Nhà khoa học cần bình đẳng và tự do tuyệt đối trong nghiên cứu

Vietsciences              30/08/2010

 

Viết về GS Ngô Bảo Châu

• Hơn 4.000 người dự lễ chào mừng GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields

SGTT.VN - Lễ chào mừng GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields được tổ chức long trọng tại trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào lúc 20 giờ ngày 29.8.2010. Có hơn 4.000 người, trong đó có gia đình, thầy cô, bạn bè của GS Ngô Bảo Châu đã đến tham dự.

 

 
Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ niềm vui với các bạn trẻ. Ảnh: Bích Ngọc

 

Phát biểu tại lễ chào mừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn gia đình GS Ngô Bảo Châu, cám ơn các thầy cô giáo, những người đã vượt qua muôn ngàn gian khổ để nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, khơi dậy niềm đam mê và nghiên cứu khoa học cho các thế hệ học trò, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới các GS Pháp và bạn bè quốc tế, những người có công lớn tiếp tục truyền đạt kiến thức, góp phần để GS Ngô Bảo Châu có được thành công như ngày hôm nay. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao việc giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian cho giảng dạy nghiên cứu toán học ở Việt Nam, làm cầu nối cho toán học Việt Nam với nước ngoài dù phải tập trung nghiên cứu ở nước ngoài. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ dành những điều kiện tốt nhất để giáo sư Ngô Bảo Châu có thể tiếp tục làm việc, giảng dạy trong thời gian tới nhằm phát triển ngành toán học nước nhà cũng như sẽ tạo nhiều điều kiện cho thế hệ trẻ, cho các nhà khoa học khác trong nước vươn tới đỉnh cao khoa học, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước.

Ngắn gọn và súc tích, bài phát biểu của GS Ngô Bảo Châu thu hút sự chú ý đặc biệt của tất cả mọi người. Ông nói: “Trước khi nói về tương lai, chúng ta nên nói về quá khứ, nhân tố đưa đến thành công ngày hôm nay. Tôi sinh ra trong kháng chiến chống Mỹ, lớn lên trong thời kỳ bao cấp, tuy không ai thích ôn nghèo kể khổ nhưng từ khi còn nhỏ, tôi đã hiểu bố mẹ đã phải nhịn ăn nhịn mặc nuôi tôi khôn lớn (...) Tiếp xúc với cuộc sống ở nước ngoài, tôi hiểu rằng tuổi thơ của tôi và các bạn của tôi có thể thiệt thòi về cái ăn cái chơi nhưng việc học hành thì chưa chắc. Tôi được bố mẹ đầu tư và dành mọi điều kiện tốt nhất về học tập. Có lẽ bố mẹ hiểu được giá trị đích thực của đỉnh cao khoa học...”.

 

 
GS Ngô Bảo Châu: Nhà khoa học cần bình đẳng và tự do tuyệt đối trong nghiên cứu. Ảnh: Bích Ngọc

 

Trong buổi lễ chào mừng thành quả nghiên cứu khoa học to lớn của cá nhân mình, GS Ngô Bảo Châu đã khiến nhiều người xúc động khi phần lớn bài phát biểu của ông dành để ôn lại quá khứ với lòng biết ơn công lao và tình cảm yêu thương mà cha mẹ, thầy cô, bạn bè đã dành cho ông suốt thời niên thiếu và sinh viên sau này. GS nói: “Thầy Phạm Hùng khối chuyên toán, tôi đã học thầy trong căn phòng 8m2 toàn mùi thuốc bắc. Thứ duy nhất thầy nhận từ bố mẹ tôi đôi khi chỉ là cân đường (...). Tuổi học trò của tôi được cộng đồng toán học nuôi dưỡng, các thầy cô chuyên toán, bằng tất cả tâm huyết của mình, đã dạy dỗ tôi (...)”. Ông cũng không quên nhắc đến vị GS Laumon, người đã giúp ông từ một sinh viên thích học toán trở thành một giáo sư toán học.

Lời duy nhất nói về thành quả vừa đạt được của mình, GS Châu bày tỏ: “Tôi thật sự hạnh phúc khi giải thưởng tuy trao cho cá nhân tôi nhưng đem lại niềm vinh dự, hạnh phúc cho cộng đồng toán học Việt Nam cũng như cộng đồng toán học Pháp”.

(Mời các bạn bấm vào đây xem toàn văn bài phát biểu của giáo sư Ngô Bảo Châu)

Nói về toán học Việt Nam và thế giới, về môi trường phát triển tài năng khoa học, giáo sư cho rằng tinh thần đoàn kết của toán học Việt Nam thật sự đáng quý và nếu không bao che yếu kém thì toán học Việt Nam sẽ có cơ hội tiến bộ! Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của môi trường học thuật trong sự trưởng thành của các nhà khoa học, GS Châu khẳng định: “Với sự tiếp xúc các nhà toán học trên thế giới, từ trải nghiệm ở Pháp và Mỹ, tôi hiểu được rằng môi trường học thuật lành mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự trưởng thành của các nhà khoa học trẻ. Môi trường khoa học lành mạnh chính là nơi học thuật và vị trí của học thuật luôn được xếp đầu tiên cùng với sự bình đẳng của các nhà khoa học, không phân biệt già trẻ, sự tự do tuyệt đối trong nghiên cứu khoa học”.

Kết thúc bài phát biểu của mình, GS Ngô Bảo Châu nói thật ngắn gọn: “Tôi hiểu được nhiệm vụ của nhà khoa học không đơn thuần là chuyên môn, mà còn bao gồm việc đem đến cho những người trẻ tuổi, không kể xuất xứ hay người thân, cơ hội để họ phát triển trong khoa học và rộng hơn là trong cuộc sống. Đây cũng là điều tôi muốn nói với các nhà khoa học, nhà quản lý, người làm cha làm mẹ. Hiện trạng khoa học và giáo dục của chúng ta chưa được như mong đợi, nhưng ý thức của mỗi người, của Chính phủ qua những quyết sách của Nhà nước, là tiền đề cho những sự chuyển biến tích cực. Chúc các bạn trẻ giữ được niềm tin đi tiếp con đường mà mình đã chọn”.

Theo dự kiến, trước khi trở lại Mỹ làm việc tại đại học Chicago, GS Ngô Bảo Châu sẽ có một số cuộc gặp gỡ, trao đổi với các thành viên hội Toán học, viện Toán Việt Nam, nghiên cứu sinh và sinh viên ngành toán của một số trường đại học tại Hà Nội.

Mỹ Lệ – T. Tuyền

 

              http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org