Công trình điều chế dầu diesel sinh học của một sinh viên trẻ

2007.01.29

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tình trạng khan hiếm nhiên liệu trên thế giới đang thôi thúc nhiều nhà khoa học nghiên cứu tìm tòi ra những dạng nguyên liệu thay thế.

Bạn Phạm Văn Đức. Photo courtesy TuoiTre Online.

Một trong những sản phẩm được nhiều người tìm đến trong thời gian qua là dầu diesel sinh học. Ngay tại Việt Nam cũng có một số cơ sở sử dụng các lọai mỡ cá tra, basa để chế ra biodiesel. Gần đây nhất, có một sinh viên trẻ đã thực hiện công trình điều chế dầu diesel sinh học làm luận văn tốt nghiệp.

Đó là bạn Phạm Văn Đức, người vừa tốt nghiệp Đại học Mỏ- Địa Chất Hà Nội và tiếp tục hoàn chỉnh qui trình sản xuất dầu sinh học diesel tại Công ty Đầu tư- Phát triển Tâm Sinh Nghĩa ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mời quí thính giả và các bạn cùng đến với công tình nghiên cứu của nhà nghiên cứu trẻ Phạm Văn Đức trong chương trình Sáng kiến & Đời sống kỳ này.

 

Khó khăn, thiếu thốn mọi bề

 

Sinh ra từ vùng một vùng biển miền Trung, trong một gia đình nghèo khó. Thế nhưng chàng trai trẻ Phạm Văn Đức ham học hỏi đã thi đậu vào Khoa Lọc Hóa dầu, Đại học Mỏ- Địa chất. Để có thể tiếp tục việc học, chàng sinh viên Phạm Văn Đức phải đi dạy kèm các môn. Dù khó khăn thiếu thốn mọi bề nhưng chàng vẫn không nản chí. Và dự án điều chế dầu sinh học diesel trở lại trong đầu Đức chỉ mấy tháng trước khi tốt nghiệp ra trường:

“Được trường phân vào thành phố Hồ Chí Minh thực tập, khi vào đó em gặp một giáo sư tiến sĩ và được đưa ra hai đề tài: một là ăn mòn kim lọai hai là dầu sinh học diesel. Giáo sư đó nói đề tài khó vì Sở Khoa học Môi trường Thành phố đang làm. Trong hai tháng rưỡi em vắt óc suy nghĩ. Em thấy nó phù hợp với nghề của em.”

Phạm Văn Đức nói đến cơ chế chiết xuất dầu biodiesel mà chính bạn nghiên cứu ra:

“Nguyên tắc là theo phản ứng ester, vì phản ứng này rất lâu. Nhật hạn chế bằng tốc độ nhanh hơn qua công nghệ siêu âm; còn nghiên cứu của em là chất xúc tác có tốc độ nhanh như siêu âm. Nếu dùng siêu âm vào Việt Nam thì rất đắt tiền.

Chất xúc tác của em chỉ cần số tiền nhỏ thôi là có hiệu quả. Hiện tại nguyên liệu thì người ta dùng một lọai hoặc là dầu cải, dầu mè, hay cá tra- ba sa thôi; nhưng của em là tổng hợp, không phân lọai đầu nguồn, bao nhiêu hỗn tạp đưa vào cũng xử lý được.”

 

Hoài bão

 

Bạn cũng tâm sự về những khó khăn và hoài bão của bản thân:

“Sau công trình này nếu các nhà đầu tư thực hiện theo ý tưởng của em, nếu kết thúc sớm thì sẽ đi học ở Nhật. Đi Nhật tiếp tục học về ngành dầu khí và nghiên cứu về dầu thải của xe máy tại Việt Nam.

Mong muốn là trong tưong lai đi học và tiếp tục nghiên cứu cho hoàn thiện hơn, cho ra sản phẩm phù hợp điều kiện Việt Nam.”

Cô giáo Nguyễn Thị Bình, phụ trách khoa Lọc Hóa Dầu Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội, nói về công trình của Phạm Văn Đức:

“Đánh giá cấp bộ môn là lọai giỏi, có tính ứng dụng; nhưng lúc đó chỉ mới ở qui mô phòng thí nghiệm. Nếu muốn triển khai ra bên ngoài còn nhiều vấn đề cần giải quyết như khâu nguyên liệu, rồi việc đăng ký bằng sáng chế cho chất xúc tác.

Khi đánh giá thì cho rằng đề tài này độc đáo, có khả năng khai triển. Bộ môn chúng tôi mới thành lập chục năm nay thôi, nhưng Đức là người đầu tiên đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cũng cần có những cơ quan cao hơn đánh giá nữa.”

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.