Chữ gì mới thực bằng ba chữ tài?

Vietsciences-Nguyễn Quang Lập               20/08/2010

 

Viết về GS Ngô Bảo Châu

Hôm nay tin tức tiến sĩ Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields đã được hầu hết báo chí trong nước đưa tin, thể hiện niềm tự hào của dân Việt trước một tài năng toán học nước nhà. Fields là giải thưởng lớn nhất thế giới về toán, vì giải Nobel không trao cho toán học, có thể coi Fields là giải Nobel của toán học.

Rõ ràng Ngô Bảo Châu là một tài năng lớn về toán học nước nhà, mấy trăm năm mới có một lần. Thế kỉ 15 ta có trạng nguyên Lương Thế Vinh và bây giờ ta có tiến sĩ Ngô Bảo Châu, chưa thấy có người thứ 3. Lương Thế Vinh viết hai cuốn sách Đại thành Toán pháp và Khải minh Toán học thiên hạ mấy trăm năm ai cũng nể phục nhưng đấy chỉ là các phép toán đã có mà ông gom góp lại. Ngô Bảo Châu đã có hàng chục công trình nghiên cứu, sáng tạo hàng trăm phép toán. Đặc  biệt “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của Ngô Bảo Châu và Gerard Laumon (người Pháp) đã được tạp chí nổi tiếng thế giới Times bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009.

Chúng tôi sẽ không nhắc lại những điều trên nếu không bất ngờ biết được thông tin hằng năm Gs Ngô  Bảo Châu vẫn về nước giảng dạy và được Viện toán trả lương 5 tr/ tháng, không bằng lương khởi điểm của nhiều công ty trong nước ngày nay. Ông Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cho biết: “Viện Toán học đã “phá lệ” khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số, như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Anh phải tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương ít ỏi như thế.” Thật quá ngạc nhiên.

Qua đó mới thấy cái chỉ số 8.0 và hệ số dành cho giáo sư toán thật là bèo bọt. Mới hiểu vì sao trong  1000 tiến sĩ toán chỉ có 150 người theo đuổi nghề toán. Người ta kiếm bằng lấy danh chứ chẳng ai dám kiếm kế sinh  nhai bằng nghề toán.

Qua đó cũng thấy cái chủ nghĩa bình quân vẫn còn là lực cản to lớn trong chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Việc Viện toán không cách nào có thể trả một đồng lương xứng đáng cho Ngô Bảo Châu còn cho thấy cả căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh giấy tờ vẫn tồn đọng ở những nơi được coi là trí tuệ ưu việt.

Tất nhiên Ngô Bảo Châu về nước dạy không phải vì 5 triệu đồng kia nhưng với một đồng lương như thế trả cho một tài năng toán học thì thật là xấu hổ, nó bĩ mặt dân Việt vốn là dân luôn coi trọng tài năng. Nhà nước ta không bao giờ tiếc tiền đối với nhân tài cả. Chỉ có chúng ta tự làm khổ nhau, ngáng chân nhau vì chủ nghĩa bình quân và thói đố kị. Tao giáo sư mày cũng giáo sư, thậm chí tao còn ông nọ bà kia, mày chẳng qua chỉ là giáo sư quèn, tại sao lương mày lại cao hơn cả lương tao. Đằng sau những giải thích đổ lỗi cho cơ chế liệu có tâm lý đó không? Chắc có.

Cho nên khi biết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư 651 tỷ, để đưa ngành toán lên hàng thứ 40 của thế giới, để đến năm 2020 sẽ có 70% giảng viên toán đại học là tiến sĩ, và để vân vân để…e rằng  sẽ chẳng đến đâu, nếu không muốn nói là phù phiếm. Khi đồng lương cho Ngô Bảo Châu không chịu chi đúng thì 651 tỉ kia liệu có chi đúng không? Khi 90% tiến sĩ đã bỏ ngành toán ra đi thì có thêm 70%  tiến sĩ để làm gì, hay là đổ tiền ra đào tạo để người ta tiếp tục bỏ?

Mới hay khi chữ tài chỉ là chữ để khoe chứ không phải chữ để dùng, chữ để loè chữ không phải chữ để trọng thì việc phấn đấu xếp thứ 40 thế giới thiết nghĩ cũng chẳng để làm gì. Khéo không 651 tỉ kia tóm lại chỉ thu về một chữ hão.

Nguồn: Quê Choa blog

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/08/20/ch%E1%BB%AF-gi-m%E1%BB%9Bi-th%E1%BB%B1c-b%E1%BA%B1ng-ba-ch%E1%BB%AF-tai/


 

            http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org