RFI phỏng vấn Nguyễn Quang Riệu về cuốn sách "Vũ trụ Huyền Diệu"

Vietsciences- Nguyễn Quang Riệu          14/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

Nghe RFI phỏng vấn GS Nguyễn Quang Riệu về cuốn Vũ Trụ Huyền Diệu

Thanh Hà (RFI) phỏng vấn Nguyễn Quang Riệu về cuốn sách "Vũ trụ Huyền Diệu", phát ngày thứ sáu 12/9/2008

Lời giới thiệu cuả Thanh Hà:

Mùa xuân vừa qua, nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu đã cho ra mắt "Vũ trụ Huyền diệu" (Nhà Xuất bản Thanh Niên), sau những "Vũ trụ Phòng thí nghiệm Thiên nhiên Vĩ đại", "Lang thang trên Dải Ngân hà", "Sông Ngân khi tỏ khi mờ" và "Bầu trời Tuổi thơ". Trong vỏn vẹn 186 trang, tác giả gửi đến bạn đọc nhiều kỷ niệm buồn vui trong ngót 50 năm cuả một nhà nghiên cứu. "Vũ trụ Huyền diệu" không phải là một quyển sách giáo khoa, cũng không hẳn là một loại sổ tay hay nhật ký, vì mới ở vài trang đầu độc giả đã bị cuốn hút vào thế giới riêng cuả một người đã từng lang thang trên Dải Ngân hà và trên trái đất để săn lùng, để khám phá hay quan sát sự chuyển động cuả những ngôi sao trên trời, cuả những thiên hà trong vũ trụ. Và nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu liên tục đưa người đọc đến gần với những thiên thạch hay bức xạ maser. Ông giới thiệu qua về sự phát hiện cuả những phân tử phức tạp đầu tiên trong Ngân hà, rồi ông lại rủ ta quan sát bầu trời Nam Bán cầu cùng thám hiểm hệ mặt trời qua những trạm tự động. Cũng có khi tác giả cùng chúng ta đi ngược dòng thời gian trở lại quãng đường gần 14 tỷ năm về trước, khi vũ trụ ra đời sau vụ nổ lớn Big Bang. Có khi ông lại đưa ta về với hiện tại trong những chương nói về biện pháp giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu hay là vấn đề năng lượng và hiện tượng khí hậu bị đảo lộn v, v.... Thế nhưng giá trị lớn nhất cuả "Vũ trụ Huyền diệu" có lẽ nằm ở chỗ là tác giả đã "tiêm" vào người đọc nỗi đam mê cuả ông đối với ngành vật lý thiên văn. Ông chia sẻ với bạn đọc những thích thú, những phập phồng lo sợ trước những khám phá mới với một lối viết giản dị nhẹ nhàng hay dùng những ẩn dụ để giải thích những hiện tượng phức tạp trong khoa học. Tác giả đã hé mở một cánh cửa để đưa chúng ta đến gần hơn với không gian vũ trụ. Nói như thế không có nghĩa là ông đã bỏ quên các bạn đọc trong ngành. Nhân dịp Nhà Xuất bản Thanh Niên sắp sửa tái bản cuốn "Vũ trụ Huyền diệu", Ban Việt ngữ RFI mời nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu nói về tác phẩm mới nhất cuả ông.

TH: Kinh chào và cảm ơn GS NQR đã nhận trả lời phỏng vấn cuả chúng tôi hôm nay. Xin ông cho biết là tác phẩm "Vũ trụ Huyền diệu" đã được cho ra đời trong bối cảnh nào ?

NQR: Trước đây tôi đã viết những cuốn sách bằng tiếng Việt chủ yếu là để phổ biến thiên văn học. Trong cuốn sách "Vũ trụ Huyền diệu" lần này tôi muốn chia sẻ cùng độc giả những kinh nghiệm, kể cả sự thành công và sự thất bại cuả một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Đôi khi các nhà thiên văn được coi là những người có tầm nhìn rộng và có tư tưởng cao siêu quen sống trong tháp ngà. Trong cuốn sách này, tôi muốn bình thường hóa con người làm công tác khoa học. Đây cũng là dịp để tôi nhớ lại những hoạt động khoa học hồi tôi còn lang thang khắp năm châu đến những vùng núi non hẻo lánh, nơi mà bầu trời hãy còn chưa bị ô nhiễm bởi ánh sáng và nhiễu vô tuyến cuả các đô thị, nhằm thực hiện công việc quan sát thiên văn. Đối với tôi, viết cuốn sách này không những là để phổ biến kiến thức khoa học mà còn là một vấn đề tình cảm vì tôi có dịp được kể lại bằng tiếng Việt những giai thoại trong thời gian hoạt động khoa học ở nước ngoài.

TH: Xin GS kể lại một vài khoảnh khắc đã đánh dấu cuộc đời nghiên cứu cuả GS trong suốt mấy chục năm qua với thính giả của RFI ?

NQR: Trong sách tôi có kể những giai thoại lý thú lướt qua ký ức cuả tôi. Trong thập niên 1960 dưới thời đại De Gaulle, nước Pháp muốn phát triển ngành khoa học không gian. Hồi đó Liên xô là một cường quốc tiên phong trong công việc phóng tàu vũ trụ lên không gian, nên Pháp và Liên Xô có một chương trình hợp tác trong lĩnh vực khoa học này. Bộ môn thiên văn vô tuyến cuả Đài Thiên văn Paris-Meudon đề nghị tôi phụ trách chương trình cộng tác với các đồng nghiệp Liên Xô. Chúng tôi sử dụng kính thiên văn vô tuyến, một loại antenne rất lớn đặt tại Nançay ở vùng Sologne cách Paris 180 kilomet. Mới đầu, chúng tôi phát hiện được một bức xạ vô tuyến rất mạnh phát ra như một tia laser từ một ngôi sao ở vùng trung tâm Ngân Hà. Khi chúng tôi hý hửng định công bố kết quả thì được các nhà thiên văn người Úc thông báo là họ cũng đã tìm thấy bức xạ này trước chúng tôi ít ngày. Thế là sự khám phá cuả chúng tôi chỉ như là một cái pháo tép ! Sau đó chúng tôi kiên trì tìm kiếm và đã phát hiện ra một số ngôi sao khác cũng phát ra những bức xạ vô tuyến tương tự. Mỗi lần tìm thấy kết quả là chúng tôi vẽ hình một chai Vodka lên cuộn giấy ghi tín hiệu. Để ăn mừng những khám phá mới, một buổi tối chúng tôi rủ nhau đến một hầm rượu ở vùng Sancerre gần nơi làm việc. Các đồng nghiệp người Pháp xui đồng nghiệp Liên Xô và tôi nên kiểm tra tửu lượng để được cấp bằng "hiệp sĩ nếm rượu vang".

Còn có nhiều giai thoại lý thú khác mà tôi không có thời gian kể tiếp ở đây.

T.H: Trong lời giới thiệu thì "Vũ trụ Huyền diệu" nhắm vào những độc giả ngoại đạo cuả ngành vật lý thiên văn ?

NQR: Phổ biến khoa học là một vấn đề phức tạp, phải làm sao cho nhiều độc giả có thể hiểu được và đọc đỡ chán. Do đó tôi phải nghĩ ra những ẩn dụ cụ thể để minh hoạ và giải thích những hiện tượng thiên văn đôi khi rất là phức tạp, chẳng hạn như cơ chế kích thích bơm những phân tử trong những đám mây trong vũ trụ để những đám mây này phát ra những bức xạ rất mạnh gọi là bức xạ maser. Trong cuốn sách tôi cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, bởi vì đó là một vấn đề cấp bách cần thu hút được sự chú ý cuả công dân các quốc gia toàn cầu.

T.H: Nói về "Vũ trụ Huyền diệu" thì có nhiều đề tài thu hút sự tò mò cuả độc giả không thuộc trong ngành chuyên môn, đặc biệt là người ta chú ý đến những vấn đề lỗ đen. Thế thì GS có thể giải thích qua được không ?

NQR: Lỗ đen là một thiên thể mà người ta thường hay nói đến. Theo định nghĩa, lỗ đen là một thiên thể vô hình, tức là không phát ra ánh sáng. Lý do là vì thiên thể này cực kỳ đặc, có trường hấp dẫn dường như vô tận nên có sức hút rất lớn. Lỗ đen không những có thể nuốt chửng những vật thể bén mảng đến gần kể cả những ngôi sao khổng lồ, mà còn bẫy cả ánh sáng không cho thoát ra ngoài. Một thiên thể lớn và nặng như trái đất, giả thử bị nén xuống đến mức chỉ còn nhỏ như một quả bóng bàn thì trở thành một lỗ đen. Do đó ta có thể hình dung được lỗ đen có tỷ trọng lớn đến mức nào. Lỗ đen là lõi cuả những ngôi sao đã bị nén xuống rất nhiều, sau khi ngôi sao sập sụp và nổ tung, vì đã tiêu thụ hết nhiên liệu hạt nhân. Ta tự hỏi nếu lỗ đen không phát ra ánh sáng thì làm thế nào mà phát hiện ra được chúng ? Lỗ đen hút tất cả vật chất nên môi trường xung quanh lỗ đen bị xáo trộn và vật chất ma sát vào nhau nên nóng tới hàng triệu độ và phát ra những tia xạ X rất mạnh. Các nhà thiên văn quan sát tác động cuả lỗ đen đối với môi trường xung quanh để phát hiện ra lỗ đen. Họ đã phát hiện được một lỗ đen khổng lồ nặng gấp hơn hai triệu lẩn mặt trời đang ẩn náu ở trung tâm dải Ngân hà. Các nhà khoa học phỏng đoán là trong vũ trụ nguyên thủy có thể đã có những loại lỗ đen rất nhỏ. Họ sử dụng máy gia tốc gọi là LHC cuả cộng đồng châu Âu đặt tại ngọai ô thành phố Genève vừa mới được đưa vào hoạt động cách đây hai hôm, để tái tạo những điểu kiện vật lý tương tự như trong vũ trụ nguyên thủy có khả năng sản xuất cả những lỗ đen. Hiện nay đã có những tin đồn là nếu máy gia tốc LHC tạo ra được những lỗ đen thì có thể tiêu hủy trái đất. Các chuyên gia quả quyết rằng dù máy gia tốc có tạo ra được những lỗ đen thì cũng chỉ là những lỗ đen bé tý hon không tồn tại được lâu vì sẽ tự hủy trong giây lát.

Những phát hiện thiên văn mới nhất còn dẫn đến những kết quả thật là bất ngờ. Đa phần vũ trụ là năng lượng và vật chất tối. Vật chất thông thường tạo ra những ngôi sao, những hành tinh và tất cả những gì mà ta nhìn thấy được chỉ là một phần không đáng kể cuả vũ trụ. Trong vũ trụ chỉ có khoảng 5 phần trăm vật chất nhìn thấy được, còn 95 phần trăm còn lại là dưới dạng năng lượng và vật chất vô hình.

TH: Được biết là trong những năm gần đây ông đã có những đóng góp để phát triển ngành thiên văn học tại Việt Nam và đặc biệt là ông luôn hướng dẫn cũng như đã hỗ trợ cho một số sinh viên Việt Nam để được đào tạo ?

NQR: Hiện nay ngành thiên văn không được phát triển nhiều tại Việt Nam, bởi vì vẫn được coi là một ngành khoa học tương đối xa vời và đòi hỏi nhiều kinh phí. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến thiên văn học đang được phổ biến qua báo chí và các câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư. Chúng tôi cùng Hội Thiên văn Quốc tế đã tổ chức tại Việt Nam những hội thảo và những lớp học để truyền bá ngành khoa học này. Hiện nay đã có một số sinh viên Việt Nam được đào tạo tại Paris và đã tốt nghiệp trong ngành thiên văn. Tôi hy vọng trong tương lai họ sẽ tham gia vào công cuộc chinh phục vũ trụ cùng cộng đồng các nhà thiên văn trên thế giới.

TH: Ban Việt ngữ RFI xin chân thành cảm ơn GS Nguyễn Quang Riệu

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Quang Riệu