Những bài cùng tác giả
 
Albert Fert và Peter Grünberg
Năm nay
giải Nobel Vật lý được phát cho hai khoa học gia Âu
Châu, một Pháp, một Đức. Đó là các ông:
- Albert Fert, làm việc tại Đại học Paris-Sud,
Orsay, Pháp, và
- Peter Grünberg, làm việc tại Trung tâm Khảo cứu
Jülich, Jülich, Đức.
Hai ông đều xấp xỉ bảy mươi. Ông Fert sinh năm 1938,
còn ông Grünberg sinh năm 1939. Giống như mấy năm
trước, số tiền thưởng vẫn là 10 triệu đồng Thụy Điển
(khoảng 1.55 triệu Mỹ kim).
Gần 20 năm trước, năm 1988, trong lúc khảo cứu riêng
rẽ, hai ông đã cùng khám phá ra một hiệu ứng mới lạ
sau đây. Trong một số cấu trúc kim loại đặc biệt, ở
điều kiện thích hợp, chỉ cần một thay đổi nhỏ của từ
trường (magnetic field) cũng có thể gây ra một biến
đổi rất lớn trong điện trở (electrical resistance)
của cấu trúc này. Có tên là hiệu ứng GMR, Giant
MagnetoResistance (tạm dịch: Biến đổi Cực lớn của
Điện trở do Từ trường), khám phá trên đã được nhanh
chóng mang vào kỹ nghệ làm Đầu đọc (read-out head)
trong Đĩa cứng (hard disks) của máy điện toán. Kỹ
thuật mới mẻ này đã gia tăng bội phần sức chứa của
đĩa cứng và giảm giá thành, khiến dịch vụ khoảng 40
tỷ đô la hàng năm của đĩa cứng phát triển một cách
ngoạn mục.
Đằng khác, hiệu ứng GMR đạt được là nhờ một kỹ thuật
tạo những Màng (film) rất mỏng của các loại vật chất
khác nhau, khám phá trong những năm 1970. Mỏng đến
độ bề dầy chỉ gồm vài ba nguyên tử vật chất. Ta biết
rằng kích thước nguyên tử rất nhỏ, khoảng từ vài
phần trăm đến vài phần chục nm
(nano
mét, một phần tỷ, 1/1,000,000,000 của mét)
(10). Các khoa
học gia đang ráo riết tìm hiểu hoạt động của vật
chất ở kích thước vô cùng nhỏ này, và đặt tên ngành
kỹ thuật/công nghệ tương ứng là Nanotechnology (kỹ
thuật/công nghệ nano). Như vậy khám phá GMR của hai
ông Fert và Grünberg có thể được coi là một trong
những ứng dụng thực sự đầu tiên của kỹ thuật nano.
Để thấy rõ sự đóng góp của hai ông vào dòng khảo cứu
khoa học kỹ thuật hiện đại, trong bài này người viết
sẽ đưa vào một số tin tức liên hệ đến kỹ thuật nano
và đĩa cứng.
Kỹ
Thuật/Công Nghệ Nano (nanotechnology)
Như
trên đã nói, một cách đơn giản, kỹ thuật nano liên
hệ đến vật chất ở kích thước nhỏ, thí dụ như một
nhóm nguyên tử hay phân tử.
Như vậy kỹ thuật nano khác với kỹ thuật điện tử hiện
nay ra sao?
Hiện nay chúng ta đang ở thời đại vi điện tử
(microelectronics). Thật vậy, hàng ngày ta thường
nghe thấy những từ microcomputer (máy vi tính),
miroprocessor (bộ vi xử lý),...Chữ micro, ngoài
nghĩa thông thường là nhỏ (vi), còn là từ đặt ở đầu
(prefix) để chỉ một phần triệu
(10). Thí dụ như
một micro mét, hay micron là một phần triệu của mét
(1/1,000,000). Trong một chip (mẩu) điện tử nhỏ li
ti ta có thể xếp đặt một số lớn Bóng bán dẫn
(transistors) với kích thước trung bình mỗi cái
khoảng 1/4 micron (tài liệu năm 2001). Để có thể
tưởng tượng một micron nhỏ như thế nào ta hãy nhìn
vào một sợi tóc và lưu ý là đường kính của sợi tóc
này ở khoảng 57 - 90 microns. Vi trùng (bacteria/vi
khuẩn) thường có đường kính vài microns, không thể
nhìn được bằng mắt trần. Vì một nano mét bằng một
phần tỷ của mét, nên riêng về bề dài, đại cương thế
giới nano sẽ gồm những bộ phận nhỏ cỡ một phần ngàn
các bộ phận trong thế giới micro! Có thể gọi đây là
thế giới Siêu vi điện tử (nanoelectronics).
Từ lâu các vật lý gia biết rằng ở mức vô cùng nhỏ
của thế giới nano, các định luật vật lý cổ điển, vốn
áp dụng vào các vật thể hàng ngày, không còn giá trị
nữa. Các tính toán sẽ phải dựa vào các định luật
hiện đại của ngành Cơ học lượng tử
(1) và thuyết
Tương đối (2). Mặc dù biết rằng vấn đề sẽ vô cùng phức tạp, cách đây gần
50 năm, năm 1959, khi ngành vi điện tử vẫn còn trong
thời kỳ phôi thai, vật lý gia Richard Feynman
(3)
đã cố gắng thúc giục các khoa học gia lưu tâm
đến một kỹ thuật điều khiển các vật nhỏ cỡ nguyên
tử. Lúc đó ông nói: "... I will not now discuss how
we are going to do it, but only what is possible in
principle..." (tạm dịch: "...Lúc này tôi sẽ không
bàn về phương cách thực hiện, mà chỉ nói về những gì
khả thi trên nguyên tắc..."). Mặc dù rất thích thú
về đề tài này, nhưng thấy nhiều khó khăn trước mắt,
ông không liên tục tập trung sức lực vào sự tìm tòi
trên. Cho đến nay khi các khoa học gia biết rõ là
các định luật trong cơ học lượng tử có thể hoàn toàn
khống chế các hoạt động của những bộ phận cỡ nano
thì ngành kỹ thuật nano, mặc dù còn nhiều giới hạn,
phần nào đã trở thành hiện thực.
Trong số những khó khăn khi đi vào kỹ thuật nano có
hai vấn đề quan trọng sau đây phải được đặc biệt lưu
ý. Thứ nhất là sự thông tin, liên lạc giữa thế giới
nano và thế giới bình thuờng (macroworld). Theo lý
thuyết cơ học lượng tử, ta biết rằng khi ta cố gắng
đo lường trong hệ thống những hạt vô cùng nhỏ
(quantum system) ta sẽ làm xáo trộn chúng. Do đó, vì
có sự khác biệt giữa các định luật vật lý, sự trao
đổi tin tức giữa hai thế giới sẽ rất khó trung thực.
Thứ hai là bề mặt (surfaces) của các vật thể. Trong
thế giới micro hiện nay, các định luật của vật lý
thể rắn luôn luôn được áp dụng với điều kiện tiên
quyết là tỷ số giữa diện tích và thể tích (surface
to volume ratio) của vật thể phải vô cùng nhỏ. Nói
cách khác, định luật chỉ áp dụng trong những khối
lớn (bulk). Trong kỹ thuật nano ta không thể có điều
kiện này. Do đó ta phải kiếm cách giảm ảnh huởng của
bề mặt vật thể.
Để có thể sản xuất những thiết bị thực dụng không
nhỏ quá mà vẫn có những đặc tính của kỹ thuật nano,
người đề ra một Độ lớn bậc trung (mesoscale). Những
vật thể ở mesoscale có kích thước từ một đến vài
trăm nano mét, được cấu thành từ sự tích lũy của một
số lớn nguyên tử hay phân tử. Với số lượng hạt tử
lớn như vậy ta còn có thể áp dụng những định luật
vật lý cổ điển nhưng vẫn phải để ý đến ảnh hưởng của
cơ học lượng tử.
Thông thường, theo định nghĩa của một số nhà chuyên
môn,
có hai
cách để đi vào kỹ thuật nano, top-down (từ trên
xuống) và bottom-up (từ dưới lên). Theo hướng thứ
nhất, các nhà sản xuất chip điện tử đang thu nhỏ dần
các transistors, vốn là đơn vị cơ bản để xây dựng
những microprocessors (bộ vi xử lý), memory chips
(chip nhớ), controllers (bộ điều khiển),...Như trên
đã nói, hiện nay kích thước một transistor khoảng
trên dưới 0.1 micron hay 100 nano mét. Hãng sản xuất
chip điện tử Intel đã có những khảo cứu và phát
triển để có thể sản xuất những transistors có kích
thước nhỏ dần từ 65 nm xuống đến 22 nm. Lưu ý là sản
xuất các transistors có kích thước dưới 100 nm là
một bước nhảy vọt trong kỹ thuật. Ta không thể dùng
những thiết bị hiện tại để sản xuất những
transistors cực nhỏ này. Để thay đổi có thể sẽ rất
tốn kém (4).
Khi theo hướng "từ dưới lên," ta phải bắt đầu từ
những nguyên tử hay phân tử để xây dựng dần lên cơ
cấu nano. Hai sản phẩm đã được biết đến từ nhiều năm
nay là Ống nano (nanotubes) và Chấm lượng tử
(quantum dots) (5). Vì thường chỉ dùng những phản
ứng hóa học đã được khéo léo kiểm soát nên phương
pháp này có lợi điểm là không tốn kém. Tuy nhiên, vì
không thể sản xuất hàng loạt những mẫu vật đã được
thiết kế và có liên hệ với nhau nên phương pháp này
chưa thể áp dụng vào kỹ nghệ điện tử.
Trong lãnh vực sinh học, các khoa học gia cũng đang
cố gắng xây dựng những Bộ máy nano (nanomachines)
khi quan sát chuyển động của các vi sinh vật. Ta
biết rằng một số đơn bào (one-celled organisms) có
thể di chuyển được là nhờ những Tua/Đuôi (flagella)
và một bộ Máy quay (rotor) cực nhỏ, cỡ 10 nano mét,
nằm trong tế bào. Rotor này có thể quay rất nhanh,
làm các đuôi cựa quậy liên tục khiến đơn bào có thể
chuyển động dễ dàng. Thí dụ như tinh trùng (sperm)
có thể di chuyển với vận tốc cỡ 60 - 160 microns mỗi
giây. Đây là một vận tốc khá lớn vì kích thước của
tinh trùng chỉ khoảng 25 microns. Rotor cấu tạo bởi
protein, và có thể quay nhanh tới hàng ngàn vòng mỗi
phút. Năng lượng được cung cấp bởi nguồn hóa năng
quen biết trong tế bào, có tên Adenosine
TriPhosphate (ATP). Khoa học gia Montemagno tại đại
học Cornell đã tạo được một bộ máy nano đầu tiên
bằng cách cô lập một rotor rồi nối với một sợi kim
loại hình trụ (nanorod) dài cỡ 750 nano mét, đường
kính 150 nano mét. Nanorod có thể quay được 8 vòng
mỗi phút. Tuy nhiên phải cần thời gian để những bộ
máy nano này có những ứng dụng cụ thể.
Một số thành công đã làm đề tài nano trở nên nóng
bỏng. Nhiều ý kiến mới lạ được đưa ra. Thí dụ như
các bộ phận điện tử có thể được làm từ những phân tử
hữu cơ (organic), những dải DNA được gắn vào các
chip silicon,...Những Hạt nano (nanoparticles) có
thể giúp các thử nghiệm sinh học nhanh hơn, làm việc
chẩn bệnh dễ dàng hơn. Chúng cũng có thể đưa thuốc
đúng vào những phần cơ thể cần chữa trị để tránh
phản ứng phụ, sửa chữa những cơ quan hư hỏng trong
người, và hy vọng có thể giúp những cơ quan này tự
tái tạo,...Những nano robots (nanobots), nano lắp
ráp (nanoassemblers) có thể chữa bệnh và tạo nên một
lực lượng sản xuất hùng hậu không gây ô
nhiễm,...Người ta tiên đoán là đến năm 2008 những
sản phẩm từ kỹ thuật nano sẽ có giá trị trên 100 tỷ
đô la.
Bây giờ ta hãy trở lại với phát kiến có vẻ thuần tuý
khoa học nhưng có ứng dụng tuyệt vời trong kỹ nghệ
của hai ông Fert và Grünberg.
Giant
Magnetoresistance (GMR; Biến đổi Cực lớn của Điện
trở do Từ trường)
Từ lâu
ta đã biết rằng dòng điện trong dây kim loại sinh ra
do sự chuyển động của các điện tử (electrons), và
điện trở sinh ra do phân tán (scattering) của dòng
điện tử trên khi va chạm vào cơ cấu bất thường hay
sự dao động của mạng kim loại. Những chất tạp
(impurities) cũng có thể làm gia tăng sự phân tán
này, nghĩa là thay đổi điện trở. Ta cũng biết rằng
khi đặt một dây kim loại vào một từ trường (magnetic
field) thì từ trường này sẽ làm thay đổi sự phân tán
của dòng điện tử và do đó thay đổi điện trở. Sự thay
đổi này rất nhỏ, cỡ một, vài phần trăm.
Khoảng năm 1857 khoa học gia W. Thompson đã công bố
một khảo sát về ảnh hưởng của từ trường trên các kim
loại sắt (iron) và kền (nickel). ).
Theo ông, một cách đại cương, khi ta làm thay đổi
hướng của một từ trường đăt gần một dòng điện thì
điện trở sẽ thay đổi
“I found that iron,
when sub-jected to a magnetic force, acquires an
increase of resistance to the conduction of
electricity along, and a diminution of resistance to
the conduction of electricity across, the lines of
magnetization”.
Sự
thay đổi của điện trở tùy theo hướng của từ trường ở
trên được gọi là hiện tượng Anisotropic
MagnetoResistance (AMR; tạm dịch, Biến đổi Bất đẳng
hướng của Điện trở theo Từ trường). Hiện tượng AMR
sau này được giải thích thỏa đáng nhờ thuyết cơ học
lượng tử (1).
Đó là sự Kết hợp spin-quỹ đạo của điện tử (electron
spin-orbit coupling) (6).
Biết rằng sự biến đổi của điện trở theo từ trường có
thể tạo nhiều ứng dụng, từ hơn một trăm năm qua
nhiều khoa học gia đã cố gắng tìm hiểu thêm về sự
biến đổi này trên những hợp kim đặc biệt và dưới
những điều kiện bên ngoài khác nhau. Như trên đã
nói, khi kỹ thuật làm những lớp màng cực kỳ mỏng ra
đời trong thập niên 70s thì có thêm nhiều hy vọng
cho những khám phá mới. Nhưng chờ mãi không thấy kết
quả nào được công bố. Đến nỗi trong thâp niên 80s
nhiều khoa học gia đã đồng ý là hướng khảo cứu trong
lãnh vực này có thể đã đi vào ngõ cụt. Do đó sự công
bố bất ngờ trong năm 1988 của các ông Fert và
Grünberg đã làm cộng đồng khảo cứu sững sờ.
Ta hãy nhìn lại xem trong thời gian đó hai ông làm
việc ra sao. Nhóm của của ông Fert đã kiên trì, tỉ
mỉ làm vô số thí nghiệm trên nhiều lớp màng mỏng
liên tiếp của Sắt (Fe) và Crôm (Cr). Để tạo những
lớp màng mỏng cỡ nano mét này, họ phải dùng sắt và
crôm ở thể khí, dưới áp suất cực kỳ thấp, gần như ở
trạng thái chân không. Lúc đó các nguyên tử sắt, rồi
crôm đọng lại từ từ trên một mặt mẫu, và tạo nên
những màng cực kỳ mỏng, lớp nọ bao lên trên lớp kia.
Có lúc họ phải thí nghiệm trên những lớp từ 30 đến
60 cặp sắt/crôm liên tiếp. Nhóm của ông Grünberg thì
khác. Họ tạo ra những lớp giống như chiếc bánh kẹp
(sandwich) ở cỡ nano mét, gồm cặp ba sắt, crôm ở
giữa, rồi sắt. Sau đó chỉ làm thí nghiệm trên một
nhóm gồm vài bánh kẹp đặt liên tiếp.
Có lẽ vì dùng nhiều lớp kim loại nên nhóm của ông
Fert đã đạt được một kết quả ngoạn mục. Sự biến đổi
của điện trở do từ trường có thể lên đến 50 phần
trăm. Trong khi đó nhóm của ông Grünberg cho thấy
biến đổi chỉ cỡ 10 phần trăm. Nhỏ hơn, một phần vì
nhóm này chỉ dùng có ba bánh kẹp sắt/crôm/sắt. Phần
khác vì ông Grünberg làm thí nghiệm ở nhiệt độ
thường. Trong khi đó thí nghiệm của ông Fert được
thực thi ở nhiệt độ cực kỳ lạnh (4.2 độ Kelvin hay
-269 độ Celsius). So với những biển đổi bình thường
cỡ một, hai phần trăm thì kết quả của cả hai nhóm
quả thực là "giant" (cực lớn). Ngoài ra vì lý thuyết
vật lý đằng sau hai thí nghiệm này giống nhau, nên
cả hai nhóm cùng mang vinh dự khám phá hiện tượng
mới lạ này. Sau khi công bố, ông Fert có nêu lên
tiềm năng ứng dụng của công trình khảo cứu. Thực tế
hơn, khi nhìn thấy khả năng thực dụng của GMR, ông
Grünberg đã xin cấp bằng sáng chế ngay trong lúc ông
đang viết bài tường trình để công bố.
Bây giờ ta hãy đi sâu một chút vào khám phá của hai
ông. Trước hết ta hãy tìm hiểu tại sao hai ông lại
cùng chọn sắt và crôm để làm thí nghiệm. Lý do vì
sắt giống như cobalt (Co) và kền (nickel; Ni) là
những kim loại dễ bị từ hóa, thường được gọi là có
tính thiết từ (ferromagnetic)
(7). Còn crôm thì
thuộc loại Vô từ (non-magnetic)
(8). Sở dĩ crôm
được chọn vì trong cơ cấu tinh thể của crôm, các kẽ
lưới (lattice spacings) tương tự như những kẽ lưới
của sắt. Đặc biệt, với bề mỏng cỡ nano mét, nhỏ hơn
quãng đường di chuyển tự do trung bình (mean free
path length) của điện tử, crôm đã tạo ra cơ chế phức
tạp, tên là cơ chế kết hợp (coupling mechanism),
giữa hai lớp sắt hai bên. Từ đó GMR xuất hiện.
Để minh họa GMR một cách đơn giản, ta nhìn ba lớp
sắt/crôm/sắt. Như ta đã biết, điện trở sinh ra do sự
phân tán điện tử trong những lớp kim loại này. Ta
cũng biết rằng những điện tử có thể có spin hoặc
hướng lên (up), hoặc hướng xuống (down). Như vậy
dòng điện qua ba lớp kim loại trên là sự kết hợp của
hai dòng điện. Một ứng với những điện tử có spin up,
và một ứng với những điện tử có spin down. Mỗi loại
điện tử chịu sự phân tán khi đi qua mỗi lớp kim loại
và do đó có điện trở. Đối với crôm, khi từ trường
thay đổi, sự phân tán điện tử không bị ảnh hưởng
nhiều. Tuy nhiên như phần trên đã nói, crôm có ảnh
hưởng mạnh mẽ trên hai lớp sắt hai bên. Khi từ
trường bên ngoài bằng 0, nếu ở lớp sắt thứ nhất số
lượng điện tử có spin up (ở quanh một mức năng
lượng) nhiều hơn số lượng điện tử có spin down, thì
ở lớp sắt thứ hai có sự đảo ngược. Nghĩa là ở đó số
luợng điện tử có spin down lớn số lượng điện tử có
spin up. Từ đó các vectơ biểu thị sự từ hóa (momen
từ) ở hai lớp sắt có chiều trái nhau. Nếu bây giờ ta
áp đặt một từ trường vào ba lớp kim loại kể trên thì
từ trường này tác động trên spin và làm mất sự đảo
ngược kể trên. Hai vectơ biểu thị từ hóa ở hai lớp
sắt bây giờ cùng chiều. Sự khác biệt về chiều từ hóa
đã tạo nên sự khác biệt về điện trở. Người ta tìm ra
là sự thay đổi của điện trở khi từ trường thay đổi
tỷ lệ với bình phương của hiệu số của hai điện trở
tương ứng với hai loại spin (up và down). Tóm lại sự
biến đổi điện trở càng lớn khi sự phân tán của hai
loại điện tử càng khác nhau. Chính những màng cực
mỏng của sắt và crôm đã tạo ra sự khác biệt phân tán
đáng kể giữa hai loại điện tử. Tại đó GMR ra đời.
Sự khám phá của hai ông Fert và Grünberg về vai trò
khống chế của spin điện tử ở cỡ nano mét đã mở đầu
cho một hướng khảo mới, ngành spintronics (spin điện
tử). Ở đây các khoa học gia, bên cạnh điện tích
(charge) của điện tử, phải đặc biệt lưu tâm đến hoạt
động của spin. Khai triển ý kiến của các ông Fert và
Grünberg, một số nhà khảo cứu cũng tạo được hiện
tượng GMR với những bánh kẹp có lớp giữa không phải
là crôm mà là một chất cách điện (insulating
material). Điều này có vẻ vô lý vì chất cách điện
không để dòng điện đi qua thì làm sao có thể định
được điện trở (vốn được coi như có trị số vô cực).
Tuy nhiên nếu xét kỹ, ta thấy ở cỡ nano mét, trong
lý thuyết cơ học lượng tử có một hiệu ứng đặc biệt
có tên là tác dụng Đường hầm (tunnelling). Theo đó,
ngay cả ở trong một chất cách điện, đâu đó cũng có
một số điện tử có thể "lén lút" di chuyển và tạo nên
dòng điện. Phương pháp mới này có tên TMR,
Tunnelling MagnetoResistance (tạm dịch: Biến đổi
Điện trở do Từ trường dưới tác dụng Đường hầm), rất
hữu hiệu, và có tiềm năng thực dụng rất lớn.
Phương cách tạo những màng kim loại mỏng của các ông
Fert và Grünberg, được đặt tên epitaxy (tạm dịch:
cấy tinh thể), tuy chính xác nhưng tốn nhiều thì giờ
và tốn kém. Do đó mặc dầu rất thích hợp cho công
việc khảo cứu tại các phòng thí nghiệm, không thể
dùng trong kỹ nghệ. Một người Anh, ông Stuart
Parkin, đã đưa ra một kỹ thuật đơn giản, ít tốn kém,
có tên sputtering (tạm dịch: rải vi tử). Chính nhờ
kỹ thuật này mà năm 1997 GMR đã được đưa vào kỹ nghệ
làm đĩa cứng, như ta sẽ bàn tới ở phần sau.
Đĩa
Cứng (Hard Disk)
Đĩa
cứng là một bộ phận tàng trữ dữ kiện (storage)
(9) quan trọng
trong máy điện toán. Như ta đã biết, máy điện toán
được xây dựng trên một ý niệm vô cùng đơn giản nhưng
cực kỳ hữu hiệu: hệ Nhị phân (binary system). Theo
tên gọi, hệ nhị phân chỉ gồm hai chữ số, 0 và 1. Cả
cương liệu (hardware/phần cứng) và nhu liệu
(software/phần mềm), ở mức căn bản nhất phải phản
ảnh tính Hai (nhị) này. Phần nhỏ nhất trong bộ phận
tàng trữ là bit, có thể mang một trong hai trị số,
hoặc 0 hoặc 1. Một đơn vị khác, byte, thường được
coi như chứa 8 bits. Người ta cũng hay dùng bội số
của byte như kilobyte (KB), megabyte (MB), gigabyte
(GB), terabyte (TB), ...(10)
Mặt của đĩa cứng được phủ bằng một chất dễ từ hóa.
Mỗi điểm nhỏ trên đĩa biểu thị cho một bit. Tại mỗi
điểm này từ tính có thể ở một trong hai trạng thái,
hoặc ứng với 0 hoặc ứng với 1. Việc tạo từ (viết),
và nhận ra từ tính (đọc) tại mỗi điểm được thực hiện
bởi một Đầu đọc-viết (read-and-write head) nằm trên
một Cánh tay truyền động (actuator arm). Nhờ cánh
tay này mà đầu đọc-viết có thể di chuyển từ tâm đĩa
ra ngoài để từ đó có thể đọc hay viết tại mọi điểm
trên mặt khi đĩa quay.
Trước kia, đầu đọc-viết chỉ dùng một nam châm để vừa
đọc vừa viết. Nam châm này tạo từ hóa khi viết, và
khi đọc thì nhận ra sự khác biệt trạng thái (ứng với
1 hoặc 0) tại một điểm nhờ hiện tượng Cảm ứng điện
từ (electromagnetic induction)
(11). Nhìn lại từ
ngày bắt đầu được sử dụng trong kỹ nghệ, ta thấy đĩa
cứng được cải tiến liên tục để có thể viết, đọc
nhanh hơn và chứa được nhiều bits hơn. Muốn chứa
được nhiều bits hơn thì người ta phải làm các điểm
từ tương ứng nhỏ đi. Làm nhỏ thì dễ, viết (từ hóa)
vào mỗi điểm cũng không khó. Nhưng càng nhỏ thì từ
trường của mỗi điểm càng yếu do đó không thể đọc
được. Chính khám phá của hai ông Fert và Grünberg đã
giúp các kỹ thuật gia giải quyết nan đề này. Thật
vậy, nếu hiện tượng cảm ứng điện từ không nhận ra sự
biến đổi nhỏ của từ trường thì GMR có thể nhận ra
nhờ sự biến đổi cực lớn (giant) của điện trở.
Để có thể sử dụng GMR, đầu đọc-viết phải được chia
làm làm hai bộ phận riêng rẽ, một đọc, một viết, đặt
gần nhau. Đầu viết vẫn dựa vào nguyên tắc cũ nhưng
đầu đọc sẽ gồm màng kim loại mỏng có cơ cấu căn bản
giống như trong thí nghiệm của hai ông Fert và
Grünberg. Nhờ đó từ nay các nhà sản xuất có thể
thoải mái thu nhỏ những điểm từ (bits) trên đĩa. Để
có thể tăng gấp bội mật độ của điểm từ trên đĩa, một
kỹ thuật có tên Perpendicular recording (tạm dịch:
ghi từ theo hướng thẳng góc), được sử dụng. Theo đó
vectơ từ tại điểm được từ hóa vuông góc với mặt đĩa
và có thể có hai chiều trái nhau để biểu thị hai
trạng thái (1 hoặc 0). Người ta hy vọng, với những
kỹ thuật mới mẻ này, ta có thể viết đến mật độ cỡ
một Tbits/square-inch (một Tbits (terabits) bằng
1000 tỷ bits (10);
một square-inch bằng 6.45 cm vuông).
Cùng với sự cải tiến về mật độ điểm từ trên đĩa,
phần cơ học cũng phải được đổi mới để đĩa có thể
quay thật nhanh. Phải nhanh vì khi đĩa quay càng
nhanh thì lượng dữ kiện được đọc, viết mỗi giây càng
nhiều hơn. Ngày nay đĩa có thể quay với vận tốc đáng
nể, từ 7000 đến 10,000 vòng mỗi phút. Lượng dữ kiện
di chuyển trong lúc vận hành lên tới 80 MB/giây (MB:
megabyte). Với vận tốc quay ghê gớm như vậy, để có
thể đọc, viết một cách chính xác, hệ thống đầu đọc,
viết phải được thiết kế để "bay" thật gần mặt đĩa
nhờ một lớp đệm không khí cực kỳ mỏng. Mỏng đến cỡ
10 - 20 nano mét!
Với sự đóng góp của vô số khoa học và kỹ thuật gia
trong đó có hai ông Fert và Grünberg, đĩa cứng đã
trở thành một công trình kỹ thuật cực kỳ tinh xảo
của thời đại mới.
Để có thể thấy tiến bộ của đĩa cứng trên 50 năm qua,
ta hãy nhìn lại ổ đĩa cứng đầu tiên do hãng IBM chế
tạo năm 1956. Ổ này gồm 50 đĩa cứng có đường kính 24
inches (61 cm). Mỗi đĩa có thể chứa từ điểm trên hai
mặt và quay cỡ 1200 vòng/phút. Toàn bộ hệ thống nặng
cỡ một tấn và có kích thước gần bằng hai cái tủ lạnh
lớn. Sức chứa? Khoảng 4.5 MB (megabytes). Năm nay,
2007, hãng Hitachi đã cho ra đời một ổ đĩa cứng gồm
5 đĩa mỏng, đường kính 3.5 inches (8.89 cm), dùng
cho máy điện toán cá nhân. Toàn bộ có kích thước cỡ
một cuốn sách mỏng, khổ nhỏ. Sức chứa? 1 TB (lưu ý,
một TB bằng một triệu MB). "Nóng mặt," các hãng cạnh
tranh đang ráo riết sửa soạn cho ra mắt một ổ chỉ
gồm 1 đĩa duy nhất mà vẫn có sức chứa cỡ một TB. Ta
hãy chờ.
Ngoài ra, khai triển ý niệm TMR (Tunnelling
MagnetoResistance) ở trên, các nhà sản xuất đang
phát triển một hệ tồn trữ với hy vọng có thể thay
thế RAM (Random Access Memory)
(9). Đó là bộ nhớ
MRAM (Magnetic/Magnetoresistive Random Access
Memory; tạm dịch: bộ nhớ từ khả nhập bất kỳ). MRAM
được thiết kế giống như RAM gồm những mạng điện và
đường chuyển dữ kiện cực kỳ tinh vi. Chỉ khác là
dòng điện thay vì tạo điện tích trong các bộ tụ điện
cực kỳ nhỏ thì tạo ra các điểm từ. Ngoài khả năng có
thể làm tăng mật độ của các điểm từ (giảm kích thước
của mỗi bit), MRAM còn là một loại bộ nhớ kiên định
giống như đĩa cứng. Do đó kích thước của MRAM sẽ nhỏ
và đặc biệt khi bị cắt điện bất ngờ, dữ kiện đang
vận hành không bị mất. Ngoài ra sau khi tắt máy, ta
có thể tái khởi động (restart) nhanh hơn nhờ dữ kiện
cần thiết còn lưu lại trong MRAM. Với RAM, sau khi
tắt máy, dữ kiện bị xóa hết nên khi tái khởi động,
máy phải nạp lại một số dữ kiện thuộc hệ điều hành
(gọi là boot; nạp dữ kiện điều hành). Đây là một
việc không ai thích vì mất thì giờ.
Kết
luận
Như
trên đã trình bầy, khám phá có tính cách cơ bản của
hai ông Fert và Grünberg đã có ảnh hưởng tích cực
vào nhiều ngành kỹ thuật liên hệ đến điện từ học,
trong đó đĩa cứng chỉ là một thí dụ nổi bật. Ngoài
ra, sự khảo sát tường tận về spin của điện tử ở
những lớp màng cực kỳ mỏng của vật chất hy vọng sẽ
tạo nền tảng cho nhiều khám phá quan trọng trong kỹ
thuật nano, một kỹ thuật còn nhiều thách đố nhưng
đầy hứa hẹn.
(1) Một cách
đơn giản, cơ học lượng tử là ngành vật lý liên hệ
đến các hạt tử ở kích thước rất nhỏ. Theo đó, Năng
lượng (Energy), Động lượng (Momentum), Động lượng
Quay (Angular Momentum), cũng như Điện tích (Charge)
được trao đổi theo những luợng Gián đoạn (discrete),
gọi là Nguyên lượng hay Lượng tử (Quantum/Quanta).
Thí dụ như để mô tả mức năng lượng của điện tử
(elecron) trong nguyên tử người ta dùng bốn số
nguyên lượng: Chính (Principal; ký hiệu n), Động
lượng Quay (l), Từ (Magnetic; m) và Spin (s).
n có thể có những trị số nguyên dương từ 1 đến vô
hạn. Với nguyên tử ở trạng thái cơ bản
(ground-state), trị số lớn nhất của n là 7.
l
có thể có trị số nguyên từ 0 đến n-1. Thí dụ như nếu
n=4 thì l có thể là 0, 1, 2, và 3. Các hóa học gia
thường dùng chữ s (viết tắt của sharp) để chỉ khi
l=0, p (principal) khi l=1, d (diffuse) cho l=2, và
f (fundamental) lúc l=3.
Trị số của m phụ thuộc vào l và bằng: –l, -(l-1),
..., 0, ..., (l-1), l. Thí dụ như nếu l=3, m sẽ là:
-3, -2, -1, 0, 1, 2, 3.
s
(hay còn gọi là ms) có thể bằng ½ hoặc -½.
Sự phân bố của điện tử dựa vào một số quy tắc.
a) Quy tắc Aufbau:
Một cách
tổng quát các điện tử (electrons) sẽ lấp đầy các vân
đạo nguyên tử trống ở tầng năng lượng thấp nhất
trước rồi mới vào các vân đạo ở tầng năng lượng cao
hơn. (Aufbau là từ tiếng Đức có nghĩa là xây dựng)
b) Quy tắc Hund:
Trong
những vân đạo nguyên tử có cùng mức năng lượng
(equal-
energy orbitals) mỗi vân đạo sẽ được chiếm bởi một
điện tử trước rồi sau đó những
điện tử có spin trái dấu mới được đưa vào. Thí dụ
như mỗi trong ba vân đạo 2p (2px ,
2py, và 2pz ) giữ một điện tử trước rồi mới nhận
điện tử thứ hai (Friedrich Hund [1896 – 1997] là vật
lý gia người Đức).
c) Quy tắc ngoại trừ Pauli (Pauli exclusion
principle):
Không thể có hai điện tử có cùng
bốn số lượng tử (n, l, m , s) (Wolfgang Pauli [1900
– 1958], vật lý gia Mỹ gốc Áo, đoạt giải Nobel Vật
lý 1945).
Theo trên ta thấy, với mỗi trị số của m ta có tối đa
2 điện tử. Từ đó tầng s có tối đa 2 điện tử, tầng p
có 6, d có 10, và f có 14.
Tính chất của mỗi nguyên tố phụ thuộc vào sự sắp xếp
điện tử (electronic configuration) của nguyên tử
tương ứng, đặc biệt là tầng ngoài cùng. Thí dụ như
sắt (iron) có 26 điện tử, ứng với sắp xếp:
1s(2)2s(2)2p(6)3s(2)3p(6)4s(2)3d(6). Như vậy sắt có
6 điện tử ở tầng ngoài cùng. Tương tự, cobalt có 7,
3d(7), và nickel có 8, 3d(8). Riêng crôm (chromium)
với 6 điện tử ở tầng ngoài cùng, có cơ cấu bất
thường, 4s(1)3d(5).
(2) Albert
Einstein (1879-1955; thắng giải Nobel Vật lý năm
1921) là cha đẻ của Thuyết Tương đối (Hẹp và Rộng).
Thuyết Tương đối Hẹp (Special Relativity) gồm hai
tiền đề: (i)Vận tốc Ánh sáng không đổi đối với bất
cứ Quan sát viên nào (dù đang di chuyển). (ii) Các
định luật Vật lý không đổi trong bất cứ Hệ quy chiếu
Quán tinh nào (Inertial frame of reference; không có
gia tốc). Kết quả từ hai tiền đề này đã làm đảo lộn
các định luật vật lý cổ điển nhất là đối những vật
có chuyển động rất nhanh.
Một cách đơn giản, thuyết Tương đối Rộng (General
Relativity) cho rằng có sự tương đương giữa Trọng
trường (Gravitation) và Gia tốc (Acceleration). Từ
đó suy ra ý niệm Không-Thời gian Cong (Spacetime
Curvature) mà một loại đại lượng có tên Tensor Cong
(Tensor Curvature) có liên hệ đến sự phân bố Vật
chất và Năng lượng.
(3) Richard P.
Feynman (1918-1988) chia giải Nobel Vật lý 1965 với
Sin-Itiro Tomonaga (1906-1979) và Julian Schwinger
(1918-1994).
(4) Những
transistors hiện được chế tạo theo một phương pháp
có tên photolithography (tạm dịch: In ảnh bằng ánh
sáng). Theo một số tài liệu, riêng tại Mỹ, các nhà
máy có thể sản xuất 3 tỷ transistors mỗi giây bằng
phương pháp này. Ánh sáng dùng để "in" transistors
là tia cực tím (ultraviolet light). Nếu những mẫu in
quá nhỏ ánh sáng này sẽ bị nhiễu xạ (diffracted) và
kết quả sẽ mất chính xác. Có nhiều phương pháp khác
nhau được đề nghị để thay thế tia cực tím, như dùng
chùm điện tử (electron-beam) hay tia x
(x-ray),...Tốn phí có thể lên đến hàng trăm triệu đô
la.
(5) Ống nano
(nanotubes) có nhiều loại. Một loại quan trọng,
carbon nanotubes, là những ống có đường kính cỡ nano
mét, bề dày cực mỏng, bằng kích thước của nguyên tử
carbon. Ống này rất dẻo dai và có nhiều tính khác
thường về điện và nhiệt.
Chấm điện tử (quantum dots) là những tinh thể
(crystals) chỉ chứa chừng vài trăm nguyên tử. Chấm
điện tử có nhiều tính chất quang học, điện học và từ
học đặc biệt.
(6) Trong cơ
học lượng tử, spin của điện tử liên hệ đến sự hiện
diện của một động lượng quay (angular momentum)
trong điện tử, không nhất thiết là có sự quay thực
sự của điện tử quanh chính nó. Electron spin-orbit
coupling là sự kết hợp giữa spin vừa kể và chuyển
động của điện tử quanh nhân nguyên tử. Từ đó có sự
thay đổi độ phân tán điện tử khi hướng từ trường
thay đổi..
(7) Một thanh
nam châm có thể hút sắt (Fe), cobalt (Co) hay nickel
(Ni),... rất mạnh nhưng lại hút yếu nhôm (Al), kali
(K) hay magnê (Mg),.. và lại đẩy nhẹ đồng (Cu),
carbon (C), hay bạc (Ag),...Những chất như sắt,
cobalt hay nickel được xếp vào loại thiết từ
(ferromagnetic). Còn những chất tương tự như nhôm,
kali, magnê,...thuộc loại thuận từ (paramagnetic).
Cuối cùng các chất như đồng, carbon hay bạc,... được
gọi là có tính phản từ (diamagnetic).
Từ tính của vật chất sinh ra từ sự quay của điện tử
quanh nhân. Từ đó, có momen của lưỡng cực từ
(magnetic dipole moment) và từ trường (magnetic
field). Có hai loại momen (lưỡng cực) từ. Một loại
kết hợp với một đại lượng liên hệ đến quỹ đạo của
điện tử, có tên momen góc quỹ đạo (orbital angular
momentum). Trong đa số vật chất, hướng của momen góc
thay đổi theo từng nguyên tử. Do đó trị số trung
bình momen từ của tất cả nguyên tử sẽ bằng 0. Loại
momen từ thứ hai kết hợp với momen góc spin (spin
angular momentum) (6). Nếu tất cả những momen góc
spin của điện tử được ghép cặp (paired) với chiều
trái nhau thì momen từ của toàn bộ hệ thống cũng
bằng không. Đây là trường hợp của chất phản từ.
Nhưng nếu có một ít điện tử không ghép cặp thì momen
từ tương ứng sẽ làm vật chất có một ít từ tính vĩnh
viễn. Chất thuận từ nằm trong trường hợp này.
Chất phản từ bị nam châm đẩy nhẹ vì có sự thay đổi
của momen từ để chống lại ảnh hưởng của từ trường
bên ngoài (định luật Lenz). Chất thuận từ được nam
châm hút nhẹ vì, như trên đã nói, có momen (lưỡng
cực) từ vĩnh viễn. Từ trường bên ngoài làm các momen
từ này thẳng hàng (aligned) và chất thuận từ bị hút.
Lưu ý là tính thuận từ dễ mất do ảnh hưởng của Dao
động nhiệt (thermal agitation), vốn có tự nhiên do
nhiệt độ.
Tương tự như chất thuận từ, chất thiết từ
(ferromagnetic) có nhiều nguyên tử chứa những điện
tử không ghép cặp (unpaired electrons) và do đó có
momen từ vĩnh viễn. Trong từng Vùng từ nhỏ (magnetic
domains), cỡ 1mm, những momen từ của các nguyên tử
này thẳng hàng với nhau. Nhưng trong cả khối vật
chất có vô số vùng từ vừa kể và momen từ của mỗi
vùng từ lại có hướng khác nhau. Khi một chất thiết
từ được đặt trong một từ trường thì từ trường này sẽ
làm cho các momen từ của mỗi vùng từ thẳng hàng với
nhau. Sự thẳng hàng này làm chất thiết từ trở thành
một nam châm vĩnh viễn và bị hút mạnh. Lưu ý là khi
bị va chạm mạnh sự thẳng hàng bị xáo trộn và từ tính
của chất thiết từ có thể bị mất. Ngoài ra khi nhiệt
độ tăng thì dao động nhiệt tăng, và khả năng giữ từ
tính vĩnh viễn bị giảm. Khi nhiệt độ lên quá một
nhiệt độ có tên là nhiệt độ Curie thì chất thiết từ
(ferromagnetic) trở thành thuận từ (paramagnetic).
(8) Vì bị nam
châm hút rất yếu nên người ta có thể xếp crôm vào
loại thuận từ (paramagnetic) hay, một cách nôm na,
vô từ (non-magnetic). Thực ra crôm thuộc loại Phản
thiết từ (antiferromagnetic). Theo đó, trong mạng
kim loại, mỗi nguyên tử có spin trái chiều với spin
của nguyên tử bên cạnh. Khi nhiệt đô tăng, hướng của
những spin thay đổi nên từ tính thay đổi. Nếu nhiệt
độ lên cao hơn một nhiệt độ có tên Néel (Néel
temperature) chất phản từ thiết trở thành thuận từ.
(9) Có nhiều
loại tàng trữ (storage) hay bộ nhớ (memory). Một
loại quan trọng có tên là RAM (random access memory;
bộ nhớ khả nhập bất kỳ). Thường được gọi là bộ nhớ
chính (main memory), RAM là một loại bộ nhớ hoạt
động (working memory) của máy điện toán. Đây là nơi
chứa những dữ kiện nhị phân (bits) liên hệ đến những
mệnh lệnh đang tiến hành. Bits được tồn trữ trong
RAM nhờ tác dụng điện trên những transistors và
capacitors (bộ tụ diện). RAM được thiết kế để được
đọc và viết cực kỳ nhanh. Bộ CPU (Central Processing
Unit; Bộ xử lý trung ương) nối trực tiếp với RAM
bằng những đường dẫn dữ kiện gọi là bus. Có hai loại
bus: bus chuyển dữ kiện (data bus) và bus chuyển địa
chỉ (address bus). Trong CPU còn có hai loại bộ nhớ
trung gian là Register (bộ ghi) và Cache (bộ nhớ
ẩn). RAM có thể có hai loại: SRAM (Static RAM; RAM
tĩnh) và DRAM (Dynamic RAM; RAM động). RAM,
register, cache,...có tính Không kiên định
(volatile), nghĩa là sẽ mất hết dữ kiện khi điện bị
cắt. Trong những loại tàng trữ/bộ nhớ Kiên định
(non-volatile) dữ kiện có thể tồn tại mà không cần
dòng điện. Đĩa cứng (viết bằng từ), CD và DVD (viết
bằng tia laser), Flash memory/Memory stick (viết
bằng điện) là những thí dụ của bộ nhớ kiên định.
(10) Những bội
số thường dùng là kilo (K; ngàn: 1,000), mega (M;
triệu: 1,000,000), giga (G; tỷ: 1,000,000,000), tera
(T; ngàn tỷ: 1,000,000,000,000), peta (P; triệu tỷ:
1,000,000,000,000,000), exa, zetta, yotta,...Những
ước số quen biết là milli (m; 1 phần ngàn: 1/1,000),
micro (m; 1 phần triệu: 1/1,000,000), nano (n; 1
phần tỷ: 1/1,000,000,000), pico (p; 1 phần ngàn tỷ:
1/1,000,000,000,000), femto (f; 1 phần triệu tỷ:
1/000,000,000,000,000), atto, zepto, yocto,...
(11) Khi từ
trường thay đổi, từ thông (magnetic flux) biến đổi
và tạo ra dòng điện theo định luật Faraday và Lenz.
Tài
liệu tham khảo
Benson, Harris, University Physics, John Wiley &
Sons Inc., 1996.
Feynman & Leighton & Sands, Lectures on Physics,
Addison-Wesley Co., 1965.
Scientific American: Sept. 2001.
The Royal Swedish Academy of Sciences’ Website.
Sherman Oaks, tháng 11 năm 2007
Nguyễn Trọng Cơ
Đăng
lần đầu ngày 15/12/2007
|