Vài nhận xét về nguồn gốc người Việt

Vietsciences-Trần Nam Bình       07/11/2007
 

Những bài cùng tác giả



1. Dẫn Nhập
 

Tôi là một độc giả đến muộn của Tập San Tư Tưởng. Tôi say mê và thích thú theo dõi các bài khảo cứu công phu và giá trị của các bậc học giả Việt Nam trên toàn thế giới. Đây thật là món ăn bổ ích cho những người muốn tìm tòi và học hỏi về văn hóa Việt Nam, đúng như một phần nào ý muốn của Ban Biên Tập Tư Tưởng.

Trong các bài tham khảo đó, tôi đặc biệt chú ý đến các loạt bài về nguồn gốc người Việt của nhiều tác giả khác nhau, chủ yếu là học giả Cung Đình Thanh. Đây là một đề tài mà rất nhiều người Việt, trong đó có cá nhân tôi, đã hằng quan tâm từ lâu nay. Các tác giả đã tổng hợp những dữ kiện và lý thuyết mới nhất để phác họa ra một bức tranh khá linh hoạt cho thời tiền sử của nước Việt. Hai điểm chính mà tất cả các tác giả muốn nhấn mạnh là:

· Tổ tiên người Việt đã góp phần rất lớn vào (nếu không sáng tạo ra) nền văn hóa Hòa Bình mà trung tâm có thể là đồng bằng Sông Hồng khoảng 10.000 năm trước.
· Nòi giống Bách Việt đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng về nhân chủng, văn hóa và kỹ thuật cho Trung Quốc, thường được xem là một trong những nền văn minh cổ, phức tạp và đa dạng nhất thế giới.

Thiết tưởng các nhà soạn thảo chương trình giáo dục trong nước phải cấp tốc mang những phát kiến này vào sách giáo khoa về lịch sử Việt Nam cho mọi trình độ: tiểu, trung và đại học. Nếu có điều kiện, những nhà khảo cổ, nhân chủng và sinh hóa học trong nước cũng nên tiếp tục khảo cứu hầu phát huy hai kết luận trên. Ở ngoài nước, các cơ quan truyền tin, truyền thanh nên giúp sức các nhà nghiên cứu phổ biến các kiến thức mới này đến mọi tầng lớp người Việt. Lấy thí dụ, đài truyền thanh sắc tộc SBS tại Sydney có thể phỏng vấn các học giả như Cung Đình Thanh, Nguyễn Đức Hiệp, vv trong các chương trình về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Tại sao chuyện này là cần thiết? Như các tác giả các bài trong Tập San Tư Tưởng, đăc biệt là học giả Cung Đình Thanh và Trương Nhược Thủy, đã trình bầy: con người là cội nguồn của văn hóa. Mà chỉ có văn hóa và bản sắc dân tộc mới giúp nước Việt phát triển gốc rễ hầu đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuậït thông tin. Cụ thể hơn nữa, có hiểu biết những thành tựu huy hoàng của tổ tiên, người Việt hiện nay mới nhận thức rõ sự kém cỏi của nước Việt trong nhiều thế kỷ qua. May ra nhờ đó sẽ nẩy sinh ra tinh thần đoàn kết Đại Việt, xóa bỏ mọi tỵ hiềm để cùng chung sức xây dựng một nước Việt tân tiến, giầu có và công bằng trong tinh thần văn hóa Cổ Việt.

Trở lại các bài khảo cứu về nguồn gốc người Việt đăng trên báo Tư Tưởng, tuy đây là những bài viết rất công phu, nhưng có một vài chi tiết hoặc chưa rõ ràng, hoặc chưa đồng nhất với nhau, hoặc chưa hoàn toàn phù hợp với các kết quả khoa học mới nhất. Vì thế hôm nay, tôi xin mạo muội ra ngoài sinh hoạt chuyên môn hàng ngày để đóng góp chút ít cho chủ đề nguồn gốc người Việt. Xin nói rõ ngay rằng các ý trong bài là tổng hợp những kiến thức tôi thu lượm được từ sách báo, tạp chí chuyên môn, vv. Vì không trực tiếp làm làm nghiên cứu trong bộ môn này, nên sai lầm và thiếu sót là chuyện khó thể tránh khỏi.

Bố cục bài này đi từ thế giới đến Việt Nam như sau. Phần 2 bắt đầu với tổng luận về nguồn gốc con người. Các câu hỏi như loài người là gì, từ đâu ra, xuất hiện lúc nào và tiến hóa ra sao sẽ được trả lời qua các kết quả nghiên cứu khoa học cập nhật nhất. Phần 3 thảo luận nguồn gốc loài người tại châu Á, nhất là Đông và Nam Á. Tuy chưa có câu trả lới dứt khoát, các kết quả di truyền học có xu hướng ủng hộ giả thuyết người châu Á hiện nay là hậu duệ của di dân từ châu Phi đến cách đây tương đối không lâu. Phần 4 tập trung vào chủ đề của bài: nguồn gốc người Việt. Phần này dựa trên các kết quả khảo cứu gần đây của các nhà khoa học Việt và nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Phần 5 tóm tắt các ý chính trong toàn bài và đưa ra vài nhận xét nhỏ.
 

2. Nguồn gốc loài người
 

Khi tìm hiểu về nguồn gốc loài người, các nhà khoa học phải trực diện với các câu hỏi có liên hệ với nhau như sau:

a. con người là gì?
b. thủy tổ loài người phát sinh từ chỗ nào?
c. con người xuất hiện từ lúc nào? và
d. loài người tiến hóa thành người hiện đại như thế nào?

Tuy khoa học đã tiến nhiều bước rất dài, vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát cho các câu hỏi trên, nhất là câu hỏi d. Sự thiếu nhất trí này, tương tự như trong các bộ môn khoa học khác, do hai yếu tố chính: thiếu dữ kiện và cách diễn dịch kết quả khác nhau.
 

2.a Con người là gì?
 

Con người hiện nay khác các loài động vật khác về nhiều mặt. Về cơ thể và hình dáng, con người đứng thẳng, đi hai chân và não bộ to so với cơ thể. Về hành vi và sinh hoạt thì con người biết làm và dùng khí cụ, sống có tổ chức, biết suy tính về tương lai và có thể thay đổi môi trường chung quanh tùy theo nhu cầu của mình. Về văn hóa, con người biết nói, có nghệ thuật, tự nhận thức mình và có khả năng phán đoán đạo đức.

Trong quá trình tiến hóa của loài người, yếu tố nào đã phân biệt con người ra khỏi các loài động vật khác, đặc biệt là nhóm khỉ hình người (apes)? Các suy nghĩ về bản chất của con người đã thay đổi theo thời gian, tùy theo điều kiện kinh tế hay xã hội của từng thời như sau:

§ Vào thế kỷ 19, cuộc đời được xem là cuộc chiến đấu, và sự tiến bộ xẩy ra do sáng kiến và cố gắng. Trong thời kỳ này người ta nhấn mạnh đến sự sáng tạo các võ khí bằng đá.
§ Đến dầu thế kỷ 20, các nhà nhân chủng coi sự tăng trưởng của óc và khả năng suy tưởng là đặc điểm đầu tiên của con người.
§ Vào khoảng thập niên 1940, giả thuyết Người là kẻ làm dụng cụ (Man the tool maker) trở thành phổ thông. Theo thuyết này, sự sáng tạo và sử dụng các công cụ đá (ngược với sáng tạo võ khí đá) là sức đẩy cho sự tiến hóa của con người.
§ Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, thuyết Người là khỉ giết nhau (Man the killer ape) được nhiều người công nhận vì nó phù hợp với thảm cảnh của chiến tranh.
§ Trong thập niên 1960, các nhà nhân chủng lại cho rằng lối sống săn bắn và hái lượm là nét chính trong nguồn gốc con người. Các thuyết này lại còøn chia thành hai thuyết phụ: Đàn ông săn bắn và Đàn bà hái lượm.

Các khám phá về khảo cổ và nhân chủng học trong vòng 30, 40 năm nay cho thấy thủy tổ loài người đã xuất hiện và đi hai chân rất nhiều triệu năm trước khi óc bắt đầu to ra và biết làm dụng cụ. Do đo,ù các giả thuyết mới nhất về nguồn gốc con nguời có khuyng hướng dựa trên sinh vật học hơn là văn hóa. Gần đây, các nhà cổ nhân chủng và sinh vật học tập trung rất nhiều vào việc giải thích tại sao thủy tổ loài người bỏ cây xuống đất đi bằng hai chân.

Ngày nay, phần lớn các nhà cổ nhân chủng học đồng ý rằng 'người đứng thẳng' (homo erectus) có thể xem là giống đầu tiên hội đủ tiêu chuẩn 'con người'. Người đứng thẳng xuất hiện tại Đông Phi vào khoảng 2 triệu năm trước. Khác với những giống người khỉ trước đó chỉ sống tại châu Phi, người đứng thẳng với đôi chân dài, bộ óc to và thân khỏe mạnh, lan tràn khắp cựu thế giới (châu Phi, Âu và Á) khá nhanh chóng. Phần 3 sắp tới sẽ thảo luận thêm về vấn đề này.

Trích Futura sciences

 


2.b Con người xuất hiện từ chỗ nào?

Từ trên xuống: Homo erectus, Neandertal, người

Căn cứ theo thuyết tiến hóa, loài người xuất hiện tại một địa phương nhất định, rồi lan dần đi nhiều nơi. Charles Darwin, ông tổ thuyết tiến hóa đã lập luận rằng châu Phi là cái nôi của nhân loại. Lý luận của Darwin rất đơn giản: châu Phi là nơi tìm thấy tinh tinh (chimpanzee) và khỉ đột (gorilla), hai họ hàng gần gũi nhất của loài người. Đây là một lập luận lý thuyết vì (i) lúc đó chưa kiếm được xương người hóa thạch tại châu Phi (chỉ mới kiếm thấy tại Neandertals, Đức) và (ii) làm sao biết tinh tinh và khỉ đột là loài gần gũi với loài người nhất? Các khai quật và nghiên cứu di truyền học sau này chứng minh Darwin hoàn toàn đúng, tuy rằng có một thời nhiều nhà khoa học tin sai rằng người hiện đại bắt nguồn từ giống người đứng thẳng tân thời tại Đông Á.

Cho đến gần nay, hầu hết các xương người hoá thạch đều kiếm thấy tại miền đông châu Phi. Vì thế trong thập niên 1980 có giả thuyết cho rằng Thung Lũng Rift tại châu Phi chia tổ tiên chung của con người và khỉ hình người thành hai nhóm. Vì điều kiện môi trường khác biệt, nhóm miền đông tiến hóa thành người trong khi nhóm miền tây tiến hóa thành tinh tinh và khỉ đột. Tuy nhiên, nếu khám phá mới nhất về thủy tổ loài người tại Chad (2.500 cây số về phía tây của Thung Lũng Rift) năm 2000 được công nhận, giả thuyết phân chia đông tây sẽ không còn đứng vững được.
 

 

 

 

 

2.c Loài người xuất hiện từ lúc nào?
 

Có hai phương pháp định tuổi thủy tổ loài người (người khỉ đi hai chân): xương hóa thạch và sinh hóa học. Một trở ngại chính của phương pháp dựa trên xương hóa thạch là dữ kiện rất là thiếu hụt. Phần lớn các nhà cổ nhân chủng học chỉ tìm thấy vài cái xương, một số răng, một phần của xương sọ hay xương mặt. Vì thế các diễn dịch khó mà đúng chắc chắn được. Trở ngại lớn hơn nữa là không biết là khi nào mới kiếm được xương hóa thạch của thủy tổ con người để xác định tuổi? Chính vì thế những giả thuyết về thủy tổ loài người dựa trên chứng cớ về xương hóa thạch được duyệt lại thường xuyên.

Một thí dụ về sự sai lầm lớn của các nhà cổ nhân chủng học như sau. Năm 1960, Elwyn Simons (Đại Học Yale) viết bài cho rằng người khỉ Ramapithecus tìm thấy tại Ấn Độ năm 1932 là thủy tổ loài người. Dựa trên một xương cằm trên của người khỉ Ramapithecus và số tuổi của trầm tích thạch chứa xương cằm này, Simons và cộng sự viên David Pilbeam kết luận là thủy tổ loài người xuất hiện cách đây ít nhất là 14, 15 triệu năm. Giả thuyết này đã được báo chí phổ biến và rất nhiều sách giáo khoa về nhân chủng học nhập môn cũng như bảo tàng viện thời đó chấp nhận là đúng. Trong đầu thập niên 1980, hai khám phá xương hóa thạch tại Tây Hồi (Pakistan) và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy thuyết này sai và người khỉ Ramapithecus hiện nay được xem là tổ tiên của loài dã nhân (orangutan).

Năm 1967, Alan Wison và Vincent Sarich, hai nhà sinh hóa học tại Đại Học California (Berkeley), dùng sự khác biệt cấu trúc của một số protein máu của người hiện đại và khỉ hình người châu Phi để định tuổi thủy tổ loài người. Dựa trên đồng hồ phân tử (molecular clock), hai nhà khoa học này kết luận con người tách ra khỏi tinh tinh khoảng 5 triệu năm trước đây. Các nhiên cứu sau này cho thấy giả thiết mức độ thay thế phân tử (molecular substitution rate) là hằng số của Wilson và Sarich có xu hướng đánh giá thấp tuổi thật của thủy tổ loài người. Phần lớn các nhà khoa học thời nay cho rằng tổ tiên con người bắt đầu xuất hiện khoảng 7 triệu năm trước, mặc dù các ước số từ 1 đến 13 triệu năm đã được đề xướng trong các công trình nghiên cứu di truyền học sau này.

Các khám phá xương hóa thạch trong những năm cuối cùng của thập niên 1990 chứng tỏ ước lượng 5 triệu năm của Wilson và Sarich (cũng như của nhiều nhà sinh hóa học sau đó) tuy hợp lý nhưng khá thấp. Người khỉ Sahelanthropus tchadensis tìm thấy tại Chad (Trung Phi) đã đi hai chân gần 7 triệu năm trước. Nếu người khỉ này không được xem là thủy tổ loài người, thì hai ứng viên liền sau đó là người khỉ Orrorin tugenensis (tìm thấy tại Kenya) 6 triệu tuổi và người khỉ Ardipithecus ramidus kadabba (tìm thấy tại Ethiopia) 5,8 triệu tuổi.

Những giả thuyết về người đứng thẳng cũng thay đổi khá nhiều theo các kết quả nghiên cứu cổ nhân chủng học. Hai loại xương hóa thạch của người đứng thẳng kiếm thấy đầu tiên là người Java năm 1891-2 (ước lượng 0,7 triệu tuổi) và người Bắc Kinh năm 1927-9 (0,23-0,58 triệu tuổi). Năm 1984, Richard Leakey và Alan Walker kiếm được tại bắc Kenya một bộ xương khá đầy đủ của người đứng thẳng Turkana với số tuổi ước độ 1,6 triệu năm. Do đó, cho đến đầu thập niên 1990, đa số các nhà khoa học vẫn tin rằng người đứng thẳng đi đến Đông Á khoảng 1 triệu năm trước.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi các thử nghiệm năm 1994 cho thấy hai di tích xương hóa thạch mới tại Java có niên đại rất cao: 1,81 ± 0,04 triệu năm (kiếm thấy tại Mojokerto năm 1936) và 1,66 ± 0,04 triệu năm (kiếm thấy tại Sangiran năm 1937). Trước đó, năm 1991, người ta tìm thấy tại Dmanisi (thuộc Georgia trong Liên bang Xô viết cũ) một xương cằm dưới của người đứng thẳng với tuổi ước lượng 1,8 triệu năm. Tuy các kết quả này vẫn còn trong vòng tranh luận, những bằng cớ trên cho thấy người đứng thẳng đã ra khỏi châu Phi rất sớm. Hiện nay, phần lớn các nhà khoa học tin rằng người đứng thẳng xuất hiện tại Đông Phi khoảng 2 triệu năm trước.
 

2.c Người hiện đại xuất phát ra sao?
 

Khi các chứng cớ xương hóa thạch còn ít, các nhà khoa học tin vào thuyết Một loài (Single specie). Theo thuyết này, con người tiến hóa theo một đường thẳng đơn giản từ người khỉ phương Nam (Australopithecus) tới người khéo tay (homo habilis) lên người đứng thẳng rồi đến nguời khôn ngoan cổ (archaic homo sapien) và cuối cùng là người cực kỳ khôn ngoan (homo sapiens sapiens) tức là người hiện đại. Tại mỗi thời điểm, chỉ có một loài người duy nhất hiện diện trên thế giới.

Những khám phá tương đối gần đây cho thấy thuyết Một loài không đúng. Sự tiến hóa của con người như một cây nhiều nhánh, nhiều cành. Trong quá khứ, đã có nhiều loại nguời khác nhau hiện diện cùng một lúc. Đặc biệt nhất là khoảng khoảng 2 triệu năm trước, người khỉ phương Nam, người khéo tay và người đứng thẳng cùng có mặt tại châu Phi. Tại Tây Á (Trung Đông), người Neanderthal (homo sapiens neanderthalensis) và người hiện đại cùng sinh hoạt trên một mảnh đất tương đối nhỏ trong vòng 50 ngàn năm. Tất cả những giống người cổ này đã biến mất, và trong khoảng 30 đến 25 ngàn năm nay trở lại, chỉ có loài người hiện đại sinh tồn trên trái đất này.

Các nhà cổ nhân chủng học đã đưa ra hai giả thuyết chính về nguồn gốc người hiện đại. Thuyết thứ nhất là Liên tục Địa phương (Regional Continuity) sau này bổ túc thành Liên tục Đa địa phương (Multiregional Continuity). Theo thuyết này, tất cả người hiện đại bắt nguồn từ người đứng thẳng tại châu Phi 2 triệu năm trước. Sau khi người đứng thẳng lan tràn nhiều nơi, dân số từng vùng tiến hóa độc lập tùy theo điều kiện địa phương, nhưng vẫn trao đổi gen và văn hóa với các dân chúng lân cận, do đó vẫn cùng là một loài. Sự trao đổi gen và văn hóa này từ từ dẫn đến sự khôn ngoan hóa (sapienization) của mọi chủng tộc.

Thuyết thứ nhì là thuyết Một gốc (Single origin), còn được gọi là giả thuyết Bắt nguồn từ châu Phi (Out of Africa) hay Thay thế Gần đây (Recent replacement). Thuyết Một gốc cho rằng tất cả loài người hiện nay bắt nguồn từ một nhóm người xuất hiện tại đông nam châu Phi cách đây độ 130 ngàn năm. Trong khoảng 130 đến 100 ngàn năm trước, nhóm người này đi dần lên miền đông bắc châu Phi đến Tây Á và sau đó tỏa ra khắp thế giới, thay thế tất cả những giống người địa phương mà không hội nhập gen với các giống người nay đã tuyệt chủng này.

Ở giữa hai giả thuyết Liên tục Đa địa phương và Một gốc là các thuyết trung gian như Lai giống và Thay thế (hybirdization and replacement) và Đồng hóa (Assimilation). Giả thuyết Lai giống và Thay thế lập luận rằng người hiện đại từ châu Phi đến lai giống với các sắc dân bản xứ, cuối cùng thay thế dân bản xứ. Đây là một quá trình chậm chạp và phức tạp, nhưng chủ yếu vẫn là thay thế. Giả thuyết Đồng hóa chấp nhận nguồn gốc châu Phi của người hiện đại, nhưng chối bỏ sự thay thế hay di dân là yếu tố chính trong diện mạo và cơ thể của người hiện đại.

Năm 1987, dựa trên các công trình phân tích DNA mitochondrial (mt) của nhiều sắc dân thời nay, Rebecca Cann, Mark Stoneking và Alan Wilson kết luận rằng tất cả các khác biệt của DNA mt trong dân chúng ngày nay đều bắt nguồn từ một phân tử tổ của một người đàn bà sống cách đây chừng 200 ngàn năm (với biên độ từ 140 đến 290 ngàn năm) tại châu Phi. Luận cứ này thường được giới báo chí diễn dịch (một cách sai lạc) là tất cả người hiện đại là con cháu của một tổ mẫu chung (mà ngôn ngữ phương tây gọi là bà Eve). Sau đó, trong một bài phỏng vấn với báo Los Angeles Times, Alan Wilson còn rút ngắn tuổi của người hiện đại xuống thành 142 ngàn năm và nói rõ người hiện đại là hậu duệ của giống người săn bắn hái lượm !Kung San (thường gọi là Bushmen) hiện sống tại sa mạc Kalahari.

Tuy các nghiên cứu di truyền học nói chung có xu hướng ủng hộ giả thuyết Một gốc, các nhà sinh hóa học vẫn chưa nhất trí về nguồn gốc người hiện đại. Các kết quả thu lượm được tùy thuộc rất nhiều vào dữ kiện và giả thiết dùng, cũng như phương pháp phân tích và diễn dịch kết quả. Một số nhà sinh hóa học vẫn chưa chấp nhận kết quả tiên phong của Cann, Stoneking và Wilson. Vài vấn đề chính của nghiên cứu sinh hóa học làø:

§ Tuổi của người hiện đại dựa trên đồng hồ phân tử tùy thuộc rất nhiều vào thời điểm người và tinh tinh tách khỏi nhau (nên nhớ là ước lượng 5 triệu năm của Wilson và Sarich thấp hơn các kết quả khai quật rất nhiều). Một số nghiên cứu DNA mt khác cho rằng tuổi người hiện đại biến thiên từ dưới 100 ngàn cho đến gần 900 ngàn năm.
§ Một số kết quả nghiên cứu di truyền học đề xướng rằng nhóm dân tổ tiên loài người hiện đại có ít nhất là 500 người và con số 10.000 là hợp lý nhất (thay vì chỉ một bà tổ mẫu Eve!)
§ Gốc rễ châu Phi của cây di truyền DNA mt phù hợp với thuyết Một gốc, nhưng không loại trừ được thuyết Liên tục Đa địa phương.
§ Một số kết quả khảo cứu về di truyền học khác cho thấy người cổ tại châu Á có đóng góp vào số lượng gen của người hiện đại. Thêm nữa, con người đã di cư ra khỏi và trở lại châu Phi thay vì di cư một chiều và thay thế một các đơn giản như lập luận của thuyết Một gốc.
§ Về phương diện xương hóa thạch, thuyết Một gốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích nguồn gốc thổ dân châu Úc. Xương hóa thạch tìm thấy tại Lake Mungo (ước lượng 60 ngàn tuổi) có hình dạng thanh tú, tân thời trong khi các xương hóa thạch khác mới hơn (chỉ độ 20 ngàn tuổi) lại mang hình dáng người cổ như xương sọ dầy, cung mày gồ, răng to, vv.

Nói tóm lại, các công trình nghiên cứu sinh hóa học cho thấy ngày nay chúng ta không thể chấp nhận giả thuyết Liên tục Đa địa phương thuần túy. Tương tự, tuy được nhiều công trình sinh hóa học và ngôn ngữ học ủng hộ, dạng cực đoan của giả thuyết Một gốc cũng không thể giải thích thỏa đáng mọi số câu hỏi liên quan đến nguồn gốc người hiện đại.
 

3. Nguồn gốc loài người tại châu Á
 

Trong việc tìm kiếm nguồn gốc loài người, các nhà khoa học đã chú ý đến châu Á rất sớm. Vào thời Darwin, nhà sinh vật học Đức Ernst Haeckel tin (sai) rằng khỉ hình nguời châu Á (dã nhân và nhất là vượn) gần với loài người hơn là khỉ hình người châu Phi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc bác sĩ Hòa Lan Eugène Dubois tìm thấy xương hóa thạch của người đứng thẳng tại Trinil (Java) năm 1891-2. Tuy Dubois tin rằng người Java gần 1 triệu tuổi, phần lớn các nhà khoa học cho rằng người Java khoảng độ 0,7 triệu năm.

Trong đầu thập niên 1920 đội khoa học Davidson Black (Gia Nã Đại), Gunnar Andersson (Thụy Điển) và Otto Zdansky (Áo) tìm thấy tại Zhoukoudian (Chu Khẩu Điếm) gần Bắc Kinh xương hóa thạch của người đứng thẳng. Sau gần 10 năm nghiên cứu dưới sự lãnh đạo của Pei Wenzhong (Trung Quốc) và Franz Weidenreich (Đức), di tích của khoảng 14 người đừng thẳng đã được tìm thấy tại Địa điểm 1 (Locality 1) trong hang Chu Khẩu Điếm. Một đặc điểm của di tích Chu Khẩu Điểm là người Bắc Kinh chắc chắn biết dùng lửa. Rất tiếc là bản chính của hầu hết những xương hoá thạch này đã bị thất lạc vì Thế Chiến Thứ Hai.

Vào cuối thập niên 1930, nhà khoa học Hòa Lan Gustav von Koenigswald tìm thấy thêm rất nhiều xương hóa thạch của người đứng thẳng tại một số địa điểm khác nhau tại Java. Các khám phá tại Trung Quốc và Java chuyển hướng nghiên cứu nguồn gốc loài người từ châu Âu sang Đông Á và Nam Á vào hai thập niên 1930 và 1940. Cũng trong thời kỳ đó, rất nhiều nhà khoa học tin rằng Đông Á là cái nôi của người hiện đại.

Nhân đây cũng xin góp ý với học giả Cung Đình Thanh về người Bắc Kinh. Trong bài Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Tư Tưởng số 2 (trang 11-12), ông viết:

Giai đoạn hai khởi đầu, … nên người ta cứ nghĩ đây là những xương có niên đại rất xa xưa, hàng trăm ngàn năm.
Đến giai đoạn thứ ba, …người ta đã biết niên đại chính xác của những sọ người ở Chu Khẩu Điếm là 16922 năm trước kỷ nguyên (O. Barnard 1980: 27 - C2K-126).

Nếu người Bắc Kinh quả thật chưa đến 20 ngàn năm thì giới khoa học không thể nào tiếp tục gọi người Bắc Kinh làø người đứng thẳng mà phải gọi là người hiện đại. Theo tôi hiểu thì các nhà khoa học kiếm thấy xương hóa thạch người cổ tại ba chỗ trong hang Chu Khẩu Điếm: Địa điểm 1, Địa điểm 4 và Hang Trên (Shandingdong hay Upper cave). Tại Địa điểm 1, các nhà khảo cổ kiếm được xương của người đứng thẳng trong 11 lớp đất (tuổi ước lượng từ 230 ngàn năm cho lớp 1-3 đến 578 ngàn năm cho lớp 11). Đây là những số tuổi tin được cho người đứng thẳng. Tại Hang Trên là nơi khám phá xương người hiện đại (homo sapiens) vì thế số tuổi gần 19 ngàn năm cũng hợp lý, tuy rằng ước lượng mới nhất là từø 12.175 ± 360 năm (lớp trên cùng) đến 35.200 ± 2.000 năm (lớp cơ bản).

Khi phương pháp đo tuổi xương hóa thạch người cổ đại chưa tiến bộ, các nhà khoa học tin rằng người đứng thẳng di cư từ châu Phi sang châu Á khoảng 1 triệu năm trước. Đến khi cách định tuổi trở nên tân tiến hơn thì con số này trở thành 1,5 triệu năm và hiện thời là 2 triệu năm, mặc dù người đứng thẳng châu Phi (homo ergaster) cổ nhất kiếm thấy tại Koobi Fora (Kenya) chỉ độ 1,78 triệu tuổi. Lý do chính là vì tuổi của các người đứng thẳng kiếm thấy tại Java cuối thập niên 1930 đã được tái xác định gần đây như sau: Mojokerto 1,81 triệu năm và Sangira 1,66 triệu năm. Kế đó là người đứng thẳng Lantian (tỉnh Shanxi, Trung Quốc) với tuổi ước lượng 1,15 triệu năm.

Vào cuối thập niên 1980, các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy một mảnh hàm dưới và vài chiếc răng tại hang Longgupo (tỉnh Tứ Xuyên). Đến năm 1995, Giáo sư Huang Wanpo và các cộng sự viên quốc tế công bố rằng tuổi các xương hóa thạch này vào khoảng 1,9 triệu năm. Bản báo cáo này cũng cho rằng người Longgupo gần với người khéo tay và người đứng thẳng châu Phi hơn là người đứng thẳng châu Á. Một số nhà cổ nhân chủng học chống đối kết luận này vì răng người Longgupo tương tự răng tổ tiên loài dã nhân. Những cuộc khai quật trong năm 1997 và 1998 tìm thấy tại đây một số dụng cụ bằng đá vôi rất to và thô sơ, tương đương với đồ tạo tác 2 triệu năm trước tại Oldowan (Đông Phi). Điều này làm sống lại giả thuyết im lìm từ lâu nay: gốc rễ người đứng thẳng là châu Á, không phải châu Phi.

Người đứng thẳng tồn tại đến lúc nào tại châu Á? Trước đây, phần lớn các nhà khoa học nghĩ rằng người đứng thẳng đã tuyệt chủng tại châu Á từ 200 đến 300 ngàn năm nay. Gần đây, các nhà địa kỳ học định lại tuổi của lớp đất chứa người đứng thẳng mới Solo (Java) chỉ vào khoảng 27 ngàn năm. Như vậy, có thể người đứng thẳng mới cùng hiện diện với người hiện đại tại Java một lúc, trong khi người đứng thẳng đã biến mất trong đất liền châu Á mấy trăm ngàn năm trước. Điều này không đáng ngạc nhiên vì tại Tây Á và châu Âu, người Neandertal và người hiện đại cùng hiện diện vài chục ngàn năm trước khi người Neandertal tuyệt chủng.

Người hiện đại xuất hiện từ châu Á từ lúc nào? Như đã bàn trong phần 2, người hiện đại đã có mặt tại Tây Á khoảng 100 ngàn năm trước. Còn Đông Á thì sao? Năm 1958, trong lúc đi kiếm phân bón, dân chúng Trung Quốc tìm thấy xương hoá thạch của người hiện đại Liujiang tại một hang nhỏ trong vùng Quảng Tây. Phương pháp định tuổi bằng phóng xạ gần đây cho biết người Liujiang khoảng 67 ngàn tuổi. Đây là thí dụ sớm nhất của người hiện đại tại Đông Á, tuy rằng con số này vẫn chưa được chính thức công nhận.

Cho đến giữa thập niên 1990, quan điểm của các nhà học giả về nguồn gốc người hiện đại châu Á gồm các trường phái sau đây:

§ Một số nhà cổ nhân chủng học, nhất là các nhà khoa học Trung Quốc, tin vào thuyết Liên tục Đa địa phương. Họ nghĩ rằng người đứng thẳng tại Đông Á tiến hóa thành người hiện đại một cách độc lập, tuy có sự pha trộn nhỏ với các dân từ chỗ khác đến. Cơ sở chính của những lập luận này là sự liên tục về hình thái giữa những xương hoá thạch rất lâu đời và người hiện đại tại Đông Á, Nam Á và châu Đại Dương.
§ Có nhà khoa học lại chủ xướng mô hình 'Hai địa phương' (Diregional model) dựa trên sự khác biệt về thích ứng nhai nghiền. Theo thuyết này thì vừa có liên tục địa phương và vừa có sự thay thế bởi di dân từ châu Phi đến. Mức độ liên tục tùy theo khoảng cách tính từ châu Phi: 100% cho châu Phi, 90% cho châu Đại dương (kể cả Nam Á), 70% cho Đông Á, 30% cho Tây Á & Trung Âu, và 10% cho Tây Âu.
§ Có người còn đi xa hơn nữa. Dựa vào một số chứng cớ về hình thái, nhất là răng, nhà nhân chủng học Christy Turner đề xướng thuyết 'Liên tục Thay đổi' (Shifting continuity). Theo thuyết này thì cái nôi loài người hiện đại chính là Đông Nam Á. Sự phát minh ra thuyền bè đã là kỹ thuật giúp người Đông Nam Á lan tràn khắp nơi một cách nhanh chóng và ít để lại dấu tích.
§ Một số nhà sinh hóa và ngôn ngữ học nghiêng về thuyết Một gốc. Họ cho rằng người hiện đại từ Tây Á lan tràn qua Đông Á và Nam Á, thay thế tất cả các giống người đứng thẳng châu Á mà không pha trộn gen với các giống người bản địa này.

Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, rất nhiều nghiên cứu sinh hóa về nguốn gốc người châu Á được công bố. Những kết quả mới này, tuy không hoàn toàn đồng nhất, có xu hướng ủng hộ thuyết Một gốc. Các kết quả chính như sau (hai kết quả đầu đã được tường thuậït rất chi tiết trong các số Tư Tưởng cũ)

§ Giáo sư Chu và các cộng sự viên (1998): Người hiện đại từ châu Phi đóng góp phần lớn vào tổng số gen của người Đông Á hiện nay. Ảnh hưởng của các giống người bản xứ, nếu có, không tìm thấy trong công trình nghiên cứu này. Dân chúng miền nam của Đông Á có lẽ bắt nguồn từ dân chúng Đông Nam Á (nguyên thủy di dân từ châu Phi sang).
§ Giáo sư Jin và các cộng sự viên (1999): Người hiện đại đã di dân ra khỏi châu Phi ít nhất là ba lần: đợt thứ nhất đến châu Úc, đợt thứ nhì đến châu Á (và sau đó châu Mỹ) và đợt thứ ba chủ yếu đến châu Âu.
§ Giáo sư Ding các cộng sự viên (2000): Không có chứng cớ ủng hộ sự hiện hữu của những khác biệt về gen giữa người miền nam và bắc của Đông Á. Phần lớn sự khác biệt giữa các địa phương là do sự cô lập vì khoảng cách.
§ Alonso và Armour (2001): Tổ tiên chung gần nhất của loài người hiện khoảng 1 triệu tuổi. Số tuổi này quá lớn so với lúc người hiện đại xuất hiện tại châu Phi theo thuyết Một gốc.
§ Giáo sư Ke các cộng sự viên (2001): Người hiện đại Đông Á bắt nguồn từ châu Phi 35 đến 89 ngàn năm trước. Tuy nhiên vẫn không thể loại trừ các đóng góp nhỏ của người địa phương.

Nói chung, các kết quả thu lượm gần đây càng lúc càng làm câu trả lời nguồn gốc người hiện đại châu Á phức tạp hơn. Tuy thuyết Một nguồn có cơ sở vững chắc hơn cả, di dân châu Phi không thể thay thế người địa phương một cách hoàn toàn hay đơn giản như thuyết này đềø nghị.

 

4. Nguồn gốc người Việt
 

Vì lý do địa lý, người Việt hiện nay là sự hợp chủng của các cuộc di dân từ nhiều hướng đến nước Việt hàng mấy chục ngàn năm nay. Căn cứ theo lịch sử, nguồn gốc người Việt không thể tách rời ra khỏi nguồn gốc của bộ tộc Bách Việt. Điều đó hàm nghĩa trước hết chúng ta cần nới rộng giới hạn nghiên cứu đến các tỉnh miền nam sông Dương Tử của Trung Quốc trước kia là lãnh thổ của dân Bách Việt như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, vv.

Kế tiếp, ta nên duyệt xét các di chỉ người tiền cổ tại Việt Nam. Vì Việt Nam nằm giữa quần đảo Nam Dương và Trung Quốc, chúng ta có thể suy đoán (một cách lý thuyết) rằng nước Việt đã là môi trường sinh hoạt thích hợp cho loài người từ thời rất xa xưa. Điều này đã được khẳng định qua các khám phá di tích xương hóa thạch và khí cụ của người tiền cổ tại Việt Nam. Các khám phá này đã được trình bầy khá chi tiết trong bài Sự hình thành văn minh Việt Nam của học giả Cung Đình Thanh (Tư Tưởng số 1, tháng 3 năm 1999, trang 6-7). Điểm cần chú ý nhất là sự phân phối di tích người tiền sử tại Việt Nam có tính cách khá liên tục về thời gian lẫn không gian.

Một vài quan sát cần được nhấn mạnh như sau. Thứ nhất, vào năm 1989 các nhà khảo cổ Việt-Mỹ tìm thấy trong hang làng Chám, Thanh Hóa xương hóa thạch của người khỉ Gigantophithecus. Tương tự như người khỉ Ramapithecus tìm thấy tại Ấn Độ, Tây Hồi và Thổ Nhĩ Kỳ, người khỉ Gigantophithecus có niên đại khoảng mười mấy triệu năm và được coi là có liên hệ trực tiếp với tổ tiên loài dã nhân. Điều này chứng tỏ ngay từ thưở sơ khai, nước Việt đã là địa bàn thích hợp cho các loài linh trưởng (primates).

Thứ hai, trong giới nhân chủng học quốc tế, Việt Nam được công nhận là một trong những địa điểm sinh hoạt của người đứng thẳng từ lâu. Nhiều di chỉ của người đứng thẳng và khí cụ bằng đá tương ứng thuộc kỹ nghệ Acheulean (đồ đá cũ) đã được tìm thấy khắp nước Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên bài tóm tắt của tác giả Cung Đình Thanh vừa dẫn, các công trình nghiên cứu này chưa trả lời được một câu hỏi căn bản: người đứng thẳng tồn tại ở Việt Nam đến lúc nào? Nên nhớ là trong lục địa châu Á, người đứng thẳng đã biến mất từ 200 đến 250 ngàn năm trước. Nếu niên đại của người đứng thẳng tại Việt Nam tương đối thấp (giống như người Solo), đây có thể là một thí dụ đầu tiên về sự đồng hiện hữu cũa người đứng thẳng và người hiện đại trong lục địa châu Á.

Trong bài đã dẫn, học giả Cung Đình Thanh cũng tóm tắt các khám phá trong nước, đại ý cho rằng có bằng cớ xương hóa thạch người vượn đang chuyển sang người hiện đại (homo erectus chuyển thành homo sapiens) và người hiện đại xuất hiện tại Việt Nam khoảng từ 80 đến 140 ngàn năm trước. Theo ý tôi, nếu gọi đó là người khôn ngoan cổ (homo sapiens archaic) thay vì người hiện đại thì có lẽ chính xác hơn vì hai lý do. Thứ nhất, căn cứ theo thuyết Một nguồn mà các công trình nghiên cứu di truyền học ủng hộ, người đứng thẳng/khôn ngoan cổ bản xứ đã bị thay thế bởi (thay vì chuyển hóa thành) người hiện đại di dân từ chỗ khác đến. (Nên nhớ là vì tìm thấy xương hóa thạch của nhiều giống người trong những lớp đất khác nhau, không có nghĩa là người lớp dưới chuyển hóa thành người lớp trên.) Thứ nhì, con số 80 đến 140 ngàn năm có lẽ quá sớm cho người hiện đại tại Việt Nam.

Nếu thuyết Một nguồn đúng thì người đứng thẳng tại Việt Nam không phải là tổ tiên chúng ta ngày nay. Do đó, ta chỉ nên tập trung vào người hiện đại từ châu Phi di dân sang tương đối gần đây. Hai câu hỏi chính là người hiện đại đến Việt Nam và miền nam Trung Quốc từ hướng nào và vào thời kỳ nào? Nếu người hiện đại phát xuất từ Tây Á 100 ngàn năm trước, thì dựa trên địa hình và khí hậu, tôi nghĩ con đường đi đến Việât Nam và nam Trung Quốc nhanh chóng và hợp lý nhất là:
§ phía tây từ đông bắc Ấn Độ qua Đông Hồi (Bangladesh), Miến Điện, Vân Nam rồi (a) theo ngã sông Hồng đến bắc Việt hay (b) tràn qua Quảng Tây và Quảng Đông; và
§ phía nam và đông từ quần đảo Nam Dương và bán đảo Mã Lai đi lên (đây là những người đi từ Nam Ấn sang Nam Dương trong một đợt di dân khác).

Giả thuyết vừa nêu trên tương tự như các thuyết cổ của các sử gia người Pháp mà cụ Trần Trọng Kim đã liệt kê trong cuốn Việt Nam Sử Lược (quyển 1, trang 5). Tuy nhiên có ba khác biệt căn bản. Thứ nhất, những người di dân này không đến từ miền núi tuyết Tây Tạng mà qua ngã Đông Hồi. Thứ hai, cuộc di dân này bắt đầu từ rất lâu, hàng mấy chục ngàn năm thay vì chỉ vài ngàn năm trước. Thứ ba, nên nhớ rằng đây không phải là một cuộc di dân duy nhất mà là nhiều đợt di dân liên tục. Hơn nữa, đây không phải là những đợt di dân một chiều mà là nhiều chiều (tây qua đông rồi đông qua tây, hay là nam lên bắc rồi bắc xuống nam), tùy theo từng giai đoạn và điều kiện sinh thái (chẳng hạn như biển tiến).

Về thời điểm thì công trình khảo cứu của Giáo sư Ke và các cộng sự viên nêu trong phần 3 cho rằng người hiện đại có mặt từ Đông Á khoảng 44 ngàn năm nay (với khoảng tin cậy 95% từ 34 đến 89 ngàn năm). Có lẽ con số trung bình 44 ngàn năm hơi thấp vì người hiện đại Liujing tìm thấy tại Quảng Tây (trước đây là lãnh thổ của bộ tộc Bách Việt) năm 1958 được ước lượng bằng phương pháp phóng xạ vào khoảng 67 ngàn tuổi. Đây là một ước số tin được và chứng minh rằng bộ tộc Bách Việt là một trong những sắc dân tiên khởi của Đông Á. Điều này phù hợp với các nghiên cứu sinh hóa học sẽ được nhắc đến dưới đây.

Người hiện đại đến Việt Nam và nam Trung Quốc từ hướng tây đã hợp chủng hay thay thế các sắc tộc địa phương lúc bấy giờ và dần dần trở thành giống dân mà các nhà chuyên môn gọi là Nam Á (southern Mongoloid hay Austro-Asiatic). Các đóng góp về gen của người bản xứ cho nòi Nam Á, nếu có, là vấn đề cần nghiên cứu thêm. Người hiện đại đi lên từ phía nam là giống người Nam Cổ (Australoid). Khi gặp gỡ trên đất nước Việt, sự hợp chủng của người Nam Á và Nam Cổ từ từ dành phần thắng về chủng tộc Nam Á, mặc dù dấu ấn văn minh hải đảo vẫn rất đậm nét trong lịch sử và văn hóa Việt Nam. Sự hợp chủng này là những quá trình dài hàng chục ngàn năm, và có thể tạm coi như hoàn tất khi nước Lạc Việt ra đời cách đây trên dưới 4 ngàn năm.

Giống người Nam Á tiếp tục tràn lên phía bắc, hợp chủng với các di dân từ trung Á thành người Bắc Á (nothern Mongoloid), và tràn xuống hướng đông nam trở thành các sắc dân Đông Nam Á hải đảo (Austronesian). Về sự liên hệ giữa người Nam Á (tiêu biểu là người Bách Việt) và người Bắc Á (tiêu biểu là người Hán), các tác giả Cung Đình Thanh và Nguyễn Đức Hiệp đã dựa rất nhiều vào kết quả nghiên cứu ấn hành năm 1998 của Giáo sư Chu và các cộng sự viên. Thật ra, rất nhiều công trình trước đó, cả hình thái học lẫn sinh hóa học, đã đi đến kết luận như vậy, và còn mạnh dạn hơn rất nhiều. Thí dụ, căn cứ trên những chứng cớ về hình thái như răng và xương đầu, các tác giả Turner (1990) và Hanihara (1993) đã chứng tỏ rằng người Bắc Á chuyển hóa từ người Nam Á ra.

Trong một công trình khảo cứu (ấn hành năm 1992) 153 mẫu DNA mt độc lập bao gồm bẩy sắc dân châu Á (14 Mã Lai gốc Nam Hoa, 14 người Malay, 32 thổ dân Malay, 32 thổ dân Sabah, 20 Đài Loan gốc trung Hán, 28 Việt Nam và 13 Nam Hàn), nhà di truyền học Ballinger và các cộng sự viên thấy rằng các giống dân này có chung một tổ tiên. Quan trọng hơn nữa, người Việt Nam có nhiều loại DNA mt nhất cũng như có tần số DNA mt với HpaI/HincII cao nhất, hàm nghĩa người Việt Nam là giống dân cổ nhất trong vùng Đông và Nam Á (trong khi người Hán là giống dân mới nhất). Các tác giả này đi đến kết luận rằng người Đông và Nam châu Á bắt nguồn từ giống Nam Á vào khoảng 61 tới 120 ngàn năm trước đây. Như thế, nguồn gốc lâu đời của người Việt và vai trò của bộ tộc Bách Việt trong việc thành hình các sắc dân Đông và Nam Á là những luận cứ khả tín, phù hợp với nghiên cứu độc lập về xương hóa thạch, hình thái học và di truyền học.
 

5. Kết luận

Tuy nguồn gốc loài người hiện đại vẫn còn nhiều nghi vấn, thuyết Một nguồn có cơ sở phù hợp với các chứng cớ khảo cổ, xương hóa thạch và sinh hóa học hơn cả. Theo giả thuyết này, người hiện đại phát sinh từ miền đông châu Phi cách đây vào khoảng 200 ngàn năm trước. Nhóm người này đi dần lên phía bắc, định cư tại Tây Á khoảng 100 ngàn năm trước đây và sau đó tỏa đi khắp thế giới theo ba đợt di dân chínhï như sau: Nam Á và châu Úc, Đông Á (và sau đó là châu Mỹ) và châu Âu.

Vấn đề chính vẫn chưa được trả lới dứt khoát là những người di dân này đã thay thế hay hợp chủng với giống người địa phương đã có mặt từ lâu như thế nào? Tại châu Âu, người hiện đại có vẻ như đã thay thế người Neandertal hoàn toàn, mặc dù các nhà nhân chủng học theo thuyết Liên tục Đa địa phương vẫn chưa đồng ý hẳn. Khác với châu Âu, xương hoá thạch loài người tại khắp vùng Đông và Nam Á chứng tỏ có sự liên tục về hình thái qua thời gian. Điều này cho thấy người hiện đại di dân từ châu Phi đến đã hợp chủng ít nhiều với các giống người địa phương. Tuy nhiên, các cống hiến di truyền của thổ dân châu Á tương đối nhỏ, và chưa được các nghiên cứu sinh hóa học xác nhận.

Tổng hợp các phát kiến khoa học trong thập niên 1990, bài này đề nghị như sau. Người hiện đại từ Tây Á di dân qua ngã đông bắc Ấn Độ đến định cư tại Miến Điện, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, miền Bắc nước Việt, vv cách đây khoảng 60, 70 ngàn năm. Các di dân này thay thế hay hợp chủng với các giống người thổ dân và trở thành giống người hiện đại mà các nhà nhân chủng học ngày nay gọi là Nam Á. Giống Nam Á này tiếp tục:
§ đi dần lên miền bắc, hợp chủng với người hiện đại đến từ ngã Bắc và Trung Á cũng như thổ dân sẵn có, trở thành người Bắc Á (tiêu biểu là Hán tộc) sau này; và
§ tràn xuống miền đông nam, lai giống với người hiện đại đến từ ngã Nam Ấn và người bản địa, trở thành các sắc dân Đông Nam Á hải đảo ngày nay như Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, vv.
Nòi Nam Á định cư tại miền nam Trung Quốc và bắc nước Việt dần dần phát triển văn minh Hòa Bình và trở thành các bộ tộc Bách Việt. Nói tóm lại, người Việt Nam ngày nay có một nguồn gốc rất lâu đời (có thể lâu đời nhất trong các nước Đông và Nam Á) cũng như những thành tựu văn hóa rất sâu xa trong quá trình lập quốc.

Để kết thúc bài này, tôi xin góp một hai ý nhỏ tại sao các nhà nghiên cứu phải bỏ công sức đi tìm hiểu cuội nguồn xa xưa hàng mấy chục ngàn năm của nòi giống mình? Trước hết, tìm hiểu về nguồn gốc của cha ông là để phát huy tinh thần tự hào dân tộc, không phải để dẫn đến tinh thần dân tộc hay quốc gia cực đoan. Một thí dụ của tinh thần dân tộc cực đoan là triệt để bài xích các cuộc xâm lăng từ phương bắc và đồng thời hết lời ngợi ca các chiến công nam tiến lấn đất và đồng hóa. Các lối suy nghĩ chủ quan, một chiều như vậy không giúp ích gì cho dân tộc trong bối cảnh 'làng thế giới'.

Tìm hiểu về nguốn gốc của mình là để biết người biết ta, để giữ vững bản sắc trong những cuộc cách mạng kỹ thuật lớn lao, sâu rộng và liên tục, và để tìm cách góp phần vào kho tàng văn minh nhân loại. Cụ thể hơn nữa, tìm hiểu về nguồn gốc mình để thấy sự gần gũi, gắn bó của các sắc dân láng giềng Đông Nam Á, một hình thức Bách Việt nới rộng. Hiểu về gốc rễ mình để tiếp tục theo đuổi và phát huy ý thức hệ Maphilindo, một nỗ lực kết hợp các quốc gia Đông Nam Á trên căn bản tình anh em ruột thịt. Đây là phương cách hữu hiệu nhất để giúp nhau cùng phát triển và đề kháng áp lực bắc phương truyền kiếp. Đó cũng chính là viễn kiến trăm Việt trên vùng định mệnh' của học giả Phạm Việt Châu hơn 30 năm trước vậy!
 

 Bấm để xem hình

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trần Nam Bình