Người ta đã sử dụng nhân tài như thế nào?

Vietsciences-Tạ Phong Tần               22/08/2010

 

Viết về GS Ngô Bảo Châu

Post lại bài cũ đã đăng trên blog CL&ST ngày 04/12/2007

 

À

Những năm đầu thập kỷ 80, bọn học sinh Trung học chúng tôi ai mà không biết những cái tên Lê Tự Quốc Thắng, Lê Bá Khánh Trình với thành tích học tập đạt được lừng lẫy trong và ngoài nước. Họ đã từng là thần tượng của chúng tôi cho dù chỉ là “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”.

Lê Bá Khánh Trình, người được mệnh danh là “thần đồng toán học”, “cậu bé vàng của toán học VN”, anh là người đi thi toán học quốc tế đã vừa đoạt giải nhất trong số 8 giải nhất của 40 quốc gia tham dự, đồng thời là người duy nhất đoạt giải đặc biệt cho lời giải đẹp nhất kỳ thi năm ấy…

Sau khi đoạt giải ở London năm 1979, Lê Bá Khánh Trình được sang Nga du học chuyên Toán 10 năm.

Để rồi 17 năm sau, thần tượng ấy xuất hiện bằng xương bằng thịt dưới hình hài một người đàn ông gày gò, thiếu sức sống với “cặp kính cận trên khuôn mặt ngơ ngác đến tội nghiệp, cái dáng cao lòng khòng đi liêu xiêu…”, “co ro, rụt rè, khiêm nhường dễ khiến người đối thoại nản chí, chưa bao giờ làm khoa học, chưa bao giờ phát minh ra bất cứ cái gì hay áp dụng toán học vào một lãnh vực nào đó trong cuộc sống trừ việc đi giải dạy chính môn toán mà anh đã học 10 năm ở trường đại học lừng danh không chỉ của nước Nga: Lomonosov”. Và hiện nay, “là một giáo viên luyện thi cho lớp năng khiếu của trường năng khiếu TP.HCM, anh chưa từng là Trưởng khoa Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên như người ta đồn đại”.

Lý giải nguyên nhân vì sao chưa bao giờ làm khoa học, chưa bao giờ phát minh ra bất cứ cái gì hay áp dụng toán học vào một lãnh vực nào đó trong cuộc sống, Lê Bá Khánh Trình nói: “Tôi chỉ nghĩ đến mức độ lý thuyết thôi, có lẽ là do các thầy của tôi chỉ truyền đạt về mặt lý thuyết, còn nếu mà tự tìm hiểu nghiên cứu thì có lẽ tôi chưa có dịp”.

Than ôi! 10 năm nghiên cứu, 17 năm giảng dạy nhưng không có cơ hội được nghiên cứu khoa học thì tất cả mớ lý thuyết ấy, cho dù rất cao siêu, cho dù có bộ óc của một “thần đồng” thì cũng chẳng được tích sự gì. Làm khoa học, giảng dạy khoa học nhưng không có cơ hội nghiên cứu khoa học thì lỗi do ai???

Qua câu trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, người đọc ai cũng hiểu rằng ngọn lửa đam mê toán học trong anh đã tắt từ lâu. “Chắc là còn”, ngay chính anh còn không biết mình có còn đam mê hay không nữa, và giờ thì anh đã già mất rồi, cơ hội cũng qua rồi, “không còn thời gian để làm một điều gì khác nữa”.

Lê Bá Khánh Trình thờ ơ đến mức độ không quan tâm đến mục đích người ta gặp anh phỏng vấn để làm gì nữa, “hoàn toàn thờ ơ với những câu hỏi để lặng lẽ trả lời những câu trả lời không thể đơn giản hơn”. Chỉ còn đọng lại một chút Khánh Trình ngày xưa là tính cách trí thức châu Âu có lẽ đã thấm vào anh khi du học ở trời Tây: đúng giờ, lịch sự, giản dị và tiết kiệm qua nhận xét của phóng viên “vẫn đến đúng giờ, vẫn gọi một thứ trà nóng, uống bằng hai tay và uống xong, trong khoảng giữa của sự im lặng nơi tôi, anh xin phép ra về!”.

Vì sao Lê Bá Khánh Trình lại trở nên như thế???

Cứ ngỡ tài năng theo thời gian sẽ thăng hoa, ai ngờ lại là một kết cục buồn cho một kiếp người.

“Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu thị bách niên thân”.

Tạ Phong Tần

 

http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/125

 

              http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org