Tìm đâu văn hóa xếp hàng…

Vietsciences- Hồng Lê Thọ          02/05/2009

 

Những bài cùng tác giả

Cảnh chen lấn ở cửa lên tàu ở Tokyo vào giờ cao điểm

Vào giờ cao điểm trong ngày, dân số ở Tokyo lên đến 35 triệu người, là một thành phố đông dân bậc nhất trên thế giới. Hàng triệu người từ các tỉnh thành phố lân cận như Saitama, Yokohama, Kanagawa…thậm chí xa hơn như từ các tỉnh miền bắc như Sendai, Niigata,Gunma,…từ miền nam như Osaka, Kobe , Nagoya …tràn vào theo những chuyến tàu siêu tốc(Shinkansen) vào sáng sớm. Nếu bạn đứng ở nhà ga Shinjuku ngay trung tâm Tokyo, là khu thương mại sầm uất, hàng ngày có hơn 3 triệu người vãng lai, tứ xứ dội về, bạn sẽ choáng ngợp vì hơi người, tiếng chân đi rầm rập, nối đuôi nhau như những đàn kiến dời tổ ! Riêng buổi sáng vào giờ cao điểm, tức khoảng 7.45-8.30 giờ, khoảng 900,000-1 triệu người ra vô tỏa đi các tuyến, qua lại giữa các chuyến tàu nối kết thành phố với các địa phương vùng tây bắc hay những tỉnh thành, ngoại ô chung quanh như các tuyến Odakyu, Keio, Seibu… của tư nhân, Yamanote, Chuo chạy quanh nội thành ghé qua và hàng chục tuyến khác của các công ty đường sắt công cộng đổ khách sang bến…Tôi còn nhớ đêm giao thừa cuối năm 1967 khi chân ướt chân ráo đến Nhật chưa đầy 4 ngày,anh Huỳnh Mùi* dắt ra nhà ga Shinjuku nầy và bỏ lại đấy cho tôi tự tìm đường về trong túi không có lấy một chữ Hán ! Thế mà võ vẽ dăm ba câu tiếng Anh chập choạng, nhờ các tàu xe đêm giao thừa chạy suốt đêm, 3 giờ sáng tôi cũng “mò “ về được đến căn phòng trọ 6 chiếu của anh ấy ở quận Bunkyo nhờ những người Nhật du xuân tử tế. Một cuộc phiêu lưu nhớ đời. Gặp tôi co mình lạnh cóng , mặt méo mó vì lo sợ, anh Mùi cười xòa “tui biết thế nào Thọ cũng tìm về được mà, có vậy mới quen đi lại một mình ở đây…”. Tóm tắt hành trình đêm ấy như sau: từ ga “Shinjuku” phải đi tàu Yamanote đến ga “Ikebukuro”, rồi đổi qua tuyến tàu ngầm màu đỏ(metro) Marunouchi đến ga “Hongosanchome” sau đó dùng tàu điện(như ở Hà nội) tìm đến trạm “Hakusan Ue”. Nghĩa là phải đổi 3 lần tàu, ngầm có, nổi có, “leng keng”(*) có…vẫn cùng ở trong nội thành Tokyo, tất cả nếu thuộc đường thì chỉ mất khoảng 40-50 phút. Kể dài dòng để bạn đọc hình dung được cảnh giao thông rối ren và phức tạp nhưng rất tiện lợi của một thành phố đông dân. Nhưng tuyến đường tàu công cộng các loại vẫn là phương tiện giao thông rẽ nhất , bảo đảm giờ giấc chính xác và có cả thì giờ “nhàn rỗi” trên tàu để đọc sách báo bổ ích nếu so với cảnh tắt đường hàng giờ khi di chuyển bằng ô tô.

Một cảnh trên sân ga Shinjuku(Tokyo)

Có hôm lên ga Tokyo nhưng lạc đường không biết cách về nhà vì tuyến trái chiều, phải đi cả cây số đường phố ngầm nối từ bến(Platform) nầy với bến kia mặc dù cùng là một ga, vất vả toát mồ hôi…bảo sao dù không tập thể dục vào sáng sớm người dân Tokyo vẫn khỏe mạnh và dẻo dai. Ngay ga “Yoyogi Koen”(thuộc tuyến Chiyoda) nơi có Đại sứ quán Việt nam về nhà tôi ở ga “Hasune”(tuyến Mita) phải đổi tàu tại ga “Otemachi”, nếu không biết bạn có thể đi loanh quanh cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tìm lối ra ! Mỗi ngày có 4 triệu khách xử dụng các tuyến Metro mà nếu ai cũng dành nhau, chen lấn, xô đẩy thì sẽ không thể nào luồng người”thông” được và càng làm trễ giờ vào sở hay nhỡ cuộc hẹn. Trật tự và kỹ luật của người đi đường, sắp hàng lên tàu, xe …là đương nhiên. Ý thức bắt buộc và tự giác đã tạo cho người dân một thói quen, lối sống hợp với “thường thức”(Joshiki) của xã hội, nếu làm khác đi người khác…bạn sẽ nhận một lời trách bằng ánh mắt khinh miệt, xem thường cho rằng bạn không có “văn hóa”, cho rẳng” từ sao hỏa rơi xuống” khi bạn khạc nhổ, vứt rác bừa bãi! Ngày nào ở sân ga trong thành phố đông dân như Tokyo, Osaka…nườm nượp hành khách, cũng sắp hàng 5-7 dãy dọc theo cửa ra vào tàu điện ngầm. Tàu dừng lại, cửa tự động mở và 3-4 dãy người gần cửa nhất tràn vào và 3-4 dãy kế tiếp chuyển qua gần cửa tiếp tục chờ chuyến tàu kế tiếp. Có khi tàu chở đến 300-400% khả năng chuyên chở vào giờ cao điểm sáng hay buổi chiều tan sở nhưng rồi, xe lắc lư một quãng thì “đâu lại vào đấy” ngay ngắn trở lại, dễ thở, đỡ ngột ngạt hơn Một buổi sáng đầu hè hay cuối năm, vào đợt bán hàng khuyến mãi của các siêu thị nổi tiếng như Seibu, Mitsukoshi, Odakyu, Matsuya nổi tiếng … bạn sẽ thấy các bà nội trợ kiên nhẫn xếp hàng rồng rắn kéo dài cả cây số trong trật tự từ tờ mờ sáng nói chi đến cảnh thanh niên, học sinh hay người chuộng môn thể thao chịu cảnh màn trời chiếu đất qua đêm để mua chiếc vé trận chung kết giáỉ bóng chày toàn quốc giữa các đội mạnh.

Sắp hàng chờ đến lượt mình không dừng lại ở thế giới người lớn mà thói quen nầy hình thành từ khi các cháu bé bắt đầu biết đi. Thật vậy, không ít người nước ngoài sửng sốt khi thấy cô giáo cho các cháu bé trai, bé gái sắp hàng song song trong sân để rửa tay sau khi từ nhà vệ sinh đi ra và thật ngạc nhiên khi nghe chúng í ới nhắc nhở nhau “vào hàng thẳng lối” rất hồn nhiên nhưng không thiếu phần nghiêm khắc. Rằng “đứng vào hàng đi, nối đuôi đúng chỗ nào bạn ơi !”

Vào được trong tàu ! thở phào nhẹ nhõm

Những “Joshiki”(thói quen thường thức--manners) nầy đã trở nên một qui ước hình thành trong nếp sinh hoạt cộng đồng, không thể tự ý vượt qua được trừ những kẻ làm bừa, vô trật tự hay lợi dụng sự hổn độn để làm điều xấu như móc túi trên tàu xe đông người, phóng uế bừa bãi, chen ngang dành chỗ hay quấy nhiễu tình dục đối với phụ nữ…của một số ít người mà xã hội nào cũng có.

Một lần đi máy bay từ Nội Bài về TPHCM, chờ đợi sốt ruột hay sao mà vừa có tiếng loa thông báo….ra máy bay chưa dứt thì bà con xách túi chạy nườm nượp, chen lấn kèm theo những lời khiếm nhã để tranh dành “chỗ tốt” mặc dù trên tay đã cầm thẻ lên tàu(boarding pass) với số ghế đã chỉ định. “Các bác ơi, cho em bé đi nhờ, chỗ của các bác có ghi số ai giành đâu, tội quá, từ từ đã nào” ! Một ông bố ôm cháu nhỏ đang khóc thét vì xô đẩy trên nấc thang lên máy bay. Vì vậy, đứng trước cảnh nam thanh nữ tú nhào vào hái, vặt hoa anh đào bất kể trong lễ hội Hoa anh đào ở Hà nội năm 2008 không làm ai ngạc nhiên, chỉ biết buồn và thở dài ngao ngán cho cảnh bát nháo vô văn hóa giữa thủ đô thanh thiên bạch nhật
. Hơn 500 bảo vệ được thuê đứng canh 6 gốc hoa anh đào trong lễ hội năm nay kèm nhiều tấm bảng “nhắc nhở” khách tham quan lễ hội phải “giữ gìn” đã đem lại trât tự và an toàn hơn nhưng xem ra vẫn chưa ổn.

Chỉ còn hơn năm rưỡi nữa lễ hội 1000 năm Thăng Long Hà Nội sẽ diễn ra rất tưng bừng như dự kiến và hi vọng của nhiều người. Hiện nay tiến độ thực hiện các công trình phục vụ lễ hội đang rất căng thẳng không kể lượng tiền tỷ bỏ ra trong lúc nền kinh tế đang vô cùng khó khăn nhưng liệu sự trật tự, thói quen sắp hàng có thể trở thành một biểu tượng tiến bộ, là nét son làm gương cho văn hóa lễ hội cả nước hay không ? Từ đó lan tỏa đến những sinh hoạt mang tính cộng đồng, nơi công cộng để noi theo.

Hi vọng trong một ngày không xa chung quanh hồ Hoàn kiếm là một con đường hoa đua sắc giữa ngày xuân nắng ấm trong đó có cả những dãy hoa anh đào trắng muốt lung linh trong gió như một người bạn Nhật đã gợi ý “ nên có phong trào đem hoa anh đào về VN trồng như ở Washington” khi thấy người Việt nam quá yêu chuộng…làm đậm nét nên thơ giữa lòng thủ đô…nhàn nhã và thanh lịch.

 

Hồng lê Thọ

4/2009

** TS-GS Huỳnh Mùi đã hồi hương năm 1977, giảng dạy tại Khoa Toán ĐHTHHN

*tàu điện như Hà nội người Nhật gọi là “Chin-Chin”(leng keng vì có gắn chuông báo hiệu) Densha (xưa gọi là Toden)…ngày nay không còn nhiều, ở Tokyo chỉ giữ một tuyến…làm danh thắng của thành phố.

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ