Quốc Tử Giám

Vietsciences-Nguyễn Thị Chân Quỳnh          29/03/2006     
 

Văn miếu là nơi thờ cúng Khổng Tử cùng môn đệ và các danh nho đời sau (như Chu văn An) có công truyền bá, giữ gìn Chính đạo (đạo Nho) để tỏ đạo học có nguồn gốc, Xuân Thu nhị kỳ vua thân đến tế.
Quốc tử giám thoạt đầu là chỗ dậy các Hoàng tử sau mở rộng cho con các quan đại thần rồi con nhà bình dân ai thông tuệ cũng được vào học (1).Quốc tử giám ở Thăng-long dựng ngay sau văn miếu. Năm 1802 vua Gia-Long bãi quốc tử giám Thăng-long, đem lập lại ở Phú-xuân. Và để đền bù cho dân Hà-thành đã dựng Khuê văn các (2) trong văn miếu, trước hồ Thiền-quang, kế bên những tấm bia đề danh Tiến sĩ các khoa nhà Lê và Nguyễn sơ. Hà-nội ngày nay tuy không còn quốc tử giám nhưng vẫn giữ cái tên "nhà Giám" để trỏ văn miếu.
Quốc tử giám cũng như văn miếu và Khoa cử đều xuất phát từ Trung quốc. Nhà Đường đặt ra quốc tử giám coi việc học chính, quản lĩnh sáu học quán là : quốc tử giám, Thái học, Tứ môn học, Luật học, Thư học, Toán học. Đứng đầu quốc tử giám là Tế tửu, Tư nghiệp làm Phó. Con quan, tùy phẩm trật của cha, và con nhà bình dân học ở học quán khác nhau. Lại có hai văn quán riêng cho con các hoàng thân quốc thích.
Đời Minh ở Nam kinh, Bắc kinh đều có quốc tử giám, các quan Tế tửu, Tư nghiệp, Bác sĩ lo việc giáo tập. Minh Thái Tổ đặt ra Quốc tử học, ngoài học văn chương còn tập luyện chính trị, hàng năm lấy nhiều sinh viên ra làm quan (3).

 

I- Quốc tử giám Thăng Long


1070 Dựng văn miếu ở Thăng long.


1076 Xây quốc tử giám ở phía sau văn miếu làm nơi học tập cho Hoàng Thái tử.


1087 Dựng gác Bí thư chứa sách vở hiếm.


1253 Trần Thái Tông lập Quốc học viện ở kinh đô cho con nhà quyền quý vào học, sau mở rộng cho con nhà bình dân người nào tuấn tú cũng được học. Lập Giảng vũ đường, xuống chiếu gọi học giả vào giảng Tứ Thư, Ngũ Kinh (4).


1434 Thi học sinh trong nước, lấy đỗ trên 1000 người, chia làm ba hạng : hạng nhất và nhì đưa vào quốc tử giám, hạng ba cho về nhà lộ học. Đều miễn dao dịch.
Cho các Giám sinh và Sinh đồ ở huyện được mang mũ áo và cho Giáo thụ quốc tử giám cùng giáo chức ở các lộ được đội mũ cao sơn, trước đây đội mũ thái cổ (5).


1483 Đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu sót. Nay hạ lệnh sửa rộng ra, xung quanh có tường bao. Đằng trước nhà Thái học dựng văn miếu, có điện Đạt thành thờ Khổng Tử, đông, tây giải vủ thờ Tiên hiền và Tiên nho, điện Cảnh-phục làm nơi túc yết (các quan dự tế túc trực trước ngày chính tế). Đằng sau nhà Thái học dựng cửa Thái học, nhà Minh Luân (làm sáng tỏ luân lý), Giảng đường phía đông và tây, đặt thêm kho Bí thư chứa ván gỗ khắc thành sách. Bên đông và tây nhà Thái học làm nhà có tường bao cho học sinh ba xá, mỗi bên ba dẫy, mỗi dẫy 25 gian làm chỗ nghỉ ngơi cho học sinh.


1484 Bắt đầu dựng bia Tiến sĩ ở văn miếu, dựng ngược lại từ khoa 1442 (6).


1645 Định hàng năm tu bổ hay xây dựng thêm ở quốc tử giám, lát gạch, dọn cỏ v.v... Lệ cũ, hạng binh ở các huyện xã, các phường hai huyện Thọ-xương và Quảng-đức (7) phải làm những công tác này. Nay cấp thêm dân xã để trông nom, phụng sự. Chuẩn cho các huyện xã phụ trách cùng hai huyện Thọ-xương, Quảng-đức dự để tiền về công tác này chứ không bắt dân chịu (8).


1723 Cấp 60 mẫu ruộng cho trường Quốc học, các trường Hương học tùy lớn nhỏ cấp từ 16 đến 20 mẫu để lấy hoa lợi chi việc dầu đèn.


1803 Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích tuân theo chỉ dụ của vua Gia-Long ra thú thì sẽ được tha tội nhưng vẫn bị đem ra văn miếu kể tội (làm tôi nhà Lê mà sau lại theo vua Quang-Trung) rồi đánh đòn, Ngô Thì Nhậm bị đánh đến chết (9).
Quốc tử giám bị vua Gia-Long bãi, đem lập lại ở Kinh. Cơ sở nhà học cũ biến thành đền Khải thánh thờ cha mẹ Khổng Tử.


1805 Xây Khuê văn các.


1827 Vua Minh-Mệnh sai quan ở Bắc thành (Thăng-long) kiểm điểm sách vở ở văn miếu như Tứ Thư, Ngũ Kinh, Đại Toàn, Chính sử, Tứ trường văn thể đưa vào kinh, để ở quốc tử giám.



* Vị TRÍ - PHONG CẢNH


Thời Lý, Trần, văn miếu dựng ở thôn Minh-giám, huyện Thọ-xương, phía tây nam phủ Phụng-thiên, trong kinh thành. văn miếu nằm cạnh Thái hồ. Hồ này rộng mênh mông, sau bị lấp chỉ còn phần phía nam trước cổng văn miếu, gọi là Văn hồ. Khu này còn có làng Văn chương vì thời Lê nho sĩ tụ tập ở quốc tử giám để nghe bình văn một tháng hai lần.


Khoảng 1771 cái hồ to ở trước mặt nhà Thái học gọi là ao Bích-thủy. Trước kia dân phố phần nhiều dựa lưng vào ao mà làm nhà. Học quan xây bức tường bình phong để che xe ngựa. Khi ấy Nguyễn Hoãn bổ chức Tri quốc tử giám đuổi phố xá đi mà mở rộng ra, trồng cây, lát đường, lập bia Hạ mã ở trước cửa, làm cho quang cảnh nhà Thái học nghiêm trang (10).
Khoảng đầu đời Tự-Đức, phía đông Văn hồ có Nho sinh quán do một Hương quan làng Minh-giám lập ra cho học trò nghèo các tỉnh tới trọ. Tương truyền chủ quán ra một vế đối, treo giải thưởng nhưng không ai đối được :
Nước Văn hồ tha hồ tắm mát,
Rượu Hồ đình thơm ngát đón làng Văn.
(Hồ đình là cái đình hóng mát hình hồ rượu dựng trên một đảo nhỏ của Văn hồ) (11).


1865 Văn hồ đình bi ký :"Trước văn miếu có hồ lớn, giữa hồ có bãi Kim-châu. Khoảng năm Cảnh-trị (1663-71) Tham tụng Phạm tiên sinh (Phạm Công Trứ) từng sáng tác chùm thơ "Phân thủy thập vịnh" tả cảnh đẹp nơi đây. Thời gian lâu xa, cỏ mọc um tùm quanh hồ, lòng hồ tắc ứ ngày một cạn. Năm 1863, Bố chính Lê Hữu Thanh và Án sát Đặng Tá dựng Bi đình. Năm 1865, Đặng Án sát mua ngói lợp đình, đặt tên là Văn hồ đình. Trong đình khắc mười bài thơ "Phân thủy" của Phạm Công Trứ" (12).


Đầu thế kỷ XX Pháp xây lại Hà nội, phá hủy làng Văn hồ để mở đường, xây nhà.



II- Quốc tử giám thời Nguyễn (Huế)


Năm 1803 Gia-Long bãi quốc tử giám ở Thăng-long, về lập lại ở Phú-xuân.
Buổi quốc sơ, dựng văn miếu ở xã Triều-sơn, huyện Hương-trà, ngoài kinh thành.


1759 Dời văn miếu qua Long-hồ, tả ngạn sông Hương, địa thế nhỏ hẹp.


1803 Dựng Đốc Học đường (cũng gọi là Quốc học đường) gồm : Đốc học Chánh đường và hai tòa nhà hai bên, do Đốc học và Phó Đốc học giảng dậy.


1808 Vì văn miếu ở Long-hồ nhỏ hẹp, chọn đất ở An ninh-dựng văn miếu mới. quy chế rộng rãi, phía tây ngoài kinh thành, gần chùa Thiên-mụ, tức là văn miếu ngày nay.


1820 Ngoài cửa Đại-thành đặt hai nhà : nhà bên tả là Sùng Văn, bên hữu là Duy Lễ (13).
Bắt đầu xây quốc tử giám ở xã An-ninh phía tây ngoài kinh thành (văn miếu ở phía tả quốc tử giám).


1821 Làm xong quốc tử giám. Phía trước là Di Luân đường nơi dậy các Tôn sinh, phía sau là Giảng đường nơi dậy các Giám sinh, hai bên tả hữu là phòng ốc cho học trò ở, bên phải cho các Tôn sinh gồm 3 gian, bên hữu cho Giám sinh gồm 16 gian (14).
Bộ Lễ tâu xin đặt vị vọng bái Tiên thánh ở nhà Di Luân, Giám thần và học sinh đến bái yết rồi hàng ngày ngồi ở Giảng đường dậy để mở con đường Sùng nho thịnh vượng cho muôn đởi.
Bắt đầu đặt các chức Tế tửu (hàng chánh tứ phẩm), Tư nghiệp (hàng tùng tứ phẩm), Học chính (sau cải là Trợ giáo) và Giám thừa, Điển tịch, Điển bộ (15).
Sai Vũ Xuân Biều hàm chánh tam phẩm, sung chức Tế tửu, Giáp Phó Đốc học quốc tử giám Ngô Trọng Vân bổ làm Tư nghiệp. Vua bảo Điều :"Nhà QT là nơi giáo dục nhân tài, ngươi nên mỗi tháng một lần tâu lên ai có tài hạnh thì cấp lương tiền để nên học nghiệp, không thì cách cho về.
Lấy Hương cống triều Lê Thái Doãn Tá làm Tư nghiệp.
1822 Nhà Di Luân bị sét đánh, bộ Công phải sửa chữa. Dựng nhà cho Giám thần ở.
Nhà Di Luân cùng phòng Giám sinh thì cấm đàn bà con gái không được qua lại.


* Lệ cấm này cũng đã được Phạm Đình Hổ nhắc tới trong Vũ Trung Tùy Bút : "Khoảng năm Giáp Thìn, Ất Tỵ đời Cảnh hưng (1784-85), nhà Giám khi trước gp ngày mồng một, ngày rm thường họp học trò lại bình văn, các quan đều đến hội họp, người đến nghe bình văn vòng trong vòng ngoài, đông nhu kiến. Khi ấy có một người đàn bà đến trước cửa nhà Giám muốn xin vào xem, lính canh đuổi không cho vào. Bà ta đứng trông vào trước cửa nhà Giám vái lạy mà rằng :"Chẳng hay khi xưa thánh nhân lập giáo thế nào mà nay các quan hễ hạ ngòi bút xuống phán xét một lời là không còn kêu ca vào đâu được nữa ?". Người đàn bà ấy vừa lạy vừa khóc mà đi. Ôi ! người đàn bà quê mùa ấy chẳng trách làm chi, nhưng các ngài là bậc văn học, làm nên quan mà để cho dân đến nỗi thế thì nỡ lòng nào ?" (16).


1825 Sửa nhà Di Luân, Giảng đường, nhà học Tôn sinh, dựng lại phòng ốc các Giám sinh : nhà ngói ở hai bên tả hữu đều 20 gian. Phía trước nhà Di Luân năm trước xây tường gạch, nay xây thêm tường gạch ở ba mặt tả, hữu và hậu.


1850 Dựng nhà cho Học quan phía hữu 15 gian, dựng thêm phòng ốc cho Ấm sinh, Giám sinh ở phía tả là 19 gian.


1896 Xây trường Quốc học. Dựng nơi công thổ tả doanh Thủy sư một tòa Đốc giáo đường 3 gian, 2 chái, nơi cư trú của các Trợ giáo.


1898 Thêm hai dẫy trường ốc để làm chỗ dậy học, dẫy trước 30 gian. Sau Đốc giáo đường làm nhà vuông (Di Luân), xung quanh xây la thành (tường bao). Mặt trước xây môn lâu hai từng, từng trên treo bảng khắc chữ Quốc học bằng Pháp văn, sơn đỏ thếp vàng, dựng năm 1918 (17) .


1917 Xây quốc tử giám mới : Cổng vào có 4 cột đá trên treo biển gỗ "quốc tử giám". Có hai phần cách nhau một lối đi chạy hết chiều ngang 176 mét 50, từ cửa Cơ mật viện đến hào của Hoàng thành. Xung quanh có tường bao vây. Chính giữa là nhà Di Luân hình vuông, chu vi 85 mét, từng dưới treo bức hoành "Di Luân Đường" chữ vàng, phía sau, bên phải đặt chuông, bên trái đặt trống to (ở kinh thành cấm đánh trống nên chỉ có chuônt báo hiệu giờ học). Từng trên treo biển "Minh Trưng Các" và "Đạo Tâm Hiên", chữ vàng. Các cửa ra vào đều lắp kính sáng sủa. Phòng rộng rãi, là nơi giảng dậy hay để các Học quan hội đồng. Phòng học ở hai bên nhà Di Luân, 4 tòa : 2 trước 2 sau. Hành lang rộng nhưng hướng đông và tây nên có nắng suốt ngày nóng nực. Xung quanh trồng cây.
Khu thứ hai chia làm ba, ngăn bằng tường gạch, gồm "Tân Thơ Viện" ở giữa, có tủ sách sơn son đựng các sách chép tay của Nội các hay sách của tòa Khâm sứ. Hai bên là hai tòa nhà cho Đốc học và Phó Đốc học ở.
Cách quốc tử giám không xa, gần cửa đông nam, ở chân thành có hai dẫy nhà mỗi dẫy 9 phòng, mỗi phòng cho 4 người, và nhà vệ sinh cùng bếp nước. Học sinh phải tự lo liệu việc ăn uống. Khá bừa bãi, bẩn thỉu (18).



III- Học QUAN


Đầu đời Hậu Lê có các chức Tế tửu (dùng đại thần kiêm lĩnh) và các chức Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sĩ, Giáo thụ, Trợ giáo. Chức Đề điệu thì dùng đại thần không cứ văn hay võ. Đời Trung hưng bãi bỏ chỉ còn Tế tửu (đại thần đứng đầu quốc tử giám), và Tư nghiệp (quan giảng dậy).


1647 Bắt đầu đặt chức Ngũ kinh Bác sĩ. Bấy giờ Giám sinh học Thi, Thư thì nhiều, Lễ ký, Chu Dịch, Xuân Thu thì ít nên đặt chức này để mỗi người chuyên trị một kinh dậy.
Đời Bảo-thái (1720-8) quốc tử giám có Giáo thụ hàm Chánh bát phẩm, Học chính hàm Tùng bát phẩm.


1767 Nguyễn Nghiễm làm Tri quốc tử giám, Vũ Miên kiêm Tế tửu, Lê Quý Đôn, Phan Lê Phiên làm Tư nghiệp hàng ngày giảng dậy ở quốc tử giám (19).
1803 Gia-Long đặt 1 Đốc học, 2 Phó Đốc học để dậy ở Đốc học đường (cũng gọi là Quốc học đường).


1804 Vua đến nhà Quốc học triệu các Học thần bàn bạc điều cốt yêu trong việc học của người xưa. Chọn con em Tôn thất từ 10 đến 15 tuổi cho vào học.
Cấp lương tháng cho các quan ở quốc tử giám : Chánh Đốc học được 6 quan tiền, 6 phương gạo (20), Phó Đốc học được 5 quan tiền, 5 phương gạo.


1816 Lấy Hàn lâm viện Chế cáo Nguyễn Đăng Ngạn làm Chánh Đốc học quốc tử giám, Tiến sĩ đời Lê là Nguyễn Du (không phải tác giả Truyện Kiều) làm Phó Đốc học quốc tử giám. Du vì già xin từ.


1821 Vua Minh-Mệnh bỏ các chức Đốc học, bắt đầu đặt 1 Tế tửu (chánh tứ phẩm), 2 Tư nghiệp (tùng tứ phẩm) và các chức phụ tá : Giám thừa, Điển tịch, Điển bộ v.v... Dụ cho Tế tửu một tháng một lần tâu, ai có tài hạnh thì cấp lương tiền học nghiệp, không thì cách cho về.


1822 Đặt hai chức Học chính ở quốc tử giám (tùng lục phẩm) chuyên dậy các Tôn sinh, sai Tế tửu, Tư nghiệp chọn hai, ba người có học hạnh bổ vào.


1823 Vua triệu Đốc học Gia-định Nguyễn Đăng Sở vào bệ kiến, hỏi :"Năm ngoái có chiếu phải tiến cử Học sinh mà Gia-định không cử người nào là tại sao ?". Sở tâu :"Chiếu gửi từ thành đến trấn, từ trấn đến phủ huyện, chưa từng hỏi đến Học thần nên tuy có biết cũng không dám vượt quyền mà cử". Vua phán :"Muốn biết sĩ tử mà không hỏi Học thần thì hỏi ai ?". Lập tức hạ lệnh cho quan tỉnh chuyển sang hỏi Học thần chọn người có thể cống cử.
1880 Quan ở Giám nếu có học trò đi thi hỏng 1 tên thì giáng 1 cấp, hỏng 2 tên thì giáng 2 cấp, hỏng 3 tên thì giáng 3 cấp, được lưu lại làm việc, hỏng 4 tên, giáng 4 cấp, điều đi nơi khác, hỏng 5 tên thì cách chức (21).



IV - Học TRÒ


Danh hiệu - Học trò ở Giám có nhiều loại :


a- Tôn sinh là con em trong Hoàng phái, do Tôn nhân phủ tiến cử.


1804 Chọn con em Tôn thất từ 10 đến 15 tuổi cho vào quốc tử giám học.


b- Ấm sinh là con các quan đại thần.


1829 Vua dụ bộ Lễ :"Đường lối thịnh trị tất phải thành tựu nhân tài mà phương pháp thành tựu là phải bồi dưỡng từ trước. Đời xưa con trưởng các công khanh đại phu và những người tuấn tú con nhà thường dân đến 15 tuổi thì vào Đại học, phép giáo dục đầy đủ. Năm trước từng cho quan văn võ tam phẩm mỗi viên được một người con vào nhà Giám học tập cùng với Giám sinh, nay chuẩn cho các con quan Kinh văn từ tứ phẩm, ngũ phẩm, thì người con trưởng được bổ làm học sinh quốc tử giám. Lương bổng và quy trình giảng tập chuẩn cho các bộ bàn định, thi hành, thành tài sẽ bổ dụng.


1830 Con các quan văn học ở quốc tử giám nếu cha có lỗi bị cách thì con xóa sổ ; cha bị giáng đổi thì con được lưu học nhưng chỉ cho nửa lương.


c- Học sinh là học trò tuấn tú của lớp bình dân cống từ mỗi huyện phủ, khảo sát lại, có khá mới cho vào quốc tử giám.


1822 Năm nay mỗi huyện cống một người Học sinh, từ sau hàng năm mỗi phủ cống một người, do quan ở Giám phúc hạch, trúng bốn kỳ thì làm danh sách tâu lên để cấp lương ăn học ở quốc tử giám. Gập khoa thi Hội, quan ở Giám lại sát hạch rồi nếu đỗ thì tâu xin cho cùng với Hương cống vào thi. Người nào văn học không thông thì cho về, bắt phủ huyện cử người khác điền vào.
Những người nộp quyển dự sát hạch vào lớp cao đẳng ở quốc tử giám từ 1821 về trước thì các Tế tửu, Tư nghiệp gọi đến ra bài thi ở trước mặt, lấy đỗ 100 tên, chia làm ba hạng, làm danh sách do bộ Lễ đề đặt để cho làm Giám sinh, cấp tiền gạo theo thứ bực khác nhau. Lại cấp thêm cho áo lam, khi có tiết Đại khánh đều được đi chiêm bái.


d- Cống sinh là Nho sĩ được chọn lọc từ mỗi tỉnh, do Tế tửu và Tư nghiệp sát hạch lại, có thực tài mới cho vào quốc tử giám học.


e- Hương cống / Cử nhân thi Hội hỏng, tình nguyện xin vào Giám học thì bổ làm Giám sinh, cấp mỗi tháng ba quan, hai phương gạo , 5 cân dầu.


g- Giám sinh là tên gọi chung các Hương cống / Cử nhân và các Học sinh được cống cử từ địa phương, đã sát hạch lại, được theo học lớp cao đẳng.
1829 Giám sinh tọa Giám mà ốm chết thì cấp tiền tuất.
 


A- Học quy


a- Trước thời Nguyễn


1429 Định chương trình học cho Tôn sinh. Bộ Lễ thấy Tôn sinh tọa Giám nhiều người tạ sự cáo nghỉ, tâu :"Từ trước đến nay phép dậy chưa có chuẩn tắc, nên định rõ quy thức :


1) Học sinh Tôn học mỗi quý (tháng cuối mỗi mùa) xét số người học nhiều hay ít cùng nghĩa lý học thuộc hay không, văn nghệ tập tành thông hay không, chia hạng ưu, bình, thứ, liệt, do quan Học chính làm danh sách tâu lên. Hạng ưu thì tăng một nửa nguyên bổng, hạng bình như thường, hạng thứ giảm một phần ba, hạng liệt giảm một nửa.


2) Định lại lệ xin nghỉ : Phàm gập ngày húy (giỗ) cha mẹ cho nghỉ 5 ngày, cha còn hay mẹ còn thì cho 3 ngày ; gập ngày húy ông bà, cụ kỵ mà cha mẹ mình đều mất cho nghỉ 3 ngày ; đau ốm nhẹ thì điều dưỡng trong phòng, nặng thì cho nghỉ 10 ngày, chưa khỏi lại gia một hạn. Nếu vô cớ thác bệnh không ở tại phòng thì bị đánh roi.


1483 Theo chế độ cũ, con cháu quan viên người nào thi Hương trúng ba kỳ được sung vào Hiệu sinh trường học trong phủ mình, trúng bốn kỳ sung Giám sinh trường Quốc học, còn quân và dân nếu ứng thi có trúng tuyển cũng không được dự.
Nay ra sắc dụ : Quân và dân thi Hương trúng ba kỳ được sung vào Sinh đồ trong phủ mình, trúng bốn kỳ được sung Học sinh trong Tăng Quảng Đường ở quốc tử giám. Giám sinh thi Hội trúng ba trường thì cho sung vào Thượng xá sinh, trúng hai trường thì sung Trung xá sinh, trúng một trường thì sung Hạ xá sinh. Mỗi xá là 100 người, cấp cho tiền lương ba xá mỗi người 9 tiền. Khi bổ dùng bộ Lại và quan ở quốc tử giám bảo cử, chọn bổ ba xá không phân biệt.
Bọn Phó Đô Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm tâu :"Tiền lương ba xá xin đổi : Thượng xá thêm một tiền cho đủ một quan, Trung xá giữ nguyên 9 tiền, Hạ xá giảm một tiền, còn 8. Khi bổ dùng thì cho Thượng xá sinh ba phần, Trung xá sinh hai phần, Hạ xá sinh một phần. Vua y.


1511 Điểm mục : Các Giám sinh, Nho sinh, Sinh đồ cứ đến ngày rầm, mồng một đều phải mũ áo đến điểm mục. Phải tuân theo học quy, tập học nghiệp cho thành tài, giúp ích cho nước. Ngưởi nào dám rong chơi đường xá, trễ bỏ việc học, thiếu điểm mục một lần thì phạt 20 tờ giấy trung chỉ, thiếu ba lần thì đánh 40 roi, thiếu 4 lần thì kiểm xét tâu lên, giao cho bộ Hình xét hỏi, thiếu 5 lần thì tâu lên bắt sung quân.


1721 Định rõ quy chế việc học, phép thi khảo tại các trường Quốc học và Hương học. Tế tửu, Tư nghiệp giảng dậy, con cháu các công thần và nho sĩ đều được học. Mỗi tháng Học quan ra một bài Tiểu tập thi khảo học trò đã được vào học đo các quan Giáo thụ và Học chính quản lĩnh ; bốn tháng trọng (tháng thứ nhì trong mùa) Giám khảo ra một bài Đại tập thi khảo các học sinh và Hương cống do quan ở quốc tử giám chịu trách nhiệm. Ai bốn kỳ (nội khóa, 4 tháng trọng) đều trúng tuyển thì quan ở quốc tử giám đứng ra bảo cử, bộ Lại sẽ theo thứ tự bổ dụng.


1728 Đặt viên quan kiêm giữ công việc quốc tử giám để cho chức trách được long trọng : mùa Xuân, mùa Hạ khảo xét phương pháp, mưu lược và việc binh của quan võ ; mùa Thu, mùa Đông khảo xét việc thảo thiên từ chương, mệnh lệnh của quan văn.
Tham tụng Nguyễn Công Hãng cho là lối văn Bát cổ thu được nhiều tài lạ, muốn biến đổi thể văn, thường dẫn quan văn vào quốc tử giám luyện thể văn Bát cổ của nhà Thanh để mùi giũa lấy nhiều sĩ tử. Định đến kỳ kinh nghĩa thi Hương, thi Hội sẽ dùng văn Bát cổ nhưng chưa kịp thi hành đã mất ngôi Tham tụng (22).


b- Thời Nguyễn


1823 Học sinh do địa phương cống cử đã được làm Giám sinh thì miễn thuế thân, cấp mũ văn tú tài bằng ô sa, áo dài vải đen viền bảo lam, cổ bằng lĩnh trắng, xiêm lụa lam.
Bộ Lễ bàn việc giảng dậy ở nhà Giám :


1- Hàng năm sau khi khai ấn đầu Xuân một ngày thi khai giảng. Giám thần mặc mũ áo thường triều đến Di luân đường làm lễ cáo tiên sư, các Giám sinh mũ áo bồi bái. Lễ xong Giám thần đến Giảng đường ngồi, các Giám sinh thay áo làm lễ lạy chào, lễ xong ngồi nghe giảng.


2- Ngày thường thì trước giảng Kinh Truyện để rõ nghĩa lý rồi giảng chính sử, tính lý. Ngày chẵn học Tứ thư, Ngũ kinh, ngày lẻ học sử, chư tử, tính lý. Đặc biệt nên chỉ bảo những mối vinh nhục và liêm sỉ, nêu rõ những nghĩa hiếu đễ, trung tín để chính tâm thuật.


3- Hàng tháng lấy những ngày mồng 3, 9, 17, 25 làm ngày tập văn bài. Đầu bài thì theo thể văn bốn trường hoặc tập xen lối văn thù phụng. Có yết bảng để khuyến khích.
Những người lười biếng thì phạt roi, tội nặng thì trình lên bộ Lễ để nghiêm trừng và ghi vào học bạ. Quá dốt có thể bị đuổi, còn những người giỏi được thưởng giấy bút .


4- Hàng năm những kỳ khảo hạch thì lấy bốn tháng trọng. Chấm phê cốt tinh tường, không thiên vị.


5- Giám sinh nếu có tệ rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, trai gái thì cho xét cử lên để cách đuổi. Kẻ nào tự tiện bỏ ra ngoài một, hai lần thì Giám thần tự trách mắng, ba lần cho xét cử lên.
6- Hàng năm ba tiết lớn (Vạn thọ, Chánh Đán, Đoan dương) các Giám sinh đều mũ áo vào sân điện Cần chính để chiêm bái.


7- Hàng năm cứ đến cuối tháng chạp, sau ngày cất ấn một ngày thì nghỉ học. Cũng tế lễ như ngày khai giảng.
Vua chuẩn.


1826 Sắp thi Hội, gia ơn cho học trò mỗi người 10 quan. Sai Giám thần xét hạch ai trúng ưu, bình, thứ cho thi cùng với Hương cống, hạng liệt sung bổ thư lại nhập lưu ở các bộ, viện và tả hữu Thừa Ty các dinh trấn.
Đổi cấp mũ áo Giám sinh :
1 mũ Tú tài bằng the nam, đằng trước đính một hoa bạc
1 áo tràng vạt bằng the nam mầu xanh lót lụa trắng
1 xiêm lụa mầu lam
Khăn, màng lưới (buộc tóc)
Hia tất.
5 năm đổi một lần.


1827 Giám sinh tọa giám được thăng bổ hay có lỗi phải cách thì mũ áo thanh khâm nhà nước phát phải chiếu lệ nộp trả, người ốm chết thì cho đem theo.


1828 Vua phán :"Mùa đông năm nay giá rét, bọn Giám sinh sách đèn cần khổ lấy gì chống rét ?", ban cho mỗi người 10 quan.


1829 Việc giảng tập thì trước giảng Ngũ kinh, Tứ Truyện, rồi Chính sử và Tính lý. Tập bài mỗi tháng chia làm bốn kỳ : ngày 3, 9, 17, 25.
Sau lại cho con các quan văn hưu trí hay đã quá cố từ tứ phẩm trở lên mỗi viên được một người dự.


1835 Ban cho quốc tử giám 50 bộ Tứ thư, Ngũ kinh, Tiểu học thông giám, Thi sách chế nghệ, Luật phú, Thi thiếp, Tiểu học thể chú để cấp phát cho Tôn snh, Ấm sinh, Sơ học sĩ nhân.
Lại sai khắc sách Tứ thư, Nhân vật bị khảo, Thi vạn tập yếu in 1000 bộ cấp thêm cho sĩ tử mượn về xem.


1836 Bộ Lễ tâu : Nhà Di Luân đặt bài vị tiên sư để làm chỗ cho học sinh bái vọng. Hàng năm khai giảng, nghỉ giảng đều làm lễ triều bái ở đó, Tiến sĩ tân khoa làm lễ Thích điện (24) cũng tại đó. văn miếu ở bên tả quốc tử giám, bái yết ở đó mới hợp nghi. Từ nay hễ học sinh vào nhà Giám, Giám thần mặc phẩm phục đem học sinh đến văn miếu làm lễ cáo yết xong lại về Giảng đường làm lễ tham yết. Khi các Tiến sĩ làm lễ Thích điện cũng xin cho làm ở sân miếu mới tỏ được trang trọng, kính cẩn. Còn chỗ bái vọng xin đừng đặt nữa. Vua y.


1837 Ấm sinh học quốc tử giám được một năm trở lên, kỳ khảo khóa làm đủ văn thể ba trường nếu gập kỳ thi Hương thì cho được thi, không câu nệ phải đủ hạn hai năm.
Tôn sinh ở Giám từ xấp xỉ 13, phải học thuộc lòng giảng tập, lấy chuyên cần hạn định ; 20 tuổi trở lên làm một bài Kinh, một bài Truyện và văn thể khoa trường, văn sách hỏi về việc đổi hoặc điều luật. Đến kỳ khảo khóa, bộ Lễ ủy người có khoa mục cùng sát hạch, người nào ở hạng kém thì người ấy và tư giáo phải tội như lệ cũng như Giám thần, Học chính và cha anh ngày thường không biết bảo thêm. Trong một năm và trong một hệ đuổi về Tôn tịch đến ba người thì Giám thần, Học chính, Tư giáo phải tội nặng hơn. Tư chất chậm, dốt, sức học không tiến, bẩm phủ rút về.
Tôn sinh như có việc, Tư giáo chuyển trình Giám thần, Học chính, gia hạn cho về thăm nhà, hết hạn không đến thì răn phạt mỗi ngày thêm một bậc, tội chỉ đến 50 roi, nếu vô cớ mà bỏ thiếu, Giám thần, Học chính và cha anh phải đem trừng trị, dung túng thì giao cho bộ nghiêm trị.


1854 Vua đến nhà Di Luân khảo xét và ban thưởng cho học trò.


1869 Định rõ chương trình quốc tử giám :
a- Tôn sinh chưa tập đủ thể văn, chưa phân biệt chấm câu, chấm ngắt, quan Học chính phải sớm chiều dậy bảo, hoặc đã tập đủ thể văn ba kỳ, sát hạch trúng hạng ưu,bình và đã thi Hương thì cho được cùng học với học sinh ở Giám chờ có tiến bộ, lại theo lệ cho làm Tôn sinh thượng hạng.
b- Ấm sinh học ở Giám đã đỗ Tú tài thì cho hội đồng khảo hạch không câu nệ niên hạn.
Hàng năm 2 tháng trọng sát hạch học sinh, khi chấm xong đem suốt cả sách học tập nửa năm trước xét kỹ học lực chăm hay lười, cân nhắc tính khấu trừ định hạng.
c- Giám sinh đã được xét bổ mà chưa có nơi khuyết, trừ người tình nguyện ở lại Giám thì cho học bổng, còn thì cho về quê chờ bổ.
Người mới vào Giám, tuổi 50 trở lên, chuẩn cho được chọn bổ giáo chức (25).



B- KHẢO HẠCH


Khảo hạch ở Giám có nhiều loại khác nhau, tùy trình độ mà đặt câu hỏi khó hay dễ nhưng cũng không ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử, Bách gia chư tử v.v...


a) Thi để được vào học ở quốc tử giám : các Học sinh / Cống sinh được tiến cử từ các phủ huyện hàng năm hay vài ba năm một lần, phải qua một kỳ thi do quan ở Giám sát hạch có đỗ mới được học. Kỳ thi này cũng để xét trình độ mỗi người mà cho vào học một trong ba xá sinh. Hạng ưu,bình dù không đỗ Hương thí cũng được vào học ở quốc tử giám, hạng liệt bị đuổi về.
b) Kiểm soát - Những người đang học ở quốc tử giám hàng năm vào bốn tháng trọng (tháng giữa mỗi mùa) phải thi để kiểm soát học lực có tiến bộ hay không. Kỳ thi này do bộ Lễ chủ trì, Giám thần và các quan Đô Giám viện khảo hạch. Sau mỗi kỳ thi đều có bản phúc trình lên vua.


1829 Bộ thần bàn : Phàm người nào được bổ Học sinh thì do quan Giám thần xét lại. Bậc nhất kiêm thông văn thể ba, bốn trường ; bậc nhì thông văn thể một, hai trường ; bậc ba chưa thông văn thể. Cấp cho bậc nhất mỗi tháng 2 quan tiền, 2 phương gạo. Cấp mũ áo.
Về đề mục thì bậc nhất theo đầu đề mà tập ; bậc nhì và bậc ba thì : Chế nghĩa 6 đề, tập 1 Kinh, 1 Truyện, thơ 1 bài, phú 6 vần, văn sách tập 1, 2 đoạn văn sử.
Bậc nhất hạn học 2 năm, bậc nhì hạn 3 năm, bậc ba hạn 4 năm. Nếu mãn hạn mà chưa học đủ văn thể 4 trường, chưa thi chưa trúng kỳ khảo sau 3 năm mà không được 1 ưu, 1 bình thì đều cách. Học lười, nết xấu, thiện tiện dời bỏ nhà trường thì đánh đòn. Rượu chè, cờ bạc, trai gái bị cách đuổi.
Vua y. Lại cho con quan tứ phẩm trở lên hưu trí hay đã chết cho một con làm học sinh.


c- Thi lấy học bổng - Những kỳ thi lấy học bổng do Giám quan và quan Học chính phụ trách.


- Tôn sinh -- Thi vào 4 tháng mạnh (tháng đầu mỗi mùa), được ưu hay ình thì tùy điểm mà cho học bổng, 3 lần bị liệt thì đuổi.
- Học bổng hàng tháng của Tôn sinh là 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu thắp đèn. Sau khi thi :
   - hạng ưu được tăng một nửa học bổng
   - hạng thứ bị giám một phần ba học bổng
   - hạng liệt truất ba tháng, 2 liệt thì truất 6 tháng, 3 liệt thì đuổi.
   - Ấm sinh - Thi vào 4 tháng trọng (tháng giữa mỗi mùa), chia ra ba hạng, học 2 năm hay 3, 4 năm Học xong thi cũng giống Giám sinh, được thi Hương, nếu không đủ khả năng làm văn thể trường thi thì bị đuổi.
Học bổng hàng tháng của mỗi hạng là :
   Hạng nhất (Ấm sinh thượng hạng / Thượng xá sinh) : 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu
   Hạng nhì (Trung xá sinh) được 1,5 quan tiền, 1,5 vuông gạo, 2,5 dầu
   Hạng ba (Hạ xá sinh) được 1 quan tiền, 1 vuông gạo, 2 cân dầu.
4 lần "thứ" thì đuổi.
Năm thứ 4 được học bổng như Giám sinh, thưởng phạt theo số điểm như nhau.
- Học sinh - Như Ấm sinh. Những người được ưu, bình, chưa đỗ thi Hương, được giữ lại học ở quốc tử giám, điểm xấu thì đuổi.
Học bổng hàng tháng là 2 quan tiền, 1 vuông gạo, 3 cân dầu. Sau khi thi :
   hạng ưu tăng lên 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu
   hạng bình được 2 quan tiền, 1,5 vuông gạo, 4 cân dầu
   hạng thứ được 1,5 quan tiền, 1 vuông gạo, 3 cân dầu ; 4 lần thứ thì đuổi.
- Cử nhân -- Thi vào tháng trọng mỗi mùa. Được ưu hạng thì tăng học bổng, 4 lần "thứ" thì đuổi.
Học bổng hàng tháng của Cử nhân là 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu. Sau khi thi :
   hạng ưu được tăng 1 quan tiền
   hạng bình giảm 1 cân dầu
   hạng thứ giảm 1 quan tiền, 2 cân dầu, thứ bốn lần thì bị đuổi.
- Giám sinh - 1826 Lệ cấp học bổng cho Giám sinh tọa Giám :
hạng ưu mỗi tháng được 4 quan tiền tiền, 2 vuông gạo, 5 cân dầu
hạng bình mỗi tháng được 3 quan tiền, 2 vuông gạo, 4 cân dầu
hạng thứ mỗi tháng 2 quan tiền, 2 vuông gạo, 3 cân dầu (26).


d- Hạch thi Hương, thi Hội - Ba năm một lần sát hạch trước mỗi kỳ thi Hương, thi Hội để chọn người được phép đự thi. Sĩ nhân phải khai tên tuổi, quê quán... đệ trình lên bộ Lễ rồi qua một cuộc Đình khiêu (khiêu= chọn lựa) do quan trong triều chủ trì.
1830 Lệ khảo hạch thi Hội : Trước kia các Giám sinh do quan ở Giám sát hạch rồi cho thi. Nay danh sách do quan nhà Giám dâng lên, vua sai sát hạch lại : hạng ưu được cùng thi với các Cử nhân, hạng nhì ở lại nhà Giám học tập, hạng liệt bổ làm vị nhập lưu thư lại ở các bộ.
Lệ này sau bãi bỏ, vua cho là quan ở Giám hiểu rõ trình độ học sinh hơn là khảo quan chỉ thi có một ngày, hễ Giám thần chọn là được đi thi, nếu có gì thì cứ Giám thần mà trách.
1837 Ấm sinh học ở quốc tử giám một năm trở lên, kỳ khảo khóa làm đủ văn thể ba trường, nếu gập kỳ thi Hương thì cho được thi không câu nệ phải đủ hạn hai năm.
 


C- Bổ dụng


1509 Sắc chỉ : quốc tử giám sinh ba xá sinh, người nào 30 tuổi trở lên thì bản quan mới được bảo cử bổ dụng.


1674 Giám sinh đã làm việc ở Giám 15 năm gọi là "thâm niên", đi thi nhiều lần, số vào đã đến thập trường (10 kỳ), nếu được quan ở Giám bảo cử, ở kinh thì được làm các chức Trưởng sử, Bạn độc, Tư nghị, Giảng dụ, Giám bạ, Tự ban, Cáp môn, Đô sự... ; ở ngoài thì làm Huyện úy, Tri châu, Huấn đạo. Sau khi nhậm chức mãn hạn hai tao ở kinh thì thăng Viên ngoại, Tự thừa, Lục sự, Huyện úy, Học chính... ; ở ngoài làm Tá mục, Đô quan... Viên nào trúng tam trường thi Hội, ở kinh thăng Lang trung, Thiếu khanh, Giáo thụ... ; ở ngoài làm Hiến phó. Nhiệm kỳ mãn hạn thăng Tham nghị (27).


1824 Chọn 10 Giám sinh giỏi giao bộ Lễ sát hạch, bộ Lại nghị bổ : quê từ Quảng-bình vào Nam làm Hàn lâm viện Kiểm thảo hay Điển bạ sung làm Hành tẩu văn phòng, quê từ Nghệ-an ra Bắc bổ Tư vụ 6 bộ.


1825 Kỳ khảo khóa tháng trọng Xuân sai Tham tri bộ Lễ Nguyễn Đăng Tuân , Ký lục Vũ Huy Đạt sung Chủ khảo, bọn Thiêm sự Trương Minh giảng12 người làm Phân khảo, đến Di Luân đường họp các học sinh tọa Giám khảo hạch. 7 người đỗ hạng ưu bổ Hàn lâm viện Kiểm thảo ; hạng bình ở lại học tập ; hạng thứ đình lương một tháng ; hạng liệt cùng những người cáo ốm trốn hạch 52 người đều bị cách.
Thự Tế tửu Trần Trọng Huyến và Thự Tư nghiệp Thân văn Quyền bị giáng chức : Giám sinh Lý Trần Trinh đến trước quan điển khảo tự trần rằng hạch 5 khóa y đều được ưu mà không được tuyển, những người được cử thì có người chỉ hạng bình, hạng thứ cùng là người mới bổ. Vua cho xét lại, giáng Huyến làm Chủ sự bộ Lễ, Qưyền làm Chủ sự bộ Lại.


* Ngoại hạng : 1841 Nguyễn Xuân Thưởng, ngoài 60 tuổi mà không dự hạng lấy đỗ (thi Hội). Vua xem danh sách, bảo Nội các :"Nhà nước dậy nuôi nhân tài muốn được kịp thời bổ dụng, sao nỡ để cho họ chìm mãi trong nhà Học, đọc sách đến bạc đầu ư ?". Truyền cho bộ Lại sát hạch, bổ làm Huấn đạo huyện Phú-xuyên.




Châtenay-Malabry tháng 3, 2004
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Sửa lại tháng 12, 2005
 


CHÚ THÍCH



1- Một vài sử gia viết :"1076 lập quốc tử giám, nền Đại học của ta bắt đầu thành hình" e không được chính xác. Những sắc lệnh thời Lê, Nguyễn, cho thấy học trò quốc tử giám chia ra ba hạng : Hạ xá sinh cho những người sơ học còn chưa biết cách chấm câu, Trung xá sinh đã biết làm văn bài, có thể đi thi Hương, thi Hội và Thượng xá sinh dành cho những người có trình độ cao nhất, như Hương cống (tức Cử nhân) hay Giám sinh chuẩn bị thi Hội. Học sinh theo học cấp cao đẳng gọi là Học sinh Thượng hạng. Trần Quý Cáp tuy không đỗ Cử nhân nhưng được dự thi Hội với tư cách là Học sinh Thượng hạng).


2- Nghìn Xưa Văn Hiến,IV, tr. 65 - Tuyển tập Văn bia Hà nội, tr. 14.
Khuê là tên một vì sao trong nhị thập bát tú, chủ về văn chương, đỗ đạt cao.


3- Trung Quốc Sử Cương, tr. 150, 271-3.


4- Tứ thư là : Đại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử.
Ngũ kinh là : Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu.


5- Mũ cao sơn có từ đời Trần, tựa như mũ viễn du (cao 9 tấc, thân thẳng, đỉnh hơi lõm, có ống suốt ngang để tháo ra) nhưng không có lõm hay ống suốt.
Mũ thái cổ = đời Trần, bằng vải thâm, của người mới gia quan đội.


6- Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí, 12.


7- Đời Lê, kinh thành (Thăng-long) nằm trong địa bàn phủ Phụng-thiên, phủ chia làm hai huyện Thọ-xương (trước là Vĩnh-xương) và Quảng-đức (trước là Vĩnh-thuận), mỗi huyện gồm 18 phường (Thăng-long, Đông đô, Hà-nội, tr. 46.


8- Lê triều chiếu lịnh thiện chính, tr. 167.


9- Phần đông chép là Ngô Thì Nhậm bị đem đến văn miếu đánh, nhưng Đại Nam Thực Lục Chính Biên lại chép là đem đến "Đốc Học Đường (quốc tử giám) đánh". Tôi chép theo phần đông vì nghĩ rằng năm 1803 Gia-Long bãi quốc tử giám ở Thăng-long, mà Ngô Thì Nhậm trước đã bị đem vào Huế rồi vì Gia-Long nghe Đặng Trần Thường xúi giục lại giái ra Thăng-long nghị tội, rồi bị đánh đên chết cũng năm 1803, rất có thể lúc ấy không còn quốc tử giám.


10- Đại Việt Sử Ký Tục Biên, tr. 345.


11- Thăng-long, Đông đô, Hà-nội, tr. 51-4.


12- Văn khắc Hán Nôm, 882.


13- Đại Nam Nhất Thồng Chí - Kinh sư, tr. 37-8.


14- Đại Nam Nhất Thống Chí - Kinh sư, tr. 80 - BAVH, số 1, 1917, tr. 38.


15- Kinh sư, tr. 80.


16- Vũ Trung Tùy Bút : nhà xuất bản Đông Nam Á ở Paris in lại bản của nhà Văn Học ở Việt Nam (1972) thiếu đoạn này.


17- Kinh Sư, tr. 80-81. Kinh sư phân biệt quốc tử giám với trường Quốc học, Thực Lục dùng lẫn lộn hai từ này.


18- Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 1, 1917.


19- Tục biên, tr. 314.


20- Có chỗ chép là phương gạo, có chỗ chép là vuông gạo.
   1 phương gạo = 13 thăng hay 30 bát gạt bằng miệng, năm 1804 (theo Thực Lục, I I I, 241 - Đại Nam Điển Lệ, 223).
    1 vuông gạo = 40 lít, theo Việt-Nam Tự Điển của Lê văn Đức.
    1 vuông gạo = 604 gr 50, theo Nguyễn vănTrình và Ưng Trình, BAVH, số 1, 1917.


21- Đại Nam Thực Lục Chính Biên, XXXIV, 386.


22- Lịch Triều Tạp Kỷ, tập II, tr.153.


23- Mũ tứ phương bình đính = bằng da, bốn bề khâu giáp lại, trên hẹp dưới rộng, chóp phẳng (Cương Mục, I I I, 7)..


24- Lễ Thích điện = cúng tế Khổng Tử.


25- Thực Lục XXXI, tr. 309-10.


26- Đại Nam Điển Lệ, tr. 273.


27- Lịch Triều Tạp Kỷ, tập I, tr. 44.




SÁCH THAM KHẢO



Đại Nam Điển Lệ. Nguyễn Sĩ Giác phiên dịch. Saigon : Viện Đại học Saigon, Trường Đại học Luật khoa, 1962.


Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh Sư. Dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo. Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1960 ; tập I I I , "Tỉnh Hà nội". Hà nội : KHXH, 1971.


Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Hà nội : Sử Học, Khoa Học, KHXH, 1962-78.


Đại Việt Sử Ký Tục Biên (1676-1789). Hà nội : KHXH, 1991. Dịch giả và khảo chứng : Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng.


Đinh Gia Khánh chủ biên, Thăng long, Đông đô, Hà nội. Sở Văn Hóa Thông Tin Hà nội, 1991.


Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Dịch giả : Phạm Trọng Điềm, Hoa Bằng, Trần văn Giáp. Hà nội : Văn Sử Địa, 1957.


Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập. Saigon : Nam Chi Tùng Thư, 1966. Tái bản ở Mỹ.


Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính. Dịch giả Nguyễn Sĩ Giác. Saigon : Luật Khoa Đại Học, 1961.


Minh-Mệnh Chính Yếu, I. Huế : Thuận hóa, 1994.


Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, I. Dịch giả Cao Huy Giu. Hà nội : KHXH, 1967.


Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ. Dịch giả Hoa Bằng. Hà nội : KHXH, 1975.


Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Văn khắc Hán Nôm. Hà nội : KHXH, 1992-3.


Nguyễn văn Trình và Ưng Trình, "Le Quoc Tu Giam", BAVH (Bulletin des Amis du Viêux Hue), No 1, 1917.


Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút. Dịch giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Hà nội : Văn Học, 1972 ; Paris : Đông Nam Á tái bản, 1985.


Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Khoa Mục Chí. Tổ biên dịch : Viện Sử Học Viêẹt-Nam. Hà-nội : Sử Học, 1961.


Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương. Chợ lớn : Hồng Phát; 1958 ; Đại Nam tái bản ở Mỹ.


Trần Quốc Vượng, Giang Hà Vị, Nghìn Xưa Văn Hiến, IV. Hà nội : Kim Đồng, 1984.


Ưng Trình, "Le Temple des Kettrés", BAVH, số 4, 1916.


Vũ Tuân Sán, Ngô Thế Long, Trần văn Giáp phụ trách việc biên dịch, Tuyển tập Văn bia Hà nội, I. Hà nội : KHXH, 1978.

 

 

Lầu Khuê Các Văn

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org Nguyễn Thị Chân Quỳnh