Viết về GS Dương Thiệu Tống

Vietsciences       

 

1- Gặp gỡ thầy Dương Thiệu Tống

2- Để lại sau lưng bao nỗi niềm

3- Nhận dạng người “không thèm nghe”

4- Một cuốn sách tâm huyết của nhà giáo Dương Thiệu Tống

5- Chất lượng giáo dục đại học và chỉ số giáo dục VN

6- Trẻ chưa ngoan, nguyên nhân chủ yếu từ người lớn

7- Người tận hiến cho giáo dục

8- Ngưỡng vọng một tài năng lớn

9- Một công trình của GS Dương Thiệu Tống

10- Nhất quán với triết lý giáo dục vì người nghèo

11- Ghi chép một chuyến đi : Vấn đề giáo dục

12- Nghịch lý

13- Tư tưởng văn hóa giáo dục của GS.TS. Dương Thiệu Tống

14- Nhớ Thầy Bàn Thạch Dương Thiệu Tống

 

1- Gặp gỡ thầy Dương Thiệu Tống


Thầy Dương Thiệu Tống với hơn sáu mươi năm dạy học đến bây giờ vẫn tiếp tục miệt mài với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhân ngày sinh nhật thứ 82 của thầy chúng tôi, một số học trò cũ từ thập niên 1960, đã đến thăm thầy ngày 28-10-2006.
“Các anh đã mang lại niềm hạnh phúc cho tôi”. Thầy nói trong niềm xúc động khi nhìn về phía cầu thang: một chiếc đầu bạc lấm tấm khệ nệ bưng chiếc bánh sinh nhật dò từng bước một lên cầu thang hơi hẹp và dốc của nhà thầy… Đó là anh Nguyễn Vĩnh An, theo sau với lẵng hoa tươi nho nhỏ xinh xinh là anh Nguyễn Chí Phước có biệt danh Phước bốn bánh, ngay từ thời đi học anh luôn sử dụng xe có 4 bánh xe, tiếp theo là các bạn Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Văn Nghệ, Lê Quan Văn, Phan Quý Nam, Bảo An, Lê Văn Tạo và Lê Xuân Thìn
Câu chuyện thầy trò ấm cúng, thân thương dậy lên trong lòng mọi người.
- Xin Thầy cho biết về Trường Hàm Nghi Huế, về Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học vừa mới được cấp phép hoạt động. Nguyễn Chí Phước nhanh nhẩu nói.
Tuy thời gian hoạt động của Trường Hàm Nghi ngắn ngủi, từ năm 1955 đến năm 1975, nhưng đã tạo được dấu ấn cả thầy lẫn trò. Hàm Nghi là một thành công của Huế. Tôi chỉ dạy ít giờ ở trường Hàm Nghi một vài năm đầu khi trường mới thành lập. Cựu học sinh Hàm Nghi là một sinh hoạt tốt. Họ đã làm được nhiều chuyện nhỏ mà có hiệu quả cao. Khi nghe CHS Hàm Nghi vận động đạt được kết quả tốt: Trường Hàm Nghi được tái thành lập, khai giảng ngày 4-9-2005 tôi tin cho thầy Nguyễn Văn Xiên và thầy Nguyễn Đình Phiên ở nước ngoài biết, các thầy ấy vui lắm. Quốc Học cũng thế. Tôi dạy trường Quốc Học nhiều nhất. Lâu lâu lại một vài anh chị ghé thăm. Đây là tài sản quý nhất mà tôi có được. Tôi cũng còn dạy nhiều nơi khác nữa nhưng tôi vẫn thấy học trò Huế có rất nhiều tình cảm làm cho tôi cảm thấy rất gần gũi.
Người ta nói tôi là người Huế. Cũng đúng thôi. Lúc còn bé tôi học trường Paul Bert ở Huế. Vừa rồi một bài báo internet Pháp có nhắc đến một vài học sinh tiêu biểu của trường Providence trong đó có tôi. Vui lắm. Lớn lên được học bổng du học các nước Pháp, Anh, Mỹ… rồi cũng về dạy học ở Huế. Ông thân tôi làm việc ở Huế từ năm 1919, mộ phần của cha mẹ tôi cũng đặt tại nơi đây. Thế thì tôi là Huế thứ thiệt rồi còn chi nữa.
Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học là một hoạt động đang được quan tâm. Khi các anh đến xin ý kiến và mời làm cố vấn cho Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học tôi chấp thuận ngay vì lúc nào cũng tin tưởng ở thiện chí của các anh chị. Sau này theo dõi trên mạng thấy Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học đã có nhiều cố gắng, hoạt động minh bạch, trong sáng. Tôi mừng. Tôi nghèo vật chất không đóng góp được gì nhưng tôi luôn ủng hộ tinh thần, tình cảm.
Minh bạch trong sáng là yếu tố then chốt để những hoạt động xã hội từ thiện thành công. Tôi thấy Quỹ Giáo Dục Huế Hiếu Học đã làm được như thế và tôi cũng chỉ có lời khuyên như thế với các bạn trẻ. Mong Huế Hiếu Học có nhiều kết quả tốt đẹp.
Thưa thầy, xin thầy cho ý kiến về tôn sư trọng đạo
Ở các nước hiện đại trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh… có nếp sống hối hả, cuồng nhiệt… nhưng tình thầy trò vẫn luôn được tôn trọng, đề cao. Tuy nhiên người phương Tây thấy tình cảm thầy trò của chúng ta họ lại còn trân trọng nhiều hơn. Tôi có người bạn thân hồi còn học ở trường Đại học Clolumbia, Wasshington, Hoa Kỳ năm 1966-1969 là Tiến sĩ Tim Abraham. Năm 2001 khi đến thăm tôi ông lấy làm ngạc nhiên vì tình nghĩa thầy trò sâu đậm của học trò đối với thầy. Năm 2004 ông đến Việt Nam lần nữa, lúc này sức khỏe của tôi không được tốt, anh Phước tiếp bạn của thầy như là tiếp một người thầy cũ. Ông c?m động lắm. Lúc chia tay ông ta ôm tôi và nói rõ to: “Tuyệt vời, Việt Nam tuyệt vời”. Đó là nhờ chúng ta có truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa.
Người thầy phải trung thực, trong sạch, gương mẫu, có lòng yêu nghề mến trẻ… Và dĩ nhiên “sư” phải như thế nào thì mới được “tôn”. Bây giờ, để người thầy được yên tâm trên bục giảng những người quản lý giáo dục phải có trách nhiệm lo cho đời sống của người thầy đầy đủ. Ngày trước tôi chỉ làm một nghề là dạy học, lương của tôi đủ sống nên mới nuôi nổi năm đứa con ăn học thành tài.
Thầy kéo học bàn lấy bài thơ đã in bằng máy vi tính: “Có anh học trò cũ gởi cho tôi bài thơ và tôi đã trả lời anh bằng một bài thơ khác”. Thầy đọc thơ, giọng của thầy sang sảng, đầy tình cảm:


Viễn Xứ nhớ nguồn


Ông lái đò ơi ông biết không
Tôi người hành khách đã sang sông
Mỗi lần qua bến đi thêm nhớ
Mỗi độ dừng chân ngoảnh lại trông
Ông lái ngày xưa còn bẻ lái
Nước dòng sông cũ vẫn xuôi dòng
Nay bến cũ vẫn xa đò cũ
Ngồi nhớ người đưa lẫn bến sông


USA, ngày 11-12-2005
Phùng Chi + Ngô Tuấn (ghi chép)


Nghỉ một chút, thầy đọc tiếp bài thơ thầy viết tặng những người học trò cũ của mình:


Tâm sự ông lái đò


Ông lái đò nay tóc bạc màu
Ngồi nhìn năm tháng lướt qua mau
Để rồi thương nhớ thời xưa ấy
Mỗi chuyến đò ngang một nhịp cầu

Mỗi chuyến đò ngang một nhịp cầu
Đưa người khách trẻ vượt qua sông
Tránh từng ghềnh thác từng cơn sóng
Dìu dắt người đi những bước đầu

Dìu dắt người đi những bước đầu
Với tình thân ái gởi cho nhau
Ước mong người khách ngày xưa ấy
Hạnh phúc dài lâu đạt nguyện cầu

Hạnh phúc dài lâu đạt nguyện cầu
Nhưng tình nghĩa cũ vẫn in sâu
Bến sông ông lái con đò nhỏ
Vương vấn trong tim khách bạc đầu


Bàn Thạch Dương Thiệu Tống


Trước khi chia tay thầy nói như để căn dặn học trò mình: “Ngày xưa khi đi du học ở các nước tôi có ghi lời cam kết là học để phục vụ quê hương. Tôi đã thực hiện được điều đó. Bây giờ sống đến tuổi này, nhìn lai tôi cũng có được nhiều điều đúng điều sai, nhưng điều đúng đắn nhất mà tôi đã làm và luôn tự hào là đã ở lại Việt Nam”.


Lê Văn Tạo. HN 58-62


http://www.hamnghihue.com/news/news.aspx?cat=35&post=100

 

2- Để lại sau lưng bao nỗi niềmThứ năm


GS.TS Dương Thiệu Tống, sinh ngày 1-11-1925, tại làng Vân Đình – Hà Đông nay là Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Khoa học xã hội TPHCM, Ủy viên Hội đồng sáng lập Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT), nguyên TS Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nguyên Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, đã từ trần lúc 10 giờ 55 phút sáng 3-9-2008 (nhằm ngày 4-8 năm Mậu Tý), hưởng thọ 84 tuổi. Linh cữu GS.TS Dương Thiệu Tống quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM (số 25 đường Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ ngày 4-9-2008. Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 6-9-2008. Sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM 2, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Vẫn biết đời người là hữu hạn, song dường như chúng tôi - những người làm báo không khỏi thấy bùi ngùi trước sự ra đi của ông - thầy giáo, GS.TS Dương Thiệu Tống.
Nhớ về ông, là nhớ đến mỗi lần ngành giáo dục “dậy sóng” trước một vấn đề khó khăn nào đó, lại có tiếng nói phân tích đầy lý lẽ sắc bén của ông trên các diễn đàn thông tin. “Một nền giáo dục dân tộc không thể là sự sao chép hay vay mượn nguyên xi của một quốc gia nào khác, vì giáo dục phải phản ánh những biến chuyển trong môi trường xã hội, văn hóa của một dân tộc. Các dân tộc có lịch sử, nếp sống khác nhau tất nhiên phải có những suy tưởng, những thái độ và mong ước khác nhau”. Đó là thông điệp mà ông luôn muốn gửi tới các nhà quản lý giáo dục.
Nỗi trăn trở về một triết lý giáo dục
Ông vào nghề giáo từ tháng 10-1945 tại Trường Collège de Thanh Hóa. Rồi làm Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, một trường phổ thông thực nghiệm dạy theo phương pháp mới của miền Nam trước năm 1975.
Hơn 60 năm cống hiến trí tuệ và sức lực cho nghề giáo, cho nên triết lý về giáo dục phổ thông như đã ngấm vào máu thịt ông. Đã biết bao lần ông trăn trở trước những nỗ lực đổi mới nền giáo dục nước nhà: “Nền giáo dục của ta có nhiều vấn đề, nhưng dù có bao nhiêu cuộc hội thảo, dù có nhiều nỗ lực và tiền của bỏ ra, theo tôi nghĩ, cũng khó mà tìm ra được “giải pháp mạnh và mới” hữu hiệu, nếu quan niệm “phổ thông” của ta trong một nửa thế kỷ vừa qua không được soát xét lại để xem nó còn là “phổ thông” nữa không, có còn thích hợp không với giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay”.
Không chỉ dừng lại ở những nhận định gay gắt về nền giáo dục, mà trên hết ông cũng nhiều lần đề xuất hướng ra cho giáo dục: Sẽ không có sự phân biệt quá rạch ròi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục kỹ thuật như xưa nay. Giáo dục phổ thông sẽ mang tính chất thực tiễn và không chuyên biệt hóa, như vậy người lao động sẽ dễ thích nghi và dễ di động trước quá trình công nghệ ngày một thay đổi.

Làm thế nào để bớt phải trả giá?

Cách đây chừng nửa thế kỷ, một triết gia, kiêm nhà văn nổi tiếng gốc Tây Ban Nha, George Satayana (1863-1952), đã nói: “Những kẻ nào quên lịch sử thì luôn lặp lại các sai lầm của nó”. Tâm đắc với tư duy này, GS.TS Dương Thiệu Tống cho rằng: “Nếu áp dụng trong giáo dục, câu trên có ý nghĩa rất quan trọng, vì lịch sử giáo dục Việt Nam có một quá trình khá dài với tất cả những cái hay và cái dở của nó. Hơn nữa, trong thế kỷ 20, nó lại chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới, trong đó sâu đậm nhất là Pháp và Liên Xô”.
Ông phân tích nguyên nhân về cái giá phải trả của nền giáo dục thời gian qua: “ Thật ra, hầu hết mọi vấn đề giáo dục nước nhà được đặt ra gần đây không phải đều là những vấn đề chỉ riêng ta mới gặp phải và các giải pháp ta đưa ra không phải chỉ có ta mới nghĩ ra. Chỉ có điều là hầu như chúng ta chưa xác định rõ vấn đề mà đã vội đưa ra giải pháp, và mỗi khi có giải pháp thì không có sự lựa chọn giữa nhiều giải pháp khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu.

Thế cho nên, khi một giải pháp nào được đưa ra áp dụng thì lại gặp sự chống đối, vì ai cũng có thể nghĩ ra một giải pháp nào đó mà mình cho là hay hơn! Khi sự chống đối quá mạnh, do sự xung đột của nhiều quan niệm hay thành kiến khác nhau, người ta đi đến một giải pháp khác, một giải pháp cuối cùng và đơn giản là “xóa bỏ” và “làm lại từ đầu!”.
GS.TS Dương Thiệu Tống - ông đến với nghề giáo vào mùa thu năm 1945, mùa thu của cậu thanh niên 20 tuổi chập chững bước vào nghề giáo, “một nghề khó nhất trong tất cả mọi nghề”, cho đến mùa thu 2008 này, ông- người thầy giáo già đã bước ra đi, để lại sau lưng bao nỗi niềm băn khoăn trăn trở về nền giáo dục nước nhà.
Tôi chợt nhớ tới lời tâm sự dối già của ông: “Nghề dạy học không chỉ đòi hỏi kiến thức rộng rãi mà quan trọng hơn cả, nó bắt buộc người thầy phải có tâm hồn và tình cảm rộng rãi. Tôi cảm thấy thấm thía, tất cả ý nghĩa hai câu thơ của một thi sĩ Việt Nam vô danh, tác giả bài “Tô Đông Pha du Xích Bích”:
 

Tích phùng thu, kim hựu phùng thu,
Thiên cổ hào tình nhân vị lã
o
 

Xin tạm dịch:
Ngày xưa mùa thu nay lại gặp thu,
Kẻ có tình cảm rộng rãi nghìn xưa không già được.
 

http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2008/9/164094/
04/09/2008, Mai Lan

 

3- Nhận dạng người “không thèm nghe”


Ở tuổi 83 với 63 năm hoạt động giáo dục, giáo sư Dương Thiệu Tống- nhà giáo vô cùng tâm huyết với nền giáo dục nước nhà - vẫn đau đáu nỗi lo sự nghiệp trồng người. Ông đã dạy, đã viết, đã nói với tất cả sự hiểu biết, trải nghiệm và tấm lòng dành cho giáo dục.
Nhưng, trong câu chuyện với Báo Người Lao Động nhân dịp đầu năm mới, vị giáo sư khả kính đã phải buồn bã thốt lên: “Tôi nói nhiều rồi nhưng chẳng ai thèm nghe. Mà thôi, tôi đã già rồi, đóng góp được gì thì cứ đóng góp để làm tròn trách nhiệm của một nhà giáo”.
Nhưng không phải chỉ một mình giáo sư Dương Thiệu Tống nói “chẳng ai thèm nghe”, mà không ít nhà giáo, chuyên gia giáo dục tầm cỡ cũng có nỗi băn khoăn tương tự. Và không chỉ trong ngành giáo dục, tình trạng nói chẳng ai thèm nghe, tùy mức độ, đang lây lan khắp nơi và trở thành căn bệnh trầm kha rồi.
Có những vấn đề các nhà giáo dục VN đã đề cập và mổ xẻ cách đây hàng chục năm, coi đó là nguyên nhân khiến nền giáo dục nước nhà chậm phát triển, như chương trình học và sách giáo khoa, chất lượng đội ngũ giáo viên, rồi bệnh thành tích, bệnh học thuộc lòng... Đến bây giờ, những nội dung đó tuy đã được cải thiện phần nào, song về căn bản vẫn là những vấn đề của ngành giáo dục, khiến dư luận xã hội lo âu .
Sinh thời, giáo sư - bác sĩ Ngô Gia Hy luôn nghĩ về việc xây dựng nền tảng y đức trong ngành y tế. Ông nhận thấy số giờ dạy y đức cho sinh viên y khoa quá ít để tạo sự cân bằng cho một bác sĩ ra trường. Nhưng đề nghị tăng số tiết về y đức của ông đã không được tiếp nhận. Ông đã cùng với một số bác sĩ tên tuổi khác từng đề xuất thành lập tổ chức y sĩ đoàn (một hình thức hội nghề nghiệp khá phổ biến ở các nước) để giám sát việc hành nghề của y-bác sĩ, nhưng cũng không nhận được sự đồng thuận. Và ông đã tiếp tục suy tư về những vấn đề trên chỉ vài tháng trước khi qua đời!
Có lẽ không cần phải chứng minh thêm về chuyện nói chẳng ai thèm nghe trong ngành giao thông mà vấn đề bùng nổ kẹt xe hiện nay là một điển hình. Rồi tình trạng nhũng nhiễu triền miên ở không ít cơ quan công quyền, lòng dân phẫn nộ nhưng cũng chỉ là “gió thoảng mây bay” ...
Hãy thử phân tích thái độ “không thèm nghe” của các quan chức và tác động tiêu cực của nó. Trước hết, đây là sự cao ngạo, chỉ muốn quyết định mà không cần lắng nghe; miệng luôn nói “dân là gốc” nhưng luôn tìm cách cá thể hóa sức mạnh tập thể này. Với việc bỏ ngoài tai những kiến nghị (trong đó có không ít ý tưởng vô giá, vượt thời gian), họ đã trở thành những người lãng phí chất xám hàng đầu trong một đất nước đang rất cần chất xám. Họ không dễ bị nhận dạng và đã trở thành “con sâu làm rầu nồi canh” trong sự nhập nhằng giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân. Nói cách khác, những quan chức như vậy đang lẫn vào đám đông vì đơn giản trách nhiệm cá nhân của họ không rõ ràng.
Từ câu chuyện của giáo sư Dương Thiệu Tống, hãy làm sao nhận dạng những người “không thèm nghe ai nói” ấy dễ dàng như nhận dạng một người không đội mũ bảo hiểm trên đường phố hiện nay. Không khó lắm nếu chúng ta thật sự trân trọng bậc hiền tài.
 

4- Một cuốn sách tâm huyết của nhà giáo Dương Thiệu Tống


Dù quan niệm có khác nhau về đào tạo sau đại học, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, là thực tập nghiên cứu (apprenticeship như châu Âu) hay là giáo dục chuyên ngành (professional education như Bắc Mỹ), giai đoạn đào tạo này chính là giai đoạn giúp người học đầu tư nghiên cứu và thực nghiệm khoa học bài bản, làm cơ sở cho các hoạt động học thuật sau này.

Tuy nhiên, trong nhiều chương trình đào tạo sau đại học ở nước ta, các môn học về nghiên cứu khoa học chỉ mới ở giai đoạn nhập môn, mang tính giới thiệu, do đó, không đủ cơ sở nền tảng giúp người học có thể tiến hành nghiên cứu một cách khoa học. Đây cũng là một nguyên nhân vì sao đào tạo không gắn chặt với nghiên cứu trong hệ thống đại học Việt Nam.
Sau sự ra đời của các sách chuyên khoa về nghiên cứu giáo dục như Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý và Trắc nghiệm đo lường thành quả học tập, nhà giáo lão thành, tiến sĩ giáo dục Dương Thiệu Tống đã hoàn thành thêm một đầu sách Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu khoa học giáo dục (Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam, 2006).
Được đào tạo tiến sĩ giáo dục học về chuyên ngành này từ ngôi trường giáo dục huyền thoại hàng đầu nước Mỹ và thế giới Teachers" College (thuộc Đại học Columbia, New York) cùng hơn 40 năm giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu ở bậc đại học và sau đại học, tác giả đã đưa vào cuốn sách những lý thuyết và kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu, đặc biệt với những vấn đề hết sức cơ bản về thống kê ứng dụng, từ cách hiểu về khái niệm đến thao tác thực hành cũng như các vấn đề thường gặp trong thực tế.
Là môn học nền tảng trong nghiên cứu, thống kê giúp cho người học và các nhà thực nghiệm nắm được phần cốt lõi để đi sâu vào nghiên cứu các chuyên ngành khoa học khác nhau, đặc biệt trong giáo dục và tâm lý. Cuốn sách trình bày các phương pháp thống kê thường dùng như mô tả, suy diễn, hay các quan niệm về cách chọn mẫu, sai số, kiểm nghiệm giả thuyết, giá trị tiên đoán, tương quan nhị biến, hồi quy tuyến tính, hay biến định lượng. Ngoài ra, các phần mềm cơ bản hay được dùng trong thống kê hiện đại như SPSS, BMDP cũng được trình bày nhằm giúp người đọc hiểu và ứng dụng được.
Với văn phong ngắn gọn, dễ hiểu (dù là viết về đề tài thường được hiểu là khô khan như nghiên cứu khoa học), không chỉ các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, giảng viên đại học mà ngay cả sinh viên cao đẳng, đại học và sau đại học các chuyên ngành cũng có thể đọc và ứng dụng các hướng dẫn trong cuốn sách vào thực tiễn nghiên cứu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong cải cách giáo dục chúng ta đang tiến hành như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên và đổi mới cách đào tạo cao học và tiến sĩ.


Đ.H.T (Thanh niên)

 

5- Chất lượng giáo dục đại học và chỉ số giáo dục VN


Đọc bài " Chỉ số giáo dục VN: cao hay thấp " của TS Dương Thiệu Tống đăng trên TS, tôi rất tán đồng với tiến sĩ về việc phải nâng cao mức biết chữ (theo thang đo năm bậc) của người dân VN.

Ông cũng thao thức về việc VN đứng hàng thứ 11 trên 14 nước châu Á về tỉ lệ số người ghi danh vào học ở các cấp, nhất là tỉ lệ vào đại học. Đúng là hướng đi là phải tăng tỉ lệ được đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả tuyển sinh của trường đại học đầu tiên (ĐHDL Kỹ thuật công nghệ) vừa công bố, mức điểm chuẩn có thể là 6,5 điểm nếu chỉ tiêu lấy 1.700 sinh viên, còn nếu lấy đến 2.000 sinh viên thì điểm chuẩn chỉ còn là 6!

Liệu hệ thống đào tạo của đại học có thể giúp các sinh viên kém chất lượng như thế có thể đạt được trình độ chuyên môn như yêu cầu của xã hội hiện đại chỉ sau bốn năm học hành?
Thiết nghĩ việc nâng cao chất lượng giáo dục ở đại học luôn là việc làm thiết thực nhất để chỉ số giáo dục thực ở VN tăng lên và đạt được ở những bậc cao (từ THPT, đại học trở lên).

Có như thế chúng ta mới không chỉ tự hào về việc lên thứ hạng khi so sánh với các nước châu Á, mà còn có một tỉ lệ dân trí đáp ứng tốt những đòi hỏi của một xã hội đang trên đường hội nhập và phát triển.

3/8/2004 THÙY TRANG

 

6- Trẻ chưa ngoan, nguyên nhân chủ yếu từ người lớn

Đó là nhận định của TS Dương Thiệu Tống trong hội thảo “Chăm sóc, giáo dục trẻ chưa ngoan” do TƯ Hội LHTN Việt Nam, Hội đồng Đội TƯ tổ chức vào chiều 14/5, tại TP HCM.

Theo TS Tống, một trong những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng trẻ chưa ngoan, trẻ cá biệt là do tính chất “dị trị” của giáo dục gia đình và nhà trường. Đó là thứ giáo dục áp đặt từ bên ngoài, xa lạ, vượt quá khả năng nhận thức và cảm xúc của đứa trẻ, khiến chúng bị ức chế, từ đó nảy sinh các phản ứng mà ta gọi là những biểu hiện chưa ngoan hay cá biệt. PGS, TS Đào Trọng Hùng, Viện Nghiên cứu giáo dục đưa ra vấn đề, nhiều trẻ chưa ngoan không chỉ xuất hiện ở những gia đình bất hạnh, nghèo khó mà còn có ở cả những gia đình có mức sống trung lưu trở lên. Trẻ ngoan hay không phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Khi quan hệ gia đình rạn nứt, đổ vỡ, có nhiều tấm gương “mờ” thì trẻ dễ bị nhiễm các hành vi không tốt.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, việc áp dụng một mẫu chương trình giáo dục chung cho tất cả học sinh ở các trường phổ thông như hiện nay đã vô tình làm tăng số trẻ chưa ngoan. Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều em năng lực yếu, không chạy theo kịp chương trình đã sinh ra chán học, thích quậy phá lêu lổng. Vì vậy, ngành giáo dục nên có những trường và chương trình học dành riêng cho đối tượng học sinh này, để hạn chế tình trạng bỏ học của các em.

Giáo dục trẻ em hư, chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ

Chị Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam nói: “Trẻ em chưa ngoan là vấn đề rất lớn, được nhà nước và nhiều lực lượng xã hội quan tâm. Tuy nhiên, nếu chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ mà phải có phương pháp giáo dục đúng đắn hơn, sự hiểu biết sâu sắc”. Nhưng thế nào là phương pháp giáo dục đúng thì còn có nhiều ý kiến khác nhau. Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lộc, thì người thầy phải có được những yếu tố tổng hợp sau: nghiêm khắc như cha, bao dung như mẹ, cởi mở như người bạn.

Còn theo ông Phan Thúc Xán (Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình), trong nhiều gia đình hiện nay, việc giáo dục con cái còn thiếu sự bàn bạc thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn về phương pháp giáo dục trẻ. Muốn trẻ ngoan, chúng ta hãy bắt đầu từ người lớn. Bởi vì khi cha mẹ sống mẫu mực, con cái sẽ noi gương.

 Thanh Niên, 17/5/2001
 

 

7- Người tận hiến cho giáo dục



GS.TS Nguyễn Nhã


Cách đây khoảng hai tuần, khi tôi và tiến sĩ Trần Nam Bình, đại học New South Wales, Úc – những học trò cũ, đến thăm ông trong bệnh viện, dù đang phải thở oxy nhưng ông vẫn cố ngồi dậy để nói chuyện về giáo dục. Tôi chưa thấy người nào say mê nghiên cứu và đeo đuổi đến tận cùng như ông

Bước vào ngành với tư cách một người thầy từ năm 1945, ông đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp giáo dục, luôn cập nhật, nghiên cứu, tìm cách phổ biến những cái mới. Thật hiếm khi ông chọn học và dạy Anh văn từ những năm 1945, khi mà Pháp văn đang thịnh hành. Trong lúc nền giáo dục định tính đang phát triển thì ông đi vào định lượng vì nó hiện đại, sẽ là xu hướng. Ông cũng tiên phong đi vào khoa học giáo dục, có kiến thức thực sự, nắm chắc về môn thống kê học, tìm cách ứng dụng nó vào lĩnh vực giáo dục.
Nhiều người có tuổi ít cập nhật kiến thức, nhưng hàng ngày ông đều vào internet đọc tài liệu, đặt mua rất nhiều sách mới từ nước ngoài. Làm được những việc “hiếm” này là nhờ bản thân ông đã tự bứt mình khỏi khuôn sáo cũ, vốn dễ vinh danh cho mình (nếu như chọn dạy Pháp văn, chẳng hạn). Tinh thần “đông kinh nghĩa thục” về một nền “thực học” ảnh hưởng nhiều đến ông, nên xuất thân từ một gia đình Nho học, ông vẫn có thể chuyển nhanh sang Tây học.
Có những dự án ông đã đeo đuổi, thực hiện từ những năm 1965, đến nay vẫn đau đáu một nỗi đau chưa thể hiện thực hoá, như dự án về chương trình trung học tổng hợp, với thử nghiệm đầu tiên là trường trung học kiểu mẫu Thủ Đức thuộc đại học Sư phạm mà ông làm hiệu trưởng. Chương trình có những ban không lạ tại các nước phương Tây mà ông đã được học tập, nghiên cứu, nhưng lạ so với trong nước như doanh thương, kinh tế gia đình, canh nông, công kỹ nghệ (ngoài những ban “kinh điển” như toán, văn chương), có hoạt động hướng dẫn – khải đạo (guidance and counseling), áp dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập. Môn hướng dẫn đức dục rất đặc biệt với mục tiêu giáo dục con người toàn diện với chương trình lớp 6 dạy về gia đình, lớp 7 về trường lớp, lớp 8 về quốc gia, lớp 9 về xã hội, gồm cả những hoạt động dã ngoại mang tính bắt buộc như trại về nguồn có hoạt động nấu bánh chưng, trồng cây nêu…
Phải thừa nhận nguyên tắc là không phải ai cũng có năng khiếu về văn hoá, khoa học để học cao lên được, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng có một khả năng, kỹ năng nào đó có thể lấy làm hành trang vào đời. Phải xây dựng một nền giáo dục không loại trừ ai
Chính quyền miền Nam trước 1975 có kế hoạch nhân rộng thử nghiệm này ra 100 trường, một số nơi đã thực hiện như Sài Gòn có trường Nguyễn An Ninh, Sương Nguyệt Anh… Gần đây, đã có những tín hiệu của sự thừa nhận và áp dụng nhưng không đầy đủ, khi các trung tâm kỹ thuật ra đời chỉ với số ít môn, một trường tương tự được thành lập lại cũng thuộc đại học Sư phạm.
Dự án này xuất phát từ những trăn trở của ông trong việc xây dựng một triết lý giáo dục, trên quan điểm ủng hộ giáo dục tổng hợp (giáo dục quần chúng chứ không phải tinh hoa). Theo ông, phải thừa nhận nguyên tắc là không phải ai cũng có năng khiếu về văn hoá, khoa học để học cao lên được, nhưng bất cứ đứa trẻ nào cũng có một khả năng, kỹ năng nào đó có thể lấy làm hành trang vào đời. Phải xây dựng một nền giáo dục không loại trừ ai. Thời đó, nếu không có khả năng về toán, văn… để lên đại học, học sinh có thể chọn học những môn “hướng nghiệp” như đánh máy, kế toán, tốt nghiệp xong là có thể xin việc, đi làm được ngay. Ngày nay, hầu như học sinh đều học để thi vào đại học, dẫn đến tình trạng thiếu thợ nhiều thầy, nhưng thầy thì dở dở ương ương, không thể “nhất nghệ tinh” được.
Đến những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, ông vẫn mong sao 5% những điều mình nói có thể được thực hiện, vẫn lo không còn mấy người có lòng và có khả năng với sự nghiệp giáo dục.
 

Mỹ Lệ (ghi, 05.09.2008 SGTT)
 

8- Ngưỡng vọng một tài năng lớn


10 giờ 55 phút ngày 3-9, GS-TS Dương Thiệu Tống đã ra đi! Một bộ não suốt đời chỉ lo nghĩ về giáo dục đã ngừng hoạt động, một trái tim nhân hậu lớn đã ngừng đập, để lại khoảng trống lớn cho ngành GD-ĐT nước nhà...
Tất cả những cơ quan, đơn vị biết anh Dương Thiệu Tống cũng đều bồi hồi xúc động khi hay tin dữ; rất nhiều người không nén nổi đau thương khi tối cùng ngày kênh HTV9 đưa tin anh từ trần.
Tôi được biết dòng họ Dương Lâm - Dương Khuê từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, lúc tôi còn làm việc ở Ban Tổ chức Liên khu ủy Liên khu 3. Nhiều lần đến làm việc tại Ứng Hòa (Hà Đông), được nghe nhắc về Dương Thiệu Tống nhưng mãi đến năm 1976 tôi mới có dịp siết chặt tay anh khi tôi được điều động về làm việc tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Anh là một nhà khoa học uyên bác, hết sức giản dị, từng lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Ohio và lấy bằng tiến sĩ khoa học giáo dục ở Đại học Columbia (Hoa Kỳ), từng kinh qua công tác quản lý ở Trường Quốc học Huế, Trường Trung học kiểu mẫu Thủ Đức, sau đó về tham gia quản lý Viện Đại học Vạn Hạnh trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh về với Viện Đại học Vạn Hạnh làm việc chính vì anh từng tiếp cận sâu sắc học thuyết Hồng Bàng Thị mà anh đã có cơ hội làm diễn giả chính trong một cuộc hội thảo khoa học lớn được tổ chức tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) vào năm 1995.
Sau năm 1975, anh vẫn sống trong một căn nhà nhỏ, chật hẹp, xuống cấp nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận - TPHCM. Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã cử thợ đến sửa chữa nhà cho anh một lần nhưng chẳng cải thiện được bao nhiêu. Đồng lương khiêm tốn của anh lúc bấy giờ chỉ đủ đắp đổi qua ngày, song anh rất hãnh diện và tự hào được sống và làm việc với chế độ mới, nhiều lần ngẫm đi ngẫm lại với lòng ngưỡng mộ về những bài nói chuyện của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt với thanh niên, học sinh - sinh viên TP mang tên Bác. Hằng tuần anh đến làm việc tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, giảng bài cho sinh viên, tiếp tục viết sách để phổ biến kiến thức về trắc nghiệm, tiêu chí kiểm định và đo lường chất lượng, về giáo dục học... cho dù những năm đầu sau giải phóng, không phải ai cũng chia sẻ với anh các quan điểm về giáo dục đại học tiềm ẩn nội dung khoa học hiện đại. Anh thường nói với mọi người: “Giáo dục muốn phát triển phải theo đuổi mục tiêu không vì lợi nhuận”.
Cách đây hơn hai chục năm, sau khi được nghỉ chế độ - vì đối với anh, nghề nhà giáo không thể nghỉ hưu theo cách nghĩ thông thường - anh vẫn cặm cụi làm việc trên máy tính, đặc biệt đã giảng giải cho hàng chục giáo viên trẻ của Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Họ hằng tuần tới nhà anh thụ huấn những điều mới mẻ về khoa học giáo dục tiên tiến; nhiều anh chị em nhờ đó đã đạt học vị tiến sĩ. Biết kiến thức uyên bác của anh, Bộ GD - ĐT đã nhiều lần mời anh đọc tham luận tại các cuộc hội thảo quốc gia quan trọng ở Hà Nội, báo giới thường phỏng vấn anh mỗi khi giáo dục tiếp cận những vấn đề mới hay phải đối mặt với những thách thức do cuộc sống đặt ra. Các bài trả lời của anh bao giờ cũng sắc bén thể hiện một tầm nhìn sâu rộng.
Có một lần, cách đây đã hơn 6 năm, sau một cuộc hội thảo về khoa học giáo dục tổ chức tại khách sạn Legend (TPHCM), anh và tôi đang ngồi tại sảnh lớn thì tình cờ GS - VS Vũ Tuyên Hoàng bước vào. Chợt nhận ra anh, GS - VS Vũ Tuyên Hoàng đến chắp tay, miệng nói: “Thưa thầy!”. Hai thầy trò vui vẻ nói chuyện bên nhau như hai người bạn. GS - VS Vũ Tuyên Hoàng từng được thụ huấn GS - TS Dương Thiệu Tống trong những năm học phổ thông.
Rồi cách đây hai tuần, tôi lại về thăm anh Dương Thiệu Tống. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường của anh có tấm ảnh của anh do anh Vũ Tuyên Hoàng ký họa bằng bút chì kính tặng thầy. Mỗi lần vào TPHCM làm việc, bao giờ anh Hoàng cũng đến thăm thầy cũ của mình. Anh Tống và anh Hoàng có dáng vóc gần giống nhau, có nhân cách gần giống nhau - nhân cách của hai nhà khoa học lớn...!


Huỳnh Thế Cuộc (Người Lao Động)
 

9- Một công trình của GS Dương Thiệu Tống


Nhắc đến GS Dương Thiệu Tống là nhắc đến một nhà giáo dục học lớn của Việt Nam, tác giả của nhiều đầu sách nghiên cứu rất có giá trị... nhưng chỉ xin được nhắc đến câu chuyện về phân ban mà GS đã nghiên cứu và thực hiện từ rất lâu rồi như một nén hương vĩnh biệt thầy.
Năm 1982, Liên Xô mời phái đoàn trí thức do Âu Mỹ đào tạo ở miền Nam qua Nga tham quan nghiệp vụ. Trong phái đoàn 5 người ấy có GS Dương Thiệu Tống. Một hôm, chuyên gia Liên Xô trình bày một chương trình Trung học Kỹ thuật kiểu mẫu rất hiện đại. Nhưng, bất ngờ GS Dương Thiệu Tống cho biết chương trình ấy là do chính ông thiết lập cho giáo dục quốc tế từ lâu tại Hoa Kỳ và đã thực hiện tốt đẹp tại Việt Nam trong 10 năm ở trường Kiểu mẫu Thủ Đức, nhưng tiếc thay bị ngưng lại sau năm 1975.
Theo GS Dương Thiệu Tống, mô hình này được xây dựng nhằm mục đích nghiên cứu áp dụng cho tất cả các trường, đặc biệt là các trường ở những thành phố nhỏ, nơi không thể mở các trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề riêng lẻ. Tùy yêu cầu từng địa phương sẽ đẩy mạnh về nghề biển, nông, thương... Vì không phải học sinh nào học xong phổ thông cũng có khả năng vào đại học nên mục đích của mô hình này là dù học ngành gì, sau bậc phổ thông, học sinh phải biết được ít nhất một lĩnh vực chuyên môn để có thể phục vụ cho gia đình hoặc địa phương nơi mình sống. Do đó mục tiêu của trường là đào tạo từ nhà khoa học, bác học tương lai cho đến bà nội trợ.
Đây là mô hình phối hợp giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp qua việc thiết lập các ban công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, canh nông và doanh thương cho học sinh phổ thông, việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn áp dụng phương pháp học lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng trắc nghiệm khách quan trong việc đánh giá học tập, tìm hiểu tâm lý và tuyển sinh...
Lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1965, trường áp dụng lối thi tuyển bằng trắc nghiệm khách quan bao gồm một số bài trắc nghiệm phụ và các môn: Văn, Toán, Khoa học thường thức, chú trọng việc khảo sát trí thông minh hơn là khả năng học tập, khả năng thuộc bài, nhớ sách. Ngoài ra, trong suốt quá trình học tập, học sinh được phát hiện năng khiếu và sở thích qua các trắc nghiệm tâm lý, công tác hướng dẫn do các thầy giáo có huấn luyện đảm nhận.
Việc phân ban hiện nay không trên cơ sở phát hiện năng khiếu, khả năng, sở thích của các học sinh, hướng dẫn để các học sinh phát triển năng khiếu, mà dựa vào kết quả học tập để phân loại trái với nguyện vọng của học sinh và gia đình. Vì vậy mô hình trường Kiểu mẫu Thủ Đức của GS Dương Thiệu Tống có thể nghiên cứu để áp dụng trong tình hình mới như một cách phân ban mềm dẻo và phù hợp nguyện vọng của học sinh.


TS. Nguyễn Thiện Tống  (Thanh niên)


 

10- Nhất quán với triết lý giáo dục vì người nghèo


Trẻ em Việt Nam phải được đào luyện trong nền văn hóa của đất nước. "Xã hội ngày càng phân cực giàu nghèo nên không thể bắt phụ huynh nghèo đóng học phí bằng phụ huynh giàu. Đó là mất công bằng trong giáo dục" - GS-TS Dương Thiệu Tống.


Tại hội thảo về "Xã hội hóa giáo dục và đào tạo" do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2004, có một ý kiến đi ngược lại suy nghĩ của số đông lúc bấy giờ "xã hội hóa giáo dục là vận động phụ huynh đóng góp nhiều hơn cho nhà trường". Ý kiến này dẫn số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy ở Việt Nam, ngoài ngân sách của nhà nước, xấp xỉ một phân nửa chi phí giáo dục là do cha mẹ học sinh đóng góp: 44% ở bậc tiểu học, 49% ở bậc THCS và 51% ở bậc THPT. "Chi phí này là quá nhiều so với thu nhập của phần lớn gia đình công chức hoặc lao động nghèo. Khổ nỗi nhiều nơi người ta cứ vin vào khẩu hiệu "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để thu bừa". Người phát biểu và lập luận một cách khoa học, xác đáng ấy là giáo sư Dương Thiệu Tống.


Giáo dục cho người nghèo


Những bài viết, những phát biểu của ông bao giờ cũng kèm theo những tài liệu chứng minh. Có những luận điểm rất nhỏ ông cũng kèm theo hàng chục trang tài liệu dẫn chứng.
Thái độ cẩn trọng với công việc ấy đã dành được sự kính trọng không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội, nhất là các nhà giáo thuộc thế hệ ông. Nhưng điều khiến mọi người quý mến ông hơn là tâm huyết của ông dành cho giáo dục. Một nền giáo dục thực tiễn và khoa học, đào tạo những công dân tốt cho đất nước. Một nền giáo dục tạo cơ hội đồng đều cho mọi thành phần xã hội, không phân biệt giàu nghèo. Những bài viết, những phát biểu của ông đều xuyên suốt và nhất quán với triết lý giáo dục ấy - một triết lý giáo dục đứng về người nghèo, vì người nghèo.
Đầu năm học 2007-2008, dư luận rộ lên vấn đề tăng học phí. Ông tâm sự với chúng tôi: "Tôi nghe nói sắp tới học phí các trường phổ thông sẽ tăng hai, ba lần. Ngành giáo dục giải thích tăng học phí vì giá cả tăng nhiều lần, lương tối thiểu cũng đã điều chỉnh nhiều lần, trong khi đó học phí áp dụng từ năm 1998 đến nay không thay đổi, đã tỏ ra lạc hậu. Tôi nghe như thế và lo ngại ghê lắm". "Thầy lo ngại điều gì?" - chúng tôi hỏi. Thầy Dương Thiệu Tống: "Người dân đã đóng thuế rồi, sao lại bắt phụ huynh đóng thêm học phí khi có con đi học? Nhiều nước trên thế giới họ áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc đến lớp 12 kia. Trẻ con đi học không mất tiền. Giáo dục là phúc lợi xã hội".



Môn học công cụ


Nhưng có lẽ điều ông đau đáu nhất là dạy cái gì trong nhà trường? Những thế hệ mai sau có đủ sức gánh vác việc nước?
Theo ông, môn học đạo đức là môn học công cụ, có nghĩa là từ môn học này học sinh tự biết cách mà ứng xử, tiếp thu các môn học khác. Ông nói: "Giáo dục đạo đức không tách rời sự phát triển kinh tế. Ngược lại, chính nó đã trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế không kém gì các yếu tố sản xuất khác. Yếu tố ấy được các nhà giáo dục trên thế giới gọi là "vốn xã hội"...". Ông dẫn chứng sự thành công của một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... ắt không phải là do sự phong phú tài nguyên vật chất mà chính là do cái "vốn xã hội" truyền thống mà họ đã được thủ đắc, bảo tồn và phát huy qua môi trường giáo dục.
Ông kêu gọi xây dựng một nền giáo dục nội sinh. "Tôi nhớ hồi trước, rất nhiều phụ huynh phản đối việc lấy trường công xây trường Tây để dạy cho trẻ em Việt Nam. Còn nay phụ huynh lại hãnh diện khi cho con học trường Tây. Trẻ em Việt Nam phải được đào luyện trong nền văn hóa của đất nước chớ, làm sao học trường Tây để lấy bằng Tây được?".
 

Dạy chữ, dạy người...


Trong hành động và suy nghĩ của ông luôn ở vị trí một người thầy. Người thầy, theo ông, ngoài nghĩa vụ dạy chữ còn có sứ mạng cao hơn, đó là dạy làm người. Bởi vậy, dạy học không chỉ là một nghề mà còn là một thiên chức. Trong cuốn Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại (Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành năm 2003), thầy Dương Thiệu Tống có kể về một người thầy cũ ở Trường Providence (Thiên Hựu, Huế) cách nay khoảng 70 năm với cả lòng tôn kính. "Cách đây hơn hai năm, tại TP.HCM, tôi và một số bạn học đã đến thăm người thầy cũ của mình, người thầy đã dạy nhiều thế hệ học trò cách nay từ 50 đến 70 năm. Đó là một buổi họp mặt rất đặc biệt vì người thầy đã ở tuổi 95 và những học trò thì ai cũng ở tuổi "xưa nay hiếm". Hơn nửa thế kỷ rồi họ mới gặp nhau. Tình nghĩa thầy trò sao thiêng liêng quá!...".
Tết năm ngoái, chúng tôi đến chúc Tết ông. Bước vào căn phòng của thầy cảm giác thật bình yên. Vài cuốn sách đọc dở trên bàn, cốc trà nguội, chiếc computer với màn hình nhấp nháy... Cuộc sống của thầy rất đỗi thanh bạch. Đã gần năm nay, thầy không đến thường xuyên các hội thảo giáo dục như trước do sức khỏe yếu. "Mỗi lần có các anh chị đến, tôi như sống thêm được mười tuổi" - thầy cười, chòm râu rung rung hồn hậu

04-09-2008
TỪ NGUYÊN THẠCH

 

11- Ghi chép một chuyến đi : Vấn đề giáo dục

Ở nước ta, giáo dục là một “never ending story” – một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Đã có rất nhiều ý kiến chung quanh việc cải cách hệ thống giáo dục sao cho có hiệu quả hơn, nhưng hết cải cách này đến đổi mới nọ, giáo dục vẫn còn là một vấn đề nổi cộm, một vấn đề mà bất cứ ai cũng có ý kiến. Nhiều đổi mới tích cực đã được thực hiện, nhưng tiêu cực vẫn còn tồn tại ...

Trong chiều hướng nâng cao dân trí, Nhà nước đã có nhiều biện pháp thực tế nhằm mở rộng trường lớp và tăng cường lực lượng giáo viên. Chẳng hạn như ở làng tôi, nay đã có 3 trường trung học và 5 trường tiểu học (10 năm về trước, chỉ có 2 trường tiểu học và không có trường trung học). Tuy thiếu thốn thầy cô phụ trách, nhưng Nhà nước có chính sách khuyến khích các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp về quê giảng dạy, như cho vay mua xe, mua nhà (hay bố trí nhà ở cho thầy cô), tăng lương bổng, v.v… Cần nói thêm là lương một giáo viên trung bình bây giờ khoảng 1 triệu đồng, tăng gần gấp 2 so với trước đây. Ngành sư phạm đang dần dần trở thành một ngành học hấp dẫn đối với sinh viên.

Nhưng nói chung, cơ sở vật chất trường lớp ở thôn quê vẫn còn cực kì nghèo nàn. Trường mới xây rất sơ sài, phần lớn là lợp lá dừa nước và cột kèo làm từ tre trúc. Có trường tiểu học thậm chí không có vách, nhìn qua y chang như là những lớp học vào thời thế kỉ 18, 19. Ở vài trường trung học, nạn học chay vẫn còn, tức là học mà không có sách giáo khoa, không có thí nghiệm. Vì thế, không ai ngạc nhiên thấy chất lượng giáo dục ở miền quê chưa được cao và không thể nào sánh nổi với các trường ở thành phố.

Đối với học sinh trung học, nạn học thêm vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Một đứa cháu tôi năm nay sắp thi tốt nghiệp trung học và thi vào đại học cho biết nó phải học thêm hàng tuần ở trường với một chi phí khoảng 50 ngàn / tuần. Tuy nhiên để luyện thi vào đại học, nó còn phải lên Thành phố Hồ Chí Minh hay Cần Thơ để theo học những lớp luyện thi do các trường đại học tổ chức với giá tối thiểu là 1 triệu đồng một khóa (kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng). Đó là một số tiền không nhỏ, nếu đối chứng với thu nhập trung bình 20 ngàn mỗi ngày của người dân. Đối với phần lớn nông dân, đó là một số tiền ngoài tầm tay, và do đó con em họ không có cơ hội theo đuổi việc học hành đến nơi đến chốn dù có nguyện vọng.
Trong thời gian ở trong nước, tôi tình cờ tìm được một số thông tin thống kê thú vị về tình hình thi cử ở trong nước. Trong cuốn “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Tiến sĩ Dương Thiệu Tống so sánh kết quả tuyển sinh giữa năm 2002 và 2003 như sau:

Kết quả tuyển sinh 2002 và 2003

  Năm 2002 Năm 2003
Số thí sinh 823.402 874.402
Điểm trung bình 8.39 8.27
Độ lệch chuẩn 5.20 5.50
Trung vị 7.0 7.0
Tỉ lệ điểm dưới 15/30 86.6% 86%

Nguồn: Dương Thiệu Tống, “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003.


Qua bảng thống kê trên, chúng ta thấy điểm trung bình của học sinh thi tuyển vào đại học ở nước ta còn rất thấp, chỉ khoảng 8.3 đến 8.4 trên 30. Khoảng 87% thí sinh có điểm thi dưới 15! Đó là một tình trạng rất đáng quan tâm. Thực ra, cách tính điểm trung bình trên đây không phản ánh chính xác thực trạng của điểm thi, bởi vì phân phối điểm thi giữa các học sinh không phải là một phân phối hình chuông (Gaussian distribution, có giá trị trung bình nằm ngay chính giữa), mà là một hình như quả núi, tức là phần lớn học sinh có điểm thi nghiêng về phía bên trái (điểm thấp) và rất ít học sinh có điểm cao (phía phải). Do đó, điểm trung vị (median) có lẽ thấp hơn điểm trung bình. Biểu đồ phân bố điểm thi trong năm 2002 cũng chẳng khác gì biều đồ của năm 1974, tức phần lớn học sinh thời đó vẫn có điểm thấp. Nói tóm lại, điểm thi tuyển đại học trong vòng 30 năm qua chẳng có thay đổi gì đáng kể.

So sánh tỉ lệ trúng tuyển đại học và cao đẳng cũng cho ra một số kết quả khá bất ngờ. Tính trung bình toàn quốc, tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học và cao đẳng là 13% (năm 2002). Nhưng có sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh thành. Sau đây là danh sách tỉnh thành thuộc vào hàng “top ten” (số liệu năm 2002).


Kết quả tuyển sinh 2002

 

Tỉnh / thành phố Tỉ lệ trúng tuyển (%) Xếp hạng
Lâm Đồng

Bà Rịa– Vũng Tàu

Đồng Nai

Long An

Bình Dương

Gia Lai

Ninh Thuận

Kontum

Kiên Giang

TP Hồ Chí Minh

26.9 1

22.4 2

21.0 3

19.6 4

19.2 5

19.1 6

19.0 7

18.9 8

18.6 9

18.5 10

Nguồn: Dương Thiệu Tống, “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003.


Tất nhiên, những số liệu chỉ cho ta biết khuynh hướng, chứ không phản ánh trung thực khả năng của học giữa các tỉnh thành, bởi vì học sinh các tỉnh xa và miền núi được thêm điểm thi.

Vài góp ý

Một vấn đề mà giới giáo dục trong nước đang nêu lên để thảo luận là có nên bỏ hẳn kì thi tuyển sinh đại học. Nhân đây tôi muốn đóng góp một số ý chung quanh vấn đề khá nóng này như sau:

Không cần phải nói ra chắc ai cũng biết rằng tổ chức thi cử là một việc làm tốn kém, chẳng những làm hao tổn tiền bạc của nhà nước và nhân dân, mà còn có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lí của học sinh. Phấn đấu để giảm thi cử là một định hướng mà các nước Tây phương đã và đang thực hiện. Ngày nay, ở các nước như Anh, Úc vả Mĩ, học sinh chỉ thi tốt nghiệp trung học (tức thi tốt nghiệp tú tài) chứ không phải thi vào đại học. Các trường đại học chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học để tuyển sinh. Học sinh phải đạt được một số điểm nhất định để được chấp nhận theo học một ngành học nào đó. Phương cách tổ chức này được đánh giá có hiệu quả cao qua việc tiết kiệm ngân sách nhà nước và sức lực của học sinh có thể dành để tập trung vào học đại học và sau đại học.
Do đó, trên nguyên tắc, tôi ủng hộ việc xóa bỏ cuộc thi tuyển đại học, với điều kiện việc tổ chức thi tú tài nên nghiêm chỉnh hơn, và kết quả cuộc thi tú tài phản ảnh được khả năng thực của học sinh.

Hiện nay, nhìn qua những đề thi và câu hỏi trong kì thi tốt nghiệp tú tài, tôi có cảm tưởng đó là những kì thi đố, chứ không phải để kiểm tra năng lực và trình dộ của học sinh trong suốt 6 năm trung học. Chẳng hạn như đề thi toán chỉ bao gồm vỏn vẹn 6 câu hỏi, và hầu hết các nội dung các câu hỏi này tập trung vào chương trình lớp 12, chứ không phải cho toàn bộ chương trình trung học. Một số câu hỏi còn mang tính hóc búa, thiếu tính thực tế, thậm chí đi ra ngoài chương trình học. Cách soạn đề thi như thế tạo cơ hội cho thói quen học tủ và không hẳn phản ánh khả năng thực của người học sinh.

Ai cũng biết trong thực tế học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có em giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có em khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn toán chẳng hạn, có em khá về lí thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có có em giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lí thuyết, và cũng có em giỏi cả hai mặt lí thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của các em, dù lí thuyết hay ứng dụng, cần phải được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lí tưởng cần phải phản ảnh những thực tế này.

Theo phân tích của Giáo sư Dương Thiệu Tống (trong cuốn sách Vài suy nghĩ về giáo dục, Nhà xuất bản Trẻ, 2003) mà trong đó ông cho thấy mức độ tương quan giữa điểm thi tú tài và điểm thi trong lúc theo học đại học cực kì thấp. Chẳng hạn như trong môn toán, phân tích trên 1280 học sinh cho thấy hệ số tương quan giữa điểm lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0.17; giữa điểm lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.09; và giữa điểm thi tuyển sinh đại học và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.19. Nói cách khác, điểm học lớp 12 không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi học lớp 12 có thể có điểm cao khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học; ngược lại phần đông các học sinh có điểm cao khi học lớp 12 không phải là những sinh viên có điểm cao khi học đại học.

Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê này, nhưng trong những diễn dịch đó, có thể (a) điểm thi tú tài không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học đại học; hoặc (b) đề thi tú tài không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc đại học; hoặc (c) hoặc số phần của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận.” Tôi không tin ở số phần, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tú tài (và thi tuyển vào đại học) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên. Do đó, tôi có hai đề nghị cụ thể:

Thứ nhất, soạn lại chương trình giáo khoa bậc trung học sao cho đáp ứng được sự khác biệt về khả năng của các học sinh. Chẳng hạn như chương trình toán cần phải được thiết kế lại với 3 bậc. Bậc 1 dành cho các em có khả năng trung bình về toán, những học sinh có thể xử lí các vấn đề toán căn bản (như đại số, phương trình bậc hai, tích phân và xác suất cơ bản …); bậc 2 dành cho các em có khả năng trên trung bình (như ứng dụng lí thuyết tích phân vào các vấn đề vật lí); và bậc 3 dành cho các em chuyên toán, những học sinh có ý định học các ngành đòi hỏi khả năng toán cao cấp. Cách soạn chương trình học này chẳng những tạo cơ hội cho người học sinh thực hiện tiềm năng thích hợp của mình, mà còn chuẩn bị cho người học sinh một ngành học đại học mà các em thấy hợp với năng khiếu của mình.

Thứ hai là soạn một đề thi với 30 hay 40 câu hỏi nhằm kiểm tra tất cả những khía cạnh chính của chương trình học. (Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình trung học có thể tóm gọn trong 6 câu hỏi!) Chẳng hạn như trong môn toán, ngoài những câu kiểm tra trình độ căn bản về đại số và phương trình / bất phương trình (trình độ lớp 9 hay lớp 10), cần phải có những câu hỏi về lí thuyết và ứng dụng của lượng giác, đạo hàm, tích phân, và xác suất. Phương thức soạn đề thi như đề nghị có thể phản ảnh chính xác hơn tiềm năng và khả năng của người học sinh.

Nói tóm lại, tôi đồng ý và ủng hộ việc xóa bỏ kì thi tuyển sinh đại học, song trước khi xóa bỏ, chúng ta cần phải cải cách và chấn chỉnh lại chương trình trung học và hệ thống thi cử hiện nay sao cho phản ảnh trung thực hơn khả năng và tiềm năng của học sinh. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ chẳng những tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn giảm những căng thẳng [không cần thiết] cho học sinh.

 

 

 

12- Nghịch lý tuyển sinh lớp 10



Dù Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) TP HCM đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ trúng tuyển lớp 10 đến hết ngày 31/7 nhưng đến nay nhiều trường vẫn trong tình trạng thiếu chỉ tiêu.
Đây là một trong những hệ quả tất yếu khi cách tuyển sinh lớp 10 của thành phố đang tồn tại nhiều nghịch lý.

“Thật không hiểu nổi”, một phụ huynh thốt lên sáng 24/7 tại khuôn viên Sở GD - ĐT TP HCM. Ông chầu chực hơn hai tiếng đồng hồ để nhận được câu trả lời của Phòng Khảo thí: “Sở không giải quyết bất kỳ trường hợp nào vào lớp 10 công lập, dù điểm thi cao”.
 

Nghịch lý 1: Điểm cao trượt, điểm thấp đỗ

Vị phụ huynh này cho biết con ông thi lớp 10 được 37 điểm nhưng rớt cả ba NV (NV 1 đăng ký vào THPT Lê Quý Đôn, NV 2 vào THPT Gia Định, NV 3 vào THPT Trưng Vương). Ông thắc mắc: “Con tôi điểm cao lại rớt, trong khi có cháu điểm thấp lại đậu. Tại sao?”.

Xem điểm thi vào lớp 10 tại THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Ảnh Song Ba
Rất đông phụ huynh chầu chực ở Sở GD - ĐT suốt hai tuần qua đều có cùng một câu hỏi như vậy. Theo số liệu của Sở, tổng số thí sinh (TS) rớt cả ba NV ở kỳ thi tuyển lớp 10 năm nay là 12.716, trong đó 466 TS có điểm từ 30 trở lên và 68 HS có điểm từ 35. Đến cuối tuần qua, nhiều trường THPT chưa tuyển đủ chỉ tiêu dù hết hạn nộp hồ sơ.

Tuyển sinh lớp 10 thực chất chỉ làm công việc phân loại TS: đạt một mức điểm nhất định nào đó được vào hệ công lập, dưới mức này vào hệ ngoài công lập. Như vậy, vấn đề quan trọng là định ra một “điểm sàn” (như “điểm sàn” tuyển sinh đại học) thống nhất chung cho toàn thành phố. Mục tiêu này của kỳ tuyển sinh lớp 10 chưa làm được: TS có điểm trên “sàn” bị rớt, còn dưới “sàn” lại đậu. Đây chính là nguyên nhân làm rối loạn việc tuyển sinh trong mấy ngày qua.
Để tháo gỡ bế tắc, hàng năm sở đều cho một số trường nhận thêm số TS trên “chuẩn” bị rớt oan này. Nhưng năm nay, Sở kiên quyết nói không. Phụ huynh Vũ Kim Thắng đề nghị: "Việc nhận học sinh vào các lớp đầu cấp nên thực hiện theo một điểm chuẩn thống nhất và học sinh ở địa bàn nào học ở địa bàn đó. Nếu tại địa bàn đó chưa đủ chỗ học các trường ở quận, huyện khác phải chia sẻ. Việc tiếp tục quy định như hiện nay làm phát sinh các bức xúc xã hội, đi ngược lại mục đích phổ cập giáo dục".
 

Nghịch lý 2: Đánh giá không chính xác
 

Phương thức tuyển sinh lớp 10 ở TP HCM dựa vào điểm số ba môn thi văn, toán và một môn thay đổi hàng năm (năm nay là tiếng Anh). Phát biểu với báo chí, Riến sĩ Mai Ngọc Luông, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý TP HCM, nhận xét: “Phương thức tuyển sinh lớp 10 không đánh giá chính xác trình độ học sinh”.
Ông giải thích việc đánh giá học sinh là việc làm thường xuyên trong suốt quá trình học từ lớp 6 đến lớp 9, chứ không phải đợi đến cuối năm lớp 9 mới đánh giá. Ông đề xuất, để chọn ra những học sinh vào lớp 10, TP HCM phải tham khảo học bạ bốn năm THCS.
Đề nghị của ông Luông là cách mà thành phố Hà Nội đang làm: vừa thi tuyển vừa xét tuyển. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Chánh văn phòng Sở GD - ĐT Hà Nội, giải thích: “Sở dĩ phải kết hợp cả hai phương án này vì để đánh giá chính xác học sinh. Nếu chỉ thi hay chỉ xét tuyển tôi e rằng không đảm bảm bảo sự đánh giá chính xác”.
Phụ huynh Phạm Thị Mai Phương đề nghị: “Với các lớp đầu cấp không nên mở các kỳ thi tuyển. Nếu học sinh đủ điểm tốt nghiệp cuối cấp, đạt tiêu chuẩn để vào trường công lập theo địa bàn cư trú sẽ nộp hồ sơ theo đúng tuyến mà ngành giáo dục qui định. Làm như vậy tất cả học sinh không phải chạy vạy, lo lắng vì đăng ký sai nguyện vọng”.
 

Nghịch lý 3: Chất lượng không đồng đều
 

Phương thức tuyển sinh lớp 10 còn tồn tại nghịch lý: cùng trên một địa bàn nhưng đầu vào lớp 10 giữa các trường có khoảng cách quá xa về điểm số. Các trường như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai… lấy điểm từ 40 trở lên.
Trong khi đó, là trường nội thành, nhưng điểm đầu vào của THPT Diên Hồng (quận 10), Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), Ngô Gia Tự (quận 8)… chỉ cần từ 17,5 đến 21,25 điểm. Thậm chí THPT Ten Lơ Man (quận 1) chỉ là 26,25… Điểm đầu vào thấp một cách bất thường là THPT Long Thới (huyện Nhà Bè): 13 điểm.
Trao đổi về giải pháp chống “chạy trường” vào mùa tuyển sinh đầu cấp, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT TP HCM, nhấn mạnh: "Cần phải xoá dần khoảng cách về điểm đầu vào giữa các trường”.
Giáo sư, tiến sĩ Dương Thiệu Tống: Học sinh nghèo sẽ mất cơ hội học tập.

"Nếu thi là để sàng lọc học sinh vào hệ công lập thì không nên. Ai học ngoài công lập? Đa phần là hoch sinh nghèo sẽ không có điều kiện, sẽ làm mất đi cơ hội học tập của các em. Trong khi đó, giáo dục lại là một quá trình học liên tục, không nên phân chia ra nhiều cấp. Tôi mong muốn bậc tiểu học mở luôn cấp 2, rồi dần đến cấp 3, để HS học xong một cấp sẽ học tiếp lên cấp trên mà không phải qua thi chuyển cấp, chuyển trường".
Theo ông Minh cần chọn lựa một phương thức tuyển sinh như thế nào để số học sinh khá, giỏi, trung bình được phân bố đều cho mỗi trường, tạo thuận lợi cho ngành giáo dục làm tốt việc nâng cao chất lượng.
Nhưng dường như cách tuyển sinh hiện nay đi ngược chủ trương xoá khoảng cách chất lượng giữa các trường của ngành giáo dục thành phố. Bảng điểm tuyển vào lớp 10 từ 2003 đến 2008 cho thấy phương thức tuyển sinh lớp 10 đã không làm đúng chủ trương trên. Việc tuyển sinh đã phân hoá các trường thành ba nhóm trường tốp trên (khoảng 15 trường); tốp dưới (khoảng 15 trường), tốp giữa (khoảng 35 trường). Những học sinh có sức học yếu, kém được gom vào một trường. Những học sinh giỏi hay trung bình, khá cũng được gom vào những trường khác nhau.
Nhận xét về cách làm này, giáo sư Dương Thiệu Tống thốt lên: “Thật là một việc làm phản sư phạm! Gần đèn thì sáng, trong một trường toàn học sinh yếu, kém các em sẽ mất động cơ để phấn đấu thành khá, giỏi. Ngược lại, một trường toàn học sinh giỏi sự học thành ra căng thẳng và mệt mỏi vì phải cố gắng liên tục. Nói chung, đó không phải là môi trường sư phạm tốt để tìm cách duy trì".

Phụ huynh Lê Hoài Trung, 403 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, bày tỏ nguyện vọng: “Tôi nghĩ sở giáo dục nên tạo điều kiện sao cho tất cả các trường công lập có chất lượng tốt như nhau thì các kỳ thi sau sẽ không có việc đăng ký sai trường, phụ huynh phải chạy ngược chạy xuôi tìm trường như hiện nay”.


Lê Đông

 

13- Tư tưởng văn hóa giáo dục của GS.TS. Dương Thiệu Tống

“Một nền văn hóa giáo dục không làm sống lại trí tưởng tượng, không phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, không bao giờ có thể là một nền văn hóa giáo dục phục vụ cho sự phát triển theo đúng ý nghĩa của nó”.

Tôi nhận được tin GS.TS. Dương Thiệu Tống đã từ trần lúc 11 giờ ngày 3-9 trước khi đài truyền hình thông báo tin buồn. Mặc dầu cựu học sinh Quốc học Huế chúng tôi biết sức khỏe thầy Tống yếu dần trong mấy năm gần đây và thầy không có thể đến dự buổi họp mặt mừng xuân hằng năm của cựu học sinh Quốc học tại TP Hồ Chí Minh nhưng đầu năm nay thầy cũng còn gửi lời chúc Tết đến cựu học sinh và đồng nghiệp cũ.

Gần đây vào tháng 3 năm nay, trên báo Pháp Luật, thầy vẫn còn lên tiếng về việc học sinh bỏ học. Cho nên bây giờ cựu học sinh Quốc học Huế cũng bàng hoàng và bùi ngùi cảm nhận về sự ra đi của thầy Hiệu trưởng Dương Thiệu Tống.

Khi thầy Tống làm hiệu trưởng năm 1963-1964 thì tôi đang học lớp Đệ nhị ở Quốc học. Mãi đến giữa thập niên 1980 tôi mới có dịp gặp thầy Tống ở một số buổi hội thảo về giáo dục. Sau đó tôi ở trong Ban Liên lạc cựu học sinh Quốc học nên giữ liên lạc với thầy nhiều hơn.

Những lần thầy tham dự buổi họp mặt mừng xuân hằng năm của cựu học sinh Quốc học tại TPHCM, thầy đều nói nhiều về tinh thần Quốc học, về tình thầy trò Quốc học. Thầy Tống cho biết rằng trường Quốc học Huế là nơi đầu tiên soạn thảo chương trình trung học Việt Nam và cũng là nơi tổ chức kỳ thi Tú tài đầu tiên bằng tiếng Việt vào tháng 6 năm 1945.

Thầy tin tưởng một cách khá chắc chắn rằng miền Trung là vùng đất của Việt Nam áp dụng sớm nhất một chương trình trung học hoàn toàn Việt Nam chỉ vài tháng sau Cách mạng Tháng Tám, và trường Quốc học Huế cũng là “trường sư phạm trung học” đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Lần đầu tiên tôi đến nhà GS. Dương Thiệu Tống vào năm 1987 ở một hẻm đường Lê Văn Sỹ, tình cờ gặp lúc thầy đang giảng bài cho một nhóm sinh viên cao học ngay tại nhà. Tôi thật hết sức bất ngờ khi biết thầy đang cùng sinh viên phân tích một bài báo tôi viết về giáo dục đăng trong đặc san của Việt kiều Tây Đức. Tôi nghe phần cuối của bài giảng đó và thật không ngờ bài viết của mình được GS. Dương Thiệu Tống đánh giá cao như thế.

Hồi ký sư phạm “Thuở ban đầu” của thầy năm 1998 giúp tôi biết nhiều về thầy hơn và hiểu nhiều hơn về nghề nhà giáo đầy thách thức và đổi mới. Tôi đọc các sách của thầy và theo dõi các ý kiến của thầy về giáo dục, về nghiên cứu giáo dục. Những nỗi niềm của thầy cũng là của những người trẻ hơn như tôi.

Trong hồi ký đó thầy viết: “Những người trí thức như tôi ngày nay không lo rằng ba trăm năm nữa người ta có “khóc” mình không, mà chỉ lo người ta sẽ “cười” mình, “cười” vì đã không đóng góp được gì cho sự giàu mạnh của đất nước.” Và thầy tiếp: “Khi không nói được mạnh, không làm được nhiều thì viết, viết để đóng góp một chút gì cho đất nước này, cho thế hệ về sau này”.

Tôi đọc kỹ quyển “Những suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam” của thầy và rất đồng tình với nhận định: “Sự thật là hàng nghìn năm lệ thuộc văn hóa nước ngoài đã ngăn chặn phần nào năng lực và tinh thần sáng tạo của một dân tộc từng phát minh kỹ nghệ trồng trọt sớm nhất thế giới, và đi đầu trong kỷ nguyên văn minh đồ đồng ở Á châu, như các nhà khảo cổ học thế giới đã chứng minh trong các thập niên 1960 và 1970. Nhưng không phải chỉ có thế. Chính dân tộc ấy đã sáng tạo ra một hệ thống tư tưởng triết học về vũ trụ và con người, có lẽ đã đóng góp không nhỏ cho nền triết học Trung Hoa, và đã ảnh hưởng đến nếp suy nghĩ và hành động của dân Việt hàng nghìn năm sau. Đó mới chính là “Văn hiến” 4.000 năm mà người Việt ta vẫn thường nhắc nhở và có thể hãnh diện một cách chính đáng.

Sức sáng tạo ấy là một trong những nét đặc sắc của truyền thống dân tộc ta cần được luôn luôn khơi dậy, vì mặc dù nó đã bị ngăn chặn do hoàn cảnh lịch sử, nhưng nó vẫn chưa và sẽ không bao giờ mất hẳn. Tinh thần sáng tạo ấy, bên cạnh các nét truyền thống đặc thù của văn hóa dân tộc, phải là trung tâm điểm của mọi chương trình phục hưng văn hóa và cải cách giáo dục ở nước ta, và là một điều kiện không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thế giới hiện đại. Một nền văn hóa giáo dục không làm sống lại trí tưởng tượng, không phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, không bao giờ có thể là một nền văn hóa giáo dục phục vụ cho sự phát triển theo đúng ý nghĩa của nó”.

Khi bàn về một đầu tư lớn lao cho giáo dục, một đầu tư không thể lẩn tránh được, GS Dương Thiệu Tống viết: “Đành rằng đất nước chúng ta còn nghèo, nhưng có một sự thật hiển nhiên và nan giải là tri thức của những con người được coi là đang ở “biên giới kiến thức” của một nước, ngay trong hiện tại, không thể nghèo được vì sự nghèo nàn trí tuệ trong hiện tại sẽ lôi kéo theo sự nghèo nàn trí tuệ của nhiều thế hệ tương lai, mà sự nghèo nàn trí tuệ tương lai ấy chắc chắn không thể nào đóng góp cho sự giàu mạnh kinh tế được trong một thế giới đang và sẽ tiến hành như vũ bão trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật”.

Giáo dục nước ta đang cần cải tổ, những ý kiến đầy tâm huyết của nhà văn hóa giáo dục Dương Thiệu Tống chắc chắn đã và đang tiếp tục được nghiên cứu. Tuy GS.TS. Dương Thiệu Tống ra đi, nhưng tư tưởng văn hóa giáo dục của thầy sẽ được thế hệ trẻ tiếp nối.

TS. Nguyễn Thiện Tống

 

14- Nhớ Thầy Bàn Thạch Dương Thiệu Tống

Giáo sư Dương Thiệu Tống đã vĩnh viễn giã từ chúng ta ! Từ nay trên các diễn đàn cải tổ giáo dục chúng ta sẽ không còn nghe tiếng nói, các lời khuyến cáo uyên bác và cương trực của Ông nữa. Sự ra đi của một người đầy tâm huyết và năng lực như Giáo sư thật là mất mát lớn lao cho nền giáo dục nước nhà, nhất là trong khi hành trình cải cách còn dài và còn nhiều chông gai.
 

Tôi biết đến Giáo sư Tống qua ba mối liên hệ khác nhau. Thứ nhất, Giáo sư Tống đảm nhiệm chức Hiệu trưởng trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức khi trường khai giảng lần đầu niên khóa 1965-66. Đó cũng là năm mà tôi vào học lớp 6 trong trường. Thứ hai, Thầy Tống cũng là thân phụ của anh bạn học cùng lớp chí thân với tôi, từ năm lớp 6 đến đến năm lớp 12, cũng như sau khi chúng tôi cùng đi du học Úc năm 1972. Thứ ba, Thầy Tống là nhà khoa học chuyên ngành giáo dục và tôi cũng quan tâm đến bộ môn này, mặc dù hai Thầy trò chúng tôi đến với giáo dục từ hai quan điểm khác nhau : giáo dục (Thầy) và kinh tế (tôi). Vì ba mối liên hệ này mà tôi đã có nhiều dịp quan sát, gặp gỡ, liên lạc, trao đổi với Thầy cũng như theo dõi các quan điểm, việc làm của Thầy trong hơn 40 năm qua.
 

Là một nhà giáo, Thầy Tống đã tận tuỵ cống hiến cho nền giáo dục nước nhà trong suốt hơn sáu thập kỷ vừa qua. Thầy đã đào tạo, đỡ đầu rất nhiều thế hệ học sinh và sinh viên. Các học trò cũ của Thầy ngày nay đều rất thành đạt và sinh sống khắp nơi trên thế giới. Dùng lối ví von mà Thầy hay dùng lúc sinh thời, Thầy là một ông chèo đò tận tâm và chung thủy. Tất cả học trò cũng như đồng nghiệp của Thầy đều rất kính ngưỡng nếp sống trong sạch, thanh bạch và lối làm việc hăng say, nhiệt thành của Thầy. Sĩ khí và nhân cách của Thầy quả là tấm gương soi cho các học trò cũ nói riêng và giới trí thức nói chung.

Là một nhà quản lý giáo dục, Thầy Tống đã từng làm Hiệu trưởng hai trường trung học hoàn toàn khác biệt nhau. Trường thứ nhất là Quốc Học Huế, một trường lâu đời với hơn 100 năm lịch sử và trên 3000 học sinh. Trường thứ hai là Kiểu Mẫu Thủ Đức, một trường rất non trẻ, khai giảng năm 1965-66 với vỏn vẹn trên dưới 280 học sinh. Cùng với trường Trung học Kiểu Mẫu Huế, Kiểu Mẫu Thủ Đức là nơi đầu tiên thử nghiệm chương trình giáo dục tổng hợp. Rất tiếc cuộc thử nghiệm này đã bị ngưng lại sau 10 năm vì chuyển biến lớn lao của lịch sử.
 

Là một học giả chuyên ngành giáo dục, Thầy đã để lại nhiều đóng góp quý báu. Thứ nhất, Thầy luôn đi tiên phong trong đổi mới giáo dục. Có lẽ một di sản to lớn nhất của Thầy là chương trình giáo dục trung học tổng hợp mà Thầy đã soạn thảo khi làm Hiệu trưởng trường Kiểu Mẫu Thủ Đức. Đây là một chương trình giáo dục tiên tiến với ba chủ đích : thực hiện giáo dục tổng quát giúp mọi học sinh đạt một trình độ phổ thông, cũng như có một thái độ sống thích hợp trong gia đình và xã hội trong truyền thống dân tộc, thực hiện giáo dục hướng nghiệp giúp cho một số học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu cá nhân, tài khéo thực dụng đế có thể chuẩn bị trong nghề nghiệp khi không thể học lên cao, và thực hiện giáo dục hướng học giúp cho một số học sinh chuẩn bị con đường hậu trung học trong cũng như ngoài nước. Nếu biết khôi phục, điều chỉnh cho hợp lý và khéo léo tận dụng, giáo dục tổng hợp chính là những vật liệu vô cùng quan trọng và quý báu cho việc xây dựng một mô hình giáo dục trung học thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, toàn vùng hóa hiện thời. Thầy cũng là người đi tiên phong trong việc áp dụng phân tích thống kê để nâng lối thi trắc nghiệm lên thành một phương pháp khảo sát hệ thống, khách quan và khoa học tại Việt Nam.
 

Thứ hai, Thầy là một nhà khoa học chân chính và khả kính. Cuốn sách tập hợp những bài Thầy viết về giáo dục ở Việt Nam là một ví dụ điển hình(1). Văn phong của Thầy điềm đạm, chừng mực, hợp lý và luôn luôn được dẫn chứng bằng các số liệu do chính Thầy thu thập và phân tích. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi rất nhiều chuyên gia đã xem Thấy là người nghiên cứu về giáo dục khoa học nhất hiện nay. Phong thái khoa học nghiêm túc của Thầy có lẽ được hun đúc qua truyền thống gia đình, các cơ hội học tập nghiên cứu hậu đại học tại Anh và Mỹ, cũng như tinh thần phóng khoáng, tự học suốt đời của Thầy. Nhờ thế, tuy Thầy và tôi đến với giáo dục từ hai quan điểm khác biệt, chúng tôi có rất nhiều điểm chung và dễ dàng thông cảm nhau. Cách làm nghiên cứu của Thầy đúng là khuôn mẫu cho các nhà nghiên cứu về giáo dục tại Việt Nam ngày nay.
 

Trong những lần đi công tác tại Việt Nam, tuy quỹ thời gian rất eo hẹp, tôi luôn luôn tranh thủ đến thăm Thầy. Những lần đầu, Thầy tiếp tôi tại phòng khách. Sau này, vì lý do sức khoẻ, Thầy không xuống nhà dưới nữa và tiếp tôi trên lầu. Lúc nào Thầy cũng say sưa thảo luận về các đề tài giáo dục với lối trình bày minh bạch, kiến thức uyên bác và lý luận sắc bén. Lần về Việt Nam gần đây nhất, tôi tham dự Hội thảo Hè Nha Trang đầu tháng 8 vừa qua. Nhân dịp ghé ngang Thành Phố, tôi cùng Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã đến viếng thăm Thầy. Tuy không khoẻ, Thầy vẫn nói chuyện rất hăng say với chúng tôi. Không ngờ, đó cũng là lần cuối mà chúng tôi còn được diện kiến và học hỏi nơi Thầy.
 

Tôi nghĩ Thầy ra đi rất nhẹ nhàng và mãn nguyện. Nhẹ nhàng bởi vì Thầy đã trả xong nợ với cá nhân, với gia đình và với đất nước. Mãn nguyện vì Thầy đã để lại nhiều di sản tinh thần cho các thế hệ mai sau. Ước mong rằng các học trò cũ của Thầy, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn phấn đấu và phát huy tinh thần giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng đã hấp thụ được từ Thầy. Ước mong hơn nữa là các nhà lĩnh đạo, các nhà làm chính sách giáo dục cũng như các nhà quản lý các trường học sớm tìm hiểu và thực thi phần nào các kiến nghị, các đề xuất cải tổ của Thầy để đưa nền giáo dục nước nhà tiến lên ngang tầm các nước bạn trong khu vực. Đó là phần thưởng có ý nghĩa nhất cho nhà giáo dục Bàn Thạch Dương Thiệu Tống, người luôn hằng mong giáo dục sẽ giúp Việt Nam “ xây nền hạnh phúc tiến với thế giới ”.

(1) Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, Nhà xuất bản Trẻ & Công ti Phương Nam, 2003, 400 trang.

Ts Trần Nam Bình

 (Diễn Đàn)

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org