Câu chuyện chung quanh tấm ảnh

Vietsciences-  Hằng Nga        03/03/2011
 

Những lời chia buồn

Câu chuyện chung quanh tấm ảnh chụp chung với anh Nguyễn Văn Chuyển(đã mất năm 2008)--

Chuyện vãn tại hội ngộ hè 2007

 

Hàng đứng từ phải qua: Nguyễn Văn Nhã,Nguyễn Văn Chuyển(áo đen), Trần Hà Anh, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Nam Hương, Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Hải
Hàng ngồi từ phải qua: Hằng Nga, Hà Ngọc Mai, Võ Thị Diệu Hằng
Nguyễn Thanh Lâm(đứng), Hồng Lê Thọ(đứng ngoài cùng)

 
Họ là những Việt kiều (VK) đang sống, làm việc ở trong  và ngoài nước. Đa số đều có “thâm niên” ở nước ngoài ngót ngét 30-40 năm, tranh thủ hẹn hò hàn huyên trong kỳ nghỉ hè này ở quê nhà.
 
Là buổi hội ngộ thú vị, bởi danh tính của hầu hết các Việt kiều có mặt tối hôm 21.8 đều đang ở độ “tri thiên mệnh” trong làng Việt kiều. Theo cách nói của Anh Nguyễn Văn Chuyển, 12 gương mặt Việt kiều tối hôm đó toàn là những “kẻ bụi đời”, song là những “bụi đời” cao cấp! Đa số biết nhau từ những ngày du học, “đồng cam cộng khổ” và có chung lý tưởng trong những năm tháng học và làm việc ở xứ người cho dù họ ở  nhiều phương trời khác nhau.
 

       “Chai sạn rồi mới hiểu bàn tay”

Các bạn im lặng nhé, Hồng Lê Thọ, VK Nhật, “nổ phát súng” vào cuộc, tôi xin tiết lộ, một người từ kinh đô ánh sáng, hò hẹn với một người ở xứ phù tang, sau khi về đến Việt Nam, hẹn cùng nhau uống cà phê ở Hà Nội, ra về sẽ… nắm tay nhau như 2 câu thơ của Lê Thị Kim: Anh nắm tay em bằng bàn tay thành thật. Chai sạn rồi mới hiểu bàn tay. Nhưng rồi lời “hẹn ước” không thành, người ở Pháp về đến sân bay Nội Bài lại bay thẳng vào Nha Trang… Mở một nụ cười dí dỏm, Hồng Lê Thọ “phán” tiếp, bây giờ hãy hai người nắm tay nhau trước mặt bạn bè đi! Anh Nguyễn Văn Chuyển, chuyên gia Dinh Dưỡng trở về từ xứ phù tang và Chị Võ Thị Diệu Hằng, chủ nhân trang web Vietsciences.free.fr từ Pháp trở về, cùng tham gia trong nhóm bio-vn, “dũng cảm” nắm tay nhau trước tiếng vỗ tay của mọi người. Không khí cuộc hội ngộ vỡ òa, cười nói rôm rả. Người ngồi bên trái Chị Diệu Hằng là nhà “Einsten học” Nguyễn Xuân Xanh cũng vội chìa tay ra bắt…như hiểu được câu thơ của Lê thị Kim !
 
Anh Nguyễn Văn Chuyển, chuyên gia Thực phẩm Dinh dưỡng, Giáo sư  Trường Đại học Nihon Joshi (Nữ Nhật Bản), đã từng có cuộc trao đổi với Nhịp Cầu Đầu Tư vấn đề kết hợp “low tech” với “high tech” trong sản xuất hàng chất lượng xuất ra nước ngoài sau hội nhập. Về chuyên môn, GS Chuyển đang nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan cải tạo tầm vóc các thế hệ tương lai như các nước châu Á khác đã làm và khá thành công. Trở về Việt Nam lần này, Anh đã tham gia Hội thảo chuyên đề dinh dưỡng tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội và Hội thảo chuyên đề béo phì tại Viện Y Dược học TP.HCM. Nhiều nhận xét của anh chị Việt kiều tại buổi hội ngộ cho rằng, Anh Chuyển là một “tay Việt kiều” biết hài hước và dí dỏm thông minh khi chịu khó “đùa dai” với hai “con cưng chính phủ” là vợ chồng Trần Hà Anh và chị Hà Ngọc Mai, hai nhân vật trí thức lẫy lừng. Hỏi ra mới biết, cách đây trên 20 năm, TS.KH Trần Hà Anh được Chính phủ mời về đảm trách công việc tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ông được đánh giá là người đặt nền móng cho ngành điện hạt nhân Việt Nam. Cái danh “con cưng chính phủ” được anh em Việt kiều gọi đùa từ đó. Riêng với chị Mai, một nhà khoa học thành công nhiều trong lĩnh vực lai tạo giống lan và một số cây trồng tại Đà Lạt, lại được “anh chàng” Thọ quảng cáo: “Vị TS Sinh học nầy độc đáo ở chỗ là trồng cây này ra cây khác, thành loại cây mới như Phượng Tím ở trên ấy”(?!)
Ông Nguyễn Văn Nhã, Việt kiều Canada, một chuyên gia nuôi trồng tôm thành công trong nhiều năm tỏ ra rất nghiêm túc khi đề nghị Anh Chuyển tổ chức Hội thảo về đề tài “tai biến” ở lứa tuổi tri thiên mệnh. Hồng Lê Thọ vội đưa tay: “ tôi sẵn sàng làm người mẫu cho đề tài này.  Bắt đầu lúc mấy giờ”. “8h sáng”. “Vậy có ăn sáng không?”.Thế là mọi người vỗ tay đồng ý ầm ĩ… Chả là cách đây một năm, nhân vật Thọ đã từng bị tai biến nhẹ, miệng bị kéo xệch một bên, chữa trị kết hợp Đông Tây y, châm cứu và uống thuốc liên tục 6 tháng mới “hoành tráng” trở lại. Nhân nói về tốc độ làm việc, liên tục có các bài viết “độc chiêu” về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hồng Lê Thọ đăng lên Nhịp Cầu Đầu Tư vừa qua, Anh Trần Hà Anh “trả đũa”: Viết nhiều như ông Thọ méo miệng là phải thôi. “Miệng méo thế nào cũng được, nhưng đừng méo mó nghề nghiệp nghe bạn !” Phạm Nam Hương, Việt kiều Đức nhắn nhủ.
 
Ngồi đối diện ở giữa, Chị Diệu Hằng chợt thốt lời khen Anh Ngô Vĩnh Long có đôi mắt… đẹp một cách...tình tứ (lẳng lơ thì đúng hơn--HLT) làm vị giáo sư khả kính phải nhướng mắt tròn xoe cho mọi người chiêm ngưỡng !. Giải thích cho cái sự đẹp này, chị Diệu Hằng cho rằng: anh Long có trong người dòng máu người Bắc Hà!Thế là  Nhiều người tự nhận mình có gốc Bắc cách đây cả mấy đời. anh Nguyễn Lương Dũng, trai Hà thành, tỏ ra khoái chí với nhận xét này, cứ tủm tỉm cười và liên tục bình… “loạn” về đôi mắt đẹp của người Hà thành. Ai đó ngâm nga: “Chai sạn rồi mới hiểu bàn tay.”…

       Làm gì để phát triển kinh tế đất nước?

Câu hỏi đó dần toát lên ngày càng rõ trong cuộc hội ngộ. Chuyện vãn, hài hước dí dỏm, song bên trong là đau đáu những vấn đề chiến lược nghiêm túc, bởi sự phát triển của quê nhà. Các anh Nguyễn Văn Chuyển,  Nguyễn Xuân Xanh,  Nguyễn Văn Nhã,  Nguyễn Thanh Lâm tranh nhau bàn chuyện làm ăn kinh tế. “Ông Nhã vẫn còn nuôi tôm à? Theo tôi, ông nên nuôi dê đi, có lợi hơn”, Anh Chuyển sốt sắng. Ngay lập tức, Lâm và Hương phản biện: Người dân Ninh Thuận đang “xấc bấc xang bang” với dê rồi. Tìm món làm ăn khác đi! “Có ai đầu tư vào chứng khoán không?”. Hình như ông Nhã đang “âm mưu” lĩnh vực này. Nguyễn Thanh Lâm đứng lên, phán một câu xanh rờn: “Ông chơi chứng khoán hả? Sẽ có ngày chứng khoán chơi lại ông!”. Lại tiếp tục rôm rả.
 
Anh Ngô Vĩnh Long, người Việt đầu tiên nhận được học bổng toàn phần của trường Đại học Harvard vào năm 1964 lại tỏ khá kiệm lời và chỉ cười liên tục trước những bong đùa của mọi người. Cách đây mấy hôm, tại UBNVNONN TP.HCM, Anh Long đã có buổi nói chuyện về ảnh hưởng kinh tế châu Á trước phản ứng của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Có thể đấy là lý do để hôm nay vị GS này tự thưởng cho mình cơ hội được nghe và thư giãn với bạn bè bốn phương chăng?
 
Anh Chuyển chợt chuyển đề tài, phỏng vấn tại chỗ của TS Anh về chương trình phát triển điện hạt nhân cho quốc gia. Điềm đạm,anh Anh phân tích: Khi mà nguồn thủy điện ngày một cạn kiệt, đã đến lúc ta phải nghĩ đến nguồn điện hạt nhân thôi. Còn nhớ, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là ước nguyện được ấp ủ trong lòng vị TS Vật lý cách đây trên 25 năm. Bàn về vấn đề hạt nhân, theo TS Anh, an toàn hay không tùy thuộc một phần quan trọng vào người điều khiển”. Phạm Nam Hương, người vừa đưa lời nhận xét: “Càng ngày anh Xanh càng giống Enstein” ( Nguyễn Xuân Xanh, tác giả quyển sách Enstein, liên tục best seller từ ngày xuất bản và đã in được 6.000 bản), lại trở nên rất nghiêm túc khi phân tích tính cần thiết phát triển công nghệ hạt nhân quốc gia… TS Nguyễn Hải, người từng nhận chứng chỉ Microsoft Certified Trainer, VK Canada, đang tham gia giảng dạy tại Đại học Bách khoa TP.HCM tỏ ra e ngại với vấn đề này, song khá chịu khó nghe các đồng nghiệp phân tích trong khi đồng nghiệp của anh, PGS Nguyễn Lương Dũng lăng xăng mời mọi người thưởng thức các món ăn do anh đặt hàng…rồi nhẹ nhàng “cuốn gói” về trước để…cho con trai ngủ…trong khi mọi người vẫn còn sôi nổi với đề tài “hạt nhân” như muốn vỡ tung….

HẰNG NGA (Nhịp Cầu Đầu Tư)
Hè 2007 tại TPHCM

 

 
   *  Từ ở Mỹ xa xôi, trưởng nhóm Bio-vn, qua TS Trần Hà Anh, TS Nguyễn Trọng Bình chuyển lời hỏi thăm đến mọi người tại buổi hội ngộ hè 2007.

 
  • *Từ Mỹ trở về có Giáo sư Tiến Sĩ (GS.TS) Ngô Vĩnh Long, GS.TS Nguyễn Văn Chuyển ở Nhật sang, Võ Thị Diệu Hằng ở Pháp về. 9 Việt kiều còn lại, hiện đang sống và làm việc trong nước gồm: TS Vật lý Trần Hà Anh (VK Pháp, Trưởng Ban Điều hành lâm thời Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật Việt kiều), TS Sinh học Hà Ngọc Mai (VK Pháp, phu nhân của TS Trần Hà Anh), Phó GT.TS Nguyễn Lương Dũng, TS Toán học Nguyễn Xuân Xanh, ông Phạm Nam Hương (Công ty Nam Phương) , ông Nguyễn Thanh Lâm (VietEuro) đều VK Đức; ông Nguyễn Văn Nhã và TS Nguyễn Hải (Canada) và  Thạc sĩ Sử học Hồng Lê Thọ (VK Nhật)
mời xem thêm bài nầy:

 

 
quà âm nhạc của anh Võ Tá Hân(Spore--nhận đêm 28/02/2011)

CÒN GẶP NHAU

http://www.youtube.com/watch?v=p4CEqzb0adY

Đã đăng trên Người lót gạch

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org