Anh Liễu

Vietsciences-Nguyễn Ngọc Giao               14/03/2010

 

Những bài cùng đề tài

Trưa nay (thứ ba 9.3), tôi đang ở khu Latinh thì nhận được điện thoại của chị Colette. Nghe giọng nói ngập ngừng, tôi hiểu ngay chị muốn báo cái tin mà tôi sợ phải nghe và không muốn nghe. Thứ tư tuần trước, khi tôi gọi về nhà, chị cho biết anh Liễu đã mổ ngày thứ hai (1.3.2010), sáng thứ ba đã tỉnh. Cũng như mươi ngày trước khi mổ, anh không muốn bạn bè vào thăm. Tôi chỉ xin chị thỉnh thoảng gọi cho biết tin, nhất là ngày nào anh Liễu đồng ý cho bạn bè vào thăm. Chị còn cho biết anh Liễu đã nhẩm tính : mười ngày nằm thêm ở bệnh viện, một tháng tập vận động, may ra vừa kịp buổi họp mặt đầu xuân của báo Diễn Đàn, dự trù vào ngày trung tuần tháng 4...  Thế là năm nay, sẽ có hai người vắng mặt : Phạm Ngọc Tới, Bùi Trọng Liễu...

Mở trang mạng Diễn Đàn hôm nay, dòng đầu đăng tin anh mất, nhưng cuối trang, bạn đọc còn thấy bài TỰ NGUYỆN (lên mạng ngày 24.2.2010), bấm vào trang tiếp theo : SADIM (ngày 10.2), rồi CHUYỆN CON ĐÀ ĐIỂU (8.2)...  Mấy tháng nay, sức khoẻ của anh xấu đi nhiều, nhưng anh sức viết của anh thì ngược lại : bây giờ anh đã mất, ta hiểu là anh đã chạy đua với tử thần. Bài TỰ NGUYỆN, như chính anh đã nhờ chị Colette nhắn tôi, từ bệnh viện Antony "chắc là bài cuối cùng". Tôi biết có thể anh nói đúng -- độ này, nghe qua điện thoại, cũng thấy khí huyết của anh suy sụp quá rồi, và tối 6.2. gặp anh (lần chót) ở UNESCO, cầm cánh tay anh tôi sửng sốt như cầm ống xương, tưởng chừng như anh không còn trọng lượng nào nữa -- nhưng tôi vẫn đùa, nhờ chị nhắn với anh Liễu "Tôi biết tỏng đây là cách anh làm sức ép để Diễn Đàn đăng bài của anh". 


Giáo sư Bùi Trọng Liễu và hai con trai Marc và Alain trong lễ phục giáo sư đại học (2003)

Thường khi, anh hay gửi trước cho tôi một bản nháp để "hỏi ý kiến", ý kiến chung hay ý kiến về một chữ dùng, sau đó anh mới gửi bản "chính thức". Gọi là "chính thức", nhưng nhiều lần đã "lên khuôn" xong (tức là chuyển từ dạng tài liệu Word sang dạng html để đưa lên mạng) thì lại nhận được bản "cuối cùng", thậm chí "cuối cùng có sửa thêm một hai chỗ".  Tất nhiên là tôi "nhăn mặt" xong xuôi rồi mới dám viết thư, chỉ cho anh cách dùng một màu khác (xanh hay đỏ) cho những chỗ sửa, như vậy cánh "thợ in" chúng tôi chỉ việc sửa những chỗ đó ở bản đã "lên khuôn", chứ không phải làm lại từ đầu. "Nhăn mặt" thì nhăn mặt vậy thôi, chứ tôi hoàn toàn thông cảm sự quan tâm của anh : đã quá nhiều lần bài của anh gửi cho những tờ báo trong nước (hoặc do họ tự ý đăng lại) đã bị "biên tập". Anh rất cẩn trọng trong việc dùng chữ, một là vì tính anh cẩn trọng, hai là văn anh rất thâm thuý (nhiều khi quá thâm thuý, nên người ta không hiểu, hoặc không muốn hiểu hết ý, và tất nhiên có người hiểu sai). Viết bài SADIM, kể lại điển tích vua MIDAS đụng đâu cũng thành vàng, (như nền giáo dục Việt Nam với bàn tay Midas của những Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu...) anh muốn nói tới những "vị" ngày nay, đụng đâu cũng thành vàng giả. Khởi đầu, anh muốn dùng từ ANTI-MIDAS để nói tới họ, và anh gửi "meo" hỏi tôi "anti" nên dịch là gì. Tiếng Việt ngày nay, tiền tố "anti-" thường được chuyền thành "chống" (như chống cộng, chống phát xít) hay phản ("Phản - Hồikí" của André Malraux), nhưng tôi thấy "chống Midas" và "phản Midas" đều không ổn. Loay hoay mãi, bí quá, đành đề nghị anh cái "mánh" là viết ngược chữ MIDAS thành SADIM. Tôi kể lại chuyện này, tất nhiên không phải để "kể công", mà để thấy cụ thể sự cẩn trọng của anh trong từng câu từng chữ.  Kể công thì không, nhưng đúng là cũng muốn... chuộc tội : khi biên tập bài TỰ NGUYỆN, bài cuối cùng của anh, tôi đã tự tiện xoá đi một chữ. Nguyên tắc của ban biên tập Diễn Đàn là : lỗi chính tả thì thẳng tay sửa chữa, không xin phép tác giả, nhưng còn lại, đăng nguyên văn bản của tác giả, nếu thấy cần biên tập, thì đề nghị với tác giả (và tác giả nhận hay không) -- trường hợp biệt lệ là một vài tác giả "cây nhà lá vườn", ký "khống" cho phép ban biên tập "toàn quyền sinh sát". Anh Liễu không nằm trong "biệt lệ" ấy, nên chưa bao giờ chúng tôi "biên tập" bài nào của anh. Lần này, với bài TỰ NGUYỆN, khi biên tập tới chú thích số 3, đến câu : << Cũng xin nói thêm là tôi rất lúng túng trong việc nói về niên đại : tôi bất đắc dĩ phải dùng cụm từ « trước Công nguyên » hay « sau Công nguyên », vì dùng từ Tây lịch như một số tác giả cũng rất lơ mơ, vì Tây lịch nào ? Lịch Julien hay lịch Grégorien ? Rất lộn xộn. >>, bình thường tôi gọi điện thoại hay gửi "meo" cho anh, đề nghị xoá chữ "sau" trong "sau Công nguyên". Trước Công nguyên thì rõ rồi : trước năm 1 dương lịch là năm mà có thời người ta tưởng lầm là năm Yê-xu Ki-tô ra đời (người Pháp nói "avant J.C." và "après J.C."), nhưng Công nguyên, tức là kỷ nguyên ("công giáo" hay "công lịch", tuỳ hỉ) vẫn đang tồn tại, không thể nói "sau Công nguyên" được). Nhưng lúc đó, anh Liễu đã nhập viện rồi, chẳng lẽ lại nhờ chị Colette hay nhờ Mạc (con trai anh) hỏi phép, lích kích, trong khi tôi biết anh rất nóng lòng muốn bài báo sớm được công bố. Tôi đành mạn phép "tiền trảm hậu tấu", đợi ngày anh về nhà sẽ "tấu tội" vậy. Anh Liễu vẫn thường nói Diễn Đàn là "nơi tin cậy duy nhất" của anh vì bài nào ký tên Bùi Trọng Liễu thì không thiếu, thừa hai sai một chữ so với nguyên tác. Câu này không còn đúng nữa, vì tôi đã "hốt cắt đục" của anh một chữ.  Và quan trọng hơn nữa, nhờ công lao của Mạc (Marc Bùi, nhà toán học), toàn văn những bài viết của Bùi Trọng Liễu bằng tiếng Việt, kể cả bào TỰ NGUYỆN (với chữ "sau" nói trên), đã được công bố trên trang mạng của anh : http://www.buitronglieu.net/.

Trước đó, nhiều lần tôi đề nghị anh mở ra một trang mạng riêng để công bố bài của anh, anh tỏ ý ngần ngại rồi hỏi ướm xem Diễn Đàn có thể mở một trang để anh "tá túc" không. Tôi bàn ra, không phải vì trốn việc (việc kĩ thuật, tôi dốt, phải nhờ mấy anh em chuyên gia, mà tôi biết ai cũng sẵn sàng giúp anh mở ra trang này), mà vì nghĩ rằng trang mạng của anh nên "độc lập" với Diễn Đàn.

Sở dĩ tôi dứt khoát từ chối mà không sợ anh hiểu lầm, vì đã từ lâu, tôi hiểu vì sao anh muốn giữ một "thế đứng" độc lập. Chính xác là cách đây đúng 20 năm, khoảng tháng 1 hay 2 năm 1990. Lúc ấy, một số anh em chúng tôi quyết định công bố " Tâm Thư gửi các vị lãnh đạo Việt Nam cùng đồng bào trong và ngoài nước về việc cải tổ hệ thống chính trị ". Tài liệu này được công bố ngày 22.1.1990, với danh sách đầu tiên gồm 32 chữ ký của những người tiêu biểu trong phong trào Việt kiều ủng hộ cuộc kháng chiến ở các nước phương Tây (từ Úc, Nhật tới Bắc Mĩ, qua Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Ý, Pháp), thuộc các giới khác nhau, từ công nhân (anh Văn Thự) đến các nhân sĩ (Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Mạnh Hà) qua giới trí thức (anh Lê Thành Khôi)... Ngay từ đầu, bác Hoàng Xuân Hãn đã ký tên, sau đó bác rút lại vì nghĩ rằng không ký, mà bác viết thư cho các nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ để nói cùng chiều hướng và "chứng nhận" sự thực tâm của anh chị em chủ trương Tâm Thư thì có hiệu quả hơn (tôi đã có dịp kể lại câu chuyện này trong bài Hoàng Xuân Hãn : con người và chính trị). Không thấy anh Liễu ký tên, nhiều anh chị em thắc mắc. Hôm ấy, chị Colette và anh Liễu lại thăm nhà (chúng tôi mới dọn tới căn hộ này hồi cuối năm 1989, tôi còn nhớ hình ảnh vợ chồng Ceaucescu giãy chết trên màn ảnh TV còn xếp tạm ở góc phòng khách khi chúng tôi ngồi soạn tâm thư). Tôi nói lại với anh Liễu sự thắc mắc ấy. Và anh mới thố lộ : anh tránh mọi lên tiếng về chính trị để tiếng nói của anh về vấn đề anh quan tâm nhất -- là vấn đề giáo dục -- không thể bị hiểu sai và khó bị xuyên tạc. Hôm ấy chúng tôi phải dành mấy phút để mỗi người tâm sự về "chỗ đứng" : anh kiên trì thế đứng của người "sinh sống ở bên ngoài", gắn bó với "cố hương" nên thiết tha nói lên ý kiến của mình trên vấn đề mình biết và quan tâm nhất, là giáo dục, để người ta khó gán cho sự phát biểu ý kiến của anh những "ý đồ" nào khác ; còn tôi thì chưa bao giờ coi quốc tịch và nơi sinh sống là vấn đề hệ trọng, và luôn luôn nghĩ rằng phát biểu ý kiến -- và nói huỵch toẹt ra là "tham gia đấu tranh" -- không phải là một cái quyền (được người ta ban phát hay bị người ta phủ nhận) mà đơn thuần là nhiệm vụ. 

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, chúng tôi ghi nhận sự "khác biệt" trong việc chọn lựa thế đứng. Hai mươi năm qua, đôi lúc trà dư (hơn là tửu hậu), bất quá anh và tôi chỉ nửa đùa nửa thật nói "kháy" nhau một câu về chuyện này, chứ không bao giờ thấy cần tranh luận. Những lời nói "kháy" chẳng qua là chỉ để biểu thị rằng mình hiểu và tôn trọng sự chọn lựa của người kia. Mỗi lần được anh hỏi ý kiến hay than thở (chẳng hạn : về việc thành lập trường đại học quốc gia, đề nghị của anh một đàng, người ta áp dụng một nẻo), tôi chỉ nghe là chủ yếu. Có lần, chẳng đặng đừng, tôi nói thẳng là "họ" sẽ nói là "nghe", song đây là vấn đề "quyền lực" gắn liền với "nồi cơm", nhất định họ sẽ biến đổi dự án đến mức làm ngược lại mục đích tuyên bố. Nhưng thật sự tôi vẫn nghĩ rằng anh góp ý kiến như vậy, "điều trần" như vậy là đúng và nên : những ý kiến ấy còn đó, cần được công bố để càng nhiều người biết càng tốt, sớm muộn cũng sẽ được chấp nhận. Anh "than thở", nhưng tôi có thể làm chứng, không bao giờ anh ngừng phát biểu ý kiến và cung cấp thông tin mà anh cho rằng người ta (vô tình hay cố ý) không biết hoặc hiểu sai để cải tổ "bậy".


 
Bùi Trọng Liễu và Colette Andrieu những ngày chưa cưới (1961, Lâu đài Chantilly)

Người nào không biết, có thể tưởng anh Liễu chỉ muốn làm một "phu tử" góp ý kiến từ xa. Thực ra, khi cần thiết, và nếu có vận hội, anh không nề hà bỏ công sức, tâm trí, thời gian -- với sự trợ lực tận tuỵ của chị Colette -- để thực hiện những dự án cụ thể. Ví dụ tiêu biểu là việc thành lập Trường "dân lập" Thăng Long. Các bạn trẻ ngày nay chắc không biết gì mấy về những lề thói thời "bao cấp". Họ chưa hề thấy tận mắt những tấm "tem phiếu", sổ lương thực, cũng như việc tuyển chọn vào đại học theo "thành phần lý lịch". Câu chuyện tưởng như là chuyện "ngày xửa ngày xưa", thật ra không xa gì : cuối thập niên 1980, trường Thăng Long là trường đầu tiên tuyển sinh theo hồ sơ khoa học, không xét tới thành phần gia đình của học sinh. Nó đã góp phần khá ngoạn mục vào việc phá sập "bức tường lý lịch". Vai trò quyết định (tôi cân nhắc và xin dùng chữ này cho đúng) của anh Bùi Trọng Liễu trong việc "đỡ đẻ" trường Thăng Long, ngày nay nhiều người biết (hoặc có thể tìm biết). Là người có đóng góp hai ba hạt cát trong công việc này (trong hai năm đầu, mỗi tháng đóng góp một số tiền rất nhỏ ; giới thiệu anh Liễu với CCFD (Uỷ ban Công giáo chống đói, vì phát triển) và Quỹ France - Libertés của bà Danielle Mitterrand là hai cơ quan đã cung cấp tài trợ) nên tôi có thể đo lường được sự lao lực của anh chị trong việc này, và hiểu được những cố gắng của anh Liễu để gìn giữ cho Thăng Long đi đúng đường hướng lành mạnh mà các anh chị sáng lập đã đặt ra từ đầu. Đọc lại những bài viết của anh sau khi "chia tay" với dự án này, ngày nay anh đã ra đi, chúng ta có thể thấy anh viết hoàn toàn không vì lí do cá nhân (như có người hiểu lầm), mà chỉ muốn kiên trì cái "tinh thần" Thăng Long mà những người thực tâm với nền giáo dục đều muốn các trường đại học Việt Nam theo đuổi.

*

Tôi không nhớ được gặp anh Liễu lần đầu vào thời điểm nào đầu thập niên 1960. Khi tôi bắt đầu học ở Viện Henri Poincaré thì anh Liễu cũng như anh Nguyễn Đình Ngọc đã bảo về xong luận án tiến sĩ. Anh Ngọc ở lại viện làm trợ giáo cho ông Charles Ereshman(dạy môn tôpô-học đại số ) nên tôi có dịp tiếp cận (nói chính xác là tiếp... viễn : một buổi trưa, tôi đang ngồi ở quán cà phê góc đường Gay Lussac và St-Jacques, anh đi qua, dừng lại, ngồi đối diện tôi, giảng cho tôi một bài chính trị về cải cách ruộng đất "thắng lợi là cơ bản, sai lầm là thứ yếu" rồi đứng dậy đi, ít lâu sau anh về Sài Gòn, sau 1975 chúng ta mới biết anh là một điệp viên xuất sắc -- xin đọc bài Cố Nhân anh Liễu viết về anh Ngọc). Anh Liễu đi làm nghiên cứu ở EDF rồi được bổ nhiệm giáo sư ở đại học Lille... Tôi chỉ nhớ có lần anh nhắn mời vào nhà ăn cơm, mà tôi ngượng hay dại dột, đã thoái thác. Năm 1965, Mỹ leo thang miền Bắc, đưa quân vào miền Nam, hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp thành lập. Tôi hoạt động chủ yếu trong hội này, rồi từ 1968 giúp việc phái đoàn chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sang thương lượng với Mĩ. Còn anh Liễu tham gia hội Liên hiệp trí thức Việt Nam tại Pháp (vận động thành lập vào cuối năm 1967). Phải từ năm 1969, thành lập hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, tôi mới có dịp gặp anh trong các cuộc họp chung, và từ năm 1976 trở đi, trong khuôn khổ Hội người Việt Nam tại Pháp, tôi mới có dịp làm việc với anh. Là chủ tịch Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam tại Pháp, và là người từ đầu thập niên 1970 làm cầu nối cho giới toán học và giới khoa học Việt Nam với cộng đồng khoa học Tây phương, anh Liễu có quan hệ rộng rãi và thân thiết với các nhà khoa học Pháp, Mỹ như Laurent Schwartz, Henri Van Reggemorter, Edward Cooperman... Tôi phụ trách quan hệ đối ngoại của Hội người Việt Nam tại Pháp, nên do đó, lúc đầu là "hợp đồng tác chiến", rồi trở thành thân thiết, chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên trong việc quan hệ với họ. 

Thời gian trôi qua, Cooperman, Schwartz, Henri (chúng tôi quen gọi H. Van Regemorter bằng tên cúng cơm)... lần lượt qua đời.  Nhưng những cuộc điện đàm giữa chúng tôi không giảm, mà có phần tăng, cho dù chúng tôi vẫn trao đổi qua mạng internet. Anh Liễu dùng internet đều đặn, nhưng vẫn "cảnh giác" đối với cái công cụ đa năng này : anh rất sợ phải nhận được những lá thư mà danh sách người nhận thường dài hơn cả lá thư. Nhiều lần anh than với tôi, tôi muốn xin người ta xóa tên tôi khỏi cái danh sách này, nhưng cứ ngại người ta là hiểu rằng... Đúng là xã hội nông thôn Việt Nam có tập tục chửi đổng. Bên trong luỹ tre làng, những bài chửi đổng và cãi vã thường chỉ hạn chế trong một lối xóm nhỏ. Ngày nay, với mạng internet, chúng lan toả toàn cầu, nhanh hơn cả ý nghĩ của người viết. Về một mặt nào đó, đây cũng là một phương pháp trị liệu tâm bệnh, giải toả ẩn ức trong một xã hội chưa có tự do ngôn luận và tinh thần thảo luận khoa học, nhưng mặt khác, nó cũng là một "vấn nạn" nếu không nói là đại hoạ của thời đại. Cho nên, câu chuyện của anh Liễu qua điện thoại thường bắt đầu như thế này : "Tôi điện thoại cho anh vì không muốn viết email....", hay "thông tin này, tôi nói riêng với anh thôi...".

Quan hệ của chúng tôi trong những năm sau này chủ yếu là qua điện thoại. Với sức khoẻ suy giảm, anh không đi xa được và càng ít giao du. Anh rất thiết tha với cuộc hội thảo mà hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức vào mùa hè, từ năm 1998 đến giờ, nhưng chỉ tham dự được đôi ba lần. Và hơn một lần, anh Hà Dương Tường hay tôi đã phải đọc tham luận thay cho anh -- câu chuyện hơi trái khoáy vì anh Tường và tôi đều thuộc loại quen nói huỵch toẹt, mà anh thì viết cũng như nói, bao giờ cũng ý nhị, thâm thuý... "bình phương". Hè năm ngoái, hội thảo tổ chức tại Paris, anh cũng chỉ tới dự được có một buổi. Năm 2001, anh chị đã xuống tận Aix en Provence để tham gia. Năm 2007, anh chị đã ghi tên dự hội thảo Nantes và chọn một khách sạn không có máy điều hoà không khí, nhưng giờ chót không đi được. Cũng phải thôi, vì trong mấy ngày hội thảo, ở lại Antony, anh đã phải vào cấp cứu ở bệnh viện. 

Anh Liễu đi xa, lần cuối cùng có lẽ là năm 1981. Hè năm ấy, anh dẫn đầu một phái đoàn trí thức Việt Nam về nước. Tình cờ, anh Tường và tôi -- hồi đó, chúng tôi làm báo Đoàn Kết -- cũng có mặt ở Hà Nội cùng lúc. Hôm chúng tôi ra phi trường để bay vào thành phố Hồ Chí Minh thì đoàn anh Liễu cùng ra để lấy chuyến bay Interflug về lại Paris. Tình cờ và không may, đó là một ngày nóng như thiêu đốt, và chúng tôi phải cầm chân ở sân bay từ sáng sớm đến hơn 5 giờ chiều : máy bay của chúng tôi ra muộn, nhưng cuối cùng tối hôm ấy, chúng tôi cũng vào được tới thành phố, còn chuyến bay Interflug bị chậm một ngày, anh Liễu và các bạn phải đợi đến hôm sau. Về tới Paris, anh bị ốm nhiều ngày. Từ ấy, sức khoẻ không cho phép anh đi xa hay về nước. Tôi thì năm sau được cấm cửa gần 20 năm tròn. Chúng tôi lâm vào cảnh "yêu nước từ xa", nhưng ở hai "thế đứng" khác nhau, như đã nói ở trên. Có lẽ cũng vì thế mà anh cũng như tôi đều cố gắng, qua thư từ cũng như qua các cuộc tiếp xúc, theo dõi tình hình trong nước, mong ngóng những dấu hiệu biến chuyển theo chiều hướng tích cực, ngán ngẩm nhưng kiên trì tìm hiểu những bước lùi, trắc trở. Từ năm 2001, tôi có dịp, khi được visa khi không, trở về nước. Tất nhiên, sau mỗi chuyến là vợ chồng tôi lại được mời một bữa ăn. Đã thành một thói quen và câu nói đùa, ăn gần xong món đầu tiên của chị Colette thì vợ tôi cười hỏi anh Liễu : "Danh sách câu hỏi của anh đâu ?". Chúng tôi cả cười, anh Liễu lấy ra trong túi một tờ giấy A5 hay A6, với danh sách độ mươi câu hỏi. Cũng may tôi có biệt tài ăn nhanh nổi tiếng nên vừa có thể thành khẩn khai báo, vừa bảo đảm tái sản sinh sức lao động. Những năm sau này, chúng tôi ít mời hơn là được mời. Một là anh chị ngại đi tối, hai là vì sức khoẻ, anh Liễu từ nhỏ rất "khoảnh ăn". Tôi nhớ có lần mời được anh chị, nhân mua được gói giò sống ở cửa ô Choisy, tôi mua luôn một bó cúc tần, mà quên không điện thoại hỏi anh có ăn được không. Đến bữa, tôi tự hào dọn mỗi người một bát xúp giò sống tần ô thơm phức. Một lúc sau, anh Liễu nhẹ nhàng bưng bát xúp vào bếp để kín đáo gạt những cọng cải cúc. Tôi vừa ngượng vừa.... tiếc của giời.

*

Tôi cũng mong bạn đọc khoan hồng khi phải đọc những câu chuyện lan man kể trên. Freud đã tạo ra thành ngữ "lao động chịu tang" để nói tới công đoạn tâm thần mà mỗi người phải trải qua sau mỗi mất mát đau thương. Ôn lại những kỉ niệm về anh Liễu, với anh Liễu, tất nhiên tôi đã sa vào chỗ nói đến "cái tôi". Đó cũng là cái tật thường thấy, người ta hay nói tới người để nói tới mình. Nhưng thành thực mà nói, ở đây tôi có một hoàn cảnh "giảm khinh" (Giảm Khinh cũng là đầu đề một bài viết của Bùi Trọng Liễu) : qua sự đối chiếu với bản thân, tôi dần dần mới hiểu được anh, con người anh, sự lựa chọn không dễ dàng của anh, cũng như sự kiên trung, kiên trung tới mức mà đối với những người hiểu anh, "Bùi Trọng Liễu" và "kiên trung" là hai từ đồng nghĩa.

Sự chung thuỷ và kiên định của anh, "đến hơi thở cuối cùng", thì rõ rồi. Tôi chỉ muốn nói đến sự lựa chọn mà tôi hình dung rất khó khăn của anh. Tất nhiên, không phải là lựa chọn đơn thuần về chính trị. Với tạng người và tuổi tác như anh Phạm Ngọc Tới (sinh năm 1935) hay anh Bùi Trọng Liễu (sinh năm 1934), Cách mạng tháng Tám và những năm đầu kháng chiến đã "quy định" một lần cho tất cả, sự chọn lựa cơ bản của họ. Nhưng, tất cả là ở chữ "nhưng" này : Đảng cộng sản Việt Nam đi vào con đường mao-ít, với những hậu quả về chính trị, xã hội, văn hoá mọi người đều biết (nhưng chưa chắc chúng ta đo lường được cường độ và toàn cục). Chỉ nói riêng việc học : thay vì thực sự chăm lo cho con em các thành phần lao động, thì  người ta lại chạy theo chủ nghĩa lý lịch, đầu nguồn của sự gian dối đã thành hệ thống (ngày nay còn rõ). Ở Pháp, trong phong trào Việt kiều thập niên 1950, dường như có một thứ khẩu hiệu (mặc nhiên hay hiển ngôn, tôi không rõ) : học không cần cao, cốt sao chóng xong để về nước phục vụ. Ta có thể hình dung ra vị trí của Bùi Trọng Liễu cuối những năm 1950 trong bối cảnh ấy : anh chị lớn tự nguyện về Hà Nội phục vụ, cha mẹ già ở Pháp (thành phần "quan lại"), sức khoẻ không tốt, khả năng đi xa trong việc học và nghiên cứu...  Anh đã chọn lựa và kiên trì con đường đơn độc của mình, bất luận sự hiểu lầm hay lạnh nhạt của những anh em "dấn thân" hơn. 


 
Bùi Trọng Liễu và ông bà Tạ Quang Bửu (Hà Nội, 1970)

Có lẽ người, bằng thái độ chân tình, hiểu được anh nhất và làm anh "yên tâm" với sự chọn lựa của mình là anh Tạ Quang Bửu, lúc đó phụ trách bộ đại học, người đã mời anh về nước năm 1969. Tôi nhấn mạnh đến sự chân tình và sự sáng suốt, chứ không nói tới sự chiêu đãi bề ngoài. Bây giờ, chúng ta biết rằng quan điểm của những người như Tạ Quang Bửu đã bị chủ nghĩa Mao vô hiệu hoá như thế nào trong thời mao-ít (xem những bài anh Liễu viết về anh Lê Văn Thiêm, Hoàng Tuỵ, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu). "Yên tâm" là để anh kiên định hơn trong chọn lựa của mình, có thêm sức để chịu đựng những sự không hiểu, cố ý không hiểu, làm sai, vì không biết hay vì nồi cơm, mà anh sẽ liên tiếp trải nghiệm trong suốt 40 năm "điều trần", "đề nghị" về giáo dục, đại học, học thuật...

*

Nghĩ tới những người anh đã ra đi, như Nguyễn Khắc Viện, Bùi Trọng Liễu (hai người rất khác nhau), nhiều người nghĩ tới danh từ sĩ phu, kẻ sĩ. Tôi xin dùng hình ảnh nôm na : ông đồ. Một ông đồ Nghệ. Một ông đồ Bắc Hà. Cả hai đều đi xa trong học thuật, khoa học (người ta hay gọi sai là Tây học). Các anh là điển hình cho vị thế của người trí thức trong một xã hội chậm tiến, chưa có một xã hội dân sự tự lập, một giới trí thức (intelligentsia) theo nghĩa hoàn chỉnh của nó. 

Đằng trước, là con đường dài, mà các anh chị ấy mong chúng ta đi tiếp.

9-13.3.2010

Nguyễn Ngọc Giao

Nguồn: Diễn Đàn (http://www.diendan.org )

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Ngọc Giao