Thần thoại Einstein

Vietsciences- Nguyễn Thị Hằng Nga      09/09/2007

 

Những bài cùng tác giả

Những đức tính như óc tò mò, trí tưởng tượng, sự kiên trì, tinh thần không chịu khuất phục trước bất kỳ quyền lực áp đặt nào… là những bài học sinh động có thể tìm thấy qua những phát biểu, những ví dụ sinh động trong cuộc đời của Einstein. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét.

Nếu như (J.S.) Bach không phải là một con suối, mà là cả một đại dương mênh mông, thì Einstein không phải là một hòn đá mà là cả một núi Thái Sơn!”. Tôi đọc được ở đâu đó câu này trước khi tò mò tìm đọc quyển Einstein của Tiến sĩ Toán học Nguyễn Xuân Xanh. Đặc biệt, khi nói về nhà bác học vĩ đại Einstein, các nhà nghiên cứu uy tín trên các lĩnh vực: kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học như: Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, giáo sư Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc, Ts Vậy lý Trần Hà Anh, Ths Hóa học, Lịch sử Hồng Lê Thọ, TS Toán học Nguyễn Chánh Tú… đều toát lên nhận xét: sách Einstein của Nguyễn Xuân Xanh không chỉ lột tả chân dung của một nhà khoa học, mà là những phương pháp luận, tự do tư duy, suy nghĩ độc lập, khả năng sáng tạo, sự cầu thị và trên hết là dấn thân bằng cả lương tâm, trách nhiệm của nhà khoa học trước những vấn đề lớn của xã hội.

Sách Einstein vừa ra mắt, dư luận trong và ngoài nước đã nhận định: Có lẽ đây là lần đầu tiên ở nước ta có một cuốn sách hấp dẫn và nghiêm túc như vậy về một con người vĩ đại, do chính người Việt Nam viết. Ngay sau đó bạn bè Việt kiều tại Đức đã kêu gọi mua 1.000 quyển để tặng các thư viện các trường đại học và trung học ở Việt Nam. Và lời kêu gọi đã có kết quả cụ thể. Lần tái bản thứ hai đã đáp ứng con số 1000 quyển sách cho các thư viện của đại học và trường học. Và chắc chắn, con số này sẽ tiếp tục tăng nữa.

Ghé thăm nhà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, tác giả sách quyển sách bestseller ngay sau khi phát hành, tôi thật sự bị choáng ngợp trước kho sách quí đồ sộ tại nhà khoa học gia. Bốn bức tường kín bưng bởi những sách là sách nước ngoài. Thật khó có một thư viện nào của Việt Nam có nhiều sách nước ngoài quý như thế. Có vài quyển sách cổ bọc da độc đáo tôi chưa bao giờ thấy ở Việt Nam, được sản xuất theo kiểu báo thủ công rất quí từ đầu thế kỷ 19 (Lagrange) và 20 (Goethe, Kepler) được gìn giữ nâng niu trên kệ sách đóng bằng gỗ thông rất đẹp.

 

  • Xin chúc mừng Tiến sĩ với đứa con tinh thần liên tục bestseller trong hai tháng qua.

Tôi chỉ biết nói lời cám ơn độc giả, những người bạn thân thiết đã đồng cảm và chia sẻ với tôi một tình yêu đối với Einstein. Thực sự rất nhiều người trong chúng ta đều biểu lộ một sự ngưỡng mộ khi nghe đến cái tên Einstein, nhưng tôi nghĩ với cuốn sách này, sự ngưỡng một đó được cụ thể và phong phú hơn. Có thể nói: “Việt Nam đã có Einstein”. Không phải một Einstein bằng da bằng thịt, mà bằng ngôn ngữ của chính mình, do người mình viết.

 

  • Xin phép được bắt đầu câu hỏi của một kẻ ngoại đạo: Tại sao ông lại chọn nhân vật Einstein mà không phải một nhà khoa học nổi tiếng khác?

Einstein không những vĩ đại về mặt khoa học, mà vĩ đại về con người và được thế giới ca tụng cả ngàn năm nay. Ông đã tự giải phóng mình ra khõi mọi định kiến, khoa học hay chính trị, giáo dục của đời thường. Và ông có đủ can đảm, nghị lực để nói lên những điều mình suy nghĩ và đã hành động để chứng minh. Chỉ như thế ông mới đi đến những khám phá có tính chất cách mạng vào đầu thế kỷ 20, khi mà nhiều người nghĩ rằng tòa nhà vật lý đã xây dựng xong. Tôi nghĩ nhiều yếu tố đã làm nên Einstein huyền thoại.

 

  • Nghiên cứu nhân vật, người ta không chỉ nhìn bấy nhiêu đó. Tôi nghĩ ắt hẳn phải có những điều thú vị ẩn đằng sau việc chọn lựa biên khảo này?

Câu hỏi có lẽ như thế này: tại sao cả trăm năm rồi thế giới vẫn dùng không biết bao nhiêu bút mực để viết về con người này, và sẽ còn tiếp tục? Cuốn sách sẽ hé mở câu trả lời về con người ông, con đường ông đi, các thuyết khoa học như thuyết tương đối, thuyết lượng tử ánh sáng thể hiện cách tư duy mới của ông. Sự dấn thân chính trị thể hiện lương tâm và trách nhiệm của một người làm khoa học; tính văn hóa, thái độ của ông trước những vấn đề giáo dục, đạo đức, triết học; cá tính có một không hai của ông trong khoa học và đời thường; sự khiêm tốn trong sáng của ông trước những cám dỗ của sự nổi tiếng… Tất cả nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều người.

Ông đã bộc lộ ngay từ nhỏ là con người có cá tính mạnh, có tư duy độc lập. Năm 15 tuổi đã dám bỏ trường ra đi để tìm con đường riêng cho mình (ông bỏ trường mà không bỏ khoa học). Hoặc sau đó ông thường “cúp cua” ở đại học ETH Zürich (Thụy Sĩ). Chỉ có sự dũng cảm tư duy vượt khỏi “lẽ thường” (common sense) và sự “tò mò thánh thiện” trước thiên nhiên đã đưa Einstein đến những khám phá đột biến gây nên cuộc cách mạng cho ngành vật lý thế kỷ 20. Nói như TS Lê Đăng Doanh, điều quan trọng nhất là phải biết vượt lên chính mình, để tìm đến sự thật còn ẩn nấp mà con người chưa khám phá. Phải vượt qua mọi cám dỗ của tính ì, sự dễ dãi, tùy tiện trong tư duy, hoặc sự thiếu dũng cảm hay tính chạy theo thời… Nếu không thì sẽ không có khoa học, và cũng không có nhà khoa học. “Sự sợ hãi trước quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý”. Và sự ngạo mạn của quyền lực cũng thế.

 

  • Ròng rã trong 3 năm để biên khảo tác phẩm, theo ông, thế hệ trẻ ngày nay cần học gì từ tấm gương vĩ đại này?

Einstein đã chứng minh có thể tồn tại và tư duy một cách khác hơn những cái có sẵn, để đi đến những khám phá độc đáo. Einstein là biểu tượng của sự sáng tạo cao nhất, của tinh thần tư duy, lối sống độc lập, và của những tình cảm cao quý. Einstein là một phản biện hùng hồn chống lại lối giáo dục nhồi nhét, mệnh lệnh. Ông chấp nhận trả giá để đi theo tư duy tự do của mình. Ông cũng là nhà khoa học có đầy đủ “can đảm dân sự” (civil courage) để chống lại bất công. Năm 1914 chỉ vài tuần sau khi ông về Viện Hàn lâm Viện Phổ ở Berlin với những ưu đãi hiếm thấy, thì chính ông cũng là người duy nhất dám công khai chống lại cuộc chiến tranh thế giới thứ I Phổ đang tiến hành. Ai dám làm điều đó? Ông là con người tư duy toàn cục, nhìn các hiện tượng khoa học một cách toàn cục, không cục bộ. Các định luật của ông là những định luật toàn cục. Ông cũng rất yêu nghề kỹ sư, và đã có những bằng sáng chế được đăng ký, nhưng trước hết ông là “kỹ sư trưởng của vũ trụ”, của thế giới toàn cục.

 

  • Ông có nghĩ giới trẻ sau khi đọc sách lại muốn bỏ trường để làm những cuộc phiêu lưu theo tư duy tự do của Einstein?

Nếu tiếng gọi từ nội tâm mạnh và đủ can cảm, tại sao không? Các nhà khoa học lớn thường có những con đường riêng mà không thể giải thích bằng lý trí được. Không phải ai cũng là Einstein. Và con đường của Einstein không phải dễ cho mọi người. Nhưng trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể học những đức tính quý báu của Einstein. Cái gì đã làm cho Einstein đam mê và dũng cảm? Đó là sự ngưỡng mộ trước những kỳ diệu của thiên nhiên, sự kiên nhẫn phi thường và tinh thần tư duy độc lập hiếm có. Thông minh đối với ông chưa đủ. Bản thân ông, như ông tự nói, là chỉ thông minh trung bình, không quá giỏi, cũng không quá dở. Chỉ có sự đam mê và tính kiên trì là có thể hơn người thường.

 

  • Thông tin bạn bè mua tặng 1.000 quyển sách Einstein cho các thư viện được anh đón nhận như thế nào?

Tôi thấy rất vui và cảm động. Các bạn đã thấy ý nghĩa của Einstein cho giới trẻ. Gs Trần Hữu Dũng ở Hoa Kỳ đã nói: “Nếu như 40-50 năm về trước mà tôi có một quyển sách như vầy để đọc thì chắc là bây giờ tôi khá hơn hiện nay rất nhiều.” Thực tế, Việt Nam còn thiếu lắm một văn hóa khoa học (theo nghĩa rộng). Chúng ta chưa có thế giới khoa học trong lòng xã hội để làm động lực canh tân đất nước, thiếu hàng triệu cuốn sách cần phải dịch hay biên soạn ra tiếng Việt. Tôi cho đó là cái “nghèo” vô hình đáng sợ nhất, cái nghèo chất xám của thế giới.

 

Ý kiến:

  1. Giáo sư Hoàng Tụy: Đọc cuốn sách hấp dẫn và đầy suy tư này, tôi càng thấy thấm thía vì sao Einstein đã đi đến kết luận “Trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức”. Rất mong các bạn trẻ tìm đọc cuốn sách này để giúp mình xác định hướng học tập, rèn luyện và tham gia nghiên cứu sang tạo.
  2. Chuyên gia Kinh tế Cao cấp Lê Đăng Doanh:
    Đây là cuốn sách hay nhất, được biên soạn công phu nhất và đa dạng về nhà
    bác học thiên tài, dũng cảm của nhân loại Albert Einstein mà tôi đọc được
    bằng tiếng Việt. […] Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng lúc khi đất nước ta đang rất cần trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng suy nghĩ và hành động tìm tòi cái mới, đột phá để vươn lên trong cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, nó là một đóng góp rất có ích cho công cuộc
    cải cách kinh tế, đổi mới giáo dục hiện nay.
    Đây là cuốn sách hay nhất, được biên soạn công phu nhất và đa dạng về nhà bác học thiên tài, dũng cảm của nhân loại Albert Einstein mà tôi đọc được bằng tiếng Việt. […] Cuốn sách ra mắt bạn đọc đúng lúc khi đất nước ta đang rất cần trí tuệ, sự sáng tạo, khả năng suy nghĩ và hành động tìm tòi cái mới, đột phá để vươn lên trong cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, nó là một đóng góp rất có ích cho công cuộc cải cách kinh tế, đổi mới giáo dục hiện nay.
  3. Nhà văn Nguyên Ngọc: Quả thật tôi đã nhiều lần nghi ngờ: làm thế nào có thể viết được toàn diện về Albert Einstein, dù chỉ ở mức tương đối. Ít nhất là vì hai lý do: những vấn đề không chỉ về khoa học, mà cả về triết học của ông quá ư to lớn, tinh tế, sâu sắc, quá khó, nhất là để nói với những người ngoại đạo, tức hầu hết người đọc chúng ta? Thứ hai: Einstein không chỉ là một nhà khoa học cực lớn, ông còn là một người hiền, cỡ như Lão Trang, mà lại là của thế giới hôm nay, cái thế giới đang được và bị khoa học làm náo động dữ dội như xưa nay chưa từng có. Tôi nghĩ về cơ bản, Nguyễn Xuân Xanh, tác giả sách Einstein, đã vượt qua thành công hai khó khăn đó.
  4. TS Vật lý Trần Hà Anh: Viết về một con người như Einstein là không dễ tí nào, bởi phải lột tả cho được chân dung của một nhà khoa học của loài người. Phải hiểu được làm sao một con người bẩm sinh không có gì nổi bật, khi trưởng thành lại trở thành nhà khoa học có khả năng sáng tạo được những lý thuyết để khai thông một số bế tắt đang diễn ra vào đầu thế kỷ XX.
  5. Ths Hóa học, Lịch sử Hồng Lê Thọ: Nguyễn Xuân Xanh đã nêu bật được tính nhân văn sâu sắc một cách có hệ thống (qua những câu nói mang tính bất hủ của Einstein) cho thấy nhà bác học đã thoát khỏi mọi ràng buộc bởi những định kiến sẵn có của xã hội đương thời hay những định đề cổ điển trong khoa học vì quan niệm rằng chính nó luôn cản trở, hạn chế tầm nhìn và phát minh sáng tạo trong khi nghiên cứu.
  6. TS Toán học Nguyễn Chánh Tú: Trong thời đại nhà khoa học đua nhau làm kinh tế, có những nhà khoa học miệt mài biên khảo trong 3 năm để cho ra đời quyển sách quí này thật là điều rất đáng quí.

 Đạ đăng trên Nhịp cầu đầu tư

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Hằng Nga