Việt kiều và đất nước trong bước đường hội nhập Case study: Nông nghiệp Việt Nam  

Vietsciences-Nguyễn Quốc Vọng       23/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Hội thảo chuyên gia Việt kiều 2007

 

Thế giới và thị trường nông sản trong thế kỷ 21

Bước vào thế kỷ 21, nông nghiệp thế giới đã phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức vô cùng to lớn. Trước hết là sự cạnh tranh gay gắt giữa công nghiệp và nông nghiệp về đất đai. Đô thị hoá đã làm đất nông nghiệp càng lúc càng thu hẹp dẫn đến tình trạng khan hiếm đất canh tác. Tình hình sản xuất manh mún càng ngày càng phổ biến làm giá thành nông sản càng lúc càng bị đội lên cao. Hai là yêu cầu của thị trường có khuynh hướng nghiêng về phía chất lượng và những mặt hàng bổ dưỡng. Ba là những thay đổi về khí hậu, mất cân bằng trong đa dạng sinh học, phát triển đến chóng mặt trong công nghệ sinh học … đã dấy lên mối quan tâm của giới tiêu thụ về môi trường và tài nguyên thiên nhiên, hình thành những đòi hỏi về tính bền vững trong nông nghiệp. Cuối cùng là để bảo vệ mình, giới tiêu thụ đã xây dựng một chế độ kiểm tra chất lượng khắt khe – gọi là quy trình nông nghiệp tốt GAP (Good Agricultural Practice) – để bảo đảm tính an toàn vệ sinh thực phẩm. GAP ra đời có mục đích hướng dẫn những thực hành tốt nhằm ngăn ngừa nhiễm bẩn thực phẩm, đồng thời cũng đã trở thành một công cụ làm rào cản ngăn chận sự thâm nhập nông sản của nước khác.

Những khó khăn thách thức đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia Á Phi nghèo nàn, làm nông sản của họ trở nên mất giá trị, không bán được hoặc phải bán rẻ cho những công ty siêu quốc gia. Những công ty này gia công lại, bán lấy lời nhờ thương hiệu nổi tiếng của họ.

Để sống còn, nông nghiệp thế giới phải thay đổi. Công nghiệp hóa, Hiện đại hoá, Bền vững hoá và An toàn vệ sinh đã và đang trở thành chiến lược cho chính sách phát triển nông nghiệp của hầu hết các nước trên thế giới. Trong đó sản xuất nông nghiệp phải luôn hướng đến 4 yêu cầu quan trọng:

1. Sản xuất lượng hàng hoá lớn dạng công nghiệp;

2. Chất lượng cao và bổ dưỡng;

3. An toàn vệ sinh; và

4. Giá rẻ cạnh tranh.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO, làm thành viên thứ 150 của tổ chức này.

1. Nông nghiệp Viêt Nam trên bước đường hội nhập

Lợi ích cụ thể mà WTO mang lại cho Việt Nam là một thị trường nông sản có trị giá 669 tỉ USD/năm. Nhưng để chen chân vào thị trường này, Việt Nam phải cạnh tranh với 149 thành viên khác, trong đó có những thành viên có nền nông nghiệp cực cao. Nói khác đi, nông dân Việt Nam phải ngay tức khắc đối đầu với nhiều khó khăn thách thức cực kỳ khó khăn để bảo đảm nông sản Việt Nam lúc nào cũng thoả mãn 4 yêu cầu nói trên. Làm sao để sản xuất một lượng hàng hoá lớn, có chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh nhưng vẫn có giá rẻ để cạnh tranh ?

Đối với Việt Nam, trong mọi thời kỳ, nông nghiệp bao giờ cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong bước phát triển về kinh tế và xã hội của đất nước. Tuy chỉ có hơn 7 triệu ha trồng lúa, 1 triệu ha trồng dừa, cao su, trà, cà phê và 1.4 ha trồng rau hoa quả nhưng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nông dân ta đã không ngừng nâng cao sản xuất, đưa Việt Nam trở thành một trong những “đại gia” xuất khẩu nông sản của thế giới. Chúng ta đã xuất những mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến việc cấu thành giá bán của thị trường thế giới. Gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu là những mặt hàng như thế (Bảng 1).

Bảng 1. Thị truờng nhập khẩu thế giới và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào năm 2005. (Nguồn: FAO/http://unstats.un.org/unsd/default.htp).


 
Hàng hoá Thị trường thế giới ( USD ) Xuất khẩu Việt Nam ( USD ) Xuất khẩu Việt Nam    ( Thị phần % )
Rau & Quả 97.900.226.000 260.000.000 0
Hoa 80.000.000.000 10.000.000 0
       
Gạo 9.249.026.000 1.400.000.000 15
Cà phê 7.548.041.000 750.000.000 10
Cao su 7.488.707.000 780.000.000 10
Chè 3.059.002.000 98.900.000 3
Hạt điều 1.569.312.000 418.000.000 27
Hồ tiêu 511.307.000 120.000.000 24
Thế giới 669.063.000.000 3.957.780.000 0,6

 

Bảng 2. Xuất khẩu rau quả và trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc, 2000-2004.

 

Năm 2000 2001 2002 2003 2004
Xuất khẩu sang TQ, triệu USD (% xuất khẩu Việt Nam sang TQ) 120,5

 (57%)

142,0

 (43%)

121,5

(56%)

67,1

(37%)

24,9

(13%)

Tổng số xuất khẩu, triệu USD 213,1 329,9 218,5 182,5 186,8
 

Tuy nhiên khi quan sát các ngành hàng sản xuất và thị trường xuất khẩu, chúng ta thấy nông nghiệp Việt Nam đã có những bất cập như sau:

1. Mặc dù phát triển vượt bậc về ngành lúa nước, cà phê, cao su, hạt điều và hồ tiêu nhưng đây là những mặt hàng thô, không có nhiều lợi nhuận;

2. Các mặt hàng chủ lực của ta có thị trường xuất khẩu không lớn, lúa gạo, cà phê, cao su có thị trường nhập khẩu không quá 10 tỷ USD/năm . Hạt điều và hồ tiêu thì cũng không quá 2 tỷ USD/năm. Trong khi đó Rau quả và Hoa có thị trường rất lớn; cả trăm tỷ mỗi thứ, thì ít được phát triển;

3. Do tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, hàng năm các thành phố lớn bị mất diện tích đất nông nghiệp rất lớn (Hà Nội khoảng 1.000 ha/năm, thành phố Hồ Chí Minh 1.200 ha/năm…). Diện tích nông nghiệp ven đô càng ngày càng manh mún. Ở nông thôn tình trạng manh mún cũng phổ biến vì dân ở nông thôn chia đất cho con cháu, bám vào nông nghiệp để sống. Hoặc nếu không thì bỏ lên đô thị, đất bị hoang hoá!

4. Đô thị hoá tăng nhanh đã gây áp lực tăng năng suất và hệ số quay vòng của đất. Việc áp dụng bất cứ phương pháp sản xuất nào miễn có thể tăng năng suất, giải toả áp lực trên, là giải pháp nguy hiểm, đưa đến sự lạm dụng phân bón, thuốc BVTV làm cho mức độ bền vững môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm càng ngày càng kém đi. Báo cáo của Bộ Y Tế (2006) cho biết trong khoảng thời gian từ 2001 – 2005, đã có khoảng 23.000 người bị ngộ độc thực phẩm trong đó có lý do vì ăn rau. Một trong những nguyên nhân là dư lượng thuốc BVTV cao, có khi cao gấp 5-10 lần quá ngưỡng cho phép MRL. Tình trạng thường xuyên ngộ độc do ăn Rau làm nẩy sinh tâm lý sợ ăn rau, nếu không giải quyết kịp thời sẽ có khả năng tạo thành một nền văn hoá “không ăn rau”của người Việt.

5. Nông sản Việt Nam đang có triệu chứng không phát triển tốt ở thị trường xuất khẩu. Nga đã lưu ý Việt Nam về độ tồn lưu thuốc kháng sinh trong cá basa (VnEconomy 13/3/2007), hơn hai triệu bao cà phê (60kg/bao) bị trả vì chất lượng kém (VnEconomy 6/6/2007), và ngày 25/6/2007, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Norio Hattori đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Thủy sản Việt Nam lưu ý vấn đề tồn dư kháng sinh trong thủy hải sản xuất khẩu sang Nhật: "Từ năm ngoái đến năm nay, liên tiếp tìm thấy chất kháng sinh bị cấm theo luật vệ sinh thực phẩm của Nhật trong mực và tôm xuất khẩu từ Việt Nam. Nếu trong thời gian tới cũng tiếp tục phát sinh các trường hợp vi phạm thì cơ quan phụ trách kiểm dịch của Nhật Bản bắt buộc phải xem xét áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu".

Việc Nhật Bản cảnh báo cấm nhập khẩu hàng thuỷ sản là một báo động nghiêm trọng, nếu không cương quyết giải quyết nhanh và dứt điểm, không những Việt Nam mất đi hàng tỷ đô la xuất khẩu, thương hiệu và uy tín của mặt hàng thuỷ sản "Made in Viet Nam” bị thương tổn, mà phản ứng “dây chuyền” kéo theo những mặt hàng nông sản xuất khẩu khác như gạo, cà phê, trà, hạt điều, tiêu… vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mới là những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

2. Việt kiều và khả năng đóng góp cho đất nước

Học tập, sống và làm việc lâu năm ở những nước đã phát triển, nơi mà nền kinh tế bao giờ cũng dựa trên nền sản xuất dạng công nghiệp với hàng hoá lớn, chất lượng cao và an toàn vệ sinh, trí thức Việt kiều rõ ràng đã quen và có khả năng, nếu không nói là có ưu thế so với đồng nghiệp trong nước, giúp Việt Nam ở bất cứ ngành nghề nào, hội nhập nhanh vào thị trường quốc tế. Cũng nhờ sống lâu năm ở nước ngoài, quen với môi trường làm việc, trí thức Việt kiều khâu rất nhanh mối liên hệ quốc tế.

Không có sự khác biệt hoặc kẻ hở nào với đối tác nước ngoài khi có sự thảo luận về hợp tác, tổ chức, điều hành, công nghệ cao, thậm chí cả tầm nhìn chiến lược về ngành nghề của mình, do vậy lôi kéo nhanh những dự án hợp tác quốc tế, kể cả việc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, vốn được rèn luyện trong nghịch cảnh, trí thức Việt kiều cũng có tính thích ứng cao, rất nhanh trong việc tìm lời giải cho những bài toán khó.

Tóm lại trí thức Việt kiều là những người có chất lượng khoa học và kỷ năng như những “ông tây bà đầm”, nhưng nói tiếng Việt khá hơn khi làm việc, khi giao tế và khi đứng trên bục giảng ở Việt Nam.

3. Việt kiều và con đường trở về đóng góp cho quê hương

Tuy nhiên sự trở về đóng góp của trí thức Việt kiều không hề là một cuộc trở về có trải thảm đỏ. Việt kiều phải kinh qua những con đường khá khó khăn như sau:

1. Quá trình thủ tục làm hồ sơ nhiêu khê. Điều này dễ làm nản lòng những người vốn bận rộn, tất bật “trăm công ngàn việc” như những anh chị em hiện làm việc ở đại học, viện nghiên cứu, công ty.

2. Kiến thức, kỷ năng và kinh nghiệm của Việt kiều chỉ được phát huy tối đa nếu được làm việc trong một cơ quan có cơ chế “đặc biệt”.

3. “Đột phá” là một yêu cầu mà những người trong nước luôn chờ đợi ở trí thứcViệt kiêu. Nếu cho rằng đột phá là những công trình có thể “chuyển biến rõ rệt, để lại dấu ấn trong một lĩnh vực, một cơ sở nghiên cứu khoa học quan trọng” nào đó thì sẽ... không có một Việt kiều nào có thể làm được. Bởi vì đột phá trong khoa học cũng là công trình mang tính cách mạng, dám nghĩ dám làm. Trong khi đó, Việt Nam đã có sẵn những tổ chức với một cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới rồi. Sự đóng góp của Việt kiều như thể một con vít, một bánh xe – giả sử có tốt hơn – cũng chỉ giúp cổ máy ấy trơn tru hơn, chạy ngon hơn, để hội nhập nhanh hơn vào cộng đồng thế giới.

4. Về cuộc sống cá nhân, trí thức Việt kiều phải sẵn sàng tư thế “sống nhà thuê, đi xe máy”. Nhà nước có chính sách giúp trí thức Việt kiều nhanh chóng hoà nhập. Nhưng sử dụng được chính sách này lại phải một lần nữa kinh qua một quá trình thủ tục làm hồ sơ cực kỳ nhiêu khê. Việt kiều làm gì có thì giờ và biết cách để làm những công việc như vậy!

Tạm thay lời kết

Việt Nam là quê hương của chúng ta. Nhưng đấy là một xã hội – bên những mặt được – còn có nhiều mặt chưa được, mà thị trường nhân dụng là mặt chưa được của Việt Nam. Ví dụ như ngành nông nghiệp trong case study này, mặc dù có rất nhiều điều bất cập cần phải làm ngay để góp tay với 70% dân nông thôn, tức 58 triệu người, đối mặt với những khó khăn thách thức nói trên. Vậy mà không ai biết Bộ nông nghiệp/Sở nông nghiệp có cần tuyển nhân viên không? Nếu có thì cần những chuyên viên nào, cho bộ sở nào?

Tuy nhiên nếu ở nước ngoài chúng ta đã phải kiên trì theo dõi job market hàng tháng trởi để tìm một việc làm. Chúng ta đã phải đắn đo suy nghĩ để viết một CV ngắn gọn nhưng nêu bật được những kỷ năng và kinh nghiệm của mình cho thích hợp với cái “position” mình nhắm đến ở đại học, viện nghiên cứu hay một công ty. Thì ở Việt Nam chúng ta cũng phải làm y như vậy. Cho nên dù ở trình độ nào, nhà nghiên cứu đầu ngành hay chỉ mới ra trường, trí thức Việt kiều cũng phải xem thị trường nhân dụng Việt Nam như nước sở tại. Phải nghiêm chỉnh nghiên cứu tình hình ngành nghề của mình ở Việt Nam để biết tình hình khoa học kỹ thuật đã đến đâu, chúng ta phải làm gì, ở đâu, với ai. Khi đã nghiên cứu nghiêm túc, trí thức Việt kiều sẽ thấy Việt Nam cũng có một kiểu làm, một hệ thống tuyển dụng dễ hiểu y như những quốc gia khác trên thế giới.

Làm theo phong cách của các nước tiên tiến cộng thêm với nhận thức mình đang làm việc cho quê hương đất nước, trí thức Việt kiều sẽ thấy chúng ta sẽ có rất nhiều việc - không làm được dài hạn thì ngắn hạn - để đóng góp cho dân tộc. Vì tiếng “hello” chúng ta chào đón phái đoàn đối tác nước ngoài có khác với đồng nghiệp trong nước. Chúng ta có khả năng có thể làm cho cuộc gặp gỡ khác đi: có khi nhẹ nhỏm thoải mái hơn, có khi bớt quan cách hơn, có khi thân thiện hơn nhưng cũng có khi “shut up” được những lộng ngôn của mấy “ông tây” hợm hĩnh... Những cuộc gặp gỡ đấy tuy gọn nhẹ. Những đóng góp nghiên cứu đấy tuy không (chưa?) để lại dấu ấn – trừ những scientific paper viết bằng tiếng Anh đăng ở báo nước ngoài – đã mang về nhiều hợp tác quốc tế trị giá hàng triệu đô la. Rõ ràng Việt kiều đang cùng với trí thức trong nước góp phần thay đổi hình ảnh – nếu chưa phải là nền khoa học kỹ thuật – thì chí ít cũng thay đổi diện mạo của trí thức Việt Nam trước con mắt của các nhà khoa học bạn. Và của thế giới.

Hợp quần được nội lực về tri thức của người trong và ngoài nước. Đấy không phải là một “đột phá” sao?

Trung Tâm Xuất Sắc Rau Hoa Quả-Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam -Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Quốc Vọng