Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học đã ra đi

Vietsciences   Hồ Bất Khuất           25/07/2009      

 

(TuanVietNam) - Trong vòng nửa thế kỷ qua, nếu để trở thành nổi tiếng, không ai hội đủ những điều kiện như chị: thông minh, xinh đẹp, là con gái của Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái. 

Chị cũng là một người trong nhóm “hạt giống đỏ”, theo chủ trương của Bác Hồ, được gửi đi Liên Xô học từ năm 1954, giáo sư – tiến sỹ vật lý lý thuyết, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được giải thưởng khoa học quốc tế Kovalevskaia… 

Vậy mà chị Võ Hồng Anh đã không nổi tiếng, cho đến trước ngày chị vĩnh viễn đi xa...

Những kỷ niệm từ bài báo dở dang

 

GS.TSKH Võ Hồng Anh

Nghe tiếng chị từ lâu, lại có cái duyên học cùng trường (tuy chị học trước), nhưng mãi sau này mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Hóa ra không chỉ là một nhà vật lý mà chị còn quan tâm tới rất nhiều bộ môn khoa học khác, trong đó có cả văn học nghệ thuật. Có lẽ những điều đó chiếm hết thời gian của chị?  

Chị đón chúng tôi vào ngôi biệt thự lớn để trò chuyện. Đồ đạc trong phòng cũ và cách bài trí cũng tuềnh toàng, nhưng có lẽ chị không bận tâm về những thứ đó.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc gặp chỉ trong vòng 2 tiếng, nhưng chúng tôi chỉ ra về sau hơn 5 tiếng đồng hồ. Nói về nước Nga và vật lý lý thuyết, quả tình là không nói ngắn được. 

Sau khi trò chuyện cả buổi với chị, tôi về viết bài “Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học”. Bài báo dở dang…

Tôi chưa hoàn thành bài báo không phải vì trước khi rời nhà chị, chị bảo: “Cậu cho mình mượn cái ghi âm, nghe lại những gì mình nói trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua”, mà bởi vì tôi muốn hiểu thêm những gì chị làm, đặc biệt là những điều chị cảm nhận. Tôi tin là mình có điều kiện để làm được điều này, vì sau khi đưa danh thiếp cho tôi, chị nói: “Khi nào rỗi rãi, cậu cứ đến chơi, đừng quên là chúng ta học cùng trường đấy nhé!”


Sau đó ít lâu, tôi cử phóng viên đến đặt chị viết bài về những kỷ niệm với Bác Hồ. Tôi biết, chị là một trong những người được Bác Hồ yêu mến đặc biệt. Khi chị còn là học sinh trường Internat, mỗi lần sang thăm Liên Xô, Bác Hồ đều ghé thăm trường, chị được tập thể tín nhiệm viết và đọc lời chúc mừng Bác, kể cho Bác nghe về tình hình, học tập, sinh hoạt. Sau này lớn lên, là con gái của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam , chị có điều kiện gặp Bác nhiều.

 

Chị viết rất cẩn thận, nâng niu từng chi tiết, yêu cầu phải in đúng như vậy. Vì phóng viên đó không cẩn thận, có chỗ bị sai, chị gọi điện tỏ ý không hài lòng. Chúng tôi xin lỗi chị, hứa là kiểm điểm phóng viên, rút kinh nghiệm. 

Hôm sau chị gọi điện, tha thiết đề nghị là không được kỷ luật phóng viên đó. Chị bắt tôi hứa là không được làm cho phóng viên đó buồn và chịu thiệt thòi. Chỉ sau khi tôi hứa như vậy, chị mới nhắc lại: “Khi nào có thời gian, đến nói chuyện dài dài nhé!”

Chỉ cần qua vài sự việc như thế, tôi hiểu chị là một con người giàu tình thương và đặc biệt chu đáo.

Tuổi thơ dữ dội và vinh quang

 

Bà Võ Hồng Anh và cha - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Trọng Thanh)

Chị là kết quả của mối tình lãng mạng giữa hai trí thức trẻ có hoài bão lớn. Năm 1929, anh thanh niên cách mạng Võ Nguyên Giáp trong vai một nhà báo đi trên một chuyến xe lửa Hà Nội – Huế để thực hiện một nhiệm vụ cách mạng. Khi tàu dừng ở ga Vinh, có hai thiếu nữ xuất hiện và lên tàu.  

Ngay lúc ấy, Võ Nguyên Giáp đã để ý đến cô gái có mái tóc dày đen nhánh xoã ngang lưng, nước da trắng hồng, gương mặt trái xoan hiền dịu, đôi mắt đen láy ánh lên sự thẳng thắn, cương trực và rất đỗi dịu dàng. Khi được biết đó chính là em gái chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Võ Nguyên Giáp càng để ý hơn. 

Hôm ấy, cô Quang Thái lên đường vào Huế nhập học ở trường Đồng Khánh. Câu chuyện giữa Võ Nguyên Giáp và người bạn đi cùng sôi nổi, cô Quang Thái ngồi im lặng, mãi sau mới tham gia chuyện trò.

Tuy vậy, ấn tượng của anh thanh niên Võ Nguyên Giáp lúc đó về một cô nữ sinh Đồng Khánh - Huế xinh đẹp và ít nói là rất mạnh. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy lòng mình rộn lên với những tình cảm xao xuyến. Họ chia tay lưu luyến.

Anh Võ Nguyên Giáp, sau khi vào Huế làm việc tại Quan hải tùng thư, rồi làm biên tập cho báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Không quên được hình ảnh người nữ sinh Đồng Khánh, gặp trên chuyến tàu, anh thỉnh thoảng đạp xe qua trường với hy vọng có thể nhìn thấy người ấy.

Thế rồi, một hôm nữ sinh Quang Thái đến có nhiệm vụ tìm gặp một người để nhận công tác đoàn thể. Hóa ra đó lại là anh Võ Nguyên Giáp.Cuộc gặp gỡ đột ngột khiến anh sững sờ, trái tim run lên xao xuyến. 

Quang Thái lúc đó còn nhỏ tuổi, chỉ coi anh Võ Nguyên Giáp như một đồng chí chỉ huy. Nhưng trong thời gian bị tù sau phong trào cạch mạng 30 – 31, họ đã trở nên thân thiết. Dù hoạt động cách mạng nguy hiểm, dù bị tù đày, nhưng tình yêu mãnh liệt vẫn đến với hai trái tim dũng cảm, hai tâm hồn trong trắng, thơ mộng. 

 

Anh Võ Nguyên Giáp cưới Quang Thái, năm đó chú rể 24 tuổi, còn cô dâu 20 tuổi. Sau khi cưới nhau, họ ra Hà Nội, anh dạy học, còn chị thi đỗ và vào học trường Y. Võ Hồng Anh ra đời ở Hà Nội, nhưng không được sống với ba mẹ nhiều, vì ba mẹ bận việc cách mạng. Hồng Anh về ở với ông bà nội ở Quảng Bình. 

Năm 1942, Quang Thái bị bắt và bị giam ở Hỏa Lò. Bị giam giữ và bị tra tấn nhiều, sức khỏe của bà yếu đi nhiều. Bà mong ước cháy bỏng được gặp Hồng Anh. Bà nội chiều con dâu, đưa Hồng Anh lên tàu ra gặp mẹ, nhưng chuyến tàu đó máy bay của quân đồng minh ném bom, bà cháu không ra Hà Nội được. Thế là bà Quang Thái hy sinh mà không được gặp chồng con.

Trong kháng chiến chống Pháp, trước khi lên Việt Bắc với ba, Hồng Anh được gặp ba mấy lần, nhưng dù ba đã bế Hồng Anh ra chỗ vắng, hỏi “Hồng Anh có thương ba không?”, đều chỉ là sự im lặng. 

Hồng Anh không nói gì vì giận hờn, mà đấy là sự thể hiện tình cảm một cá tính, một sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc hơn lời. Sau đấy, sự im lặng này gần như trở thành quy ước của yêu thương không lời giữa hai ba con.

Khi đã ở Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến thăm gia đình, Hồng Anh nhận ra ngay, nhưng không dám tới gần. Mãi tới khi ba bảo: “Hồng Anh ra đây chào Bác Hồ đi con!” Lúc đấy chị mới lò dò đến gần Bác và nói: “Cháu chào Bác Hồ ạ!”. 

Bác Hồ kéo Hồng Anh vào lòng hỏi: “Ra Việt Bắc cháu có vui không?”. “Dạ, có ạ”. Ba Hồng Anh nói thêm: “Nó ra đây thấy cái gì cũng mới lạ. Vừa rồi được đi ôtô lần đầu, cháu reo lên vui thích, nhưng chỉ một lúc sau là ỉu xìu vì chóng mặt”

Bác Hồ cúi xuống hỏi: “Thế lúc ấy cháu có khóc không?” .“Dạ, cháu chưa khóc ạ!”. Bác Hồ liền sửa ngay: “Cháu phải nói là “không khóc” chứ không phải là chưa khóc”. Đây là kỷ niệm đầu tiên của chị Võ Hồng Anh về Bác Hồ, và chị nói là “kỷ niệm không bao giờ quên”.

Sau này, sang Trung Quốc, rồi sang Liên Xô học tập, chị bao giờ cũng vững vàng, tự tin, giàu bản lĩnh và học rất giỏi. Huy chương vàng tốt nghiệp phổ thông, bằng đỏ (xuất sắc) tốt nghiệp đại học, học vị tiến sỹ khoa học của chị nói lên điều đó.

Nhà khoa học tài năng và trách nhiệm
 

Tôi không dám hỏi chị: “Là phụ nữ, tại sao lại chọn lĩnh vực vật lý lý thuyết vốn khô khan, trừu tượng, mênh mông và khó được mọi người thừa nhận”, vì biết chị đạt được nhiều điều trong lĩnh vực này. Chị đã công bố trên 60 công trình khoa học, chủ yếu ở nước ngoài. Ở Việt Nam , vật lý lý thuyết, hình như chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Chị có vẻ chấp nhận điều này.  

Nhưng khi tôi nói, có một người Việt Nam nữa, cũng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov, cũng là người đi về vật lý lý thuyết, hiện đang say sưa nghiên cứu hạt cơ bản, chị hỏi ngay “Ai đấy?”. Tôi trả lời “Đàm Thanh Sơn, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Washington, Hoa Kỳ”. Chị nói: “Vậy là cậu ta may mắn, có môi trường và điều kiện tốt để nghiên cứu. Khi nào có điều kiện, cậu làm quen mình với Sơn nhé!”.

Tôi biết là từ 1987 – 2003, chị làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia nên rất muốn biết ý kiến của chị về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. 

Là một người có trách nhiệm và trân trọng đồng nghiệp nên chị nói: “Nhà máy điện hạt nhân thì chắc chắn chúng ta phải xây dựng rồi, nhưng ở đâu, lúc nào, chọn công nghệ, nguyên lý gì… là vấn đề tế nhị, nhạy cảm và rất phức tạp. Trên thực tế, đã hình thành một số quan điểm khác nhau. Nói về vấn đề này phải đúng nơi, đúng chỗ, đại diện cho quan điểm nào”.

Chị nói vậy cho kín nhẽ, nhưng tôi biết sự lựa chọn của chị rồi. Ưu tiên số một của chị trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử là an toàn. Chị đặc biệt nhấn mạnh phải đào tạo cán bộ có tác phong khoa học chính xác và nghiêm túc từ bây giờ. Làm điện hạt nhân không có chỗ cho tư tưởng “thà thẻo, rút ruột công trình, hay thái độ tắc trách. Với văn hóa, tác phong và phẩm chất như hiện nay, chúng ta chưa thể làm điện hạt nhân được”.

Những mong ước của chị


Thật ra, thời gian, địa điểm làm việc đối với chị chỉ có ý nghĩa tương đối. Điều cơ bản xuyên suốt hoạt động của chị là những vấn đề khoa học vật lý lý thuyết và thái độ sống (mà chị chọn cũng trên cơ sở rất khoa học).  

Dù là Giáo sư – Tiến sỹ khoa học, dù đã có trên 60 công trình khoa học được công bố, được nhiều giải thưởng, nhưng chị không phải là người thành đạt. Chính chị nói: “Có lẽ tôi không thấy mình thích hợp với hai chữ “thành đạt” ”. 

GS-TS Võ Hồng Anh,

- Sinh 1941.
- 1954 - 1959: Học tại Internat, Moskva
- 1959 – 1965: Sinh viên Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov
- 1965 -1970: Làm việc tại Ủy ban khoa học Nhà nước Việt Nam
- 1966 -1968: Làm luận án Phó tiến sỹ tại ĐHTH Lomonosov.
- 1982: Bảo vệ luận án Tiến sỹ
- 1970 - 1986: Làm việc tại Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam
- 1987 – 2003: Làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia.
- Từ 2004, làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật

Có lần, giữa đông đảo bạn bè của nhóm “hạt giống đỏ”, chị nói: “Sao bọn Internat chúng mình đã học, đã sống, đã lớn lên như vậy, mà ra xã hội, chả đứa nào, đặc biệt là bọn nam… “làm nên trò trống gì” nhỉ?!”

Trò chuyện với chị, tôi biết là chị không hài lòng về mình, chưa hài lòng về những gì chị đã làm được. Vì vậy, sau khi rời Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, chị về “đầu quân” cho Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, cùng với những nhà khoa học nổi tiếng như Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Đình Cự… mong làm được một điều gì đó có ý nghĩa.   

Trên cơ sở các bộ môn khoa học như toán, lý, hóa, sinh, triết học, các nhà khoa học muốn xây dựng một bộ môn khoa học mới. Rất không may, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng đã ra đi, bây giờ lại đến lượt chị, để lại những mong ước lại dở dang.

Còn nữa, chị nói với tôi là sẽ viết một cái gì đấy về gia đình mình, về ông nội, bà nội - những người đã truyền cho chị những tri thức đầu tiên về văn học dân gian, những bài học đầu tiên về chia ly, đợi chờ, về việc người thân quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tôi cũng mong được đọc quyển sách như vậy của chị, nhưng có lẽ, không kịp nữa rồi.

Chị còn những mong ước dang dở, kể cả mong ước về khoa học lẫn tình cảm. Chị ước mong ba mình – Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống khỏe mạnh đến trăm tuổi. Để thực hiện mong ước này, chị sống tại 30 Hoàng Diệu để chăm sóc ba.

Có những mong ước của chị sẽ thành sự thật, có những mong ước mãi mãi dở dang, có những mong ước chúng ta phải nỗ lực hết mình trong tương lai mới mong chúng có thể thành hiện thực. 

Nghe tin chị mất, tôi về tìm lại bài báo “Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học” đang viết dở, hoàn thành nốt và thêm vào tít bài ba chữ “đã ra đi”. Tôi lại thầm mong trong giới khoa học, chính khách, doanh nghiệp… Việt Nam luôn có nhiều con người có trí tuệ và nhân cách như chị.

 

           http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org TS Hồ Bất Khuất