Điếu văn

Vietsciences- Trương Hồng Sơn           10/11/2008
 

Vĩnh biệt Thầy Cung Giũ Nguyên

Điếu văn của đại diện Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy Nguyên ở hải ngoại

Kính thưa Thầy,

Trong bức phát họa chân dung của Thầy in nơi bìa sau tác phẩm Le Boujoum có ghi lời đệ tử một thiền sư Trung quốc như sau: Khi chưa học với Thầy, thấy sông là sông thấy núi là núi. Khi theo học với Thầy, thấy sông không còn là sông thấy núi không còn là núi. Sau khi học với Thầy, thấy sông vẫn là sông thấy núi vẫn là núi.

Học trò cũ của Thầy đang sống nơi hải ngoại hay còn ở quê nhà trung bình đã học với Thầy hơn 40 năm rồi. Người trẻ nhất gần 20 năm, lớn nhất hơn 60 năm. Ngày nay, cách thấy sông, núi của mỗi người hẵn là khác nhau, và có thể khác cả cách thấy sông, núi của chính Thầy. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trong chúng con, hình ảnh Thầy không khác bao nhiêu. Đặc biệt, với thế hệ học trò Nha trang thuộc thập niên 50, hình ảnh đó gắn bó thân thiết với tuổi thơ chúng con. Không đơn giản chỉ là hình ảnh một người thầy có tài năng chuyển giao tri thức, mà dĩ nhiên Thầy có thừa khả năng đó trong phạm vi chuyên môn của Thầy. Gắn bó một cách đặc biệt vì đó là hình ảnh một vị Thầy khả kính biểu tượng của một thế hệ thầy giáo vào tuổi 100 mà chắc chẵng còn bao nhiêu ở lại với thế gian này, nhưng đã tác động sâu xa vào tâm hồn học trò mình. Cho đến nay, học trò Thầy rời mái trường đã lâu lắm rồi, hầu hết đầu đã bạc, vậy mà âm vang những câu chuyện hay bài học “ngoài môn học”, hay những lời giảng về cách nhìn cuộc đời, cách nhìn một thế giới lớn rộng hơn cái không gian nhỏ bé của mình hay vượt ngoài cái thời gian hạn hẹp của mỗi đời người, dường như vẫn còn đâu đó. Đồng thời, khó có mấy ai quên được nụ cười thật đặc biệt mỗi khi thầy chuyển tải các bài học này.

Bài học nhiều lắm. Chúng con chỉ muốn nhắc lại ba bài học chính của Thầy, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, mà chúng con phải học mãi trong suốt cuộc đời mình. Những bài học ngỡ rằng đơn giản nhưng thật không dễ học. Những bài học vô cùng quý giá vì nó thật sự quan trọng cho cuộc đời và vì không chắc học trò nào khi đến trường đều được dạy theo một cường độ và cung cách như vậy. Nhắc lại ở đây như một lời biết ơn trước khi nói lời vĩnh biệt Thầy.

Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng.

Thời gian mấy mươi năm qua, học trò Thầy và cả chính Thầy, đã trải qua bao thăng trầm. Càng thấm thía với những lời dạy này, và với rất nhiều học trò của Thầy, nó trở thành một cái phao tinh thần cho cuộc đời họ, bởi vì, trong suốt mấy mươi năm qua, có mấy ai không có những lúc muốn quị xuống, muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc, muốn mặc cho thế sự quay quần như thế nào, quay mình đi như thế nào. Bài dạy chỉ thật sự có tác dụng nếu chính người dạy tin và sống theo nó. Từ những nơi rất xa, nhìn về quê nhà, thấy cách sống của Thầy, ở vào cái tuổi của Thầy mà vẫn lừng lững không chịu thua với khả năng tàn phá của thời gian, học trò Thầy ấn tượng vô cùng.

Thầy có một quá khứ rất đáng để trân trọng nhưng Thầy luôn nhìn về trước và luôn làm giàu thêm cho sự nghiệp tinh thần của mình và làm giàu thêm cho cuộc đời. Trong một hoàn cảnh không thuận lợi chút nào, Thầy không ngừng viết, suy nghĩ, và cả học hỏi. Ở tuổi gần 100, vượt xa cái tuổi tự cho là “tri thiên mệnh” của người xưa, Thầy vẫn học. Thầy sử dụng computer rành hơn nhiều học trò Thầy bên kia bờ đại dương. Gần tuổi 100, Thầy vẫn còn ngồi trước máy vi tính gởi e-mail đến các học trò, người thân ở khắp nơi, cho đến khi... cơ thể Thầy không còn cho phép Thầy tiếp tục.

Chúng con, mỗi lần hồi tưởng lại khoảng thời gian đổi thay lớn trong đời, không mấy ai không thấy lạnh người. Nhưng cũng trong thời gian đó, ở Nha trang, thầy lặng lẽ ngồi viết tác phẩm Le Boujoum bằng tiếng Pháp, dày 684 trang. Chúng con thích ghi lại câu mở đầu và cũng là câu kết thúc trong tác phẩm này, do chính Thầy chuyển ngữ “...một vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại. Hy vọng nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để hy vọng? Nhờ biệt lệ nào được nâng đỡ như thế này, trong thời gian có giới hạn nhất định. Hay ta lại muốn cho thời gian còn kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt. Bởi tánh cách đột ngột của sự việc quá rõ ràng, nhưng một mối đầu luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia. Tuy sụ quên lãng những quy luật thường đi đôi với ảo tưởng. / Dưới kia là một vực thẳm âm u cuồn cuộn...

Kính thưa Thầy,

“Trăm năm” không chừa ai. Thầy đã vượt qua cái khoảng thời gian gần đúng 100 năm với một phẩm cách riêng biệt của Thầy, xưa nay mấy ai có được? Thầy để lại bao nhiêu thương tiếc cho người thân và cho rất nhiều học trò củ của Thầy. Thầy để lại những tác phẩm làm giàu cho cuộc đời, Thầy để lại những bài học quý giá. Đến lúc Thầy vĩnh viển ra đi. Chúng con cầu mong linh hồn Thầy sớm về nơi tốt đẹp.

Vĩnh biệt Thầy.

Trương Hồng Sơn

Thay mặt Trung tâm Cung Giũ Nguyên và một số học trò cũ của Thầy ở hải ngoại.

 

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- B