Trở về

Vietsciences-Võ Thị Diệu Hằng       12/01/2008

 

Những người cùng ý tưởng

Bonjour Vietnam

Cuối tháng 2, một người bạn gởi cho  tôi bài phỏng vấn "Những người trở về" của đài truyền hình France 2 do Guillaume Porteu thực hiện.  Đức, 30 tuổi, kỹ sư trường Ecole Centrale nổi tiếng, có việc làm tốt tại France Télécom, cùng vợ là Alexandra 32 tuổi, tốt nghiệp trường  Thương mại Toulouse, làm trong ngành in và con là Roman, 4 tháng rưỡi, cùng "trở về" Việt Nam. Trước khoảng mươi người bạn đến tiễn đưa và hàng triệu khán thính giả truyền hình, Alexandra tự nhiên vạch áo cho con bú. Tôi có cảm tình ngay với người đàn bà trẻ rất cổ điển này. Không dễ gì được diễm phúc bú mẹ cho tới tuổi này mặc dù bác sĩ vẫn khuyên các bà mẹ rằng không có sữa nào tốt, dễ tiêu và cho nhiều kháng thể trẻ bằng sữa me. Nét vui rực rỡ từ cặp mắt thiếu ngủ.

- Cả cuộc đời tôi nằm trong đó, Đức chỉ chiếc xe cam nhông  lớn đầy dần những gói, thùng các tông hành lý.

Chắc  là khó sống lắm vì có sự khác biệt văn hóa quá lớn. Không biết anh có thể chịu đựng nổi một tháng không có bánh mì ngon, bò hầm bourguignon.. không? - một người bạn gốc Việt hỏi.

- Tôi bảo đảm với anh là bên đó có nhiều bánh mì lắm!

Mọi người xúc động theo tiễn ra tận phi trường Roissy. Alexandra ôm hôn từng người, nói trong nước mắt: "Ta sẽ gặp nhau qua webcam vậy!". Hôm đó là ngày Saint Valentin.

  Vợ chồng Phong và Hân, bạn của Đức về Việt Nam trước đó 2 tháng, tới phi trường đón. Sài gòn xưa kia, sau 30 năm, chuyển mình thành một thành phố phát triển mạnh. Việt Nam sục sôi. Trên đường dẫn tới nhà mới , Alexandra  say sưa chăm chú đọc tên từng đường phố rồi chồm người dán mặt sát cửa xe, ríu rít chỉ trỏ rồi vỗ tay: "Cái nhà màu hồng của mình kia rồi!". Căn nnằm ở quận 13 diện tích gấp sáu lần căn phố 55 mét vuông ở Paris. Alexandra quên cả con, tung tăng chạy khắp nơi.

 - Thật quá sức tưởng tượng! Ồ, của tôi tất cả ngần thứ này  sao? Tôi mừng quá đi! Cái bếp rộng và đẹp lắm! Lạ lùng quá, đến một góc trời xa lắc mà cũng là nhà của mình, là quê hương mình!  Thật là xúc đông!

Ngay sau đó, Đức  và Phong được một thông dịch viên đặc biệt đến giúp không công để chỉ dẫn làm giấy tờ xin mở văn phòng.

Hai bà vợ tự do cho ra chợ ngắm rau quả lạ. Alexandra tự nhiên lựa, nắn, bóp, ngửi và hỏi Hân luôn miệng. Có lẽ vì ống kính máy quay phim nên những người bán hàng lịch sự không phản ứng. Sợ nhất là những cô bán hàng  ở Hà Nội, chỉ nhìn thấy nét mặt lưỡng lự của mình là họ đã nguýt hoáy mắng xéo rối.  Alexandra khen ngườì Việt hiếu khách, dễ chịu, cởi mở, dành nhiều thì giờ để chỉ dẫn nhiệt  tình, hơn người xứ của cô.

Họ theo mọi tục lệ: đi chùa, xin xăm,  xem phong thủy nhà cửa vị trí có hạp với  tuổi không rồi khoe mọi sự đều hanh thông cho việc hùn hạp làm ăn. Đức  về Việt Nam mang theo hy vọng giúp phát triển đất nước, tạo việc làm cho nhiều người cho nên dù lợi tức thấp hơn bên Pháp, Đức  cũng rất vui vẻ tiếp tục. Nắm các hợp đồng với khách hàng ngoại quốc trong tay, Đức chỉ cần tìm sinh viên  mới ra trường nói khá tiếng Anh để bắt đầu làm việc. Qua cuộc tuyển lựa đầu tiên, Đức  nhận xét tiếng Anh của các sinh viên chưa đủ trình độ:

- Bên Pháp, người xin việc phải tỏ ra thoải mái, nói năng  nhanh nhẹn, vui vẻ, năng động. Bên này họ giữ gìn ý tứ, khép nép để tỏ ra lễ phép vì nếu "relax" thì sẽ bị coi là khiếm nhã. Bên Pháp khi trả lời câu hỏi "Hãy nói những  ưu và khuyết điểm",  họ sẽ lựa những  khuyết điểm mà thiệt ra là ưu điểm. Thí dụ "tính tôi quá tỉ mỉ, quá cẩn thận, kỹ lưỡng"... còn  bên  này, họ kể thật  những  khuyết điểm của mình....       

Cho dù đang rối tung, Đức vẫn nhớ tới cha, mắt xa vắng:

- Cha tôi mơ khi về hưu, sẽ ở 6 tháng bên này, 6 tháng bên kia. Tôi hy vọng  sẽ cụ thể hóa ước mơ của ông, vì  ông sẽ gặp chúng  tôi tại nơi này...

 Từ ngày bắt liên lạc với Đức, chúng tôi viết e-mail cho nhau thường xuyên. Sáng nay Đức gởi cho tôi bốn cái hình dọn nhà và sáu cái mới hình chụp trong công viên.  Alexandra đầy đặn hơn, Roman già dặn hơn. Mới có hơn một tháng! "...Cô  Hằng ơi, Đức vui lắm. Hãng Officience tiến triển tốt, đã tìm được bốn nhân viên khá, nhưng  cũng  cần phải kiếm thêm  nhiều người biết nói 3 thứ tiếng Anh-Pháp-Việt. Cô nói văn phòng  ở ngay trong  nhà thì tha hồ thức dậy trễ? Không đâu, phải thức rất sớm vì Roman đánh thức mọi người dậy, rồi Alexandra và Đức phải chuẩn bị học tiếng Việt lúc 8 giờ sáng!..."

Những người xa xứ không bao giờ quên nguồn gốc, họ luôn luôn có một phần của hồn mình nằm tại quê hương, khi có dịp là bung mở trái tim cho con, cháu nhìn thấy. Nhờ vậy những người sinh ra trên đất khách mới biết được gốc của mình. Lớn lên họ muốn biết thêm lịch sử, văn hóa tổ tiên để lại. Tổ quốc  vẫn là nơi họ hướng đến, như những con sông phải đổ về biển. Khoảng 3 triệu người Việt tản mạn khắp nơi ngày càng  hướng về xứ sở..

 Văng vẳng đâu đây tiếng hát thủy tinh ngọt ngào của Phạm Quỳnh Anh diễn tả qua lời của Marc Lavoine:


"..Một ngày kia, tôi sẽ qua bên ấy để chào Việt Nam
Một ngày kia, tôi sẽ qua bên ấy, chào linh hồn tôi
Chạm vào linh hồn, cội nguồn, đất của tôi

...Un jour, j’irai là-bas te dire bonjour, Vietnam.
Un jour, j’irai là-bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Toucher mon âme, mes racines, ma terre...."

Đã đăng trên báo Nhịp Cầu Đầu Tư

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Thị Diệu Hằng