Big Bang

Vietsciences-ĐKT & VTDH         26 tháng 10/2004
   

Trích bài phỏng  vấn giữa GS Trịnh Xuân Thuận và  báo Week-end về vũ trụ học

Thưa Giáo sư, Thiên văn học là  lĩnh vực của  ông. Ông  đề ra môt cuộc thảo luận với tiêu đề “Big bang và sau đó? “. Big Bang  đã được bao nhiêu lâu? và  làm thế nào Ông chắc chắn là vũ trụ có sự khai nguyên?

Dựa theo những  đo đạt gần đây về các bức xạ hóa thạch mà người ta nghĩ là Big Bang đi ngược về trước 14 tỉ năm. Bằng cách quan sát người ta kê ra ba lập luận để chứng minh Big Bang đã xảy ra.
Lập luận thứ nhất do Edwin Hubble, một nhà thiên văn Mỹ, khai triển năm 1929,  liên hệ tới thuyết bành trướng vũ trụ. Nếu ông tính thời gian để cho một thiên hà đi từ khởi điểm đến hiện điểm, ông sẽ tìm ra rằng  thời gian sẽ giống y hệt nhau, bởi vì khoảng cách tỷ lệ với vận tốc. Bằng chứng được xác minh: thiên hà ở càng xa trái đất vận tốc di chuyển của nó càng tăng một cách tỷ  lệ. 

Lập luận quan sát thứ hai là phù hợp với sự khám phá về caí còn lại của  nhiệt độ khi tạo dựng, mà  người ta gọi là bức xạ hóa thạch, mà ta thấy khắp nơi trong vũ trụ. 

Bằng chứng thứ  ba là tính đồng thể của các nguyên tố hóa  học. Người ta nghĩ rằng Hydrogen và Helium chiếm 90% vũ trụ, được hình thành ba phút sau Big Bang. Tất cả mọi nguyên tố khác đều được hình thành đó trong lòng các ngôi sao. Từ  đó ta suy ra  rằng  nếu mọi vật được làm bởi Hydrogen và nhất là Helium, tỷ lệ hóa học phải đồng nhất khắp nơi. Mọi thiên hà và tinh tú đều luôn  luôn có suýt soát cùng một tỷ lệ Helium hay Hydrogen.

 

Người ta có thể hỏi ông rằng có cái gì trước Big Bang không và vũ trụ sẽ tồn tại trong  bao nhiêu lâu?


Câu hỏi “Có  cái gì trước Big Bang không” không đặt ra đúng lắm,  bởi vì tất cả đều xảy ra đồng thời với Big Bang. Nếu như không có thời gian thì người ta cũng không thể nói về thời kỳ trước thời gian được. Trước thời gian không có thời gian. Dù sao đi nữa, người ta cũng không có dụng cụ vật lý và toán học cần thiết cho việc này. Hiện tại có hai thuyết diễn tả vũ trụ là thuyết vô cùng lớn (thuyết Tương đối tổng quát của Einstein) và thuyết vô cùng nhỏ (Cơ học lượng tử), cả hai được nghĩ ra vào đầu thế  kỷ thứ XX.  Hai thuyết này hãy còn tách biệt nhau, phải nhập cho chúng làm một, đó là Trọng lực Lượng tử, bởi vì trọng lực là căn bản của thuyết Tương đối tổng quát. Nhưng  người ta chưa tiến bộ mấy trên con đường đưa chúng lại gần nhau. Vũ trụ tồn tại trong bao lâu? Hiện tại người ta nghĩ rằng có một vũ trụ phẳng, nghĩa là trương nở  vĩnh viễn.

 Ông có chia sẻ mối bi quan của nhà vật lý Louis Leprince-Ringuet về việc khảo cứu khoa  học, mặc dù có những tiến bộ vẻ vang và sự phát tiển ngoại hạng của khoa học, người nghiên cứu hiểu khoa học dễ dàng, nhưng nó không mang đến một câu trả lời nào cho những vấn đề trọng đại được đặt ra bời tư duy của con người, từ khi con người hiện diện? Có phải khoa học bất lực ở điểm này?

Tôi không chia sẻ ý kiến này. Ngược lại, tôi nghĩ là chúng ta đã được học rất nhiều. Lịch sử  của Big Bang là một lịch sử rực rỡ về nguồn gốc của nó, một lịch sử dài 14 tỉ năm mà mọi người, mọi môn khoa học khác nhau, đều quy tụ nhau để xác minh, tinh lọc, để viết một bức tranh lịch sử từ đó và đưa chúng ta đến hôm nay. Và  tất cả mọi việc đều được tinh luyện ở thế kỷ thứ XX. Ngược lại, tôi nghĩ là sự khảo cứu đã cho ta biết rất nhiều. Tôi thực sự không chia sẻ mối bi quan  này.

Chính ông, ông đã nói ở đâu đó “Nhân loại chỉ là một hạt cát trên bãi vũ trụ rộng  lớn”. Có phải chăng nó mất giá trị và đáng sợ?

Vâng, đúng thế. Ðó là phản ứng mà người ta có thể có. Theo Vũ trụ học hiện đai, ta  phải đương đầu với sự thu hẹp chổ ở của con người trong vũ trụ. Ðúng vậy, trái đất chỉ là một trong các hành tinh trong số một trăm triệu ngôi sao ở trong hàng trăm tỉ thiên  hà. Như vậy  nghĩa là tổng cộng có 100 tỉ x 100 tỉ x 10 nếu một sao có 10 hành tinh. Có vô số hành tinh, và  con người đã bị thu nhỏ đi cả thời gian lẫn  không  gian. Ta có thể lo lắng mà la lên như Pascal đã từng than vào thế  kỳ XVII: “Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô tận làm tôi sợ hãi”. Ông biết không, ngay cả khi người ta chưa học hỏi được hết những gì từ tiếng thét của Pascal, nhất là ỏ thế kỷ XX, tôi cũng không chia sẻ với nỗi bi quan này. Vũ trụ học hiện đại đã cho ta biết là  vũ trụ đã điều khiển một cách vô cùng chính xác cho sự nảy sinh sự sống và con người, điều này cho tôi nghĩ rằng chính chúng ta làm cho vũ  trụ có ý  nghĩa. Tạo ra cái tuyệt đẹp và hài hòa để làm gì nếu không có con người để quan sát nó? Một sự thông minh nào đó phải xuất hiện, việc này trùng hợp với trường hợp của chúng ta, bởi ta chưa khám phá ra những thông minh ngoài trái đất. Từ đó, tôi hân hoan và nói cũng như Paul Claudel: “Sự  lặng thinh vĩnh cửu của những không gian vô tận không làm tôi sợ hãi nữa. Tôi đi dạo ở những nơi đó với niềm tự tin quen thuộc. Chúng  ta  không ở một góc mất hút của sa mạc hoang sơ và vô dụng.  Mọi nơi trong vũ trụ đều là anh em một nhà với chúng ta”

© http://vietsciences.free.fr  Đỗ Kim Thêm và Võ Thị Diệu Hằng