Vô cùng thương tiếc Giáo sư Bùi Trọng Liễu

Vietsciences-Nguyễn Khắc Nhẫn              20/04/2010

 

Những bài cùng tác giả

“Nếu nhớ lại mấy cuốn sách của Anh “Chung quanh việc học” (Nxb Thanh niên, 2004 ) “Tự sự của người xa quê hương” và “Học gần học xa” (Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội 2004 và 2005 ) cùng với hàng trăm bài viết về cải cách giáo dục, đào tạo tiến sĩ, sử dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, về xã hội hóa giáo dục, về trường công trường tư và trách nhiệm của nhà nước về quản lý chất lượng giáo dục... Anh đã gửi đăng rải rác trên các báo trong nước và ngoài nước, mới thấy hết nghị lực lớn lao ở một người đă dự cảm rõ mình chỉ còn lại không bao nhiêu ngày trước khi từ giã cõi đời mà vẫn gắng gượng cất lên tiếng nói tha thiết với quê hương, xứ sở.”  Đó là nhận xét hết sức đúng đắn và đầy tình cảm luyến tiếc sâu đậm của GS Hoàng Tụy trong bài: “GS Bùi Trọng Liễu – Ra đi khi lòng còn tha thiết” đăng trên TuanVietnam.net ngày 13-3-2010. Cuối bài, GS Hoàng Tụy đề cao vai trò đóng góp quý báu, đáng kính phục của GS Bùi Trọng Liễu như sau: Anh đã tích cực tham gia mọi hoạt động, ủng hộ đất nước trong từng thời kì, ngay vào những lúc gian khổ, khó khăn nhất. Đất nước còn có những người con như Anh thì dân tộc này vẫn còn nhiều hy vọng.

Ngay sau khi biết tin GS Bùi Trọng Liễu đã vĩnh viễn ra đi, rất nhiều độc giả, tuy chưa bao giờ được hân hạnh gặp GS, đã gửi lời phân ưu với tang quyến trên Internet và nói lên nỗi đau buồn chân thành và thấm thía. Tôi mạn phép chỉ ghi lại một câu đầy đủ ý nghĩa đã làm tôi vô cùng xúc động: Cuộc đời, sự nghiệp, bản lĩnh và tinh thần dân tộc của GS là tấm gương sáng ngời cho hậu thế noi theo.

Như nhiều bạn xa gần đã biết, nội dung những cuốn sách và bài báo của GS đều xoay quanh việc học. Ngoài 3 cuốn sách ghi trên, cuốn thứ tư có nhan đề là: “Học một sàng khôn (Nxb Tri thức Hà Nội, 2007). Cuốn thứ năm: “Hướng về quê cũ lúc chiều tà là một tập ký bỏ ngõ, một cuốn “sách mở gồm những bài báo tâm huyết đa dạng, không in trên giấy. Tiền nhuận bút GS gửi tặng học bổng cho các em bé ở A Lưới, một vùng núi miền trung.

 Cá nhân tôi vô cùng khâm phục GS về cách viết lưu loát, hết sức độc đáo (nhập đề với chuyện xưa tích cũ) linh động, cách phân tích toán học với những lập luận sắc bén, có khi mỉa mai kín đáo. Nhờ kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy nên GS có một sức mạnh thu hút và thuyết phục độc giả một cách hồn nhiên!

 GS đã hy sinh thời giờ vàng ngọc, luôn luôn hướng về quê hương, hết sức kiên trì trong hàng chục năm, thẳng thắng góp ý kiến, gửi kiến nghị đến các cấp lãnh đạo. Tuy một số đề xuất của GS được chấp thuận hay được thực hiện, nhưng GS vẫn khao khát lo ngại, xem như những tiến bộ chưa đáng kể, cần phải tiến nhanh tiến mạnh hơn nữa mới cứu vãn được nền giáo dục của đất nước. Cũng như tôi, GS không ngần ngại chỉ trích xây dựng , dù có làm phật ý các cơ quan trách nhiệm đi nữa

Vì muốn đóng góp cụ thể trong việc cải tổ mà GS xung phong làm «gạch nối» giữa Việt Nam và giới đại học hải ngoại, nhất là với Pháp và Mỹ. GS đã bao lần trao đổi quan điểm, bàn cãi với các đồng nghiệp thân thiết như GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, GS Lê Văn Thiêm, GS Laurent Schwartz và nhà vật lý thiên văn Henri Van Regemorter.

Viết đến đây, tôi hồi tưởng một dĩ vãng đầy nghị lực, đã cùng GS và các bạn khác hăng say hợp tác năng động, hướng về tổ quốc đang còn khói lửa chiến tranh bao trùm. Lúc bấy giờ GS là Chủ tịch Hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp, tôi là Phó Chủ tịch. Tuy là một nhà toán học thuần túy, GS đảm nhận trách nhiệm điều khiển một cách nhẹ nhàng, bình đẳng một đội ngũ khá hùng hậu, gồm hàng chục kỹ sư, chuyên gia đủ ngành nghề. GS đã tổ chức biết bao nhiêu buổi họp ở Paris, ở ngoại ô và ở tỉnh. Đồng thời, GS cũng tham gia đắc lực trong Đòan Chủ Tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp. Uy tín của GS trong nước cũng như ở Pháp rất cao. Mọi người đều kính nể GS về tài năng cũng như đức hạnh. Vì sức khỏe ngày càng kém, nên đã gần 27 năm nay GS không trở về nước công tác được.

Năm 2003, tôi hân hạnh được GS giới thiệu tôi cho thính giả trong một buổi thuyết trình ở Paris về năng lượng. GS thường xuyên trao đổi ý kiến với tôi về chiến lược đào tạo nhân tài và một số dự án quan trọng khác. GS thích nhìn xa ngó rộng. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với GS là nước ta nên đầu tư ưu tiên vào lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu thay vì những chương trình thiếu triển vọng và không kinh tế.

Tôi quý trọng và mến nể GS như anh em ruột thịt và xem GS như một cố vấn đặc biệt của tôi. Trong bài số 5 về điện hạt nhân tôi viết ngày 25-3-2004 “Tại sao chưa nên làm điện hạt nhân ở Việt Nam” chính GS đã sửa kết luận của tôi, nguyên văn như sau: “Nếu xu thế là không thể cưỡng lại được toàn cầu hóa, thì một nước đang phát triển như ta cũng chỉ nên chấp nhận toàn cầu hóa này với sự thận trọng và dè dặt. Không thể chấp nhận việc các nước giàu mạnh tiếp tục bóc lột hay lấn ép nước nghèo. Chế tạo lò hạt nhân thiếu an toàn, để bán cho các nước nghèo (biết đâu lại có hàng tồn kho - solde?), rồi kệ cho họ mắc kẹt, là một hành vi vô trách nhiệm. Những gì có lợi cho một số cường quốc không phải cũng có lợi cho các nước đang phát triển. Và có những con đường tiến lên phát triển mà không cứ phải bắt chước giống hệt như con đường mà một số nước đã trải qua...” Tôi chữ nghĩa đâu mà viết được như thế?

Sau khi tốt nghiệp, GS và tôi tình cờ cùng đi một đoạn đường giống nhau. Cả hai chúng tôi đều có làm việc ở Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) trước khi đi dạy ở Đại học. Khác chăng là tôi vừa phục vụ ở EDF vừa đi dạy, còn GS thì chuyên đi dạy, sau khi thôi làm việc ở EDF. Ngoài ra, chúng tôi sở dĩ có nhiều cơ hội tâm sự với nhau cũng do anh Bùi Trọng Lựu, cựu GS ở Đại học Bách khoa Hà Nội, là bạn đồng song của tôi, tốt nghiệp kỹ sư thủy điện ở Đại học Bách khoa Grenoble cùng một khóa với tôi. Cả hai Anh Lựu và Liễu đều vô cùng hiền hậu, khiêm tốn và nhã nhặn . Vào mùa thu năm 2009, hôm đến thăm nhà Anh Liễu ở Antony, tôi hỏi dò Anh có đồng ý để tôi đề nghị Ban Chủ Tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp tổ chức một buổi tiếp tân thân mật để tỏ lòng biết ơn Anh về những đóng góp quan trọng của Anh đối với đất nước và Hội. Anh mỉm cười trả lời ngay là Anh cảm ơn nhưng không tán thành chút nào. Anh không thích người ta đề cao vai trò của Anh! Có lẽ vì vậy mà tang quyến yêu cầu tôi đừng làm lễ cầu siêu cho Anh. Tuy nhiên ở Hà Nội, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu có tổ chức long trọng lễ truy điệu ở Viện khoa học kỹ thuật sáng ngày 15 tháng 3.

Đầu năm nay Anh có nhờ tôi gửi cho Anh tài liệu mới nhất về các trường kỹ sư ở Pháp để Anh so sánh cách thức tuyển chọn sinh viên . Lần cuối cùng tôi gặp lại Anh là trong buổi lễ Tết do Hội Người Việt Nam tổ chức ở Unesco Paris tối 6-2-2010 . Tôi rất ân hận vì không vào thăm Anh được ở bệnh viện trước giây phút Anh vĩnh biệt. Anh không muốn bạn bè mất thì giờ cho Anh.  Vợ Anh, Chị Colette Bùi tha thiết nhắn tôi đừng phổ biến tin Anh vào nhà thương. Vài hôm sau thì Chị Colette gọi điện thoại báo tin như sét đánh, làm tôi khóc nức nở trên đường phố Grenoble! Ở Paris báo Diễn Đàn loan tin buồn rất nhanh trên mạng.

Lúc sinh thời, Anh Liễu đã làm tròn bổn phận một người dân biết yêu nước. Anh cũng là một người chồng và một người cha can đảm, xứng đáng. Chị Colette, GS Đại học môn toán, đã nghỉ hưu và hai người con trai Marc Bùi và Alain Bùi (đã về nước công tác nhiều lần) đều là GS Đại học về môn tin học ở Paris và Versailles St - Quentin en Yvelines. Chị Colette cũng được an ủi phần nào, sống gần Alain, Marc và 7 cháu nội.  Không phải gia đình nào cũng hưởng được phúc đức ấy.

Tôi được may mắn và vô cùng hãnh diện có được một người Bạn gương mẫu như GS Bùi Trọng Liễu. Tôi học hỏi ở Anh rất nhiều

Đối với tôi, những bài báo và sách Anh Liễu để lại cho chúng ta là một kho tàng vô giá, cần được khai thác triệt để.

Lý tưởng của đời người là nói được những gì cần nói và làm được những gì cần làm.

Tôi nghiêng mình thành kính lạy Phật phù hộ cho hương hồn Anh Liễu sớm về miền Cực lạc.

Grenoble 25- 3-2010

Đã đăng trên báo Đoàn Kết

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn khắc Nhẫn