...Những đề tài nghiên
cứu đang thịnh hành bao gồm quá trình tiến hóa của vũ
trụ, sự hình thành của những thiên hà và của những ngôi
sao, sự phát hiện những phân tử trong dải Ngân hà và sự
phát hiện những hành tinh ở bên ngoài hệ mặt trời, đặc
biệt là những địa cầu tương tự như trái đất có khả năng
nuôi dưỡng sự sống...
Những đề tài đang thịnh hành
Trong những thập niên gần đây, nhờ có những kính thiên
văn hiện đại ngày càng lớn và những thiết bị thu tín
hiệu ngày càng tinh xảo cùng những mô hình lý thuyết
có tính đột phá mà các nhà thiên văn đã đạt được
những kết quả quan trọng trong công cuộc khám phá vũ
trụ. Những đề tài nghiên cứu đang thịnh hành bao gồm
quá trình tiến hóa của vũ trụ, sự hình thành của
những thiên hà và của những ngôi sao, sự phát hiện
những phân tử trong dải Ngân hà và sự phát hiện
những hành tinh ở bên ngoài hệ mặt trời, đặc biệt là
những địa cầu tương tự như trái đất có khả năng nuôi
dưỡng sự sống. Năm 2011 cũng là năm ngành thiên văn
được tôn vinh. Ba nhà vật lý thiên văn đã được trao
giải Nobel vật lý về công trình phát hiện sự tăng
tốc trong quá trình dãn nở vũ trụ, dựa trên những
kết quả quan sát các “sao siêu mới”. Loại thiên thể
này là tàn dư của những ngôi sao vừa mới bùng nổ
trong những thiên hà nên rất sáng và được dùng để đo
khoảng cách của những thiên hà xa xôi và sự tiến hóa
của toàn thể vũ trụ.
Các nhà thiên văn vẫn tiếp tục
tìm hiểu quá trình hình thành và tiến hoá của những
thiên hà. Theo những kịch bản đã được đề xuất thì vũ
trụ khi vừa mới ra đời đã phải trải qua một thời đại
tối tăm kéo dài hàng trăm triệu năm
khi những thiên hà và những ngôi sao đầu
tiên chưa xuất hiện. Chính trong thời đại nguyên
thuỷ âm u này mà cơ chế tạo ra các ngôi sao và các
thiên hà lại hoạt động tích cực, nhờ có lực hấp dẫn
kết tụ vật chất để tập trung thành những cấu trúc có
quy mô lớn, tiền thân của những chùm thiên hà. Tuy
nhiên, những thiên hà mới được hình thành vẫn chưa
đủ nóng để phát ra ánh sáng mà chỉ phát ra những bức
xạ hồng ngoại. Khí quyển trái đất hấp thụ bức xạ
hồng ngoại và gây khó khăn cho việc thu nhận các bức
xạ này qua kính thiên văn đặt trên mặt đất. Cho nên
để có những điều kiện quan sát tối ưu trong vùng
sóng hồng ngoại, kính thiên văn phải được phóng ra
ngoài khí quyển trái đất.
Kính thiên văn Planck của Cộng
đồng Châu Âu đã được phóng lên không gian năm 2009
để quan sát vũ trụ khi hãy còn trong thời kỳ phôi
thai. So với những kính thiên văn không gian thế hệ
trước, kính Planck lớn hơn và được trang bị những
thiết bị có độ nhạy cao nên chỉ sau một năm hoạt
động, kính Planck đã phát hiện được hàng nghìn nguồn
bức xạ hồng ngoại. Đây là kho số liệu rất phong phú
để sau này các nhà thiên văn khẳng định bản chẩt của
những thiên thể do kính Planck phát hiện. Planck còn
khẳng định là vũ trụ không đồng đều, mà đa phần
dường như là trống rỗng hơn là dự đoán. Những chùm
thiên hà và vật chất tập trung thành từng chuỗi
trong không gian vũ trụ, tương tự như những dây mạng
nhện. Những kết quả này chỉ như là món khai vị đối
với các nhà thiên văn, những kết quả mong đợi sau
này mới sẽ được dùng để nghiên cứu bức xạ phông vũ
trụ, tàn dư của Big Bang.
Kính không gian Herschel được
trang bị phổ kế cũng được phóng cùng chuyến với kính
không gian Planck để quan sát bức xạ hồng ngoại và
vô tuyến phát ra bởi vật chất trong vũ trụ.
Khi hai thiên hà đâm trực diện vào nhau
Theo những kịch bản lập ra trước đây thì các thiên hà
và các ngôi sao được hình thành từ những đám khí khi
chúng kết tụ lại dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn.
Những vụ thiên hà va chạm vào nhau cũng là nguyên
nhân của sự sản sinh ra các ngôi sao. Một phát hiện
mới của các nhà thiên văn năm nay chỉ ra là khi vũ
trụ hãy còn non trẻ và chứa nhiều khí thì các ngôi
sao trong thiên hà được hình thành do những đám khí
đông đặc lại. Những thiên hà thời kỳ sau chứa ít khí
hơn nên sự va chạm giữa những thiên hà mới là nguyên
nhân của sự hình thành của những ngôi sao. Sau khi
hai thiên hà đâm vào nhau thì sự sản sinh ra những
ngôi sao bỗng nhiên bùng lên từng đợt. Lý do là
trong quá trình va chạm, những đám khí trong những
thiên hà có thể đã thưa thớt nhưng bỗng được tập
trung và kết tụ lại thành những ngôi sao. Cảnh tượng
kỳ vĩ các thiên hà va chạm nhau đã từng được quan
sát thấy trong vũ trụ. Một trong những công cụ hiện
đại, như hệ kính giao thoa vô tuyến ALMA gồm 66
ăngten đặt tại Chilê bắt đầu được đưa vào hoạt động
trong năm 2011. Trong thời kỳ thử nghiệm, hệ kính đã
thu được hình có rất nhiều chi tiết của hai thiên hà
đang đâm trực diện vào nhau.

Hai thiên hà (NGC 4038 và NGC 4039) đang
đâm trực diện vào nhau và khởi động một quá
trình sản sinh hàng loạt ngôi sao. Hình ghép
chụp bằng hệ kính vô tuyến ALMA và kính
không gian Hubble phát hiện những chi tiết
chưa từng quan sát thấy trước đây. (B.
Saxton, NRAO/AUI/NSF; ALMA,ESO/NAOJ/NRAO;
HUBBLE, NASA,ESA).Các nhà thiên văn cũng dùng kính không gian Hubble để
quan sát thật sâu trong vũ trụ, tức là quan sát
những thiên hà vừa mới được hình thành không lâu sau
Big Bang. Thiên hà ở càng xa thì ánh sáng của thiên
hà càng mất nhiều thời gian để truyền tới trái đất.
Do đó, quan sát những bức xạ thu được của những
thiên hà xa xôi có nghĩa là quan sát những thiên hà
khi chúng hãy còn rất non trẻ. Các nhà thiên văn
phát hiện được một thiên hà ở độ tuổi khoảng 500
triệu năm sau khi vũ trụ ra đời. Thiên hà này rất
trẻ so với 13,7 tỷ năm tuổi của vũ trụ. Quan sát
những loại thiên hà này giúp các nhà thiên văn hiểu
được môi trường trong vũ trụ nguyên thuỷ. Những kết
quả của kính Planck cũng được dùng để nghiên cứu tác
động của vật chất tối và năng lượng tối trong quá
trình hình thành những cấu trúc tạo ra vũ trụ quan
sát thấy hiện nay. Vật chất tối và năng lượng tối là
thành phần không nhìn thấy nhưng là cơ bản trong vũ
trụ.
Năng lượng tối, vật chất tối và lỗ đen phàm ăn
Vũ trụ dường như là vô hình, vật chất phát ra những bức
xạ thu được trong kính thiên văn chỉ tương đương với
kkoảng 5% tổng năng lượng trong vũ trụ. Đa phần năng
lượng trong vũ trụ là năng lượng tối và vật chất tối
không phát hiện được trực tiếp bằng kính thiên văn.
Sự hiện diện của năng lượng tối và vật chất tối chỉ
được suy ra từ sự quan sát chi tiết bức xạ tàn dư
của Big Bang và từ quy tắc chuyển động của các thiên
hà. Các thiên hà tập hợp được thành từng chùm mà
không bị tan rã, chính là nhờ có lực hút hấp dẫn của
vật chất tối. Còn năng lượng tối là một lực đẩy
chống lại lực hấp dẫn và làm tăng tốc độ dãn nở của
vũ trụ. Tuy nhiên, bản chất của năng lượng tối và
vật chất tối vẫn chưa được xác định.
Những kết quả thú vị trong năm
qua liên quan đến những lỗ đen. Những thiên thể siêu
đặc này được hình thành trong vũ trụ nguyên thuỷ và
cũng là nhân của tàn dư của những sao siêu mới sau
khi đã nổ. Các nhà thiên văn của Đại học Berkeley sử
dụng kính thiên văn lớn cùng kính không gian Hubble
vừa mới phát hiện được một loại lỗ đen khổng lồ nặng
bằng hơn hai nghìn lần lỗ đen trong tâm của dải Ngân
hà. Lỗ đen siêu nặng này ẩn náu trong vùng trung tâm
của hai thiên hà NGC 3842 và NGC 4889 cách trái đất
khoảng 300 triệu năm ánh sáng. Trường hấp dẫn của
những lỗ đen cực kỳ mạnh cho nên khi có sự va chạm
giữa những thiên hà thì các lỗ đen trong thiên hà dễ
sáp nhập với nhau để trở thành những lỗ đen siêu
nặng. Vì lỗ đen không nhìn thấy và không phát ra bức
xạ nào, nên chỉ được phát hiện qua tác động đối với
môi trường xung quanh lỗ đen. Quỹ đạo của những ngôi
sao gần lỗ đen thường bị nhiễu bởi trường hấp dẫn
của lỗ đen. Vật chất xung quanh lỗ đen cũng ma sát
vào nhau và nóng lên để phát ra bức xạ X. Sự có mặt
bức xạ X ở một nơi nào trong vũ trụ là một triệu
chứng có một lỗ đen đang ẩn náu trong đó.
Những đám khí và bụi phun ra từ
những ngôi sao là món ăn ưa thích của lỗ đen. Khi
quan sát qua kính thiên văn lớn VLT của Cộng đông
Châu Âu đặt tại Chilê, các nhà thiên văn đã chứng
kiến được trực tiếp một bữa tiệc của lỗ đen khổng lồ
Sagittarius A* nặng gấp 4 triệu lần mặt trời đang ẩn
náu ở trung tâm dải Ngân hà trong chòm sao Nhân Mã
(Sagittarius). Họ quan sát thấy một đám khí và bụi
nặng khoảng ba lần trái đất đang lao thật nhanh vào
lỗ đen và có khả năng sẽ bị xé tan trong vài năm
nữa. Tác giả những cuốn khoa học viễn tưởng hình
dung lỗ đen như những con quái vật và nếu chẳng may
các phi hành gia bén mảng đến gần lỗ đen thì sẽ bị
hút và kéo dài ra như sợi mì spaghetti ! Lỗ đen có
thể được coi là vật chất tối vì không nhìn thấy,
nhưng đa phần vật chất tối là những hạt vật chất nhỏ
hơn hạt nguyên tử và vẫn còn là một thực thể bí ẩn.

Lỗ đen khổng lồ Sagittarius A* ẩn náu ở
vùng trung tâm Ngân hà đang sắp nuốt một đám
khí bén mảng đến gần. Đám khí (ở phía bên
trái hình chủ yếu là hidro và hêli trộn với
bụi đang lao vào miệng lỗ đen với tốc độ hơn
8 triệu km/giờ và bị kéo dài ra như sợi
spaghetti dưới ảnh hưởng của trường hấp dẫn
cực kỳ mạnh của lỗ đen, trước khi đám khí bị
lỗ đen nuốt chửng. Những ngôi sao (đốm sáng)
xung quanh lỗ đen cũng bị hút bởi lỗ đen và
chuyển động tán loạn trên quỹ đạo (những
đường cong màu xanh). (ESO/MPE/Marc
Schartmann).
Truy tìm những địa cầu trong dải Ngân hà
Từ năm 1995, sau khi hành tinh đầu tiên được phát hiện
ở ngoài hệ mặt trời, các nhà thiên văn vẫn tiến hành
cuộc truy tìm các hành tinh khác. Năm 2011 đã có
những phát hiện thú vị liên quan đến đề tài khoa học
này. Trong số hàng trăm tỷ ngôi sao trong dải Ngân
hà, thể nào chẳng có một số sao có hành tinh quay
xung quanh. Tuy nhiên, khoảng cách biểu kiến (quan
sát từ trái đất) giữa ngôi sao và hành tinh đồng
hành là rất nhỏ, nên kính thiên văn không có đủ độ
phân giải để phân biệt được hai thiên thể. Hơn nữa,
hành tinh không tự phát ra ánh sáng mà chỉ phản
chiếu ánh sáng của ngôi sao, nên hành tinh rất mờ so
với ngôi sao sáng chói. Do đó, các nhà thiên văn
phải áp dụng những thủ thuật tinh vi để phát hiện
hành tinh.
Nếu có một hành tinh quay xung
quanh ngôi sao thì trường hấp dẫn trong hệ sao làm
ngôi sao xê xích chút ít, khi gần khi xa người quan
sát. Do đó, tần số của bức xạ sẽ tăng giảm (hiệu ứng
Doppler). Hành tinh rất nhẹ so với ngôi sao nên có
tác động tương đối yếu. Sự xê xích của ngôi sao, tuy
chỉ rất ít, nhưng cũng có thể đo được bằng phổ kế
của kính thiên văn. Phương pháp thứ hai là đo trực
tiếp độ giảm ánh sáng của ngôi sao mỗi khi hành tinh
quay trước mặt ngôi sao. Vì hành tinh rất nhỏ so với
ngôi sao nên độ giảm của ánh sáng cũng rất thấp. Sự
đo đạc độ xê xích và độ giảm ánh sáng của ngôi sao
là những phương pháp rất tinh tế cần được thực hiện
công phu.
Sự truy tìm những hành tinh ở
ngoài hệ mặt trời đã đạt được những kết quả đáng kể
trong năm 2011. Cho tới nay, các nhà thiên văn đã
tìm thấy khoảng 700 hành tinh mà đa số là những hành
tinh chứa toàn là khí và lớn hơn cả hành tinh Mộc,
hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời. Mục tiêu hiện
nay của các nhà thiên văn là phát hiện những hành
tinh nhỏ và có vỏ rắn tương tự như trái đất và có
khả năng có sự sống trên đó. Họ áp dụng kỹ thuật đo
bằng phổ kế và đã phát hiện được một siêu địa cầu
(được đặt tên HD 85512 b) lớn hơn trái đất khoảng
3,5 lần nhưng chỉ nằm ở rìa “vùng có thể ở được”.
Vùng này có khoảng cách thích hợp, không quá gần
hoặc không quá xa ngôi sao trung tâm và có nhiệt độ
vừa phải để nước có thể tồn tại ở thể lỏng. Trong
vùng có thể ở được, sự sống có khả năng nảy nở như
trên trái đất.
Vệ tinh Kepler của NASA được
phóng lên không gian năm 2009 để quan sát 100.000 hệ
sao bằng kỹ thuật đo độ giảm ánh sáng của ngôi sao
trong thời gian ngôi sao bị che bởi hành tinh đồng
hành. Kepler đã phát hiện được hơn 2000 thiên thể có
khả năng là hành tinh. Trong năm qua, Kepler đã tìm
thấy hai hành tinh được đặt tên là Kepler 20e và
Kepler 20f có kích thước tương tự như trái đất. Tuy
nhiên, quỹ đạo của hai hành tinh này nằm quá gần
ngôi sao nên nhiệt độ trên bề mặt hành tinh nóng từ
400 tới 800 độ C. Trên nguyên tắc thì sự sống như
trên trái đất dường như không thể tồn tại trên hai
hành tinh này. Trước đây vào năm 2007, các nhà thiên
văn sử dụng kính đặt tại Chilê và cũng đã phát hiện
trong hệ sao Gliese một số siêu địa cầu nặng hơn
trái đất ít nhất 5 lần. Mới đây, NASA công bố đã tìm
thấy một hành tinh được đặt tên là Kepler 22-b chỉ
nặng hơn trái đất 2,5 lần và nằm trong vùng có thể ở
được.

Trong hệ sao Kepler 22 (hình vẽ
trên cùng) có hành tinh Kepler 22-b
tương tự như trái đất nằm trong “vùng ở
được” (Habitable Zone ). Để so sánh, hình vẽ
giữa tượng trưng hệ mặt trời trong đó có
hành tinh Thuỷ (Mercury, gần mặt trời nhất),
Kim (Venus), Trái đất (Earth) và Hỏa (Mars).
Kim và Hỏa ở hai bên rìa vùng ở được. Đốm
sáng ở giữa những quỹ đạo là ngôi sao Kepler
22 và mặt trời. (NASA/Ames/JPL-Caltech )
Cho tới nay chưa có kết quả quan sát nào chứng minh
được trực tiếp sự hiện diện của sinh vật trên các
hành tinh khác. Sự phát hiện những địa cầu tương tự
như trái đất và có điều kiện lý hóa thích hợp với sự
sống, đặc biệt là nước ở thể lỏng, sẽ là một sự kiện
quan trọng trong quá trình tìm kiếm những hành tinh
nuôi dưỡng được sinh vật. Các trạm tự động đã được
phóng lên một số hành tinh trong hệ mặt trời để quan
sát trực tiếp hành tinh. Những quan sát mới nhất
phát hiện là có khả năng có nước và có vi sinh vật ở
dưới bề mặt hành tinh Hỏa, láng giềng của chúng ta
trong hệ mặt trời. Kính không gian Herschel khẳng
định là vệ tinh Enceladus của hành tinh Thổ phun
những cột nước nóng rồi bốc hơi để tạo ra một vành
đai xung quanh hành tinh. Sự hiện diện của nước là
rất cần thiết, bởi vì nước hòa tan hóa chất để tạo
ra những chất hữu cơ tiền thân của sự sống.
Những kính thiên văn lớn sẽ được
dùng để phát hiện tầng khí quyển của những hành tinh
tìm thấy trong vùng ở được. Một phần ánh sáng của
ngôi sao trung tâm bị hấp thụ, sau khi truyền qua
tầng khí quyển của hành tinh. Ánh sáng của ngôi sao
sẽ được phân tích bằng phổ kế sau khi bị hấp thụ để
phát hiện và khẳng định bản chất của những chất khí
trong khí quyển hành tinh. Trong hệ mặt trời, hành
tinh Kim láng giềng của trái đất, sẽ đi qua trước
mặt mặt trời ngày 6 tháng 6 năm 2012. Đây sẽ là cơ
hội hiếm có để các nhà thiên văn thử nghiệm phương
pháp quan sát khí quyển của một hành tinh gần gũi
nằm ngay trong hệ mặt trời.
Di chuyển dân cư lên những hành tinh khác ?
Hiện nay, dân số trên trái đất đã lên tới 7 tỷ người.
Theo dự đoán, số dân cư có khả năng tăng lên gấp đôi
vào cuối thế kỷ 21. Nguồn tài nguyên trên trái đất
có thể sẽ không đủ để cung cấp cho nhân loại nếu dân
số cứ tiếp tục gia tăng, nên đã có những đề nghị di
chuyển dân cư lên những hành tinh khác, nếu cần
thiết. Trong dải Ngân hà, hành tinh gần nhất mà các
nhà thiên văn cho là nằm trong vùng ở được cách trái
đất 20 năm-ánh-sáng. Một con tàu vũ trụ có tốc độ
khoảng 1/10000 tốc độ ánh sáng phải để ra 200 nghìn
năm mới bay tới đích. Hành tinh này không phải là
nơi cư trú tiềm năng. Trong hệ mặt trời, ngoài trái
đất ra, chỉ có hai hành tinh láng giềng Hỏa và Kim
là có kích thước tương tự như trái đất, có vỏ rắn và
có khí quyển. Hai hành tinh này không nằm trong vùng
ở được, nhưng ở bên rìa.
Hành tinh Kim gần mặt trời hơn
trái đất và có tầng khí quyển rất dày chứa nhiều khí
hiệu ứng nhà kính CO2 nên nhiệt độ tăng
lên tới khoảng 500 độ C. Hành tinh Kim cũng không
phải là nơi thích hợp với sự sống. Hành tinh Hỏa xa
mặt trời hơn trái đất nên lạnh hơn. Cho nên phải có
những biện pháp làm môi trường trên các hành tinh
thân thiện với đời sống của con người và phải là
tiền đề của sự di dân. Có nhà khoa học đề xướng
những biện pháp độc đáo để thay đổi môi trường. Tầng
khí quyển của hành tinh Hỏa rất mỏng manh nên họ đề
nghị có thể thay đổi quỹ đạo của những thiên thạch
để chúng đâm vào hành tinh. Trong quá trình va chạm,
vật chất của thiên thạch bốc thành khí làm khí quyển
của hành tinh Hỏa dày lên và phong phú thêm về mặt
hóa học và đồng thời làm tăng nhiệt độ trên hành
tinh thông qua hiệu ứng nhà kính. Sao chổi là những
khối nước đóng thành băng nên cũng có thể là nguồn
cung cấp nước nếu được đẩy để rơi xuống hành tinh.
Hiện nay, những biện pháp này hãy còn nằm trong phạm
vi khoa học viễn tưởng.
Triển vọng của thiên văn học
Hiện nay, những kính thiên văn lớn đặt trên mặt đất đều
có thiết bị loại trừ tác động của khí quyển gây ra
nhiễu làm hình của những thiên thể mờ đi. Kính ALMA
đặt tại Chilê hoạt động theo phương thức giao thoa
và có độ phân giải và độ nhạy cao chưa từng có trong
lĩnh vực sóng hồng ngoại và vô tuyến. Kính thiên văn
phóng ra ngoài khí quyển trái đất đòi hỏi nhiều kinh
phí và có kích thước không lớn vì bị hạn chế bởi
trọng tải của tên lửa, nên kính không có độ phân
giải cao. Kính thiên văn thế hệ mới đặt trên mặt đất
sẽ chụp được hình rất sắc nét của các thiên thể và
cung cấp cho các nhà thiên văn những kết quả lý thú.
Máy gia tốc LHC đặt tại ngoại ô thành phố Genève
cũng được dùng để phát hiện những hạt cơ bản tiên
đoán bởi các nhà vật lý lý thuyết, nhằm nghiên cứu
sự hình thành của vật chất trong vũ trụ.
Triển vọng tìm thấy những địa cầu
cỡ nhỏ và có vỏ rắn tương tự như trái đất, trên đó
có khả năng có sinh vật, dù dưới dạng vi sinh vật,
cũng sẽ là một sự kiện quan trọng, không những về
mặt khoa học mà cả về mặt triết học. Sự phát hiện sự
sống trên các hành tinh khác có thể trả lời phần nào
câu hỏi, liệu chỉ có một hay nhiều thế giới trong
dải Ngân hà. Xưa kia, Giordano Bruno, một tu sĩ kiêm
nhà thiên văn người Ý, vì đã đề xướng là trong vũ
trụ có vô vàn thế giới văn minh, trái với quan niệm
của giáo hội hồi đó, nên đã bị tòa án xử thiêu.
Sự phát sinh ra sự sống là một
quá trình vô cùng lâu dài. Sự tiến hóa từ sinh vật
đơn bào tới loài người với bộ óc chứa tới hàng tỷ tế
bào cũng là một quá trình rất phức tạp. Sự phát hiện
sinh vật sinh sống được trên những hành tinh có điều
kiện lý-hóa khác với trên trái đất sẽ giúp các nhà
khoa học so sánh và tìm hiểu sự hình thành ra sinh
vật. Trên nguyên tắc, hành tinh phải có một khí
quyển chứa những loại khí thích hợp với sự sống, đặc
biệt là oxi và hơi nước như trên bề mặt trái đất.
Tuy nhiên, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không
Vũ trụ NASA vừa phát hiện thấy là vi khuẩn có thể
sinh sống trong một môi trường chứa đầy thạch tín
(arsenic), ở dưới đáy một cái hồ ở vùng California.
Không những thế, trong ADN và tế bào của vi khuẩn
cũng chứa thạch tín. Như chúng ta biết, thạch tín là
một hóa chất rất độc hại. Kết quả nghiên cứu này
thật là bất ngờ và làm cho các nhà thiên văn phải
xét lại quan niệm của họ về sự hiện diện của sinh
vật có khả năng sinh sống được trên các hành tinh có
môi trường có thể là khác hẳn môi trường trên bề mặt
trái đất. Nước được dùng làm dung môi để tạo ra sự
sống trên trái đất. Nhưng trên Titan chẳng hạn, vệ
tinh lớn nhất của hành tinh Thổ, không có nước nhưng
lại có amoniac. Giả thử nếu amoniac là dung môi để
tạo ra sự sống trên Titan thì tế bào của “dân cư”
(nếu có) trên Titan không chứa oxi mà lại chứa nitơ.
Dân cư trên Titan có lẽ phải uống amoniac (trong có
nitơ) thay cho nước (trong có oxi) mới thoả mãn được
những cơn khát !