Thảm họa Courrières

Vietsciences-Đặng Đình Cung        14/05/2006    
  

 

Nghề công nhân mỏ là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Năm 1942, bên Trung quốc, có một tai nạn mỏ làm 1.549 người thiệt mạng. Với 1.099 tử vong tai nạn, mà sau này người ta gọi là "Thảm họa Courrières", là tai nạn mỏ khủng khiếp thứ nhì trong lịch sư ngành mỏ. Tai nạn này xẩy ra ngày mồng 10 tháng Ba năm 1906, cách đây một thế kỷ. Tai nạn đã để lại một ấn tượng mạnh và lâu bền trong ký ức những công nhân mỏ và đã là khởi điểm cho những biện pháp cương quyết về an toàn lao động. Năm 1967, chúng tôi có dịp đi thực tập tại khu mỏ Petite Rosselle, biên giới Pháp-Đức. Ở khu mỏ này đã xảy ra nhiều vụ nổ khí đốt[1] : năm 1907 (83 tử vong), năm 1948 (24 tử vong), năm 1958 (12 tử vong),… Nhưng khi đề cập những tai nạn mỏ thì dân địa phương thường nêu lên những gì cha ông họ kể về tai nạn và vụ đình công ở Courrières, miền Bắc nước Pháp, xẩy ra hơn sáu chục năm về trước.

Sau đây chúng tôi xin kể diễn biến Thảm họa Courrières, vụ đình công tiếp theo tai nạn và hậu quả chính trị của nó. Chúng tôi dựa trên những chuyện chúng tôi được dân khu mỏ Petite Rosselle kể về tai nạn này nhưng cũng bổ túc và kiểm tra thông tin qua những bài báo Pháp đã được đăng để tưởng niệm một trăm năm Thảm họa Courrières[2].

Diễn biến thảm họa

Tai nạn gọi là "Thảm họa Courrières" (Catastrophe de Courrières) từ tên Công ty Mỏ Courrières (Compagnie Minière de Courrières), chủ nhân khu mỏ. Thực ra tai nạn xẩy ra trên địa bàn ba xã Billy Montigny, Méricourt và Sallaumines. Cho tới bây giờ các chuyên gia vẫn bàn cãi về nguồn gốc tai nạn : lửa cháy, nổ than bụi hay là nổ khí đốt.

Ngày thứ Ba mồng 6 tháng Ba 1906, một đám cháy xẩy ra tại một mạch than ở giếng số 3, giếng Lavaleresse thuộc xã Méricourt. Những công nhân mỏ đòi đổ nước vào hầm để tắt lửa. Nhưng ban giám đốc quyết định cho xây một  bức tường ngăn lửa để có thể tiếp tục đào mỏ ở những nơi khác. Nhưng lửa không tắt và ngày mồng 8 và mồng 9 phải xây thêm một bức tường thứ hai.

Thứ Bẩy mồng 10, mặc dù đám cháy chưa được kiềm chế và mặc dù một đại biểu công nhân cảnh báo nguy cơ, ban giám đốc ra lệnh những công nhân mỏ phải xuống hầm làm việc. Lúc 06g00, 1.795 công nhân mỏ xuống hầm làm việc. Khoảng 06g35, bỗng nhiên giếng số 3 nổ. Lửa lan tràn những đường hầm về hướng những giếng khác. Những ngọn lửa nổ tung ra làm cho những đường hầm và những giếng mỏ lụt lở. Khói bốc lên nghi ngút. Những mái nhà và cửa kính những nhà xây gần những giếng bị phá bay tung lên. Xác một con ngựa, thùng thang máy và những thiết bị đào mỏ bị bắn tung ra khỏi những giếng. Quạt thông hơi bị phá vỡ ngưng không thổi nữa. Kỹ sư chỉ huy giếng số 3 dẫn công nhân dưới quyền của mình chạy ra ngoài. Bỗng nhiên một thùng thang máy bị thổi bốc mạnh lên trên và thùng thứ hai dùng làm ngược trọng bị dập xuống đáy giếng. Ở giếng số 2, giếng Auguste Lavaurs thuộc xã Billy Montigny, kỹ sư chỉ huy cũng dẫn công nhân dưới quyền chạy chốn. Khi thùng thang máy lên tới mặt đất thì tất cả đã chết xỉu.

Báo động được phát ra lúc 06g45. Nhưng đoàn cấp cứu chịu bó tay vì khí nóng không cho phép họ vào những đường hầm. Lúc 12g00, hai chục công nhân mỏ ngoi ra được khỏi một giếng. Xác những nạn nhân đầu tiên được mang ra ngoài trời lúc 19g00.

Chúa nhật 11 đoàn cấp cứu tìm cách thổi những khí độc ra khỏi các hầm và cứu thoát được thêm vài người.

Sáng thứ Hai 12 đội chữa cháy từ Paris chạy đến tăng cường đoàn cấp cứu địa phương. Đến chiều thì có thêm 25 chuyên viên từ vùng mỏ Westphalia, Đức, đến tiếp tay. Nhờ những bộ trợ giúp hô hấp những người cứu trợ này có thể xuống những đường hầm với hy vọng cứu được vài người còn sống. Nhưng họ chỉ mang lên mặt đất được một số người chết vì đã bị nghẹt thở hoặc đã bị cháy thiêu. Đến tối những người còn kẹt dưới mỏ đều bị coi là đã chết cả rồi.

Nhưng thứ Sáu 30 tháng Ba, ba tuần sau tai nạn, 13 người từ dưới mỏ bò ra. Trong thời gian bị nhốt họ đã ăn thịt một con ngựa, ăn thóc dành để nuôi con ngựa đó và uống nước tiểu của họ pha với nước lã. Với sự xuất hiện thần diệu của những người này, những đội cấp cứu lại phấn khởi cố gắng tìm xem có thêm người nào còn sống không.

Thứ Tư mồng 4 tháng Tư, người ta cứu được người sống sót cuối cùng còn ở giếng số 4, giếng Sainte Barbe thuộc xã Sallaumines. Chúa nhật mồng 8, cũng ở giếng đó, người ta lại phát hiện thêm một con ngựa hãy còn sống.

Việc gom xác tiến hành chậm chạp vì không khí ô nhiễm, những đám cháy và mùi hôi thối phát ra từ những xác chết. Đến ngày 25 tháng Bảy việc gom xác này mới được coi là hoàn tất. Tổng kết tai nạn là 1.099 người chết trong đó có 272 người không nhận dạng được. Những xác có gia đình nhận thì được an táng ở quê nhà còn những xác vô danh thì chôn ở một huyệt tập thể ở xã Méricourt.

 

 

Đình công

Những rối loạn bắt đầu ngày 13 tháng Ba, ba ngày sau vụ nổ. Hôm đó có tới 15.000 dân các xã Billy Montigny, Méricourt và Sallaumines tụ tập dưới làn mưa tuyết làm lễ an táng những nạn nhân đã được nhận dạng. Những thân hào luân phiên nhau phát biểu. Ở Méricourt, giám đốc Công ty Mỏ Lavaurs, nêu rằng tai nạn là một sự tiền mệnh và bị lãnh đạo công đoàn Basly cùng những người có mặt chất vấn. Ở Billy Montigny, kỹ sư trưởng bị đám đông la ó phải chạy chốn. Ngay tối hôm đó những công nhân mỏ quyết định bãi công.

Trên tờ Nhân đạo (L'Humanité) Jean Jaurès, lãnh tụ Đảng Xã hội, kêu gọi mở một đợt lạc quyên để giúp đỡ những gia đình công nhân mỏ bị khó khăn vì đã mất một cột trụ nuôi dưỡng. Ngày hôm sau ông viết một bài kết án ban giám đốc mỏ tham lam đã đặt lời lãi của họ trên sự an toàn của những người khố nạn. Ông đòi Công ty Mỏ Courrières bị tước nhượng quyền khai thác mỏ.

Ngày 17 tháng Ba, ban giám đốc mỏ quyết định ngưng mọi việc cấp cứu để có thể đào mỏ lấy than trở lại. 32.000 công nhân mỏ đình công. Không khí rất căng thẳng. Đoàn thể công nhân chia rẽ. Một bên ôn hòa, Công đoàn Già, do Émile Basly, một lãnh đạo công đoàn lão thành, cầm đầu và một bên cứng rắn, Công đoàn Trẻ, do Benoît Broutchoux, một tay gây rối vô trị, cầm đầu. Vụ đình công trở nên một phong trào khởi nghĩa với những vụ phá hoại và ẩu đả với quân nhân. Trước tình hình đó và với sức ép mị dân của Broutchoux, Công đoàn Già đành phải lấy thái độ cứng rắn. Nhất là phía chủ nhân không sốt sắng thương lượng lắm.

11 giờ sáng ngày hôm đó, Georges Clemenceau, tân bộ trưởng Nội vụ, đến Lens (huyện lỵ mà Courrières tùy thuộc). Ông ra lệnh tịch thu sổ khiếu nại trong đó những đại biểu công nhân đã ghi những nhận xét về an toàn của khu mỏ. Ông kêu gọi mọi người phải ôn hòa và tuyên bố tôn trọng quyền đình công và sẽ không gửi quân đội đến đàn áp đình công nếu tự do lao động được tôn trọng. Nhưng ba ngày sau ông điều quân đến chiếm vùng mỏ.

Ngày mồng 1 tháng Tư, hai ngày sau khi tìm được 13 người sống sót, bộ trưởng Công chính nịnh hót tuyên dương những người này. Hai người được Bắc đẩu Bội tinh (Légion d'Honneur) và những người khác huy chương vàng Anh dũng cử (Médaille d'Or du Courage).

Các công đoàn trách ban giám đốc đã vội vã bịt những giếng để có thể sớm tiếp tục khai thác mỏ bất chấp khả năng vẫn còn tìm được vài người sống sót. Bị nhóm vô trị Broutchoux lôi kéo, những công nhân mỏ giận dữ bao vây tòa thị sảnh Lens và cướp phá chợ Liévin gần đó. Ngày 14 tháng Tư, Ủy ban Điều tra Hành chính, do Bộ Công chánh triệu tập và do giám đốc Trường Hầm Mỏ chủ trì, miễn tội những kỹ sư mỏ. Được tin này những công nhân mỏ lại càng phẫn nộ thêm. Họ đánh đập những đại diện của Công ty, phá nhà giám đốc Công ty ở Lens, làm nổ nhà những tay phản đình công, cướp kho của Công ty. Lãnh đạo công đoàn ôn hòa Basly không kêu gọi được mọi người ngưng bạo động.

Trước tình hình bất ổn đó, ngày 18 tháng Tư, chính phủ Pháp ban bố quân luật ở vùng mỏ, cấm mọi tụ tập và ra lệnh 25.000 lính đương đầu với 70.000 người đình công. Ẩu đả giữa công nhân và quân nhân xẩy ra. Một số người bị thương. Một trung úy kỵ binh tử thương vì một viên đá ném vào đầu. Ngày 20 tháng Tư, bộ trưởng Nội vụ Georges Clemenceau, cùng với bộ trưởng Chiến tranh Eugène Étienne, đến dự lễ an táng vị sĩ quan bị nạn. Ông ra lệnh bắt giam Benoît  Broutchoux. Sau đó ông đến thăm những người bị thương, gặp giám đốc Công ty Mỏ Courrières và tham luận với đại biểu những người đình công.

Kể từ ngày 22 tháng Tư, quân đội kiểm soát toàn khu mỏ. Hai bên, công nhân và chủ nhân, bắt đầu thương lượng. Phía chủ nhân nhượng bộ một chút về mức lương. Từ 28 tháng Tư đến mồng 7 tháng Năm, những người đình công lần lượt làm việc trở lại vì không có lợi tức gia đình trở nên khốn cùng. Cuộc đình công bị coi là đã thất bại kể từ ngày mồng 8 tháng Năm.

Ngày 11 tháng Bảy, tòa án Béthune, chuẩn theo kết luận của Ủy ban Điều tra Hành chính, miễn tố những kỹ sư hầm mỏ. Không ai phản đối quyết định này. Ngày mồng 5 tháng Năm 1907, tòa án Arras miễn tố trách nhiệm hình sự của Công ty Mỏ Courrières. Mọi thủ tục kháng án liên tiếp của các công đoàn mỏ và của Đảng Xã hội đều vô hiệu.

 

Những hậu quả của thảm họa

Trong diễn biến của cuộc đình công có ba tác nhân nổi bật : Émile Basly, Benoît Broutchoux và Georges Clemenceau

Émile Basly là lãnh đạo một công đoàn bị gọi một cách chế riễu là Công đoàn Già. Công đoàn này gồm bởi những công nhân mỏ muốn cải cách trong khuôn khổ pháp lý. Ông đã được bầu làm nghị sĩ Đảng Xã hội năm 1891 và làm xã trưởng huyện lỵ Lens từ năm 1900. Ông đã là tác gỉa của nhiều đạo luật lao động trong đó có luật về ngày làm việc 8 giờ. Trong vụ đình công, ông là đối tác của bộ trưởng Clemenceau và của ban giám đốc Công ty Mỏ Courrières. Những lời kêu gọi mọi người trở lại bình an của ông không có hiệu lực vì bị Công đoàn Trẻ thi đua hứa hẹn[3].

Benoît Broutchoux là đoàn viên Công đoàn Trẻ thuộc xu hướng công đoàn vô trị. Nhân vật khá phức tạp này đã đi làm ở nhiều khu mỏ. Đến nơi nào ông cũng tụ tập nhân công, tổ chức đình công và, vì thế, bị đuổi đi. Sau khi ông bị Clemenceau bắt thì nhóm quá khích của Công đoàn Trẻ tan rã và không ai còn nhớ đến tông tích ông nữa.

Georges Clemenceau lúc còn trẻ thuộc xu hướng cực tả. Ông được bầu nghị sĩ rồi thượng nghị sĩ Paris. Ông nghĩ muốn đổi mới thì trước tiên phải có trị an. Vì thế, khi làm bộ trường Nội vụ và thủ tướng, ông đã đàn áp mọi rối loạn khi xẩy ra những vụ đình công đến nỗi bị mang tiếng là "người phá đám đình công". Ông cũng nổi tiếng là can đảm. Mọi người còn nhớ, trong Đệ nhất Thế chiến ông thường xuyên đi cổ võ binh lính ở tận những chiến hào tiền tuyến. Năm 1906, vừa mới được phong bộ trưởng Nội vụ có vài ngày ông đã đến huyện lỵ Lens để kêu gọi mọi người bình tĩnh. Sau đó, mặc dụ tình hình bất ổn, ông trở lại đương đầu với những người đình công bạo động và tạo điều kiện để hai bên công nhân và chủ nhân thương lượng. Người ta trách ông đã ra lệnh tịch thu sổ khiếu nại của công nhân mỏ : để bảo đảm tang vật cho tòa án hay là để giấu tội của ban giám đốc mỏ ?

Georges Clemenceau và Jean Jaurès là hai đối thủ chính trị thường xuyên đấu khẩu kịch liệt ở Quốc hội Pháp. Nhưng cả hai đã thi nhau đề xướng nhiều đạo luật cải thiện đời sống người lao động. Nửa năm sau vụ đình công ở Courrières và ngay sau khi nhận chức thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội vụ, ông Clemenceau ra nghị định thành lập Bộ Lao động đầu tiên trong lịch sử nước Pháp. Bộ này có một số bộ phận như Cục Lao động, Cục Bảo hiểm và Tương tế Xã hội và Cục Liên đới. Bộ này cũng có một đoàn thanh tra lao động với chức năng điều tra việc thi hành những quy định về lao động như là lương bổng, an toàn và vệ sinh lao động, lao động của thiếu nhi, lao động tại gia,…

Về phong trào công nhân thì, sau vụ đình công năm 1906 ở Courrières, những công nhân mỏ theo xu hướng công đoàn vô trị gia nhập công đoàn CGT (Confédération Générale du Travail, Tổng liên đoàn Lao động) mới được thành lập. Nhờ đó đội ngũ công đoàn này được tăng cường đáng kể và trở nên công đoàn Pháp đầu tiên có quy mô toàn quốc. Công đoàn CGT sẽ tranh đấu cho toàn thể giai cấp công nhân của mọi ngành nghề.

Những đoàn viên mỏ còn lại tiếp tục bảo vệ quyền lợi của riêng những công nhân mỏ. Họ có một số tiên quyết : chỉ bạo động khi phải tự vệ, cố gắng giải quyết mâu thuẫn với chủ nhân bằng thương lượng và những biện pháp pháp lý, tôn trọng công cụ hành nghề mặc dù những công cụ đó vẫn còn là sở hữu của chủ nhân,… Vì thế mà những công đoàn mỏ bị gọi là những "công đoàn theo chủ nghĩa nghiệp đoàn". Nhưng sau này, nhất là kể từ Đệ nhị Thế chiến, những công đoàn khác, kể cả công đoàn CGT, lần lượt tuân theo đường lối đó.

Một số lãnh đạo công đoàn mỏ có truyền thống ra tranh cử và đã được bầu vào những hội đồng xã và Quốc hội Pháp. Sau vụ đình công ở Courrières việc này trở nên một tập quán trong giới công nhân mỏ. Nhờ tham chính như vậy họ đã có khả năng đề ra những chủ trương thuận lợi cho giai cấp công nhân mà người lao động Pháp bây giờ hưởng thụ : tự do thành lập và gia nhập công đoàn, giảm thời gian lao động hàng tuần, nghỉ phép có lương, bảo hiểm y tế, lương hưu trí,…


 

[1] Hai hiểm nguy lớn nhất của ngành mỏ là bụi nổ và khí đốt nổ. Bụi than bay lơ lửng trên không vì những chuyển động trong hầm. Khí đốt là một hỗn hợp khí hydrocarbur gồm chủ yếu khí methane do sự biến đổi của than đá tụ tập ở một túi địa chất và có thể tung ra ngoài nếu túi đó bị phá vỡ. Trong một  hỗn hợp thích ứng với ô xy của không khí và nếu có một tia chớp sáng thì bụi than hay khí đốt có thể nổ.

[2] Đọc giả có thể tham khảo thêm những tài liệu sau đây :

Hồ sơ về thảm họa Courrières của nhật báo La Voix du Nord,
http://www.lavoixdunord.fr/vdn/journal/dossier/region/courrieres/home.shtml

Diana Cooper Richet : "1906 : La Tragédie de Courrières", Nhật báo L'Humanité,
http://www.humanite.presse.fr/journal/2004 04 03/2004 04 03 391257

Françoise Labalette : "Le Coup de Grisou... Social", Nguyệt san Historia,
http://www.historia.presse.fr/data/mag/711/71103801.html

Diana Cooper Richet : "Le Peuple de la Nuit. Mines etMmineurs en France XIXe XXe Siècles", Paris, Perrin, 2002

[3] Emile Zola (1840 1902) đã lấy Émile Basly làm mẫu cho nhân vật Étienne Lantier của tiểu thuyết Germinal. Điều đáng chu ý là tiểu thuyết Germinal xuất bản năm 1885 kể chuyện một cuộc đình công diễn biến đúng như cuộc đình công ở Courrières.năm 1906.

ĐẶNG Đình Cung
Kỹ sư Tư vấn

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.orghttp://vietsciences.net Đặng Đình Cung