Neo mình lại với ngôi nhà ký ức

Vietsciences-Nhà văn Bích Ngân               16/11/2013

 

07/07/2013

 Nhà văn Võ Hồng.

 

Ra Nha Trang, nhiều lần tôi có ý định đến thăm nhà văn Võ Hồng, một người tuy tôi chưa một lần được gặp nhưng qua những quyển sách của ông mà tôi được đọc, lại có cảm giác như quen biết ông đã lâu.

Nhưng rồi, cứ lần lữa, mãi cho đến dịp hè năm 2012, nghe sức khỏe nhà văn Võ Hồng đã rất yếu, trước vài giờ lên tàu rời ra Nha Trang, tôi nhờ chị  Đào Thị Thanh Tuyền, một nhà văn đang sinh sống tại Nha Trang, đưa tôi đến nhà thăm ông. Thoạt tiên, chị Tuyền lưỡng lự: “Mình nghe nói, muốn đến thăm ông Võ Hồng phải gọi điện hẹn trước với người đang chăm sóc ông. Mình đến bất ngờ như vầy, sợ không ai mở cửa”. Tôi bướng bỉnh: “Mình cứ đến, không ai mở cửa thì… đành chịu!”.

Chiều tôi, chị Tuyền chở tôi đến số nhà 53 Hồng Bàng, phường Tân Lập, thành phố Nha Trang. Đây là ngôi nhà mà nhà giáo - nhà văn Võ Hồng sinh sống gần suốt cả một đời nhọc nhằn mà thanh cao.
Cánh cổng sắt đóng kín. Bụi trúc trước sân vươn cao xùm xòe phủ bóng mát cho mái nhà, cho cả lối đi trên vỉa hè mà chúng tôi đang đứng lóng nhóng. Tôi nhìn vào khoảnh sân, muốn tìm khóm “hoa bươm bướm”, loại hoa mà thầy Võ Hồng đã lấy nhúm hạt cho vào phong thư và gởi cho một học trò của ông (đọc tản văn “Hoa bươm bướm một ngày hè” của Huỳnh Như Phương), để rồi, loài hoa điềm nhiên nở, điềm nhiên tàn đó lại có giá trị như một liều thuốc giảm đau cho tâm hồn đứa học trò đang gặp một mùa hè khốn khó.

Hoa bươm bướm không thấy nở hoa trước sân lỗ chỗ rêu phong. Trước cổng cũng không thấy gắn chuông. Chị Tuyền dắt xe xuống lề đường, nói: “Mình về thôi, Ngân!”. Nhìn ngôi nhà vắng lặng, tôi có linh cảm, nếu không gặp được nhà văn Võ Hồng lần này thì có lẽ sẽ không bao giờ được gặp ông, một người thầy trầm tư, một nhà văn trầm tư - sự trầm tư cao quý hiếm hoi trong cuộc đời nhộn nhạo này. Tôi bước tới cánh cổng ngôi nhà kế bên, vỗ vào cánh cửa sắt han gỉ, gọi lớn: “Chủ nhà ơi, làm ơn cho tôi được hỏi…”.
 
Cổng ngôi nhà của nhà văn Võ Hồng.

Gọi đến lần thứ tư, cánh cửa nhà mở ra. Từ trong nhà, một ông lão trông rắn rỏi bước ra cổng. Tôi nói: “Xin lỗi đã làm phiền bác, bọn cháu đến đây muốn được vào nhà thăm nhà văn Võ Hồng mà không biết cách nào…”. Ông già ngắt lời tôi, hỏi: “Cô là ai? Cô ở đâu đến?”. Tôi nói: “Dạ, cháu là học trò của học trò thầy Võ Hồng, cháu từ Sài Gòn ra.”. Ông già nhìn tôi, nhìn chị Tuyền rồi nói: “Anh Hồng là anh ruột của tôi!” và lách cách mở cổng cho chị Tuyền và tôi bước vào nhà.

Từ ngôi nhà người em trai có một lối đi thông với ngôi nhà người anh. Tuy đã 83 tuổi, ông Võ Đình Khoan vẫn đi lại nhanh nhẹn, nói cười hóm hỉnh. Ông Khoan mời chị Tuyền và tôi uống ly trà, nhắc lại vài kỷ niệm với người anh rồi lấy chùm chìa khóa, bảo chúng tôi đi theo ông.

Sau mấy lần cửa được mở, chúng tôi vào đến căn phòng riêng của nhà văn Võ Hồng.

Nhà văn Võ Hồng nằm nghiêng nghiêng, chân co, chân duỗi trong chiếc mùng trắng. Chiếc quạt máy, cũng màu trắng, đặt trên một chiếc bàn thấp, đang quay nhè nhẹ làm vách mùng lay lay.

Tôi rón rén bước lại sát vách mùng, cúi xuống thật gần. Trong bộ quần áo, cũng trắng, đôi mắt ông khép lại. Gương mặt gày gò của nhà văn  trông thật thanh thản giữa màu trắng thanh sạch bồng bềnh. Nhịp thở đều đều, ông đang ngủ, một giấc ngủ sâu. Ông Khoan cho biết, nhà văn Võ Hồng đã nằm một chỗ như vậy cũng khá lâu và trực tiếp lo cơm nước thuốc men cho ông là một người học trò yêu quý ông và chăm sóc ông hết lòng.

Tôi hỏi ông Khoan: “Chị Hằng, chị Thủy và anh Hào có về thăm cha?”. Ông Khoan nói: “Chúng có về. Chúng nó có hiếu với cha lắm, nhưng ngặt nỗi cả ba đứa đều định cư ở nước ngoài mà anh tôi thì không chịu rời xa nơi này”. Tôi lướt nhìn khắp căn phòng.  Mọi vật dụng đều tinh tươm, sạch bóng. Ông Khoan nói tiếp: “Chúng nó đang theo dõi sức khỏe của cha qua màn hình của camera này!”.  
Ông Khoan chỉ vào con mắt điện tử trên thiết bị truyền dẫn hình ảnh được gắn trên tường. Tuy không biết gì về những thiết bị máy móc này, nhưng tôi cũng lờ mờ hiểu là, phương tiện máy móc hiện đại này được kết nối với một màn hình đặt tại nơi ở, chỗ làm và với chiếc điện thoại di động của những người con của ông Võ Hồng đang ở rất xa. Rồi từ Pháp, từ Đức, các con ông, từng giây một sẽ nghe được nhịp thở và nhịp tim của cha mình.

Dẫu biết nhà văn Võ Hồng được chăm sóc chu đáo là vậy, nhưng khi rời khỏi căn nhà số 53 Hồng Bàng, tôi và chị Tuyền không nói với nhau lời nào. Có cái gì đó thật bùi ngùi trước một người già đau yếu mong manh không có con cháu kề cận. Rồi tôi chợt nghĩ, có lẽ chính ngôi nhà lèn chặt ký ức yêu thương đã neo ông lại với nỗi quạnh hiu.

Đó có lẽ cũng là sự lựa chọn mà trong bài “Di ngôn” nhà văn Võ Hồng từng viết: Sau khi tôi chết/ Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/ Của những ngày u buồn nặng trĩu hồn tôi/ Đây cây bút màu đen sớm tối không rời/ Đây cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt…”.

Một khi được sống theo sự lựa chọn của mình, đó chính là hạnh phúc. Nhà văn Võ Hồng có lẽ đã tìm thấy hạnh phúc trong sự cô đơn kiêu hãnh của mình.  

Nhân 100 ngày nhà văn Võ Hồng mất (5.5.1921 - 31.3.2013).

 

            ©  http://vietsciences.free.fr và  http://vietsciences2.free.fr Nhà văn Bích Ngân