Tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY
Số 816 - Ngày 10.4.2013
NHỚ NHÀ VĂN VÕ HỒNG
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Tôi sinh sau nhà văn Võ Hồng 25 năm. Cho nên, về mặt
xã hội, tôi chỉ có thể là học trò của học trò ông; bởi thời kháng chiến chống
Pháp, khi tôi chưa học đánh vần thì ông đã làm Trưởng ty Giáo dục tỉnh Phú Yên,
rồi làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh. Sau Hiệp định Geneve 1954,
vì tham gia kháng chiến, ông cũng như những người cùng cảnh ngộ, không được
chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng. Vì thế, ông chỉ có thể đi dạy ở các trường tư
thục tại Nha Trang; chủ yếu là dạy tại trường Trung học tư thục Lê Qúy Đôn. Ông
theo nghề dạy học gần như suốt dời, cho tới tuổi nghỉ hưu, vì sau ngày đất nước
thống nhất, ông vẫn làm Hiệu trưởng trường THCS Tân Lập tại Nha Trang.
Tôi kém nhà văn Võ Hồng đến 25 tuổi, nhưng lại may mắn
được ông xem như là bạn vong niên, ngay từ lần đầu tôi được gặp ông, nhân khi đi
coi thi Tú tài tại Nha Trang, trước năm 1975, tôi ghé thăm ông vì đã từng đọc và
thích thú với văn chương Võ Hồng, nhất là với những truyện ngắn đầy tình người,
và đặc biệt là vô cùng thích thú với “Gió cuốn”. Ngay lần đầu gặp
nhau, khi tôi rụt rè bước qua cánh cổng nhỏ của ngôi nhà nhỏ nhưng vô cùng ngăn
nắp và tươm tất, 51 Hồng Bàng, Nha Trang; khi tôi, cũng khá rụt rè xưng tên, ông
đã thân mật gọi tôi là bạn, dù cả về tuổi đời và những năm tháng trong nghề văn,
lúc ấy, tôi chỉ đáng là học trò của ông.
Sau năm 1975, tôi lại có dịp ghé thăm ông nhiều lần,
nhất là từ khi tôi vào làm việc ở báo Thanh Niên, từ năm 1988. Có lần, ông tỏ ra
không vui, dù bảo “để tôi kể anh nghe chuyện “vui”. ‘Hơn 30 năm cầm bút, với
hàng chục tác phẩm đã in, vậy mà tôi mới chỉ là Hội viên dự bị của Hội Nhà văn
Việt Nam. Khi được giới thiệu, lớp bạn bè và học trò cũ của tôi đều cười vui,
cho rằng, tôi còn…trẻ. Tôi nghĩ cũng đúng, bởi “dự bị” tức là tôi cũng được xem
là “có chút năng khiếu viết lách”, nên cần động viên. Về phần tôi, phải hiểu là
mình cần và phải phấn đấu hơn nữa”. Vốn là người nói năng nhẹ nhàng, nhưng nếu
ai chịu khó để ý quan sát, sẽ nhận ra trong cái cách nói chừng mực, nhẹ nhàng ấy
của Võ Hồng,lúc nào cũng như ngầm chứa một chút hóm hỉnh, một nét cười giễu tinh
tế, nhân hậu. Lần ấy, tôi cũng không thể không thấy có một chút gì đó bất ổn,
nên cũng kịp nói theo: “Chắc đống tác phẩm của Võ Hồng đã được in chỉ mới thể
hiện được là…người có năng khiếu!”. Và đấy là lần duy nhất tôi thấy ông cười to,
cười thành tiếng, với nét mặt khoan hòa, có lẽ vì cảm thấy có người chia xẻ một
cái gì đó sâu kín bên trong, chẳng ngỏ được lâu nay…
Khoảng gần cuối năm 1988, tôi từ TP.HCM ra Nha Trang
gặp Thế Vũ, lúc ấy đang công tác ở Hội Văn nghệ Nha Trang, để giúp một người bạn
xin “giấy phép xuất bản nhất thời”, nhằm kịp in cuốn ‘Trong vùng rêu im lặng”
của Võ Hồng. Gặp ông tại nhà riêng, tôi vẫn nhớ nụ cười nhân hậu của ông khi bàn
về nghề văn trong thời kỳ bao cấp với “gạo châu củi quế”. Và tôi được nghe từ
ông một ý tưởng rất hay ,tuy phần đầu của ý tưởng ấy là mượn tư tưởng của một
nhà văn Pháp; còn phần sau,thì sau này, dù đi nhiều, gặp gỡ cũng rất nhiều, tôi
không bao giờ còn nghe bất cứ nhà văn nào nói điều tương tự. Võ Hồng nói một
cách nhẹ nhàng, mà cả quyết, như một thứ tuyên ngôn, đấy là theo cách hiểu của
tôi, còn ông thì bao giờ cũng nói nhẹ như không: “Là một người viết văn bình
thường, tôi nghĩ, người viết bao giờ cũng phải làm công việc của một người thư
ký – thư ký của thời đại. Nhưng không phải người thư ký nào cũng là nhà văn, nếu
thiếu nghệ thuật. Tôi viết là để trả hiếu cho quê hương, cho tổ tiên!”.
Nhiều năm tháng qua đi, do điều kiện làm việc, và do
cả những yếu tố tình cảm, sau này tôi ít có dịp đến Nha Trang; do đó, trong
nhiều năm, không còn được hầu chuyện Võ Hồng. Nhưng, cái cách suy nghĩ của ông
thì vẫn không lúc nào tôi quên được, cái tư tưởng đó của ông , thú thật, ít
nhiều đã ảnh hưởng đến tôi; “ Viết là để trả hiếu cho quê hương, cho
tổ tiên!”. Chỉ riêng điều đó thôi, ta đã có thể hiểu được một tấc lòng, nếu
không muốn nói là cả một tấm lòng. Đôn hậu. Trung thực. Và cũng rất mực khiêm
cung.
Tôi nhớ, trong một buổi chiều mùa thu nhiều mây, bầu
trời như thấp hẳn xuống, ngồi bên ông trên cái sân thượng nhỏ bé, tôi đã đánh
bạo hỏi ông về gia cảnh. Có lẽ, trong cái không khí cô tịch của một chiều thu
miền biển âm thầm ấy, ông cũng dễ cảm hoài; vì vậy, ông không ngại ngùng tâm sự
với tôi, điều mà theo các bạn văn cùng lứa hoặc các thế hệ học trò của ông, chưa
dễ đã có nhiều người được nghe. Võ Hồng chịu cảnh góa vợ từ năm 1957, khi mới 36
tuổi. Và cho tới thời điểm đó (1990), ông có hai con gái, một con trai, ba cháu
nội và ba cháu ngoại; tất cả đều sống tại châu Âu. Khi tôi thắc mắc, tại sao ông
không tục huyền, cứ sống cảnh gà trống nuôi con, trong khi ai cũng biết là thời
trẻ, Võ Hồng là một nhà giáo có uy tín, lại tài hoa, khá đẹp trai, và nhất là có
cuộc sống tương đối khá giả, so với anh em giáo chức và các văn nghệ sĩ đương
thời, ông cho biết: “Vợ tôi là cô Qùy trong truyện dài “Hoa bươm bướm”(Lá
Bối xuất bản năm 1966). Sau ngày nhà tôi qua đời, đúng như anh nghĩ, cũng không
phải là không có những phụ nữ khác đến với tôi; nhưng, tôi vẫn sợ sẽ không thể
đem lại hạnh phúc cho người ta. Bởi hình ảnh nhà tôi luôn luôn hiện diện trong
tôi” – trước đó, ông đã chỉ chân dung người vợ treo trên tường; đấy là lúc ông
như đang đắm mình trong quá khứ. Giong ông như trầm hẳn: “Anh thấy đấy, đã bao
nhiêu năm rồi, mà tôi vẫn cứ tưởng như vừa mới đây!”. Trong bầu khí u trầm của
buổi chiều thu xứ biển ấy, chân dung của người vợ của nhà văn vẫn như còn thắm
thiết nụ cười, và vô cùng xinh đẹp. Võ Hồng cho biết, vợ ông là một phụ nữ chơi
đàn dương cầm rất hay. Vào thời ấy, mỗi giờ dạy đàn, người ta trả cho bà số tiền
lớn đến cả chỉ vàng. Bà cũng là người nói sành cả hai ngôn ngữ Anh và Pháp, lại
là người mê đọc sách, nhất là những cuốn sách viết về Ấn Độ.
Như chợt nhớ ra một điều gì đó, ông hỏi tôi, anh có
hay xem phim truyền hình không? Rồi không đợi câu trả lời, ông kể: “Vừa rồi, có
đứa cháu đến bảo, trên truyền hình có chiếu bộ phim, có một nữ diễn viên rất
giống mợ. Tôi không tin, nhưng cháu ép quá, tôi mới tò mò xem thử. Bộ phim “Tống
Khánh Linh và các chị em” ấy mà! Đúng thật anh à. Xem phim, tôi khóc. Cô diễn
viên đóng vai Tống Khánh Linh rất giống vợ tôi. Vì thế, tôi đã viết thư cho các
con tôi, dặn chúng tìm xem phim ấy, và tìm cả tư liệu về cô diễn viên ấy để gửi
về cho tôi”.
Trong dòng tâm sự của buổi chiều hôm ấy, Võ Hồng cũng
nói về mối tình đầu của mình. Ông cho biết, năm 1940, ông theo học Tú tài tại Hà
Nội. Và, “mối tình đầu của tôi dã được tôi ghi lại trong cuốn “Hoài cố nhân”
(xuất bản năm 1959). Cô Bảo Loan ấy hiện nay vẫn còn sống tại Hà Nội. Sau ngày
Giai phóng, cô ấy có cùng chồng ghé thăm tôi. Chúng tôi vẫn coi nhau như bạn.
Sau đó, tôi có gửi cho cô và gia đình tấm hình của mẹ cô , mà chẳng biết cơ
duyên nào đã giúp tôi vẫn giữ được sau biết bao vật đổi sao dời. Cô ấy đã khóc
khi nhận được tấm ảnh của mẹ. Còn có một chuyện khá thương tâm, lại như tiểu
thuyết. Trước năm 1975, nhà văn Vũ Hạnh có giới thiệu cho tôi một cô gái xinh
đẹp. Cô KC đã đỗ Cử nhân Văn chương, đẹp người, đẹp nết, gia đình lại giàu có.
Hè nào cô ấy cũng ra thăm tôi. Tôi vô cùng quý KC, và cứ luôn xem cô như một đóa
hoa hồng buổi sớm, cứ mãi sợ mình chỉ chạm nhẹ vào cũng đã đủ làm hỏng cái đẹp
mà tạo hóa đã ưu ái ban cho cuộc đời này…Sau này, cô ấy đi tu. Đã có nhiều lúc
tôi tự trách mình. Nhưng, nghĩ cho cùng, tôi đã hành động đúng. Đem tình cầm
sắt đổi ra cầm kỳ như vậy hóa ra lại hay. Chúng tôi vẫn là bạn, mãi mãi vẫn
là bạn của nhau”.
Nhà văn nhân hậu ấy đã ra đi, đã lặng lẽ ra đi, như đã
lặng lẽ sống những năm cuối đời một cách thanh bình. Vào khoảng 14 giờ ngày
31.3.2013 tức ngày 20 tháng 2 năm Qúy Tỵ, ông đã nhẹ nhàng từ giã chúng ta,
trong ngôi nhà nhỏ hiền lành ở số 51 Hồng Bàng, Nha Trang .
Nhưng, tôi tin chắc rằng, trái tim nhân hậu ấy vẫn
còn đập trong cuộc đời này, giữa chúng ta, vì những ai đã từng đọc Võ Hồng, từ
truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết; thậm chí, cả những truyện thiếu nhi và
những bài báo, đều nhận thấy Cái Đẹp Của Tâm Hồn, đều nhận ra chủ nghĩa
nhân đạo gần như bao trùm tất cả các tác phẩm của ông. Và chỉ riêng điều ấy
thôi, đã đủ để ta biết ơn ông.
***
|