Tìm Hiểu Kì Thi CodeWars:
Cơ Hội Phát Hiện Tài Năng Lập Trình Cấp Trung Học của HP

Vietsciences-Làng Đậu    13/04/2007

Những bài cùng tác giả

Các bạn thân mến,

Được biết qua thông tin, sắp tới đây tại Việt Nam sẽ có một kì thì toàn quốc về tin học cho học sinh bậc trung học tại TP Cần Thơ, sẵn dịp này, LĐ xin giới thiệu về một hoạt động văn hoá khá sôi động của một hãng chuyên sản xuất phần cứng và phần mềm máy tính, đó là hãng HP. Bài viết sẽ cho thấy tính năng động uyển chuyển để giới thiệu, nâng cao hình ảnh của các đại công ty với công chúng đồng thời cũng là những bước chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối. Hy vọng rằng bài viết này sẽ cung ứng được những ý kiến hay ho cho các doanh nhân cũng như các nhà giáo dục về việc tổ chức các kì thi tuyển lựa năng khiếu.  Bài viết này đã được đăng trong một nội san tại Hoa Kì và đuợc tác giả hiệu chỉnh lại cho phù hợp với phong cách trong nước.

Sơ lược về lịch sử, truyền thống, và đặc điểm kì thi Codewars:


Biểu tượng của Codewars 2007

Theo định nghiã từ trang chủ (http://www.hpcodewars.org/ ) thì đây là cuộc tranh tài đẳng cấp cao (first class) dành cho các học sinh trung học được tổ chức tại cơ sở chính của Hewlett-Packard TP Houston, Tiểu bang Texas Hoa Kỳ. Những sự trải nghiệm của kì thi này thực sự không giống với các cuộc tranh tài khác.

Thực tế, Codewars là một kì thi lập trình đồng đội giữa các trường trung học. Mỗi trường có thể cử ra nhiều đội tuyển của mình và tham gia trong bất kì một trong hai hay cả hai trình độ khác nhau: Trình độ cao và trình độ thông thường.

Các cuộc khảo hạch kết hợp một cách thành công bởi nhiều nhân tố phẩm chất: môi trường công nghệ cao của HP, một bình diện rộng của các mức độ thách đố. Ngoài ra, cuộc thi đấu còn thành công nhờ vào  các yếu tố kích thích không kém phần quan trọng như chặt chẽ về mặt tổ chức, không gian thi rộng rãi thoải mái, một khối lượng dồi dào của thực phẩm dành cho "người lập trình" (pizza và caffeine), âm nhạc, và đặc biệt là là rất nhiều tặng phẩm giá trị từ hãng HP và Microsoft trao tặng.

Các học sinh đều hào hứng để vươn  tới các giới hạn cao nhất của mình trong sự tranh đua. Sau khi cuộc thi kết thúc, những đội có điểm số cao nhất sẽ được nhận các giải thưởng. Đây là cuộc tranh tài tối hậu về lập trình cho máy tính của các trung học.

Ki thi Codewars đầu tiên đã diễn ra trong năm 1988 ngay tại cở sở chính HP ở Houston, và sau đó, liên tục mỗi năm số lượng trường tham gia thi đấu ngày càng tăng (năm 2006 có đến hơn 200 trường Trung Học dự thí)  với tổng số học sinh, giáo viên, phụ huynh, người tham gia thiên nguyện và ban tổ chức  lên đến hơn ngàn người.  Đây quả thật là một nan đề cho ban tổ chức. Hầu hết các cuộc thi xảy ra vào tháng 3 (tháng có tuần lễ nghỉ muà xuân) để tiện lợi cho Học sinh nghỉ ngơi và thi đấu không vướng bận chuyện học ở trường

  • Năm 1999 CodWars lần thứ II đã tổ chức tại trường Đại Học Cộng Đồng Tomball cùng một lúc diễn ra sự kiện Sci/Tech Expo tại đó.
  • Năm 2001 là năm đầu tiên số lượng thí sinh tăng cao và cuộc so tài trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
  • Năm 2002 đã có hơn 70 đội tham gia.  Đây cũng là năm đầu tiên cho thi đấu Robot Wars, trong đó bao gồm việc lập trình cho robot để tự tìm đường đạt đến một vị trí định trước
  • Năm 2003 Số lượng và chất lượng kì thi tiếp tục tăng, năm này được tổ chức ở một cơ sở ngoại ô của TP Houston. Chiến thắng cuối cùng chỉ diễn ra ở giờ phút chót cho thấy sự căng thẳng trong thi đấu
  • Năm 2004 cũng tại cơ sở ngoại ô Houston, đã có đến 110 đội tuyển tham gia, cuộc thi rất sát nút
  • Năm 2005 số lượng đội đăng kí dự thi lên đến 150 đội (mỗi đội từ 2-4 em sẽ cho thấy số lượng HS lên hơn 500 em)
  • Năm 2006 đã có hơn 200 đội tuyển từ các nơi về dự và số lượng bài ra thi tăng thành 14 (trong khi thời gian thi đấu không đổi là 3 tếng quả thật là một thử thách cho việc hỗ trợ giữa các thành viên trong đội và tinh thần đồng đội, tinh thần tổ chức phải tốt mới mong giải quyết được nhiều bài có bài trình độ khó ở mức dành cho SV chuyên ngành tin hoc năm thứ 2-3)
  • Năm 2007 Kì thi được tổ chức tại đại sảnh đường chung chính của cơ sở HP ở Houston, số lượng đề bài cũng có 14 bài.  Bài cao điểm nhất với thang điểm 18 và thấp nhất với thang điểm 0 hay 1 tùy theo trình độ đăng kí thi của mỗi đội. Năm 2007 đánh đấu sự thành công và vững mạnh vì toàn bộ phụ huynh học sinh, thầy cô phản ảnh về kì thi này rất tốt đẹp. Chủ tịch kì thi năm này là Scott Harsani, ông cũng đã từng đứng ra làm chủ tịch nhiều kì thi Codewars trong quá khứ.

Sự Chuẩn bị, tinh thần thiện nguyện và sự hỗ trợ của các đối tác

Việc chuẩn bị cho mỗi kì thi CodeWars thực sự công phu, người đứng tổ chức trước đó nhiều tháng đã gửi thông báo ra các nơi bao gồm nội bộ của Hãng và các công ty đối tác có đóng góp hỗ trợ. Trên trang chính của Codewars đồng thời cũng bắt đầu thông báo cho phép các trường trung học đăng kí các đội dự tuyển.  Bảng nội quy tham gia được điều chỉnh cho phù hợp từng năm.

Ở đây, ban tổ chức bao gồm toàn những người làm thiện nguyện và hầu hết là do nhân viên của hãng đứng ra đảm trách mọi công việc. Nhiều buổi họp khoáng đại được tổ chức để phân công phân nhiệm. Chúng ta, phải đặc biệt thán phục tinh thần tự giác của mọi người vì họ tham gia thiện nguyện nhưng không phân biệt loại công tác nào quan trọng hơn, từ việc tiếp tân cho tới việc làm giám thị hay thậm chí chỉ chạy vặt đều được mọi người vui vẻ lựa chọn.  Tùy theo thời gian rảnh cuả từng người họ sẽ lựa chọn tham gia các công tác thích hợp ít hay nhiều như là chuẩn bị quà tặng, tiếp tân, lo thực phẩm, chấm thi, hay chỉ tham gia làm giám thị.

Sự thành công của kì thi còn được ghi dấu bởi tinh thần hỗ trợ của các công ty đối tác hay khách hàng lớn của HP. Năm 2007 các công ty này bao gồm Microsoft, CocaCola, Pepsi, SodecHo, và Chick-fil-la

Việc tuyển lựa đề thi và cách thức ra thang điểm: 

Việc ra đề thi sẽ phải tuân thủ các "nguyên tắc" tương đối nghiêm ngặt sau đây:

  1. Bộ đề thi phải thực sự trải rộng về kĩ năng và kiến thức lập trình từ dể nhất như là chương trình "Hello World" để học sinh kiểm lại họat động máy tính và trình dịch cùng như khởi động cho đến những đề tài tương đối khó đòi hỏi sự sáng tạo và kĩ năng lập trình cao. Sự trải rộng này còn phải hiểu theo nghiã từ những vấn đề lý thuyết đơn giản cho đến những vấn đề thực tế tưởng chừng khó giải quyết bằng máy tính.
  2. Bộ đề phải chính xác, có khả năng giải được bằng máy tính.  Trước khi đề được đưa ra thì những người trong tiểu ban ra đề thi đã phải viết mã thử nghiệm xem xét lại lời giải
  3. Bộ đề phải giải được bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, đặc biệt là Java và C/C++, trong đó phải cứu xét đến giới hạn của trình dịch.  Chẳng hạn các bài toán có liên quan hay cần sử dụng đến kiểu số nguyên 64-bit hay kiểu chấm động không tương thích với các ngôn lập trình chính sẽ phải bị điều chỉnh hay loại bỏ.  Điều này nhắm tránh gây kho khăn cho HS trong việc phải đối phó với những trở ngại khách quan không liên qua gì đến khả năng và kĩ năng lập trình
  4. Đề thi không được lặp lại: các đề đã ra thi sẽ không được dùng lại cho dù là nâng cao nó lên hay điều chỉnh cho hoàn hảo.  Điều này nhằm tránh cho các HS đã thi trong kì trước có lợi thế hơn HS mới.  Ngoài ra, tiểu ban ra đề còn có yêu cầu giảm thiểu các đề thi đã có lời giải sẵn trên Internet. Việc này chỉ là để ngăn ngừa sự gian lận mặc dù nội quy kì thi cũng đã cấm chỉ việc liên lạc ra ngoài (vô tuyến hay hữu tuyến) kể cả cấm dùng Internet và điện thoại di động
  5. Bộ đề phải có đủ bài được đánh giá theo thang điểm từ dể đến khó từ 0 hay 1 điểm cho đến 16 hay 18 điểm tối đa. Thông thường là phải có trên 10 đề bài
  6. Mỗi một đề bài nên được thu gọn trong 1 trang giấy khổ chữ 12 kể cả hình ảnh minh họa. Trong trường hợp những bài với điểm số cao (>10) thì có thể vượt quá 1 trang mô tả nhưng không bao giờ nhiều hơn 1 trang rưởi
  7. Các đề bài lạ và khó mô tả (như là các bài toán làm việc liên quan tới âm nhạc, trò chơi, nghệ thuật, đồ họa, kĩ thuật cao, ...) thường được nâng thêm từ 1-3 điểm trong thang ra đề để khuyến khích tinh thần tham gia tìm lời giải mặc dù thực tế ra, các bài này không khó giải.  Điều này được thi hành là do kinh nghiệm tâm lý: Khi đội tuyển đọc thấy những từ vựng không mấy gần gủi hay hay ho thì tự nhiên phản xạ tâm lý của các em cho là "khó" nên không đụng đến mặc dù thực tế nêú đã hiểu đúng thì bài giải không quá khó khăn.
  8. Đề bài phải được điều chỉnh về văn phong sao cho dể hiểu,  và tạo được sự hứng khởi.  Vì lý do này, mà nhiều đề bài đã phải được cắt gọt chỉnh sửa rất nhiều lần để rồi đôi khi bị loại hẳn.
  9. Đề bài phải tránh được trường hợp các em dùng "hard coding", nghiã là tránh trường hợp các em chép sẵn 1 bảng lời giải từ nơi khác vào để trả lời cho đề thi thay vì phải tự mình mày mò tìm ra giải thuật cho bài toán.  Như vậy, ở đây các bài toán nổi tiếng với số lời giải ít sẽ bị loại
  10. Bộ đề sẽ đùng chung cho hai trình độ đăng kí thi : Thông thường (Novice) và Cao (Advance) -- Những đề bài có điểm số từ 1-3 sẽ không được chấm nếu thí sinh nộp bài giải thuộc về trình độ cao. Nhưng ngược lại để khuyến khích thì không có giới hạn nào cho đội hs đăng kí ở trình độ thường.
  11. Ngoài ra, việc điều tiết các điều kiện ra đề, thang điểm cách chấm điểm cũng được áp dụng để ngày càng hoàn thiện, chính xác và chặt chẽ hơn.

Tổ chức và cách thức thi

Như đã nêu, đây là một kì thi đồng đội nên rất cần sự làm việc ăn ý nhịp nhàng của các em vì số lượng đề bài ra khá lớn mà thời gian thì hạn hẹp (tối đa là 3 tiếng). Mỗi đội thường chỉ có từ 2-4 em. Một lý do buộc các em phải tổ chức phối hợp nhịp nhàng là vì chỉ có thể mở (turn on) đúng một máy tính. Như vậy, trong lúc 1 em dùng máy thì em khác phải lo suy nghĩ tìm giải thuật hay đọc lai các cấu trúc mã hoá để truy tìm lỗi.

Kì thi sẽ có hai không gian tách biệt, một bên dành cho HS thi ở trình độ bình thường và bên kia dành cho HS trình độ cao.  Ngay trước khi vào các bàn thi, thì các em đã được hướng dẫn về điều lệ nội quy, được kiểm tra tên tuổi và phát thẻ báo danh, được cung cấp thức ăn/uống sáng nhẹ và thẻ ăn trưa.  Mỗi đội sẽ tự đem theo máy tính cho đội mình, các em có quyền mang theo mọi thứ sách vở tài liệu tra cứu (ở đây cũng xin lưu ý rằng thời gian sẽ không đủ cho các em mày mò lật từng trang sách mà phải có sự kết hợp làm việc nhịp nhàng)

Thầy cô và một số giám thị có nhiệm vụ trông coi HS của mình cũng như tham gia đem bài đã giải xong nộp cho văn phòng chấm thi gần không gian thi.

Không như các kì thi HS giỏi ở VN, ban tổ chức tin tưởng vào tình thần tự giác của HS. (Và thực sự khó lòng để gian lận vì đề bài không dể mà cũng không thể tìm ra lời giải sẵn ở nơi khác)

Các ngôn ngữ cho phép là Java, C/C++, và Pascal.  Trình dịch cũng giới hạn trong các loại trình dịch cho Windows riêng ngôn ngữ C/C++ phải tương thích với tiêu chuẩn ANSI. Thật sự theo nguyên tắc cởi mở, ban chấm thi cũng không hạn chế ngôn ngữ vì họ chỉ kiểm tra I/O qua một tập tin kiểm nghệm chuẩn gọi đến chương trình mà các em đã tạo ra để kiểm soát tính đúng sai và hoàn toàn không kiểm nghiệm xem mã nguồn viết trong ngôn ngữ nào. Việc kiểm tra cẩn thận mã nguồn hay bài thi chỉ xãy ra khi có sự cố hay có khiếu nại từ phiá học sinh

Tùy trình độ, sẽ có từ 10 -15 đề bài xếp thứ tự từ dể đến khó, bài khó hơn sẽ có thang điểm cao hơn.  Thường bài điểm số cao nhất là 16-18 điểm

Nhiệm vụ của mỗi đội là giải càng nhiều càng tốt trong vòng 3 tiếng

Cách thức kiểm tra chấm điểm

Tùy theo tầm mức, tổ chấm thi lên đến vài chục người (hầu hết là những người làm trong bộ phận R&D). Trong năm 2007 thì tổ chấm thi có hơn 30 người.  Những người này ở trong một phòng cô lập, để tránh việc nhầm lẫn hay sụ cố do số khá lớn các đội tham gia. Các đội đăng kí được nhận diện qua số báo danh và được nhóm thành các nhóm xác định qua các mã màu khác nhau.

Mỗi bài giải được đánh mã màu và HS sẽ nộp từng bài giải dạng khả thi (executable) riêng biệt trong dĩa mềm có nhãn riêng do ban tổ chức đặc biệt cung cấp.  Trên đó các em sẽ điền lên nhãn số báo danh và mã màu của nhóm. HS không được phép dùng diã mềm riêng hay nhãn riêng của mình.

Ban giám khảo sẽ dùng các mẫu I/O chuẩn để nhập dữ liệu vào bài giải của HS và kiểm nghiệm tính đúng sai của ngỏ ra.  Một khi kiểm nghiệm là đúng thì đội đó sẽ nhận trọn số điểm được cho trong thang điểm đối với bài đó. Sau đó, bài giải đúng này được mang qua ban thống kê điểm. Nếu 1 bài giải cho sai kết quả, thì đội gửi bài giải này sẽ nhận về một thông báo ngay lập tức là bài giải chưa chính xác và đội này có quyền xem lại mã nguồn của mình trên máy rồi tái đệ nạp lời giải sau khi đã chỉnh sửa.  Việc tái đệ nạp cùng 1 bài toán sẽ cho phép tối đa đến 5 lần. Tuy nhiên, vì thời gian rất hạn hẹp đa số các đội chỉ chỉnh sữa 1 lần duy nhất và tiếp tục tìm cách giải các đề bài khác hơn là mày mò tìm chỗ sai đôi khi mất rất nhiều thì gian. Như vậy bài nộp chỉ có việc hưởng trọn số điểm cho mỗi bài hay không có điểm nào cả

Một khi có khiếu kiện thì Ban giám khảo sẽ lập tức cử ra người ngồi lại với giáo viên và xem xét cụ thể sự dúng đắn của bài giải.

Để tránh sai sót khi tổng kết điểm, việc ghi điểm và kiểm tra được tiến hành trên nhiều phương thức trong một văn phòng thống kê điểm cô lập khác. Các bài đã được chấm là đúng sẽ được gửi sang phòng này. Tổ thống kê hoạt động như sau:

  • 1 người xướng đọc mã màu, số báo danh, và số định danh (ID) của bài trực tiếp từ nhãn ghi trên diã mềm do HS điền nạp
  • 1 người (tổ trưởng) trực tiếp ghi điểm đó vào cơ sở dữ liệu
  • 1 người đánh dấu lại số điển trực tiếp lên các bảng lớn treo trong phòng thống kê
  • 1-3 người sẽ nhận lại diã mềm, kiểm lại mã màu, số báo danh, và số định danh của bài và ghi lên nhãn có màu phù hợp để kiểm tra trong trường hợp có sự sai biệt (Đổi khi người xướng đọc có nhầm lần thì sẽ được phát hiện tại đây ngay lập tức)
  • Các diã mềm đã được ghi xong dữ liệu sẽ được lưu trữ riêng trong các thùng lớn.  Đặc biệt một vài dĩa mềm với nhãn điền không hợp nội quy sẽ bị loại không tính điểm.
  • Sau khi thi xong thì người ghi nhận cơ sở dữ liệu và người ghi điểm trên các bảng treo sẽ phải kiểm tra lại sự tương hợp hoàn toàn của hai cách ghi này.  Trường hợp không khế hợp sẽ phải dùng đến các nhãn màu và ngay cả kiểm lại chính bản thân nhãn dán trên các diã mềm

Nhận xét trong kì thi 2007:

Theo nhận xét của Scott Harsani người chịu trách nhiệm chính của chương trình Codewars trong nhiều năm thì, trình độ hiểu biết và kinh nghiệm làm việc chung của các đội  ở mức cao đáng ngạc nhiên.  Do đó, đề bài mỗi năm mỗi phải nâng cao ở cấp độ khó hơn.

Các đề bài, đặc biệt dành cho trình độ cao, trở nên khá khó khăn hoặc là về kĩ năng lập trình hoặc là về mặt phương thức giải quyết. Thực sự, đối với trình độ của HS trung học, các đề bài quả thật rất khó đòi hỏi sự nhanh nhẹn và chính xác cao.

Qua kì thi, người viết có thêm một số nhận xét như sau:

Số lượng HS Á châu từ các trường cử lên khá cao (30%-45%).  Trong đó số đội có HS Á Châu chiếm 10 giải đầu cũng ở tỉ lệ cao (lên đến 50-60%)

Một điều đáng để học hỏi là tinh thần tự trọng của các HS cũng như sự tin tưởng vào đạo đức của các đội dự thí của ban tổ chức.  Không có hiện tượng gian lận nào được phát hiện trong kì thi năm 2007.Điều này khó lòng có được nếu như HS không có một nền tảng giáo dục vững chắc từ các phiá các giáo chức có HS tham gia dự thí tại các trường.

Tinh thần thiện nguyện của người bản xứ rất cao, ngoài nhân viên của hãng, còn có nhiều người bên ngoài cùng tham gia phụ trợ cho tổ chức được thành công

Một nhân tố khá quan trọng cho sự thành công là "khuyến khích bằng vật chất". Ngoài các giải chính cho các đội đứng đầu (từ 1-10) thì ban tổ chức có nhiều tặng phẩm cho mỗi HS, mỗi đội cũng như có phần bắt thăm trúng các quà tặng đáng giá như máy tính, máy tính cầm tay, các thiết bị cho máy tính (do hãng HP tặng) và các phần mếm giá trị như Hệ điều hành mới, phiên bản MS office mới của Microsoft.

Thông thường các trung học và các khu học chính (Independent School District- thường được viết tắt là: ISD) mạnh sẽ có được các đội tuyển giỏi giật giải.  Chẳng hạn trong phần giành cho HS trình độ cao của năm 2007 này, thì trường trung học Katy Taylor một trường nổI tiếng đã giành được hai thứ hang nhất và 4 cho trình độ cao.  Chẳng những thế, Khu Học chính  Katy (Katy ISD) cũng là Khu Học chính mạnh nhất đã giành hết 5 trong mưòi vị trí đầu tiên.

Tuy vậy, Một hạn chế đáng tiếc cần ghi nhận là vì lý do địa lý, đa số các trường Trung Học đăng kí đều đến từ tiểu bang Texas. Cho nên kì thi này cũng sẽ khó trở thành một kì thi có tính quốc gia trừ khi có một sự thay đổi nào đó để mở rộng địa bàn thi cho các em sang nhiều thành phố khác.

Môt Thí dụ về qúa trình ra đề và tu chính đề bài

Như 1 thí dụ minh hoạ cho quá trình tuyển chọn đề thi. Xin nêu ra một hoạt động cụ thể của cá nhân người viết bài này trong kì thi 2007.  Tác giả đã đệ nạp tổng cộng 4 bài. Trong đó 3 bài  không được chọn và bài thứ tư liên quan đến "lập trình trò chơi" lại được chọn . Sau đây là chi tiết

Đề tài bị loại là: 

  • Tam giác Pascal (Pascal triagnle) - Lí do: HS có thể phải dùng tới kiểu Long 64-bit mặc dù bài toán đã gìới hạn về độ lớn
  • Số hoàn hảo (Perfect number) - Lý do:  Trước đây đã có đề bài gần tương tự
  • Siêu lập trình (Meta-programming) - Lý do: quá trừu tượng khi HS phải dùng mã C/C++ hay Java để viết ra mã nguồn của ngôn ngữ HTML

Đề bài được chọn:  Quân mã trong cờ quốc tế.  Chi tiết hình thành đề bài như sau

Ban đầu đự tính của người ra đề bài là cứu xét các nước đi tối ưu của quân mã trên bàn cờ tướng Trung Hoa từ điểm A đến điểm B bất kì. Trong đó quân mã sẽ bị giới hạn bởi các điểm chận (do quân đối phương hay quân ta đã chiếm các vị trí chận này).  Tuy nhiên, đến khi viết thành bài thì có một trục trặc là phải dài dòng để giải thích cho HS Hoa Kì hiểu thế nào là một bàn cờ tướng Trung Hoa. Do đó,  bài được chuyển hướng thành việc tính toán các đường đi ngắn nhất của quân mã trên bàn cờ quốc tế từ điểm A đến điểm B thông qua 1 dãy điểm chặn cho trước

Lúc đề baì được đệ nạp thì cũng đã không có sự chấp thuận ngay lập tức mà phải đợi đến buổi họp cuối cùng khi người trưởng ban chấm thi quyết định viết thử mã nguồn bằng C tìm giải thuật cho bài toán và tính thử thời gian giải.

Kết quả: Bài này được chọn do sự đơn giản trong mô tả, minh họa, nhưng lại tương đối khó và giải thuật đối với trình độ phổ thông trung học đã được tìm ra từ ban giám khảo. Bài này được đề nghị với thang điểm tối cao (18 điểm). Đề bài với thang điểm kế đó chỉ có đến 15 điểm.

Kết quả : có tổng cộng 8 đội thuộc trình độ cao giải được bài toán này.

Thưa các bạn,

HS Việt Nam vốn thông minh, cần cù, giỏi toán là tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển kĩ nghệ điện toán. Tuy nhiên, sự thiếu sót trong việc phát hiện, phát triển cũng như các biện pháp khuyến khích bồi dưỡng đúng mức sẽ có thể làm mai một nhiều những tài năng tiềm tàng trong giới HS Trung học. Với nền giáo dục phổ cập thực sự còn yếu kém và thiếu thốn trong nước,  thì khó lòng xây dựng thành công một nền công nghệ tin học tiên tiến so sánh được với các nước mạnh như Ấn Độ, Đài Loan và Trung Quốc  nếu không có sự đầu tư và chính sách ưu đãi thích đáng về nhiều mặt từ phiá chính quyền, từ sự lưu ý cải cách đúng mực hợp lý trong ngành giáo dục phổ thông cùng với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư hay mạnh thường quân trong nước.

Viết và hiệu chỉnh xong ngày 12 tháng 04 năm 2007


Tài Liệu Tham Khảo:

  •  http://vietsciences.free.fr , http://vietsciences.org  Làng Đậu

  •