Truyện Le domaine maudit của thầy Cung Giũ Nguyên

Vietsciences- Nguyễn Phụng           

 

Thầy Cung Giũ Nguyên là một nhà văn và nhà báo lớn với hơn năm mươi tác phẩm viết bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh. Thầy Nguyên được rất nhiều nhà phê bình văn chương và độc giả Âu Châu biết tên và tán thưởng, đó là một hãnh diện lớn cho văn học Việt Nam. Tuy vậy, chẳng bao nhiêu độc giả Việt-Nam biết và có cơ hội thưởng thức văn tài của thầy; đó là một điều đáng tiếc. Bài “Thầy Cung Giũ Nguyên và Truyện Le Fils de la Baleine, Người Con Trai của Ngài Cá Ông” đăng trong Giai Phẩm Võ Tánh/Nữ Trung Học Nha Trang, 2002, [1] là một cố gắng nhỏ của chúng tôi để giới thiệu tác phẩm của thầy với các anh chị cựu học sinh trường Võ Tánh và Nữ Trung Học Nha Trang. Để tiếp tục công việc đó, chúng tôi xin giới thiệu một tác phẩm nổi tiếng khác của thầy, Le Domaine Maudit (Miền Đất Dữ), dày 350 trang, xuất bản tại Paris vào năm 1961. Le Domaine Maudit là một tiểu thuyết lịch sử, xã hội và tình cảm đa diện, nhưng vì khuôn khổ giới hạn của tờ Đặc San, chúng tôi chỉ xin tóm lược cốt truyện, đúc kết một số ghi nhận của các nhà phê bình văn chương về tác phẩm đó và trình bày vài cảm nghĩ của chúng tôi. [2]

I

Le Domaine Maudit (Miền Đất Dữ) của thầy Cung Giũ Nguyên là câu chuyện của một gia đình thượng lưu Việt Nam tan vỡ vì sự xung đột giữa hai ý thức hệ -- giá trị luân lý cổ truyền Khổng-Mạnh và ý thức hệ Cộng Sản -- vào khoảng thời gian từ 1930 cho đến 1955.

Loan là con gái của một gia đình giàu có và thân thế ở Sài Gòn. Ba Loan, ông Quang, là một luật sư thành công; mẹ Loan là con gái của một điền chủ giàu có ở Lục Tỉnh. Loan học lớp đệ nhất tại một trường trung học Pháp ở Sài Gòn và đương chuẩn bị thi tú tài toàn phần. Gia đình Loan tuy giàu có nhưng không êm ấm; mẹ Loan, vì ảnh hưởng của nếp sống điền chủ giàu có, thiếu hẳn bổn phận làm vợ, làm mẹ và nhất là không trung thành với ông Quang. Ngoài ra, em trai của Loan, Minh, vì sẵn tiền của và được sự nuông chiều quá đáng của mẹ Loan, nên chơi bời, hư hỏng. Loan khốn khổ, mất hết niềm tin vào giá trị luân lý gia đình; Loan bỏ đạo thờ cúng ông bà và trở thành một tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Sau lễ rữa tội, Loan dồn hết nỗ lực vào việc học thi, nhưng ngày Loan thi đậu chẳng ai hỏi han hay chia xẻ niềm vui với Loan vì mẹ Loan đã bỏ nhà đi theo tình nhân và chết thảm thương trong một tai nạn xe hơi trên đường Sài Gòn Vũng Tàu; ba Loan vì quá đau thương nên chẳng ngó ngàng gì đến con cái.

Trong hoàn cảnh trống vắng đó Loan gặp Trường, sinh viên năm thứ ba trường luật. Hai người yêu nhau và được hai gia đình chấp thuận cho làm lễ thành hôn. Ước mơ của Loan là Trường tốt nghiệp trường luật, hành nghề luật sư như ông Quang và xây dựng một gia đình êm ấm, nhưng ước mơ đó chẳng bao giờ thành tựu vì Trường bỏ học để họat động chính trị. Trường gia nhập đảng Cộng Sản (lúc đó lực lượng chính trị này chưa dùng chiêu bài cộng sản vì còn muốn ẩn danh để tiện sinh hoạt với các đảng phái Quốc Gia) để thực hiện một cuộc cách mạng vô sản trên toàn lãnh thổ Việt-Nam. Từ ngày đó, Loan cảm thấy một sự ngăn cách lớn lao giữa hai người vì quan niệm hạnh phúc và gia đình của Trường khác hẳn những điều Loan hằng mơ ước. Tuy vậy, như bao nhiêu người vợ hiền Việt-Nam khác, Loan vẫn cố gắng yêu thương và chiều chuộng chồng và hy vọng có ngày Loan sẽ là một mẹ hiền, chỉ biết hy sinh cho con cái và mái ấm gia đình. Loan cố nhẫn nhục và chịu đựng; Loan tự nguyện làm thư ký riêng cho Trường trong những phiên họp. Nhưng sự chịu đựng có giới hạn, càng đi sâu vào hoạt động cách mạng vô sản của Trường, Loan càng thấy xa cách Trường và chán ghét những người bạn của Trường. Những người này dơ dáy, cử chỉ lố bịch, ăn nói thô bỉ, không chút lịch sự tối thiểu, họ thường bỏ cả hai chân trên ghế sa-lông hay hỉ mủi và khạc nhổ ngay xuống sàn nhà. Loan phàn nàn và Trường cố chống chế; Trường giải thích với Loan họ là những người có kiến thức sâu xa về cuộc cách mạng vô sản và là những đại diện xứng đáng của dân chúng Việt Nam và nhân loại thế giới.

Trường tiếp tục rút tỉa tiền của gia đình để giúp sinh hoạt chính trị. Đã nhiều lần Trường nêu lên câu hỏi về sứ mạng của mình nhưng chẳng biết còn cách gì khác hơn ngoài cách đi tới và đi tới. Càng bâng khuâng, Trường càng tiến sâu vào cuộc phiêu lưu, càng làm ra vẻ hăng say, để tự dối mình và dối kẻ khác.

Mẹ Trường không muốn Trường bỏ học để làm chính trị nên gởi Trường ra trường luật Hà Nội. Tại Hà Nội, Trường chẳng học hành như mẹ mong muốn mà chỉ tiếp tục hoạt động chính trị và rồi mắc bệnh lao phổi. Loan từ Sài Gòn ra Hà Nội chăm sóc chồng. Loan chăm lo cho Trường với tất cả sự thương yêu như ngày nào và cố khuyên can Trường tỉnh dưỡng nhưng chẳng lay chuyển được Trường. Nằm trên giường bệnh, với chứng lao phổi ở thời kỳ thứ ba, Trường vẫn tiếp tục sinh hoạt với bạn bè, những người cũng dơ bẩn, ăn nói thô tục, thiếu lịch sự như những người Loan đã gặp tại Sài Gòn. Loan chán nãn, thất vọng. Trong thời gian chăm sóc Trường ở bệnh viện, Loan quen với một sinh viên y khoa, Khánh. Khánh si mê Loan và đưa Loan đi ngắm mấy thắng cảnh Hà Thành. Bệnh trở nặng; Trường qua đời. Loan oán trách cách mạng về cái chết của Trường và sự đau khổ của Loan. Loan lấy tàu hỏa xuôi Nam. Trên tàu, Loan mơ màng nghĩ đến Khánh.

Về Sài Gòn, Loan cố sống bình lặng cuộc sống của một góa phụ nhưng cuộc sống bình lặng ấy lại bị xáo trộn. Minh, đứa em trai chơi bời phóng đãng của Loan, dan díu với một cô gái và có một đứa con với cô gái đó; gia đình cô gái nhất định không cho Minh cuới cô gái làm vợ và đem đứa con giao cho gia đình Minh nuôi. Loan nhận đứa con đó -- một bé gái -- làm con nuôi và đặt tên là Xuyến.

Quân đội Nhật bành trướng thế lực ở Thái Bình Dương và dòm ngó Đông Dương. Ông Quang bỏ nghề luật sư và đem gia đình lên cao nguyên, gần Đà Lạt, lập đồn điền trồng trà. Minh bỏ học, lêu lông khắp nơi, và rồi làm cách mạng như Trường. Loan hoảng hốt, lo âu. Minh, cũng như Trường, đang được ru ngủ bằng một mớ lý thuyết, nhưng rồi chẳng đi tới đâu; Loan đã mất chồng vì mớ lý thuyết đó, Loan sợ mất thêm Minh.

Để xây dựng lại cuộc sống bình thường, Loan đi học và trở thành y tá. Loan chăm sóc Xuyến với tình thương của một người mẹ và đôi lần nghĩ đến Khánh, người con trai Hà Thành một thời nào, nhưng Khánh mất liên lạc với Loan. Một biến cố trong cuộc sống bình lặng của cô y tá Loan là sự gặp gỡ Tùng, một thương gia, lớn tuổi, thành công vì biết lựa gió phất cờ và lợi dụng thời cơ, một người bạn của gia đình. Loan gặp Tùng trong một hội chợ từ thiện; Tùng si mê Loan, cố chiếm ngự trái tim Loan nhưng kết quả chưa đi tới đâu.

Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh lên nắm chính quyền. Đó là ngày xáo trộn nhất trong đời Loan. Bị một số người giật giây và xúi dục, đám nhân công trong đồn điền nỗi dậy làm cách mạng, chiếm hữu đồn điền và giết chết ba Loan. Loan đau khổ, chán chường vì sự bất công của cách mạng đối với ba Loan. Ba Loan, trong bao nhiêu năm với sự hiểu biết, suy tính chín chắn và làm việc cực nhọc, biến đất hoang thành đồn điền phì nhiêu, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, lại được đền bù bằng cái chết thê thảm.

Chiến tranh bùng nỗ. Như bao nhiêu người khác, Loan tản cư rồi hồi cư và vào làm trong một bệnh viện ở Đà Lạt. Cuộc sống lêu lỗng và cách mạng của Minh tạo thêm một gánh nặng khác cho Loan: Minh đem về một đứa bé trai và giao cho Loan nuôi. Loan đặt tên đứa bé là Thạch và nuôi nấng nó cùng với Xuyến.

Cuộc sống buồn nản lặng lẽ trôi qua. Ngày Xuyến lên tám thì Thạch được năm tuổi. Pháp tái chiếm Nam Kỳ. Một biến đổi khá đặc biệt xảy ra trong bệnh viện Loan đang làm việc: Vị tân giám đốc là bác sĩ Khánh, chàng sinh viên y khoa hào hoa si mê nàng ngày nào, nhưng lúc đó vì thương chồng (dù Trường đã từ lâu hết để ý đến ân tình vợ chồng) và giữ đạo lý nên Loan phải quay mặt làm ngơ. Sự hiện diện của Khánh khơi lại đau buồn miên mang trong lòng Loan.

Tùng vẫn theo đuổi Loan. Loan muốn lập lại đồn điền để thực hiện nguyện ước của cha Loan. Loan tâm sự với Tùng; Tùng hăng hái giúp đỡ tiền bạc; Loan nhận sự giúp đỡ và nhắc Tùng đó chỉ là một món vay muợn và Loan sẽ hoàn trả đầy đủ. Loan xin nghỉ việc trong bệnh viện để tránh sự lãnh đạm của Khánh (lãnh đạm vì bổn phận, Khánh vẫn còn nhiều cảm tình với Loan dù bây giờ Khánh đã lập gia đình) và dồn hết thời giờ vào việc khôi phục đồn điền.

Hiệp định Genève ký kết; đất nuớc Việt-Nam chia đôi; nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc; cả triệu người miền Bắc di cư vào Nam; đồn điền của Loan phồn thịnh hơn bao giờ hết nhờ tiếp nhận một số người dân di cư này. Loan nghĩ đến Minh và đinh ninh rằng Minh là một trong những người tập kết ra Bắc. Thế cũng hay vì Loan chỉ còn lo cho đồn điền và hai đứa bé, Xuyến và Thạch.

Minh không tập kết ra Bắc như Loan tưởng, Minh len lõi trở về đồn điền. Và ngày Minh trở về là ngày đám mây đen tối phủ xuống đồn điền. Loan muốn giao hết đồn điền cho Minh quản trị để nối nghiệp gia đình, nhưng Minh bây giờ chỉ là một người đàn ông lầm lì, quái lạ. Trong mấy năm theo cách mạng sống trong bưng, Minh đã học được một mớ lý thuyết và rất hảnh diện đem nó ra để bài bác mọi chuyện. Trong mắt Minh, Loan hiện thân của nếp sống trưởng giả; Xuyến và Thạch là sự nối tiếp của hạt giống trưởng giả, chúng sẽ là những kẻ phản động; chúng học khoa học, ngôn ngữ, nhưng chúng sẽ xa lìa quần chúng. Nhà cửa, đồn điền, quản trị, kinh doanh, lợi tức, tất cả theo Minh chỉ là một hình thức bóc lột sức lao động và chúng sẽ bị càn quét hết bởi làn sóng cách mạng. Minh công nhận rằng Loan là người đàn bà đảm đang nhưng đã đi lầm đường.

Với hy vọng thay đổi Minh và nêu rõ cho Minh thấy trách nhiệm của Minh đối với đồn điền -- cơ nghiệp do ông Quang để lại -- và bổn phận của người cha đối với con cái, Loan nói cho Xuyến và Thạch biết cha của chúng là Minh và Loan không phải mẹ của chúng như chúng đã nghĩ bấy lâu nay. Minh chẳng thay đổi chút nào; ngoài ra, vì lý do đó và vì do ảnh hưởng của Minh, Xuyến và Thạch không còn thương mến Loan với tình mẹ con nồng ấm như trước đây; Loan thấy đau buồn.

Một hôm, sau khi gặp lại một đồng chí sống trong vùng gần đồn điền, Minh về nhà dẫn Thạch đi theo người đó và hẹn một ngày khác sẽ về đem Xuyến ra khỏi nhà. Loan đau buồn, không muốn xa hai đứa trẻ mà Loan thương yêu như con từ bao nhiêu năm. Xuyến lên mười hai và vì đã bớt thương Loan, nên chỉ coi Loan như một người cô không hơn không kém. Minh và Thạch ra đi, Xuyến càng thấy lạc lỏng và quyết định đi theo cha dù Loan hết lời khuyên nhủ. Một hôm, vì chạy vào rừng suốt ngày để tìm cha và em, Xuyến bị cảm nặng rồi bị thương hàn. Trong cơn mê sản, Xuyến nằng nặc đòi theo cha, oán trách Loan không cho Xuyến sum họp với gia đình. Loan cố khuyên giải và nhịn nhục. Nửa đêm, Xuyến lại ôm áo quần định trốn vào rừng tìm cha. Loan giật gói áo quần, giữ Xuyến lại và cố nói cho Xuyến nghe mối nguy hiểm nơi rừng sâu nước độc; Xuyến cắn vào tay Loan, gọi Loan bằng “bà” (thay vì tiếng “me” êm đềm như trước đây), tuyên bố không thừa nhận Loan, kết tội Loan cố chia rẽ gia đình, và cải tay đôi với Loan bằng những lời ngang ngược. Không dằn được cơn đau lòng và sự nóng giận, Loan điên cuồng và tát Xuyến liên hồi. Vì bị đau, tinh thần căng thẳng và bị đánh đòn khá nhiều, Xuyến ngã qụy và nằm dài trên sàn nhà. Loan hoảng hốt, chạy đến tủ thuốc tìm thuốc cho Xuyến uống. Trong cơn bấn loạn, Loan cho Xuyến uống lầm thuốc và Xuyến qua đời.

Loan trơ trọi một mình. Loan chỉ còn hai lối thoát và phải chọn một để giải quyết cuộc sống: nhận lời cầu hôn của Tùng và theo Tùng sang Pháp hay vào nương thân trong một tu viện. Loan viết thư mời Tùng và linh mục Joseph đến đồn điền. Nếu Tùng đến trước, Loan sẽ là vợ Tùng; nếu linh mục Joseph đến trước, Loan sẽ dâng hiến cuộc sống còn lại cho Thiên Chúa. Tùng không đến vì bị bắt trong một cuộc buôn lậu ngoại tệ; linh mục Joseph không thể lên Đà Lạt vì bận việc.

Loan, đau thương, cô độc, lạc vào bước đường cùng, đen tối; nhưng may thay, chẳng bao lâu, Loan lại tìm được một tia sáng. Một người đến nhờ Loan săn sóc một bệnh nhân trong xóm dân di cư. Loan tận tình cứu chữa người bệnh và nhận ra rằng hy sinh cho niềm an vui của người khác là lối thoát duy nhất của đời Loan.

II

Le Domaine Maudit (Miền Đất Dữ) là một thành công lớn, được xuất bản (năm 1961) bởi một nhà xuất bản danh tiếng, Arthème Fayard, Paris và là một trong ba tác phẩm được vào chung kết trong số bốn mươi tác phẩm do ban giám khảo giải thưởng văn chương Prix Rivarol tuyển chọn trong năm 1962. Prix Rivarol là giải thưởng văn chương nhằm vào sự phổ cập của Pháp ngữ trên toàn thế giới. [Jeudi dernier le Prix Rivarol -- Prix de l'Universalité de la langue française -- a été décerné pour la onzième fois. Quarante oeuvres s'affrontent, dont les auteurs appartenaient à seize nations différentes. Finalement ce fut "Le Sang du Ciel", le premier roman écrit en français par l'Ukrainien Rawicj qui fut choisi. Mais deux autres romans auraient été aussi très bien remarqués par le jury: Comme l'ombre qui passe de la Polonaise Sophie Bodhau et Le Domaine maudit du Vietnamien Cung Giu Nguyên. Les Nouvelles Litteraires, Paris, 24 mai 1962]

Cũng như Volontés d'Existence (Ý Chí Trường Tồn), Le Fils de la Baleine (Đứa Con Trai của Ngài Cá Ông) và các tác phẩm khác, Le Domaine Maudit được các nhà phê bình nhiệt liệt ngợi khen. Nhà văn Nguyễn Vỹ trong tạp chí Phổ Thông, Sài Gòn, số ngày 7 tháng 9 năm 1961 hết lời ca ngợi tác giả và tác phẩm: “Cung Giũ Nguyên viết rất hấp dẫn, diễn tả nhiều ý tưởng đặc biệt Việt Nam bằng câu văn đặc biệt Pháp. Sự dung hòa tài tình của hai yếu tố nghệ thuật Đông Tây cấu tạo thành một tác phẩm thi vị khả ái, duyên dáng, thỉnh thoảng điểm một tí xíu hoạt kê kín đáo, thanh thú, tế nhị vô cùng.”

Nhà văn Võ Hồng, trong một bài viết đăng trên tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn, ngày 15 tháng 6 năm 1962, khen ngợi sự khách quan của tác giả trong việc trình bày sự xung đột khắc nghiệt giữa hai ý thức hệ luân lý cổ truyền và chủ nghĩa cộng sản. Một điểm khác được nhà văn Võ Hồng nêu lên là sự hấp dẫn của câu chuyện qua các diễn biến sống động, khéo chọn lọc, như cảnh đồn điền ông Quang bị đốt cháy, đồng bào Thượng trong đồn điền dọa nạt Loan, Xuyến chống cự lại Loan, Loan đánh Xuyến quá tay, và Loan hôn mê nghĩ đến Tùng và linh mục Joseph lên Đà Lạt sau ngày Xuyến chết. Sau cùng, nhà văn Võ Hồng thích thú lối viết đơn giản và tự nhiên trong việc trình bày sự xung đột của hai ý thức hệ (về tình yêu, hạnh phúc, gia đình) và diễn đạt những tình cảm mãnh liệt (từ giai đoạn đè nén cho đến giai đoạn bùng phát dữ dội) của các nhân vật.

Le Domaine Maudit được hầu hết các tạp chí văn chương và nhà phê bình văn học Pháp giới thiệu và tán thưởng. Sau đây là mấy trích dẫn tiêu biểu nhất. Nhà phê bình Jacques Toury trên Les Fiches Bibliographiques, Paris ngày 8 tháng 8 năm 1961, tóm lược giá trị của lối diễn đạt và nội dung của Le Domaine Maudit trong mấy giòng ngắn gọn nhưng rất đầy đủ: “Truyện viết bằng lối văn rất đúng với ngữ pháp, đơn giản, chính xác và với ý tưởng luân lý cao thượng. Người đọc không thể không thương cảm cho cô gái trẻ Loan phải đớn đau giằng kéo lấy nền nếp luân lý gia đình trong khi đó bao nhiêu xáo trộn lại xảy ra trên khắp đất nước. . . Nhân vật được gây dựng rất cẩn thận, mang nhiều cá tính hấp dẫn và đầy tình người. Truyện viết rất trôi chảy, cảnh tượng xảy ra nhiều khi thật đau thương vì đưa đến sự chết chóc nhưng không bao giờ là những cảnh tượng ô nhục.” [Ce long roman est fort correctement écrit d'une langue simple, précise, d'une pensée morale de qualité. Il n'est pas possible de ne pas prendre de profonde sympathie pour cette jeune Loan en qui se heurtent la tradition familiale et la foi nouvelle, alors qu'autour d'elle le Viêt Nam conna#t les bouleversements que l'on sait . . . Les personnages sont dessinés avec soin, attachants, humains, et dont la trame historique vivifie l'action. . . Le roman se lit sans effort, le drame est parfois pénible car les morts violentes s'y succèdent, il émeut toujours sans scandaliser jamais. Jacques Toury, Les Fiches Bibliographiques, Paris, 8 aout 1961]

Theo Le Journal d’Extrême-Orient, tài năng của tác giả Cung Giũ Nguyên là sự khách quan trong việc trình bày các biến cố . . . Khung cảnh thương yêu ngoài Hà Nội giữa Loan và người sinh viên trẻ tên Khánh và khung cảnh đối diện giữa Loan và em trai trong đồn điền gần Đà Lạt được dàn dựng vô cùng linh hoạt. Nhân vật sống động; diễn biến khơi dậy rung cảm. Ngôn từ của các nhân vật làm người đọc nghĩ ngợi miên man. Lời nói sau đây của Loan được bài báo trích dẫn làm bằng chứng cho sự sâu sắc của ngôn từ của các nhân vật: “nếu chúng ta đem một chút ít tình thương yêu bản thân vào tình thương yêu kẻ khác, tình thương yêu kẻ khác sẽ mãi mãi ngự trị trong chúng ta.” [Le mérite de M. Cung Giu Nguyên dans cet ouvrage, c'est l'objectivité constante qui surimpressionne le déroulement des événements . . . Les personnages de M. Cung Giu Nguyên sont vivants, l'action prenante . . . Les scènes d'amour à Hanoi, avec le jeune étudiant Khanh, celles qui dressent face à face la soeur et le frère dans le domaine familial, non loin de Dalat, sont vivement conduites. Les paroles qui portent à méditer abondent. En exergue à une oeuvre qui se voulait laisser indifférent, on pourrait inscrire cette parole de Loan, l'héro#ne attachante: "On met toujours un peu d'amour de soi-même dans ce qu'on appelle l'amour d'autrui, et l'on finit par être esclave de cet amour." A. R. Le Journal d'Extrême-Orient, Saigon, 12 aout 1961]

Một cuốn truyện hay là một cuốn truyện khó tóm lược; đây là trường hợp của Le Domaine Maudit. Đó là câu kết luận của một bài báo dài và sâu sắc của nhà phê bình Pierre Meillier. Ông Meillier viết thêm rằng tất cả những người yêu mến Việt-Nam sẽ thích thú đặc biệt khi đọc Cung Giũ Nguyên và số độc giả sẽ đông đảo hơn. [Un bon roman est toujours difficile à résumer. C'est ici le cas . . . Tous ceux qui aiment le Viêt Nam prendront un plaisir particulier à le lire, mais elle aura certainement un auditoire plus large. Pierre Meillier, Bulletin Trimestriel De L'association des Français D'indochine, Paris, Octobre 1961]

Ông Nguyễn Vỹ (trong tạp chí Phổ Thông nêu trên) và nhật báo Sài Gòn Mới (trong số ngày 20 tháng 4 năm 1964) sau khi khen ngợi Le Domaine Maudit, nêu lên thắc mắc tại sao nhà giáo Cung Giũ Nguyên, tác giả của các truyện Một Người Vô Dụng, Nhân Tình Thế Thái, Nợ Văn Chương, người chủ trương tạp chí Tương Lai, một cây bút khá quen thuộc của báo chí Việt-Nam, lại không trước tác bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Pháp. Nếu thắc mắc này đuợc nêu lên trong thập niên 1930 và 1940 (thời của Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng), đó là điều thừa thãi vì trước tác bằng tiếng Pháp trong thời đó là một trong những khí cụ sắc bén nhất để chống lại chế độ thực dân Pháp, sự tuyên truyền của chế độ này về sự thấp kém của dân bị trị và vai trò khai phá của văn minh Pháp (thể hiện qua cuộc triễn lảm Exposition Coloniale Internationale, Paris, 1931, chẳng hạn). Nhưng thắc mắc này được nêu lên trong đầu thập niên 1960. Nếu ông Nguyễn Vỹ và nhật báo Sài Gòn Mới tiếc rằng Le Domaine Maudit là tác phẩm có giá trị (vì phản ảnh sống động nguyên nhân và hậu quả đau thương của những xáo trộn xã hội và chính trị trên đất nước Việt-Nam) nhưng chẳng bao nhiêu người Việt có cơ hội thưởng thức giá trị đó vì trở ngại ngôn ngữ thì đó là một quan tâm chính đáng.

Mới đây độc giả lại có cơ hội thưởng thức văn tài của tác giả Cung Giũ Nguyên qua một tác phẩm viết bằng tiếng Anh, The Yuyung Papers: Letters from Hung Yuyung to His Grandson. The Yuyung Papers là mười lá thư tâm sự của một người ông ở Việt-Nam sau năm 1975 gởi cho một người cháu đang sống tại Úc Châu. Tại sao tác giả Cung Giũ Nguyên lại viết bằng tiếng Anh? Thế hệ người Việt trẻ đang sống lưu lạc khắp nơi trên thế giới, vì nhu cầu của cuộc sống nên rất thông thạo tiếng xứ người nhưng lại kém cõi tiếng mẹ đẽ, có lẽ vì vậy tác giả Cung Giũ Nguyên viết bằng tiếng Anh. The Yuyung Papers có nhắc đến thời chí sĩ Phan Châu Trinh, gương anh hùng Nguyễn Thái Học, thời cuộc biến đổi, tranh đấu, chữ hiếu và tình người, nhất là tình người giữa người lớn giới trẻ. Tuy nói đến nhiều biến cố lịch sử, The Yuyung Papers thiếu hẳn sự chua chát, cay đắng của Le Domaine Maudit. Lời tâm tình về ý niệm lẽ phải và tình người của người ông là lời nhắn gởi người cháu trẻ tuổi, dù sao đi nữa, hãy cố gắng hiểu và ghi nhớ lịch sử nước nhà.

Le Domaine Maudit là một tiểu thuyết lịch sử, nếu tiểu thuyết lịch sử được hiểu là tiểu thuyết lấy lịch sử làm bối cảnh cho câu chuyện hay nhân vật lịch sử làm nhân vật của câu chuyện. Viết tiểu thuyết lịch sử người viết phải hiểu lịch sử sâu rộng và phải dùng dữ kiện lịch sử một cách chính xác nhưng không cần phải đem hết tất cả các biến cố lịch sử vào bối cảnh hay nhân vật lịch sử vào cốt chuyện. Đối tượng của một tiểu thuyết lịch sử là một cảnh tượng đặc biệt nào đó của cuộc sống (như yêu thương, oán hận, sum họp, chia lìa, chết chóc của cá nhân, gia đình, xã hội); người viết tiểu thuyết lịch sử không phải là một sử gia hay là một triết gia lịch sử. Đó là điều hợp lý và dễ hiểu nhưng một số độc giả và nhà phê bình vẫn không nhận ra. Ông Nguyễn Tạo Lâm, trong một bài báo đăng trên tạp chí Luận Đàm, Sài Gòn, số 8, tháng 8 năm 1962, viết rằng ông ta đọc Le Domaine Maudit với nhiều kính mến và khâm phục, nhưng theo ông, tác phẩm này mắc một khuyết điểm lớn là không mô tả đầy đủ các biến cố lịch sử trong thời kỳ 1930-1955. Ông Nguyễn Tạo Lâm lầm lẫn khung cảnh với nội dung của một cuốn tiểu thuyết. Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, bộ tiểu thuyết lịch sử thành công nhất của nền văn học Việt-Nam, lấy sự chống đối triều đình Tây Sơn (của con cháu các cựu thần nhà Lê) để dựng lại nhà Lê làm khung cảnh cho câu chuyện. Tiêu Sơn Tráng Sĩ không hề đi sâu vào các chi tiết của thời Lê mạt Nguyễn sơ nhưng thành công lớn trong việc diễn tả sống động ý chí anh hùng của những người đấu tranh vì lý tưởng, cuộc tình trong sáng như trăng rằm của hai chiến sĩ cách mạng Quang Ngọc và Nhị Nương, và mối tình thiết tha nồng thắm của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, tương hợp vì sự rung động của hai tâm hồn văn thơ và kết thúc bằng cái chết bi thảm của người tài hoa bạc mệnh Quỳnh Như. Người đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ có lẽ chỉ ghi nhớ rõ ràng rằng khi vua Quang Trung băng hà thì Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, nhưng xúc động nhiều vì sự hy sinh cho lý tưởng của các chiến sĩ Tiêu Sơn và mối tình đau thương của nàng Quỳnh Như. Dư âm của tình cảnh đau thương này đã thành một nét nhạc trầm buồn trong nhạc khúc Hương Xưa, một nhạc khúc vượt thời gian của nhạc sĩ Cung Tiến: “. . . vẫn yêu muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó.” Trong Le Domaine Maudit, các biến cố lịch sử chỉ là những điểm địa hình đáng ghi nhớ như một khúc quanh hay ngã rẽ trên con đường Loan đi qua, con đường với bao xáo trộn đau thương, liên tiếp nhau như giòng thác lũ, xô đẩy vùi dập Loan. Một khúc quanh là một điểm khởi đầu hay kết thúc cho một biến cố, một ngã rẽ là một chọn lựa đau thương gây xao xuyến và rung động trong lòng người đọc. Lịch sử trong Le Domaine Maudit ẩn hiện mờ nhạt xa xa nhưng luôn luôn hòa vào niềm đau của Loan để biến niềm đau riêng tư đó thành niềm đau thời cuộc, niềm đau đất nước, và đó là một thành công lớn của tác giả.

III

Sự xung đột giữa nếp sống cổ truyền và ý thức hệ Cộng Sản trong Le Domaine Maudit (Miền Đất Dữ) được tác giả trình bày rất khách quan, bằng cách chú trọng vào kinh nghiệm cá nhân hơn là nêu lên các quan điểm xã hội hay chính trị rộng lớn; đó là ưu điểm đáng ghi nhận. Sự xung đột được trình bày bằng những diễn biến hợp lý, hấp dẫn, khéo chọn lọc, trong hai khung cảnh tiểu gia đình của Loan và đồn điền của ba Loan. Diễn biến được được mô tả bằng lối văn trong sáng với nhiều ý tưởng sâu sắc, liên kết với nhau một cách tự nhiên bằng những cảm nghĩ của Loan về thời cuộc, và kết thúc một cách tất yếu bằng sự đổ vỡ hoàn toàn.

Sau ngày cưới, Loan đã thấy Trường khác hẳn với Trường ngày Loan mới quen. Trường không hiểu hay không muốn hiểu tình yêu và hạnh phúc gia đình như Loan hằng mong ước; mối quan tâm chính của Trường là đám thợ thuyền. Trường giải thích cho Loan rằng đám thợ thuyền này đang bị bóc lột đến tận xương tủy, nếu họ bạo động thì đó không phải là chuyện sai quấy và những ai biết suy tư phải cộng nhận rằng đối với hiện tình, cách mạng là con đường tất yếu. [Les pauvres travailleurs, exploités jusqu'au sang, n'ont pas tort de recourir à la violence. Tout esprit sensé doit admettre qu'en l'état actuel de notre régime, il n'y a d'autre issue que la révolté. (p. 197)]

Loan thương yêu chồng, cố chiều chồng nhưng sự cách biệt giữa vợ chồng càng ngày càng sâu rộng và rồi họ phải sống hai nơi, Trường ngoài Hà Nội, Loan trong Sài Gòn. Và ngày Trường sắp từ giã cuộc sống và dù với sự săn sóc tận tụy của Loan, Trường vẫn không tỏ một chút trìu mến của tình vợ chồng mà chỉ dành chút tàn lực để hàn huyên với các bạn đồng chí. Loan thiếu hẳn tình thương yêu vợ chồng; sự hiện diện của Khánh, người sinh viên say mê Loan, chỉ làm sự thiếu vắng đó thêm to lớn, nặng nề.

Trường qua đời nhưng sự xung đột không vùi chôn theo Trường mà vẫn mãi đeo đẵng Loan; ba Loan bị cách mạng giết và đồn điền bị đốt phá; lịch sử xung đột đã thật sự đi vào cuộc sống của gia đình Loan và cuộc sống riêng tư của Loan. [Maintenant, l'histoire entrait dans la vie de sa famille, dans sa propre vie. (p. 126)] Và từ đó sự xung đột mang đến thêm nhiều đau thương và rồi chết chóc trong gia đình.

Sau ngày đình chiến, Minh từ ngày từ chiến khu trở về đồn điền; và từ ngày trở về, Minh không bao giờ cảm thấy thoải mái và hội nhập vào cuộc sống của Loan. [Depuis son retour, il ne s'était jamais senti à l'aise. Il s'adaptait mal au genre de vie de sa soeur. (p. 231)]. Trong thâm tâm, Minh nghĩ rằng Loan là hiện thân của một cái vực thẳm ngăn cách giữa những người sống trong vùng yên ổn và những người đấu tranh và chịu khổ nhọc như Minh. Loan chưa vượt qua trạng thái tinh thần của thời tiền chiến. Loan sống bên lề của các diễn biến lịch sử và chẳng hề quan tâm đến các xáo trộn trong quần chúng. Vì còn quá nhiều tinh thần tiểu tư sản nên mọi việc đối với Loan đều là phản động. [Au fond, il songeait que Loan montrait l'ab#me séparant ceux qui étaient restés dans la zone de paix et ceux qui, comme lui, avait lutté et souffert. Sa soeur n’avait pas dépassé l'état d'esprit d'avant-guerre. Elle avait vécu en marge des évènements et comptait pour rien le bouleversement de tout le peuple. (pp. 212- 213)]. Vì thế, Minh bỏ nhà đi vào bưng, đem theo Thạch, và đó là màn đầu của đoạn kết bi thảm: Xuyến chết và Loan sống một mình trơ trọi.

IV

Thế kỷ 20 là thế kỷ của ý thức hệ, ý thức hệ dân chủ, xã hội, tư bản, cộng sản, phát-xít, vân vân. Ý thức hệ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, sinh hoạt xã hội và tổ chức quốc gia. Trong nhiệm vụ này, ý thức hệ giống như cái bản đồ cho người đi đường hay cái địa bàn cho người đi biển. Nhờ ý thức hệ, quyết định cá nhân, sinh hoạt xã hội và cơ cấu chính quyền dễ tổ chức hơn và nhiều khi mang nhiều ý nghĩa hơn. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, ý thức hệ lại là một mối tác hại khó lường. Nguy hại chính yếu nhất là khi ý thức hệ bao gồm cả những điều quá tốt đẹp và những điều quá tồi tệ. Những điều quá tốt đẹp giúp người chủ trương đưa ra những hứa hẹn hoa mỹ, không tưởng, để lôi kéo người trong cuộc; những điều quá tồi tệ được dùng để biện hộ cho những hành động không nhân tính, cuồng loạn của người chủ trương. Sinh hoạt trong hai thái cực quá tốt đẹp và quá tồi tệ đó, con người chỉ suy nghĩ một chiều, chỉ nghe điều gì muốn nghe, chỉ thấy điều muốn thấy, từ chối sự thật dù sự thật đã phô bày rõ ràng. Và để đương đầu với các khó khăn thực tại, những con người đó không ngần ngại tận dụng những điều tồi tệ che dấu trong ý thức hệ để biện minh cho hành động của mình.

Thế kỷ 20 là thế kỷ của sự xung đột ý thức hệ, nhất là những ý thức hệ mang đặc tính vừa nói ở trên. Người ta ghét nhau, thù hận nhau, xa lánh nhau, từ bỏ nhau, hành hạ nhau, giết nhau, chỉ vì một danh từ, một định nghĩa, một lời giải thích hay một chiêu bài; số người bị thảm hại vì xung đột ý thức hệ trong thế kỷ vừa qua quá lớn lao so với số người bị chết vì đau ốm, bệnh truyền nhiễm hay thiên tai. Lịch sử nhân loại quả đúng là lịch sử của những thảm kịch.

Giai đoạn lịch sử mô tả trong Le Domaine Maudit là một thảm kịch, một thảm kịch vì sự xung khắc ý thức hệ, một thảm kịch bi đát và vô nghĩa cho đất nước Việt-Nam. Trường, một trí thức tiêu biểu của xã hội Việt-Nam bấy giờ nhưng hành động máy móc, một chiều, giống như con ngựa bị đóng cương và che mắt, thụ động, bỏ hết tất cả kiến thức và suy tư về sự việc và thay vào đó bằng những niềm tin không tưởng. Trường không hiểu tình yêu, hạnh phúc gia đình, và nhất là sự tương quan giữa gia đình và xã hội. Ước vọng xây dựng một xã hội toàn hảo bằng cách giản lược tình thương yêu cá nhân và vai trò của gia đình trong xã hội là một điều lầm lẫn lớn. Vì ước vọng không tưởng đó nên Trường không hiểu nỗi lời khuyên ý nghĩa và đầy tình người của Loan: “Nếu chúng ta đem một chút ít tình thương yêu bản thân vào tình thương yêu kẻ khác, tình thương yêu kẻ khác sẽ mãi mãi ngự trị trong chúng ta.” ["On met toujours un peu d'amour de soi-même dans ce qu'on appelle l'amour d'autrui, et l'on finit par être esclave de cet amour." (p. 43)]

Minh là một hiện thân của sự bi thảm cùng cực: ăn chơi, bỏ học, lêu lỗng, sống bám vào gia đình, nhưng lại ba hoa về mớ lý thuyết về công lý, tội ác, bổn phận gia đình, giáo dục con cái … thu lượm trong những ngày sống ở bưng. Trước hết, Minh là một lý thuyết gia say sưa với chính sách cứu cánh biện minh cho phương tiện, cứ giết người, giết bao nhiêu cũng được, vì giết người vì cách mạng thì không sao. Theo Minh, tội ác có nhiều loại khác nhau, nghĩa là có loại tội ác cao quý, tội ác đáng được biện minh; vì lẽ đó, bàn tay dính máu không phải là bàn tay dơ bẩn, và tuy màu đỏ của máu là màu của sự khắc nghiệt nhưng sứ mạng đầy máu là sứ mạng huy hoàng. [Des crimes nobles, des crimes justifiés. Des mains tachées de sang, non des mains sales. Le rouge de rigeur, mais la tâche était glorieuse. (p. 240)].

Tiếp theo, Minh là người đàn ông vô trách nhiệm (bỏ học, ăn chơi, phung phí tiền bạc của gia đình, mèo chuột, sinh con rơi con rớt rồi mang về giao cho người khác nuôi dưỡng) nhưng, đối với Minh, việc đó không quan hệ gì vì Minh là con người của cách mạng, con người của những việc quốc gia trong đại. Khi Loan (có lẽ với ý niệm tề gia rồi mới trị quốc) trách Minh về sự thiếu ý thức gia đình [“Tu n'as aucun esprit de famille.” (p. 100)], Minh đem lý thuyết cách mạng vô sản ra chống chế: “Nói thật với chị, không phải chỉ có mấy chuyện đó thôi, mà còn nhiều chuyện khác quan trọng nữa . . . Đối với chuyện tương lai của đất nước chúng ta chẳng hạn, nụ cười của đứa trẻ thơ có đáng là bao.” [“Pour te dire la verité, il n'y a pas que les affaires, il y a encore d'autres questions importantes . . . L'avenir de notre pays, par exemple, à côté desquelles le sourire d'un enfant compte si peu.” (p. 100)]

Sau cùng, lý thuyết cách mạng vô sản có thể bào chữa cho bất cứ hành động nào của Minh. Theo lý thuyết cách mạng, hai đứa con rơi của Minh, hai đứa con ra đời vì những giây phút cuồng loạn vô trách nhiệm của người lớn, là thành quả của những hạt giống tiểu tư sản. Hơn nữa, theo lý thuyết đó, việc giáo dục của chúng, với việc học ngôn ngữ và khoa học, là điều tệ hại vì chúng sẽ xa lìa quần chúng. [Ses enfants . . . n'étaient que de la graine de bourgeois . . . ils apprenaient des langues et des sciences, loin des masses populaires. (p. 231)]. Có lẽ vì chê bai lối giáo dục dựa vào ngôn ngữ và khoa học đó nên Minh đem đứa con trai của mình, Thạch, vào rừng để được hấp thụ một nền giáo dục thích hợp hơn.

Đọc Le Domaine Maudit (Miền Đất Dữ) trong thập niên 1960, độc giả cảm thương cho Loan và đất nước với bao xáo trộn và đau thương vì sự xung đột ý thức hệ. Tuy vậy, độc giả có thể tự an ủi rằng sự xung đột đó có thể xảy ra bất cứ nơi nào chứ không riêng gì cho Việt-Nam (và trong thực tế, đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới). Đọc Le Domaine Maudit trong thế kỷ 21, khi ý thức hệ cộng sản hoàn toàn sụp đổ hay chỉ còn là cái vỏ rạn nứt trống không, độc giả thấy đau xót trong lòng và chẳng còn biết lấy gì để xoa dịu cơn đau khi ảnh hưởng bi thương của cuộc xung đột đó vẫn triền miên trên đất nước.

V

Miền đất hình chữ S Việt Nam tuy không to lớn bằng nhiều miền đất khác trên năm châu nhưng là miền đất lành. Nhưng miền đất ấy chỉ lành khi người sống trong lòng đất thấu hiểu sự gắn bó giữa người và đất, nguồn sống bao la do đất cung cấp và sự ấm lạnh của mạch đất theo vần xoay chuyển của bốn mùa mưa nắng. Miền đất chỉ lành khi con người bước đi trên khắp nẽo đường, ruộng vườn, đồi núi biết thương yêu mình, thương yêu kẻ khác và đem tình thương yêu ấy hòa vào nỗ lực đào sông, xây đập, khai rẫy, làm đường để miền đất thêm phì nhiêu và tương lai thêm no ấm. Miền đất chỉ lành khi con người biết đem lẽ phải và công bằng vào việc phân chia mãnh vườn, thữa ruộng và hoa quả xanh tươi cho mọi người có công và biết tình nghĩa xóm làng. Và sau cùng, miền đất chỉ lành khi con người nhìn thấy được sự hy sinh cao cả của tổ tiên trong từng mạch đất và cố gắng noi gương tổ tiên trước khi vĩnh viễn trở về với lòng đất.

Đất mãi mãi lành, vì nắng vẫn sưởi ấm những ngày đông lạnh và mưa vẫn tưới đều trên cây cỏ và thấm vào lòng đất thành giòng nước mát ngọt ngào. Đất mãi mãi lành như bốn mùa mãi mãi thay đổi, chỉ có con người mê muội làm cho miền đất lành trở nên miền đất dữ; nhưng may thay, cơn mê muội của con người không mãi trường tồn, chỉ tạm thời, và có thể chóng qua.

Nguyễn Phụng

Greensboro, North Carolina 4/2004

 

Ghi Chú:

[1] Giai Phẩm Võ Tánh/Nữ Trung Học Nha Trang do chị Trương Bích Khuê và anh Nguyễn Lương Thuật, Seatlle, Washington State, chủ biên.

[2] Bài viết này dựa rất nhiều vào tài liệu của Trung Tâm Cung Giũ Nguyên. Tôi xin chân thành cảm ơn anh Trần Văn Thung và anh Nguyễn Công Thuần, hai trong những sáng lập viên của Trung Tâm Cung Giũ Nguyên, đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu hữu ích.

Nếu không có sự khuyến khích của một học trò cũ của thầy Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Thị Như Ý, (học với thầy nhiều năm cho đến năm cuối cùng, 1965-1966), bài này chắc còn lâu lắm mới hoàn tất nỗi. Trong hơn ba mươi năm, trong những đêm nằm chờ giấc ngủ hay những lần nói chuyện với con cái, tôi thường nghe người học trò Võ Tánh/Nữ Trung Học này nhắc đến Nha Trang, bạn bè, thầy cô và thầy Cung Giũ Nguyên, với sự nhớ nhung, kính mến và thán phục. Lòng kính mến và thán phục văn tài của thầy Nguyên của người học trò này là một động lực thúc đẩy tôi hoàn tất bài này.

Trong chuyến cô Võ Thị Cung, giáo sư Anh văn, đồng nghiệp với thầy Nguyên, thăm viếng Greensboro, NC, tôi có dịp nghe cô nói về các lớp Anh văn tại trường Võ Tánh/Nữ Trung Học Nha Trang và tài năng ngôn ngữ đặc biệt của thầy Nguyên. Đó là lý do tác phẩm bằng tiếng Anh của thầy, The Yuyung Papers, được nhắc đến trong bài này.

Sau cùng, tôi ghi nhận lời nhắc nhở của chị Võ Xuân Hương, phu nhân của anh Trần Văn Thung. Chị Xuân Hương nhắc nhở tôi làm công việc giới thiệu các tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của thầy Nguyên với các học trò Đệ-Nhất C, niên khoá 1965-1966 của thầy. Nhân tiện, anh chị nào muốn có tác phẩm mới nhất viết bằng tiếng Pháp của thầy Nguyên, LE BOUJOUM, do Trung Tâm Cung Giũ Nguyên xuất bản trong năm 2002, xin liên lạc với Trung Tâm Cung Giũ Nguyên (Email: cgnc@yahoo.com )

Tài Liệu Tham Khảo:

John C. Schafer. “The Yuyung Papers: Letters from Hung Yuyung to His Grandson.” The Vietnam Review, No. 3 Autumn-Winter 1987, pp. 357-387.

Jane Bradley Winston & Leakthina Chau-Peck Ollier, eds. Of Vietnam: Identities in Dialogue. New York, NY: Palgrave Macmillan, 2001.

Jack A. Yeager. The Vietnamese Novels in French: A Literary Response to Coloniasm. Hanover and London: University Press of New England, 1987.

Đã đăng trên NewVietart

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr-