Cải cách khoa học kỹ thuật

Vietsciences- Trương Văn Tân          28/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Nhân đọc bài "Hiến kế đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực" (*) , tôi xin phép có một vài thiển kiến. Tôi rời Việt Nam trước 1975 du học tại Nhật Bản sau đó tốt nghiệp Tiến sĩ tại Úc. Tôi có kinh nghiệm nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu trên hai phương diện cơ sở lẫn áp dụng hơn 25 năm và hiện giờ đang làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên về Khoa Học Vật Liệu Cao Cấp tại một viện nghiên cứu trực thuộc chính phủ liên bang Úc.

Kể từ năm 1998 tôi có về Việt Nam nhiều lần để tham gia hội thảo khoa học và báo cáo seminar tại các cơ quan nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Trong những lần về nước nầy, tôi may mắn được tiếp xúc với các đồng nghiệp tại Việt Nam. Những nhận xét sau đây dựa vào điều quan sát trong những dịp giao lưu này.

1. Cải cách lương bổng

Một đồng nghiệp trong nước bảo tôi "Một ngày lương của tôi chỉ có hai, ba đô la thì làm sao sống nổi trong thời buổi kinh tế thị trường nầy!?". Nếu người làm khoa học không có một tâm lý "an cư lạc nghiệp" thì khó có thể sử dụng được khả năng sáng tạo của mình cho đúng mức để loé ra những tia sáng phát minh. Không có cải cách lương bổng sẽ sinh ra tham nhũng trong khoa học, hoặc chạy mánh làm giàu bằng những tư vấn dựa vào nhưng công trình "ma" nguỵ khoa học.

2. Nghiên cứu cơ sở hay nghiên cứu áp dụng

Nghiên cứu cơ sở nhằm đặt ra những nền tảng cho sự phát triển khoa học thuần tuý nhưng cũng đồng thời để thoả mãn tính hiếu kỳ của các nhà khoa học, vì vậy nó không mang nhiều lợi ích cho một nước đang phát triển như Việt Nam. Mục đích của những nghiên cứu cơ sở tại phương Tây nhất là tại các đại học là số lượng bài báo cáo trên các tạp chí khoa hoc. Phần lớn những kết quả nghiên cứu chỉ mang tính chung chung. Dù vậy, chất lượng nghiên cứu cơ sở tại Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ quốc tế. Tình trạng theo đuôi các đề án nghiên cứu của nước ngoài rất phổ biến trong những đề án nghiên cứu cơ sở tại Việt Nam.

Trong một đất nước có một nền kinh tế đang đi lên như Việt Nam, nghiên cứu khoa học có thể tạo ra những sản phẩm bán ra tiền hoặc tiết kiệm tiền là nghiên cứu có giá trị. Đây là những nghiên cứu mang tính áp dụng. Nghiên cứu mang tính áp dụng phải được đặt ưu tiên trong chính sách khoa học của nhà nước vì nó là động lực cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tìm ra một đề tài nghiên cứu áp dụng để đưa ra thành phẩm không phải là một chuyện dễ. Theo thống kê, trong 5000 đề tài khoa học sẽ có 1000 đề tài khả thi trên phương diện thực nghiệm. Trong 1000 đề tài nầy sẽ đưa đến 100 đề tài có khả năng áp dụng. Và trong 100 đề tài nầy nhiều nhất chỉ có 5 đề tài đưa đến thành phẩm. Như vậy, xác suất thành công sẽ ít hơn 0.1 %. Tuy nhiên, người Nhật Bản đã biết "đi tắt đón đầu" và rất thành công về phương diện nầy. Sau khi bại trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, các nhà khoa học Nhật đã biết lợi dụng và chọn lọc những thành quả khoa học của Mỹ và Âu Châu để chế biến thành những sản phẩm hữu dụng bán cho thế giới. Chẳng hạn transistor là một phát minh của Mỹ nhưng Nhật chế tạo những đài transistor radio đầu tiên làm tràn ngập thị trường thế giới.

Hiện tại, Việt Nam không thể bắt kịp thế giới trong nghiên cứu cơ sở mà mục tiêu chỉ để xuất bản những bài báo cáo chung chung chỉ làm lãng phí đến tiền thuế của nhân dân vô ích. Việt Nam cần phải tạo những luồng nghiên cứu áp dụng mang tính bản địa và phù hợp với tình huống Việt Nam. Những thành quả nghiên cứu sẽ tạo ra công nghệ và doanh nghiệp khoa học phục vụ cho đời sống của người dân cho nhu cầu công nghệ Việt Nam và xa hơn nữa cho thế giới.

3. Phương pháp tuyển chọn đề án khoa học

Chính phủ lập ra một Uỷ Ban Khoa Học - Công Nghệ đặt ra chính sách và trọng tâm nghiên cứu, để tuyển chọn và quyết định việc cung cấp tài khoản cho những đề án. Uỷ Ban bao gồm những chuyên gia trong ngành trong và ngoài nước. Để sự tuyển chọn có tính cách minh bạch, khách quan và vô tư, những đề án nầy cần phải đi qua một quá trình duyệt khảo của những chuyên gia. Để tránh sự đố kỵ cũng như tệ nạn "anh gãi lưng tôi, tôi gãi lưng anh" những đề án cần phải có ít nhất 3 người duyệt khảo phê bình. Có thể nhờ chuyên gia nước ngoài để tính khách quan được nâng cao. Những hoạt động khoa học nầy hoàn toàn miễn phí trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Việc quản lý tài chánh của một đề án nghiên cứu liên quan đến việc mua thiết bị, hoá chất, vật liệu thí nghiệm v.v... cần phải giao cho một ban quản trị độc lập giám sát để tránh tình trạng tham nhũng.

4. Chất xám Việt Kiều

So với các nước láng giềng Á Châu, số Việt Kiều có tài năng khoa học kỹ thuật còn ít nhưng sẽ tăng trưởng nhanh. Muốn thu hút chất xám Việt Kiều chính phủ cần phải đầu tư vào việc ăn ở và giáo dục cho gia đình con em của những Việt Kiều trở về nước phục vụ ngắn hạn hay dài hạn. Việt Kiều làm việc trong những cơ quan nghiên cứu khoa học, đại học hoặc trong các doanh nghiệp công nghệ phần lớn mang một tâm tình trở về phục vụ đất nước. Việt Kiều có thể bỏ tiền túi hoặc dựa vào tài trợ của cơ quan cho việc ăn ở đi lại một vài lần đầu để tham gia giảng dạy, hướng dẫn các đề án nghiên cứu hoặc phát triển một sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, những hoạt động nầy sẽ không mang tính chất lâu dài nếu chính phủ không có một chính sách rõ rệt đối với Việt Kiều.

Chính sách thu hút chất xám kiều dân đóng góp vào khoa học kỹ thuật và biến những thành quả nầy thành một động lực để phát triển kinh tế đất nước đã được chính phủ Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và gần đây Trung Quốc thực hiện rất thành công. Tôi xin đơn cử một thí dụ về chính sách tài trợ nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc đối với kiều dân của họ. Trung Quốc có một ngân khoản đặc biệt dành cho những nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc trên toàn thế giới. Chính sách nầy rất khôn ngoan là vì (1) người nhận tiền nghiên cứu vừa có tiền làm việc vừa đóng góp cho tổ quốc và quê hương thứ hai cùng một lúc, (2) cơ quan của người nhận sẽ được tiếng là có thu nhập nghiên cứu và có "hợp tác quốc tế", (3) chính phủ Trung Quốc được những thành quả nghiên cứu mà không bị mang tiếng là "ăn cắp".

Tóm lại, tài năng không phân biệt chủng tộc. Nếu có sự khác biệt thì chỉ là cách thực hiện chính sách, quản lý hành chánh và quyết tâm của nhà nước. Những thiển nghĩ trên đây không phải là những điều mới lạ mà là những tiêu chuẩn đã và đang áp dụng trên toàn thế giới. Tại Á Châu, Nhật Bản đi trước dẫn đầu. Những nước láng giềng Á Châu nối tiếp bước đi Nhật Bản gặt hái được những thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật để trở thành những con rồng kinh tế. Từ đống tro tàn của "Cách Mạng Văn Hoá", Trung Quốc đã vươn mình lên " dòm ngó" vị trí cường quốc thứ hai trên mặt trận kinh tế thế giới nhờ vào những chính sách toàn diện, nhất quán và khôn ngoan. Ở thập niên 60, Nhật Bản đưa ra khẩu hiệu "Kỹ Thuật Lập Quốc", ở thập niên 90 cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân hô hào "Khoa Giáo Hưng Quốc" (khoa giáo = khoa học va giáo dục) và đưa vào chính sách nhà nước, thực thi triệt để. Ngay trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhà nước Việt Nam cũng đã nêu lên những khẩu hiệu đánh giá tầm quan trọng của khoa học, điển hình là "Việt Nam có ba cuộc cách mạng, mà trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt". Tiếc rằng Việt Nam đã thống nhất hơn 30 năm, nhưng cho đến nay những thành tích về khoa học và công nghệ trên phương diện lý luận, cơ sở và ứng dụng vẫn còn rất khiêm tốn.

Trân trọng kính chào

TS Trương Văn Tân (Australia)

Đã đăng trên VietNamNet  (ngày 8/10/2005)

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.orgTrương Văn Tân