Mừng vì đất nước có một ví dụ từ “không” sang “có”

Vietsciences-Hồ Ngọc Đại               25/08/2010

 

Viết về GS Ngô Bảo Châu

QĐND Online – Công trình chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của GS Ngô Bảo Châu đã đưa trí tuệ con người lên một tầm cao mới. Không chỉ chứng minh một Bổ đề cơ bản đã tồn tại 30 năm qua mà còn minh chứng cho sức mạnh trí tuệ con người là không có giới hạn.

Hàng triệu người dân Việt Nam hồi hộp và vui mừng khi những đóng góp của GS Ngô Bảo Châu được thế giới ghi nhận bằng huy chương Fields danh giá. Vinh quang của GS Ngô Bảo Châu không chỉ mở ra con đường mới cho nền khoa học Việt Nam nói riêng mà khiến nhiều người tâm huyết đặt câu hỏi liệu nền giáo dục Việt Nam sẽ  thay đổi như thế nào để giấc mơ của những thanh niên tài năng thành hiện thực và có thể cống hiến cho đất nước?

Nhân tài – sản phẩm từ đời sống, không phải từ nhà trường

Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học Giáo dục Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 

Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học Giáo dục Hồ Ngọc Đại - người thầy mà GS Ngô Bảo Châu cho rằng có tầm ảnh hưởng với anh - đã khẳng định như vậy khi được hỏi về cậu học trò thủa thiếu thời và giờ đây đã là người nổi tiếng toàn thế giới, được nhân loại ghi danh.

Ông cho rằng: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực là cái có thể làm được, còn “bồi dưỡng” nhân tài là một điều không có tính thực tiễn bởi nhân tài là sản phẩm của cá nhân người có tài. Chỉ có thể sử dụng và tận dụng sức mạnh của nhân tài. Khi trao cho họ môi trường để họ có thể phát huy chính sức mạnh vốn có của bản thân, đó mới chính là bồi dưỡng.

Nhân tài là nhân tố cá nhân, tự nó quyết định và tất nhiên, khi có những điều kiện hỗ trợ thuận lợi thì dễ dàng phát triển hơn nhưng không vì thế mà không thể phát triển. Chúng ta cần hiểu đúng quan niệm này và có tư tưởng coi trọng cá nhân người có tài.

Dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến cứu nước với những vũ khí được coi là thô sơ nhưng chúng ta có một đội quân thiên tài, dù đội quân ấy không học qua một trường võ bị danh tiếng nào. Những người chiến sĩ luôn có trách nhiệm với đất nước và ý thức được trách nhiệm đó. Họ nhận thấy rằng chỉ có họ mới có thể chiến đấu vì dân tộc mình. GS Ngô Bảo Châu cũng vậy, tài năng của anh là sản phẩm của đời sống chứ không phải từ nhà trường. Nhà trường chỉ là điều kiện, là cơ hội. Có nhà trường nhưng chưa chắc đã có nhân tài. Những động lực cá nhân, trách nhiệm cá nhân sẽ khiến cho người tài có ý thức trách nhiệm với đất nước và họ hiểu được điều này. GS Ngô Bảo Châu là người thực tài!

 

Thời toán học hoàng kim của Việt Nam có thể sẽ quay trở lại

“Sự kiện” Ngô Bảo Châu không chỉ làm những trái tim tự hào đập dồn mà còn khiến nhiều người cảm thấy ngậm ngùi vì những tài năng Việt thành danh khi đã ở xứ người. Tại sao tư chất thông minh, giàu nghị lực và đầy lòng khát khao của thanh niên Việt, tài nguyên vô giá của quốc gia lại để cho nước ngoài khai phá, trong khi nền khoa học Việt Nam vẫn cứ luẩn quẩn, chưa thể đưa khoa học nước nhà chiếm lĩnh những đỉnh cao (?).

Hiện tượng “tị nạn giáo dục” là nỗi đau của đất nước và nó diễn ra từ nhiều năm nay, đó cũng là điều không tránh khỏi vì chỉ có người tài mới tôn trọng người tài, thầy Hồ Ngọc Đại thẳng thắn nói.

Thầy cho biết thêm: “Tôi thấy vui và không ngạc nhiên lắm khi anh Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields. Tôi cảm thấy đó là một niềm an ủi. Vì sức lao động của mình dù sao cũng có một trường hợp thật như thế, không phải là chuyện viển vông, mất không trong đất trời này. Chính Ngô Bảo Châu là người có quyền tự hào, đó là trí tuệ, tài năng của anh và không gì có thể huyễn hoặc được anh”.

Trí tuệ trong một môi trường khác sẽ tạo điều kiện và kích thích cho họ nghĩ tới điều khác, vì vậy nhiều người chọn giải pháp như ra nước ngoài. Không ít người làm việc trong nước với một mức lương cao nhưng rồi họ vẫn ra đi vì người tài chỉ có sống và làm việc tốt, phát huy hiệu quả trong một môi trường hiểu và tôn trọng tài năng của họ.

Theo thầy Hồ Ngọc Đại, trong cuộc đời có người may mắn học trường này, thầy kia nhưng chỉ có người tài mới tận dụng được cơ hội, còn những người khác thì sẽ bỏ qua. Ngô Bảo Châu có sự say mê, hào hứng, rút cuộc không phải vì bản thân mà là có trách nhiệm, bổn phận với đất nước. Tất nhiên, thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội phát triển trong nước. Nếu là người có thực tài sẽ là người yêu nước, yêu đồng bào và bản thân họ sẽ không chịu lùi bước trước những hoàn cảnh, sẽ tìm cách để vượt qua

Nhiều người hi vọng sự kiện Ngô Bảo Châu sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho nền khoa học nước nhà, sẽ dẫn dắt các nhà khoa học trên thế giới đến với Việt Nam. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận, để làm được việc ấy, bản thân nền khoa học Việt Nam phải có một nội lực, có những cá nhân thiết tha với sự nghiệp, coi đó là điều đương nhiên trong cuộc sống của mình mà không phải là một sự hi sinh.

Thầy Hồ Ngọc Đại cho rằng, 50 năm nữa, một Ngô Bảo Châu khác không dễ gì có được. Nhưng thầy tin vào một tương lai mà thế hệ thanh niên với niềm say mê, ý thức trách nhiệm và đặc biệt “hiện tượng” GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ từ “không” sang “có”, sẽ đưa Việt Nam trở lại thời kỳ hoàng kim của toán học.

Nền giáo dục tôn trọng trẻ em là nền giáo dục văn minh

GS Ngô Bảo Châu đứng trên đỉnh cao của trí tuệ, chúng ta không thể ảo tưởng sẽ tiếp tục có thêm những đỉnh cao như thế nếu bây giờ không có sự thay đổi nào trong cách giáo dục. Việc phát hiện những mầm non tài năng, chọn lọc chăm sóc và tôn trọng những mầm non ấy là một việc có ý nghĩa quyết định.

Thầy Đại nhấn mạnh quan điểm giáo dục của mình: “Trẻ con luôn luôn đúng, có sai là thầy sai. Chúng ta cần tôn trọng và hiểu tại sao chúng làm vậy, không nên dùng áp lực bên ngoài để gò chúng. Trẻ con là thực thể phát triển rất tự nhiên, tiếp thu những thứ từ bên ngoài vào một cách chọn lọc. Phải hiểu tại sao nó làm như thế. Nếu điều đó là sai thì người thầy có trách nhiệm chỉ bảo để tự nó nhận ra chứ không nên gò ép! Tôn trọng cá nhân là khẩu hiệu của chúng tôi, không có một cá nhân nào có quyền làm gương cho người khác, mỗi cá nhân trở thành chính mình, nhìn người khác để tự điều chỉnh. Mỗi cá nhân được tôn trọng thì sẽ có ý thức tôn trọng người khác và khi đã tôn trọng người khác thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết”.

Con người có khả năng tự điều chỉnh rất lớn. Những năm đầu đời là vô cùng quan trọng để phát triển nhân cách đứa trẻ, như mũi tên bắn khỏi cung, mũi tên đó bay như thế nào chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc thoát khỏi dây cung, cũng như trẻ em thoát khỏi vòng tay cha mẹ.

Đã đến lúc đưa ra cách làm cụ thể, chứ không thể đưa ra những khẩu hiệu chung chung, những ý tưởng mơ hồ. Hãy để trẻ em tự mình làm ra sản phẩm giáo dục của chính mình chứ không phải nghe lời giảng để ghi nhớ.

Hãy dạy trẻ con về lòng yêu nước, trách nhiệm và sự chia sẻ với đất nước từ những việc làm nhỏ nhất như: làm việc gì phải xong việc ấy, quét nhà phải ra quét nhà, lau bảng phải ra lau bảng…và cho chúng lòng tự tin. Bản chất cơ bản là say mê và tự tin, đó là sức mạnh lớn nhất. Giáo dục là việc hết sức tỉ mỉ, không thể chỉ nêu khẩu hiệu.

Ngô Bảo Châu lẽ ra không phải là người duy nhất và số một nếu việc tôn trọng cá nhân và trí tuệ của họ được xã hội ủng hộ. Không nên nhận hết đó là thành công của nền giáo dục Việt Nam; cần cảm ơn những người biết tạo điều kiện cho Ngô Bảo Châu có thêm điều kiện để phát triển.

Thầy Hồ Ngọc Đại tin rằng sẽ có nhiều thanh niên Việt Nam nuôi một giấc mơ là Ngô Bảo Châu thứ hai, thứ ba… và GS Ngô Bảo Châu sẽ còn tiến xa hơn nữa trên đỉnh cao trí tuệ.

Thực hiện: Thu Hà 

 

              http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org