Albert Einstein, nhà bác học đam mê và chân thật

Vietsciences-  Nguyễn Thế Tài     07/02/2007   

 

Những bài liên quan: Albert Einstein và Marie Curie

 

 

Vài dòng giới thiệu quyển sách « Albert Einstein, nhà bác học đam mê và chân thật » :

Tác giả Nguyễn thế Tài, sinh năm 1952, là một kỹ sư tốt nghiệp Đại Học Liège. Ngoài kiến thức khoa học, tác giả  còn yêu thích văn chương và thi ca Việt Nam và là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam tại Bỉ.

Quyển sách nói về Einstein là một tổng hợp hiếm có vì đề cập đến nhiều lãnh vực liên quan đến nhà bác học lừng danh của thế kỷ 20 : cuộc đời, thân thế, học vấn, sự nghiệp khoa học, và đặc biệt là tư tưởng chính trị, tâm linh cũng như vũ trụ quan và nhân sinh quan của ông.

Dưới dạng bỏ túi (khổ 14x20 cm), 225 trang, trình bày trang nhã, quyển sách được viết với lối văn dễ hiểu khiến người đọc sẽ thích thú, không nhàm chán.

Sách do chính tác giả ấn hành và xuất bản vào tháng 01 năm 2007, giá 10 EUR chưa kể cước phí (+ 5 EUR cước phí cho Pháp, Đức). 

Liên lạc : Nguyễn thế Tài

Email =  nguyenthetai278@yahoo.fr

 

 Lời mở đầu

Tôi có ý định viết tập biên khảo này nhân dịp đến xem cuộc triển lãm về Albert Einstein vào đầu tháng 02 năm 2006 tại Bruxelles. Cuộc triển lãm mang chủ đề  “Einstein, một cái nhìn khác” (Einstein, l’autre regard) đánh dấu năm 2005 kỷ niệm 100 năm ra đời của thuyết Tương Ðối, đồng thời cũng là năm Thế Giới của Vật Lý (Année Mondiale de la Physique) theo quyết định của Unesco. Và nói đến Vật Lý hiện đại là chúng ta không thể nào không nói đến Albert Einstein, một nhà bác học lừng danh của thế kỷ 20.

Dĩ nhiên, đã có rất nhiều tài liệu, sách báo nói về Einstein. Nhưng tôi nghĩ, chính vì đã có quá nhiều bài vở, cho nên viết một quyển tổng hợp, gồm các tiết mục : cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tư tưởng của nhà vật lý tài danh này, bằng tiếng Việt, chắc hẳn không phải là điều vô ích. Hơn nữa, Einstein thường được biết đến như một nhà khoa học kỳ tài nhưng ít ai có dịp đọc được những tư tưởng chính trị và triết học của ông.

Tôi mong là tập biên khảo này sẽ mang lại cho quý vị nhiều khám phá mới lạ, nhiều giai thoại thú vị để biết rõ thêm một vĩ nhân của nhân loại. Có thể nó cũng là cơ hội giúp quý vị gần gũi hơn với những đề tài khoa học, mà từ trước, vì lý do sinh kế, hay thiếu thì giờ, thiếu phương tiện, quý vị đã không làm được. Hơn nữa, biết đâu, nó sẽ là một nhịp cầu hay phương tiện kích thích óc tò mò, ham mê khoa học nơi các em trẻ và giúp cho các em mạnh dạn đi vào con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Tập biên khảo được thành hình do sự lựa chọn và tổng hợp từ nhiều sách tham khảo, tài liệu, sách báo và  Internet. Tôi cố gắng trình bày những lý thuyết khoa học một cách giản dị để tránh khô khan và gây hứng thú nơi người đọc. Tôi cũng ghi lại một vài ý nghĩ chủ quan của tôi, nhất là trong những chương liên quan đến tư tưởng chính trị và triết học tôn giáo. Một vài thuật ngữ, địa danh, tên nhân vật được đánh số chú thích nhằm hướng quý vị đến cuối sách để đọc thêm chi tiết.

Dĩ nhiên, biên khảo này không thể nào đầy đủ và hoàn chỉnh, do đó, tôi sẵn sàng đón nhận những đóng góp và phê bình hữu ích.    


 Trích một đoạn văn

Từ thuở hồng hoang, loài người luôn luôn khao khát tìm hiểu vũ trụ. Sự khao khát đó đã là một trong những động lực thúc đẩy óc tò mò và khám phá trong suốt lịch sử nhân loại. Mỗi khi nhìn lên bầu trời với muôn vàn tinh tú lấp lánh, con người đã đặt ra biết bao câu hỏi : vũ trụ mênh mông kia từ đâu mà có, đang chứa những gì, và tương lai sẽ đi về đâu ? Những câu hỏi đó vừa mang tính chất khoa học, vừa mang tính chất tâm linh, đã luôn luôn ám ảnh và thôi thúc con người trên con đường khám phá vũ trụ và không gian, thời gian. Đó cũng là một trong những nền tảng của  văn minh và khoa học nhân loại.

Từ trước 2000 năm, nền văn minh Hy Lạp cổ xưa đã đề ra thuyết Địa Tâm với Aristote, Ptolémée và thuyết này đã ngự trị tại Âu Châu đến cuối thế kỷ 16. Phải đợi đến thời kỳ Phục Hưng với sự xuất hiện của những thiên tài Copernic, Galilée, Képler, rồi Newton, bóng tối của đêm dài Trung Cổ với những giáo điều mù quáng mới bị đẩy lui, nhường chỗ cho sự khai phóng tư tưởng và sự thăng hoa của khoa học chân chính.

Cuộc đột phá vĩ đại đó qua câu khẳng định “Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ” đã đưa con người về đúng vị trí của mình, vô cùng bé nhỏ, như hạt cát li ti, giữa mênh mông của vũ trụ. Nó là một cuộc cách mạng tư tưởng, trên phương diện khoa học cũng như tâm linh, đánh dấu một sự chuyển mình vĩ đại của nhân loại.

Đến thế kỷ 20, Einstein đã đem đến cuộc đột phá lần thứ hai với lý thuyết Tương Đối, xét lại toàn bộ những khái niệm của con người về không gian, thời gian, vật chất và năng lượng. Thuyết Tương Đối của ông cộng với thuyết Lượng Tử (mà ông đã đóng góp không nhỏ và sau đó được xây dựng bởi nhiều nhà vật lý khác) là hai cột trụ khổng lồ của nền khoa học cận đại.

Einstein, con người tài hoa, thiết tha yêu mến nhân loại và thiên nhiên, đã có cái nhìn vô cùng triết học khi suy nghĩ về vũ trụ.

“Thí nghiệm tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể làm được là cái bí ẩn của cuộc sống. Ðó là cảm nhận nguyên thủy của mọi nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không biết ngạc nhiên, không biết chiêm ngưỡng, kẻ đó xem như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình”. 

(Comment je vois le monde, 1930 - NTT dịch)

Sự say mê những huyền bí của vũ trụ chính là động lực tâm linh thúc đẩy ông tìm hiểu và khám phá. Ông không sợ hãi khi đứng trước những vĩ đại của tạo hóa, ông không nản lòng khi đối diện những bí ẩn của vũ trụ. Trái lại, ông trải hết cuộc đời để chiêm ngưỡng những nét hài hòa, những nét tuyệt vời mà vũ trụ vẽ lên cho chúng ta để rồi sau đó, ông dành hết thì giờ để tìm hiểu và khám phá. Đến cuối đời, ông vẫn còn mang giấc mơ tìm ra những phương trình, những định luật, cho dù khó khăn đến đâu, nhằm giải thích tất cả những hiện tượng xảy ra trong vũ trụ.  

Einstein là một nhà bác học kỳ tài, có một sức sáng tạo vô cùng mãnh liệt. Nhờ vào óc suy luận và  tưởng tượng phong phú, và chỉ nhờ vào đó, ông đã tìm ra nền tảng của thuyết Tương Đối, một trong những thuyết vật lý cách mạng của nền khoa học hiện đại.

Nhưng, ngoài thiên tài khoa học, ông còn là một người có lý tưởng nhân bản, thiết tha với cuộc sống của nhân loại. Ông không phải là nhà khoa học chỉ biết vùi đầu trong lý thuyết hay trong phòng thí nghiệm và quên hết mọi chuyện chung quanh, đôi khi còn không biết là những gì mình sáng chế đang tàn sát đồng loại bên ngoài. Đối với ông, con người không thể sống tách rời xã hội, con người sống được là do xã hội và vì thế, phải có trách nhiệm đối với nó.

Ông dấn thân tranh đấu cho hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Với tư tưởng hướng thượng, ông không ngừng kêu gọi lương tri và trách nhiệm con người trong cộng đồng, xã hội để thế giới ngày càng thăng tiến.

 

‘‘Hoàn cảnh của chúng ta rất đặc biệt, hỡi những người con của Trái Ðất ! Chúng ta chỉ ghé qua đây. Chúng ta không biết tại sao chúng ta có mặt tại đây, dù là đôi lúc, chúng ta tưởng là chúng ta hiểu được. Nhưng, qua cuộc sống mỗi ngày, không cần phải suy nghĩ nhiều, chúng ta biết được một điều : chúng ta có mặt là cho kẻ khác:  trước hết, cho những người mà nụ cười và sức khỏe là điều kiện tạo ra hạnh phúc cho chính chúng ta, và sau đó là biết bao những người vô danh khác mà số phận gắn liền với chúng ta qua một liên hệ thiện cảm nào đó. Mỗi ngày, không biết bao nhiêu lần, tôi hiểu được rằng cuộc sống xã hội và cuộc sống riêng tư của tôi có được là do công lao của những người hôm nay và những người đã khuất, và từ đó, tôi tự nhủ, phải cố gắng làm sao trả lại, tương xứng với những gì tôi đã nhận và sẽ còn tiếp tục nhận ...

(Albert Einstein – trích từ Entre science et engagements –ULB-VUB Bruxelles)

 

Qua những hành động đó, chắc chắn, Einstein không thể là một người phi đạo đức, vô luân lý.

Dĩ nhiên, trong suốt cuộc đời suy luận và sáng tạo của ông, giống đa số các nhà bác học khác, ông thường xuyên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tâm linh, đến Thượng Đế, đến một đấng sáng tạo.

Đối với Einstein, cái mà ông thường gọi là “tôn giáo tính” của ông, đặt căn bản trên những nhận thức về vũ trụ. Đứng trước những bí ẩn hài hòa và tuyệt vời của nó, ông không ngừng chiêm ngưỡng và sau đó cố gắng tìm hiểu để lĩnh hội những bí ẩn đó. Ta có thể gọi thứ ‘‘tôn giáo tính’’ đó như là một ‘‘đạo vũ trụ’’.

 

“Tôi hiểu được rằng, sau cái thế giới mà chúng ta biết được, còn ẩn giấu một cái gì vượt khỏi tri thức của chúng ta. Một cái gì đó, mà vẻ đẹp và sự vượt trội chỉ đến với chúng ta một cách phảng phất, như một ánh sáng hiu hắt. Trong ý nghĩa đó, tôi là một người có tôn giáo. Tôi cố mường tượng  những bí ẩn mà tôi chiêm ngưỡng và bằng tri thức hạn hẹp, tôi cố thu nạp và tìm hiểu chút ánh sáng phản chiếu từ sự cấu tạo tuyệt vời của cái Hiện Thể”.   

(Qui était Albert Einstein – 1930 – NTT dịch)

 

Đó là một niềm tin tâm linh mãnh liệt, mà theo ông, sẽ đem đến sự giải thoát cho con người : chính vì ý thức được sự nhỏ bé của mình trước những tuyệt vời của vũ trụ, và qua nỗi khát khao tìm kiếm những câu trả lời cho những bí ẩn đó, con người sẽ lĩnh hội sâu xa tất cả những Chân, Thiện, Mỹ.

 

 Kết luận

Tính đến nay, đã hơn 100 năm, thuyết Tương Đối ra đời và đã bao lần được nghiệm chứng. Những tư tưởng đột phá, mới lạ của thuyết này đã tạo ra một cuộc cách mạng vĩ đại trong lối suy nghĩ của con người về vũ trụ và thời gian. Trong một giai đoạn nghiêm trọng của lịch sử khoa học, Einstein đã chứng minh cho ta thấy,  những gì cổ xưa được gọi là bất di dịch không hẳn là vĩnh cửu, và đó, chính là nền tảng của sự thăng hoa tư tưỏng con người. Nó đã mở đường cho bao nhiêu trí tuệ của thế kỷ 20 trong cuộc hành trình sáng tạo và khám phá. Nền vật lý và khoa học hiện đại đã ghi đậm ảnh hưởng và công ơn của thiên tài Einstein. 

Nhưng, con người không chỉ thăng hoa với khoa học, vì khoa học. Einstein, ngoài những phương trình, những công thức, còn mang lại cho chúng ta một quan niệm về nhân sinh và triết học. Bao nhiêu lần, qua cuộc sống, qua hành động, ông đã chứng minh cho ta thấy, con người chỉ thật sự thăng hoa và xứng đáng là một phần tử ý nghĩa của thiên nhiên, khi nào nhận chân được rõ rệt vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng nhân loại cũng như đối với vũ trụ bao la.

Cuộc đời của Einstein là một chuỗi những khó khăn, thất vọng, thành công, vinh quang, bất mãn, đầy nghệ sĩ tính và lãng mạn, cộng thêm một cuộc sống tâm linh vô cùng phong phú. Ông có những niềm tin mãnh liệt giúp ông hành động một cách tự do và can đảm. Chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với những quan niệm của ông, đặc biệt trong phạm vi tôn giáo, nhưng chúng ta không thể phủ nhận một điều : đó là một cuộc đời chan chứa ý nghĩa và nhân bản. Và do đó, ông đã vượt lên trên tầm vóc của bất cứ nhà khoa học nào.

Nhà vật lý học Gerald Holton, giáo sư đại học Harvard kiêm viết lịch sử khoa học đã hết sức kinh ngạc về cuộc sống tâm linh cực kỳ phong phú của Einstein. Theo Holton, bộ óc đặc biệt của ông không giải thích được những gì ông đã làm, đã suy nghĩ, đã khám phá trong suốt cuộc đời. Hình như có một cái gì hơn thế nữa : một sự cảm thông giữa ông và vũ trụ, đất trời.

Hình ảnh Einstein, nhà bác học kỳ tài, với bờm tóc trắng và nụ cười dí dỏm, được xem như biểu tượng của thế kỷ 20, một thế kỷ chứng kiến hai trận thế chiến, với sự tàn phá kinh hoàng của vũ khí hạt nhân, với những thao thức về thân phận con người, nhưng đồng thời cũng là giai đoạn cực kỳ phong phú với sự nở rộ của biết bao đóa hoa thiên tài mang đến những tiến bộ vượt bực cho khoa học.

Giữa vườn hoa tuyệt vời đó, bông hoa Einstein rực sáng.

Như ánh sáng đến từ triệu triệu năm, dấu ấn của vũ trụ, tượng trưng cho tình yêu và sự sống.

Tự do. Nhiệm mầu.

 

Quyển biên khảo này được viết ra để tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ.  

 

Tháng 01-2007 - Bruxelles

 Nguyễn Thế Tài

Trong mục đích truyền bá khoa học và tri thức, biên khảo này có thể được trích dẫn và tùy nghi sử dụng, với điều kiện ghi rõ xuất xứ.  

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org Nguyễn Thế Tài