Vật liệu tiên tiến: Từ polymer dẫn điện đến ống than nano

Vietsciences -Dương Thủy

 

Vài nét về tác giả

Điểm sách


Sự khám phá ra polymer dẫn điện, fullerene và ống than nano đã làm đảo lộn những hiểu biết kinh điển và đang làm thay đổi toàn diện bộ mặt khoa học và công nghệ của thế kỷ XXI.
Dương Thủy
Cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc những khái niệm cơ bản và các ứng dụng của các vật liệu tiên tiến nói trên, mà những tiềm năng và bí ẩn của chúng “vẫn là những thách thức triền miên, có có không không như một mê cung, đang chờ đợi con người khám phá và sử dụng”. Tác giả của cuốn sách này, Tiến sĩ Trương Văn Tân, cũng chính là một người đang mê mải trong cái mê cung khoa học đó - một người trong cuộc: ông hiện làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Quốc phòng thuộc Chính phủ Úc, chuyên nghiên cứu về vật liệu polymer, polymer dẫn điện và ống than nano.

Hai chương đầu của cuốn sách được dành để giới thiệu sơ lược về polymer dẫn điện, so sánh nó với polymer “cổ điển” cách điện, trình bày các nguyên nhân và cơ chế dẫn điện. Hai chương kế tiếp đề cập đến các ứng dụng của polymer dẫn điện như pin nạp điện, tụ điện, chống ăn mòn trong kim loại, bộ cảm ứng, đèn phát quang, sự đổi màu điện học và vật liệu “tàng hình” (mà tác giả là một người góp phần phát hiện ra việc polymer dẫn điện cũng có tác dụng hấp thụ radar). Tác giả cho biết từ năm 1996-2000 có hơn 2.000 báo cáo phát minh, 8.000 báo cáo khoa học liên quan đến polymer dẫn điện. Chương tiếp theo nói đến sự phát hiện fullerene C60 và ống than nano, trình bày cơ tính, điện tính và tiềm năng của hai vật liệu thuần carbon này. Hai chương 6 và 7 nói về các ứng dụng quan trọng của chúng như cơ bắp nhân tạo, sợi ống nano - “một loại sợi siêu cứng, siêu bền và siêu hữu ích chưa từng có trong lịch sử”. Tác giả cho biết hiện nay hàng trăm trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano đã được thành lập khắp thế giới, và đối với một số nước, công nghệ nano là ưu tiên quốc gia cho việc nghiên cứu và triển khai. Chương 8 được dành riêng nói về pin mặt trời để chuyển hóa năng lượng mặt trời ra điện năng, chương này được tác giả coi là “những nốt nhạc cuối cùng của một bản giao hưởng, cho người đọc một niềm lạc quan về triển vọng của năng lượng mặt trời” (theo cách nói của tác giả).
Giải thích các khái niệm khoa học phức tạp bằng một ngôn ngữ giản dị thì không dễ chút nào, nhưng đó là điều mà tác giả đã làm được. Với cách hành văn trong sáng, gợi hình, vui tươi, nhiều chỗ dí dỏm, cuốn sách đã không bị nặng nề và “không khô như mái ngói mùa hè”, đúng như mong muốn của tác giả. Thậm chí bên cạnh các câu trích dẫn của Albert Einstein, ở trong sách còn trích dẫn khá nhiều... thơ (của Nguyễn Du, Vua Tự Đức, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, và cả Hàn Mặc Tử).

Tác giả “hy vọng rằng những điều hiểu biết trong quyển sách sẽ mang đến cho các bạn đọc trẻ những chủng tử tri thức đợi dịp để phát triển thành vườn hoa trí tuệ khoa học muôn màu sắc, đâu đó sẽ có những đại thụ làm rợp bóng thế giới”. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên mà tác giả biên soạn, dựa trên vốn tri thức riêng và trên nhiều công trình khoa học, để đóng góp cho Tủ sách Kiến thức của Saigon Times Foundation (STF), một tủ sách có mục đích góp phần vào công cuộc đẩy lùi nạn đói tri thức trong thanh niên ở nước ta hiện nay.
Sách do STF hợp tác với NXB Trẻ xuất bản, 252 trang, giá 27.000 đồng, hiện đang phát hành trên cả nước.   

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org