Vài nét về nước Nhật từ năm 1930 đến năm 1960

Vietsciences-Ngô Khôn Trí            19/09/2011
 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài


Nhân lúc tìm xem những hình ảnh về chiến tranh thế giới, vô tình xem được 2 đoạn phim giới thiệu về nước Nhật vào nhưng năm 1930 và năm 1960 (30 năm sau). Xin được ghi lại vài nét chính như sau :
 

Nước Nhật vào những năm 1930 :

http://www.youtube.com/watch?v=9BXPaz6KZvE&NR=1

Năm 1930, một phái đoàn của Mỹ đã đến cảng Yokohama bằng 1 chiếc tàu khổng lồ để tìm hiểu về nước Nhật. Họ đã phát hiện ra vẻ đẹp độc đáo của hoa Anh Đào trong đời sống của người Nhật. Điều làm họ ngạc nhiên hơn hết là khi thấy thành phố Tokyo với 8 triệu dân, so với vài năm trước đó đã có nhiều tiến bộ vượt bực và rất hiện đại, là 1 trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới lúc bấy giờ. Họ không nghĩ rằng tại Á Châu lại có được 1 thành phố hiện đại như thế. Ở những khu trung tâm của Tokyo như Ginza, Marunouchi đã có xe hơi chạy trên đường phố, có cột đèn đường và có cả đèn tín hiệu giao thông ở mỗi góc đường giống như khu phố thương mại ở bên Anh. Nhiều tòa nhà cao tầng nối liền nhau, có khách sạn Teikoku rất hiện đại được thiết kế bởi 1 kiến trúc sư người Mỹ, tượng trưng cho 1 nét văn hóa của phương Tây. Từ khi có khách sạn này, phong trào phụ nữ Nhật ăn mặc theo kiểu Nhật (Kimono) tổ chức làm đám cưới theo nghi thức Âu Châu trở nên rất thịnh hành. Các rạp hát tại khu Asakusa chiếu phim quốc nội bằng phim màu, mặc dù lúc bấy giờ phim màu phải nhập từ Mỹ.

Vào cuối đời vua Minh Trị, khoảng năm 1912 Nhật bắt đầu nhập cảng xe hơi vì chưa có kỹ thuật chế tạo, nhưng đến năm 1932 (năm Showa thứ 6) nước Nhật đã tự chế được xe hơi cho chính mình, đến năm 1937 thì phát triển mạnh, ngành chế tạo xe hơi này trở thành ngành mũi nhọn của Nhật lúc bấy giờ.

Năm 1937 cũng là năm Nhật đi xâm chiếm Trung quốc:

http://www.youtube.com/watch?v=wcsKZ7_yK40&feature=related 



Nước Nhật vào những năm 1960 :

http://www.youtube.com/watch?v=KPtk-HnC4DI&feature=related


Vào những năm 1960, trên đương phố Nhật không còn thấy những chiếc xe nhập cảng nữa mà phần lớn là xe của chính nước Nhật sản xuất (quốc sản). Mọi người ăn mặc tươm tất theo Âu Châu, đàn ông mặc veste, thắt cà vạt, khoác áo manteau. Rất hiếm khi thấy được những cô gái Nhật với bộ đồ Kimono truyền thống trừ những ngày lễ hội. Nhiều đường cao tốc được xây dựng, xe điện được phát triển trông rất hiện đại và là phương tiện di chuyển chủ yếu tại các thành phố lớn, nhiều tòa nhà cao vút với nhiều cửa hàng sang trọng. Trông rất văn mình không khác gì ngày hôm nay (2011).

Vào những năm 1970, nhiều thành phố dưới lòng đất được phát triển như ở Shinjuku, Shibuya, Ikebukuro. Nhiều tàu điện cũng được xây dựng để nối liền các thành phố dưới lòng đất này lại với nhau. Người ta có thể mua sắm, ăn uống, giải trí dưới lòng đất này mà không cần biết đến thời tiết bên ngoài ra sao.

Để có được 1 xã hội hiện đại vào năm 1960, nước Nhật đã có sẵn cơ sở hạ tầng từ những năm 1930. Từ năm 1912 đến năm 1932, trong 20 năm họ đã gầy dựng được kỹ nghệ chế tạo xe hơi, tàu bè, máy bay (dùng cho chiến tranh), tức là họ đã có nền tảng của kỹ nghệ cơ khí như luyện thép, gia công và những kỹ nghệ hỗ trợ như: tôi luyện sắt thép, mạ, sơn, chế biến cao su để chế tạo bánh xe, gia công những sản phẩm bằng nhựa, v.v….Trong khi ngày hôm nay (năm 2011) nhiều quốc gia ở Á châu , trừ Nam Hàn, Trung Quốc và Ấn Độ ra, phần lớn mới chỉ nằm trong giai đoạn lắp ráp, còn đang học hỏi những kỹ nghệ nền tảng. Bởi vì họ chưa có đủ một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật làm nền tảng cho việc phát triển công nghiệp. (Có lẽ trong giai đoạn này cán sự và kỹ sư cần nhiều hơn tiến sĩ ?). Nếu ta lấy con số 2011 trừ cho 1912 ta sẽ thấy nước Nhật đã đi trước các nước khác gần 99 năm, và nếu như tốc độ phát triển hay năng suất lao động của các nước chậm tiến không nhanh như Nhật thì khoảng cách này càng ngày càng xa thêm.

Tại Việt Nam mình, vào những năm 1930 chúng ta đã phải hy sinh tất cả để chống thực dân Pháp. Vào những năm 1960 thì nội chiến xảy ra, kéo dài cho đến năm 1975. Chúng ta đã bắt đầu xây dựng đất nước quá trễ so với Nhật ? Vừa xây dựng nền tảng công nghiệp lại vừa phải xây dựng nền tảng đạo đức nữa ?

Montréal ngày 17 / 9 / 2011
Ngô Khôn Trí
 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Ngô Khôn Trí