Cung Giũ Nguyên cần mẫn tìm và trao tặng tri thức

Vietsciences- MAI LĨNH   Echip         
 

Những bài cùng tác giả


Năm nay, Cung Giũ Nguyên đã 95 tuổi nhưng cụ vẫn căm cụi làm việc mỗi ngày. Cách khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin của nhà văn, nhà báo lão thành này có nhiều điều đáng để ngẫm nghĩ...
Đọc và viết
Trong 75 năm dạy học và trước tác, sau lưng ông cụ có khoảng 60 đầu sách đã được nhiều nhà xuất bản cả trong lẫn ngoài nước (như Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ) phát hành. Chưa kể hàng ngàn bài viết đăng trên các báo, tạp chí của nhiều quốc gia. Phần lớn sách của Cung Giũ Nguyên được viết bằng tiếng Pháp, thuộc nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, khảo luận...).
Năm 1927, sau khi rời mái trường Quốc học (Huế), người con trai trưởng của một gia đình trí thức nghèo đông con này đành phải từ bỏ mơ ước vào làm sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) để trở thành họa sĩ. Năm 1928, Cung Giũ Nguyên được bổ làm trợ giáo, tập sự ở một trường tiểu học tại Nha Trang. Do bất phục các quan Tây, hai năm sau, ông bị sa thải. Đến năm 1942, ông mới quay lại với nghề giáo, đứng lớp giảng dạy nhiều môn: Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, Sử địa, Kinh tế học, Triết học... tại một số trường tư thục, bán công. Trong hai mươi năm từ 1955 đến 1975, Cung Giũ Nguyên là Hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp (ngày nay trung học phổ thông) bán công Lê Quý Đôn ở Nha Trang và là giáo sư thỉnh giảng Đại học cộng đồng duyên hải Nha Trang (1972- 1975). Giai đoạn từ 1990 – 1999, ông nhận lời giảng dạy môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Không chỉ dạy học, Cung Giũ Nguyên còn là một nhà báo. Từ năm 1928, ông đã cộng tác với nhiều báo trong và ngoài nước và từng làm chủ bút hai tờ báo Pháp ngữ xuất bản tại Sài Gòn là nhật báo Le Soir d’Asie (1940-1942) và tuần báo La Presse d’Extrême-Orient (1954) cùng một vài tờ báo khác xuất bản tại Nha Trang.
Trong ngôi nhà của mình (số 60 đường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang) - tuy ở mặt tiền một con đường giữa lòng thành phố nổi tiếng về du lịch biển song vẫn giữ nguyên dáng dấp cũ: giản dị nép mình giữa vườn cây xanh tách biệt với nhịp sống tấp nập chung quanh – cụ đã dành cho chúng tôi gần hai giờ để kể tiếp đoạn sau của cuộc đời mình...
Đã sống thì dứt khoát không để tụt hậu
Ông cụ gần trăm tuổi, người Huế gốc Hoa, nổi tiếng vì giỏi cả Tây học lẫn Hán học này hóa ra lại rất rành tin học và Internet. Cụ kể: “Tôi đã đọc khá nhiều sách về tin học, biết khá rành về những bước phát triển của máy tính cũng như các ứng dụng của nó trong đời sống, công việc,.. nhưng mãi đến năm 1994, sau khi nhận tiền bản quyền một quyển sách xuất bản ở nước ngoài, tôi mới có thể sắm cho mình một chiếc để từ giã cái máy chữ, cho nó... nghỉ hưu. Gia cảnh vốn nghèo, nên tôi đã quen với việc tự học từ nhỏ, sau này là tự học để dạy học, viết văn, làm báo... Nhờ có chút kiến thức căn bản cộng với kinh nghiệm sẵn có về tự học, lại may mắn được vài người quen giúp đỡ, tôi bắt đầu vừa học, vừa thực hành máy tính".
Lúc đó, cụ Nguyên 86 tuổi. Ngoài ưu thế về ngoại ngữ, nhờ trí nhớ còn tốt nên cụ Nguyên làm quen với máy tính khá dễ dàng và nhanh chóng khai thác các ứng dụng của nó một cách hữu hiệu. Theo cụ cho biết, từ khi dùng máy tính, việc giảng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thuận lợi hơn. Sinh viên các năm cuối tỏ ra hết sức thích thú khi nhận những tài liệu được in rõ ràng, dễ sao chụp thay cho các tờ giấy đánh máy, in ấn nhem nhuốc. Khi phải làm các bảng điểm thi học kỳ, việc tạo danh sách sinh viên theo thứ tự bảng chữ cái hoặc theo điểm số cũng hết sức dễ dàng. Cụ cao hứng soạn và phát thêm cho sinh viên giáo trình về văn học sử của Pháp, từ thời Trung cổ đến thế kỷ XX) nhằm giúp cho sinh viên hiểu dễ dàng hơn những bài giảng tại lớp. Cụ tâm sự: "Nếu không có máy tính, chắc chắn tôi không thể làm được những việc như vậy".
Năm 90 tuổi, đi lại khó khăn hơn, cụ Nguyên đăng ký kết nối với mạng thông tin toàn cầu Internet. Cụ bảo: "Nhiều điều mới mẻ đã tác động đến cuộc sống, sinh hoạt của tôi - một kẻ còn mê làm việc nên chưa chịu... chết. Công nghệ thông tin đã giúp tôi tiếp cận một thế giới khác, không kém những gì tôi từng trải qua khi còn thanh xuân. Qua e-mail, một kẻ gần đất xa trời như tôi vẫn giữ được liên lạc với bà con, bạn hữu khắp nơi. Không chỉ thăm hỏi, trò chuyện, mà còn có thể chia sẻ cho họ những gì mình đã viết, hay những tài liệu họ không có...".
Cũng nhờ có máy tính mà chỉ trong vòng vài năm, cụ Nguyên nhập được mấy nghìn trang sách, bản thảo... để gởi cho thân hữu đọc và lưu giữ nếu thấy cần thiết. Với cụ: "Tôi vẫn thấy mình còn phải tiếp tục tìm tòi, học thêm, cập nhật kiến thức để làm tốt hơn những việc cần thực hiện cho xong".
 

Echip.com

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- B