Xe điện năng lượng mặt trời do sinh viên Việt Nam chế tạo

 

2007.04.16

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Số ngày nắng trong năm của Việt Nam khá nhiều do vị trí địa lý của đất nước thuộc vùng nhiệt đới, gió mùa. Tuy nhiên việc tận dụng năng lượng mặt trời để phục vụ cuộc sống vẫn chưa được triệt để.

 

Trưởng nhóm nghiên cứu Dương Minh Hùng (cầm lái) và thành viên nghiên cứu Lê Hoàng Ri trên chiếc xe điện-năng lượng mặt trời. Hình của báo Tiền Phong

Vừa qua, tại trường Đại học Cần Thơ, một nhóm sinh viên Khoa Công Nghệ đã hưởng ứng kêu gọi của nhà trường tham gia chế tạo ra một mô hình xe điện năng lượng mặt trời. Từ đó có thể ứng dụng làm ra các lọai phương tiện sử dụng năng lượng mặt trời để di chuyển trên các kênh rạch của vùng sông nước Đồng bằng Cửu Long.

Trong chương trình Sáng kiến & Đời sống kỳ này, mời quí thính giả và các bạn cùng đến với chiếc xe điện năng lượng mặt trời đó.

Nhóm sinh viên của Khoa Công nghệ Đại học Cần Thơ tham gia Ngày hội Sáng tạo của Trường Đại học Cần Thơ vừa qua gồm tám người, trong đó sinh viên Dương Minh Hùng là trưởng nhóm. Giảng viên Hùynh Việt Phương là thầy giáo hướng dẫn cho cả nhóm.

Theo thông tin mà nhóm cho hay thì phải mất một năm để thiết kế và năm tuần chế tạo cho ra đời chiếc xe điện năng lượng mặt trời vào thời điểm cuối năm ngóai.

Trưởng nhóm Dương Minh Hùng nói về sản phẩm xe điện năng lượng mặt trời qua cuộc nói chuyện với chúng tôi sau đây:

“Vào đầu năm học thầy hiệu trưởng phổ biến học phải đi đôi với hành. Và Khoa Công nghệ có phát động cuộc thi ‘sinh viên nghiên cứu khoa học’ đưa ra đề tài xe điện năng lượng mặt trời. Chúng em thấy Việt Nam có nhiều ngày nắng, nên chọn đề tài đó. Việc ứng dụngnăng lượng mặt trời cho động lực thì còn mới ở Việt Nam. Lâu nay người ta chỉ dùng để đun nước nóng, thắp sáng …

Nguyên tắc ánh sáng chuyển từ quan năng sang điện năng. Xe sẽ hấp thụ năng lượng mặt trời qua panel, rồi nạp vào bình acqui và chuyển đổi để chạy động cơ. Xe không gây tiếng ồn, tải trọng nhẹ. Do động cơ điện trực tiếp vào bánh xe để không gây tiếng ồn. Vật liệu là composite cho xe nhẹ. Riêng khung, sườn thì tự hàn.

Mô hình thì có nghiên cứu ở trên mạng. Trên thế giới chỉ có gần giống thôi. Sau khi xe làm xong tổng kinh phí là 45 triệu rưỡi. Góp ý của các thầy giáo là hướng tấm năng lượng theo ánh sáng nhiều nhất, vì nay còn cố định trên khung.

Về điểm này thì sẽ sử dụng ‘sensor’ cảm biến để có thể điều khiển các panel quay về đó. Về mẫu mã cũng phải làm cho đẹp hơn. Làm cho trọng lượng nhẹ hơn nữa.”

 

Kế hoạch triển khai

 

Như thông tin mà Dương Minh Hùng cho hay thì sau khi làm ra chiếc xe đầu tiên, nay sản phẩm đó được giao cho khoa và chưa có kế họach triển khai tiếp theo.

Chúng tôi đã tiếp xúc với thầy Dương Thái Công, phụ trách Khoa Công nghệ Đại học Cần Thơ để hòi về vấn đề liên quan thì được ông cho biết:

“Xe của các em cũng đã chạy được; thế nhưng tốc độ còn chậm chỉ 25 cây số/giờ thôi. Để hoàn chỉnh thì những cơ cấu điều chỉnh phải tốt hơn, dáng xe thì còn đơn giản. Cải tiến để ứng dụng thì hiện nay chúng tôi còn khó là những tấm panel thu năng lượng giá thành còn cao. Khoa có gặp những đoàn nước ngoài nghiên cứu về vật liệu mới và đó là hướng của khoa.

Xe điện năng lượng mặt trời này có thể đưa vào những ứng dụng như làm ra những phương tiện tàu du lịch trên hệ thống kênh rạch phục vụ du lịch sinh thái.”

Cụ thể thì kích cỡ chiếc xe điện năng lượng mặt trời do nhóm Dương Minh Hùng làm ra như sau: xe dài 2, 7 mét, rộng 1,3 mét, tổng trọng lượng cân nặng 133 kilogram. Tổng công suất hai động cơ điện 500W.