daniel Johnson, Jean Jacques Bertrand đã làm nhiều cải cách cho Québec. Gian đoạn 1960-1975 được gọi là giai đoạn Cách mạng yên lặng (Révolution tranquille). Québec sống thêm 1 giai đoạn khác cũng rất thịnh vượng và vinh quang. Nhiều phụ nữ đi làm, lợi tức gia đình được nâng cao. Do ảnh hưởng của những chương trình của đài truyền hình Mỹ, người Québec càng chấp nhận cách sống theo kiểu Mỹ, sự tiêu dùng tăng nhanh.

Năm 1961, 45% công ty tại Québec nằm trong tay người nước ngoài, 47% của người Canada gốc Anh, người gốc pháp chỉ nắm được 7%. Do đó, chính phủ Québec đã phát ra 1 chương trình quốc gia, lập ra nhiều công ty quốc doanh. Việc quốc hữu hóa các công ty thủy lực trên toàn tỉnh bang là 1 việc vang dậy nhất, thành lập ngân hàng Caisse de dépot và SGF (Société général de financement), nhầm trợ cấp, cho vay không tính lời, trợ giúp xuất cảng v. v…cho tư bản gốc Pháp. Nhờ đó xuất hiện ra tầng lớp kinh doanh gốc Pháp. Chính quyền Jean Lesage đã thúc đẩy chương trình bảo hiểm nằm bệnh viện, lập ra Bộ gia đình và trợ cấp xã hội (Biên-être social), Bộ quản lý niên kiêm (Régie des rentes) để bảo hiểm lợi tức của người lao động, chấp thuận luật lao động giúp thành lập công đoàn, thông qua luật thừa nhận sự bình đẳng pháp lý của người đàn bà đã thành hôn (1964).

Dưới thời Daniel Johnson và Jean-Jacques Bertrand (1966-1970), để khuyến khích tiếng Pháp, chính phủ đã ban hành luật 63 cho phép phụ huynh chọn ngôn ngữ dạy cho con cái của họ, những người di dân có quyền gởi con đi học ở trường dạy tiếng Pháp. Nhiều thỏa thuận đã được ký kết với nước Pháp. Québec đã tham gia vào hội nghị những nước nói tiếng Pháp. Từ đó phát xinh ra nhiều  mối xích mích giữa 2 chính quyền liên bang và tỉnh bang. Người gốc Anh lo lắng về những thay đổi đang tiến hành trong xã hội Québec và những yêu sách của họ. Năm 1963, Thủ tướng liên bang, ông Lester B. Pearson đặt 1 câu hỏi nổi tiếng là: “What does Québec want?” (Québec muốn gì?), ông thành lập 1 Ủy ban điều tra về sự nói 2 thứ tiếng (bilinguisme) và văn hóa song trùng (biculturalisme) để trả lời cho câu hỏi trên và cũng để đề xuất ra những biện pháp nhằm thỏa mãn những đòi hỏi của người Québec. Trước những xích mích thường kỳ giữa chính phủ liên bang và tỉnh bang, phòng trào dân tộc Québec biến thành phong trào độc lập. Đảng RN (Ralliement National: tập hợp dân tộc) và đảng RIN (Rassemblement pour l’Indépendance National : Tập hợp vì độc lập dân tộc) ra đời vào năm 1960. Vào năm 1968, 2 đảng này kết hợp lại thành 1 đảng, đó là Đảng Québecois (Parti Québécois), được lèo lái bởi René Lévesque. Những đảng muốn độc lập chiếm được 8% số phiếu quần chúng vào năm 1966, chiếm 23% năm 1970 và 30% năm 1973, vào năm 1976 lần đầu tiên đảng Québecois nắm chính quyền. Kết quả cho thấy sự lớn lên của hệ tư tưởng độc lập của Québec. Năm 1967, Tướng de Gaulle của Pháp đến Canada, đã cho ý tưởng về độc lập của Québec qua sự tuyên bố “Vive le Québec libre” trước đám đông cuồng nhiệt tại Montréal.

Từ năm 1970 đến năm 1976, Đảng Liberal nắm chính quyền, trưởng đảng là Robert Bourassa, là 1 nhà kinh tế trẻ tuổi. Ông đẩy mạnh đề án của thế kỷ (projet du siècle), xây nhiều đập thủy điện tại vịnh James, sáng lập ra Bảo hiểm bệnh (Assurance maladie), CLSC (trung tâm phục vụ cộng đồng tại các địa phương).

Vào mùa thu năm 1970, Phong trào cách mạng khủng bố FLQ (Front de libération du Québec) bắt cóc 1 tùy viên thương mại của Anh và ông Pierre Laporte, bộ trưởng Lao động của Québec. Ngày 17 tháng 10, người ta tìm thấy xác của Laporte trong rương của 1 chiếc xe. Robert Bourassa phải nhờ liên bang cử quân đội đến Québec, bắt bỏ tù 450 thành phần quá khích.

Năm 1972, Gần 210 000 lao động phát động 1 cuộc đình công vô hạn định. Chính phủ bỏ phiếu thông qua 1 đạo luật để bắt họ trở lại làm việc. Những người chỉ huy cuộc biểu tình bị bỏ tù.

Năm 1974, Nhằm ép buộc những người di dân mới gởi con cái vào học trường hệ Pháp, chính phủ Bourassa đã thông qua đạo luật 22 (Loi 22), qua đó tiếng Pháp được quyết định là ngôn ngữ chính thức của Québec. Tuy nhiên, những trẻ em có đủ hiểu biết tiếng Anh có quyền học trường hệ Anh. Chính luật 22 này là nguyên nhân chủ yếu cho sự thất bại của Bourassa năm 1976. Người gốc Anh coi rằng chính quyền ăn hiếp quyền cá nhân. Người di dân cảm thấy như bị chia ra thành 2 loại.

Từ năm 1976 đến 1980, Lần đầu tiên, đảng Québécois của René Lévesque lên nắm quyền với những lời hứa là sẽ thực hiện 1 cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền hay kết hợp. Trước đó, René Lévesque bỏ đảng Libéral Québec, ra thành lập Phong trào MSA (Mouvement souveraineté-association: Phong trào chủ quyền-kết hợp), sau đó thành lập ra đảng Québecois (PQ), kết hợp tất cả các lực lượng tranh đấu dành độc lập cho Québec. Bởi chiến thắng của đảng Québecois này, Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau phải thừa nhận tầm quan trọng của phong trào chủ quyền của Québec. Ông đã thành lập ra Ban Đoàn kết Canada, nhầm tìm ra phương cách củng cố sự đoàn kết trong Canada. Chính phủ René Lévesque đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng như: Bảo hiểm xe hơi, phát thuốc không cho người cao niên, nghỉ sanh đẻ, quyền lợi cho người tàn tật, bảo vệ môi sinh, bảo vệ đất nông nghiệp.

Năm 1977, Đảng Québec thông qua 1 đạo luật Hiến chương của tiếng Pháp (Charte de la langue francais), còn gọi là luật 101. Tuyên bố tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và duy nhất tại Québec. Đây là một đạo luật mà hầu như tất cả mọi người dân sống trên Québec đều biết, vì nó áp đặt trên tất cả lãnh vực của đời sống công cộng như: luật pháp, toà án, giảng dạy, nơi làm việc, thương mại, niêm yết. Nhiều người gốc Anh đã phản đối kịch liệt, cho rằng luật này không có tính hợp pháp, quyền tự do cá nhân bị ức hiếp.

Năm 1980, René Lévesque phát động chiến dịch cho cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyền hay kết hợp. Thế nhưng, chiến dịch này đã không thành công, kết thúc vào tối thứ ba ngày 20 tháng 5; với kết quả chống là 59, 56% (2 187 991 phiếu), ủng hộ chỉ có 40, 44% (1 485 851 phiếu), tỷ lệ tham dự đi bầu là 85, 61%. Điều đáng chú ý là trước đó, ngày 7 tháng 4, tại Forum Montréal (cầu trường đánh hockey) 14 000 phụ nữ phản đối lời tuyên bố về phụ nữ của bộ trưởng Lise Payette, đặc trách về địa vị phụ nữ của chính quyền René Lévesque và tuyên bố ủng hộ bên chống. 6 ngày trước bầu cử, Thủ tướng liên bang, Pierre Trudeau cam kết sẽ sửa đổi hiến pháp nếu phe chống thắng.

Năm 1981, Trong cuộc bầu cử quốc hội, mặc dù thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1980, nhưng đảng Québecois vẫn còn được chọn với số phiếu ủng hộ là 49, 26% (1 773 237 phiếu), đảng Tự do Québec được (46, 7%) 1 658 753 phiếu, và đảng Union National mất hoàn toàn 11 ghế trong quốc hội.

Ngày 17 tháng 4 năm 1982, Nữ hoàng Elisabeth 2 đến Ottawa để hợp thức hóa thể chế của Canada. Luật lập pháp 1982 này chứa đựng phần hoà giãi và bổ xung quyền lợi và quyền tự do của mọi người dân Canada. Tất cả các đảng phái trong Québec đều không đồng ý vì nó không nói lên tính chất đặc thù của Québec.

Ngày 2 tháng 12 năm 1985, đảng Tự do Québec (PLQ) do Robert Bourassa cầm đầu đã thắng cử với số phiếu ủng hộ là 1 910 307 phiếu (55, 99%). Đảng Québecois (PQ) có 1 320 008 phiếu (38, 69%), mất đi 57 ghế (71, 3%) trong quốc hội (từ 80 ghế còn lại có 23 ghế). Cuộc bầu cử này cho thấy sự trở lại của ông Robert Bourassa, vì trước đó ông đã bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu năm 1976 và đã từ chức trưởng đảng. Bản thân ông bị thất cử tại vùng của ông, nhưng ông được bầu lại 1 tháng sau đó.

Năm 1987, Hiệp định Lac Meech được ký kết giữa Thủ tướng liên bang, Brian Mulroney với 10 Thủ hiến tỉnh bang. Thừa nhận Québec là 1 xã hội đặc thù (société distinte), đồng ý Québec được quyền phủ quyết về lập pháp, tham dự vào Toà án tối cao, thừa nhận vai trò của Québec trong vấn đề di dân. Do có nhiều phản đối của người gốc Anh về việc thừa nhận xã hội đặc thù, năm 1990 tỉnh bang Terre-Neuve và Manitoba từ chối phê chuẩn, làm cho hiệp định này trở nên vô hiệu. Sau đó, Bourassa tuyên bố 1 đề nghị mới là hiến pháp có thể chấp nhận phải được làm tại Québec, nếu không sẽ làm 1 cuộc trưng cầu dân ý về chủ quyến trước cuối tháng 10 năm 1992. Trước sự hăm dọa như thế, chính phủ liêng bang tìm cách thuyết phục các tỉnh bang khác trở lại bàn tròn, nhưng Bourassa không đồng ý tham dự mà chỉ muốn đàm phán với chinh phủ liên bang mà thôi. Trong khi không có mặt của Bourassa, câu hỏi “Xã hội đặc thù” không còn đề cập đến. Trong nỗ lực cuối cùng để có được sự chấp nhận tối thiểu của Québec, Bourassa chấp nhận vào họp chung. Ngày 26/8/1992 ông ký chung 1 Hiệp định Charlottetown.

Năm 1993, Tại cuộc bầu cử liên bang, đảng Bloc Québecois chủ trương chủ quyền của Québec, do Lucien Bouchard lảnh đạo, đã dành được đa số đại diện cho Québec (54/75), trở thành đảng đối lập trong chính quyền liên bang.

Những năm sau đó, 2 đảng Québecois (PQ) và Tự do (PLQ) thay phiên nắm chính quyền của tỉnh bang.

 Năm                  Đảng  PQ          Đảng (PLQ)            Đảng (ADQ)

1985                   23 ghế              99 ghế                       0 ghế
1989                   29                     92                              0
1994                   77                     47                              0
1998                   76                     48                              1
2003                   45                     76                              4
2007                   36                     48                            41 

2008                   36                     66                              7

Năm 1994, Tại cuộc bầu cử tỉnh bang, đảng Québecois (PQ) do Jacques Parizeau lãnh đạo, đã dành lại được chính quyền từ tay đảng Tự do, (77/47). Parizeau gởi bản thỏa thuận với đảng Bloc Québecois (của liên bang) và đảng ADQ (của tỉnh bang) đến tận nhà dân chúng và kêu gọi 1 cuộc trương cầu dân ý vào ngày 30/10/1995. Thế nhưng, 50, 58% của 4, 7 triệu cử tri không đồng ý. 49, 42% ủng hộ, cách nhau có 54 288 phiếu. Tỷ lệ đi bầu là 93, 5%, cao nhất từ đó đến nay, có khoảng 43 855 di dân mới có quốc tịch. So sánh với cuộc trưng cầu dân ý trước đây ta thấy:

                                    Năm 1980                 Năm 1995            Chênh lệch                   

Cử tri đăng ký :           4 367 134                 5 087 009               +  719 875

Cử tri đã đi bầu :         3 738 854                 4 757 509             + 1 018 655

Tỷ lệ đi bầu  :                  85, 6 %                     93, 5 %                  + 7, 9 %  

Đồng ý :                      1 485 851                  2 308 360              +  822 509 

Chống :                       2 187 991                  2 362 648               + 174 657

Năm 1998, Do thất bại của cuộc trưng cầu dân ý năm 1995, Jacques Parizeau từ chức. Vì thế, Lucien Bouchard từ vị trí trưởng đảng Bloc Québecois ở chính trường liên bang, quay về nắm chức lãnh tụ đảng Québecois, ra tranh cử tỉnh bang lần thứ 36 kể từ khi vô liên bang Canada năm 1867. Jean Charest cũng từ chức trưởng đảng Bảo thủ Tiến bộ của liên bang về giữ chức lãnh tụ đảng Tự do tỉnh bang. Kết quả gần như đồng nhất với cuộc bầu cử năm 1994. PQ: 76 ghế, PLQ : 48 ghế và ADQ chỉ vỏn vẹn 1 ghế. Mặc dù PQ có nhiều đại biểu hơn PLQ nhưng tổng số phiếu ủng hộ cho PQ là 1 744 240 phiếu, ít hơn số phiếu ủng hộ PLQ là 1 771 858 phiếu, thua 27 618 phiếu.

Lucien Bouchard là 1 luật sư, đã từng tham gia trong 2 đảng Tự do và cả đảng Bảo thủ Tiến bộ, từng làm đại sứ Canada tại Pháp và đã giữ chức Bộ trưởng Môi sinh dưới thời Brian Mulroney. Sau đó ông bỏ đảng Bảo thủ Tiến bộ, ra thành lập đảng Bloc Québecois, là 1 đảng tranh đấu cho chủ quyền Québec. Năm 1993, ông đã là trưởng đảng đối lập của chính quyền liên bang. Ông có tài ăn nói nên rất được sự ủng hộ của người gốc Pháp. Ông có 1 ảnh hưởng lớn trên hướng đi của đảng Québecois. Nhưng vào ngày 8/5/2001, Ông tuyên bố từ chức, rút chân ra khỏi đời sống chính trị, ông bày tỏ đã thất bại trong việc khôi phục ngọn lửa chủ quyền nên nhận lấy trách nhiệm đó. Theo kết quả thăm dò của báo Le Devoir, số ngày 6/5/2006 thì 50% dân chúng ủng hộ ông trở lại chính trường.

Bầu cử 14/7/2003, Jean Charest tiếp tục lãnh đạo đảng Tự do đã chiến thắng vẻ vang, đảng Québecois được giao cho Bernard Landry thất bại nặng nề. Với kết qủa: -PLQ : 76 ghế (1 755 863 phiếu) –PQ : 45 ghế (1 269 183 phiếu) –ADQ : 4 ghế (694 122phiếu).

Trong thời gian vận động bầu cử, Landry mang băng trắng phản đối chiến tranh ở Iraq, khẩu hiệu của PQ là “Restons forts” (ở lại vững chắc) mang tính ổn định. Trong cuộc tranh luận trên đài truyền hình, Bernard Landry bị Jean Charest tấn công về câu nói của cựu thủ lĩnh của ông, Jacques Parizeau, là : “Cuộc trưng cầu dân ý bị thất bại là do tiền và phiếu bầu của nhóm sắc tộc”.

Năm 2005, Bernard Landry từ chức lãnh tụ đảng Québecois và rời bỏ chính trị. André Boisclair thừa kế sau khi trải qua 1 cuộc chay đua tranh chức trưởng đảng, đã hạ được được đối thủ hạng nặng là bà Pauline Marois. Nhưng André bị nhiều chỉ trích trong nội bộ về vai trò lãnh đạo và sự phán đoán, ngoài ra còn bị báo chí phanh phui về việc sử dụng cần sa trong thời gian làm bộ trưởng và bị mang tiếng là người đồng tính.

Qua cuộc bỏ phiếu ngày 26/3/2007, Jean Charest tiếp tục thắng nhưng không đủ túc số để thành lập chính phủ đa số tuyệt đối. Đảng Québecois do André Boisclair thất bại chua cay. Đảng ADQ do Mario Dumont thắng lợi vẻ vang. Kết quả :- PLQ : 48 ghế (1 313 664 phiếu), –ADQ : 41 ghế (1 224 412 phiếu), -PQ : 36 ghế (1 125 546 phiếu).

Chính quyền thiểu số lần đầu tiên được thành hình, gặp nhiều chống đối của thành phần đa số của 2 đảng ADQ và PQ trong quốc hội. Chính phủ Charest phải từ bỏ dự án tư nhân hóa Mont-Orford. Jean Charest đã làm 1 kỳ tích đầy ấn tượng, đó là việc bổ nhiệm đồng đều phái nữ và phái nam vô hôi đồng bộ trưởng. Ngày 8/2/2007, ông lập ra Ban Bouchard – Taylor để hỏi ý kiến về việc thực hiện mối hòa giải nối liền các văn hóa khác nhau, ban này được chủ trì bởi nhà triết học Charles Taylor và nhà xã hội học Gérard Bouchard. Ngày 10/4/2007, ông cũng lập ra 1 ban Johnson để điều tra sự sập cầu cạn (viaduc) trên đường Concorde ở Laval, gây ra 5 người chết.

Mặc dù kỳ hạn của nhiệm kỳ là năm 2012, nhưng vì mong muốn có được đa số nghị sĩ trong quốc hội, lợi dụng nhược điểm của 2 đảng đối lập. Ngày 5/11/2008, (1 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ) Thủ hiến Jean Charest đã yêu cầu Thống đốc Pierre Duchesne giãi tán quốc hội, rồi sau đó phát động 1 cuộc bầu cử vào ngày 8/12/08. Kết quả là đảng Tự do của Jean Charest dành được đa số với 66 nghị sĩ, đảng PQ do bà Pauline Marois lãnh đạo dành được 51 nghị sĩ nên trở thành đảng đối lập. Bà Pauline Marois là người đàn bà đầu tiên làm trưởng đảng và cũng là người đàn bà đầu tiên tham gia cuộc tranh luận trên đài truyền hình. Đảng ADQ do Mario Dumont cầm đầu bị thất bại ê chề, từ 39 nghị sĩ rớt xuống còn 7 nghị sĩ. Đảng Québec Solidaire (đoàn kết) do Amir Khadir cầm đầu và chỉ có ông ta được thắng cử đầu tiên trong số 122 ứng cử viên.

Trong cuộc vận động tranh cử, đảng PLQ đã hứa: -Sẽ tăng lương tối thiểu lên 9, 50$/giờ vào năm 2010 –Tăng đầu tư vào hạ tầng cơ sở, yêu cầu Hydro Québec phát triển thêm nữa tiềm lực năng lượng. –Dành 2 tỷ đô la giúp cho các xí nghiệp vay, bảo hiểm vay, tăng đầu tư. –Mở rộng hợp tác với các tỉnh bang khác, với liên minh Âu châu và với Pháp.

Québec hiện nay là 1 tỉnh bang của Canada, có dân số hơn 7 triệu 750 ngàn (2008), là tỉnh bang đông dân đứng hàng thứ nhì trong Canada, đứng hàng thứ nhất về diện tích. Trên 80% dân số ở Québec (khoảng 6 triệu) có gốc Pháp và tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, tại những thành phố lớn, hầu hết mọi người đều có thể nói và hiểu tiếng Anh. Hàng năm, Québec thâu nhận khoảng 25 ngàn di dân, 10% của tổng số di dân đến Canada. Do bởi lịch sử và văn hóa đặc thù của nó, Québec chịu ảnh hưởng của cả 2 nguồn văn hóa Âu châu và Bắc Mỹ, người ta có thể tìm thấy 2 di sản của đạo Thiên Chúa Giáo và đạo Tin Lành ở mọi nơi trong Québec, đặc biệt là ở trong kiến trúc và nghệ thuật của nó. Vấn đề về vị trí của Québec trong liên bang Canada vẫn còn nguyên đó. Nó ám ảnh người Canada trong những năm kế tiếp.

                                                                *  *  *

Lịch sử của Québec quả thật rất thú vị. Nó được lấy làm tham khảo cho 2 dân tộc, 2 quốc gia hoặc 2 phái khác chính kiến muốn sống chung với nhau.

Người Canda gốc Anh, là kẻ chiến thắng, đã biết nhường bộ, tôn trọng vị trí của người gốc Pháp, để chuộc nào 1 phần lỗi lầm của mình trong việc cai trị và đối xử không phải đối với người gốc Pháp trước đó.

Người Canada gốc Pháp, là kẻ bại trận, đã biết đoàn kết để tạo ra sức mạnh chống lại sự ức hiếp của người gốc Anh. Họ không cố chấp, họ cũng thừa hiểu rằng việc liên kết với nhau sẽ có lợi cho đôi bên. Do đó, họ đã bỏ phiếu từ chối tách riêng ra khỏi khối Canada.

Là 1 người di dân đến sau, nhập gia tùy tục, tôn trọng tính dân chủ, văn hóa, tôn giáo của người đến trước, tiếp thu quyền tự do cá nhân, bình đẳng nam nữ, phát huy văn hóa của mình hòa chung với xã hội đa văn hoá. Đó là điều mà mọi ngươi di dân mong muốn.

Montréal, 3/11/2009  

Ngô khôn Trí

 

Tham khảo:

“Je me Souviens” Histoire du Québec et du Canada. Của Marcel Roy và Dominic Roy. Nhà xuất bản ERPI

http://blog. frogmedias. com/je-me-souviens-la-devise-du-Quebec. html
http://vi. wikipedia. org/wiki/Qu%C3%A9bec
http://fr. wikipedia. org/wiki/Histoire_du_Qu%C3%A9bec
http://fr. wikipedia. org/wiki/Histoire_du_Canada
http://www. stat. gouv. qc. ca/donstat/societe/demographie/struc_poplt/qc_1971-2008. htm
http://www. grandQuebec. com/systeme-politique-Quebec/declaration-immigrant/
http://vi. wikipedia. org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Canada
http://www. bonjourQuebec. com/qc-en/qcaujourdhui0. html
http://www. micc. gouv. qc. ca/fr/recherches-statistiques/stats-recensement. html
http://fr. wikipedia. org/wiki/R%C3%A9f%C3%A9rendum_de_1980_au_Qu%C3%A9bec  

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L