Hoài cố nhân, Võ Hồng

Vietsciences-  Đặng Tiến      06/11/2013

 

 

Hoài cố nhân
Võ Hồng
(1923-2013)


 

bia

Nhà Văn Võ Hồng, ảnh V.T. báo Tuổi Trẻ

 

Nhà văn Võ Hồng vừa qua đời ngày 31-3-2013 tại Nha Trang ở tuổi 90, xem tiểu sử diendan.org, là một trường hợp đặc biệt trong hiện tình văn học Việt Nam. Sau tập truyện đầu tay Hoài cố nhân, in 1959, qua nửa thế kỷ cầm bút, ông đã để lại cho đời hơn ba mươi tác phẩm : truyện ngắn, truyện dài, thơ và nhiều bài biên khảo rải rác trên báo, chủ yếu viết trước 1975 tại miền Nam, thời Việt Nam Cộng Hòa. Qua cái cầu 1975, ông ở lại Việt Nam, vẫn ở Nha Trang, vẫn tiếp tục viết, dù chỉ lai rai, có khi dưới những bút hiệu khác. Và có thêm khoảng 15 đầu sách, vài ba cuốn tái bản : Gió cuốn, nxb Lá Bối, 1968, nxb. Long An 1989 ; Nhánh rong phiêu bạt, nxb. Lá Bối 1970, nxb. Nha Trang 1989 ; một số tên sách mới, nhưng in những bài viết trước 1975 như Thiên đường ở trên cao, Nghĩa Bình, 1987, Trong vùng rêu im lặng, Nha Trang 1988. Một ít tác phẩm như Chúng tôi có mặt, nxb. Tp HCMinh, 2001, tập truyện giả tưởng viết sau này. Đặc biệt có tập tùy bút Một bông hồng cho cha, được nhà Văn Nghệ trong nước, in 1994, và nhà An Tiêm ở Paris in lại sau đó. Đồng thời, nhiều tác phẩm Võ Hồng được nhà Văn Nghệ ở Hoa Kỳ tái bản, như Trầm mặc cây rừng, 1986, Hoa bươm bướm, 1988, Như cánh chim bay, như vậy người đọc có thể nói : về mặt dư luận Võ Hồng đã đạt một mức đồng thuận nào đó, rất hiếm có trong một đất nước ly tán, mà văn học nghệ thuật là một địa hạt nhạy cảm.

Giới cầm bút có ít nhiều tên tuổi tại Sài gòn trước 1975 hoàn toàn phân hóa : một số ít, rất ít tác giả hợp tác với chính quyền mới (và được chính quyền đó chấp nhận) thường là cán bộ nằm vùng trước kia, đặc biệt là trường hợp Vũ Hạnh ; một số bị bắt giữ, hay bị xếp vào hàng ngũ đồi trụy, biệt kích, bị cấm in ấn ; một số người ngưng viết vì bất hợp tác, hay viết rồi chuyển sáng tác ra phổ biến ở nước ngoài ; có người chấp nhận thỏa hiệp, viết cầm chừng, không va chạm, không xu phụ nên được dư luận chấp thuận (đến mức độ nào đó), như trường hợp Võ Hồng. Dĩ nhiên là cũng có lời ong tiếng ve, như khi ông gia nhập Hội Nhà Văn, 1977.

Võ Phiến, bạn thân thiết cũ, đồng hương, đồng cảnh ngộ thời 1945- 1954, khi viết về Võ Hồng, 1995, trong bộ Văn Học Miền Nam 1, không mấy đậm đà, thậm chí còn gay gắt. Nhưng nói chung là giới văn nghệ tiếp cận Võ Hồng một cách ôn hòa, công bình hơn, đặc biệt có Nguyễn Lệ Uyên trong một bài viết nghiêm túc từ Tuy Hòa trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo, xuất bản tại Mỹ, trong số đặc biệt về Võ Hồng vô cùng ưu ái 2.


 

*     *

*

Hoàn cảnh đặc biệt này có những lý do liên quan đến lối sống và lối viết của Võ Hồng. Tại Miền Nam, ông nổi bật vào giữa thập niên 1960, nhất là khi nhà Lá Bối ào ạt xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng không phải là tác giả ăn khách, thời thượng ; bằng cớ là trong các tuyển tập truyện ngắn – được xem như là tiêu biểu cho tinh hoa lúc đó – không có tên Võ Hồng, kể cả tuyển tập Ảo Mộng do nhà Lá Bối thân thiết ấn hành 1966.

Lý do chính là : truyện Võ Hồng không nằm trong những dòng cuồng lưu của thời thượng, không đáp ứng thị hiếu độc giả trẻ. Chỉ luận về kỹ thuật thôi : kết cấu không hấp dẫn, tình tiết không éo le, cốt chuyện thàng thàng, ai ai cũng có thể trải nghiệm qua mà không vướng bận. Nhân vật thì thường thụ động, chậm chạp, không phát huy sáng kiến, thậm chí không kịp thời phản ứng. Họ chỉ ngồi im, ước mơ rồi tiếc rẻ. Không có cá tính rõ nét. Võ Hồng kể chuyện kháng chiến, từ thời Nhật thuộc đến hết thời Pháp thuộc, mà ông đã trải qua. Nhưng như khách bàng quan, không dấn thân mà cũng không phê phán. Trong khi thời đại chờ đợi, đòi hỏi một lập trường, một quan điểm. Khi ra số báo Thư Quán Bản Thảo đặc biệt về Võ Hồng, nhà văn Trần Hoài Thư đã viết ngay dòng đầu  « thành thật mà nói, hồi ấy, trước 1975, tác phẩm của Võ Hồng ít để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của tôi… Bởi vì tác phẩm vủa Võ Hồng ít đề cập thẳng về chiến tranh và những suy nghĩ thao thức của một thế hệ… ». Tuy vậy, trong một chuyến xuất viện sau khi bị thương lần thứ hai tại mặt trận Bình Định, người lính trinh sát Trần Hoài Thư, năm 1969 đã đến thăm Võ Hồng tại Nha Trang và có bài phỏng vấn, đăng ở báo Văn thời đó3.

Thái độ Võ Hồng dửng dưng, vô tích sự như thế là việc lạ, vì đồng hương Khu Năm với ông phần đông là những người có ý chí, lập trường, động cơ chính trị mạnh mẽ, thậm chí quá khích, không chống bên này thì chống bên kia. Thái độ ngoại cuộc của ông không được lòng cả hai phe đương chiến, cả độc giả dấn thân, nhưng ngày nay, lại là chứng từ khách quan quý hiếm. Điều này giải thích địa vị của Võ Hồng trước và sau 1975.

Địa lý văn truyện của Võ Hồng là quê ông, từ Phú Yên lên Đà Lạt, xuống Nha Trang. Nhất là Nha Trang. Một vùng đất ít màu sắc văn học, ít hấp dẫn người đọc. Nhân sự là những con người thật trong việc thật, không được dàn dựng thành biểu tượng, như anh Bốn Thôi hay ông Năm Tản trong Võ Phiến cùng quê. Đặc biệt là ngôn ngữ đúng với lời ăn tiếng nói địa phương. Ví dụ mẩu đối thoại trong Trầm mặc cây rừng với một cô gái đang gánh đọt mía :

«  - mùa này sắp trồng mía rồi sao ?

«  - Dạ không. Em đi này ngọn để dặm vào vạt mía bị rầy áp ».

Không phải độc giả nào cũng hiểu và thưởng thức từ vựng như thế.


 

Nói chung, hành văn Võ Hồng đơn giản, tự nhiên, ít có những câu màu mè, trau chuốt, trừ …cái tựa đề, kiểu Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Thơm ngát hương cau… Nhiều độc giả bị Gió cuốn vào những tiêu đề. Rồi hụt hẫng (Hoài cố nhân là những chữ Hán khắc trên một con dấu ; Hoa bươm bướm là tên một loài cỏ dại, v.v…).

Võ Hồng là người học rộng, sành tiếng Pháp, nhưng không mấy chịu ảnh hưởng các trào lưu thế giới đang thịnh hành. Ông rất thân với Phạm Công Thiện : người bạn vong niên này liên miên đề xuất các tác giả bốn bể năm châu, thì Võ Hồng chỉ nghiền ngẫm một cuốn Clémentine của Anatole France. Thời gian này, sách báo ngoại quốc tràn ngập trên thị trường miền Nam, thời thượng là những Sartre, Malraux, Bùi Giáng dịch Camus, Võ Phiến dịch Stefan Zweig, Dostoievski, Nguyễn Hiến Lê dịch Somerset Maugham. Riêng Võ Hồng là con thuyền cắm sào ngoài dòng thời đại.

Cùng một nghề dạy học, nhưng Võ Hồng có chút gì lạc lõng so với các đồng nghiệp Doãn Quốc Sỹ, hay Nhật Tiến, ba nhà văn nổi tiếng là nhà giáo hiền lành…

Ở đây, chúng tôi chỉ so sánh những cái có thể so sánh được, chứ không đặt Võ Hồng vào toàn cảnh Văn Học Miền Nam. Nhiều nhà giáo viết văn, nhưng Thanh Tâm Tuyền không viết văn trong tư cách nhà giáo, ngược lại với Võ Hồng. Tác giả Hoài cố nhân luôn luôn tề chỉnh, đạo mạo. Văn phong mô phạm có khi làm trở ngại cho danh vọng văn học.

*     *

*
 

Viết văn, khởi đầu thường là sở thích, lâu dần trở thành nhu cầu. Khi tác phẩm có độc giả, sáng tác trở thành một nghĩa vụ. Đây là trường hợp Võ Hồng viết văn để « trả hiếu » với quê hương như lời ông tự sự. Quê hương gồm có vùng đất đai Nam Trung Bộ khốn khó, những con người trầm luân, những biến cố đa đoan, là tình yêu, là ám ảnh, là nguồn cảm hứng – đồng thời là nghĩa vụ cho Võ Hồng. Ông trả lời phỏng vấn năm 1972  «  nếp sống quê tôi chưa hề được một nhà văn nào nhắc đến. Những nếp sống cũ xóa đi. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó vẫn còn chưa đủ » (báo Văn, Sài Gòn, số 299).

Dâng trọn cả cuộc đời cho quê hương : một lý tưởng như thế, không cao quý sao ? Và non nửa thế kỷ sau, từ nước ngoài, Trần Hoài Thư, « nhà văn trẻ » năm nay cũng đã cổ lai hy, năm 2005, đánh giá tổng kết « tác phẩm ông trước sau vẫn ca tụng tình yêu chung thủy, tình yêu quê hương, cái đẹp của tâm hồn, cổ súy đạo nghĩa, ca ngợi và mang lại niềm tự hào của thế hệ ông trong thời kỳ chống Pháp, không kích động hận thù, không xúi dục kẻ khác lao đầu vào cõi chết » (tr.52).

Do đó, anh đã ra một số báo ưu ái, nghiêm túc cho Võ Hồng, và nhận được sự ủng hộ, hợp tác với nhiều người trong và ngoài nước, nhiều thế hệ khác nhau « Những tư liệu, hình ảnh cung cấp quá nhiều, đủ biết là tình thương mến của những người thuộc thế hệ đàn em của ông dành cho ông là to lớn đến chừng nào. Và chính những anh em cầm bút cũ ở trong nước đã đề nghị chúng tôi làm số chủ đề này » (tr.49) 4.

Vì vậy, chúng tôi đã cho rằng, trong hiện tình văn nghệ bị phân hóa ngày nay, trường hợp Võ Hồng là một biệt lệ hy hữu. Nó chứng tỏ trong văn học, đâu đây, đâu đó, vẫn còn le lói một tia sáng đạo lý. Nó là niềm tin cậy.

Võ Hồng quê quán Tuy An thuộc tỉnh Phú Yên. Thiết tha với địa phương quê nhà như vậy mà Võ Hồng ít khi về. Trước 1975 ông có đôi lần về thăm. Sau đó, đất nước thống nhất, an bình nhưng ông chưa một lần về cố quận, cách Nha Trang chỉ khoảng 125 km.

Thế mới hay : quê hương là chút nghĩa cũ càng, là những hình bóng phôi pha, là Nhánh rong phiêu bạt trong hoài niệm.

Ba mươi năm xa Tuy An : thời gian dài gấp đôi kiếp Thúy Kiều lưu lạc.

Tuy An, Tuy An, Võ Hồng chưa một lần về lại Tuy An.


 

Đặng Tiến

Orléans, 6-4-2013


 

1 Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Truyện, tập 3, tr.1718, nxb Văn Nghệ, California, 1999

2 Nguyễn Lệ Uyên, Võ Hồng nhân cách và chữ nghĩa, tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số 21, tháng 10-2005, New Jersey, Hoa Kỳ. In lại đổi tên Võ Hồng, người luôn nặng lòng với quê hương, trong Trang sách và những giấc mơ bay, tr. 5-18, nxb Thư Ấn Quán, New Jersey, 2010. Diễn Đàn đăng lại tại đây.

3 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn, có đăng lại nguyên văn bài phỏng vấn này, cùng với nhiều chứng từ quý hiếm. Báo in ra để tặng bạn đọc, hỏi nơi địa chỉ tranhoaithu@yahoo.com

4 Thư Quán Bản Thảo, báo đã dẫn

 

http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/hoai-co-nhan-vo-hong

 

        ©          http://vietsciences.free.fr     http://vietsciences2.free.fr   Đặng Tiến