Những kỷ niệm vui buồn với anh Lê Ngộ Châu

Vietsciences-Lê Thanh Thái    06/10/2006

Những bài cùng chủ đề

Nhớ về chuyện ba bài thơ không qua nổi lưỡi kéo Kiểm duyệt

 

Anh Lê Châu ơi!



Tôi gọi bằng tên này, để nhớ tôi đã tôn vinh Anh là Chủ nhiệm Bách Khoa chung sinh của nhóm anh em Bách Khoa chúng mình.

Vừa rồi, tôi nhận lời cháu Võ Thị Diệu Hằng, con gái lớn nhà văn Võ Hồng từ Pháp về Nha Trang thăm cha, nhờ tôi viết những kỷ niệm vui buồn với nhà báo lão thành Lê Châu để cho lên Vietsciences.

Đêm nay, tôi ngồi trước bàn phím từ sau bữa cơm tối, đắn đo mãi, không biết moi ra những gì trong thúng-tơ-rối-kỷ-niệm giữa chúng mình. Chớm thấy đầu mối cuộn tơ này, mừng húm sửa soạn nắm đầu nó lôi ra, chợt thấy cuộn tơ khác kỷ niệm lại thấm thía hơn. Tôi buông cái này bắt cái kia, mãi lúc nhìn lên đồng hồ treo tường đã 02g35; Chợt nhớ câu chuyện vui vui giữa Anh, tôi và Xuân Hiến về những ngày tôi chân ướt chân ráo mới về Sài Gòn; anh Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, người anh đồng hương của tôi, dẫn đến tạp chí Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng (Q. Ba) nhờ anh đăng vài bài thơ tôi đọc và thuộc trong 9 năm đi kháng Pháp.

Hôm nay lục trí nhớ, thấy bài Khóc Hoài của Vĩnh Mai hơi giống tâm tư tôi đang bâng khuâng nhớ nghĩ về Anh.

  Hồi 1957, tạp chí Bách Khoa từ lưu hành nội bộ vừa ra công khai; tôi cũng từ rừng núi Lâm (Viên), Ninh (Thuận), Đồng (Nai Thượng), Bình (Thuận) còn gọi là Cực Nam Trung Bộ, về Sài Gòn sau 9 năm chống Pháp, bị tù Chí Hòa vừa về, được gia nhập hàng ngũ "Ông Cụ" (Ngô Đình Diệm).

Anh Ngu Í đưa tôi đến tòa soạn Bách Khoa, nhờ anh cho đăng vài bài thơ tôi được nghe và thuộc nằm lòng lúc còn trong ấy, cho vơi bớt nỗi niềm.

Trong lúc anh Ngu Í thao thao bất tuyệt, Anh ngắt lời với nụ cười nhếch mép hóm hỉnh cố hữu:

-Thơ, truyện bên Ni, hay bên Tê cũng được, miễn là phải trung thực, đừng phịa nhiều quá.

Anh Ngu Í bước qua bàn anh Xuân Hiến (Thư ký Tòa soạn), kê sát vách bên phải, lấy một xấp giấy Bản Tin (còn trống mặt sau) đưa tôi. Tôi ngồi tại sa-lông-thấp (kê sát vách bên trái), ghi qua trí nhớ bài thơ Thăm Lúa của Trần Hữu Thung, rồi đứng dậy đưa tận tay Anh.

Đọc xong, sau mấy cái gật gù, Anh gọi anh Xuân Hiến:

-Hiến ơi. Bài thơ này có mấy câu thú vị quá!

Rồi anh đọc luôn:

.../ Lúa níu anh trật giép/ Anh cúi sửa vội vàng/ Qua cánh đồng tạt ngang/ Đến bờ ni anh bảo/ Ruộng nhà quên cày xáo/ Nên lúa chín không đều/ Nhớ đi, để mùa sau/ Nhà cố làm cho tốt/ Xa xa nghe tiếng hát/ Anh thấy rộn trong lòng/ Sắp đến chỗ người đông/ Anh bảo em ngoái lại.

Anh nói tiếp:

-Còn nhiều câu nữa hay lắm, cậu xem rồi cho đi số này. Nhớ hẹn anh Thái đến chữa bản vỗ (morasse) cuối nhé.

Đây là một nguyên tắc rất đẹp của tạp chí Bách Khoa đối với bạn viết.

Hôm sau tôi đến, chữa trong bản vỗ vài từ do thợ Typo sắp chữ nhầm. Thế nhưng, đến lúc báo ra, không thấy bài thơ. Tôi đến hỏi, anh Xuân Hiến lắc đầu cười buồn: Không thoát khỏi lưỡi kéo khắc nghiệt của bà già Kiểm duyệt!

Tôi quay người toan đi ra, Anh vẫy tay ra dấu cho tôi chờ -anh đang nói chuyện điện thoại. Xong, ngoắc tôi lại hiệu cho tôi ngồi chiếc ghế nhỏ đặt trước bàn Chủ bút của Anh. Rồi trầm giọng hỏi trỏng:

-Còn nhớ bài nào nữa không ?

-Còn nhiều.

-Về chép, sáng mai đưa đến cho tôi.

Tôi hăng hái:

-Xin chép liền tại chỗ.

Tôi qua bàn anh Xuân Hiến cũng xin tờ Bản Tin một mặt, ngồi tại sa-lông- thấp, ghi theo ký ức bài thơ Nam Tiến của Mai Xuân Cảnh, đưa anh. Anh đọc xong vỗ lên chồng bản thảo trước mặt một cái độp, gọi anh Xuân Hiến:

-Mấy câu đoạn cuối này rất đắc, còn nhiều chất lãng mạn Tạch-tạch-sè (Tiểu tư sản). Tớ đọc cậu nghe nhé:

(...) Có nhớ nhau vọng chiến trường/ So dây đàn lạnh khơi nguồn cảm thông/ Băng băng tàu Nam Tiến/ Sáng chói mảnh trời trong/ Ra đi chẳng bận nhớ nhung/ Ra đi vui với tấc lòng ai theo/ Nhịp tàu vẳng tiếng bạn yêu/ Lòng nghe rào rạt vang reo sóng hờn/ Xa vời trong khói lửa/ Quằn quại mảnh quê hương/ Lòng đâu lưu luyến nữa/ Bến cũ nhẹ tình thương/ Buồm căng lộng gió muôn phương/ Trùng dương bát ngát mở đường đấu tranh/ Có người chiến sĩ viễn chinh/ Một chiều say ngắm trời xanh nhẹ cười...!

Thế rồi! Cũng như lần trước, bài thơ không thoát lưỡi kéo ác nghiệt... vì tác giả bài thơ là nguyên Trưởng ban Công tác Chính trị Liên khu V, trong 9 năm chống Pháp.

Anh lại nhếch nụ cười chua chát:

-Còn nhớ bài nào nữa, ghi tiếp, tôi sẽ cho đăng. Thua keo này bày keo khác. Buồn làm khỉ gì cho mệt xác.

Tôi xin anh Xuân Hiến vài tờ giấy Bản Tin một mặt, cũng ngồi vào bàn sa-lông-thấp, chép qua trí nhớ bài thơ Khóc Hoài của Vĩnh Mai.

Đọc xong bài thơ này, anh cũng nói với Xuân Hiến:

-Có những từ ngữ đúng là biệt sắc miền Trung, thích thật!

Anh quay lại hỏi tôi:

-Tác giả người tỉnh nào ở miền Trung?

-Bình-Trị -Thiên, chiến đấu tại huyện Phú Lộc Huế.

Anh nhìn qua bàn anh Xuân Hiến:

-Cho đi bài này luôn.

Rồi anh biểu tôi:

-Chép trọn bài thơ đưa anh Hiến.

Tôi chép liền một hơi:





Khóc Hoài

Tau với mi hẹn nhau từ Khu bộ

Lúc trở về lo sáng tác văn chương

Đến tỉnh nhà mỗi đứa mỗi đường

Mải công việc không một ngày được nghỉ

Tau ước ao giữa văn nhân nghệ sỹ

Gặp lại mi để bàn chuyện lâu dài.

Rồi một hôm... như sét đánh bên tai

Tau sửng sốt nghe tin mi đã chết.

Tau buột miệng kêu lên: Rứa là hết!

Tau mất thêm một ông bạn văn chương.

Hoài mi ơi! Mới bước được nửa đường

Răng mi chết thình lình oan uổng rứa.

Hai mươi tuổi, đời mi đang căng nhựa

Hứa một mùa hoa đẹp quả thơm ngon

Đời quanh ta đang chói dậy vàng son

Mi lại chết. Chao ôi, là uất ức!

Mi táo bạo về ngay chi Phú Lộc

Để cho Tây phục kích bắn mi đi.

Tau biết rồi, mi vốn tính khinh khi

Coi mạng sống là trò chơi con trẻ.

Tau nhớ mãi dáng người mi mạnh mẽ,

Bước mi đi chắc nịch như trâu tơ.

Nhớ hồn mi trong sáng như bài thơ

Của một gã học sinh mười tám tuổi.

Say lý tưởng mi yêu đời đắm đuối

Thề hiến thân trai trẻ cho Công-Nông

Ngày mai đây dưới bóng đẹp cờ hồng

Mi vắng mặt buồn cho tau biết mấy

Tau đã bảo sự tình sao chịu vậy

Mà lòng tau đau nhói như kim châm.

Chiều nay đây đọc Giết Giặc Trong Sân

Tau thấy cả bài thơ mi nóng hổi

Lòng tau lại rạt rào không tả nổi,

Tình bạn bè như nước ngập chơi vơi...

Đêm nay nghe gió thoảng ngoài trời

Nghe lau lách xạc xào ngoài mé cửa

Nghe tiếng dế âm thầm tau ngờ ngợ

Như nghe mi tâm sự với hồn tau

Tau ngồi yên trên sập một hồi lâu

Mà không quên mi được hỡi Hoài ơi!

Đốt đèn lên tau ngồi lặng một hồi

Cổ tau nóng tau bèn đi uống nước

Rồi tau viết bài thơ ni một mạch.

Chừ, tau mi thôi từ đây xa cách,

Mi chết rồi còn tau lại trên đời

Làng văn chương.. Ôi! có thiếu chi người

Tau nói rứa mà hồn tau ứa lệ!...

Vĩnh Mai

Liên khu Bình Trị Thiên- Thu khói lửa- 1950

*



Bài thơ này cũng theo số phận hai bài thơ trước, không được ra mắt bạn đọc Bách Khoa!

Đêm nay, tôi nhắc lại để cùng tâm đắc với Anh về đoạn thơ:

... Tình bạn bè như nước ngập chơi vơi/ Hôm nay nghe gió bão (bão Xangsane) thổi ngoài trời/ Nghe tiếng dế rì rầm tôi ngờ ngợ/ Như nghe Anh tâm sự với hồn tôi/ Tôi ngồi yên trước bàn phím hồi lâu/ Mà không quên Anh được hỡi Châu ơi/ Tôi tắt đèn, ngồi lặng một hồi/ Cổ tôi nóng tôi bèn đi uống nước/ Giờ, chúng mình thôi từ đây xa cách/ Anh mất rồi còn tôi lại trên đời/ Làng văn chương... Ôi! Có thiếu chi người. Tôi nói vậy, mà hồn tôi ứa lệ...

 (Nhại bài thơ Khóc Hoài của Vĩnh Mai).

*

20g, đêm 24/ 09/ 2006

tại Nhà Tang lễ TP HCM, 25 Lê Quý Đôn- Quận Ba

Thanh Thái

263/28 Lý Thường Kiệt- Cư xá Lữ Gia P. 15- Q. XI. TP HCM

 

© http://vietsciences.free.fr  , http://vietsciences.org  và http://vietsciences2.free.fr  Lê Thanh Thái