Trả lời về bài Chống Dầu Loang

Vietsciences-Đặng Đình Cung     29/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Tôi xin tự giới thiệu tôi tên Đinh Việt Phương đang làm việc tại Việt Nam và nghiên cứu về môi trường.

Vừa qua tôi có đọc được một số bài báo của Kỹ sư trên trang diễn đàn như: Việt Nam: căn cứ hậu cần; chống dầu loang…đặc biệt tôi có tìm trên internet và đọc được những bài của kỹ sư về lĩnh vực năng lượng hạt nhân.  Tôi thấy đây là những nội dung rất thiết thực đối với Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt tôi có quan tâm đến bài chống dầu loang của Kỹ sư, đây là giải pháp mới, rẻ tiền và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được (Sáng chế này chủ yếu gồm bởi một hay nhiều bó vật dài và rỗng, tỷ dụ như là, để gợi ý, rơm, dạ, ống bằng nhựa,... Những bó đó được xiết chặt xung quanh một vật dài cứng hay có thể uốn được làm bằng bất cứ chất liệu nào, như là, để gợi ý, một sợi dây thừng. Những bó đó có thể được bọc bởi một túi thấm nước làm bằng bất cứ chất liệu nào, như là, để gợi ý, vải bố), vì vậy cho tôi đặt một số câu hỏi với kỹ sư về công nghệ này như sau:

- Kỹ sư đã thử nghiệm công nghệ này trong thực tế hay chưa và kết quả như thế nào?

- Kỹ sư có thể gửi cho tôi những đánh giá ban đầu về công nghệ để tôi có thể so sánh đối chiếu với những công nghệ của thế giới được không? Nếu được sự cho phép của Kỹ sư thì rất mong Kỹ sư gửi cho tôi bản mô tả chi tiết công nghệ và cho phép ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam nếu đáp ứng những yêu cầu về môi trường.Tôi đảm bảo sẽ sử dụng công nghệ này phi lợi nhuận.

Rất mong nhận được sự hồi âm của kỹ sư.

Trân trọng.

===========

Tôi coi là một vinh-dự khi nhận được thư Ông và xin Ông đọc sau đây trả lời những câu hỏi của Ông.



- Kỹ sư đã thử nghiệm công nghệ này trong thực tế hay chưa và kết quả như thế nào?

Tôi hay sáng-chế những vật giản-dị, dễ sản-xuất và rẻ tiền mà những tổ-chức phi-vị-lợi Pháp gọi là công-nghệ thích-hợp-hóa (technologie adaptée). Chế-tạo thử những vật đó không tốn kém lắm nên nếu thấy có ích thì chế-tạo thử và nếu dùng thử mà thấy hữu-hiệu thì dùng một cách đại-trà. Đó là phương-pháp thử-nghiệm hay nhất. Vậy Ông có thể làm thử và tôi sẵn sàng phân-tích với Ông những kết-quả.

Ngày xưa, thời Bao-cấp, tôi có gửi về nước nhiều họa-đồ về máy nước nóng chạy bằng ánh sáng mặt trời, chòi xây thuốc cổ-truyền dân-tộc bằng ánh sáng mặt trời, quạt gió gắn với một ổ phát điện Diesel, hầm ủ khí sinh-vật,... Theo tôi được biết, có vài nơi đã dùng thử thành-công. Những sáng-chế đó có thể là khởi đầu ho những luận-án tiến-sĩ có giá-trị cao nếu có nghiên-cứu-sinh quan-tâm đến.
 

 

- Kỹ sư có thể gửi cho tôi những đánh giá ban đầu về công nghệ để tôi có thể so sánh đối chiếu với những công nghệ của thế giới được không??

Trên Thế Giới người ta cố gắng ngăn chặn dầu không tràn tới bờ. Để ngăn chặn dầu ngay từ ngoài khơi người ta dùng một đập nổi chăng ra như là chăng lưới đánh cá, họ kéo đập nổi đó bao quanh đám dầu nổi trên mặt biển rồi họ hút dầu lên tầu để mang về xử lý trên đất liền. Đập nổi mà tôi thấy dùng ở Pháp là một cái ruột tượng, tương tự như ruột tượng các bà Bắc Bộ quấn quanh bụng đề làm thắt lưng và túi tiền. Ruột tượng đó làm bằng nhựa. Tôi không có dịp xem kỹ thiết bị đó nhưng dự đoán trong ruột tượng có những miếng nhựa polystyren để cho đập có thể nổi.

Làm như thế thì có thể giới hạn ô nhiễm ở ngoài biển. Khi dầu tràn vào bờ rồi thì ô nhiễm thêm đất liền và phải bỏ nhiều công lao hơn để nạo rửa và tẩy dầu dính vào cây cỏ đất đá.

Sau vụ đắm tầu chở dầu Erika ở Pháp, tôi có đi xem họ vét dầu loang trên mặt biển ra sao và nẩy ra ý kiến một thiết bị vừa rẻ vừa hữu hiệu hơn. Khi thấy đồng bào nước mẹ đẻ phải đối phó với vấn đề này tôi lục trong tủ tìm lại họa đồ tôi vẽ lúc đó, viết vội một bài mô tả sáng chế và gửi đến các báo Việt ngữ xin phổ biến. Là một sáng chế, đập nổi theo ý của tôi chưa được áp dụng. Theo tôi nghĩ thì nó hữu hiệu hơn những đập nổi theo kiểu Pháp vì vải bố và rơm là những vật liệu thấm nước, dầu có thể bám vào vớt dễ hơn. Vì là một thiết-bị rẻ tiền, sau khi dùng sẽ đốt đi chứ không phải lau rửa để dùng lại. Thêm vào đó, nếu một chỗ bị sóng biển đánh hỏng thì chỉ cần gắn một bó rơm khác là sửa được ngay.

- Nếu được sự cho phép của Kỹ sư thì rất mong Kỹ sư gửi cho tôi bản mô tả chi tiết công nghệ
 

Tôi không có tài-liệu mô-tả sáng-chế nào khác ngoài bài và hình vẽ đăng trên Diễn-đàn và VietSciences cả.
 

và cho phép ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam nếu đáp ứng những yêu cầu về môi trường.Tôi đảm bảo sẽ sử dụng công nghệ này phi lợi nhuận.

Mục-đích của tôi khi phổ-biến sáng-chế là
 

(a) để cho mọi người biết mà áp-dụng,
(b) vì mọi người biết, không ai có thể xin bằng sáng-chế và làm phiền-nhiễu những người muốn áp-dụng sáng-chế.

Theo Công-ước Washington, khi một sáng-chế đã được công-bố trước khi đăng-ký xin bằng thì không ai có thể đòi làm chủ-nhân được nữa. Vì thế mà tôi thường đăng những sáng-chế trên một tờ báo để sau này những người khai-thác sáng-chế có cơ-sở để chống lại kẻ bất-lương muốn đòi tiền sở-hữu công-nghiệp. Người nào bị phiền-nhiễu vì khai-thác sáng kiến chỉ cần đưa cho đối-thủ xem tờ báo đã đăng sáng-kiến đó là đủ. Việc sáng-chế được đăng trên Diễn-đàn, VietSciences và báo Thanh-niên là trong ý-đồ đó.

Vậy Ông có quyền áp-dụng sáng-chế này tùy-ý miễn là không trái với phong-tục, đạo-đức và luật-lệ của CHXHCN Việt-nam. Ngoài ra Ông có quyền nghiên-cứu, thí-nghiệm và cải-tiến sáng-chế. Tôi sẵn sàng tham-gia với Ông vào những việc này.

Tôi sẽ ở TP-HCM vào cuối tháng bẩy tới. Nếu Ông có dịp ở Sài-gòn vào lúc đó thì đây là một dịp để làm quen với Ông. Điện-thoại của em tôi là 84(8)842.49.05.

Xin chúc Ông thành-công và xin kính thư,

 
© http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org Đặng Đình Cung