Ông Sáu Dân trong lòng dân

    

Điểm sách

 

Tên sách: Ông Sáu Dân trong lòng dân

Tác giả: Nhiều tác giả

Số trang: 284 trang

Khổ sách: 14 x 20,5 cm

Giá bìa: 58.000 VND

Nhà xuất bản Tri thức, 2008

 

LỜI GIỚI THIỆU

Đột ngột đi về cõi vĩnh hằng, ông Võ Văn Kiệt, tên thân mật là Sáu Dân, đã để lại trong hàng triệu con tim Việt Nam nỗi đau nhân thế. Lẽ ra ông không thể, càng không nên, ra đi vào lúc này, lúc đất nước ta đang cần có ông – “Con chim báo bão” ; lúc chúng ta, những người thiết tha với sự đổi thay vận mệnh của dân tộc, đang cần có ông – “chỗ dựa tinh thần” .

Ông ra đi mang theo bao nỗi nhớ thương của mọi người. Chúng ta ở lại với muôn vàn thương mến mà ông dành cho mỗi người.

Một tấm lòng nhân ái sâu sắc, một bầu nhiệt huyết sục sôi, một tầm nhìn rộng mở giàu trí tuệ... vẫn đang vẫy gọi và cổ vũ chúng ta, bằng những cố gắng thiết thực không mệt mỏi của từng người, tiếp nối sự nghiệp của ông còn dang dở và kế tục những gợi mở của ông còn tươi nguyên với cuộc sống này.

Cuốn sách mà các bạn có trong tay tập hợp một số bài viết về ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt, của những người dân ở các cương vị và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi bài viết là một nén hương tưởng niệm của tấm lòng thành nhân 49 ngày mất của ông – “Người được trí thức nước nhà thương và kính” .

Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi đã không tập hợp thêm được nhiều bài hay khác, và chắc là đã không tránh được những sai sót trong khi biên tập. Mong bạn đọc lượng thứ.

Chu Hảo

Giám đốc - Tổng biên tập

Nhà xuất bản Tri thức

===============

Trích sách: Phần I – Trái tim ấy vẫn đập...

KHIÊM CUNG VÀ TRÍ TUỆ

VŨ THÀNH TỰ ANH

Sự ra đi đột ngột của bác Sáu Dân làm những người xung quanh ông bàng hoàng xúc động. Và rồi sau cơn chấn động tình cảm ấy là một khoảng trống vắng hư không, khiến những người có đôi chút ưu tư về thời thế và thân phận con người phải tự soi lại mình. Soi lại mình vào tấm gương của bác, để thấy rằng con đường phía trước còn rất xa, những gì mình làm được còn nhỏ nhoi quá, mà thời gian thì chẳng đợi ai bao giờ.

Chắc không ít người cũng đã từng tự hỏi: Làm thế nào mà một người xuất thân từ nông dân, không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn như bác Sáu Dân lại có thể trở thành một vị thủ tướng có đủ trí tuệ để chèo lái con thuyền cải cách của Việt Nam vượt qua vô số thác ghềnh và sóng ngầm, vươn ra hội nhập với thế giới?

Một phần quan trọng trong nguyên nhân thành công của ông là nhờ ông quy tụ được rất nhiều trí thức, kể cả những người đã từng có quan điểm đối lập. Ông chủ động đến với giới trí thức bằng tấm lòng cầu thị chân thành, và rất nhanh chóng trở thành người “tri âm” của họ. Ngay từ khi còn làm Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh, ông đã tổ chức nhóm nghiên cứu kinh tế trực thuộc Thành ủy do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh – cựu Phó Thủ tướng thời chính quyền Sài Gòn - phụ trách. Ông cũng đỡ đầu cho nhóm Thứ Sáu, nơi quy tụ nhiều trí thức Sài Gòn cũ, những người biết và dám nói ngược. Ông là vị thủ tướng đầu tiên của nước ta thành lập Tổ Tư vấn Cải cách (1993) để giúp ông trong việc hoạch định, thậm chí phản biện những chính sách đổi mới thể chế theo hướng thị trường, một lĩnh vực hoàn toàn mới và hết sức phức tạp mà ông biết mình ông không thể đảm đương nổi. Sự khiêm cung, tấm lòng cầu thị chân thành đó chỉ có được ở những bậc hiền nhân, những người đã đủ sức mạnh nội tâm để chiến thắng bản ngã hẹp hòi, ích kỷ và cống hiến cả cuộc đời mình cho những mục đích cao cả vì nước, vì dân.

Và như thế, tuy không bằng cấp, không học vị, ông đã trở thành một người trí thức theo nghĩa chân chính nhất của từ này. Ông ưu tư “việc của người khác” ngay cả khi đã thôi giữ các chức vụ trong chính phủ, cho đến tận những phút cuối cùng của cuộc đời mình. Đã đi gần hết trăm năm trong cõi người ta, ông thấu hiểu rằng thống nhất nhân tâm để đi đến đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh Việt Nam và ông đã nỗ lực hết mình trong những năm tháng cuối đời nhằm hàn gắn vết thương vẫn còn rỉ máu trong tâm thức dân tộc. Ở ông, những phẩm chất của một nhà cách mạng nhân văn và một trí thức dấn thân hòa quyện với nhau một cách trọn vẹn. Mà có lẽ cũng không có gì lạ vì suy đến cùng thì trau dồi tri thức cũng là để tự làm mới mình, làm “cách mạng” đối với chính bản thân mình, mà đây mới là cuộc cách mạng đích thực.

Tuy đã thác về thể phách nhưng tinh anh của ông vẫn mãi còn lại với chúng ta. Tầm ảnh hưởng về trí tuệ và tinh thần của ông đối với những vấn đề trọng yếu của đất nước vượt ra ngoài giới hạn của vật chất, giới hạn của sinh tử. Cũng như ông đã từng cống hiến không biết mệt mỏi ngay cả khi đã thôi giữ trọng trách trong chính phủ, những di sản ông để lại, kể cả những công cuộc khai phá còn đang dang dở, vẫn sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ trí thức sau này.

 

MỤC LỤC

Lời giới thiệu

I - TRÁI TIM ẤY VẪN ĐẬP…

VŨ THÀNH TỰ ANH

Khiêm cung và trí tuệ

TÂM CHÁNH

Hiện tượng Võ Văn Kiệt

LÊ ĐĂNG DOANH

Anh Sáu Dân - nhà lãnh đạo sáng tạo vì dân tộc, một nhân cách lớn

HUY ĐỨC

Ký ức về Võ Văn Kiệt

Điểm tựa của ông Võ Văn Kiệt

Từ nỗi đau của chính ông - Võ Văn Kiệt

TƯƠNG LAI

Một bộ óc lớn đã ngừng tư duy

NGUYÊN NGỌC

Một lời đưa tiễn

NGUYỄN TRUNG

Võ Văn Kiệt - người lo nỗi lo dân tộc

VŨ QUỐC TUẤN

Vĩnh biệt một bộ óc chiến lược, một con người nhân hậu

II - TRONG MẠCH SỐNG DÂN TỘC

NGUYỄN QUANG A

Ông Sáu Dân và viện IDS

NGUYỄN DUY

Hành trình thơ “đánh thức tiềm lực”

NGUYỄN VĂN ĐẠO

Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc với tầm nhìn chiến lược về giáo dục đại học

HUY ĐỨC

Anh Sáu Dân và khát vọng tri thức

VŨ NGỌC HẢI

Võ Văn Kiệt và đường dây 500 KV Bắc Nam

VŨ KIM HẠNH

Người thầy của các nhà báo

TRƯƠNG ĐÌNH HIỂN

Ngọn hải đăng dẫn đường

LÂM VÕ HOÀNG

Ông Sáu Dân và buổi làm việc về đổi mới ngân hàng

NGUYỄN TRỌNG HUẤN

Ông Sáu Dân với quy hoạch - kiến trúc và đài tưởng niệm Bắc Sơn

HOÀNG ĐẠO KÍNH

Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo kiến thiết

NGUYỄN KÝ

Những kỷ niệm của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Hà Tĩnh

PHAN HUY LÊ

Anh Sáu Dân và những vấn đề lịch sử, văn hóa dân tộc

MINH LUẬN

Người phản biện chân chính của lương tâm thời đại

TRẦN ĐỨC NGUYÊN

Đừng bao giờ nản chí

Đoàn kết thật lòng

DƯƠNG TRUNG QUỐC

“Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc...”

ĐẶNG PHONG

Xung quanh bài báo về đại đoàn kết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

HUỲNH SƠN PHƯỚC

Người mang "nợ kỳ vọng"

LỮ PHƯƠNG

Ông Võ Văn Kiệt và tôi

VIỆT PHƯƠNG

Còn

BI KIẾN THÀNH - THANH TRÚC

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sớm nhận thức nhu cầu đổi mới, quan hệ quốc tế

TRẦN VĂN THỌ

Người được trí thức thương và kính

III - PHỤ LỤC

Người của nhân dân

Trích sổ tang

Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức

 

           

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org