Văn hóa Sa Huỳnh - Gò Mả Vôi

Vietsciences- Nguyễn Quang Trọng     12/04/05       

 

Giới thiệu sách: Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh - Gò Mả Vôi

Năm 2002, Phân Viện Khảo Cổ Học Chung và So Sánh tại Bonn (tiếng Đức viết tắt là KAVA, dùng trong bài này dưới tên Viện AVA) thuộc hệ thống Viện Khảo Cổ Quốc Gia Đức (DAI: Deutschen Archaeologischen Instituts) cho ra đời cuốn sách : "Neue Entdeckungen zur Sa Huynh- Kultur", hay "Những phát hiện mới về văn hóa Sa Huỳnh" - Gò Mả Vôi (ISBN 3-929290-27-8, Lindensoft phát hành).

Đây là một cuốn sách song ngữ độc đáo viết bằng hai thứ tiếng Đức và Việt thành hai cột trên mỗi trang. Hơn thế nữa : cuốn sách độc nhất từ trước đến nay về văn hóa Sa Huỳnh và là quyển thứ bảy trong loạt sách khảo cổ của Phân Viện AVA.

 Tựa sách Đức - Việt bìa ngoài cùng cỡ chữ nhưng phần chữ Việt in nghiêng ; bìa trong tóm tắt tiểu sử tác giả và giới thiệu sách mới Viện AVA. Sách giấy láng, chữ và hình kỹ thuật cao, rõ nét, hứa hẹn giữ được lâu dài, điều cần thiết cho một tài liệu khảo cổ.

Nội dung trình bày những di vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh, đa số tại địa điểm Gò Mả Vôi, với rất nhiều hình ảnh –125- , đa số in màu-.

Về các tác giả và tầm quan trọng của văn hóa Sa Huỳnh 

Đồng tác giả là ba nhà khảo cổ Andreas Reinecker, Nguyễn Chiều và Lâm thị Mỹ Dung. Ông Nguyễn Chiều dạy môn khảo cổ tại Đại học Tổng Hợp Hà Nội và là chuyên gia khảo cổ văn hóa Chàm. Bà Lâm thị Mỹ Dung là phó chủ nhiệm bộ môn khảo cổ học trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Hà Nội, giảng dạy về khảo cổ. Cả hai người đều đã trực tiếp khai quật nhiều di tích khảo cổ Việt Nam, đặc biệt là những di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh – Chàm.  Ông Reinecker phụ trách về khảo cổ học Đông Nam Á tại Viện AVA.

Ba tác giả khai quật địa điểm Gò Mả Vôi, trong khuôn khổ chương trình hợp tác quy mô giữa trường Đại Học Xã Hội Nhân Văn  và Viện AVA.

Hợp tác giữa ngành khảo cổ Việt Nam và khảo cổ thế giới chỉ bắt đầu có tính cách quy mô từ vài năm nay tuy trước đó đã có nhiều chương trình trao đổi "Bắc – Nam" giữa những nước giàu và nước nghèo. Những nhà khảo cổ thế giới trong thập niên 90 thế kỷ 20 rất chú ý đến văn hóa Sa Huỳnh, vì văn hóa này giàu những di vật độc đáo thời đại đồ sắt, những chum gốm to dùng táng người chết hiếm thấy, và nhất là vai trò quan trọng của văn hóa này trong tiền sử Đông Nam Á. Thật vậy, đồ trang sức đặc trưng Sa Huỳnh được tìm thấy tại nhiều địa điểm khác trên các đảo vùng Đông Nam Á, bằng chứng của sự buôn bán trao đổi đường xa, đặc biệt bằng tàu thuyền.

Những nhà khảo cổ nổi tiếng thế giới đều đưa văn hóa Sa Huỳnh vào các thuyết thiên di của những tộc người nói tiếng Nam Đảo, nhóm tiếng phong phú nhất của nhân loại. Và hiện nay, đường đi cùng lịch trình thiên di các tộc người nói tiếng Nam Đảo là đề tài nóng bỏng trong ngành khảo cổ thế giới.

Qua phân tích ADN / DNA các tộc người còn sống ngày nay trên lục địa Đông Nam Á và các đảo khắp Thái Bình Dương, sinh học phân tử đã đóng góp lớn vào hiểu biết về lịch sử nhóm nói tiếng Nam Đảo, nhưng vì nhóm này không có chữ viết, cho nên nguồn gốc cũng như lịch trình thiên di của họ vẫn còn là đề tài tranh cãi.

Sa Huỳnh nằm giữa vùng rộng lớn chứa "cái nôi" của dân nói tiếng Nam Đảo,  trải dài từ Đông Nam Trung Hoa đến Bắc Indonesia. Nhiều thuyết hiện nay đối nghịch nhau về nơi xuất xứ của nhóm người đã chiếm lĩnh các đảo Thái Bình Dương. Vì các hiểu biết hiện nay về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Tiền Sa Huỳnh rất giới hạn nên lập luận các thuyết thiếu cơ sở chính xác, dễ gây ra tranh luận. Đây có thể là một trong những lý do khiến ngành khảo cổ các nước tiên tiến hợp tác với Việt Nam.

Trong giới khảo cổ chuyên nghiệp, ông  Reinecker là người nhiệt tình với đất nước Việt Nam. Ông nói và viết rất thành thạo tiếng Việt, nên việc hợp tác với đồng nghiệp người Việt rất hiệu quả. Tình cảm với Việt Nam được ông thể hiện qua sách chuyên môn của Viện AVA Đức. Ngoài cuốn sách tôi giới thiệu trong bài này, ông đã viết trước đó một quyển khác cũng bằng song ngữ : “ Hành trình vào Khảo cổ học Việt Nam ” (Einfrung in die Archologie Vietnam, AVA Band 5, 1998). Ngoài ra ông tóm tắt bằng tiếng Việt cho cuốn sách Đức ngữ của Johannes Moser (Viện AVA) về văn hóa Hòa Bình (Hoabinhian : Geographie und Chronologie eines steinzeitlichen Technokomplexes in Sdostasien, AVA Band 5, 2001). Đây là những công trình hiếm có và quý giá.

Hiểu biết rõ về văn hóa Sa Huỳnh rất quan trọng cho ngành khảo cổ Việt Nam. Tại Việt Nam, vùng văn hóa Sa Huỳnh trải từ Quảng Nam đến Nam Bộ (Đồng Nai, Cần Giờ) và khởi đầu từ 500 năm trước công nguyên (CN) đến 100 năm sau CN. Dân thuộc văn hóa này có thể là tổ tiên thần dân  vương quốc Lâm Ấp ( tức Chiêm Thành-Champa- về sau ) và Phù Nam, là hai quốc gia hùng mạnh đầu CN, nay đã diệt vong.

Vương quốc Lâm Ap tại miền Trung Việt Nam có những ảnh hưởng văn minh Ấn Độ về tổ chức và chữ viết (chữ Phạn). Mà dân nước Lâm Ap không phải là di dân Ấn Độ : dân Chàm nói tiếng thuộc nhóm tiếng Nam Đảo, chứ không phải nhóm tiếng gốc Ấn Độ. Một điểm khác nữa là diện mạo người Chàm giống cư dân vùng Đông Nam Á, khác với người Ấn Độ phương bắc. Người ta biết có nhiều di dân gốc Ấn Độ đến toàn vùng ven biển Đông Dương vào đầu CN. Có thể một thành phần di dân đi từ vùng nói tiếng Phạn trên bán đảo Ấn Độ đã đến Sa Huỳnh bằng đường biển, nhưng trong khoảng thời gian quá ngắn (thế kỷ thứ hai sau CN) họ không thể tiêu diệt toàn bộ cư dân cổ tại đây và lập một nước chỉ thuần tuý gồm người gốc Ấn. Như vậy dân Lâm Ấp phải là con cháu của cư dân cổ Sa Huỳnh.

Nước Chàm bị nước Việt tiêu diệt khi người Việt bành trướng về phương Nam. Tiếng Việt  thuộc nhóm tiếng Nam Á lại mang nhiều tiếng gốc Nam Đảo, như vậy một thành phần tiếng Nam Đảo đến với người Việt từ đó.

Qua các khai quật ở miền Trung, tôi nhận thấy văn hóa Sa Huỳnh rực rỡ không kém văn hóa Đông Sơn trên đất Việt ở phía bắc. Thế nhưng vì thiếu thông tin khách quan và công trình nghiên cứu, hầu hết dân Việt Nam không lưu tâm, không hay biết để hãnh diện về nền văn hoá này.

 Sơ lược nội dung

Cuốn sách gồm năm phần :

Vài nét về tình hình nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh
Địa điểm Gò Mả Vôi
Danh mục hiện vật
Mối quan hệ văn hóa của khu mộ táng Gò Mả Vôi
Lưu vực sông Thu Bồn trong văn hóa Sa Huỳnh
,

Và những phần phụ như lời mở đầu, trang tóm lược sách bằng tiếng Anh, bản chữ tắt, mục lục, bản đồ hành chánh hiện tại với các tên tỉnh.

Sau phần mở đầu giới thiệu lịch sử vùng Hội An, công tác khảo cổ tại huyện Duy Xuyên và hợp tác khảo cổ Đức Việt, người đọc có ngay cái nhìn tổng quát về vùng khảo cổ qua nhiều ảnh màu các di tích Chàm, phố cổ Hội An, khu mộ và khuyên tai Pa Xua, cùng bản đồ đối chiếu với ảnh chụp từ vệ tinh vùng chung quanh Hội An. 

Chương Vài nét về tình hình nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh  ghi lại công bố đầu tiên trong Niên giám 1909 tập san trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và những khai quật của ngành khảo cổ Việt Nam trong giai đoạn 1975- 2002.

Khảo cổ gia Pháp trước kia tuy có công khám phá ra nền văn hóa Sa Huỳnh với gần 800 mộ chum khai quật, nhưng số di vật họ để lại Việt Nam có lẽ không đến mười phần trăm tổng số tìm thấy ; trong khoảng một trăm di vật có ảnh hay hình vẽ, phần lớn được đem về Pháp hoặc về các nơi sưu tập khác. Qua ba giai đoạn khảo cổ tại Quảng Nam sau 1975, nhiều di tích được phát hiện tại vùng Tam Mỹ – Đại Lãnh, vùng quanh Hội An, vùng Quế Sơn, Duy Xuyên. Một số di tích được khám phá tình cờ khi công nhân làm đường phải khai quật gấp.

Những chum táng phát hiện, vì chứa khá nhiều đồ tùy táng bằng kim loại, thuỷ tinh, gốm, và đồ trang sức bằng đá hay kim loại quý nên thường bị trộm ; các đồ quý này được bày bán trong các cửa hàng cho du khách.

Khai quật đúng quy cách một di tích tiền sử tốn nhiều công sức, thì giờ, vì phải cẩn thận cạo quét từng lớp mỏng đất để có thể lấy di vật trong nguyên trạng tìm thấy, phải rây đất tìm mảnh di  vật, di cốt, ghi chép tọa độ và xếp đặt, bảo quản đồ tìm được. Còn phá tung tìm một vài món có giá trị thương mại thì thật dễ. Và làm mất vĩnh viễn tất cả dấu vết quá khứ lịch sử tiền nhân.

Để hình dung phần nào mỹ thuật của người cổ Sa Huỳnh, xin quý độc giả xem hai trang 14,15 tập hợp hình những hạt chuỗi và khuyên tai đủ kiểu đủ loại đẹp độc đáo, kỷ vật của hai ngàn năm trước. Đó là những đồ táng thuộc di tích Gò Mùn (gần thị trấn Ái Nghĩa), nơi có nhiều đồ quý bị đánh cắp đem bán trong các cửa hàng đồ cổ tại Đà Nẵng, nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ tìm lại được chúng nữa !

Đồ trang sức bằng đá quý (nephrite) đặc trưng cho văn hoá Sa Huỳnh tìm thấy ở Gò Mun:

 

 Khuyên tai hình hai đầu thú (loài nai muntjac ở VN thời tiền sử)

Khuyên tai đẽo thành nhiều (hai đến bốn) mũi nhọn

Hạt chuỗi bằng thuỷ tinh cristal trong suốt (có lẽ xỏ xâu đeo)

Chum táng đặc trưng Sa Huỳnh bằng đất nung. Hình cho thấy chum đang phát hiện, còn chôn trong đất, phần miệng bị bể, bên trong có vật táng.

Chương hai cho biết vị trí di tích Gò Mả Vôi và những khu mộ chum trên những gò kế cận. Ảnh chụp cho thấy gò là các dải cồn cát hơi cao, cách nhau bằng những hàng ruộng hẹp, với những hố có cận ảnh mộ chum.

Việc khai quật được giới hạn trong khu mộ Gò Mả Vôi và Gò Miếu Ông. Toàn bộ di vật tìm thấy trong đợt khai quật này được miêu tả trong chương chính của sách, Danh mục hiện vật.  Khu mộ này do dân địa phương phát hiện, và phòng văn hóa- Thông Tin- Thể Thao huyện Duy Xuyên đào "chữa cháy" khoảng 30 mộ chum. Vì khai quật không do các nhà chuyên môn thực hiện nên đồ vật thì còn, mà mất đi những dữ kiện cho phép dựng lại mối liên hệ giữa các hiện vật qua vị trí chúng trong từng mộ. May thay, sau đó, ngành khảo cổ đào được ba chum lớn nằm tại  ba góc trong một hố vuông cạnh bốn thước. Một chum còn nguyên, trừ chiếc nắp bị vỡ khiến đồ gồm đặt trên nắp và miệng chum rơi vào trong. Trong chum còn có lao đồng , "chàng" và xà beng bằng sắt đã hoen rỉ … Xương cốt hầu hết đã mục nát.

Toàn thể di vật như chum trong hố và chum tái tạo (với mảnh vỡ ghép lại) được khảo sát, miêu tả tỉ mỉ : nồi gốm đáy bầu làm bằng đất đen hay nâu, chân đế, bát bồng ( có chân) , mâm bồng (hình loe rộng, trẹt, có chân ), bình và cốc bằng đồ gốm. Đồ gốm là hiện vật tiêu biểu các nền văn hóa : người ta định mối liên hệ giữa các món đồ tìm được ở những nơi khác nhau qua hình dáng, kiểu cách, kỹ thuật và mỹ thuật các hoa văn trang trí . Vì thế nên hoa văn được tác giả tả tỉ mỉ về dạng (kích thước, bề dày gốm, đặc điểm hình học), kỹ thuật trang trí và nơi trang trí trên đồ vật.

Sách cho thấy người Sa Huỳnh dùng rất nhiều kỹ thuật trang trí  như tô ánh chì, tô màu nâu đỏ, khắc lõm chấm, vạch, hình chân chim hay đường chỉ, miết láng gốm từng phần, làm gờ nổi, hình chìm do mép vỏ sò ấn xuống, vết chải bằng một loại dụng cụ tạo hàng vạch, bàn đập khắc vạch chéo hay bện thừng. Sự phối hợp hình dạng, kỹ thuật và mỹ thuật cho thấy đồ vật bằng gốm của văn hóa này phong phú và khác với đồ gốm văn hóa Đông Sơn và tiền Đông Sơn. Tuy một số đồ gốm cũng có hoa văn khắc thành dải băng, hình với vạch, rãnh, hình lượn sóng, dải chữ S, nhưng lối phối hợp thành hình khác hẳn mỹ thuật Đông Sơn. Tuy ảnh chụp đã khá rõ, các tác giả còn vẽ lại hình hoa văn bằng màu. Bên cạnh những đồ gia dụng kể trên còn có nhiều dọi se chỉ bằng gốm, trên một số có khắc hoa văn.

 Trong các hiện vật có một số dụng cụ kim loại, đa số bằng sắt. Đó là một đặc điểm khác của dụng cụ và vũ khí Sa Huỳnh so với di vật, đa số bằng đồng thau, của văn hóa Đông Sơn.

Rìu, lao đồng tuy cũng có nhưng không đa dạng bằng đồ sắt. Đáng chú ý hơn hết theo tôi, là các đồ trang sức bằng đá quý, và nhất là đồ thủy tinh. Những món nầy không những đẹp vì hình dáng và loại đá, mà còn quý báu vì cho thấy trình độ kỹ thuật của cư dân Sa Huỳnh, và vài nét xã hội cổ ở đấy.

Trình độ làm đồ trang sức bằng thủy tinh của người Sa Huỳnh đã đạt mức độ cao đến nỗi người ngày nay phải kinh ngạc. Hình chụp cho thấy vòng tay, hạt chuỗi to nhiều kiểu, và cả khuyên tai đặc trưng Sa Huỳnh mà trước đây người ta đã tìm đưiợc nhiều cái bằng đá rải rác từ Trung vào đến Nam Việt Nam. Các nhà khảo cổ mới đây cho biết đã tìm thấy tại khu mộ chum Lai Nghi (trong cùng vùng, gần Hội An) hơn ba ngàn hạt chuỗi đủ loại, cùng một cục thuỷ tinh nguyên liệu. Vào tháng 6 năm 2003, các nhà khảo cổ Việt Nam phát giác  thêm vô số hạt cườm li ti tại Động Cườm, ở xã Tăng Long ven biển xứ dừa Tam Quan. Sự hiện diện của thuỷ tinh nguyên liệu dùng để nắn thành đồ vật gợi ý rằng đồ trang sức được làm ngay tại vùng văn hóa Sa Huỳnh, chứ không phải từ ngoài du nhập vào.

 Chương bốn nói về mối quan hệ văn hóa của di tích và di vật thuộc khu mộ táng Gò Mả Vôi. Được khai quật đúng quy tắc, khu mộ táng này đã đưa đến những suy luận của các tác giả về phong tục mai táng và về đồ gốm cùng đồ bằng kim loại. Họ so sánh đặc điểm của khu di tích này với các địa diểm khác thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Phần chuyên môn này cho thấy có mối liên hệ văn hóa nào đó giữa di vật Sa Huỳnh Việt Nam với di vật cổ ở Thanh Hóa, ở Cam Pu Chia, và nhất là Phi Luật Tân, qua những khuyên tai giống nhau bằng gốm và cùng có hình con đỉa. Đồ tùy táng bằng đồng ở Gò Mả Vôi nhiều hơn so với các địa điểm Sa Huỳnh khác. Thoạt nhìn người ta có thể cho là rìu đồng tại đấy cũng giống với những hiện vật trống Đông Sơn, nhưng dưới mắt các nhà chuyên môn chúng có những điểm khác với di vật Đông Sơn. Đặc biệt tại khu vực khảo cổ Hội An người ta có tìm được rìu làm bằng hai kim loại khác nhau, là cái duy nhất thời tiền sử Việt Nam. Đó là một rìu lưỡi bằng sắt (đã rỉ ) nhưng họng tròn nối liền để tra cán (có lẽ bằng gỗ, không còn nữa) lại làm bằng đồng.

Đồ thuộc thủy tinh được phân tích thành phần hóa học và so sánh với đồ thủy tinh cổ các nơi khác. Đồ thủy tinh tại đây gần với đồ miền Bắc nếu dựa vào thành phần hóa học Dụng cụ bằng đá lửa ( bôn có vai ) hiếm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh khác cũng đã đào được tại Gò Mả Vôi, nhưng nằm ngoài các chum.

 Trong chương năm, các tác giả đưa những giả thuyết về sự chiếm lĩnh lưu vực sông Thu Bồn của cổ dân thuộc văn hoá Sa Huỳnh. Những câu hỏi lý thú đâ được đặt ra, gợi hướng suy nghĩ cho các nhà khảo cổ. Người ta tìm được bốn gương đồng thời Tây Hán, và nhiều đồ trang sức nhỏ bằng vàng, nhưng không có trống đồng loại Đông Sơn nào được tìm thấy trong vùng đồng bằng Quảng Nam, trong khi nhiều trống tìm được tại vùng núi bên trong và vùng biển phía nam Bình Định. Theo kết quả định niên đại carbon 14, Gò Mả Vôi có lẽ được người cư trú chỉ từ khoảng 300 trước Tây Lịch. Như vậy có thể người cổ đã di cư từ vùng khác đến Quảng Nam. Các tác giả nói lên quan điểm khác nhau của họ về sự di dân này, và kết luận cần nỗ lực nghiên cứu thêm trong tương lai.

 *

Cuốn sách được tóm tắt lại bằng tiếng Anh trong phần cuối. Đây cũng là một điểm hay, giúp cho các nhà chuyên môn không thạo hai thứ tiếng Đức Việt có được cái nhìn tổng quát về công trình này.

 Tính cách song ngữ, chuyên đề hiếm thấy về văn hóa cổ Sa Huỳnh, và những hình ảnh đẹp về một thời quá khứ “vàng son” của cổ dân trên đất Việt, theo tôi là những “điều kiện đủ” để mọi người Việt Nam có cuốn này trong tủ sách gia đình. Không lý do gì khiến người Việt thờ ơ với một văn hóa cổ đã từng sáng chói trên đất Việt. Người Trung Hoa đã bắt đầu đưa vào trong kho tàng văn hóa quốc gia của họ các nền văn hóa cổ dân xưa kia từng bị gọi là man di vì sống tại các vùng ngoại vi không thuộc văn minh Hán. Bởi vì, nghành khảo cổ đã tìm thấy nhiều bằng chứng văn hóa cổ rực rỡ ( nước Thục tại Sanxingdui ). Đất Việt chúng ta không chỉ có mỗi một văn hóa Đông Sơn, và người Việt cũng không hề thuần dòng máu "Đông Sơn". Mà dòng máu nào cũng đáng được kính trọng, kể cả dòng máu "Sa Huỳnh", tổ tiên người Chăm.

Xin cảm ơn tác giả Andreas Reinecker đã cho phép dùng hình ảnh trong cuốn sách cho bài này.

 
Diễn Đàn Forum, Paris, số 140 tháng 5/2004
 

© http://vietsciences.free.fr Nguyễn Quang Trọng