Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam

Vietsciences- Trần Nam Bình      25/10/2006
 

Điểm sách

 

Nhân đọc và giới thiệu “Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam” của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Thọ

Vào cuối năm 2005, sau khi vừa đi tham dự một hội thảo kinh tế tại Kobe về, tôi nhận được một quyển Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam (BĐKTĐA&CĐCNHVN) của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo), do chính tác giả gửi tặng.  Nhận thấy đây là một công trình biên khảo rất công phu và giá trị, tôi xin góp phần giới thiệu sách đến các bạn đọc toàn thế giới.  GS Thọ là một nhà kinh tế quen thuộc với giới nghiên cứu quốc tế và rất nhiều người Việt trong cũng như ngoài nước.  Ngoài những hoạt động nghiên cứu chuyên môn tại Nhật, GS Thọ đã và đang đóng góp rất tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế tại Việt Nam.  Một thí dụ tiêu biểu là việc Ông khởi xướng và thành lập Trung tâm Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng năm 1993.

Sách BĐKTĐA&CĐCNHVN do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành tại Hà Nội, in lần thứ nhất cuối tháng 11 năm 2005.  Sách dầy 309 trang, khổ 15,5´23,5cm, giấy tốt, in rõ, dễ đọc, bìa trình bầy trang nhã.  Sách đề giá 65.000Đ, mà tôi cho rằng rất phải chăng so với các sách cùng loại.  Về phương diện trình bày, sách có một số cải tiến so với các sách xuất bản trong nước trước đây.  Thứ nhất, sách có mã số 338.1(V)CTQG-2005.  Mã số sách là một tiến bộ đáng chú ý vì nó mang ngành xuất bản trong nước gần lại với các quy luật bản quyền quốc tế.  Thứ hai, khác với nhiều sách in trong nước, mục lục BĐKTĐA&CĐCNHVN xuất hiện ngay đầu sách.  Đây là một quy ước rất hợp lý cho người đọc thời nay.  Thứ ba, sách theo đúng tiêu chuẩn nghiên cứu quốc tế với phần Tổng luận ở đầu và Danh mục tư liệu tham khảo cũng như Mục tra chữ ở cuối.  Những phần này giúp người đọc tra cứu các ý niệm chính trong sách một cách dễ dàng.  Trong lần tái bản thứ hai, tôi đề nghị tác giả soát lại và sửa vài lỗi nhỏ cho sách chính xác và có lối trình bày nhất quán hơn (thí dụ như trang 47, sửa prrofit thành profit; trang 297, đổi Perkin thành Perkins; trang 309, bỏ dấu ) viết dư; thêm các từ FDI, NICs, vv và viết rõ các chữ tắt ICOR, JBIC, JICA, vv trong Mục tra chữ).

Như trong đề tựa, nội dung của sách chia thành hai phần.  Phần I phân tích các biến chuyển kinh tế Đông Á và vị trí Việt Nam trong bản đồ công nghiệp Đông Á.  Đông Á ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao trùm Đông Nam Á.  Phần này gồm 6 chương, trong đó có nhiều đề tài “nóng”, thí dụ như thách thức của kinh tế Trung Quốc đối với ASEAN và Việt Nam (Chương 3) và thách thức của AFTA đối với công nghiệp Việt Nam (Chương 5).  Phần II trình bày chiến lược công nghiệp hoá cho Việt Nam trong bối cảnh đã thảo luận trong Phần I.  Phần này bao gồm 10 chương và có thể xem như là phần chủ lực của sách.  Chương 7 đến 16 thảo luận và phân tích toàn diện chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam, từ hiệu năng đến công bình xã hội, từ chuyển hướng chiến lược đến phát triển công nghiệp phụ trợ, từ nội lực đến ngoại lực, từ nông thôn đến thành thị, từ sản xuất đến khám phá và tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Sách BĐKTĐA&CĐCNHVN phản ánh trọng tâm nghiên cứu của tác giả trong thời gian gần đây.  Ngay trong đề tựa của sách, chúng ta cũng thấy dụng ý sâu xa của tác giả.  Theo tôi, GS Thọ đã cố ý dùng chữ “biến động” để bao gồm hai ý niệm “thay đổi” và “năng động”.  Đây là hai từ diễn tả chính xác nhất tình trạng kinh tế của khu vực Đông Á trong mấy chục năm qua.  Như tác giả tự giải thích trong phần Lời nói đầu, nhiều chương trong sách là những bài mà Ông đã xuất bản rải rác nhiều nơi trong 4, 5 năm qua.  Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, chuyện này không làm giảm giá trị của sách, mà còn có tác dụng ngược lại vì hai lý do như sau.  Thứ nhất, tác giả đã tiếp tục sửa đổi và cập nhật các bài viết cũ của mình.  Xin lấy một thí dụ cụ thể.  Chương 1 trong sách dựa trên Chương 11 trong sách Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên (ĐTCRNQ) do TS Phạm Đỗ Chí và tôi chủ biên năm 2001.  Tuy nhiên trong Chương 11 của ĐTCRNQ, các phân tích thống kê dừng lại năm 1996, trong khi Chương 1 của BĐKTĐA&CĐCNHVN nới rộng phân tích đến năm 2003.  Thứ hai, và quan trọng hơn, khi đọc những bài viết đơn lẻ của GS Thọ, chúng ta chỉ thấy được một vài khía cạnh của đề tài công nghiệp hóa Việt Nam.  Khi tác giả mang một số bài viết cũ vào sách, các chương này liên kết với nhau và với các bài viết mới một cách liên tục và hệ thống, nhờ đó vẽ nên một bức tranh toàn cảnh linh động cho đề tài công nghiệp hóa tại Việt Nam.

Năm 1997, GS Thọ xuất bản cuốn Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại châu Á–Thái Bình Dương.  Tương tự như cuốn sách năm 1997, BĐKTĐA&CĐCNHVN cũng là một công trình nghiên cứu khoa học tương đối dễ hiểu cho mọi đối tượng người đọc.  Về phương diện học thuật, tác giả luôn luôn phối hợp nghiêm túc ba thành phần tất yếu của phân tích kinh tế (mô hình lý thuyết, số liệu và thực trạng kinh tế) trong các lý luận, đề xuất.  Thứ nhất, các giải thích và phân tích của tác giả đều dựa trên những mô hình lý thuyết về kinh tế phát triển thích hợp cho trường hợp Việt Nam (thí dụ như mô hình đàn sếu bay trong Chương 2 hay mô hình phát triển song trùng Lewis cho chiến lược công nghiệp hoá nông thôn trong Chương 14).  Thứ hai, về số liệu, tác giả chịu khó truy cập và sử dụng các nguồn thẩm quyền, độc lập và khả tín, thí dụ như Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Liên hợp quốc (UN), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (World Bank), vv.  Có khá nhiều số liệu do chính tác giả tự tính ra (thí dụ như trong Chương 1 hay 11).  Thứ ba, về thực trạng kinh tế, tác giả luôn trình bày ý tưởng, đề xuất của mình trong bối cảnh thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng như tự thực hiện các điều tra thực tế (xem Chương 11).  Theo tôi, các chi tiết trong sách, thí dụ như Việt Nam bỏ mất thời cơ từ tập đoàn Fujikura 10 năm truớc (Chương 12), là những thông tin rất quý báu và cần thiết cho các nhà doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam.  Do cố ý, văn phong của của tác giả rất giản dị và trong sáng, giúp mọi giới người đọc theo dõi và am hiểu những ý chính trong sách một cách khá dễ dàng.  Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà tác giả không thể đào sâu hay đi xa hơn hơn trong một số phân tích kinh tế chuyên môn.

Những ý tưởng, kiến nghị trong sách được triển khai một cách khá mạch lạc, hợp lý và toàn diện.  Như bất kỳ bài toán tối ưu nào, tác giả bắt đầu bằng cách xác định vị trí hiện tại của Việt Nam trên bản đồ phát triển (theo nghĩa rộng) và công nghiệp Đông Á.  Theo tôi, định lượng hoá mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 1950 đến nay (Chương 1) là một công trình đáng kể của tác giả.  Chương 1 và 2 khẳng định sự tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam trong phát triển công nghiệp.  Kế đến, trong các Chuơng 3–6, tác giả phân tích ảnh hưởng của hai thực thể kinh tế Đông Á (Trung Quốc và ASEAN) trên sự phát triển kinh tế Việt Nam.  Các chương này cho thấy nếu Việt Nam không khẩn trương phát huy lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguy cơ tụt hậu trong khu vực Đông Á sẽ còn trầm trọng hơn hiện nay.  Về mặt bố cục, tôi nghĩ mang Chương 13 (Thời cơ mới từ Nhật Bản) vào Phần I là hợp lý và giúp nhấn mạnh khía cạnh tích cực của cộng đồng kinh tế Đông Á đối với Việt Nam.

Trong Phần II của sách tác giả thảo luận chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam, tức là các chính sách giúp Việt Nam đuổi bắt các nuớc công nghiệp chung quanh trong thời gian ngắn nhất.  Không phải ngẫu nhiên mà tác giả nhấn mạnh ý niệm công bình xã hội (Chương 7) trong thời đại toàn cầu hoá trước khi xem xét các vấn đề hiệu năng sản xuất.  Trong Chương 8, tác giả phân tích lợi thế so sánh tĩnh và động của Việt Nam trong khu vực Đông Á, và những chính sách làm tăng sức cạnh tranh của những ngành mà Việt Nam có lợi thế.  Tôi rất thích cách phân chia các ngành công nghiệp thành 5 nhóm của tác giả vì nó giúp người đọc theo dõi vấn đề một cách rất dễ dàng.  Hiện nay, Việt Nam chỉ có lợi thế so sánh tĩnh trong nhóm A (hàm lượng lao động đơn giản cao như vải, quần áo, giày dép, vv) và nhóm B (vừa hàm lượng lao động đơn giản cao vừa dùng nhiều nông lâm thuỷ sản như thực phẩm gia công, đồ uống, vv).  Theo tác giả, Việt Nam có thể phát triển lợi thế so sánh động trong nhóm D (hàm lượng lao động lành nghề cao như đồ điện gia dụng, xe máy, bộ phận điện tử, vv) và một phần trong nhóm E (hàm lượng công ghệ cao như máy tính, xe hơi, máy công cụ, vv).  Tác giả kết luận là chiến lược công nghiệp hoá Việt Nam phải hướng vào đồ điện gia dụng và máy móc trong công nghệ thông tin như máy tính cá nhân, điện thoại di động, vv.  Chương 9 và 10 triển khai phương cách chuyển hướng chiến lược công nghiệp và phát triển công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam.  Tôi nhận thấy tác giả nhấn mạnh vào thị trường hàng hoá, nhưng hình như chưa lưu tâm đủ đến thị trường lao động.  Hy vọng trong các nghiên cứu tương lai, tác giả sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách đào tạo và huấn luyện lao động có kỹ năng cao, để hỗ trợ chiến lược công nghiệp hoá bàn trong sách.

Trong các chương kế tiếp tác giả tiếp tục khảo sát toàn diện các vấn đề liên quan tới công nghiệp hoá như nội lực và ngoại lực (Chương 11), đầu tư trực tiếp nước ngoài (Chương 12), công nghiệp hoá nông thôn (Chương 14), khám phá và tiếp cận thị trường (Chương 15) và tinh thần doanh nghiệp (Chương 16).  Dùng các thông tin chính xác và điều tra thực tế, tác giả cho thấy (i) Việt Nam đã bỏ mất thời cơ 10 năm truớc và do đó cần những biện pháp tiếp thị tích cực hơn để thu hút đầu tư nước ngoài, và (ii) Việt Nam chưa tận dụng ngoại lực để đẩy nhanh công nghiệp hoá và chưa tạo sự liên kết hiệu quả gia các hình thức doanh nghiệp hiện nay.  Trong chính sách công nghiệp hoá nông thôn, tác giả nhấn mạnh hai yếu tố: thông tin và tổ chức, và nêu lên 5 điểm cụ thể cho công nghiệp hoá miền Trung, mà tác giả mô tả là “khúc ruột dài, hẹp và còn nghèo của đất nước ta”.Trong chương 15, tác giả lý luân Việt Nam rất cần phát triển những công ty thuơng mại tổng hợp lớn và mạng lưới thông tin trên các thị trường quan trọng để củng cố khả năng phân tích thông tin, khám phá và tiếp cận thị truờng, cũng như năng lực tiếp thị và giao hàng nhanh với phí tổn thấp. Cuối cùng, tác giả không quên đề cập đến tinh thần doanh nghiệp, một yếu tố không thể thiếu của công nghiệp hoá, với thí dụ cụ thể của nước Nhật.  Trong các phẩm chất mà tác giả đưa ra: tinh thần canh tân, mạo hiểm, đạo đức doanh nghiệp, tôi rất chú ý đến một điểm.  Đó là ý thức mưu tìm lợi nhuận (profit seeking) chứ không phải mưu tìm đặc lợi (rent seeking).  Đây quả là một loại vốn xã hội mà Việt Nam rất cần phát triển trong bối cảnh hiện tại.

Nói tóm lại, BĐKTĐA&CĐCNHVN là một thành quả đáng kể trong quá trình nghiên cứu của Giáo sư Thọ.  Đây là một tác phẩm có giá trị rộng rãi và lâu dài vì nó góp phần soi sáng cho một chủ đề hàng đầu của chính sách kinh tế Việt Nam hiện nay.  Sách là một tài liệu tham khảo cần thiết và quý báu cho các sinh viên, giáo viên, nhà nghiên cứu, doanh nhân, viên chức, nhà làm chính sách và tất cả những ai quan tâm đến công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam.  Mong rằng các ý tưởng, kiến nghị của tác giả sẽ sớm được giới lĩnh đạo cứu xét và thực thi, để Việt Nam mau sớm bắt kịp trình độ công nghiệp của các nước Đông Á chung quanh.  Sách đã được người đọc trong nước ủng hộ rất nồng nhiệt và tôi tin rằng các bạn đọc nước ngoài cũng sẽ đón nhận sách như thế.

 

PGS TS Trần Nam Bình

Viện Đại Học New South Wales, Sydney, Úc

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Trần Nam Bình