Thực phẩm chuyển gen

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng      07/02/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

             Thực phẩm  chuyển gen hay Thực phẩm biến đổi gen (GMF-genetically modified food) là thực phẩm mà bản thân chúng hoặc chế biến từ các cơ thể động, thực vật mang các gen tái tổ hợp được chuyển vào một cách nhân tạo nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế.

   

  Nhân dân Kenya đang xem kết quả thực nghiệm về cây ngô kháng sâu nhờ được chuyển gen Bt (gen diệt sâu của vi khuẩn Bacillus thuringiensis

 

          Dân số thế giới đã tăng lên quá 6 tỷ người và dự kiến sẽ vượt quá 12 tỷ người sau 50 năm tới. Vấn đề cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhân loại là một vấn đề rất lớn. Trong các giải pháp được nhiều nước quan tâm đó là việc mở rộng việc nghiên cứu và triển khai các loại thực phẩm chuyển gen. Thực phẩm chuyển gen (GMF) là những thực phẩm được sinh ra hay chế biến từ các cơ thể chuyển gen (GMO- genetically modified organisms). Việc chuyển các gen có lợi vào cây trồng hay vật nuôi là một thành tựu vĩ đại của Kỹ thuật di truyền (genetic engineering). GMF xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với các cây thực phẩm như lúa mỳ, đậu tương, ngô, cà chua...

   

            Trong khoảng thời gian 1996-2005 cây trồng chuyển gen đã được triển khai trên một diện tích rất rộng lớn – khoảng 900 000 km2, có tới 55% là ở Hoa Kỳ. Đến năm 2005 tại Brazil đã có 94 000km2 đậu tương chuyển gen được gieo trồng. Theo thống kê năm 2003 thì cây trồng chuyển gen chủ yếu được triển khai tại Hoa Kỳ (63%), Argentina (21%), Canada (6%), Brazil (4%), Trung Quốc (4%), Nam Phi (1%).Từ năm 2000 đã có 13 nước thực hiện việc triển khai cây trồng chuyển gen. Ngoài các nước nói trên còn có Australia, Bulgaria, Pháp, Đức, Mexico, Rumani, Tây Ban Nha và Uruguay.

 

  

Đặc biệt là ngô (Bt corn) mang gen Bt (chống sâu hại) được gieo trồng rất rộng rãi và thu được hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Ngoài ra là đậu tương kháng được với thuốc trừ cỏ glyphosate nên được nông dân đỡ rất nhiều công sức trừ cỏ. Năm 2006 tại Mỹ 89% diện tích trồng đậu tương, 83% diện tích trồng bông và 61% diện tích trồng ngô là được trồng bởi các giống chuyển gen (GMO hay GMC-genetically modified cultures). Bông và ngô GMC ngoài khả năng chống sâu hại cũng còn có có thêm cả khả năng kháng thuốc trừ cỏ. Từ năm 1994 Công ty Calgene (Mỹ) đã đưa ra thị trường loại cà chua chuyển gen Flavr Savr. Mùa hè 1996 sốt cà chua chuyển gen Flavr Savr đã bắt đầu được bán ở Châu Âu.

 

                                               Chuyển gen kháng sâu bệnh

 

            Đậu tương kháng thuốc trừ cỏ được đưa vào thị trường từ 1996. Giống đậu tương này được trồng rộng rãi ở cả các nước như Argentina, Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc. Ngô kháng sâu hại cũng nhanh chống được trồng ở nhiều nước. Trong tương lai Chuối chuyển gen được coi như một loại nồi phản ứng sinh học (bioreactor) mang kháng nguyên để thay cho vaccine phòng chống  bệnh viêm gan B do HBV... Chuyển gen để thay thế việc tiêm vaccin còn thực hiện thành công ở khoai tây và cà chua.

 Đu đủ chuyển gen Nồi phản ứng sinh học (bioreactor) sản xuất thay vaccine
          Ngoài việc chuyển được vào cây trồng gen kháng sâu hại, gen kháng thuốc diệt cỏ người ta còn chuyển được cả gen đề kháng với một số bênh do virút, vi khuẩn và nấm gây ra ở cây trồng. Bên cạnh đó là việc chuyển gen chịu lạnh cho các cây lương thực, thực phẩm trồng ở các nước ôn đới, đặc biệt là cho thuốc lá và khoai tây, vốn là những cây ít chịu lạnh Cũng đã có những thành công trong việc chuyển gen kháng hạn và kháng mặn cho cây trồng. các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ khoa học thực vật Thụy Sĩ đã thành công trong việc tạo ra giống lúa “vàng” chứa phong phú beta-caroten (vitamin A) và giống lúa này đã được Quỹ Rockefeller tài trợ để triển khai ở một số nước đang phát triển. Với giống lúa này người ta hy vọng se cứu được nhiều người trong số 500 000 người bị mù lòa trên thế giới hàng năm.

 

 

 Gần đây một số thực vật chuyển gen còn được dùng để thu hút kim loại nặng trong đất và làm giải tỏa tình trạng ô nhiễm môi trường bởi kim loại nặng.

              Tòa thánh Vatican và một số quốc gia, một số Tổ chức bảo vệ môi trường đưa ra nhiều lý do để phản đối cây trồng chuyển gen. Có lý do là các phấn hoa  từ cây chuyển gen Bt diệt sâu hại có thể làm chết bướm và một số côn trùng có ích. Có lý do là gen kháng thuốc diệt cỏ có thể chuyển sang cỏ làm giảm hiệu lực của các thuốc trừ cỏ. Một số ý kiến lại cho rằng cây chuyển gen có thể tạo nên các dị ứng nguyên (allergen) mới gây nên hiện tượng dị ứng ở người. Một số nhà khoa học khác lo ngại về tác hại lâu dài của cây chuyển gen. Tuy có những phản ứng gay gắt từ một số quốc gia ở Châu Âu và một số tỏ chức quốc tế nhưng chưa có chứng minh nào được xác nhận rộng rãi và diện tích nuôi trồng  động thực vật chuyển gen (GMO) vẫn đang ngày càng tăng nhanh.               

Tại Hà Nội đã có một Hội thảo khoa học rất đáng chú ý giữa các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam về vấn đề này.Giáo sư Wayne Parrot - một chuyên gia về đất và cây trồng tại Đại học Georgia - nhấn mạnh tiềm năng của thực vật chuyển gen, nhất là ngũ cốc và hoa quả. Ông nói: "Việc thiếu thông tin về thực vật chuyển gen gây ra những nỗi nghi ngờ và sợ hãi cho người sử dụng. Thực tế, công nghệ gen đã làm tăng năng suất, dẫn tới sự giảm giá ngũ cốc trên toàn cầu, khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng trong cộng đồng thế giới ngày một giảm". Tiếp theo, GS. Parrot giới thiệu một số thành tựu mới nhất của công nghệ sinh học, ứng dụng trên đậu nành và ngô chuyển gen ở Mỹ. Hai loài thực vật này, sau khi được chuyển gen, đã có khả năng đề kháng sâu bệnh và cho năng suất cao hơn hẳn.

             Bàn về các vấn đề liên quan đến môi trường và vệ sinh an toàn của thực phẩm chuyển gen,Tiến sĩ Subhash Gupta, Cục kiểm tra sức khỏe động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết: "Ở Mỹ, sản phẩm công nghệ sinh học phải trải qua các cuộc khảo sát kỹ lưỡng bởi nhiều tổ chức trước khi được đưa ra sử dụng cho người hoặc động vật. Vì các tổ chức này đã có những kinh nghiệm cần thiết, nên họ có khả năng bổ sung, tối ưu hóa và đề xuất những quy định mới cho thực phẩm chuyển gen". Ông Gupta cũng nhấn mạnh rằng, quy trình này là rất cần thiết vì chúng tạo niềm tin cho người sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học.

              Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận về nghiên cứu gen, như việc phát hiện các gen kháng sâu và thuốc diệt cỏ, cùng các gen chỉ thị liên quan đến khả năng chống bệnh đạo ôn, bạc lá của lúa, nhân gen, chỉ thị phân tử ADN, nghiên cứu di truyền miễn dịch thực vật, sản xuất vacxin cho gia súc, gia cầm...Tuy nhiên, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu các chuyên gia giỏi, bị hạn chế về đầu tư, hạn chế về công nghệ, về tổ chức, triển khai... Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung mũi nhọn vào nghiên cứu công nghệ gen, chỉ thị phân tử bản đồ gen, hệ gen chức năng (funcional genomics), di truyền miễn dịch, bệnh học phân tử.

         Việt Nam vẫn chưa xây dựng xong quy chế Quản lý về an toàn sinh học và có lẽ phải tới năm 2010 mới có thể hoàn thành (!). Việc thiếu một quy chế về an toàn sinh học, cũng như những vấn đề về sở hữu trí tuệ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, nhãn hiệu sản phẩm... chính là nguyên nhân khiến sản phẩm công nghệ sinh học của Việt Nam chưa nâng cao nhanh chóng được sản lượng, chất lượng và  khó đặt chân vào thị trường quốc tế.

Thực ra thì hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam hiện đều chứa sản phẩm biến đổi gen (như ngô và đậu tương) với một tỷ lệ nào đó, theo điều tra mới đây của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Phần lớn chúng được nhập chính thức qua các công ty liên doanh với nước ngoài, và chưa được kiểm soát. Từ tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen. Theo đó, cho phép nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sinh vật biến đổi gen hoặc sản phẩm của chúng đã được cấp giấy chứng nhận an toàn, song trên nhãn phải ghi rõ: "Sản phẩm có sử dụng công nghệ chuyển gen”. Nhưng đến nay, do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện nên quy chế trên vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng. Qua điều tra trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, rất có thể một số thực phẩm chế biến từ đậu tương, ngô, cải dầu... đang được lưu hành trên thị trường có chứa sản phẩm biến đổi gen mà ngoài nhãn mác không hề ghi rõ.

PGS Lê Trần Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học có một ý kiến rất đáng chú ý:"Việc phát triển thực phẩm biến đổi gen cũng giống như việc đi máy bay, biết rõ là sẽ có rủi ro là máy bay có thể gặp tai nạn, nhưng chúng ta không thể không đi mà chỉ có cách chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo cho chuyến bay an toàn".

Một thời gian dài, các nước EU không chịu nhập thực phẩm chuyển gene của Mĩ, nhưng về sau này họ chỉ yêu cầu thực phẩm chuyển gen phải có lí lịch chuyển gen rõ ràng . Từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước hơn 60% sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến ở các siêu thị Mỹ như bánh pizza, khoai tây lát, xi-rô ngô, bột mỡ, đậu tương, cải dầu,… đều là các thực phẩm chuyển gen.

         Về ý kiến ý cho rằng sinh vật biến đổi gen có thể gây tác hại về lâu dài như chuyển gen sang các loài khác, gây bùng phát dịch, người ăn vào sẽ bị đột biến... PGS Lê Trần Bình cho rằng: những ý kiến như vậy xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, và không chứng minh được tác hại của chúng. Có người vẽ ra viễn cảnh rằng các loài cỏ dại có thể nhận được gen kháng thuốc của lúa, trở thành siêu cỏ và không thể diệt nổi. Thực tế, hiện tượng đột biến ở cỏ, hay phát triển khả năng kháng thuốc là hoàn toàn bình thường, vẫn xảy ra trong tự nhiên, chứ không chờ tới khi có sinh vật biến đổi gen. Mặt khác, đối với thực vật bậc cao, việc gen của cây này "phát tán" sang cây kia chỉ có thể xảy ra thông qua thụ phấn chéo, và chỉ khi chúng cùng loài, hoặc rất gần loài với nhau. Trong lịch sử tiến hóa, chưa bao giờ các loài xa nhau có thể trộn lẫn gen  vào nhau được, nếu chuyện đó xảy ra thì giờ chúng ta đã có đủ loài kỳ quái. Thế giới hiện có tới 50-60 triệu ha cây trồng biến đổi gen, mà chưa có trường hợp nào được ghi nhận là gây ảnh hưởng tới môi trường.

PGS Lê Trần Bình khẳng định việc đưa các cây trồng chuyển gen vào Việt Nam là chuyện chỉ có lợi mà thôi. Ông cho biết:
Việc nghiên cứu sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi chuyển gen thực sự là một cơ hội phát triển và là công cụ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế. Ai đứng ngoài cuộc lúc này thì sẽ bỏ mất cơ hội đó, kéo đất nước đi chậm lại. Công nghệ chuyển gene nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, giảm chi phí phòng sâu bệnh, tạo ra sản phẩm theo ý muốn... Lợi ích của nó là rất lớn. Ví dụ hiện nay, với cây bông thường, một vụ cần đến 16-17 lần phun thuốc trừ sâu. Trong khi với cây sâu kháng bông do ta tạo ra, thì không cần phun thuốc kháng sâu, mà chỉ dùng thuốc kháng bệnh. Như vậy, giá thành sẽ rẻ hơn nhiều giá bông nhập khẩu. Ở đây vấn đề không còn là thích hay không thích nữa, mà là nếu thị trường Việt Nam không chấp nhận cây bông chuyển gene thì mãi mãi chúng ta sẽ vẫn phải nhập 95-98% nguyên liệu. Cũng như vậy, cây đậu tương trung bình cần phun thuốc 6-7 lần/vụ. Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập một lượng lớn để nuôi gia súc. Nếu có loại đậu tương chuyển gene kháng sâu thì sẽ không cần phải nhập khẩu nữa, vì khi đó giá đậu tương trong nước đã rất rẻ rồi.

         Tôi đồng tình với những ý kiến có đầy đủ cơ sở khoa học này và mong muốn Chính phủ sớm ban hành những văn bản chính thức về Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật chuyển gen (GMO) và thực phẩm chuyển gen (GMF)

           

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng