Giới thiệu sách mới: Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Vietsciences-  Nguyễn Văn Nhã                      21/09/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

 

Lời vào đề

Nguyễn Xuân Xanh - Nguyễn Văn Nhã

Cuộc đại khủng hoảng tài chính 2008 chủ yếu xảy ra tại Mỹ và các nước công nghiệp Tây Âu. Nhưng vì Mỹ và Tây Âu là những trung tâm tài chính lớn của thế giới, cho nên cuộc khủng hoảng tài chính này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Diễn biến của cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ mùa hè năm 2007, và kéo dài cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Đỉnh cao là sự sụp đổ của nhiều ngân hàng đầu tư khổng lồ ở Wall Street (New York) vào giữa tháng 9 năm 2008. Chính phủ Mỹ đã phải vội vã nhảy vào can thiệp, bằng cách tung tiền ra cứu nguy cho các định chế tài chính lớn nhất. Trong đó, phải kể tới hai công ty bảo hiểm bất động sản lớn nhất của Mỹ, Fannie Mae và Freddie Mac., và công ty AIG, công ty bảo hiểm lớn hàng thứ ba trên thế giới.

Vào tháng 9-2008, nhiều người đã nghĩ là cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ đã kích hoạt sự sụp đổ thị trường chứng khoán tại các quốc gia vùng ngoại vi của thế giới tài chính, kể cả bốn nước khổng lồ có nền kinh tế đang nổi lên thuộc khối BRIC (Brazil, Russia, India, China). Điều này thực tế đã xảy ra, và người ta có thể gọi đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, làm cho họat động thương mại và đầu tư trên thế giới tuột dốc chưa từng thấy trong lịch sử. Cũng có người cho rằng hiện tượng phản ứng dây chuyền này trong thế giới tài chính chứng tỏ rõ rệt là không có sự cách ly giữa các nước công nghiệp phát triển và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, bắt đầu từ mùa xuân năm 2009, các thị trường chứng khoán của các nước vùng ngoại vi lại có dấu hiệu phục hồi một cách vững chãi, sớm hơn hẳn thị trường tại các quốc gia công nghiệp. Hậu quả là hoạt động kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) của các quốc gia vùng ngoại vi không bị suy thoái trầm trọng, mà chỉ giảm nhẹ. Cụ thể nhất là mức tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức 6-8 %, ở Việt Nam từ 3-5 %, theo như dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc tế. Điều này có nghĩa là, về phương diện kinh tế, có lẽ có một sự cách ly nào đó chăng giữa hai thế giới: Thế giới công nghiệp như Mỹ và Tây Âu suy thoái trầm trọng (tăng trưởng giảm từ 4-6 %), trong khi thế giới của các quốc gia mới nổi lên vẫn tiếp tục tăng trưởng, mặc dù có giảm so với những năm trước. Sự cách ly này cho phép các nhà làm chính sách ở mỗi quôc gia mới nổi (cần) có đường hướng riêng của mình, tùy theo tình hình cụ thể ở mỗi nơi, không thể lấy nước này làm mô hình cho nước khác được. Cuộc đại khủng hoảng làm lộ rõ thế giới hiện nay là đa cực. Các cực và khu vực ảnh hưởng của nó đều bị chao đảo, nhưng ở các mức độ khác nhau.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính chủ yếu xảy ra tại Mỹ, và một số quốc gia Tây Âu đã đi theo đường lối Tân Tự do của chính quyền R.Reagan từ những năm 1980. Chính sách này đã bãi bỏ sự kiểm tra chặt chẽ hoạt động tài chính của các ngân hàng đầu tư, và xóa bỏ ranh giới giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Nhờ thế, các ngân hàng đầu tư đã có thể tiến hành nhiều phi vụ mang tính rủi ro cao độ trong hoạt động đầu tư, nhất thời thu hút rất mạnh dòng vốn thế giới vì tính chất “lợi nhuận cao và nhanh chóng”, đã tạo nên một trời bong bóng khổng lồ thấy chóng mặt, đẩy toàn bộ vật giá thế giới lên cao ngất ngưỡng, nhưng cuối cùng đã đi đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Cổ xe Tân Tự do và uy tín những người đã từng cổ xúy cho nó bị sụp đổ và phá sản hoàn toàn trong chốc lát. Số người hưởng lợi của gần 30 năm chế độ Tân Tự do (1980-2008) chỉ có rất ít, giới hạn trong giới tư bản tài phiệt tại Mỹ và Tây Âu. Người thua thiệt là các nước mới nổi, mang tiền tiết kiệm qua Mỹ và Tây Âu để đầu tư trong bất động sản cũng như trong thị trường chứng khoán. Nặng nề nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, mỗi quốc gia này đã mua tới hàng ngàn tỷ USD công trái và tín phiếu của Mỹ.

Tiền lời khổng lồ của các nhóm tài phiệt đã được chuyển qua các nước nhỏ li ti, “thiên đàng về thuế”, ví dụ như đảo Cayman ở vùng  biển Trung Mỹ. Tại đây, hàng ngàn tỷ USD đã được tảy rửa sạch sẽ, rồi được chuyển ngược về Mỹ để mua công trái của chính phủ Mỹ.

Khi thị  trường tài chính sụp đổ, chính phủ Mỹ đã phải đi vay nợ hàng ngàn tỷ USD, và in mới hàng ngàn tỷ USD khác, để cứu nguy các định chế tài chính lớn. Hậu quả rõ rệt là gánh nặng trả nợ trong tương lai sẽ đè nặng lên vai quần chúng lao động Mỹ. Cùng lúc, sự phát hành hàng loạt tiền giấy đô la sẽ làm cho đồng tiền này, trong tương lai, mất giá. Như thế, sẽ làm mất giá trị, các quỹ dự trữ quốc gia của các nước mới nổi, và các quỹ tiết kiệm của người lao động tại Mỹ. Nói cách khác, chính sách cứu nguy tài chính của chính phũ Mỹ là một biện pháp chuyển nhượng tài sản từ các nước mới nổi về tay giới tài phiệt quốc tế, mà đa số là ở Mỹ.Và chuyển nhượng của cải của giới lao động vào tay giới chủ ngân hàng.

Trước tình hình như vậy, chúng tôi mạo muội chọn lọc một số  bài báo có tính phân tích và phê phán trên phương diện vĩ mô, đã được đăng trên các tờ báo có tên tuổi của Mỹ và Tây Âu, để dịch sang tiếng Việt, với mục đích không gì hơn là cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về tình hình tài chính, kinh tế hiện nay của Mỹ, và của một số đối tác liên hệ, trong đó có Trung Quốc, nước đang giữ một vai trò khá quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng này.

Vì đây là một đề tài rất lớn, cho nên các bài báo được chọn chỉ trình bày (được) một số khía cạnh của vấn đề. Phần còn lại, rất lớn, hy vọng các nhà kinh tế chuyên nghiệp sẽ tiếp tục phân tích và cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc.

Cuộc  đại khủng hoảng này không thể dễ quên đi trong ký ức của nhân loại. Và cùng với nó, tất cả những bài viết nhận định, mổ xẻ, đánh giá, tiên đoán qui mô toàn cầu được cô đọng trong tập sách này, nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm tính chất nghiêm trọng của nó đối với sự sống còn của toàn nhân loại và những lối ra có thể có được gợi ý từ đó. 
 

 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org