Những chiến hạm hiện đại

Vietsciences- Đặng Đình Cung   Kỹ sư Tư vấn  30/10/2015

 

 History of Battleships From Dreadnought to Yamato War - Phim tài liệu

Nhiệm vụ của hải quân vẫn không thay đổi từ thế kỷ XVI cho tới nay. Nhưng công nghệ quân trang đã thay đổi rất mau làm cho chiến thuật hải quân và một số loại chiến hạm trở nên lỗi thời từ sau Chiến tranh Lạnh. Bây giờ, chiến tranh trên biển diễn ra trên mặt biển, dưới nước, trên bộ, trên trời và trong vũ trụ viễn thông. Người ta thường chia những chiến hạm thành năm loại tùy theo công dụng của chúng : hàng không mẫu hạm (air carrier), tiềm thủy đĩnh (submarine), chiến hạm trên mặt biển (surface combatant), chiến hạm duyên hải (cost guard ship) và tàu thuyền phục vụ (support boat or ship).

Trong bài này, chúng tôi xin trình bầy những loại chiến hạm hiện đại và công dụng của chúng.

(a) Hàng không mẫu hạm

Người ta phân biệt ba loại hàng không mẫu hạm tùy theo phương pháp máy bay cất cánh và hạ cánh.

- CATOBAR (Catapult Assisted Take Off But Arrested Recovery, Cất cánh bằng máy phóng nhưng hạ cánh bằng dây hãm) dùng cho những phi cơ được trang bị nhiều khí giới và đạn dược nặng như là bom và đạo đạn không đối đất. Đó là những chiến hạm lớn nhất, có độ rẽ lên tới 100.000 tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trên thế giới chỉ có Hoa Kỳ là có những hàm không mẫu hạm như vậy. Ngoài ra, chỉ có Pháp với tàu Charles de Gaulle nhỏ hơn gần một nửa.

- STOBAR (Short Take Off But Arrested Recovery, Cất cánh ngắn nhưng hạ cánh bằng dây hãm) là những tàu chở phi cơ mang súng và đạo đạn không đối không. Những phi cơ này dùng để bảo vệ hạm đội bạn chứ không thể tấn công một hạm đội địch. Người ta chọn giải pháp này để tránh không phải dùng đến máy phóng phi cơ (catapulte), một thiết bị dễ trục trặc mà lại tiêu thụ nhiều hơi nước của tàu. Tàu Kuznetzov của Nga và Thi Lang của Trung Quốc thuộc loại này.

- STOVL (Short Take Off Vertical Landing, Cất cánh ngắn hạ cánh thẳng đứng) chở những phi cơ loại STOVL như là Harrier của Anh hay là Yak-38 của Nga. Những phi cơ loại này chưa chứng minh được khả năng chiến đấu chống một hạm đội hùng mạnh. Nhiều nước nhỏ như Thái Lan đã chọn giải pháp này cho hợp với túi tiền. Thực ra thì chưa ai biết giá trị quân sự của những hàng không mẫu hạm loại STOVL ngoài việc thị oai với những nước nhược tiểu.

Trên phương diện chiến thuật những hàng không mẫu hạm đã thay thế những siêu chiến hạm. Hạm đội có thể được coi là một căn cứ hải-không quân mà một chính phủ có thể di chuyển từ nơi này đến nơi nọ trên thế giới tùy tình hình địa chính. Chúng chủ yếu là những phi đạo nổi dùng cho những phi cơ chiến đấu chống những phi cơ khác, những chiến hạm trên mặt biển, những tiềm thủy đĩnh và những mục tiêu trên bộ. Cũng như những siêu chiến hạm, những tàu này cồng kềnh, đắt tiền mà lại không đủ vũ khí để tự vệ nên phải được những khu trục hạm, tiềm thủy đĩnh và tàu thuyền phục vụ hộ tống.

(b) Tiềm thủy đĩnh

Nhờ có thể lội dưới mặt nước, một tiềm thủy đĩnh là loại tàu tàng hình nhất của hải quân. Với những tàu độ rẽ mỗi ngày mỗi lớn, bây giờ phải nói đến tiềm thủy hạm chứ không thể gọi là tiềm thủy đĩnh nữa. Một tiềm thủy đĩnh hiện đại nặng khoảng 2.000 tấn. Người ta phân biệt tiềm thủy đĩnh chiến lược và tiềm thủy đĩnh chiến thuật.

- Tiềm thủy đĩnh chiến lược là những tàu chở đạo đạn nguyên tử. Đại đa số chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhờ tàng hình và có thể ở tới cả tháng dưới mặt nước, địch thủ không thể phát hiện được để tiêu diệt. Do đó, trong trường hợp một cường quốc bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử thì những tiềm thủy đĩnh của họ vẫn còn nguyên và có thể trả đũa. Các quân sư hy vọng đe dọa trả đũa như vậy sẽ can ngăn một nước tấn công mình bằng vũ khí nguyên tử. Hiện nay chỉ có Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ có loại tiềm thủy đĩnh này.

- Tiềm thủy đĩnh chiến thuật là những tàu dùng để can ngăn (dissuasion) và làm chủ mặt biển (sea control). Có tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhưng đa số chạy bằng dầu. Nhờ tàng hình, những tàu này có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào và đến gần hải cảng địch để thả mìn và bắn phá. Chỉ cần non một chục tiềm thủy đĩnh chạy bằng dầu là đủ để làm tê liệt tất cả quân cảng và thương cảng địch và làm rối loạn mọi di chuyển tàu chiến và tàu hàng địch trên một diện tích nhỏ như là Biển Đông. Do đó hải quân tất cả các nước đều có tiềm thủy đĩnh chiến thuật.

(c) Chiến hạm trên mặt biển

Khi xưa, những chiến hạm trên mặt biển chia ra thành bẩy loại tùy công dụng của chúng : tuần dương hạm (cruiser), khu trục hạm (destroyer), hộ tống hạm (frigate), hộ vệ hạm (corvette). Bây giờ thì khó phân loại như vậy nữa vì công nghệ quân trang đã đổi thay.

 

Khi xưa, những siêu chiến hạm có năm sáu cỗ đại bác 11/14" (280/356 mm) bắn xa tới 40/50 km. Bây giờ, một đại bác 3" (76,2 mm) bắn mau có hỏa lực tương đương với tất cả những cỗ pháo đó. Tiêu chuẩn là mọi chiến hạm lớn hay nhỏ đều chỉ có một súng loại này. Những đạo đạn có tầm bay xa hơn 100 km, có thể đạt tới 500 km, chính xác hơn nhiều lần những khẩu pháo cũ mà lại có sức tàn phá mạnh hơn. Khi đi tác chiến tàu không cần phải mang theo nhiều đạn dược mà mỗi đơn vị đạn lại nhẹ hơn mỗi đơn vị đạn của các cỗ đại bác lớn khi xưa. Hậu quả là kết cấu hạ tầng của tàu không cần phải kiên cố vì không cần phải có những cỗ pháo lớn và khi bắn một viên đạn nhỏ hay một đạo đạn thì lực dật lùi ít hơn là khi bắn với một viên đạn lớn. Ngoài ra, khi bị chúng đạn thì sức tàn phá của đạo đạn đủ mạnh để làm cho tàu mất ngay khả năng chiến đấu. Những lớp giáp quá dày trở nên vô dụng.

Do đó, người ta không cần phải có những chiến hạm lớn được bọc thép nặng nề như xưa. Xu hướng là có một vài chiến hạm đa chức năng, độ rẽ khoảng 2.000/3.000 tấn và một số lớn những tàu nhỏ độ rẽ không quá 1.000 tấn được trang bị đặc biệt cho mỗi chức năng. Hình dáng được thiết kế để tàu tàng hình. Mỗi tàu đều có rada trinh sát, rada hướng dẫn bắn và rada hướng dẫn phi cơ bạn. Vì cần trinh sát xa hơn chân trời các tàu này đều mang theo một hay hai trực thăng. Hải quân các nước nhỏ ưa chuộng các tàu với độ rẽ khoảng 500 tấn được trang bị bởi một cỗ pháo 76 mm bắn mau, hai ổ súng phòng không, một hay hai ống phóng đạo đạn đối hạm, rađa trinh sát và rada điều khiển pháo. Vì có thể tự chế tạo chúng, giá mua hay giá thành lại thấp nên một quốc gia có thể sở hữu được nhiều đơn vị phân tán trên toàn lãnh hải phải bảo vệ và để địch không thể tập trung hỏa lực.

Tuy nhiên, các cường quốc muốn làm bá chủ đại dương phải đóng thêm các chiến hạm lớn tới 10.000/20.000 tấn, mang theo nhiều nhiên liệu và nhiều đạn dược để có thể tuần tra và tác chiến lâu ở xa căn cứ. Các tàu này thường được dùng để hộ tống một hàng không mẫu hạm.

(d) Chiến hạm duyên hải

Chỉ có một số nhỏ cường quốc mới có thể mang hạm đội ra đại dương chiến đấu. Nếu muốn tấn công hải quân một nước nhỏ thì phải đến gần bờ biển của họ. Trừ khi chỉ muốn phá hoại bờ biển địch rồi rút lui, rút cục thì cũng phải đưa quân lên bộ để chiếm đóng hay để bắt dân, cướp đất, cướp tài sản của địch. Vì thế mà đa số các trận hải chiến diễn ra cách đất liền non 50 hải lý nghĩa là trong tầm bắn từ đất liền của những đạo đạn hiện đại.

Để phù hợp với thực tế đó, các lực lượng hải quân dùng các mẫu hạm (carrier) có thể chở thủy quân lục chiến, vũ trang, đại pháo, xuồng đổ bộ, xe thiết giáp và phi cơ trực thăng. Những loại tàu này thì đủ cỡ, từ một tàu chở thuyền phao với một tiểu đội thủy quân lục chiến dùng súng cá nhân đến một tàu lớn tới 50.000 tấn chở năm sáu xuống đổ bộ và cả chục phi cơ trực thăng dùng cho một tiểu đoàn với đầy đủ súng ống xe thiết giáp. Để đối phó với đe dọa này thì các nước có những hạm đội duyên hải gồm bởi những hộ vệ hạm nhỏ mô tả ở phần trển. Đặc tính của những chiến hạm này là lội rất mau và không cần phải ra khơi quá một hai ngày.

Phong tỏa ngăn chặn tàu địch ra khơi kinh doanh hay giao chiến thì hữu hiệu hơn là đuổi theo bắt hay bắn chìm chúng. Để phong tỏa một cảng thì người ta dùng những tàu thả mìn (mine layer) và tiềm thủy đĩnh. Ngược lại, để giải tỏa hải cảng đã bị địch gài mìn thì người ta dùng tàu rà mìn (mine countermeasures vessel), tàu quét mìn (minesweeper) và tàu gỡ mìn (minehunter). Đây là những loại tàu rất đặc biệt không từ tính, không ồn và được trang bị bởi những bộ dò bằng siêu âm và từ trường rất nhậy. Để phát hiện và tiêu diệt tiềm thủy đĩnh địch thì người ta có những tàu chống tiềm thủy đĩnh (anti submarine ship).

Vì duyên hải quyết định sống còn khi địch xâm-lăng, Hoa Kỳ có binh chủng Vệ binh Duyên hải (Coast Guard) và đang dàn lại địa hình hải quân cho chiến trường này. Họ đã thiết kế và đóng những chiến hạm kiểu mới gọi là chiến hạm ven biển (littoral combat ship, LCS). Một hạm đội LCS đang được triển khai tại Singapore. Vì vẫn còn mới nên chưa thể đánh giá khả năng chiến đấu của những tầu này.

(e) Tàu thuyền phục vụ

Một hạm đội cần phải được cung cấp nhiên liệu, đạn dược, thực phẩm và thuốc men cho thủy đoàn. Mỗi hai ngày một hàng không mẫu hạm hạt nhân cũng phải được tiếp tế dầu cho phi cơ. Tàu và thiết bị trên tàu luôn luôn phải được sửa chữa, trùng tu. Ngoài ra, thủy đoàn cũng cần được nghỉ ngơi, giải trí và chữa bệnh.

Do đó, ngoài những chiến hạm hộ tống, một hạm đội còn có những tàu chở dầu, tàu công xưởng, tàu bệnh viện, tàu hàng đi theo. Trung Quốc đang nghĩ tới một tàu giải trí nổi với phòng thể dục, vũ trường và lao động tình dục đi theo hàng không mẫu hạm tương lai của họ. Cho tới nay thì các hải quân sở hữu riêng những tàu phục vụ đó. Nhưng xu hướng là các nước triển khai ngành hàng hải để khi cần thì hải quân thuê hay trưng dụng những tàu phục vụ dân sự.

 

*****

 

Nếu muốn sống yên lành thì phải sửa soạn chiến tranh. Mặc dù không có mưu đồ bá chủ toàn cầu hay tấn công một nước khác, mọi quốc gia cũng phải có một lực lượng liên quân thủy‒bộ‒không quân thì mới có thể tự vệ được.

Trên thế giới có Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Chile và Việt Nam là những nước dài, hẹp, ven biển, biên giới đất liền có núi bảo vệ. Chile có binh chủng hải quân mạnh sát nhập các binh chủng lục quân và không quân. Họ làm như vậy vì muốn thống trị phía nam Thái Bình Dương và họ có thể làm được như thế nhờ quân đội những nước láng giềng yếu kém. Như Việt Nam, hai nước Thụy Điển và Phần Lan không có liên minh quân sự với nước nào hay khối quân sự nào cả. Đặc biệt, Phần Lan khi xưa ở sát bên khổng lồ Liên Sô lăm le muốn thâu tính mình. Như chúng ta, họ chỉ có mục đích bảo vệ lãnh hải và vùng kinh tế độc quyền của họ. Cả hai nước đều có một lực lượng hải quân hiện đại, tinh nhuệ và sẵn sàng chiến đấu gồm bởi hộ vệ hạm, tiềm thủy đĩnh và chiến thuyền ven biển chống tàu ngầm và chống mìn. Na Uy thì cũng vậy nhưng có thêm năm hộ tống hạm lớn vì phải tham gia phòng thủ với khối NATO.

Mọi người đã qua một khóa võ bị đều có thể đoán được Hải quân Nhân dân Việt Nam phải có bao nhiêu chiến hạm thuộc những loại nào.

 

        ©          http://vietsciences.free.fr    Đặng Đình Cung