Steviosid từ cây cỏ ngọt Stevia

Vietsciences- Võ Quang Yến        05/06/2012

 

Nước mía trong cũng thắng thành đường
Anh thương em thì anh biết chớ thói thường ai hay

                    Ca dao

 

Vào thời đại nầy, nhiều thức ăn đem lại khẩu vị, nhiều chất thuốc gây ra khoái cảm đang bị lên án, hoặc vì liều dùng quá độ, hoặc vì sử dụng lâu ngày nên phát sinh lệ thuộc, phá hủy sức khoẻ, lắm khi thật sự chúng đã có tác dụng phần nào lên thần kinh hệ hay các cơ quan khác trong cơ thể : thuốc lá, cà phê, rượu, muối , và… đường !

Thật ra, bốn ngàn năm trước đây người Ai Cập đã thích ăn đồ ngọt trong mật ong, trái chà là. Trong lăng mộ vua Toutankhamon đã có thấy chất ngọt glycerrhizin phát xuất từ cây cam thảo.

Ngày nay phỏng chừng trên thế giới hàng năm khoảng 100 triệu tấn đường được tiêu thụ. Rẻ tiền, bùi miệng, đường lại rất cần thiết cho việc phát dục cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái. Vì cống hiến nhiều năng lượng, nó có thể làm cho cơ thể béo phì, lắm khi chẳng phải vì do dùng quá độ. Trong miệng, các vi khuẩn có thể dùng nó chế tạo ra acid tác dụng lên răng. Vì vậy, để tránh lên cân, hư răng, cũng như ở các bệnh nhân mắt chứng đái đường, người ta buộc lòng phải kiêng cử hoặc dùng đường ít lại, kiêng kẹo, kiêng kem, bỏ chè, bỏ nước ngọt,… hay tốt hơn, tìm kiếm một chất thay thế. Chất nầy cốt yếu phải cống hiến năng lượng ít hơn hoặc có độ ngọt lớn để dùng số lượng nhỏ lại. Dù sao, nó phải thỏa mãn những điều kiện không được phân hủy trong miệng khi có nước miếng tác dụng vào và nhất là không được biến hóa trong môi trường acid của dạ dày như đường.

Được chiết xuất từ mía hay củ cải đường, đường là một hóa chất gọi là saccharose, do hai phân tử glucose và fructose liên kết với nhau mà tạo thành. Glucose phát xuất từ danh từ Hy Lap glukos (mềm, dịu), còn saccharose nguyên gốc là từ chữ phạn çarkara (hột). Khi Alexandre le Grand đi đánh giặc bên Ba Tư về, ông đã nói đến "một cây lau làm mật mà không cần ong !" Thời Trung cổ, mía được trồng ở các nước Ả Rập, sau mới dần lan qua các nước nhiệt đới. Năm 1747, ông A.S. Markgraf ở Đức tìm ra saccharose trong củ cải đường, nhưng phải đợi đến lúc lục địa bị Napoléon I phong tỏa, kỹ nghệ đường từ củ cải mới được phát triển. Nếu fructose có nhiều trong trái cây (Âu Mỹ gọi trái cây là fruit), glucose hiện diện trong nhiều thảo mộc, từ trái qua lá, từ nhựa cây qua nhụy hoa, nhiều khi trùng hợp thành dãy dài như cellulose, chitin,… đặc biệt trong tinh bột mà đem thủy phân ở môi trường acid thì phân hủy ra glucose. Vì vậy, muốn tránh saccharose thì theo nguyên tắc phải tránh nhiều thảo mộc, ngay cả  đường chiết xuất từ các các cây thích (érable) (Canada), dừa cọ (palmier) (Thái Lan), chà là (datte) (Pakistan), bắp (Hoa Kỳ).

 

Vì vậy, nhiều phòng thí nghiệp kiếm cách chế tạo những phân tử không biến hoá trong cơ thể từ nguyên liệu saccharose hay glucide sẵn có. Biết được cho thêm chlor vào phân tử thì hoá chất càng ngọt hơn, hãng Tate and Lyle đã cho đăng ký hai văn bằng sáng chế hai chất chloro desoxy saccharose và trichloro galacto saccharose, ngọt hơn saccharose 650 lần, rất ổn định. Những phân tử như thio fructose cũng đã được nói đến. Mặt khác, công ty Boise Cascade Corp. cho tổng hợp các L-glucid (fructose, arabinose, galactose) không biến hóa trong cơ thể. Họ dùng enzym cho tác dụng lên các đồng vị D-glucid của thú vật. Phương pháp nầy tương đối đắt tiền nên L-glucid chưa thành thương phẩm mặc dầu hãng Biospherics đã ghi văn bằng khai thác dưới nhãn hiệu Lev-O-Cal. Cũng dùng enzym của những Streptomyces phaechromogenes, Bracillus coegulans, người ta chế biến fructose từ glucose. Từ 1963, ở Viện Khảo cứu Bộ Canh nông Nhật Bản, nhờ dùng một amylase mà fructose được chế tạo từ tinh bột gạo, bắp, mì hay lúa miến (sorgho). Sau nầy, các enzym của Trichoderma vivide, T. longibrachiatum, G. Geotrichum candidum còn tác dụng lên cả cellulose vải bông đem lại  fructose. Đặc biệt từ saccharose, những enzym của Strepmyces phaechromogenes, Bacillus coagulans, Pummularia pullulans đã được dùng để biến hóa glucose ra fructose và điều chế một xirô fructose, còn gọi là isoglucose. Các nhà khảo cứu ở Viện Nghiên cứu Canh nông Pháp INRA dùng các inulase phát xuất từ nấm men như Pichia polymorpha, Debaryomyces phaffii cho tác dụng lên các chất trùng hợp fructose, gọi là inulin, ở trong các cây actisô, rau diếp xoăn (chicorée), cúc vú (topinambour), cũng sản xuất được fructose (3).

 

Từ chế biến đường với các chất thiên nhiên, các phòng thí nghiệm mạnh bước qua phương pháp tổng hợp nhân tạo các chất tạo ngọt không biến hóa trong cơ thể. Chất được điều chế đầu tiên năm 1897 và hiện nay đang còn được dùng là saccharin. Ngọt gấp 300-400 lần saccharose, ổn định ở môi trường acid nên dùng được trong nước ngọt, thường dưới thể natri hay calci. Nhược điểm của nó là có vị chát và kim loại nên ở Hoa Kỳ nó được trộn lẫn với cyclamat trong nước ngọt. Người ta nghi saccharin có thể gây ung thư vì đã thấy ở bóng đái chuột. Chất cyclamat nầy, người ta tình cờ phát hiện ra vị ngọt năm 1937; nó chỉ ngọt hơn saccharose có 30 lần nhưng  rất dễ hòa tan trong nước và nhất là không để lại dư vị trong miệng như saccharin. Nhưng cyclamat lại có thể bị phân hủy ra cyclohexamin đã từng gây ung thư trong cơ thể chuột nên năm 1969 Cơ quan kiểm ba thức ăn và thuốc men Hoa Kỳ Food and Drug Administration FAD cấm dùng nó, để cho saccharin mặc sức phát triển trên thị trường với nhiều tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, qua năm 1977, vì có khả năng gây ung thư trên chuột, đến lượt saccharin cũng bị đe dọa cấm dùng.

 

Trong bối cảnh nầy, aspartam ra đời năm 1965, cũng tình cờ khi J.M. Schlatter tổng hợp chất gastrin ở hãng Searle. Ngày nay người ta chế tạo nó bằng phương pháp hóa học hay sinh học (dùng enzym của Pseudomonas putida, Alcaligenes faecalis hay nấm Sporobomyces odorus) ghép nối aspartic acid vào phenylalanin, nhưng năng suất kém và còn rất đắc (55 USD/kg) so với saccharin (10 USD/kg). Là một dipeptid, nó ngọt hơn saccharose 200 lần, lại không để lại chút dư vị nào, nhưng không ổn định ở nhiệt độ cao, nghĩa là không nấu được với đồ ăn, cũng như phân hủy dần trong nước, nghĩa là nước ngọt có aspartam không giữ được lâu.  Cho trộn aspartam với saccharin thì hỗn hợp ngọt hơn và ổn định hơn khi hai chất đứng riêng một mình. Khi aspartam bị phân hủy, nó tách ra làm hai phân tử  nguyên gốc aspartic acid và phenylalanin. Chất sau nầy rất độc cho ai không có một enzym gọi là phenylamin hydroxylase để chuyển hóa nó ra tyrosin (chứng phenylketonuria) cho nên bên Hoa Kỳ trên nhãn những thức ăn có chứa aspartam bắt buộc phải có ghi rõ (3). Vừa rồi, cơ quan Ramazzini bên Ý đưa tin aspartam có khả năng gây ung thư nhưng nhìn kỹ thì chỉ là mới có kết quả trên chuột cái với liều lượng tương đối lớn. Thị trường aspartam hiện nay  lên tới nhiều tỷ USD mỗi năm. Chất ngọt khám phá sau cùng và có nhiều triển vọng là kali acesulfam, cũng tình cờ mà Clauss và Jensen ở hãng Hoechst bên Đức tìm ra được năm 1973. Ngọt gấp 200 lần saccharose, ổn định hơn aspartam ở nhiệt độ cao và môi trường acid, lại cũng rẽ tiền, nay mai nó sẽ cạnh tranh với cả sacharin lẫn aspartam. Hỗn hợp acesulfam aspartam vừa nâng cao khẩu vị vừa rất ổn định, chắc rồi đây sẽ được dùng nhiều khi biết acesulfam chỉ giá có 50 USD/kg.

 

Ngoài hai lối biến chế từ chất thiên nhiên và nhân tạo tổng hợp, phương cách thứ ba là tìm kiếm các loài thảo mộc chứa sẵn chất ngọt khác với saccharose. Chất ngọt thiên nhiên đầu tiên được nói đến năm 1855 nằm trong trái cây Thaumatococus daniellii (vì người miêu tả đầu tiên là một  bác sĩ phẫu thuật người Anh tên là M.W.F. Daniell), mọc bên xứ Soudan, nhưng mãi đến 1968 mới thấy xuất hiện trong bản thống kê của Sở Canh nông Hoa Kỳ trong loại các cây nhiệt đới có khẩu vị bất thường. Năm 1973, Van der Wel (Công ty Unilever) chiết xuất 5 dạng chất thaumatin, ngọt hơn 5000 lần saccharose và hãng Tate and Lyle đem bán dưới nhãn hiệu Talin (16.500 USD/kg). Rất ổn định, các protein nầy để lại vị ngọt hơi lâu trong miệng. Đằng khác vì năng suất sản xuất kém nên nó không được đưa ra kỹ nghệ. Ngày nay nó chỉ được dùng nhiều bên Nhật Bản trong đồ ăn, canh cháo qua tên Sun Sweet T1. Để rút ngắn thời gian vị ngọt lưu lại, người ta thường trộn nó với các amin acid hay acid hữu cơ (2). Đồng thời với thaumatin, trái của cây Dioscorophyllum cunminsii cũng cống hiến một protein ngọt, gọi là monellin vì được hãng Monell Chemical Sences Centre bên Hoa Kỳ chiết xuất năm 1972 song song với phòng Unilever Research bên Hòa Lan. Ngọt gấp 2500 lần saccharose, chất nầy không có tương lai vì chất ngọt khó chiết xuất, ít ổn định, cây lại khó trồng, trái khó trữ (3).

 

Trước các chất ngọt đủ thứ, thiên nhiên cũng như nhân tạo, cạnh tranh kinh tế thấy ra không dễ dàng, cây cỏ ngọt (còn gọi cỏ mật, cỏ đường) trồng ở Việt Nam sẽ chiếm địa vị nào ? Thật ra, nó không phải là một cây mới được khám phá, chất ngọt chiết xuất cũng không phải mới được bán ra thị trường. Ở Paraguay, người ta gọi nó là cây Caá-êhê, Azucá-caá hay Kaá-hê-e. Tên khoa học của nó lúc ban đầu là Eupatorium rebaudianum vì O. Rebaudi là người đầu tiên đã nói đến nó. Năm 1899, một nhà thảo mộc người Paraguay, M.C. Bertoni, xác định nó là cây thuộc loại stevia, qua năm 1905 miêu tả rành mạch và đổi tên nó thành Stevia rebaudiana Bertoni (Hemsl ở Việt Nam) (11) thuộc họ Cúc Compositae (còn có tên Asteraceae). Sau đó, P. Rasenack (1908), rồi đến lượt K. Dieterich (1909) chiết xuất hai chất trong cỏ ngọt : eupatorin (từ chi Eupatorium), một chất rắn kết tinh tan hòa trong nước và rượu, và ribaudin, một chất khoáng vô định hình không tan vào dung dịch nào cả (1). Năm 1915, R. Robert tìm ra được trong cỏ hai chất saponin, một chất trung hòa là eupatorin, chất kia có tính chất acid. Sau khi Bertoni đề nghị sửa tên eupatorin thành estevina hay stevin (từ stevia). Liên hiệp Quốc tế Hóa học nhóm ở Copenhague năm 1924 chỉ định tên steviosid cho chất nầy.     

 

    

Công thức steviosid

 

Công trình khảo cứu đầu tiên sâu rộng là do R. Lavielle, trước với M. Bridel, sau với M. Pommaret, thực hiện năm 1931 (4). Dùng rượu ở 70 độ, từ một kilô cây, họ chiết xuất được 4,5g steviosid và nghiên cứu những tính chất vật lý, hóa học, sinh lý học của nó. Họ cũng có thử tìm công thức của steviosid nhưng với những phương tiện phân tích hồi đó, chẳng đạt được hoàn toàn mục đích tuy biết steviosid gồm có một phần không phải glucosid liên kết với ba phân tử glucos-d. Trong kỳ thế chiến thứ hai, Melville đề nghị  Vườn Bách thảo Hoàng gia Royal Botanic Garden đem trồng stevia bên Anh. Năm 1945, chiến tranh chấm dứt, đến lượt Gattoni muốn thuyết phục Phân khoa Cây thuốc của Viện Nông học Quốc gia Instituo Agronomico National xứ Paraguay trồng cây nầy ở mức kỹ nghệ để xuất khẩu thay thế saccharin (3). Cả hai dự án đều không được thực hiện nhưng bắt đầu từ đây cuộc khảo cứu trên cỏ ngọt được thúc tiến mạnh mẽ. Ở Việt Nam, chất ngọt đã được chiết xuất (9,43%) từ cây trồng ở Lâm Đồng và, nhắm mục đích tăng gia năng suất và chất lượng, Cu2+ đã được dùng để trồng cây ở Bạch Thái (11). Ngày nay, ở Pháp, cây stevia dã đuợc thấy bán trong các chợ.

 

Tuy vậy, phải đợi đến những năm gần đây, với máy móc phân tích tối tân, hiện đại, người ta mới biết rõ cặn kẽ công thức các hoá chất trong cỏ ngọt. Ngày nay, ai cũng đồng ý chất ngọt chính trong cây là steviosid, ngọt gấp 300 lần saccharose. Bên cạnh steviosid là  rebaudiosid, số lượng ít hơn nhưng ngọt hơn steviosid 1,2-1,5 lần. Cả hai chất nầy đều gồm có một phân tử cơ sở nối liền với ba hoặc bốn phân tử glucose. Số glucose nầy có thể lớn hơn, cách liên kết cũng có thể thay thế : dần dần 5 chất rebaudiosid A,B,C,D,E được khám phá ra. Có khi một phân tử rhamnose thay thế glucose đem lại là 2 chất dulcosid A và B. Nếu steviosid và ribaudiosid mất tất cả các phân tử steviosid thì chúng trở thành steviol, và tùy theo các nhóm thay thế, chúng làm thành một nhóm 8 sterebin A,B,C,D,E,F,G,H. Người ta cũng có tìm ra những chất jhanol (trước kia đã được chiết xuất từ cây Eupatorium jhanii), austroinulin (hiện diện trong cây Austroeupatorium inulaefolium) và dẫn xuất của nó. Ngoài ra, tuy số lượng rất nhỏ, các nhà khảo cứu cũng xác định được trong cỏ cấu tạo của 3 sterol (stigmasterol, sitosterol, campesterol), 8 flavonoid, bên cạnh cosmosiin và 2 chất dễ bốc hơi  caryophyllen, spathuienol. Đấy là chưa nói đến kim loại, theo thứ tự nhiều ít : Ca, Mg, Fe, Mn, Sr, Cu, Cr, Cd. Cuộc khảo cứu hoa cỏ ngọt cũng phát hiện ra được steviosid, rebaudiosid A, jhanol, austroinulin và hai dẫn xuất acetyl của nó.

 

Về mặt sinh vật học, sự hiện diện của gibberellin A20  trong cỏ ngọt (một trong số năm gibberellin mà người ta biết) chứng minh steviol có thể biến hóa thành gibberillin (5). Kỳ lạ nhất có lẽ là việc khám phá ra trong lá cỏ ngọt hai chất kháng sinh : chúng có tác dụng lên Pseudomonas aeruginosa và Proteus vulgaris (8). Phần chiết stevia có tính chất ức chế rotavirus (16), chống vi khuẩn Helicobacter pylori nên được đề nghị đem dùng trị u khối (17). Phần chiết hay những hoạt chất của stevia có thể dùng để uống giảm hay chữa viêm tế bào (26). Những flavonoid trong cây (4,57%) có tính chất chống những vi khuẩn Bacillus subtilus, Staphylococcus aureus, Escherichia coli (10). Những người bị bệnh đái đường không những có thể dùng steviosid mà chất nầy có khả năng hạ đường trong máu (25), giảm huyết áp trên chuột (13), trên chó (23). Cũng ở trên chuột, nó ức chế sự phát triển ung thư trên da. Cho trộn trong thuốc đánh răng, nó có tác dụng lên vi khuẩn  Streptococcus mutans kết dính lên răng và cấu thành các mảng răng  (18,19,24). Nó đã được dùng làm thuốc kích thích tóc mọc (12,22), khử dioxin trong đất (20,21). Lá và cành có tính chất chống histamin nên có thể dùng để kiềm chế những triệu chứng như ngứa ngáy, đau đớn (14). Lá, cành và rễ cây stevia được trộn lẫn với nhau làm sợi dệt áo quần, khăn bàn, mùng màng,… và giấy chống vi khuẩn (

 

Nói tóm lại, lược đọc các báo chí khoa học, thấy ra cỏ ngọt được rất nhiều hãng kỹ nghệ, nhiều phòng thí nghiệm kể cả ở Việt Nam, chú ý  đến. Trong khoảng trên dưới 500 bản báo cáo, bên cạnh một số lớn các bài khảo cứu thuần túy, phân tích và xác định cấu tạo, những năm gần đây còn có một số lớn bàn về các phương cách chiết xuất, làm tinh khiết, những ứng dụng chất ngọt vào kỹ nghệ, đặc biệt khoảng một trăm văn bằng sáng chế mà ba phần tư là của Nhật Bản. Trong số 184 cây stevia đã được khảo sát (9), 18 loại đã cống hiến chất ngọt nhưng không có loại nào cho chất ngọt nhiều bằng Stevia ribaudiana. Ngày nay, người ta thường dùng nước để chiết xuất chất ngọt trong cây, nhưng cũng thấy có nhiều trường hợp dùng rượu (methanol, ethanol hay butanol) pha lẫn với nước. Còn có một phương pháp chiết xuất dùng CO2  lỏng ở trạng thái siêu tới hạn (supercritic) cống hiến những hoá chất rất ròng sạch sau khi xử lý khoan quay, ly tâm và nhiều cuộc lọc qua màng lọc, cột trao đổi ion,… Để loại trừ dư vị, ngoài cách dùng màng lọc nửa thấm (semipermeable), những phương pháp đề nghị có thể chia làm hai loại : sử dụng hoặc sắc phân hoặc kim loại, khoáng chất. Cột sắc phân thường là silicagel, amberlite, duolite zeolite (đủ cỡ), các chất trùng hợp metaphenylenediamin formaldehyd hay styren divinylbenzyl,… Kim loại, khoáng chất được dùng là Al, Fe, Ca dưới các thể oxid, chlorid, sulfat, sulfat, carbonat, thường thấy nhất là calcium dihydroxid. Năng suất chiết xuất nằm trong vòng 5-7% nhưng cũng có văn bằng đưa ra số 11-26% (7).

Cây stevia bán ở chợ Aix-les-Bains

 

Những năm gần đây, cỏ ngọt được trồng thành cây kỹ nghệ ở các nước Brazyl, Đại Hàn, Đài Loan. Để thử tăng năng suất chất ngọt, đã thấy có dùng enzym của Aspergillus oryzae biến hoá steviosid ra thành rebaudiosid A vì chất nầy ngọt hơn (6). Bên Nhật Bản, hãng Toyo Sugar refining bán một chất ngọt mang tên Stevia, ngọt hơn 150 lần saccharose với ít nhiều dư vị : chất nầy được dùng trong canh, cháo, xirô, nước chấm. Công ty Toyo Soda dùng một enzym khác, glycosyl transferase, cho tác dụng trực tiếp lên stevia và tinh bột đem lại một chất chỉ ngọt hơn 120 lần saccharose nhưng mất được phần lớn dư vị. Từ 1983, hãng Jefco cho biết đã dùng một phương pháp chiết xuất rất hiện đại và có hiệu quả để chế biến một chất ngọt hơn 300 lần saccharose, loại bỏ được mọi bất tiện lúc ban đầu của steviosid : vị đắng, ít ổn định. Để cạnh tranh với công ty nầy, hãng Tama Biochemical dùng phương pháp cấy mô để cho tăng số lượng steviosid trong cây. Cũng nên biết thêm ở Viện Đại học Jerusalem, người ta khảo cứu cách thích ứng cỏ ngọt vào điều kiện nóng nực, thiếu đất, thiếu nước của Israel (3).

 

Nhìn chung, mặc dầu việc tìm kiếm chất ngọt thay thế đường đang tiến hành mạnh mẽ, đường mía và củ cải đường vẫn còn được dùng nhiều và khắp nơi. Nếu có cạnh tranh chăng thì là giữa saccharose và isoglucose (xirô fructose), nghĩa là giữa kỹ nghệ mía - củ cải đường và kỹ nghệ tinh bột. Các chất ngọt khác, thuộc về kỹ nghệ dược phẩm, hiện chỉ giữ vai trò thứ ba, chờ đợi một dịp để phát triển. Trong các chất ngọt thế đường đứng đầu là aspartam. Nếu các hãng chế tạo Nhật Bản chưa kình địch lại nỗi aspartam thì steviosid sợ e rồi cũng chẳng có đủ sức lên đài đánh vật. Trừ phi chỉ nhắm bán hàng nội địa, các nhà kinh doanh Việt Nam từng theo dõi tình hình quốc tế, mặc dầu WTO, APEC, chắc đã thấy mọi khó khăn để xuất cảng một một món hàng thoạt xem tưởng như đầy tương lai hứa hẹn .

 

                                                       Viết tại Xô thành

 

Thông tin Khoa học và Công nghệ 4 (1995) 8-14  (có sửa chữa và bổ sung)

 

 

Tham khảo

 

1- F. Bell, Stevioside : A unique sweetening agent, Chem. Ind. 17 (1954) 897

2- J.D. Higginbotham, A la recherche de nouveaux édulcirants, L’acualité chimique (5) (1980) 21

3- J. Roque, Les édulcorants, Biofutur (3) (1984) 19

 

4- M. Bridel, R. Lavielle, M. Pommaret, Le pricipe à valeur sucrée du Kaá-hê-é (Setevia rebaudiana Bertoni), Bull. Soc. Chim. Biol. (13) (1931) 636, 781 ; (13) (1976) 1248

5- L.M. Alves, M. Ruddat, The presence of gibberellin A20 in Stevia rebaudiana and its significance for the biological activity of steviol, Plant Cell Physiol. (1) 20 (1979) 123

6- N. Kaneda, R. Kasai, K. Yamasaki, O. Tanaka, Chemical studies on sweet diterpene-glycosides of Stevia rebaudiana : conversioin of stevioside into rebaudioside A, Chem. Phar. Bull. (9) 25 (1977) 2466

7- R. Kato, Y. Sakaguchi, N. Motoi, Extraction and purification of stevioside, Japan Kokai  77,136,200 (1977) 6 tr.

8- Koshiro Chujiro Shaten K.K., Stevia components as sweeting agents as antibiotics, Jpn. Kokai Tokkyo Koho 80 92,323 (1980) 3 tr.

9- D.J. Soejarto, A.D. Kinghorn, N.R. Farnsworth, Potential sweetening agents of plant origin. III . Organoleptic evaluation of stevia leaf herbarium samples for sweetness, J. Nat. Prod. (5) 45  (1982) 590

10- Dao Kim Nhung, Le Viet Hong, Biological properties of flavonoids from Stevia rebaudiana Bert. Tap Chi Duoc Hoc (2) (1995) 17

11- Nguyen Thanh Hong, Nguyen Thi Minh, Determination and extraction of sweetener substance from Vietnamese Stevia rebaudiana, Tap chi Hoa hoc (1) 31 (1993) 39 ; Nguyen Van Ty, Influence of the concentration of copper sulfate solution on some physicobiochemical parameters and yield capacity of Stevia rebaudinana Hemsl. Planted on hill land in Bac Thai province, Tap Chi Duoc Hoc (7) (1996) 28

12- E. Takeoka, C. Hamada, O. Suzuki, M. Tajima, Hair growth period extended agent, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 10265347 (1998) 12 tr.

13- P. Chan, D.E. Xu, J.C. Liu , Y.J. Chen, B. Tomlinson, W.P. Huang, J.T. Cheng, The effect of stevioside on blood pressure and plasma catecholamines in spontaneously hypertensive rats, Life Sci. (19) 63 (1998) 1679

14- M. Sato, M. Takeuchi, N. Sato, Antihistaminic substance of stevia origin, U.S. US 5958419(1999) 7 tr

15- K. Saito, M. Date, S. Ogawa, Antibacterial stavia paper manufactured by pulping pulverized stevia with alkali solutions and forming paper from the pulp and antibacterial stevia fibers therefrom andmanufacture thereof, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2000290890 (2000)7 tr.

16- K. Takahashi, S. Shigeta, N. Sato, Stevia extracts for the inhibition of rotavirus, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001106635 (2001) 3 tr.

17- K. Takahashi, S. Shigeta, N. Sato, Stevia rebaudiana Bertoni extraction as antibacterials against Helicobacter pylori, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001122793 (2001) 4 tr.

18- S. Sugiyama, N. Doi, S. Ejiri, Y. Ishii, Dentifrices containing apatite and polymers, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001131041 (2001) 8 tr ; JP 2001131042 (2001) 11 tr.

19- Y. Suzuki, T. Yokoo, Liquid dentifrice compositions containing cationic bactericides, polyoxyethylene alkyl ethers, and cationic polymers, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2001139433 (2001) 8 tr.

20- B.E. Kim, M.K. Kim, K.T. Kim, R.W. Chang, J.W. Jong, Y.G. Kim, Study on the degradation of dioxin by the Stevia extract, Organohalogen Comp.54 (Dioxin 2001) 251

21- Y.G. Kim, A method for preparing dioxin decomposers from Stevia, a dioxin decomposer prepared by the method and a method for decomposing dioxins using it, PCT Int. Appl. WO 2001040495 (2001) 27 tr.

22- H. Takada, K. Teraoka, B.H. Kim, Hair growth stimulants containing Stevia and Udo extracts, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2003040790 (2003) 5 tr.

23- J.C. Liu, P.K. Kao, P. Chan, Y.H. Hsu, C.C. Hoi, G.S. Lien, M.H. Hsieh, Y.J. Cheng, J.T. Cheng, Mechanism of the antihypertensive effect of stevioside in anesthetized dogs, Pharmacol. (1) 67 (2003) 14

24- H. Hanada, H. Senpuku, M. Arakawa, T. Ishizaki, S. Sakuma, Dental drug delivery system agents containing hydroxyapatite, and control of cariogenic bacteria using them, Jpn. Kokai Tokkyo Koho JP 2004035416 (2004) 18 tr.

25- S. Gregersen, P.B. Jeppesen, J.J. Holst, K. Hermansen, Antihyperglycemic effects of stevioside in type diabetic subjets, Metab., Clin. Exp. (1) 53 (2004) 73

26- B. Bogicevic, Oral application of extract of Stevia rebaudiana or its active substances for the elimination of cellulite, Pct Int. Appl. WO 29005048973 (2005)

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Quang Yến