Trung Quốc phóng  phi thuyền  Thần Châu

Vietsciences-Nguyễn Quang Riệu                 02/11/2005

 

 

Trung Quốc phóng  phi thuyền  Thần Châu, nhằm chiếm ưu thế trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ

 

Đức Tâm  (Radio France Internationale, RFI) phỏng vấn nhà thiên văn  Nguyễn Quang Riệu thuộc Đài thiên văn Paris về sự kiện Trung Quốc phóng  phi thuyền Thần Châu 6:

 

RFI: 9 giờ sáng hôm nay (12-10-2005), giờ địa phương, từ Trung tâm Tửu Tuyền ở phía Tây bắc Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh 2 đã phóng  phi thuyền Thần Châu 6 (Shenzhou VI) chở hai  nhà du hành  là Phi Tuấn  Long (Taikonaut Fei Junlong) và  Nhiếp Hành Thắng (Taikonaut Nie Haisheng) vào không gian. Đây là cuộc phóng phi thuyền có người lái lần thứ 2 của Trung Quốc.  Phi thuyền  Thần Châu 6 gồm 3 phần: khoang động cơ đẩy, buồng  lái trở về mặt đất và khoang làm việc trên quỹ đạo. Theo báo chí Trung Quốc Thần Châu 6 có đường kính  lớn  nhất so với các loại phi thuyền hiện có trên thế giới. Tên lửa đầy Trường Chịnh 2 do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo nặng  hơn 470 tấn, và dài gần  60 mét . Trong vòng  5 ngày bay vòng quanh Trái đất, hai nhà du hành vũ trụ Trung Quốc sẽ thực hiện  nhiều thí nghiệm kỹ thuật trong không gian. Theo giới chuyên  môn việc phóng phi thuyền có người lái thì tốn kém hàng chục tỉ dollars, nhưng  Trung Quốc vẫn tiếp tục  chương trình này nhằm củng cố vị thế là một  trong ba nước lớn trên thế giới đủ khả năng chinh phục vũ tru.

Sau đây là bài RFI phỏng vấn nhà  thiên văn Nguyễn Quang Riệu: 

 

RFI: Xin chào nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu,

Thưa anh ngày hôm nay Trung Quốc đã phóng thành công phi thuyền Thần Châu 6 đưa 2 nhà du hành vũ trụ lên  không gian. Vậy theo Anh mục đích chính của Trung Quốc trong việc đưa người thám hiềm không  gian là gì ?

 

NQR: Sau khi đã phóng   thành công cách đây 2 năm tàu vũ trụ   Thần Châu 5 trong đó có một phi hành gia bay quanh Trái đất được 14 vòng trong 21 tiếng đồng hồ, thì nay Trung Quốc lại phóng  vệ tinh Thần Châu 6. Kỳ này trên tàu có 2 phi hành gia, thường được gọi là Taïkonaute, theo tiếng Trung Quốc là Thái  Không Gia.  Tàu Thần Châu 6  dự kiến bay quanh Trái đất trong 5 ngày, như thế  tức  là các chuyên gia Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật so với chuyến bay trước, chỉ bay  được khoảng một ngày. Trước  hết, tuy hãy còn là  một nước chưa phát triển nhiều về mặt khoa học so với nước Mỹ và  các nước châu Âu, nhưng Trung Quốc tỏ ra là đã trở thành cường quốc thứ 3 sau nước  Nga và nước Mỹ có khả năng kỹ thuật phóng được tàu chở người lên vũ trụ.

Đây là một niềm tự hào lớn đối với nhân dân Trung Quốc. Thành tựu kỹ thuật này  sẽ có lợi trên thị trường quốc tế, làm tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp mà Trung Quốc sẽ làm ra. Khi phóng  những trạm tự động không thành công , thì chỉ có sự hư hại vật chất, tuy tốn rất nhiều tiền, nhưng trái lại khi có phi hành đoàn trong đó, thì sự thất bại làm tổn thương đến tính mạng của phi hành đoàn, có thể làm mất uy tín cho cả một nước. Phóng thành công  tàu vũ trụ có phi hành đoàn tức  là tỏ ra là đã khắc  phục được nhiều khó khăn kỹ thuật để đạt được độ an toàn cao.

 

RFI: Thưa Anh, ngoài ý nghĩa chính trị  và niềm tự hào dân tộc thì rõ ràng  là chương trình thám hiểm này là khá tốn kém, vậy nó mang  ích lợi gi cho Trung Quốc về mặt khoa học kỹ thuật ?

 

NQR: Không gian là  một môi trường rất thuận tiện cho sự quan sát Trái đất. Sử dụng những vệ tinh đủ loại, phóng ra ngoài  Trái đất để thăm d và khai thác tài nguyên, dự báo thời tiết, phục vụ ngành viễn thông v.v..., tức là sử dụng  những  phương tiện hiện đại để đáp ứng những nhu cầu thường ngày của nhân dân, chẳng  hạn như những  hệ thống điện thoại di động cũng  như những  hệ thống định vị GPS đều dùng những  tín hiệu của những vệ tinh nhân tạo. Trung Quốc là một nước có diện tích  lớn  và có nhiều vùng hiểm trở nên sử dụng vệ tinh là một phương tiện thông  tin nhanh chóng trong  toàn lãnh thổ. Trung Quốc cũng tổ chức  những hội thảo để các  nước trong vùng  châu Á  Thái Bình Dương cộng tác và  trao đổi với nhau về những  vấn đề viễn thám nhằm khai thác và  bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng có thể tham gia vào chưong trình này.

Công nghệ phóng tên lửa còn có khả năng trở  thành một dịch vụ  thương  mại bởi vì thị trường sử dụng  những vệ tinh dân sự  đang thịnh hành trên thế giới. Gần đây còn có những  nhà doanh nghiệp bỏ ra hàng  chục triệu dollars để được du ngoạn trong  không gian cùng  các phi hành gia chuyên nghiệp. Ngoài ra chinh phục  không gian vũ trụ cũng có mục đích chiến lược, bởi vì từ không gian vũ trụ có thể kiểm tra dễ dàng  và phá  hủy những  mục tiêu quân sự của địch. Khắc  phục được kỹ thuật phóng tàu vũ trụ cùng với kỹ thuật nguyên tử, thì cũng là một cách để răn đe đối phương khi cần thiết.

 

RFI: Dạ thưa Anh trong việc thám hiểm và chinh  phục không gian  thì Trung Quốc còn có những hạn chế gì về mặt khoa học kỹ  thuật so với Hoa Kỳ và nước Nga ?

 

NQR: Một trong những mục tiêu quan trọng của tàu vũ trụ  là mục tiêu thiên văn, tức  là quan sát những ngôi sao và những thiên hà xa xôi để tìm hiểu sự tiến  hóa của vũ trụ và nguồn gốc của sự sống  trên các hành tinh ở bên ngoài Trái đất, có khả năng  gieo rắc từ thời xa xưa sự sống trên hành tinh Trái đất. Muốn phóng tàu đề khai thác các hành tinh láng giềng của chúng ta như hành tinh Hỏa thì các nhà khoa học phải sử dụng những động cơ đủ mạnh để  đẩy tàu thoát khỏi lực hút của Trái đất.

Kỹ thuật phóng tàu vũ trụ của Trung Quốc hãy còn non trẻ so với những nước đã có kinh nghiệm phóng tàu. Hiện nay Trung Quốc còn trong giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt là đối với sự hoạt động của tàu và những phản ứng của cơ thể các phi hành gia sống trong một không gian phi trọng trường vì xa Trái đất, nên ít bị ảnh hưởng của lực hút của Trái đất. Nhưng  Trung Quốc dường như đang tiến khá nhanh trong quá trình phóng tàu vũ trụ. Trung Quốc có tham vọng củng cố riêng cho mình một vị trí  trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ. Các  chuyên gia Trung Quốc  có dự kiến phóng tàu vũ trụ có phi hành gia  để lắp ráp một trạm không gian và để đặt chân lên  Mặt trăng trong tương  lai, nhằm khai thác  tài nguyên trên đó.

Ngoài vấn đề kỹ thuật, cuộc chạy đua trong công việc chinh phục vũ trụ, còn đòi hỏi rất nhiều kinh phí, không  phải quốc gia nào cũng có khả năng đáp ứng được. Hiện nay, phóng tàu vũ trụ có người trong đó có thể là không mang lại nhiều lợi ích cho khoa học mà lại còn nguy hiểm và  rất là tốn kém, bởi vì muốn  có độ an toàn cao cho các  phi hành gia trong  một cuộc hành trình dài thì phải chi nhiều kinh phí.

Chẳng  hạn như muốn có phi hành gia đến thám hiểm tận nơi hành tinh Hỏa, một hành tinh láng giềng và ở trên đó khoảng 6 tháng  thì tính ra cũng  phải mất tất cả là một năm rưỡi. Bởi vì cuộc hành trình khứ hồi đã mất tròn một năm.  Phóng  một con tàu vũ trụ có phi hành gia như thế phải mất khoảng từ 50 tỉ đến 100 tỉ dollars.  Với số tiền này, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA)  có thể phóng được khoảng 130 tàu vũ trụ loại tàu con thoi Shuttle, hiện nay đang được dùng để tiếp tế và xây trạm không gian quốc tế ISS.

Phóng  những trạm tự động điều khiển từ Trái đất như những trạm tự động không có người, bay thẳng  lên bề mặt các  hành tinh để quan sát trực tiếp là phương tiện thích hợp nhất hiện nay cho công trình nghiên cứu Vũ trụ.

 

RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cám ơn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu đã tham gia chương trình ngày hôm nay

 

© http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Quang Riệu