Phi thuyền Nga liên tục rớt, trạm vũ trụ quốc tế có thể không còn phi hành gia

Vietsciences-  Nguyễn Quang Riệu        01/09/2011

 

Những bài cùng tác giả

Bức ảnh do các nhà du hành trên trạm ISS chụp trận bão Irene đổ vào Hoa Kỳ, ngày 26/8/2011

Bức ảnh do các nhà du hành trên trạm ISS chụp trận bão Irene đổ vào Hoa Kỳ, ngày 26/8/2011 REUTERS

Trọng Thành

Sau vụ phi thuyền Progress M 12-M bị nổ 325 giây, ngay sau khi cất cánh khỏi sân bay vũ trụ Baikonour (Nga), nhiều câu hỏi đặt ra về số phận của trạm vũ trụ quốc tế ISS. Hôm qua 30/8/2011, ông Mike Suffredini, phụ trách trạm ISS tại Cơ quan vũ trụ và không gian quốc gia Mỹ NASA cho biết, có khả năng các nhà du hành vũ trụ sẽ được sơ tán khỏi trạm vũ trụ quốc tế này.

Người phụ trách trạm ISS tại Cơ quan vũ trụ và không gian quốc gia Mỹ đã có một cuộc họp báo qua điện thoại từ Houston (Texas), ngay sau khi cơ quan không gian Nga thông báo, phi thuyền tiếp theo sẽ chỉ có thể được phóng lên không gian vào cuối tháng 10 năm nay. Ngày 29/8/2011, giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos, ông Alexei Krasnos, đã khắng định điều này. Như vậy chuyến bay dự kiến đưa các nhà du hành lên ISS vào ngày 22/9 đã bị hủy bỏ. Hai nhà du hành Nga Andrei Borissenko và Alexandre Samokoutiaive, cùng nhà du hành Mỹ Ronald Garan, sẽ chưa thể trở về Trái đất vào ngày 8/9 tới như dự kiến.

Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos cho biết, nếu việc đưa phi thuyền lên ISS vào cuối tháng 10 không được thực hiện, thì phải tính đến giải pháp phải sơ tán toàn bộ các phi hành gia. Ông Mike Suffredini, phụ trách trạm ISS tại Nasa, khẳng định, nếu không có người ở, rất có thể trạm vũ trụ này sẽ bị mất. Nhiệm vụ của NASA là bảo vệ trạm vũ trụ ISS, kết quả của sự đầu tư rất lớn của nhiều quốc gia. 

Được biết trạm ISS được xây dựng từ năm 1998 và được hoàn thành vào năm 2010, tốn khoảng 100 tỷ đô la, mà một phần lớn trong đó do Hoa Kỳ chi phí.

Cũng theo người phụ trách của Cơ quan vũ trụ quốc tế Mỹ, trạm vũ trụ này có thể vận hành mà không cần người điều khiển trực tiếp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, tình trạng không người ở như vậy không nên để kéo dài quá lâu.

Hiện nay, nhóm phi hành gia trên ISS bao gồm sáu thành viên, ba người Nga, hai người Mỹ và một người Nhật. Theo lệ thường, cứ sáu tháng một lần, ê kíp này lại luân chuyển. Hiện thời, Nasa vẫn lạc quan về khả năng cơ quan vũ trụ Nga có thể xác định được các nguyên nhân đã gây ra vụ phóng hỏng vừa qua, và tiến hành một đợt phóng mới kịp thời để đưa ba phi hành gia khác lên đổi phiên, tránh khả năng phải sơ tán toàn bộ ê kíp trên trạm vũ trụ.

Nasa cũng như cơ quan vũ trụ Nga không muốn mạo hiểm để các phi hành gia trên trạm vũ trụ lâu quá sáu tháng theo qui định, vì quá thời hạn này, ảnh hưởng của phóng xạ trong không gian sẽ không tốt cho những người này. Bên cạnh đó, hai phi thuyền Soyouz, chở sáu phi hành gia cũng không thể gắn liên tục với trạm ISS quá 200 ngày, vì nhiên liệu dùng cho động cơ của phi thuyền, dưới tác động của môi trường, sẽ bắt đầu biến chất. Chỉ có dự trữ thực phẩm cho các phi hành gia là không đáng ngại, vì có thể còn đủ dùng trong một năm.

Việc phi thuyền Progress bị rớt, tiếp theo ba vụ phóng hỏng khác từ tháng 12/2010, là một thất bại đau đớn đối với Roskosmos, cơ quan vũ trụ Nga. Hiện tại trạm vũ trụ ISS phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong việc vận chuyển các thiết bị và nhu yếu phẩm, và đặc biệt là các phi hành gia (với giá 50 triệu đô la/một người). Phải đến năm 2015, Hoa Kỳ mới có khả năng sản xuất được một phi thuyền thực hiện được nhiệm vụ này.

Về ý nghĩa của trạm vũ trụ ISS đối với các nghiên cứu khoa học vũ trụ và ý nghĩa của sự có mặt trực tiếp của con người trên không gian, trong các nghiên cứu vũ trụ. Sau đây mời quý vị theo dõi phần giải thích của nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu từ Paris.

 

RFI : Như giới thiệu về các hoạt động của Cơ quan Không gian Châu Âu, các chuyến bay lên vũ trụ có chở người, và các hoạt động của các nhà du hành tại trạm Không gian Quốc tế là một trong các mục tiêu chính của tổ chức này. Vậy Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa của các hoạt động này đối với ngành thiên văn học và các khoa học láng giềng ?

Nguyễn Quang Riệu : Không gian giữa những ngôi sao và giữa những hành tinh là một môi trường rộng mêmh mông chủ yếu là ở dạng khí rất loãng và phi trọng lực, tức là không có trường hấp dẫn. Trái đất là một hành tinh có tầng khí quyển bao bọc xung quanh và có trường hấp dẫn tương đối mạnh. Muốn nghiên cứu những hiện tượng thiên nhiên thì các nhà khoa học có thể dùng những trạm quan sát phóng lên không gian để thoát ra khỏi màn khí quyển nhằm quan sát được rõ ràng các thiên thể và không bị chi phối bởi trường hấp dẫn. Để đạt được yêu cầu, các nhà khoa học đã xây trạm ISS ở độ cao khoảng 300 – 450 km . Trạm ISS được xây từ năm 1998 và dự kiến được hoàn thành vào năm 2012.

Trạm ISS là một phòng thí nghiệm quốc tế chủ yếu là để các phi hành gia thực hiện những cuộc thí nghiệm trong điều kiện phi trọng lực.

Trên trái đất trường hấp dẫn có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình chế biến hợp kim từ những kim loại khác nhau. Những cuộc thí nghiệm trong môi trường phi trọng lực trên trạm ISS cung cấp những thông tin quý giá cho sự tạo thành những hợp kim trong các lò luyện kim trên trái đất. Những cuộc thí nghiệm sinh học được thực hiện để nghiên cứu quá trình tiến hóa và phát triển cuả thực vật và sinh vật.

Trong lĩnh vực thiên văn, ISS là nơi để quan sát những bức xạ vũ trụ, chủ yếu là những tia vũ trụ phát ra từ mặt trời và các thiên thể trong dải Ngân hà và trong vũ trụ. Quan sát những tia vũ trụ từ trên cao khi chúng chưa tương tác với khí quyển và vẫn giữ được nguyên vẹn tính chất nguyên thủy như ở thời điểm vừa mới xuất phát thì có thể cung cấp cho các nhà vật lý thiên văn những thông tin bổ sung cho những kết quả quan sát từ mặt đất về bản chất cuả những hạt vật chất trong vũ trụ.

Quan sát trái đất từ trạm ISS và từ các vệ tinh cũng có mục tiêu phục vụ ngành khí tượng. Theo dõi và tiên đoán quỹ đạo cuả những cơn bão lớn như cơn bão Irène đổ bộ tuần vừa qua trên vùng biển phía đông nước Mỹ đã giúp dân chúng đề phòng kịp thời và giảm tối thiểu những tai hoạ cuả cơn bão.

Cơ thể cuả chúng ta đã được tạo thành để chống lại lực hấp dẫn. Trái tim cuả chúng ta hoạt động để thắng được lực hấp dẫn nhằm bơm máu lên não và để dòng máu lưu thông khắp cơ thể. Nếu không có lực hấp dẫn trên trái đất thì quá trình chuyển động cuả máu sẽ bị đảo lộn. Các phi hành gia thường ở hàng tháng trong không gian chật hẹp trên ISS. Mối quan hệ và cách đối xử với nhau và sức khỏe cuả họ trong môi trường phi trọng lực được theo dõi để rút kinh nghiệm cho công việc tổ chức những cuộc hành trình trong tương lai đến những hành tinh xa như hành tinh Hỏa.

RFI : Trong quá khứ, việc các nhà du hành làm việc trong không gian là chuyện bình thường. Tuy nhiên gần đây, có nhiều ý kiến đặt lại ý nghĩa của hoạt động con người trên trạm vũ trụ, trong bối cảnh các vụ phóng phi thuyền do Nga phụ trách liên tục bị hỏng. Việc đưa con người lên trạm quỹ đạo hay lên không gian rất tốn kém và dường như không giúp ích gì thêm cho việc nghiên cứu, mà thực ra mang tính « chính trị » nhiều hơn. Xin giáo sư cho biết ý kiến về quan điểm này ?

Nguyễn Quang Riệu : Đã có ý kiến cho rằng sự đóng góp về mặt khoa học cuả trạm ISS chưa được coi là đáng kể mà lại cần nhiều kinh phí để hoạt động. Tuy nhiên, ISS là một công trình xây dựng quốc tế lớn nhất được thực hiện lần đầu tiên trên không gian, nên ISS là một công trình tiêu biểu cho sự hợp tác giữa các nhà khoa học trên thế giới, nhằm tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên. Xây dựng trạm ISS chỉ là bước đầu trong công việc nghiên cứu không gian vũ trụ gần trái đất.

Đề án thám hiểm trực tiếp những hành tinh trong hệ mặt trời bằng cách cho phi hành gia đổ bộ lên hành tinh đang được nghiên cứu. Hành tinh Hỏa là một mục tiêu tiềm năng cho sự thám hiểm, bởi vì nước đã được phát hiện trên hành tinh Hỏa và nước ở thể lỏng là dung môi có khả năng hòa tan các nguyên tố hữu cơ nguyên thủy để tạo ra tế bào sinh vật. Sự phát hiện ra sinh vật ở bên ngoài trái đất, dù dưới dạng vi sinh vật, cũng sẽ là một sự kiện có ý nghĩa. Về phương diện khoa học, hành tinh Hỏa có những đặc điểm tương đồng với trái đất, nên sự quan sát hành tinh Hỏa có thể mang lại những thông tin bổ ích về sự hình thành cuả sự sống trên trái đất. Các nhà thiên văn đã quan sát hàng trăm hệ sao và phát hiện được những hành tinh quay xung quanh. Trong vũ trụ hẳn phải có vô số hành tinh trong đó có những hành tinh có vỏ rắn như trái đất có khả năng chứa được sự sống. Sự phát hiện ra sự sống ngoài trái đất cũng sẽ là một sự kiện quan trọng về mặt triết học. Từ thời xa xưa, nhân loại vẫn đặt câu hỏi liệu có sinh vật trên các hành tinh như trên trái đất hay không ?

Tuy nhiên, phóng người đổ bộ lên hành tinh Hỏa rất tốn kém, kinh phí được ước tính là vài chục tỷ đôla mỗi lần. Hiện nay, công nghệ làm động cơ đẩy phi thuyền chưa đủ cao nên cuộc hành trình khứ hồi tới hành tinh Hỏa cũng phải mất khoảng 12 tháng, chưa kể thời gian ở lại trên hành tinh. Còn nếu muốn thám hiểm những hành tinh ở rìa hệ mặt trời thì cuộc hành trình phải kéo dài tới vài chục năm. Trong khi chờ đợi công nghệ tiên tiến hơn để chế tạo được động cơ đẩy tàu nhanh hơn thì giải pháp thích hợp nhất hiện nay là thả những trạm tự động không có người lái để thăm dò bề mặt những hành tinh và phát hiện dấu vết của sự sống, dù dưới dạng hóa thạch. Đồng thời phóng vệ tinh để quan sát khí quyển cuả hành tinh nhằm phát hiện những loại khí như trên trái đất có khả năng nuôi dưỡng sự sống.

RFI : Như giáo sư đã cho biết, trong câu trả lời đầu tiên, trở lại vấn đề trạm vũ trụ quốc tế, các điều kiện quan sát các bức xạ vũ trụ thuận lợi hơn trên mặt đất, vậy giáo sư có thể cho biết cụ thể là : trong những trường hợp nào thì quan sát/nghiên cứu vũ trụ bắt đầu từ mặt đất thì tốt hơn, và trong những trường hợp nào bắt đầu từ trạm vũ trụ thì tốt hơn ?

Nguyễn Quang Riệu : Quan sát những hành tinh trong hệ mặt trời bằng phi thuyền chỉ là quan sát một không gian nhỏ ở mức vi mô so với kích thước cuả dải Ngân hà và cuả toàn thể vũ trụ. Các nhà thiên văn phải sử dụng những kính thiên văn đặt trên mặt đất và phóng lên không gian để quan sát những thiên thể xa xôi.

Trạm ISS chật hẹp nên không phải là nơi để đặt kính thiên văn. Những kính thiên văn vũ trụ như kính Hubble đã được phóng ra ngoài màn khí quyển trái đất để quan sát được sắc nét các thiên thể. Tuy nhiên, những kính thiên văn vũ trụ thường là loại nhỏ bởi vì trọng tải phóng lên không gian bị hạn chế. Kính thiên văn càng lớn thì càng hứng được nhiều photon và quan sát được những thiên thể càng ở xa trong vũ trụ. Những kính thiên văn lớn hiện đại được đặt tại các đài thiên văn có gương lớn từ 8 đến 10 m và có khả năng hoạt động tương tác với nhau theo phương thức giao thoa để có độ phân giải rất cao, tức là có khả năng phân biệt được những chi tiết rất nhỏ.

Hiện nay, những hệ kính thiên văn lớn đặt trên mặt đất được xây bằng kỹ thuật tinh xảo và có khả năng loại trừ được nhiễu do màn khí quyển gây ra. Kính thiên văn thế hệ sau sẽ có kích thước lớn khoảng 50 m và sẽ được xây với sự tham gia cuả nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học sử dụng những kính ngày càng lớn để quan sát được thật sâu trong vũ trụ và sẽ được chứng kiến những khám phá thú vị, không những trong lĩnh vực thiên văn mà cả trong lĩnh vực vật lý cơ bản, bởi vì vũ trụ là một phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại.

RFI : Xin chân thành cảm ơn giáo sư Nguyễn Quang Riệu.

 

ISS có thể bị bỏ hoang sau vụ phi thuyền Nga phát nổ

Phi hành gia trên ISS hồi hộp chờ tin từ Nga

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Quang Riệu